Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô: người bắc cầu


Đc Phanxicô: người bc cu

Lên tiếng với ngoại giao đoàn ngày 22 tháng 3 vừa qua, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới vai trò bắc cầu của ngôi vị giáo hoàng. Bởi lẽ theo nghĩa từ nguyên, giáo hoàng là người bắc cầu (pontifex). Nhờ thừa tác vụ bắc cầu này của các vị tiền nhiệm, ngày nay giáo hoàng đã có thể “bắt tay với mọi công dân của quí vị, với mọi hân hoan, lắng lo, kỳ vọng và mong ước của họ”. Ngài hy vọng thừa tác vụ này sẽ nối ngài với “một số ít quốc gia chưa có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh”.

Theo ngài, vai trò của giáo hoàng là mở ra cuộc đối thoại, giúp mọi người có cơ hội nhận ra nơi người khác, không phải một kẻ thù, mà là “người anh em hay chị em để nghinh đón và ôm hôn”. Đối với ngài, tôn giáo đóng vai chủ yếu trong nỗ lực này bởi “người ta không thể bắc được những cây cầu giữa người với người nếu quên mất Thiên Chúa. Điều ngược lại cũng đúng, vì người ta không thể thiết lập được các mối dây liên hệ chân thực với Thiên Chúa, nếu họ lãng quên người khác”.

Tuy nhiên, ngài cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc bắt tay với người vô tín ngưỡng bởi chỉ có thế, các dị biệt hiện đang chia rẽ và làm chúng ta thương tổn sẽ không bao giờ thắng thế, mà là ước muốn bồi đắp những mối dây bằng hữu đích thực giữa mọi dân tộc, bất chấp tính đa dạng của họ.

Ngài cho rằng chống nghèo đói về vật chất và tinh thần, bồi đắp hòa bình và bắc cầu chính là các điểm qui chiếu “cho cuộc hành trình mà tôi muốn mời gọi từng mỗi quốc gia có đại diện ở đây tiếp nhận”. Đây là một hành trình gian khổ “nếu ta không học cách thăng tiến tình yêu đối với thế giới của ta”. Thế giới đây bao gồm mọi tạo vật, như tinh thần của Thánh Phanxicô.

Cai quản Tòa Thánh trong một thế giới đa nguyên và hoàn cầu hóa

Trong bài “Bắc Cầu” đăng trên tạp chí America số 1 tháng 4, 2013, Miguel Díaz, nguyên đại sứ Mỹ bên cạnh Tòa Thánh và hiện là giáo sư về Đức Tin và Văn Hóa tại Đại Học Dayton, Ohio, bàn về việc cai quản Tòa Thánh trong một thế giới đa nguyên và hoàn cầu hóa.

Theo ông, hiện đang có sự chia rẽ trầm trọng giữa những con người và giữa các quốc gia có những kinh nghiệm nhân bản khác nhau, giữa thế giới lý tính thế tục và thế giới niềm tin tôn giáo. Trong cuộc tông du Mỹ năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI nói tới thời hiện đại như là ngã ba đường: một mặt càng ngày càng có sự liên lập nhiều hơn giữa con người và giữa các quốc gia với nhau, nhưng oái oăm thay ở mặt khác, thời hiện đại quả đang bị phân cực, tranh chấp và chia rẽ. Bởi thế, trong bài diễn văn đọc tạiWestminster Hall năm 2010, một trong những bài diễn văn quan trọng nhất về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh, vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô cho rằng Giáo Hội và xã hội cần bước vào “một cuộc đối thoại sâu sắc và liên tục vì lợi ích của nền văn minh chúng ta”.

Tất nhiên, bối cảnh hoàn cầu và thách thức trên đang được Đức Phanxicô tiếp nhận. Ngoài vai trò mục tử toàn thể Giáo Hội ra, ngài cũng là một nhà ngoại giao nữa. Trong tư cách này, chắc chắn ngài sẽ bồi đắp kỹ năng lắng nghe sâu sắc để có thể nắm bắt tính đa dạng càng ngày càng lớn hơn trong công luận và bản chất phức hợp, đa tạp và hay thay đổi của căn tính nhân bản vốn xác định ra các dấu chỉ thời đại. Chọn lựa các cộng tác viên có khả năng sẽ là bước đầu tiên tái lập niềm tin của quốc tế đối với nền ngoại giao của Vatican mà mấy năm gần đây bị tai tiếng kém cỏi về quản trị. Dù đức giáo hoàng tiếp tục cai quản từ kinh thành muôn thuở, nhưng ngài cần bớt nhìn về quá khứ và các vị cai trị Rôma thuở xưa, để càng ngày càng nhìn vào hiện tại và tương lai, vì ngày nay, chia sẻ và hợp tác càng ngày càng trở nên khuôn thước cho các nhà lãnh đạo thế giới có tinh thần phục vụ.

Cộng đồng các quốc gia

Đức tân giáo hoàng chắc chắn sẽ làm việc gần gũi hơn với cộng đồng các quốc gia để duy trì và phát huy các nền dân chủ bền vững và bảo vệ các nhân quyền căn bản đã được ghi trong Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền năm 1948. Hùn hạp với các quốc gia khác trong các mục tiêu đặc thù của chính sách ngoại giao đòi nơi Toà Thánh nhiều kỹ năng ngoại giao lớn lao, xét vì tính đa dạng và đôi khi trái ngược nhau trong các quyền lợi văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo và kinh tế. Tuy nhiên, không nên quên, Tòa Thánh từng can dự vào hoạt động ngoại giao ít nhất từ thời Công Đồng Nixêa năm 325. Với cân sức lịch sử và truyền thống này, cộng với sự khôn ngoan thực tiễn và với sự phụ giúp đầy khả năng của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, đức tân giáo hoàng chắc chắn sẽ dành được vị trí dẫn đạo trong 5 lãnh vực sau đây của chính sách ngoại giao.

1. Bảo vệ nhân phẩm và các nhân quyền căn bản: Việc Toà Thánh nhấn mạnh tới tính phổ quát và bất khả phân của nhân quyền và việc Tòa Thánh bác bỏ điều bị coi là “quyền mới” buộc Tòa Thánh phải thâm hậu hóa các cam kết ngoại giao của mình. Khi theo đuổi các cuộc nói chuyện liên quan tới vấn đề nền tảng này: nhân quyền là phổ quát vì đa số các quốc gia nhìn nhận chúng hay vì giá trị đạo đức có sẵn trước khi có việc nhìn nhận này, vị tân giáo hoàng chắc chắn sẽ phải giáp mặt với nhiều sóng gió. Thanh thỏa được sự căng thẳng giữa truyền thống mạnh mẽ và đáng kính của mình trong việc bảo vệ phẩm giá nền tảng của mọi con người nhân bản và điều bị Tòa Thánh coi là các “quyền mới” nhất là liên hệ tới phái tính và tính dục nhân bản, là điều không dễ dàng.

Ngay trong các cố gắng đối chất với đau khổ nhân bản, cổ vũ chính nghĩa công lý, bảo vệ và che chở phẩm giá nền tảng của những con người bị đẩy ra bên lề cũng đòi Tòa Thánh phải không ngừng thương thảo với cộng đồng các quốc gia. Một đàng, Tòa Thánh tiếp tục quan tâm tới việc chấp nhận “quyền được hưởng quá mức” (right to excess) tức việc leo thang các nhu cầu đang mỗi ngày một trở nên vô giới hạn và bất phân biệt hơn, nhưng đàng khác, Toà Thánh phải tôn trọng và lưu ý tới con số mỗi ngày một gia tăng các người ủng hộ nhân quyền có chủ trương cho rằng minh nhiên cổ vũ các quyền mới này sẽ mở ra nhiều khả thể mới để giảng hòa các dị biệt chính sách hiện nay. Ngoài các quan tâm này, nhiều người mong vị tân giáo hoàng sẽ tiếp tục việc làm của vị tiền nhiệm trong việc lên tiếng bảo vệ tự do tôn giáo trên khắp thế giới, phẩm giá sự sống con người ở mọi giai đoạn và trong bất cứ hoàn cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị nào, cũng như bảo vệ những người yếu thế chống lại việc buôn bán người.

2. Phát triển và trợ giúp nhân đạo: Hàng loạt các thách thức hoàn cầu đang xuất hiện ở chân trời: khủng hoảng kinh tế hoàn cầu, chiến tranh và tranh chấp, y tế hoàn cầu và nhiều thiên tai hơn. Với hệ thống hoàn cầu gồm nhiều nhà giáo dục, nhiều cơ quan nhân đạo và cung cấp y tế, Giáo Hội có vị trí chiến lược để hợp tác trong việc giải quyết các nhu cầu hiện nay của gia đình nhân loại. Qua các tổ chức như Caritas Quốc Tế, các bệnh viện Công Giáo, các đại học Công Giáo và rất nhiều cộng đồng do giáo dân lãnh đạo, vị tân giáo hoàng sẽ gia tăng gấp bội khả năng lắng nghe nhu cầu của gia đình nhân loại và đáp ứng các tai họa do thiên nhiên hay do con người tạo ra trong tương lai.

3. Kinh nghiệm di dân hoàn cầu: Thời nay thường được mô tả là thời di dân. Cơ Quan Di Dân Quốc Tế ước lượng hiện có khoảng 214 triệu di dân trên khắp thế giới; 1 trong 33 người trên thế giới là di dân. Qua các hội đồng giáo hoàng của mình, nhất là những hội đồng về chăm sóc người di dân hay hoạt động văn hóa và đối thoại liên tôn, vị tân giáo hoàng sẽ có nhiều tài nguyên quí gía để hiểu được tính đa dạng nhan nhản khắp nơi trên thế giới, những nơi thường có liên hệ với bạo lực và tranh chấp. Trong những lúc khi các dị biệt văn hóa, tôn giáo v.v… trở thành tường ngăn cách các cộng đồng thay vì cầu bắc may mắn để gặp nhau, vị tân giáo hoàng chắc chắn sẽ dành nhiều cố gắng hơn nữa để cổ vũ tính hợp nhất vốn phát sinh từ tính công giáo của mình.

4. Giải quyết tranh chấp: Nhiều nơi tại Phi Châu, Trung Đông, Âu Châu, Á Châu và Bắc cũng như Nam Mỹ, đang diễn ra một chu kỳ tranh chấp và bạo lực triền miên. Đặc biệt, bạo lực chống phụ nữ và trẻ gái đã đạt đến mức kỷ lục. Các nghiên cứu gần đây ước lượng rằng có tới 70 phần trăm phụ nữ kinh qua bạo lực thể lý hay sinh lý do đàn ông gây ra trong đời họ. Phụ nữ và trẻ gái cũng dễ là nạn nhân của nạn buôn người, sát nhân và cắt bỏ cơ quan sinh dục. Tăng cường việc Tòa Thánh bênh vực phụ nữ và trẻ gái và hỗ trợ hơn nữa các chính sách nhằm cổ vũ phẩm giá họ, cổ vũ việc họ tham dự vào việc lãnh đạo Giáo Hội cũng như xã hội chắc chắn sẽ nhận được lời hoan hô của quốc tế ngay tức khắc.

Thêm vào đó, Giáo Hội hoàn toàn có lý khi quan tâm tới tương lai các cộng đồng Kitô hữu thiểu số tại Trung Đông. Vị tân giáo hoàng phải chạm trán với các căng thẳng chưa được giải quyết tại Syria và một số quốc gia Phi Châu, khả năng thế giới phải đương đầu với một Iran hạch nhân và sự thất bại xưa nay trong việc cổ vũ nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông qua thỏa hiệp Do Thái Palestine. Nhân thừa các cố gắng đối thoại liên tôn và phát huy các liên hệ chân chính giữa Kitô hữu, tín đồ Hồi Giáo và tín đồ Do Thái Giáo để cổ vũ hoà bình và ích chung hẳn sẽ là đối tượng hàng đầu trong chính sách ngoại giao của vị tân giáo hoàng.

5. Bảo vệ môi sinh: Như chính lời ngài nói với ngoại giao đoàn, bảo vệ môi sinh trong tinh thần Thánh Phanxicô vốn là ưu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng. Vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI, trong Sứ Điệp Hòa Bình năm 2010, từng cho rằng; vun sới hòa bình và bảo vệ môi sinh luôn luôn đi đôi với nhau. Vatican xưa nay vốn nhất quán lên tiếng quan tâm đến việc thay đổi khí hậu, nhu cầu tạo nên những nguồn năng lượng lâu bền, việc thiếu nước uống, việc hủy hoại rừng và sa mạc hóa. Đạt được đồng thuận về luật lệ cần thiết để bảo vệ môi sinh xưa nay không phải là chuyện dễ dàng do các quyền lợi chính trị, xã hội và kinh tế gặp nhiều chống chọi nhau. Nếu vị tân giáo hoàng sử dụng quyền giáo hoàng của mình qua các hệ thống định chế Công Giáo để kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo khác cùng thúc đẩy cộng đồng quốc tế ra các luật lệ kịp thời về môi sinh, các tiến bộ thực sự trong lãnh vực này chắc chắn sẽ xẩy ra.

Với việc gia tăng mạnh mẽ dân số Công Giáo ở vùng Hạ Sahara Phi Châu, với việc gia tăng đều đặn dân số ấy ở Nam Thái Bình Dương và Bắc Mỹ (nhất là người Mỹ Châu La Tinh tại Hoa Kỳ) và với việc Mỹ Châu La Tinh đã vượt Âu Châu về dân số Công Giáo, vị tân giáo hoàng vừa nhậm chức chắc chắn sẽ vượt cam kết của vị tiền nhiệm và của giáo triều đối với Nam Bán Cầu. Các vấn đề công bằng xã hội, nhất là sự cách biệt liên tục giữa người nghèo và nước nghèo với người giầu và nước giầu cần được giải quyết ngay. Việc thi hành quyền lực, đặc ân và ảnh hưởng bất cân xứng của một số nhóm quyền lợi trong Giáo Hội cũng cần được ngài xem sét phê phán.

Vũ Văn An 3/22/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét