Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

30-03-2013 : THỨ BẢY TUẦN THÁNH (Phần II)


Ngày 30/03/2013
THỨ BẢY TUẦN THÁNH – NĂM C
(Phần II)


SỐNG LỜI CHÚA - THỨ BẢY: VỌNG PHỤC SINH NĂM C

 SỨ ĐIỆP PHỤC SINH. (Lc 24, 1-12)

Tin mừng đêm vọng phục sinh tường thuật lại sự kiện các phụ nữ đến thăm mộ Chúa từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Các bà chứng kiến cảnh tảng đá đậy cửa mộ bị lăn ra ngoài và thi hài Chúa Giêsu không còn ở đó nữa. Thấy vậy các bà rất phân vân, lo sợ. Tuy nhiên Thiên Thần trấn an các bà “sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết?, Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trổi dậy rồi”.
Nhờ đó các bà tin nhận Chúa đã phục sinh. Các bà hân hoan trở về báo tin cho các tông đồ, dù rằng các ông vẫn còn nghi ngờ.
Trình thuật của tin mừng phục sinh tối nay muốn gởi đến chúng ta hai sứ điệp quan trọng.

 Sứ điệp I: Chúa phục sinh mang đến niềm vui.

Trước nỗi lo sợ hoang mang của các bà phụ nữ, Thiên Thần Chúa đã trấn an các bà: “Người không còn ở đây nữa, nhưng đã trổi dậy rồi ” .
Biến cố Chúa Giêsu chịu chết, đã gây nên cho các bà phụ nữ cũng như hầu hết các tông đồ một nỗi hoang mang và lo sợ. Chính vì thế mà ngay khi phục sinh, Chúa muốn chấn an họ bằng cách làm cho các bà phụ nữ nhớ lại Lời Người đã nói khi còn sống: “Con Người phải chịu bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”. Nhất là qua sự kiện ngôi mộ trống và lời xác minh của các Thiên Thần, các bà đã tin nhận Chúa đã sống lại.
Như thế, sự kiện Chúa phục sinh mang đến cho các bà phụ nữ cũng như cho tất cả chúng ta một sứ điệp lớn lao, sứ điệp của niềm vui.
Vui bởi lẽ từ nay thập giá sẽ trở thành thánh giá vinh quang.
Vui bởi lẽ người đời chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không giết được linh hồn.
Vui bởi vì từ nay các thế lực thống trị trần gian: Ma quỷ, thế gian, thần chết đã bị đánh bại nơi Đức Giêsu Phục Sinh. Do đó ai tin nhận Người cũng sẽ có được niềm vui chiến thắng vinh quang ấy.

Sứ điệp II: Nhiệm vụ loan báo tin mừng phục sinh

Sau khi nhận ra Chúa phục sinh, nhờ sự soi dẫn của các Thiên Thần và Lời Chúa đã nói, các bà như được thúc đẩy để thực thi sứ mạng loan báo tin mừng. “Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người biết tất cả những sự việc ấy”.
Tin mừng phục sinh phải được loan báo cho mọi người, đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng” (Ga 10,27).
Chúa Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết trên thánh giá và đã phục sinh để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Đó là tin mừng lớn lao mà chúng ta phải tin nhận và loan báo cho mọi người.
Xin cho chúng ta biết tin tưởng vào sức mạnh và quyền năng của Chúa Phục sinh mà dám chết đi cho tội lỗi, xác thịt và thế gian để được sống lại vinh hiển với Chúa.
Xin cũng cho chúng ta biết nổ lực loan báo tin mừng phục sinh cho mọi người bằng lời nói, hành vi và cuộc sống gương mẫu, nhằm xua tan bóng tối sợ hãi của hận thù, chia rẽ và ích kỉ. Biết tích cực soi rọi ánh sáng phục sinh vào đêm đen của bất công và chết chóc nhờ đó mọi người đón nhận được ánh sáng tình thương, tha thứ, niềm vui và sự sống mà chính Chúa phục sinh đem đến, qua đời sống chứng tá của chúng ta.


THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Lễ Vọng Phục sinh
Lc 24, 1- 12

1. Ghi nhớ: "Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi." (Ga 20, 27b)

2. Suy niệm: Còn thương nhớ Thầy Giêsu nên vừa tảng sáng các bà đã vội vàng đến thăm mộ. Không ngờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa. Có lẽ các bà đang rất buồn và không biết phải làm gì. Cùng lúc ấy có hai thiên thần với y phục sáng chói hiện ra báo cho biết Thầy Giêsu đã sống lại. Ngôi mộ trống là một trong những dấu hiệu chứng tỏ Chúa Giêsu đã thật sự sống lại. Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì niềm tin của chúng ta sẽ trở nên trống rỗng.

3. Sống Lời Chúa: Hết lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu phục sinh.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh sẽ là động lực giúp con sống đạo tốt hơn. Xin gia tăng lòng tin cho con. Amen.

30/03/13 THỨ BẢY TUẦN THÁNH
Canh thức Phục Sinh
Ga 8,1-19,42

CHÚA CHẾT
Người gục đầu xuống và trao Thần khí. (Ga 19,30)
Mời Bạn đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường thập giá và dừng lại trước cái chết của Người. Ai cũng mong có mặt bên người thân của mình trong những khoảnh khắc cuối cùng của người ấy. Dù là một bệnh nhân đang hấp hối trên giường hay một tử tội đang bị dẫn độ ra trường bắn, đó bao giờ cũng là một khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, một khoảnh khắc mầu nhiệm.
Người thân của ta đang kinh nghiệm nỗi chết! Kinh nghiệm này, trong giây phút này, là của riêng người ấy, thuộc về một mình người ấy. Ta đứng đó, thiết tha muốn san sẻ, nhưng hiểu rằng mình không thể nào san sẻ được. Ta đứng đó, như để cho người thân mình vơi bớt nỗi cô đơn, nhưng kỳ thực là để nhìn ngắm nỗi cô đơn được người thân mình uống cạn. Ta đứng đó, lặng nhìn… Chúa Giêsu đã chết vì yêu ta. Tình yêu ấy trước hết gọi mời ta nếm cảm. Rồi, trong cuộc ‘đối thoại thinh lặng’ này, tình yêu của Người sẽ chinh phục và biến đổi ta, vừa trực tiếp vừa sâu xa hơn bất cứ thứ xúc cảm sướt mướt nào. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết ‘buông mọi khí giới xuống’, và để cho Ngài làm việc...
Suy niệm : Đọc lại chậm rãi, với đầy ý thức và suy gẫm, trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu theo Ga 18,1-19,42.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu khổ nạn, Chúa đã đi đến cùng con đường vâng phục Thánh ý Cha, và đã san sẻ đến cùng thân phận kiếp người. Xin cho chúng con, từ nay, dù trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, cũng đừng bao giờ lãng quên rằng: ‘Chúa đã chết vì yêu tôi’. Để từ nay, chúng con chỉ còn một nghĩa sống và một nghĩa chết mà thôi. Amen.

NGƯỜI TRỖI DẬY RỒI
Ðức Giêsu bây giờ là Ðấng tràn trề sự sống mới. Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống, cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa.

Suy nim:
Có vẻ sau cái chết của Thầy Giêsu chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện Thầy sẽ sống lại. Các phụ nữ chỉ quan tâm đến việc xức xác Thầy. Nhưng khi thấy ngôi mộ trống trơn, họ phân vân và bối rối không hiểu. Là những Kitô hữu ngoan đạo, chúng ta thấy mình quá quen với chuyện Chúa phục sinh, đến độ coi đó là chuyện tự nhiên. Chính vì thế ta không cảm được nỗi lo lắng, ngỡ ngàng của các phụ nữ và các môn đệ vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất. Các bà chẳng biết làm gì với số thuốc thơm đã chuẩn bị. Cửa mộ đã mở toang, thi hài Thầy đâu còn. Nếu sứ thần không hiện ra giải thích thì ngôi mộ trống vẫn là một bí ẩn khôn dò. Khi các bà trở về kể lại cho Nhóm Mười Một những gì đã xảy ra ngoài mộ đá, các ông đã không tin, cho là chuyện lẩn thẩn. Có lẽ họ nghĩ các phụ nữ là người yếu bóng vía. Làm gì có chuyện sứ thần bảo là Thầy đã phục sinh! Phêrô đứng lên chạy ra mộ (Lc 24,12). Ông cũng thấy như các phụ nữ kể lại. Nhưng ông chỉ kinh ngạc thôi, chứ không tin. Quả thật tin Thầy đã sống lại là điều khó, dù Ðức Giêsu đã báo trước nhiều lần về cái chết và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ chỉ nhớ được nửa đầu của lời loan báo. Dường như nỗi đau quá lớn làm họ mau quên, vì thế sứ thần hiện ra là để nhắc cho họ nhớ (c.6), và họ đã nhớ lại những gì Ngài dạy (c.8). Ðức Giêsu phục sinh hiện ra cũng nhắc cho họ nhớ (c.44). Về sau Thánh Thần cũng sẽ làm công việc này, đó là nhắc cho họ nhớ mọi lời Ðức Giêsu đã nói (Ga 14,26). Nhắc nhớ là nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Quá khứ bị ám ảnh bởi cái chết đau thương.Chúng ta dễ bị sa lầy trong quá khứ u buồn, không còn khả năng để hy vọng và vui sống. “Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết?” Ðức Giêsu đã mở tung cửa mộ vào sáng phục sinh. Muốn gặp được Ngài, phải tìm Ngài ở ngoài phần mộ. Kitô giáo không kết thúc bằng thập giá và phần mộ...
Ðức Giêsu bây giờ là Ðấng tràn trề sự sống mới. Xác Ngài không còn nằm đó, nhưng đã trỗi dậy. Ngài vẫn đi với ta trên cùng một con đường. Ngài đến khi cả đêm ta không được một con cá nhỏ. Ngài ở lại nhà ta khi ta đóng cửa vì sợ hãi. Chúng ta vẫn thường tìm sai địa chỉ của Ngài, bởi chúng ta không tin Ngài đã sống lại thật. Nếu chúng ta tin Ngài là Sự Sống và là Nguồn Sống, cuộc đời chúng ta sẽ chẳng như xưa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau. Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi. Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2 : Niềm Hy Vọng Phục Sinh

Bài Giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong Ðêm Vọng Phục Sinh năm 2002
1. "Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng"; và có ánh sáng" (St 1,3).
Một sự bùng nổ của ánh sáng, mà Lời Chúa mang đến từ hư vô, xé toạc màn đêm đầu tiên, đêm của Tạo Dựng.
Thánh Tông Ðồ Gioan viết: "Thiên Chúa là ánh sáng, và trong Ngài, chẳng hề có tối tăm" (1Ga 1,5). Thiên Chúa đã không tạo nên bóng tối nhưng là ánh sáng! Và sách Khôn Ngoan, tiết lộ rõ ràng rằng công việc Thiên Chúa luôn có mục đích tích cực, thế nên: "Ngài tạo ra muôn vật để chúng hiện hữu, và các loài trên thế giới loài nào cũng lành mạnh. Và giữa chúng, không thấy loại nào mang nọc độc phá hoại, và dương thế thì tương khắc với cõi âm" (Khôn ngoan 1,14).
Trong đêm đầu tiên, đêm của Tạo Dựng, đâm rễ Mầu Nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm mà theo sau thảm kịch của tội lỗi, tiêu biểu cho sự phục hồi và đăng quang của sự bắt đầu tiên khởi ấy. Ngôi Lời chí thánh tạo ra muôn vật và, trong Chúa Giêsu, đã hóa thành nhục thể cho sự cứu độ chúng ta. Và nếu thân phận của Ađam đầu tiên là trở lại với đất từ nơi đã được tạo thành (x. St 3,19), Ađam cuối cùng đã đến từ trời cao để quay lại đó trong vinh quang, hoa quả đầu mùa của nhân loại mới (x. Ga 3,13; 1Cor 15,47).
2. Một đêm khác nữa thiết lập biến cố nền tảng trong lịch sử Israel: đó là cuộc Xuất Hành kỳ diệu từ Ai Cập, câu chuyện được đọc mỗi năm trong đêm Vọng Phục Sinh long trọng.
"Chúa khiến gió đông thổi lên thật mạnh càn quét mặt biển suốt đêm, làm cho biển cạn hết. Nước rẽ đôi như vậy đã giúp con dân Israel đi thẳng vào lòng biển như đi trên đất khô, với nước dựng như bờ tường hai bên tả hữu họ" (Xuất hành 14,21-22). Dân Chúa được sinh ra trong "phép rửa tội này" nơi Biển Ðỏ, khi họ chứng kiến cánh tay quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng cứu họ khỏi nô lệ để dẫn đưa họ đến miền đất hứa của tự do, công lý và hòa bình.
Ðây là đêm thứ hai, đêm của Xuất Hành.
Lời tiên tri của Sách Xuất Hành ngày hôm nay, cũng được thực hiện cho chúng ta, những người là Dân Israel theo Thần Khí, hậu duệ của Abraham do bởi đức tin (x. Rm 4,16). Trong cuộc Vượt Qua của Ngài, như Môisen mới, Ðức Kitô đã cho chúng ta vượt qua sự nô lệ của tội lỗi để đến với sự tự do của con cái Thiên Chúa. Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Giêsu, chúng ta sẽ vươn tới cuộc sống mới, nhờ vào quyền năng của Thánh Thần của Ngài. Phép Rửa của Ngài đã trở nên phép rửa của chúng ta.
3. Cả anh chị em cũng sẽ nhận được phép Rửa này, phép Rửa đưa chúng ta vào trong cuộc sống mới, những tân tòng thân mến từ nhiều quốc gia: từ Albania, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Ba Lan, và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Hai người trong số anh chị em, một bà mẹ Nhật Bản và một bà mẹ Trung Quốc, mỗi người mang theo với mình một cháu bé, như thế, trong cùng một nghi thức này, cả mẹ lẫn con đều cùng được rửa tội.
"Trong đêm cực thánh này", khi Ðức Kitô trỗi dậy từ kẻ chết, anh chị em cũng sẽ cảm nhận một cuộc "xuất hành" thiêng liêng: hãy bỏ lại phía sau cuộc đời trước đây của anh chị em và tiến vào "miền đất của sự sống". Ðây là đêm thứ ba, đêm của sự Phục Sinh.
4. "Ðêm diễm phúc của tất cả các đêm, được Thiên Chúa chọn để thấy Ðức Kitô trỗi dậy từ kẻ chết!" Chúng ta hát lên những lời này trong lời Công Bố Phục Sinh vào đầu buổi Canh Thức long trọng, Mẹ của mọi đêm Canh Thức.
Sau đêm thảm kịch của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi "quyền lực của tối tăm" (Lc 22,53) dường như thắng thế trên Ðấng là "ánh sáng thế gian" (Ga 8,12), sau cái yên lặng bao trùm của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trong đó Ðức Kitô, sau khi hoàn tất công việc của Ngài trên trần gian, nghỉ ngơi trong mầu nhiệm của Chúa Cha và mang sứ điệp của sự sống vào trong cõi âm, cuối cùng chiêm ngắm đêm trước "ngày thứ ba", mà theo Thánh Kinh, Ðấng Mêsia sẽ trỗi dậy, như chính Ngài thường báo trước cho các môn đệ của Ngài.
"Ðêm thật hồng phúc, khi thiên đàng giao duyên cùng thế gian và con người được hòa giải với Thiên Chúa!" (Công Bố Phục Sinh).
5. Ðây là đêm của các đêm, đêm của đức tin và hy vọng. Trong khi tất cả đang chìm trong bóng đêm, Thiên Chúa - Ánh Sáng - vẫn chiêm ngắm. Cùng với Ngài, những người hy vọng và tín thác nơi Ngài cũng chiêm ngắm.
Lạy Ðức Mẹ, đây thật là đêm của Mẹ! Khi những ánh sánf cuối cùng của ngày Sabát tắt dần, và hoa quả của lòng Mẹ nằm trong lòng đất, trái tim của Mẹ cũng chiêm ngắm! Ðức tin của Mẹ và hy vọng của Mẹ nhìn tới trước. Ðàng sau tảng đá nặng nề, đức tin và hy vọng của Mẹ đã thấy trước ngôi mộ trống không; đàng sau màn đêm dày đặc, đức tin và hy vọng của Mẹ đã le lói buổi ban mai của sự Phục Sinh.
Lạy Mẹ, xin cho chúng con cũng chiêm ngắm trong sự yên lặng của đêm nay, tin tưởng và hy vọng vào Lời Thiên Chúa. Như thế chúng con sẽ gặp, trong sự viên mãn của ánh sáng và cuộc sống, Ðức Kitô, hoa quả đầu mùa của sự sống lại, đấng hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho đến muôn đời. Allêluia!
+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng
(Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Ðặng Minh An)

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
30 THÁNG BA
Để Bước Vào Tam Nhật Thánh
“Nguyện chúc anh em ân sủng và bình an của Đức Giê-su Kitô, vị chứng nhân trung thành” (Kh 1,4-5).
Đức Giê-su Kitô, vị chứng nhân trung thành của Thiên Chúa vô hình, thách đố chúng ta với uy lực của bài diễn từ mà Người đưa ra trên căn gác thượng trong phụng vụ Thứ Năm Thánh. Đây là những lời thiết lập nên Giao Ước Mới trong máu hy tế của Người. Những lời này mạc khải chiều sâu thẳm nhất của mầu nhiệm Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bằng cách nào chúng ta có thể sửa soạn để cử hành Tam Nhật Thánh? Tam Nhật Thánh là khoảng thời gian thánh thiêng nhất trong năm. Trong khoảng thời gian thánh thiêng này, chúng ta cử hành: Thứ Năm Thánh, Thứ Sáu Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh. Thời gian đặc biệt này sẽ tái hiện cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân trần: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Trước khi bước vào thời gian thánh này, Giáo Hội cử hành phụng vụ buổi sáng Thứ Năm Thánh – gọi là Thánh Lễ Truyền Dầu – một phụng vụ mang đậm sắc thái của niềm mong đợi và sự chuẩn bị thánh thiêng. Trong Thánh Lễ này, Bài Đọc thứ nhất trích từ Sách Ngôn Sứ Isaia – về sau được Đức Giêsu dẫn lại trong Tin Mừng Luca: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi” (Lc 4,18; Is 61,1). Đức Giêsu Na-da-rét đã tham chiếu đến những lời này của Ngôn Sứ Isaia ngay từ buổi bắt đầu sứ mạng cứu thế của Người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30-3.
Thứ Bảy Tuần Thánh
Trong sự thinh lặng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Giáo Hội để trống với sự thầm lặng, tạo cho chúng ta một bầu khí riêng tư chiêm ngắm sự vô hình. Đồng thời, chúng ta được gợi ý xem trong tâm linh của chúng ta có thiếu đi một cái gì rất thân quen hay không? Có phải đó chỉ là một thói quen hay là một nhu cầu của cuộc sống; thiếu đi một cách thế tỏ lộ tình yêu và gặp gỡ. Ước gì sự thinh lặng và trống vắng ngày này dẫn đưa chúng ta đến nỗi khát khao thèm muốn được sống như mọi ngày với những nghi thức phụng vụ. Đặc biết với Thánh  Lễ.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
30 Tháng Ba
Chết Thay Cho Người
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuậ này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thâm quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".

(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 30-3

Thánh Gioan Climacus

(c. 649)

N
gười ta tin rằng Thánh Gioan sinh ở Palestine trong thế kỷ thứ bảy. Dường như ngài là học trò của Thánh Grêgôriô Nazianzen. Ngài đã có thể trở nên một thầy giáo nổi tiếng, nhưng ngài quyết định phục vụ Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài gia nhập đan viện ở Núi Sinai khi mới 16 tuổi. Sau đó ngài sống cô độc trong 40 năm. Ngài dùng toàn thời gian để cầu nguyện và đọc gương thánh nhân.
Lúc đầu, Thánh Gioan bị ma quỷ cám dỗ. Ngài chịu đủ loại cám dỗ và đam mê xấu xa cốt để ngài bỏ cuộc và phạm tội. Nhưng ngài hoàn toàn tín thác nơi Chúa Giêsu và siêng năng cầu nguyện hơn. Do đó, các cám dỗ không bao giờ khiến ngài phạm tội. Thật vậy, càng ngày ngài càng thánh thiện hơn. Ngài trở nên gần gũi với Thiên Chúa đến nỗi sự thánh thiện của ngài được nhiều người biết đến. Họ đến với ngài để xin được hướng dẫn.
Thiên Chúa đã ban cho thánh nhân một ơn sủng lạ lùng. Ngài có thể dẹp tan cơn cám dỗ. Có lần, một người bị cám dỗ khủng khiếp đến xin ngài giúp đỡ. Sau khi thánh nhân cầu nguyện cho ông ta, sự bình an tràn ngập tâm hồn người này. Và sau này ông không bao giờ bị cám dỗ ấy nữa.
Khi thánh nhân được bảy mươi bốn tuổi, ngài được chọn làm đan viện trưởng. Sau đó ngài là bêà trên của tất cả các đan sĩ và ẩn sĩ trong nước. Một đan viện trưởng khác xin thánh nhân viết lại các quy luật mà ngài đã sống trong suốt cuộc đời để các đan sĩ có thể noi theo. Với sự khiêm tốn lớn lao, Thánh Gioan đã viết lại cuốn Ðường Trọn Lành, hoặc Ðỉnh Trọn Lành. Và đó là lý do tại sao ngài được gọi là "Climacus" (Climax=Ðỉnh).
Thánh Gioan từ trần năm 649.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét