Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô: các phát biểu trước khi làm giáo hoàng


Đức Phanxicô: các phát biểu trước khi làm giáo hoàng

Trước khi được bầu làm giáo hoàng, các nhận định đáng lưu ý nhất của Đức Phanxicô, tức Đức HY Jorge Mario Bergoglio, đã được phát biểu trong hai cuộc phỏng vấn, một với Sefania Falasa năm 2007 và một với Antonea Tornielli năm 2012, cả hai cuộc đều nhân dịp Đức Hồng Y tham dự mật viện hồng y do Đức Bênêđíctô XVI triệu tập.

Từ dưới đi lên

Trong mật viện hồng y năm 2007, ngài nhận rằng ngài có đề cập tới Hội Nghị Toàn Thể lần thứ 5 của các giám mục Châu Mỹ La Tinh tại Aparecida, Brazil, một hội nghị được ngài mô tả là giây phút hồng ân đối với Giáo Hội tại đó. Văn bản đúc kết cuối cùng của hội nghị dài 100 trang được ngài coi là văn kiện huấn quyền của giáo hội vùng này, một văn kiện được hoàn thành trong bầu khí hợp tác chân thực và huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, đây là một công trình chuyển dịch từ dưới lên trên, chứ không ngược lại. Điều này có nghĩa: lần đầu tiên có một hội nghị toàn thể không khởi đầu từ một bản văn soạn sẵn mà từ một cuộc đối thoại cởi mở giữa CELAM và các hội đồng giám mục.

Đã đành, Đức Bênêđíctô XVI, trong diễn văn khai mạc, có đưa ra các chỉ dẫn tổng quát về các vấn đề của Châu Mỹ La Tinh. Nhưng ngài để các giám mục tự do thảo luận. Các nhận định của 23 chủ tịch hội đồng giám mục đã mở ra nhiều cuộc thảo luận tại các nhóm khác nhau. Giai đoạn đúc kết các đóng góp cũng có sự hợp tác của mọi người: Đến lần đúc kết thứ ba, 2,240 đóng góp đã được thu nhận. Chủ trương của Hội Nghị là tiếp nhận mọi đóng góp từ bên dưới, từ Dân Chúa và cố gắng tạo nên không hẳn một tổng hợp (synthesis) mà là một hoà hợp (harmony). Vì theo Đức Hồng Y, hòa hợp mới là chữ đúng: trong Giáo Hội, hòa hợp mới là công trình của Chúa Thánh Thần. Một trong các giáo phụ tiên khởi từng nói rằng Chúa Thánh Thần “ipse harmonia est”. Chỉ có Người mới là tác giả đồng thời của đa nguyên và hợp nhất. Chỉ có Người mới khởi động được dị biệt, đa phức, đa nguyên và đồng thời tạo nên hợp nhất. Còn ta, khi tạo dị biệt ta thường chỉ tạo ra ly giáo, khi tạo hợp nhất ta thường chỉ tạo ra độc dạng.

(Điều đáng lưu ý là ngày 15 tháng Ba vừa qua, khi gặp gỡ các hồng y tại Rôma, Đức Phanxicô đã nhắc lại y nguyên nhận định trên, khi ngài nói: Chúa Thánh Thần là cội nguồn của đa nguyên và hợp nhất trong Giáo Hội. Một đàng Chúa Thánh Thần là tác giả mọi dị biệt trong Giáo Hội, như thể Người là tông đồ của Babel. Nhưng mặt khác, Người chính là Đấng đã tạo hợp nhất từ chính các dị biệt này, không phải trong bình đẳng mà là trong hoà hợp)

Điểm thứ hai được Đức Hồng Y trình bày với mật viện hồng y là Hội Nghị Aparecida là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một Đền Thờ Đức Mẹ. Cử hành Thánh Thể hàng ngày với dân thật khác với việc cử hành Thánh Thể giữa các giám mục với nhau. Nó cho các vị giám mục một cảm thức sống động được thuộc về dân, một cảm thức sống động về Giáo Hội đang đồng hành trong tư cách Dân Chúa, mà giám mục là các đầy tớ. Rồi các buổi thảo luận diễn ra ngay tại một phòng họp nằm dưới đền thờ. Từ đó, các giám mục tiếp tục được nghe lời kinh, giọng hát của tín hữu. Chính vì thế mà trong văn kiện cuối cùng có phần nói tới lòng đạo đức bình dân. Đây là những lời lẽ thật tươi đẹp mà Đức Hồng Y tin rằng không thể có được nếu không có bầu khí cầu nguyện cộng đồng kia. Theo ngài, sau các đoạn tuyệt vời của Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đây là những trang viết hay nhất về lòng đạo đức bình dân trong văn bản của Giáo Hội.

Về một phương diện, Đức Hồng Y Bergoglio ví văn kiện đúc kết tại Aparecida với Tông Huấn vừa kể của Đức Phaolô VI, bởi nó dành hẳn phần lớn để nói về truyền giáo. Đối với ngài, muốn trung thành, ta phải đi ra ngoài. Tâm điểm truyền giáo là đấy. Ngài bảo: trung thành bao giờ cũng hàm nghĩa ra ngoài. Bởi nếu muốn trung thành với Chúa, ta phải ra ngoài chính bản thân ta. Ở điểm này, những người duy truyền thống hay cực đoan đã sai lầm, khi cứ khư khư ở lại, không ra ngoài, không thay đổi. Trung thành, trái lại, luôn luôn thay đổi, trung thành là triển nở, là lớn lên. Chúa đem thay đổi lại cho những người trung thành với Người. Đó chính là tín lý Công Giáo. Thánh Vincent Lerins so sánh việc phát triển sinh học của một con người: họ phải lớn lên, với Thánh Truyền, khi chuyển giao kho tàng đức tin từ thế hệ này cho thế hệ nọ, cũng lớn lên và tự củng cố với thời gian.

Đức Hồng Y nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần. Nhiệm vụ của ta là can đảm gieo vãi Lời Chúa, rồi để Chúa Thánh Thần lo những việc còn lại. Tin Mừng dạy ta: chính Chúa sẽ làm hạt giống nẩy mầm và sinh hoa trái. Ngài trích dẫn các thần học gia tiên khởi ví linh hồn người ta như thuyền buồm, Chúa Thánh Thần là gió thổi buồm căng khiến thuyền lướt sóng. Sự thúc đẩy, sức mạnh của gió chính là các ơn Chúa Thánh Thần. Không có sự thúc đầy ấy, không có các ơn thánh ấy, ta không đi tới đâu hết. Chính Người giúp ta bước vào mầu nhiệm Thiên Chúa và cứu ta thoát khỏi nguy cơ của một Giáo Hội ngộ đạo, nhất là nguy cơ một Giáo Hội tự qui chiếu vào chính mình (self-referential Church), để dẫn ta đi truyền giáo.

Garage thay vì nhà thờ

Điều trên không khiến ta vứt bỏ mọi giải pháp có tính chức năng, mọi kế hoạch và hệ thống mục vụ. Ngược lại, bất cứ điều gì dẫn tới Thiên Chúa đều tốt cả. Ngài bảo, các nhà xã hội học tôn giáo thường cho rằng ảnh hưởng của một xứ đạo có bán kính 6 trăm mét. Nhưng ở Buenos Aires, các giáo xứ cách nhau tới 2 nghìn mét, nên ngài bảo các linh mục của ngài nếu cần thì thuê một garage (chứ không phải nhà thờ) rồi kiếm một giáo dân có thiện chí tới đó, để giao tiếp với dân chúng, dạy giáo lý qua loa và nếu cần cho rước lễ! Các linh mục thưa lại: nhưng như thế thì còn ai tới nhà thờ nữa? Ngài bảo: “Các cha nói sao? Hiện nay họ có đến nhà thờ hay không?” Các ngài thưa: “Không”. Thế đó, ra ngoài chính mình còn là ra ngoài chính thửa vườn rào kín của xác tín riêng, vốn được coi là không thể chuyển rời, nếu chúng trở thành chướng ngại, nếu chúng đóng kín chân trời vốn là chính Thiên Chúa.

Ngài cũng chỉ trích chủ nghĩa giáo sĩ hóa. Các linh mục đang giáo sĩ hóa giáo dân, các giáo dân đang nài xin được giáo sĩ hóa. Thật khác xa kinh nghiệm của Nhật Bản xưa: cả một cộng đoàn còn nguyên vẹn là Kitô Giáo dù không có linh mục cả hơn hai trăm năm. Khi trở lại đó, các nhà truyền giáo thấy mọi người đều được rửa tội, mọi người đều kết hôn thành sự, và mọi người chết đều được tống táng theo nghi lễ Công Giáo. Đức tin vẫn nguyên vẹn với hồng ân ơn thánh làm vui cuộc sống của người giáo dân vốn chỉ lãnh nhận phép rửa và vốn chỉ sống sứ mệnh tông đồ của họ nhờ đã lãnh phép rửa mà thôi…

Tiên tri Giôna

Nhân dịp này, Đức Hồng Y Bergoglio kể cho Falasa nghe câu truyện tiên tri Giôna. Vị tiên tri này hiểu rõ mọi chuyện. Ông hiểu rõ về Chúa, ông hiểu rõ thế nào là thiện thế nào là ác, Thiên Chúa làm gì, Thiên Chúa muốn gì, ai trung thành với Giao Ước và ai đi trệch ra ngoài Giao Ước. Ông còn có cả công thức để trở thành một tiên tri tốt. Thiên Chúa bước vào đời ông như một cơn nước lũ. Người sai ông tới Ninivê, vốn là biểu tượng của những gì cách biệt, sa ngã, của những gì ngoại vi, bên lề, của những kẻ ở bên ngoài, xa cách. Giôna thấy nhiệm vụ trao cho ông chỉ là nói cho dân ấy biết cánh tay Thiên Chúa vẫn rộng mở, lòng kiên nhẫn của Người vẫn còn đó và chờ đợi để chữa lành họ với ơn tha thứ và nuôi họ bằng tình âu yếm. Thiên Chúa sai ông tới đó chỉ có thế. Người sai ông tới Ninivê, nhưng thay vào đó, ông đã trốn chạy theo hướng đối nghịch, tới Tarsis.

Theo Đức Hồng Y, Giôna trốn chạy không phải vì lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa đối với Ninivê. Mà vì việc ấy không nằm trong kế hoạch của ông. Ông muốn hành động theo cách riêng, ông muốn tự lái lấy hướng đi. Tính bướng bỉnh của ông đã khóa kín ông trong các cấu trúc lượng giá của riêng ông, trong các phương pháp đã sắp xếp trước, trong các ý kiến mà ông cho là chính trực. Ông đã rào kín linh hồn mình bằng dây kẽm gai chắc mẩm thay vì để Thiên Chúa tự do ra vào và mở ra nhiều chân trời phục vụ rộng lớn hơn đối với tha nhân, nên cuối cùng đã chai đá hóa tâm hồn mình. Ôi cái lương tâm cô lập đã chai đá hóa tâm hồn con người xiết bao! Giôna không còn thấy rằng Thiên Chúa hướng dẫn Dân Người bằng trái tim của một Người Cha.

Đức HY Bergoglio cho rằng các chắc mẩm của ta có thể trở thành một bức tường, một nhà tù giam hãm Chúa Thánh Thần. Những ai cô lập lương tâm mình khỏi đường đi của Dân Chúa không nếm được niềm vui của Chúa Thánh Thần, một niềm vui nuôi sống hy vọng ta. Đó chính là nguy cơ của một lương tâm cô lập. Những ai, từ thế giới Tarsis khép kín, chỉ biết than van mọi sự hay thấy bản sắc mình bị đe dọa, cuối cùng sẽ càng tự quan tâm và qui chiếu vào chính mình hơn mà thôi. Đây là tên khác của điều De Lubac gọi là “tính thế gian trong giới tâm linh” (spiritual worldliness). Nhà thần học trứ danh của Vatican II cho rằng căn bệnh này nguy hiểm hơn cả bệnh phong cùi, từng tàn hại khuôn mặt nàng dâu yêu quí của Chúa Kitô vào thời các giáo hoàng sa đọa. Tính thế gian này tự đặt mình làm tâm điểm, như bọn Biệt Phái xưa, và đã bị Chúa Kitô cực lực lên án: “… Các ông tự quang vinh chính mình. Các ông tự ban vinh quang cho nhau”.

Muốn chống lại xu hướng cô lập ấy, ta nên nhìn người khác không theo điều họ phải là mà là theo điều họ đang là. Không với tiền niệm hay công thức mà là đại lượng cởi mở. Thiên Chúa nói tới thương tích và yếu đuối. Hãy để Thiên Chúa nói… Điều đáng lưu ý không phải là điều ta nói, mà là sự hiện diện của Đấng yêu thương, cứu vớt ta. Lòng sốt sắng tông đồ sẽ tự đổi mới để ta làm chứng cho Người, Đấng đã yêu thương ta từ nguyên thủy.

Thành lễ tại công trường

Ngày 24 tháng 2 năm 2012, trong một cuộc phỏng vấn của Andrea Tornielli, đại diện của tờ Vatican Insider, Đức HY Bergoglio đã nói về tân phúc âm hóa mà trước đó trong mật viện hồng y, Đức Bênêđíctô XVI đã chính thức phát động. Tornielli sở dĩ phỏng vấn ngài vì tại Buenos Aires, Giáo Hội vốn đã ra ngoài phố, công trường và trạm xá để phúc âm hóa và cử hành các bí tích. Ông yêu cầu ngài bình luận về các cuộc thảo luận trước đó trong mật viện và lời lẽ của Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y cho rằng việc Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh tới Tân Phúc Âm Hóa và mở ra Năm Đức Tin rất tương hợp với bối cảnh của Châu Mỹ La Tinh, nơi mà Hội Nghị Toàn Thể các giám mục của châu lục họp tại Aparecida năm 2007 đã quyết định gọi châu của mình là châu lục truyền giáo, mà đỉnh cao là việc đòi mọi hoạt động bình thường của Giáo Hội phải được tiến hành theo quan điểm truyền giáo. Điều này có nghĩa phải có một căng thẳng rất mạnh giữa trung tâm và ngoại vi, giữa xứ đạo và khu phố. Ta cần phải ra ngoài chính ta và hướng ra ngoại vi (periphery). Ta cần xa lánh cơn bệnh tâm linh của Giáo Hội, một cơn bệnh tự gói mình trong chính thế giới của mình: Khi một giáo hội trở nên như thế, nó sẽ mang bệnh. “Dĩ nhiên, ra ngoài phố có cái nguy gặp tai nạn, như bất cứ người đàn ông đàn bà bình thường nào khác. Nhưng một giáo hội tự bó mình trong chính mình, sẽ già nua đi. Và nếu phải chọn giữa một giáo hội bị thương tích vì ra ngoài phố và một giáo hội đau yếu vì cứ ở mãi trong nhà, chắc chắn tôi sẽ chọn thứ giáo hội đầu”.

Tại Buenos Aires, giáo hội tìm cách tiếp xúc với các gia đình không còn liên hệ gì với giáo xứ. Thay vì làm một giáo hội chỉ biết đứng đó chào mời và tiếp rước, giáo hội tại đó cố gắng làm một giáo hội chịu ra khỏi mình và đi gặp gỡ những người đàn ông đàn bà không còn tham dự sinh hoạt giáo xứ nữa, không còn biết nhiều về giáo xứ và tỏ ra dửng dưng với giáo xứ. Giáo hội tổ chức những buổi đại phúc ngay tại các công trường, nơi dân chúng hay tụ tập: để cầu nguyện, cử hành Thánh Lễ, rửa tội sau một chuẩn bị ngắn. Đó là phong cách sinh hoạt của giáo xứ và của cả giáo phận nữa. Ngoài ra, giáo hội còn cố gắng vươn tay ra với những người ở xa, bằng các phương tiện kỹ thuật số, liên mạng và tin nhắn.

Ai đứng nhất

Nhận định về lời Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh tới tinh thần phục vụ, Đức HY Bergoglio cho rằng ngài rất có ấn tượng về hình ảnh được Đức Giáo Hoàng đưa ra về Thánh Giacôbê, Thánh Gioan và các căng thẳng của các tông đồ quanh việc ai là người đứng nhất. Điều này cho thấy một số thái độ và luận điểm tiêu cực đã có ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội. Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Tuy nhiên, chức hồng y, hay bất cứ chức tước nào trong Giáo Hội, là để phục vụ, chứ không phải một huân công để khoe khoang.

Theo Đức Hồng Y, hư danh, khoe mẽ là một thái độ rút gọn tâm linh thành một thứ trần đời. Đây là tội lỗi lớn nhất trong Giáo Hội. Một lần nữa, ngài lại nhắc tới kiểu nói “tính thế gian trong giới tâm linh” trong cuốn Méditation sur l’Église (Suy Niệm Về Giáo Hội) của Henri De Lubac. Tính thế gian này là một hình thức của chủ nghĩa lấy con người làm tâm điểm ngay trong tôn giáo, một chủ nghĩa có rất nhiều yếu tố Ngộ Đạo. Say mê nghề nghiệp (careerism) và mưu tìm thăng thưởng chính là tính thế gian này. Ngài ví nó với con công: nhìn đàng trước thì thấy đẹp mà nhìn đàng sau, thì chả còn gì là đẹp nữa. Ai chiều theo những hư danh tự phụ đó đều có những đáng thương vô vàn ẩn nấp phía sau.

Các chức sắc của Giáo Hội không phải là các đại diện phi chính phủ (NGO) mà là đầy tớ của Chúa, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, Đấng thực sự có khả năng dị biệt hóa các đặc sủng, đồng thời kết hợp các đặc sủng này trong Giáo Hội. Phải xác tín rằng Đấng tạo ra dị biệt và hợp nhất chính là Chúa Thánh Thần. Chức sắc nào không có cái khung tâm thức ấy không phải là chức sắc của Giáo Hội theo quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI.

Giáo Hội là mẹ tôi

Sự kiện mật nghị hồng y lần này diễn ra giữa cảnh khó khăn và căng thẳng của Giáo Hội đang bị tai tiếng rò rỉ không làm cho Đức HY Bergoglio nao núng. Đối với ngài, nó càng làm cho ta sống thực tại ấy theo quan điểm hồi tâm nhiều hơn. Nó mời ta nhìn Giáo Hội vừa thánh thiện vừa tội lỗi cùng một lúc, nhìn cả những thiếu sót và tội lỗi của Giáo Hội mà vẫn nhận ra sự thánh thiện của biết bao nhiêu người đàn ông đàn bà đang làm việc trong Giáo Hội hiện nay. “Tôi không nên cảm thấy bị nhục vì sự kiện Giáo Hội là mẹ tôi: tôi phải nhìn tội lỗi và thiếu sót của Giáo Hội như nhìn tội lỗi và thiếu sót của mẹ tôi. Và mỗi khi nghĩ đến mẹ, tôi nhớ những điều tốt, những điều đẹp mẹ làm hơn là các yếu đuối và thiếu sót của mẹ. Người mẹ bảo vệ mình bằng một con tim đầy tình yêu trước khi làm thế bằng lời. Tôi tự hỏi ngày nay có còn tình yêu nào dành cho Giáo Hội trong trái tim những người chỉ biết chú ý tới các tai tiếng của Giáo Hội hay không”.

Nhận định về Giáo Triều Rôma, Đức Hồng Y cho rằng đó là cơ phận phục vụ, “nó đang giúp tôi và phục vụ tôi. Đôi khi có những tin tiêu cực từ đó phát sinh, nhưng những tin này thường bị cường điệu và thao túng để truyền lan tai tiếng. Các nhà báo đôi khi có nguy cơ mắc chứng thích bẩn (coprophilia, đúng là thích phân) và do đó làm tăng thêm chứng ăn bẩn (coprophagia, đúng là ăn phân). Tội này đang làm hoen ố nhiều người đàn ông đàn bà, nó khiến họ chỉ tập chú vào những khía cạnh tiêu cực hơn là tích cực. Giáo Triều Rôma có những tệ hại của nó, nhưng tôi nghĩ người ta đã quá nhấn mạnh tới các khía cạnh tiêu cực của nó, và không nhấn mạnh tới sự thánh thiện của nhiều tu sĩ và giáo dân đang làm việc trong đó”.

Vũ Văn An 3/15/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét