Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

18-03-2013 : THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY


Thứ Hai Ngày 18/03/2013
Tuần 5 Mùa Chay Năm C


BÀI ĐỌC I: Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)
"Đây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi".

 Trích sách Tiên tri Đaniel.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.
Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: "Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng". Các ông năng lui tới nhà ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Đến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.
Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: "Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm".
Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Susanna và nói: "Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn".
Bà Susanna thở dài và nói: "Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!" Đoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Susanna.
Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: "Các người hãy đi tìm bà Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim". Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.
Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: "Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Đó là điều chúng tôi xin làm chứng". Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.
Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con".
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: "Còn tôi, tôi không vấy máu bà này". Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: "Lời mi nói có ý nghĩa gì?" Đứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: "Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà".

Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: "Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão". Đaniel liền nói với họ: "Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho".
Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: "Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: 'Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính'. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây chò". Đaniel liền nói: "Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông". Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông này rằng: "Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây sồi". Đaniel liền nói: "Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông".
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Đáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 5ab).

1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.
2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

 CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2b

Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

 PHÚC ÂM: Ga 8,12-20
"Ta là sự sáng thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống".
Những người biệt phái nói: "Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực".
Chúa Giêsu trả lời: "Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Đấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Đấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa".
Họ nói: "Cha của ông đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta".
Chúa Giêsu nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.
Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Sự Sáng Thế Gian
Thánh Phanxicô Salêsiô, Giám mục giáo đoàn Sáp (Chable) thuộc miền Nam nước Pháp, là người sống cùng thời với Giám Mục Bossuet. Cả hai đều là những vị Giám mục lỗi lạc thông thái. Nhưng Giám mục Phanxicô Salêsiô được tôn phong hiển thánh, còn Giám mục Bossuet là một văn hào và là một nhà hùng biện nổi tiếng ở Âu Châu thời đó.
Trong văn chương nước Pháp, ngày nay người ta vẫn còn học những tác phẩm của Ngài, gồm các diễn văn, các bài giảng và các tranh luận tôn giáo. Chính Ngài đã viết một pho sách lớn trả lời những vấn nạn của phong trào thệ phản lúc đó. Nghe danh Ngài, mọi người đều nể phục. Trong khi đó, Ðức Cha Phanxicô Salêsiô cũng là một người thông minh xuất chúng, lại có một lối bênh vực đạo Chúa khác hẳn với cách thức của Giám mục Bossuet. Ngài rất nhân từ, bình dân, giản dị và niềm nở tiếp đón mọi người, lắng nghe mọi người, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ. Ngài sẵn sàng đối thoại cả với những anh chị em lạc giáo có ác tâm muốn bắt bẻ Ngài. Nhưng cuối cùng chính họ là những kẻ bị Ngài chinh phục. Ngài không ngại mất thì giờ nghe họ như thể chỉ có mình Ngài với họ thôi. Có người góp ý: "Ðức Cha tiếp họ làm gì cho mất công. Họ cố ý đến để bài bác Ðức Cha đó". Nhưng Ngài trả lời: "Mỗi linh hồn đã là một giáo phận đối với một vị Giám Mục".
Nhờ tìm hiểu, đón tiếp từng cá nhân như vậy mà Ngài đã làm cho trên 10,000 người theo lạc giáo trở lại Công giáo. Ðức Cha Bossuet khiêm tốn nhìn nhận điều này và đã tuyên bố như sau: "Ai muốn tranh luận về giáo lý thì hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý. Nhưng ai muốn theo đạo thì hãy đến với Ðức Cha Phanxicô Salêsiô, vì Ngài hiền từ, không tranh luận, nhưng có một khả năng chinh phục lạ thường".

Anh chị em thân mến!

Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô đã cho mọi người nhìn thấy Ngài có một khả năng chinh phục lạ thường. Không ai có uy quyền như Ngài để làm những việc kỳ diệu, nhưng phép lạ để chứng minh mình là Con Thiên Chúa, là Ðấng Thiên Sai được Chúa Cha sai đến. Những lời Ngài nói có sức hấp dẫn đến độ dân chúng nghe Ngài đã nhận xét: "Không ai giảng dạy hấp dẫn như Ngài".
Tuy nhiên, quyền năng chinh phục của Chúa Giêsu không hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người. Ðây là một mầu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu Kitô và những người biệt phái, những vị lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái. Những người này không tin Chúa, mặc dù họ đã chứng kiến những việc Chúa làm trước mắt. Phần Chúa Giêsu thì Ngài tận dụng mọi lý lẽ, mọi phương thế có thể để thuyết phục họ tin nhận.

Anh chị em thân mến!

Trên trần gian này, có thể nói chưa có một đại diện nào đã hành động như Chúa Giêsu. Ngài hạ mình xuống trần làm người, sử dụng ngôn ngữ của con người để mạc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa. Những sự thật có sức cứu rỗi là Ngài làm ngơ trước những lạm dụng về khả năng trí tuệ và ý chí của con người mà họ bắt bẻ Ngài đủ thứ, đủ chuyện. Thái độ không tin và bắt bẻ Chúa của những người biệt phái như vừa được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay đáng cho chúng ta lưu ý và nhắc lại chính thái độ sống đức tin của mình. Thử hỏi đã có bao nhiêu lần Chúa Giêsu thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá nhân chúng ta, cùng như trong sinh hoạt của cộng đồng mà Ngài đã thành lập là Giáo Hội, để nhắc nhở chúng ta rằng: Ngài là Ðấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Sự Thật cứu rỗi. Nhưng chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng và sống sự thật Ngài đã truyền dạy với hết lòng chân thành khiêm tốn hay chưa? Tin nhận Chúa là một điều khó.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên các tín hữu như sau: Thành thực cầu xin như các thánh tông đồ xưa: "Lạy Thầy, xin ban đức tin cho chúng con". Con phải can đảm sống đức tin hằng ngày như các thánh Tử Ðạo đã can đảm giữ vững đức tin xưa. Ðối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng bắt con phải kính mến. Nói đúng hơn, Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn.
Nhân loại ngày nay đã tiến bộ vượt mực về khoa học và kỹ thuật. Nhân loại đã có đủ sức mạnh khủng khiếp có thể tự sát với vũ khí hạt nhân. Nhân loại đầy đủ phương tiện hỗn loạn hầu như no nê không thiếu gì nữa. Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống? Mình đi về đâu? Và tương lai thế nào?
Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng. Phải! Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng và có thể chính cá nhân chúng ta cũng đang gặp phải cơn khủng hoảng hy vọng. Vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn, không chấp nhận sự thật của Chúa mạc khải: "Ngài từ đâu đến và đi về đâu?" Mạc khải Con Người từ đâu đến và đi về đâu: "Ta là Ánh Sáng, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm. Nhưng có Ánh Sáng ban sự sống". Ðó là bí quyết niềm hy vọng của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu.

Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin còn non yếu của con. Xin hướng dẫn con theo ánh sáng sự thật của Chúa, để con trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, hầu làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Amen.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần V MC


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Không được kết án tha nhân.

Con người thường dễ phê bình và kết án tha nhân, hơn là nhìn vào chính mình để xét mình và để nhận ra những ước muốn sai trái và tội lỗi của mình. Nhiều khi vì ham muốn tình dục, uy quyền, danh vọng, hay của cải, con người có thể sẵn sàng làm chứng gian để kết án người vô tội, hay tìm đủ mọi cách để tha bổng kẻ đắc tội. Chúa Giêsu dạy các môn đệ không được kết án bất cứ ai, vì quyền phán xét là quyền của Thiên Chúa, và không ai sạch tội để có thể kết án tha nhân.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề kết án tha nhân. Trong Bài Đọc I, TT Daniel phá vỡ âm mưu của hai vị thẩm phán làm chứng gian để kết án người vô tội. Họ ham muốn sắc đẹp của Bà Suzanna và lập mưu để thông gian với Bà. Khi Bà từ chối không chịu, họ đã tri hô Bà phạm tội ngọai tình với một thanh niên trẻ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng phá vỡ âm mưu của các kinh-sư và Biệt-phái khi họ đặt Ngài vào thế lưỡng nan: hoặc phải giữ luật Moses hoặc phải giữ luật yêu thương. Ngài trả lời họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không được làm chứng gian để kết án người lành.

1.1/ Sự ác độc của hai vị thẩm phán:

(1) Lòng ham muốn tình dục của hai vị thẩm phán: Là những người xét xử dân chúng, lẽ ra họ phải giữ tâm hồn sáng suốt để xét xử công minh cho dân, hai vị thẩm phán này đã để “tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa.” Họ ham muốn sắc đẹp của bà Suzanna, rình rập khi Bà tắm trong vườn, và sửa sọan sẵn một âm mưu để cưỡng bức Bà hoặc phải thông gian với họ, hoặc sẽ bị ném đá chết vì tội ngọai tình.

(2) Làm chứng gian khi âm mưu không thành: Hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà, và làm chứng gian: "Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy."

1.2/ Thiên Chúa bảo vệ những ai biết kính sợ Người.

(1) Khác với hai vị thẩm phán, Bà Suzanna là người biết kính sợ Thiên Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Moses. Khi bị cưỡng bức bởi hai vị thẩm phán, Bà Suzanna biết họ có quyền phán xét luận tội mình, nên phân vân: "Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!" Vì thế, Bà Suzanna liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Khi bị kết án oan uổng, Bà vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào Chúa. Bà Suzanna kêu lớn tiếng: "Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con."

(2) Thiên Chúa gởi TT Daniel đến để xét xử cho Bà: Trời có mắt, Thiên Chúa đã nghe tiếng bà kêu. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Daniel. Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: "Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!" Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: "Lời cậu vừa nói có nghĩa gì?" Cậu đứng giữa họ và nói: "Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Israel? Các người đã lên án một người con gái Israel mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này."

Cách xét xử của Daniel: Cậu ra lệnh: "Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi." Câu hỏi của Daniel: Nếu đã thấy họ phạm tội, thì phạm tội dưới cây nào? Hai người làm chứng khác nhau:
* Người thứ nhất: "Dưới cây trắc."
* Người thứ hai: "Dưới cây dẻ."
Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ trông cậy vào Người. Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì Daniel đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. Theo luật Moses, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan.

2/ Phúc Âm: Không được kết án tha nhân vì không ai sạch tội.

2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật của Gioan nói rõ: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Chúa Giêsu bị họ đặt vào giữa hai thế lưỡng nan: hoặc trung thành với giáo huấn Ngài dạy là luật yêu thương và không được kết án tha nhân, hoặc vi phạm Luật Moses dạy phải ném đá chết người bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình.

2.2/ Chúa Giêsu muốn mọi người phải xét mình.

(1) Phải sạch tội trước khi tố cáo người khác: Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.

(2) Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ: Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giêsu nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" Qua những lời đối thọai này, Chúa Giêsu muốn chị nhận ra những điều sau:
a) Chúa cho chị cơ hội thứ hai để trở nên tốt đẹp hơn: Tôi biết chị đã phạm tội, nhưng cuộc đời chị vẫn còn thời gian để sửa đổi. Tôi cho chị cơ hội thứ hai để chị làm lại cuộc đời.
b) Chúa tha thứ lỗi lầm của chị: Không giống như những người biệt-phái và kinh-sư chỉ lo tìm dịp để luận tội và kết án chị, Chúa lợi dụng cơ hội để tha thứ và để chữa lành chị.
c) Chúa khuyến khích chị trở thành người tốt hơn: Tội lỗi hủy diệt con người. Chị hãy tránh xa tội lỗi để cuộc đời chị tốt đẹp hơn.
d) Chúa tin tưởng mọi người đều có thể trở nên tốt nếu được cho cơ hội: Tôi tin chị sẽ trở nên tốt nếu tôi cho chị cơ hội để sửa đổi.
e) Chúa cũng cảnh cáo chị hậu quả sẽ xấu hơn nếu chị không chịu thay đổi: Nếu chị không nắm lấy cơ hội để sửa đổi, chị sẽ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm trọng hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không bao giờ được làm chứng gian để hại người khác (điều răn thứ 9).
- Quyền xét đóan thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền xét đóan tha nhân nếu chúng ta không có bổn phận với họ.

 Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Sống Lời Chúa - Thứ hai (Ga 8,12-20)


Dẫn
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết Ngài là ai, sứ mạng của Người là gì.
 Xin cho chúng ta luôn vững tin vào Chúa và vững bước theo Ngài ánh sáng soi dẫn của Người để đạt đến sự sống đích thực.

Chia sẻ
Tin mừng hôm nay tiếp tục là cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu về thân thế và sứ mạng của Người.
 Để minh chứng cho họ biết về thân thế của mình, Chúa Giêsu đã kiên nhẫn đưa ra rất nhiều bằng chứng. Cụ thể trong bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra một minh chứng hết sức cụ thể để thuyết phục họ.
 Trong lề luật Do Thái cho phép lời chứng từ hai người trở lên là chân thực. Căn cứ theo luật này, thì những người Phariasêu đúng ra phải tin nhận Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa mới hợp lý , bởi vì ngoài lời minh chứng của Người, Người còn một lời chứng rất có thế giá đến từ Chúa Cha: “Này là Con Chí Ái của Ta, các ngươi hãy nghe Lời Người”.
 Như thế lời chứng ấy không phải là lời chứng của người phàm mà là lời chứng phát xuất từ  hai vị Thiên Chúa, nên lời chứng ấy phải là chân thật vô cùng.
 Tuy Chúa Giêsu đã đưa ra những bằng chứng xác thực như vậy, nhưng người Do Thái vẫn không tin nhận Ngài.
 Lý do: Vì lòng họ còn nhiều ích kỉ, đầu óc họ quá tự cao và hám danh nên "xét đoán theo kiểu người phàm". Vì thế họ không còn khả năng mở lòng đón nhận Người.
 Dù họ có tin hay không tin, thì sự thật Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa và là Ánh Sáng trần gian.
 Vì Người là Ánh Sáng, nên sứ mạng của Người khi đến trong thế gian này là xua tan bóng đêm tội lỗi và sự chết, hận thù và chia rẽ; Ngài chính là ánh sáng của sự sống đích thực và đời đời cho những ai tin cậy Ngài.

Xin cho chúng ta và hết mọi người biết khiêm tốn tin nhận Đức Kitô là Chúa lòng mình và nổ lực bước theo ánh sáng soi dẫn của Người hầu đạt đến ánh sáng chân lý để được sống đời đời. Amen.

18/03/13 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Th. Xirilô, giám mục Giêrusalem, tiến sĩ HT
Ga 8,12-20

ĐÓN NHẬN ÁNH SÁNG SỰ SỐNG
“Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8-12)
Suy niệm: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Người Pharisêu, dù gần Đức Giêsu là ánh sáng thế gian, nhưng không được sáng, vì họ không đón nhận Đấng là ánh sáng này. Trái lại, ai đón nhận Ngài, thì nhận được ánh sáng ban sự sống. Trong cuộc Xuất hành về Đất Hứa ngày xưa, Thiên Chúa hiện diện, soi sáng hành trình cho Dân Ngài bằng cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm. Trong cuộc Xuất hành mới về quê trời, Đức Giêsu chính là ánh sáng giúp ta nhận dạng được ý nghĩa, mục đích cuộc đời, đồng thời soi sáng, dẫn đưa ta trên con đường đưa đến sự sống muôn đời. Bông hoa chỉ nở tươi nhờ ánh sáng mặt trời; cuộc đời ta không bao giờ có được nét duyên dáng đẹp tươi, nếu không được Đấng là ánh sáng chiếu soi.
Mời Bạn: Bạn cũng được Đức Giêsu gọi là ánh sáng thế gian, ánh sáng đó phải được đặt trên đế (x. Mt 5,15.16), nghĩa là phải chiếu tỏa ra bằng đời sống đức tin tốt đẹp của mình. Nhiều người quanh bạn đang bước đi trong bóng đêm của buồn sầu, chán nản, lầm lạc... bạn có là ánh sáng đẩy lui những bóng đêm ấy bằng đời sống chứng nhân không?
Sống Lời Chúa: Tôi, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ tôi xét xem đã là ánh sáng cho môi trường mình đang sống chưa? Nếu chưa, sẽ phải làm gì? 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Ánh sáng trần gian, chúng con tin tưởng sẽ nhận được ánh sáng mang lại sự sống từ nơi Ngài. Xin giúp chúng con trở thành ánh sáng, xua tan những bóng tối của sự gian dối, bất công, của những đam mê lệch lạc, của sự nga lòng và thiếu thiện chí. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba

18 THÁNG BA

Hệ Tại Ở Tấm Lòng

Giáo Hội kêu gọi chúng ta hòa giải với Thiên Chúa. Tin Mừng nhắc chúng ta rằng việc hòa giải hệ tại ở tấm lòng. Cốt lõi của đời sống đức tin chính là một thái độ đúng đắn đối với chính mình và đối với Thiên Chúa. Nếu chúng ta là những môn đệ đích thực và những chứng nhân của Đức Kitô, chúng ta không thể sống mà không tìm kiếm sự hòa giải bên trong tâm hồn mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không thể ở lại trong tội lỗi, cũng không thể tiến bước trên đường về nhà Cha bằng … nửa tấm lòng – trong khi Cha đang nóng ruột quay quắt chờ mong trông thấy bóng ta trở về!

Qua dụ ngôn Người Con Đi Hoang, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy sức mạnh và cái đẹp của sự giao hòa bằng cách đánh động không chỉ trí năng của ta mà cả óc tưởng tượng, trái tim và lương tâm ta nữa. Biết bao con người trong các thời đại đã qua, và biết bao con người thời nay đã gặp đi gặp lại nơi dụ ngôn này câu chuyện riêng tư của chính mình!

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Thánh Cyrillô Giêrusalem tiến sĩ Hội thánh
Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8, 12-20


LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu nói với người Do thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12).

Trên hành trình sống của con người luôn có bóng tối và ánh sáng (sự thiện và sự ác; tội lỗi và đạo đức) mà con người phải luôn phải chọn lựa và đối phó. Ngay trong Sách Sáng Thế  cho chúng ta biết. Tác động đầu tiên của Thiên Chúa là phân chia ánh sáng khỏi tối tăm (St 1,3-4). Khi lịch sử cứu độ chấm dứt, chính Thiên Chúa sẽ là Ánh Sáng. (Kh 21,23). Khi Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Ánh Sáng: Chúa Giêsu chính là ánh sáng của Thiên Chúa đến với loài người, và Chúa Giêsu cũng là ánh sáng ban sự sống cho loài người. Chính khi chúng ta đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không bị lạc lối nhưng thấy rõ lối đi. Bởi chúng ta đang tiến về lại với Thiên Chúa để gặp lại Ngài.

Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

Ngày 18-03
Thánh CYRILÔ Thành GIÊRUSALEM
Giám mục Tiến sĩ (315 - 387)


Xi-ri-lô nhiệt thành học kinh thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành giám mục Giêrusalem.
Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.
Nhiều lương dân và người Do thái trở lại, Xi-ri-lô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin công giáo.
Mục đích đầu tiên của Xi-ri-lô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ.
Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chúng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu thánh giá thế nào, Ngài khuyên : - "Hãy in dấu thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu thánh giá trong mọi hành động".
Là mục tử gương mẫu, thánh Xi-ri-lô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bệ đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin.
Giữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Xi-ri-lô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.
Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Xi-ri-lô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô.
Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Xi-ri-lô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này.

(Daminhvn.net)


18 Tháng Ba

Ðất Thánh

Một giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói khát.
Sống bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.

Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận... Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?

(Lẽ Sống)
Thứ Hai 18-3

Thánh Cyril ở Giêrusalem

(315? - 386)

Những khó khăn trong Giáo Hội ngày nay chỉ là thiểu số so với các chấn động của lạc giáo Arian thời ấy khi họ từ chối thiên tính của Ðức Kitô. Thánh Cyril bị vướng vào vòng tranh luận, bị Thánh Giêrôme kết án là người theo tà thuyết Arian và sau cùng ngài đã được thanh minh bởi những người của thời ấy và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1822.
Chúng ta không biết nhiều về cuộc đời thơ ấu của Thánh Cyril. Các sử gia ước đoán ngài sinh trong khoảng năm 315, và lớn lên ở Giêrusalem. Về gia đình ngài, có lẽ cha mẹ ngài là Kitô Hữu và dường như ngài rất thảo kính cha mẹ. Ngài thúc giục các dự tòng kính trọng các bậc sinh thành "vì dù chúng ta có đền đáp thế nào đi nữa, cũng không thể nào bù đắp được công ơn sinh thành của cha mẹ." Chúng ta còn được biết ngài có một em gái và một cháu trai, Gelasius, sau này là giám mục và là thánh.
Qua các văn bút ngài để lại, dường như ngài thuộc về nhóm gọi là Solitary (Ðộc Thân). Họ là những người sống tại gia nhưng giữ đức khiết tịnh, khổ hạnh và phục vụ.
Sau khi được tấn phong là phó tế và sau đó là linh mục, đức giám mục Maximus đã giao cho ngài trách nhiệm dạy giáo lý cho dự tòng và tân tòng. Sách Giáo Lý ngài viết vẫn có giá trị như một thí dụ điển hình cho nền tảng thần học và phụng tự của Giáo Hội vào giữa thế kỷ thứ tư.
Khi Ðức Maximus từ trần, Cha Cyril được tấn phong làm giám mục của Giêrusalem. Vì ngài được sự hỗ trợ của giám mục Caesarea là Acacius, người theo lạc thuyết Arian, nên phe chính giáo chỉ trích việc bổ nhiệm này, và phe Arian lại nghĩ rằng họ có thêm một đồng minh. Cả hai phe đều sai lầm, và Ðức Cyril thì kẹt ở giữa.
Khi nạn đói càn quét Giêrusalem, dân chúng chạy đến Ðức Cyril xin giúp đỡ. Vì không có tiền, ngài phải bán một số đồ dùng của nhà thờ để giúp đỡ người đói. Nhưng có những lời dèm pha rằng một số áo lễ được dùng làm y phục cho kép hát.
Sự bất hòa giữa Acacius và Ðức Giám Mục Cyril bắt đầu là về vấn đề quản hạt chứ không phải vấn đề tín lý. Là giám mục của Caesarea, Acacius nghĩ rằng mình có toàn quyền trên các giám mục Palestine. Nhưng Ðức Giám Mục Cyril lý luận rằng thẩm quyền của Acacius không bao gồm Giêrusalem vì Giêrusalem là một "tông tòa" -- là ngai toà do các tông đồ thiết lập. Khi Ðức Cyril không hiện diện trong các công đồng mà Acacius triệu tập, Acacius và phe cánh đã kết án ngài là đã bán vật dụng của nhà thờ để kiếm tiền và trục xuất ngài.
Ðức Cyril phải lưu đầy ở Tarsus trong khi chờ đợi việc kháng cáo. Sau đó, ngài xuất hiện trong Công Ðồng Seleucia, trong đó phe bán-Arian (vừa theo chính giáo, vừa theo Arian) chiến thắng. Kết quả là Acacius bị truất phế và Ðức Cyril được trở về ngai toà cũ. Tuy nhiên, hoàng đế không hài lòng về kết quả này, và một lần nữa, Ðức Giám Mục Cyril lại bị trục xuất và chỉ trở về khi hoàng đế Julian lên ngôi. Ðược vài năm sau, một sắc lệnh của tân hoàng đế Valens trục xuất tất cả các giám mục được Julian hồi phục, và Ðức Cyril lại phải lưu đầy cho tới khi Valens qua đời.
Có thể nói một nửa nhiệm kỳ giám mục của Ðức Cyril là bị đầy ải. Sau cùng, ngài trở về Giêrusalem, lúc ấy đã tan nát vì lạc giáo, ly giáo và tranh giành, tàn lụi vì tội lỗi. Năm 381, ngài đến tham dự Công Ðồng Constantinople, là công đồng hoàn tất bản kinh Tin Kính Nicene và phe Arian bị kết án. Ðức Cyril được thanh minh và được tẩy sạch mọi tiếng xấu trước đây, các giám mục tham dự Công Ðồng đã ca ngợi ngài như vị quán quân chính thống chống với bè phái Arian.
Ðức Cyril sống an bình tám năm ở Giêrusalem và từ trần năm 386, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.

Lời Bàn

Những ai tưởng rằng đời sống các thánh thật đơn giản và êm đềm, không một chút tranh chấp trần tục, chắc phải kinh hoàng về cuộc đời Thánh Cyril. Tuy nhiên, mọi Kitô Hữu không thể thoát khỏi những khó khăn như chính Thầy mình đã trải qua. Theo đuổi chân lý là một con đường phức tạp và không cùng, và mọi người thiện tâm đều đau khổ vì sự tranh giành và lầm lạc. Những chướng ngại về tri thức, tình cảm và chính trị có thể trì trệ đôi chút những người như Thánh Cyril. Nhưng đời sống của họ, nhìn toàn bộ, sẽ là những mẫu mực của sự thành tâm và dũng cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét