Chúa
Nhật Ngày 17/03/2013
Chúa
Nhật 5 Mùa Chay Năm C
(Phần I)
BÀI
ĐỌC I: Is 43, 16-21
"Đây Ta sẽ làm
lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Chúa là Đấng mở đường dưới biển, mở lối đi
dưới dòng nước; Chúa là Đấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều
ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán:
"Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây
Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết;
Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông
rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô
khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta,
nó sẽ ca ngợi Ta". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Đáp: Chúa đã đối xử đại lượng với
chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
1)
Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ,
bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
2)
Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng.
Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
3)
Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai
gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
4)
Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai
mang những bó lúa.
BÀI ĐỌC II: Pl 3, 8-14
"Vì Đức Kitô, tôi
đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự
chết".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như
thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì
Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Đức
Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề
luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên
Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của
Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự
chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.
Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc
đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi
cũng đã được Đức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng
tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng
về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã
ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 8, 12b
Chúa
phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự
sống".
PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11
"Ai trong các
ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng
sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống
và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ
bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người.
Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội
ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy
dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa
Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên
Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này
trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui
từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình
Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy
và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai
kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu
bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng
phạm tội nữa". Đó là lời Chúa.
SUY
NIỆM : Ðức Giêsu Ban Ơn Cứu Ðộ
Hôm
nay là Chúa nhật V mùa Chay, có thể gọi là ngày Chúa nhật chót của cuộc hành
trình 40 ngày đi tới mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Chúa nhật sau đã là Chúa nhật
thương khó, mở ra tuần lễ thánh cử hành những mầu nhiệm cứu độ quan trọng nhất.
Chúng ta có thể thấy trong bài đọc thứ nhất hôm nay giai đoạn cuối cùng của
lịch sử Cựu Ước chuẩn bị ơn cứu độ và trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Chúa
Giêsu đã thật sự đem ơn cứu độ này đến. Thế nên chúng ta sẽ bắt chước thánh
Phaolô trong bài thư hôm nay, vứt bỏ mọi sự để chạy thẳng đến ơn cứu độ mà Chúa
Giêsu đã mang lại, vì không có gì quý hóa và cần thiết hơn ơn cao cả này.
1. Cũ Ðã Qua, Mới Ðã
Ðến
Thật vậy, chúng ta có thể coi bài sách Isaia
hôm nay như muốn kết thúc mọi công cuộc chuẩn bị của Cựu Ước để mở sang thời
đại mới. Chúng ta hãy ôn lại các bài Kinh Thánh Cựu Ước trong các Chúa nhật vừa
qua. Hôm Chúa nhật I mùa Chay chúng ta được nghe biết Chúa bắt đầu gọi một
người Aram
phiêu bạt để trở thành tổ phụ của dân Israen. Sang Chúa nhật II, Chúa đã ký kết
giao ước với Abraham. Ðến Chúa nhật III, Người sai Môsê đi cứu dân khỏi Ai Cập.
Và Chúa nhật IV đã cho chúng ta thấy Giôsua đã đưa dân vào Hứa Ðịa.
Hôm nay, Isaia lên tiếng thay cho thế hệ tiên
tri, thế hệ cuối cùng của Cựu Ước, nếu chúng ta có thể nói được như vậy, để nói
với mọi người đừng nhớ đến cuộc xuất hành cũ nữa, vì kìa một điều mới đã hé
rạng rồi.
Do đó thiết tưởng chúng ta có lý để coi ngày
Chúa nhật hôm nay như là chặng chót của mùa Chay 40 ngày. Và chúng ta phải để
tâm nghe lời Cựu Ước loan báo cho chúng ta về thời đại sắp đến.
Bài sách Giôsua rất cảm động, nó ôn lại thời
buổi Chúa ra tay oai hùng cứu dân. Ðó là lần xuất hành qua biển đỏ. Ðoàn người
nô lệ được bàn tay Chúa giải thoát khỏi Ai Cập. Họ tiều tụy, lếch thếch, nhưng
vinh quang của Chúa phủ xuống trên họ bảo vệ khỏi sự đuổi theo của người Ai
Cập; và nhất là rẽ nước biển cho họ đi qua ráo chân; rồi vùi dập binh mã Pharao
xuống lòng nước. Sự kiện oai hùng ấy là kiêu hãnh của nhà Israen, là bia miệng
của các lân bang một khi nói về dòng dõi Abraham. Thế mà hôm nay Isaia nói:
"đừng nhớ tiếc những cái ban đầu, những chuyện xa xưa, đừng còn ôn lại.
Này, Ta đang gầy dựng một điều mới. Kìa, nó hé rạng rồi".
Như vậy, lịch sử cũ đã qua. Thời đại mới bắt
đầu Isaia nói mạnh hơn. Ông viết: đã có tạo dựng mới. Và ông mô tả nó thật kỳ
diệu. Những chốn hoang vu khô cháy trước đây sẽ chằng chịt những dòng sông tươi
mát. Và con đường của dân mới không còn thấy sa mạc nóng bỏng, nhưng chỗ nào
Chúa cũng giải khát dân. Người ta không còn vừa đi vừa càm ràm như cuộc xuất
hành xưa, nhưng dân mới sẽ chỉ cất tiếng hát ngợi khen Chúa.
Thật ra Isaia đã không thấy được thời đại mới
này. Nhưng Chúa cho ông biết nó sẽ hoàn toàn trái ngược với những điểm thiếu
sót trong cuộc Xuất Hành cũ. Không phải nó chỉ đẹp hơn; nhưng phải nói là mới
hẳn. Thiên Chúa sẽ làm ra một tạo dựng mới khi đến cứu chuộc dân Người.
Có lẽ Isaia đã nghĩ đến ngày chấm dứt cuộc lưu
đày Babylon .
Nhưng Thánh Thần linh ứng cho ông đã hướng ngòi bút của ông về thời đại xa xôi
hơn, và nhất là về thời đại mới, thời Ðấng Thiên Sai cứu thế đến ban ơn cứu độ.
Và nếu chúng ta thấy lời Isaia hôm nay đầy hứng thơ thì đó chính là vì ông
không nói đến những thực tại trần gian, mà là viết về những đổi thay tinh thần.
Ông tạo cho chúng ta được tinh thần tươi mát để hiểu và đón nhận những mầu
nhiệm thần linh mà ông thấy đã hé rộng cho chúng ta nơi Ðức Giêsu Cứu thế.
Chúng ta hãy nhìn Người trong bài Tin Mừng hôm nay.
2. Ðức Giêsu Ban Ơn Cứu Ðộ
Người ta hồ nghi không biết có phải chính
Gioan đã viết ra đoạn văn này; hay nó là của Luca, một tác giả chuyên môn nói
về lòng thương xót của Chúa và có những nét bút độc đáo về phụ nữ. Nhưng dù là
của tác giả nào, câu chuyện vẫn xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu và nó làm
chúng ta biết Người, hiểu Người một cách thắm thiết.
Vậy hôm ấy, Người ra núi cây Dầu, chắc chắn là
để cầu nguyện. Người vẫn làm như vậy. Và theo Luca, chẳng bao giờ Người nói và
làm một điều gì quan trọng mà không cầu nguyện trước.
Hơn nữa, Người làm chứng không thể sống đạo mà
không cầu nguyện, và cầu nguyện là thành phần quan trọng trong đời sống đạo
đức. Người lại còn quen cầu nguyện ban đêm, khi tất cả đều tịch mịch, để cho
Lời cầu nguyện được sáng sủa và thánh thoát. Nhưng vừa rạng đông, Người đi vào
Ðền thờ để làm việc. Mỗi khi ở Giêrusalem, Người vẫn có thói quen ấy. Ở đấy,
Người có nhiều dịp để nói với người ta về Thiên Chúa.
Và toàn dân đến với Người. Họ thấy Người không
giảng như các luật sĩ. Lời Người có sức mạnh phi thường. Và việc này khiến các
ký lục, luật sĩ, biệt phái... những người lãnh đạo dân khó chịu. Họ mất ảnh
hưởng. Họ sợ địa vị lung lạc, vì Ðức Giêsu không phải chỉ giảng khéo hơn họ, mà
nguy hiểm hơn nữa, Giáo lý của Người có vẻ rất khác. Và như hôm Chúa nhật I mùa
Chay chúng ta đã thấy: có lối giải thích Lời Chúa để vận dụng theo ý mình và có
lối giải thích ép mình vào các đòi hỏi của Lời Chúa. Ðức Giêsu tuyên bố rõ ràng:
Người đến để làm theo ý Ðấng đã sai Người; đang khi các luật sĩ và biệt phái
lại lấy truyền thống của loài người mà làm chết Luật Chúa. Sự xung đột giữa hai
bên không thể kéo dài. Không thể để "thấy" Giêsu giảng dạy khác những
"thầy" khác.
Một cơ hội đến với phe thù địch Ðức Giêsu. Họ
dẫn một người phụ nữ đến, bắt đứng giữa đám, và nói với Người: "Thưa thầy,
phụ nữ ngoại tình này bị bắt tại trận; luật Môsê truyền ném đá hạng đàn bà như
thế; Thầy dạy sao?"
Trông họ không có gì giận dữ. Ngược lại mắt họ
sáng lên vì mừng rỡ. Họ không buồn bực vì có kẻ phạm tội. Họ mừng trước việc
Ðức Giêsu sẽ mắc bẫy họ.
Theo họ, Người không tài nào trốn thoát được.
Nếu Người bảo phải ném đá như Luật dạy, Người cũng sẽ như họ thôi và dân chúng
chẳng có gì mà phải chạy theo nghe lời Người. Người chẳng có giáo lý nào mới.
Người chẳng có thể cứ đi lại mãi với hạng thu thuế và tội lỗi. Hạng này cũng sẽ
mở mắt ra mà thấy Người cũng chẳng bênh đỡ được họ và cứu họ như Người vẫn
thường nói có lòng thương xót đối với tội nhân. Do đó đây là một thử thách ghê
gớm. Nó là cái bẫy công khai không sao thoát nổi. Người có thể bảo không ném đá
người đàn bà hư hốt kia ư? Bấy giờ Người sẽ bị ném đá tức thời vì Người công
khai phá luật Môsê.
Ðã có một phút nín thở. Cái nút đã xiết đang
đòi phải mở. Tuy nhiên có lẽ đám đông hôm ấy cũng vẫn bình tĩnh. Họ có thể nhớ
lại hôm nào Người cũng gặp một trường hợp tương tự. Biệt phái hỏi Người có nên
nộp thuế cho Hoàng đế Rôma chăng? Hôm ấy Người đã trả lời tức khắc và khiến đối
thủ phải bẽ bàng. Hôm nay phản ứng Người khác lạ. Thay vì trả lời tức khắc,
Người cúi xuống vẽ (hay là viết) trên đất. Ðừng tưởng Người muốn suy nghĩ. Nét
mặt Người vẫn bình thản như không. Cũng đừng tò mò muốn biết Người đã viết gì?
Người chỉ muốn người ta yên lặng mà suy nghĩ. Câu chuyện nộp thuế hôm trước là
việc đời. Câu chuyện hôm nay là vấn đề tội lỗi có hệ đến lương tâm. Câu trả lời
không phải ở ngoài miệng như ở trong lòng. Người muốn mấy phút yên lặng cho
người ta lục vấn lương tâm. Nhưng đây là điều lạ điều hạng tội lỗi rất sợ. Họ
đã tới tấp hỏi thêm, giục Người trả lời cho lẹ.
Bấy giờ Người ngẩng lên và khoan thai bảo họ:
"Trong các ông, ai vô tội thì ném đá người này trước đi". Chết rồi,
Người lại hỏi ngược lại. Người ta đem Luật ra để bắt bí Ngài thì chính Luật
pháp bây giờ lại tròng vào cổ người ta. Sách Thứ luật chương 17,5-7 đã qui định
ai là người phải ném đá trước tiên vào tội nhân. Và sách Xuất hành chương
23,6-7 khuyến cáo người ta phải cẩn thận khi xét xử người khác.
Như vậy Pháp luật không xét xử cách máy móc đâu.
Họ đọc lại những điều luật trên đây về xét xử để có tinh thần của Pháp luật.
Phaolô sau này sẽ nói: mặt viết thì giết chết, nhưng tinh thần thì làm cho
sống. Luật sĩ và biệt phái đọc mặt chữ mà không có tinh thần Luật pháp. Ðức
Giêsu bảo họ cứ suy nghĩ đi. Và Người lại cúi xuống viết trên đất, để cho họ
suy nghĩ...
Thế là kẻ trước người sau, họ rút lui hết, các
kẻ cao niên dẫn đầu, họ thật đáng thương. Họ ra đi với lương tâm tội lỗi mà
không thấy có ánh sáng cứu độ, để lại một mình Ðức Giêsu và người phụ nữ kia.
Thánh Augustinô đã chú giải cảnh tượng còn lại này bằng hai chữ: Miseria et
Misericordia (đó là hiện thân của sự khốn nạn và của lòng thương xót). Thánh
nhân đã tỏ ra tuyệt diệu.
Nhưng, đó không phải là bức ảnh bất động. Khi
lòng thương xót gặp cảnh khốn nạn, thế nào cũng có hành động cứu độ. Và Ðức
Giêsu đã tỏ ra thật là cứu thế trong câu chuyện này.
Ngẩng lên, Người thấy người phụ nữ kia còn
đứng đó. Người ấy không lợi dụng lúc người ta rút lui để đi theo. Người ấy còn
chờ phán xét của Chúa, tức là đã công nhận quyền của Ngài xét kẻ tội nhân.
Nhưng người ấy chờ đợi đầy tin tưởng; và đã không phải hổ ngươi, như Lời Chúa
vẫn hứa. Quả thật, Chúa đã bảo người ấy: "Ta cũng không xử tội ngươi đâu.
Ði đi và từ nay đừng phạm tội nữa".
Chắc chắn người ấy đã ra đi nhẹ nhỏm, nếu
không bảo là hân hoan, khác với những người kia vì tất cả đều phải công nhận:
Ðức Giêsu là Cứu thế. Ngài có quyền xét xử; nhưng đã thi hành bằng lòng thương
xót. Ngài diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, không muốn kẻ tội lỗi phải chết,
nhưng đã cứu họ khỏi tội và được sống. Ngài thật là niềm hy vọng của chúng ta
là nhân loại tội lỗi. Sự hiện diện của Ngài ở trần gian đã hé rạng cho chúng ta
thấy một thời đại mới, một cuộc xuất hành mới, một tạo dựng mới, như lời Isaia
hôm nay đã loan báo. Thánh Phaolô đã nhìn thấy như vậy và đã lựa chọn lập
trường như sau:
3.
Tôi Coi Mọi Sự Là Thua Lỗ
Thánh Tông đồ đang tâm sự với giáo dân Philíp.
Người trìu mến họ và thấy họ thật đáng trìu mến. Do đó Người có thể chia sẻ mọi
tâm tình với họ, nhất là những nỗi cực lòng về phía những người Do Thái và tông
đồ giả. Những kẻ này chê bai Người chẳng có gì là vinh dự cả. Họ có ý nói đến
những vinh dự thế gian theo nghĩa xác thật như địa vị xã hội, giàu sang, phú
quý hay học thức uyên thâm... Có chứ, Người có nhiều lắm, và có thể kể ra từng
chuỗi; nhưng Người bảo: "Tôi coi mọi sự ấy hết thảy là thua lỗ bất lợi cả
sánh với cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi". Người
còn nói mạnh hơn nữa: "Tôi coi tất cả là phân bón để lợi được Ðức Kitô và
thuộc về Ngài".
Không sự lựa chọn nào dứt khoát và thâm tín
hơn. Và nếu chúng ta muốn biết lý do nào đã khiến thánh Phaolô cương quyết như
vậy, thì chỉ cần đọc tiếp câu Người viết trong bài thơ hôm nay. Ðó là một lời
thú nhận, gợi lên một sự đổi thay quan trọng trong cuộc đời của Người.
Người nhớ mình thuộc dòng giống Israen, họ
Benjamin, Hipri sinh bởi Hipri, chịu cắt bì đúng ngày thứ 8; sống theo lề luật
Biệt phái; nhiệt thành đến nỗi bắt bớ Hội Thánh; chiếu theo đức công chính
trong lề luật thì thực vô phương trách cứ! Ai bì được với Người? Nhưng, vì Ðức
Kitô, Người đã đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón tất cả, để được sự công
chính, không phải bởi công lao riêng, hay nại vào lề luật, nhưng là do Thiên
Chúa ban xuống cho lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô. Chính Ngài công chính hóa những
ai đến với Ngài như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Ngài đã công chính hóa người
đàn bà tội lỗi. Lề luật đã công chính hóa người ấy; và những kẻ giữ luật chỉ
sẵn sàng xô người ấy đến chỗ chết. Nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô đã
đổi mới hẳn con người tội lỗi, đến nỗi chúng ta thấy những người tưởng mình
công chính đã ra về với lương tâm tội lỗi; còn kẻ trước kia tội lỗi đã ra về
được tha thứ và muốn sống thánh thiện.
Ðối với thánh Phaolô, Chúa Giêsu là Ðấng Cứu
Thế theo nghĩa đó. Chỉ ở nơi Người mới có ơn cứu độ; nên thánh Tông đồ chỉ biết
chạy thẳng đến với Người. Người quên phía sau, là quá khứ sống trong chế độ lề
luật trước đây, mà lao mình về phía trước, để được biết về Ðức Giêsu và quyền
năng sống lại của Người, để đã thông phần vào sự thống khổ của Người thì cũng
đạt đến ơn Phục sinh từ cõi chết.
Suy nghĩ về sự lựa chọn của thánh Phaolô,
chúng ta thấy rõ Người có lý. Người giúp chúng ta biết phải làm gì khi đã thấy
con người và vai trò cứu thế của Ðức Giêsu Kitô trong bài Tin Mừng Luca. Rõ
ràng nếu muốn trở thành tạo vật mới có đời sống mới, như tiên tri Isaia đã báo
trước, chúng ta phải tin vào Ðức Giêsu Kitô là tình thương xót của Thiên Chúa
đến đổi mới thân phận khốn nạn của loài người chúng ta. Chúng ta phải lựa chọn
Ngài, thi hành các đòi hỏi của Ngài cho dù có phải hy sinh tất cả mọi sự khác.
Vì chỉ có ơn cứu độ ở nơi Ngài và chỉ Ngài có thể làm cho chúng ta nên công
chính.
Những ngày này là những ngày chót đưa chúng ta
lại với mầu nhiệm cứu thế của Ngài. Ðừng ai đến tham dự các mầu nhiệm Phụng vụ
thánh với não trạng của luật sĩ và biệt phái; họ tự cho mình là công chính và
muốn lên án kẻ khác. Nhưng chúng ta hãy như người đàn bà tội lỗi, đến với Chúa
mà không che giấu tội lỗi của mình. Ngài sẽ thương xót, tha thứ và ban ơn đổi
mới tâm hồn và đời sống chúng ta.
Chính giờ đây trong thánh lễ, Ngài đã muốn làm
công việc này. Chúng ta hãy đến với tâm trạng khốn nạn vì tội lỗi. Lòng thương
xót của Ngài lênh láng trong chén rượu đầy và nơi lời đầy xót thương. Này là
Mình Ta sẽ chịu nộp vì chúng con. Chúng ta sẽ được hồi sinh và về với tinh thần
đổi mới. Chúng ta góp phần vào làm ra một tạo dựng mới và một thời đại mới,
thời đại của Chúa Kitô, tạo dựng ở nơi Ngài. Amen.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Chủ Nhật V Mùa Chay, Năm C
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa luôn mời
gọi con người hướng về tương lai.
Nhìn lại lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thấy luôn
có sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và con người. Trong khi Thiên Chúa muốn con
người tuân giữ Lời Người để được hạnh phúc, con người lại bất tuân phạm tội để
rồi phải chịu đau khổ và chịu chết. Trong khi Thiên Chúa luôn tìm mọi cơ hội để
đưa con người trở về, con người lại tìm cách đóng mọi cửa để anh chị em mình bị
giam giữ trong tội. Trong khi Thiên Chúa luôn hàn gắn, chữa lành, và khơi niềm
hy vọng được sống; con người lại tìm cách gây chia rẽ, hủy hoại, và gieo đau
thương chết chóc.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên tình thương
vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người qua các việc người làm. Trong Bài Đọc
I, tuy con người xứng đáng với mọi hình phạt trong nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn
luôn mời gọi con người hướng về tương lai; Ngài sẽ cho họ có cơ hội trở về quê
hương như đã từng đưa cha ông họ vượt Biển Đỏ để ra khỏi đất nô lệ Ai-cập.
Trong Bài Đọc II, tuy con người phải chết vì đã không giữ Lề Luật của Thiên
Chúa, Ngài đã cho Đức Kitô, Người Con của Ngài xuống trần để đền tội thay cho
con người. Nhờ sự hy sinh của Ngài, các tín hữu được trở nên công chính và hy
vọng sẽ được hưởng phần thưởng là cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, một số kinh
sư và biệt phái đưa một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến với Chúa
Giêsu để bị ném đá. Mục đích của họ là để thử xem Chúa Giêsu sẽ hành xử thế
nào: theo Luật Moses để ném đá người phụ nữ hay bảo vệ Luật yêu thương của
Ngài?
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về
những việc thuở trước.”
1.1/
Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: Người Do-thái luôn
hướng về Biến-cố lịch sử quan trọng này như một bằng chứng của tình yêu và uy
quyền của Thiên Chúa. Mỗi năm khi mừng Lễ Vượt Qua, người cha trong gia đình
phải cắt nghĩa tường tận cho con cháu hiểu biến cố này. Mục đích là để nhắn nhủ
con cháu đừng bao giờ lãng quên tình thương Thiên Chúa để chạy theo và thờ
phượng các thần ngoại.
1.2/
Thiên Chúa sắp chuẩn bị cho dân cuộc xuất hành mới: Mỗi khi người Do-thái
bị đô hộ bởi thế lực của ngoại bang hay làm nô lệ tại nơi lưu đày, họ luôn nhớ
lại những gì Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên họ trong biến cố Xuất Hành và xin
Thiên Chúa giải thoát họ khỏi thế lực nước ngoài. Bối cảnh chương 43 của Sách
Isaiah hôm nay là hai cuộc lưu đày của người Do-thái tại Assyria và Babylon;
Thiên Chúa gởi tiên-tri Isaiah tới trong nơi lưu đày để tăng niềm hy vọng cho
dân: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những
việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi
không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những
dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn
vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng
đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta đã gầy dựng cho Ta dân
này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.” Có hai mức độ hoàn thành của lời sấm:
(1)
Thiên Chúa sẽ mở một con đường giữa sa mạc cho dân trở về xây dựng lại quê
hương và Đền Thờ. Tiên-tri trấn an dân: Họ không cần phải tiếc nuối huy hoàng của
biến cố Xuất Hành, vì Thiên Chúa sắp làm những việc lớn lao hơn. Ngài sẽ phóng
thích dân chúng, cho họ về xây dựng lại quê hương và Đền Thờ, qua chiếu chỉ của
Cyrus và Darius, hai vua của Dân Ngoại Ba-tư.
(2)
Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô: Ngài sẽ gởi Đấng Thiên Sai tới để giải thoát
họ khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Không chỉ người Do-thái mà tất cả Dân Ngoại sẽ
nhận ra và thờ lạy Thiên Chúa.
2/
Bài đọc II: Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao
mình về phía trước.
2.1/
Thẩm định quá khứ: Bối cảnh của trình thuật hôm nay là hoàn cảnh của Phaolô đang
bị giam giữ trong tù (có thể tại Ephesus ).
Ngài có thời giờ nhìn lại quá khứ, cuộc trở lại trên đường đi Damascus, và hành
trình rao giảng Tin Mừng. Ngài xác tín hai điều quan trọng trong Thư gởi các
tín hữu Philip:
(1)
Có Đức Kitô là có tất cả: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời,
là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi
coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”
(2)
Lề Luật không làm cho con người nên công chính; nhưng là niềm tin vào Đức Kitô: “Được như vậy, không
phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Moses đem lại, nhưng nhờ
sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban,
dựa trên lòng tin.”
2.2/
Biết dùng thời gian hiện tại để học biết về Đức Kitô: Ngài khuyên các tín
hữu: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào
nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng
hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng
được sống lại từ trong cõi chết.”
+
Sự phục sinh:
Thiên Chúa đã dùng uy quyền làm cho Đức Kitô sống lại vinh hiển từ cõi chết.
Đức Kitô là bảo đảm cho sự sống lại mai sau của các tín hữu.
+
Thông phần đau khổ sẽ thông phần vinh quang: Đức Kitô đã phải trải qua Cuộc Thương Khó để
đền tội cho con người. Nếu các tín hữu cùng chịu thông phần đau khổ với Đức
Kitô, họ cũng sẽ thông phần vinh quang với Ngài.
2.3/
Hướng về tương lai: Con người hành động là cho một mục đích: Vinh quang phục sinh là
niềm hy vọng thúc đẩy con người tiến tới. Thánh Phaolô tin chắc chắn nếu ngài
cứ thẳng đường tiến tới, Ngài sẽ nhận được triều thiên vinh hiển là sự phục sinh
mà chính Đức Kitô đang chờ đợi để trao cho Ngài. Hành động nhất tâm tiến tới sẽ
giúp ngài không chia trí vào những chuyện khác, nhưng vượt qua mọi khó khăn
gian khổ để đạt đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người qua Đức Kitô. Tuy
vẫn còn nhiều gian nan dọc đường; nhưng nếu các tín hữu luôn để Đức Kitô làm
chủ cuộc đời, Ngài sẽ giúp họ vượt qua tất cả.
3/
Phúc Âm: Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội
nữa!
3.1/
Bẫy giăng để Chúa Giêsu phải rơi vào: Trình thuật cho chúng ta thấy các chi
tiết của biến cố: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với
Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisees
dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta
đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả
tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Moses truyền cho chúng tôi phải ném
đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?"
(1)
Luật Moses:
Gioan cho chúng ta thấy rõ đây là một bẫy giăng của các kinh sư và biệt phái:
“Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Theo Luật Moses (Lev
20:10; Dnl 22:22-24), những người phạm tội ngoại tình đều bị ném đá cho đến
chết.
(2)
Luật yêu thương của Chúa Giêsu: Họ biết Chúa Giêsu dạy dân chúng về luật yêu thương và
tha thứ; vì thế, họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy giáo lý Chúa Giêsu dạy
là sai trái, vì đi ngược lại với Luật Moses.
Một
người sẽ nhận ra ngay họ đang đặt Chúa Giêsu vào tình thế lưỡng nan: nếu Chúa
Giêsu nói không được ném đá, hòn đá của họ sẽ ném trên Ngài vì dám xúi dân
chống lại Luật Moses; nếu Chúa Giêsu cho phép ném đá, Luật tha thứ và yêu
thương của Ngài sẽ trở nên vô hiệu, vì Ngài dạy một đàng làm một nẻo. Họ tin
chắc Chúa Giêsu sẽ không có lối thoát. Chúng ta hãy xem cách xử thế khôn ngoan
của Thiên Chúa.
3.2/
Luật yêu thương toàn thắng.
(1)
Giây phút xét mình cần thiết: “Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ
hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ
việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.” Ngài
viết gì, chúng ta không biết. Một điều chắc chắn Chúa Giêsu muốn mời gọi mọi
người xét mình trước khi kết án người khác; và có thể Ngài soi thấu tâm hồn của
từng người để đừng xét mình cách bất cẩn.
Khi
xét mình, con người thấy mình cũng chẳng tốt đẹp hơn ai; điều này giúp con
người dễ thông cảm và tha thứ cho người khác. Nếu mình chưa tốt đẹp, tại sao
lại bắt tha nhân phải tốt đẹp? Họ cũng là người yếu đuối như mình thôi. Người
không thường xuyên xét mình sẽ dễ dàng kết án tha nhân, vì họ tưởng là họ tốt
lành, hoàn hảo.
(2)
Đấng duy nhất có quyền kết án lại từ chối không kết án: Nghe lời thách thức
của Chúa, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi;
sau cùng, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.
Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị
sao?" Chị trả lời: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giêsu nói:
"Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng
phạm tội nữa!"
Giây
phút đối diện với Chúa Giêsu chắc chắn sẽ khắc sâu một kỷ niệm khó quên trong
tâm hồn người phụ nữ. Đây là Người duy nhất có uy quyền kết tội lại từ chối
không kết tội chị; Ngài mở ngỏ ngưỡng cửa tương lai và mời chị bước vào. Ngài
như thầm bảo chị: tuy tội chị phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; nhưng người chịu
thiệt hại nhất chính là chị. Hãy lợi dụng cơ hội tha thứ để sửa mình và làm cho
cuộc đời của chị tốt đẹp hơn.
Chúa
Giêsu đã chứng minh: Luật yêu thương tha thứ của Ngài chiến thắng khải hoàn
trên Luật Moses, vì Luật yêu thương đưa về cho Thiên Chúa một người con tưởng
chừng đã mất; trong khi nếu theo Luật Moses, chắc chắn sẽ để lại một xác chết.
Thiên Chúa chẳng vui gì khi thấy một người con chết; nhưng Ngài nhảy mừng khi thấy
một người con biết ăn năn trở lại và được sống.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa phải sửa dạy chúng ta bằng đau khổ; nhưng Ngài có uy quyền trên mọi
quyền lực thế gian để phục hồi địa vị làm con, nếu chúng ta biết thành tâm trở
về với Ngài.
-
Hãy để Đức Kitô làm chủ hoàn toàn cuộc sống chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta
vượt qua mọi gian khổ trong cuộc đời và sẽ ban cho chúng ta triều thiên vinh
hiển là cuộc sống đời đời.
-
Chúng ta hãy thường xuyên xét mình thay vì phí thời giờ xét đoán tha nhân. Người
năng xét mình sẽ có cơ hội thăng tiến bản thân, dễ dàng tha thứ cho tha nhân,
và được Thiên Chúa xét xử khoan hồng trong Ngày Chung Thẩm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng Ba
17
THÁNG BA
Quí Hơn
Vàng!
Trong Mùa Chay, chúng ta ôn lại Thập Giới, vì
đây là mùa mà Đức Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta khảo sát lương tâm mình. Từ đầu
Mùa Chay, Chúa không ngừng giục giã chúng ta hoán cải và giao hòa. Tiếng thúc
giục này liên can với việc chúng ta tuân giữ luật luân lý của Thiên Chúa như
được thể hiện trong Thập Giới. Hoán cải có nghĩa là đoạn tuyệt với sự dữ và dứt
bỏ các thứ tội lỗi. Hoán cải là quyết định trở về vâng phục Thiên Chúa và thực
thi điều tốt.
Chúng ta biết rằng Đức Giêsu Kitô đã đến để
hoàn thành mọi giới răn mà Thiên Chúa đã trao cho dân Ngài tại Núi Si-nai.
Người đòi dân It-ra-en phải tuân phục các giới răn đó. Người xác nhận với họ
rằng việc tuân phục các giới răn ấy chính là nền tảng của cuộc giao hòa với
Thiên Chúa và của ơn cứu độ vĩnh hằng.
Đó là lý do vì sao phụng vụ thốt lên: “Lạy
Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện… Huấn
lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỉ cõi lòng… Quyết định Chúa phù hợp
chân lý, hết thảy đều công minh; thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng”
(Tv 19,8-11).
Mùa Chay là lúc để ta quay về với Thập Giới
của Thiên Chúa. Trong ánh sáng của Thập Giới, chúng ta bắt đầu khảo sát lương
tâm mình và đào thải mọi tội lỗi đã bén rễ trong đời ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
17-3
Chúa
Nhật V Mùa Chay
Is
43,16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8,1-11
LỜI
SUY NIỆM: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,
7).
Trong
Tin Mừng đưa ra hình ảnh các kinh sư và người Phrisêu dẫn đến trước mặt Chúa
Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Có cả một đám đông đang bị kích
động ùa theo. Họ đòi nơi Chúa Giêsu một sự kết án. Nhưng Chúa Giêsu lại mở cho
họ một lối thoát, để khỏi kết án anh em, nhờ đó khỏi bị Thiên Chúa kết án; Chúa
Giêsu nhắc họ nhìn lại chính mình trước khi kết án người anh em. Nhờ đó đám
đông đã không phạm thêm tội. Và cuối cùng Chúa Giêsu nói với tội nhân: “Thôi
chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đây là một giáo huấn của Chúa Giêsu
đang dạy chúng ta: luôn phải nhìn lại mình, trước khi lên án anh em; thật ra
chúng ta đều bất toàn, nên không có quyền đoán xét và lên án ai. Điều thứ hai
đã là tội nhân thì phải biết sám hối và quyết tâm thực hiện cho bằng được là
đừng bao giờ tái phạm.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
17-03
Thánh
PATRICIÔ, Giám mục (.... - 492)
Là anh hùng dân tộc và thánh bảo trợ của Ai
Nhĩ Lan, Patriciô chào đời tại Bretagne .
Trang trại của cha Ngài, phó tế Calpurniô, ở gần biển. Patriciô được 16 tuổi
khi bọn hải khấu Ai Nhỉ Lan đến cướp phá bắt người. Thảm họa thường xẩy ra thời
man rợ này. Patriciô bị bán sang Ai Nhĩ Lan. Ngài chăn súc vật trên núi và đã
nếm mùi cực của đời làm tôi mọi. Ngài đau khổ nhiều.
Nhưng thời kỳ gian lao phải làm nô lệ này lại
là thời kỳ phong phú nhất đối với đời Ngài. Suốt những tháng ngày dài đơn độc,
Ngài nghĩ tới Thiên Chúa. Những lời dạy dỗ của cha mẹ mà trứơc kia Ngài chẳng
chú ý gì tới, bây giờ lại trở thành động lực sống. Như thế Patriciô tự thánh
hóa, hiến mình cho ơn thánh Chúa, quen thuộc với địa sở, với thổ dân và ngôn
ngữ của họ, chuẩn bị cho sứ mệnh lớn lao của Ngài sau này.
Sáu năm trôi qua, tới ngày đào thoát. Ngài tới
một hải cảng, nơi có một con tàu sắp sửa giương buồm nhổ neo. Nhưng Ngài không
có tiền trả lộ phí các thương gia không cho Ngài đáp tàu. Buồn rầu, Patriciô
trở về. Bỗng chủ tàu gọi lại và cho Ngài lên tàu. Sau ba ngày vuợt biển, họ tới
một miền hoang vu ở Econe. Các thủy thủ lang thang kiếm ăn. Sự lo âu làm họ
muốn nghẹt thở. Patriciô nói với bạn hữu về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa
mà Ngài thờ lạy.
Các lương dân xin Ngài khẩn cầu cho họ. Họ nói
với Ngài: - Mày là Kitô hữu mà chẳng làm gì được cho chúng tao cả. Mày không
cứu nổi chúng tao khỏi cơn đói này được sao ?
Patriciô trả lời : - Cứ tin tưởng và thật tình
quay về với Chúa, đối với Ngài không có gì là không thể được, để ngay hôm nay
đây, Ngài sẽ gửi đồ ăn tới cho các bạn.
Và chẳng mấy chốc, họ gặp một bầy heo, khiến
cho họ có thể sống cho đến khi tìm tới được miền có dân cư.
Nhiều năm trôi qua sau những biến cố thăng
trầm và cả một thời gian làm nô lệ, Patriciô được trở về và gặp lại cha mẹ.
Dường như sau bao nhiêu gian khổ, Ngài nói về vui hưởng an bình và tình thương.
Nhưng các thị kiến ám ảnh Ngài luôn: các trẻ em giơ tay kêu mời Ngài, xin Ngài
rửa tội cho chúng.
Tận thẳm sâu tâm hồn Ngài biết rằng mình phải
trở lại đảo lưu đày của mình và lần này là để trở thành nô lệ của các tâm hồn.
Lúc khởi sự chương trình, Ngài gặp phải những dèm pha, chống đối tư tưởng như
thời gian và sức lực Ngài đã uổng phí nơi đám lương dân này. Nhưng Patriciô,
người chiến sĩ của Chúa Kitô không nản chí, không dừng bước. Ngài bắt đầu học
đạo ở Gaule, tại cung điện thời danh Iles de Lérins. Trở về, Ngài dành một thời
gian lâu dài tại Anxèrre để hoàn tất việc học hỏi nơi các giám mục Amator và
Germain. Trong khi chuẩn bị công cuộc truyền giáo lớn lao sắp tới Ngài được tấn
phong giám mục. Đó là việc thành lập tòa giám mục Armagh .
Năm 432, Patriciô đi bước quyết định. Ngài sắp
lôi kéo các tâm hồn dân Ai Nhĩ Lan ra khỏi việc sùng bái của các tăng ni (thời
cổ xưa) để tỏ cho họ thấy một quyền năng thiêng liêng cao cả hơn. Ngài biết
rằng để hiến tế chính con người, dân Ai Nhĩ Lan chọn những người ngoại quốc.
Nhưng Ngài đương đầu với mọi nguy hiểm đe dọa đến mạng sống. Ngay tại trung tâm
thờ ngẫu tượng mà các tăng ni cư ngụ, Patriciô ra mắt các thủ lãnh và các chiến
binh.
Bất kể những chống đối dữ dội, Ngài sắp dẫn
các lãnh tụ đến chỗ xin được rửa tội. Luôn luôn Ngài nhằm cải hoá các thủ lãnh
bộ tộc, để rồi họ sẽ dắt dân chúng theo Ngài từ chối quà cáp các vua này muốn
trao tặng Ngài. Tại miền Almonaid. Các đạo sĩ nổi dậy. Patriciô giơ tay trái
lên trời chúc dữ thủ lãnh Rechrad khiến hắn chết tốt. Khi dựng lên nhà thờ ở
bìa rừng gần biển, rất nhiều người đã trở lại. Trong một chuyến đi tới Connaught , chính một tăng lữ đã đón nhận thánh nhân và
giúp Ngài thiết lập một tu viện và một nhà thờ.
Lịch sử kể lại cuộc hoán cải của các con gái
vua Loeghair tại giếng Grogan và diễn từ Ngài đã nói với họ:
- "Thiên Chúa chúng ta cổ xúy tất cả, làm
sống động tất cả, trỗi vượt tất cả, đỡ nâng tất cả, Ngài có một người con vĩnh
cửu như Ngài, giống như Ngài. Thánh linh hiển hiện giữa các Ngài, Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần không hề tách rời nhau. Tôi, tôi muốn dâng các cô
cho vua trên trời. Các cô là những con cái trần thế, các cô có tin không ?
Tiếp sau câu hỏi của thánh nhân, là những câu
đáp:
-
Các cô có tin rằng sau khi chịu phép rửa tội, tội nguyên tổ liền bị xua trừ
không ?
-
Chúng tôi tin.
-
Các cô có tin vào cuộc sống mới sau khi chết không ?
-
Chúng tôi tin.
Thế là Patriciô rửa tội cho họ và các Kitô hữu
xin được xem thấy mặt Chúa Kitô. Patriciô nói: - Nếu không chết, nếu không rước
mình thánh, các cô không thấy được mặt Chúa Kitô.
Và rồi khi đã rước lễ. Các cô gái của nhà vua
lịm đi như chết, gần giếng Crôgan còn nấm mồ của họ.
Không ngơi nghỉ, Patriciô rảo khắp trên hòn
đảo và thích ứng các phong tục ngẫu thần với Kitô giáo. Ngài để cho lương dân
tổ chức lễ thắp lửa ngày 21 tháng sáu kính mùa hè, nhưng là để kính thánh Gioan
Tẩy giả. Ơ Bretagne
vẫn còn giữ được lửa thánh Gioan tẩy giả của Ngài. Do bình cánh chuồn đầy dẫy ở
đồng quê, vị tông dồ cho dân chúng thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Như thế mọi sự
đều có thể là bài học cho việc giảng dạy.
Trên một ngọn đồi, Patriciô lập một ngôi nhà
gỗ cho các tu sĩ. Nơi này đã trở thành một trung tâm vĩ đại, nguồn gốc của
thành phố Armagh . Ngài truyền chức cho các
linh mục, đặt họ ở các thành phố. Còn chính Ngài, Ngài sống đời cầu nguyện mãnh
liệt và kiên trì. Chúng ta khó tưởng tượng nổi, Cuốn Confession của Ngài cho
thấy đức tin, lòng nhân hậu và hạnh phúc của Ngài như một cuộc tử đạo.
Thánh Patriciô đã làm cho cả hòn đảo theo Kitô
giáo. Khi cải hóa dân Ai Nhĩ Lan, Ngài còn là Đấng khai sáng văn minh. Đưa dân
man rợ vào nghệ thuật và khoa học. Các tu viện Ngài để lại phát triển khác
thường lôi kéo các sinh viên tới trong nhiều thế kỷ. Ai Nhĩ Lan được cải hóa đã
thành đảo của các nhà trí thức, các thánh nhân, nhờ dấu vết thánh thiện của
thánh Patriciô.
(Daminhvn.net)
17 Tháng Ba
Chia Sẻ Ánh Sáng Cứu Ðộ
Ngày xưa có một người
cha có ba đứa con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm
việc và cần kiệm, nên ông trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, gần đất xa
trời, ông nghĩ tới chuyện chia gia tài cho các con. Nhưng ông cũng muốn xem đứa
con nào thông minh nhất để phó thác phần lớn gia sản của ông cho nó. Ông liền
gọi ba đứa con đến giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng bạc và bảo mỗi đứa
hãy mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang ở.
Ba đứa con vâng lời
cha cầm tiền ra phố. Người anh cả nghĩ rằng đây chỉ là một công việc dễ dàng.
Anh ta ra tới chợ mua ngay một bó rơm rất lớn mang ngay về nhà. Người con thứ
hai suy nghĩ kỹ lưỡng hơn: sau khi đi rảo quanh chợ một vòng, anh ta quyết định
mua những bao lông vịt rất đẹp mắt.
Còn người con trai thứ
ba, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại: làm sao mua được cái gì với năm đồng bạc này, để
có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha mình. Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt chàng
thanh niên hớn hở, anh ta lại căn tiệm nhỏ mất hút trong đường nhỏ gần chợ, anh
ta mua cây đèn cầy và một hộp diêm. Trở về nhà, anh hồi hộp, không biết hai anh
mình đã mua được cái gì.
Ngày hôm sau, cả ba
người con trai đều họp lại trong phòng của cha già. Mỗi người mang quà tặng của
mình cho cha: Người con cả mang rơm trải trên nền nhà của căn phòng, nhưng
phòng quá lớn, rơm chỉ phủ được một góc nền nhà. Người con thứ hai mang lông
vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được hai góc của căn phòng. Người cha cóvẻ thất
vọng. Bấy giờ người con trai út mới đứng ra giữa phòng, trong tay chẳng mang gì
cả. hai người em tò mò chăm chú nhìn em, và hỏi: "Mày không mua cái gì
sao?". Bấy giờ đứa em mới từ từ rút trong túi quần ra một cây nến và hộp
diêm. Thoáng một cái, căn phòng đầy ánh sáng. Mọi người đều mỉm cười. Người cha
già rất sung sướng vì quà tặng của đứa con út. Ông quyết định giao phần lớn
ruộng đất và gia sản của mình cho con trai út, vì ông thấy anh ta đủ thông minh
để quản trị gia sản của mình và nhờ đó cũng có thể giúp đỡ các anh của nó nữa.
Ðứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự
bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau: thà đốt
lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta, cuộc sống
của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta có lẽ cũng
giống như một căn phòng đen tối... Chỉ cần một người đốt lên một chút ánh sáng,
những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi.
Một chút ánh sáng của một cái mỉm cười. Một
chút ánh sáng của một lời chào hỏi. Một chút ánh sáng của một san sẻ. Một chút
ánh sáng của tha thứ. Và một chút ánh sáng của niềm tin được chiếu tỏa qua sự
vui vẻ chấp nhận cuộc sống... Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất
là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi
mà không ảnh hưởng đến người khác...
(Lẽ
Sống)
17-3
Thánh Patrick
(389?-461?)
Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.
Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.
Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.
Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như "mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay" đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.
Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn.
Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.
Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét