Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

17-03-2013 : (Phần II) CHÚA NHẬT V MÙA CHAY năm C


Chúa Nhật Ngày 17/03/2013
Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C
(Phần II)

Giáo Lý Phúc Âm - CHÚA NHẬT  V MÙA CHAY NĂM C - ngày 17.3.2013
CHÚA NHẬT  V MÙA CHAY NĂM C
Sách Tiên Tri Isaia 43, 16-21; Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Philipphê 3,8-14 và Phúc  Âm Gioan 8, 1-11
I.                   Giáo Huấn P.Â.:
            Tội lỗi, thực tại gắn liền với đời sống con người. “Tôi đã mang tội, ngay khi còn trong lòng mẹ” (Thánh vịnh 51,7) Hay như trong bài Phúc Âm hôm nay “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” 
 Hoán cải, từ bỏ tội lỗi quay về với Chúa. Điều tất yếu con người phải làm. Điều mà Chúa Giêsu được sai đến để thực hiện như được khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay “Tôi không lên án chị đâu! Về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” 
 Cứu  độ, được cứu sống, được sống hạnh phúc trong Nhà Cha mình, trong nước Thiên Chúa.  Đây là cứu cánh của đời người. Cứu độ là lý do Chúa đến trần gian. Chúa là Đấng cứu thế, đấng cứu người tội lỗi biết sám hối. “Vì Thiên Chúa không sai con của Người đến luận phạt trần gian, nhưng để nhờ Con của Người mà tất cả được cứu độ” (Gioan 3:17) hay “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào!” (Gioan 10,10)
Con người tội lỗi luôn được kêu gọi hoán cải  để nhận lấy tình thương cứư độ của Thiên Chúa.   
II.        Vấn nạn P.Â.    
            “Sao lại đọc Phúc Âm Thánh Gioan trong Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay trong chu kỳ Phụng Vụ Năm C như hôm nay? 
 Có  bốn Phúc Âm: Matthêô, Matcô, Luca và Gioan.
Phụng Vụ chia thành chu kỳ ba năm:
            Năm A, xử dụng Phúc Âm Matthêô.
            Năm B, xử dụng Phúc Âm Matcô.
            Năm C, xử dụng Phúc Âm Luca như chúng ta thấy từ đầu năm Phụng Vụ, tức từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng năm nay.
            Phúc  Âm Thánh Gioan thành hình sau cùng khoảng năm 90. Đây là một Phúc Âm trình bày đầy đủ các chiều kích cao sâu của thần học Tân Ước. Như chim phượng hoàng rộng cánh bay xa được dùng tượng trưng cho những suy tư bác học của tác giả, Thánh Gioan tông đồ.
            Câu chuyện người Phụ Nữ Ngoại tình chỉ có  trong Phúc Âm Thánh Gioan. Không có trong tường thuật của các Phúc Âm Nhất Lãm.
            Cũng không có trong Phúc Âm Gioan nơi những bản viết tay bằng tiếng Hy Lạp thời cỗ. Chỉ có trong Phúc Âm Gioan, nhưng trong bản dịch bằng tiếng la Tinh được chen vào sau chương 7, 36 (Giải thích theo The New AMERICAN Bible trang 1149) 
            Lý do để Phụng Vụ Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C xử dụng Phúc Âm Thánh Gioan mô tả người phụ nữ ngoại tình hôm nay: Tiếp nối và hoàn tất chủ để tội lỗi - hoán cải và cứu độ. 
Chủ đề Mùa Chay. 
            Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay: Chúa ăn chay, cầu nguyện và bị cám dỗ trong hoang địa. Cám dỗ  không từ ai! Ai cũng có thể phạm tội. 
            Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay: Chúa biến hình trên núi Tabor. Sự dữ và tội lỗi hoành hành xem chừng chiến thắng. Đấng cứu thế bị giết chết. Nhưng chính lúc chết là lúc Chúa cứu sống nhân loại. Sự dữ và tội lỗi bị tiêu diệt.
Chúa Nhật Thừ Ba Mùa Chay: Chúa không dùng hình phạt để trừng trị tội nhân. Nhưng qua những thiên tai hay tai nạn, tội nhân cần phải sám hối để nhận ơn cứu độ. 
            Chúa Nhật Thứ Tư Mùa chay: Dụ ngôn con trai hoang đàng và người Cha nhân hậu. Chúa luôn chờ đợi người tội lỗi hoán cải như người Cha luôn sẵn sàng đón nhận lại đứa con đi hoang. 
             Hôm nay, Chúa Nhật V Mùa Chay: Tuần cuối trước khi vào Phụng Vụ Tuần thương khó với Chúa Nhật Lễ Lá. Không còn là dụ ngôn nữa, nhưng là chuyện thật: chuyện người phụ nữ ngoại tình được tha chết. Tội lỗi, chuyện thật đời người xảy ra luôn như đã xảy ra cho người phụ nữ ngoại tình. Hoán cải, điều tội nhân nhất thiết phải làm. Nhận ơn tha tội và cứu độ, là chương trình của Chúa dành cho con người. Sinh ra có tội, nhưng luôn được kêu gọi hoán cải để được hưởng phần thưởng gia sản nước trời. 
            “Tại sao Chúa Giêsu không tán thành chuyện ném đá trừng phạt người phụ nữ goại tình theo như luật Môsê định? 
            Vì  Luật sĩ và Biệt Phái bóp méo Luật Môsê:
            Cả  trong hai sách: Lêvi 20,10 và trong sách Đệ Nhị Luật 22,22 đều cho phép ném đá chết cả hai, tức cả đàn ông và đàn bà bị bắt phạm tội ngoại tình với nhau.
            Trong Phúc Âm hôm nay, Biệt Phái và luật sĩ “dẫn  đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị  bắt gặp đang ngoại tình” Không thể đồng ý cho ném đá chết chỉ một người.
            Không có gì chắc chắn, nhưng biết đâu chừng trong đám luật sĩ và Biệt Phái tố cáo người hôm nay lại có người đã từng tằng tịu với chị ta? Why not? Vì họ đã nhiều lần bị Chúa tố cáo là giả hình. Giả hình tức giả bộ đạo đức đang khi đó làm nhiều chuyện bĩ ổi. Tiếng Việt chúng ta thường gọi là ‘ngậm máu phun người’ hay là hạng người ‘khẩu phật tâm sà!’, miệng niệm Phật Nam Mô mà tâm hồn toan tính toàn điều bất chính.   
            Vì  tránh âm mưu của Biệt Phái và  Luật Sĩ.
            Dưới thời bị La Mã đô hộ, Do Thái bị tước mất quyền tài phán, không được quyền quyết định giết chết người khác nều không có quyết định của tổng trấn.  
            Thấy rõ điều nầy trong vụ án Chúa Giêsu: Biệt Phái và Luật Sĩ đã bắt Chúa vào tối Thứ Năm, kết án Chúa trước Toà Án Tôn giáo Caipha ngay đêm đó, nhưng vẫn không dám giết Chúa, phải chờ sáng sớm Thứ Sáu mới mang Chúa sang dinh Tổng Trấn Philatô để xin án xử từ Chúa. Để được bản án tử hình cho Chúa, họ đã phải cật lực la hét là “tha cho Baraba và đóng đinh nó vào thập giá!” và “Hắn là tên phản loạn chống hoàng đế La Mã!” 
            Hôm nay cũng vậy, Biệt Phái và luật sĩ mang người phụ nữ ngoại tình đến trước Chúa để gải bẩy bắt Chúa: Nếu Chúa tha người Phụ nữ, có nghĩa Chúa theo La Mã và chống lại luật tôn giáo Do Thái tức luật Môsê. Nếu Chúa đồng ý cho ném đá người phụ nữ ngoại tình, Chúa thành người bất nhân và người chống lại đế quốc la mã: Kết án tử mà chưa có lệnh của tổng trấn. Chuyện âm mưu giăng bẫy hại người nầy đã được thực hiện khi có lần họ hỏi: có nên nộp thuế cho Cêsar, hoàng đế La Mã hay không như đã được trình bày trong Matthêô 22:15-22 và trong Luca 20:19-26 
            Nếu có chủ quyền, Biệt Phái và Luật sĩ đã mang Chúa đi hành hình không cần vào dinh tổng trấn Do Thái. Cũng vậy, nếu có chủ quyền, Biệt Phái và Luật Sĩ đã ném đá người phụ nữ ngoại tình chết tại chỗ chứ cần gì đợi tới sự phán quyết của Chúa.  
            Vì  đi ngược Sứ mệnh cứu thế của Chúa:
             Chúa dến để cứu độ chứ không phải để luật phạt hay giết chết. Cả trong Gioan 3,17 và Luca 19,10 đều khẳng định “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến không phải để luận phạt nhưng để cứu độ trần gian” Hay trong Matthêô 20,28 “Con Người đến khống phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người!”  
             Hơn nữa thử hỏi xem: Chúa được gì, xã hội được gì và người đàn bà tội lỗi được gì nếu bị ném đá chết hôm nay?
            Chúa mất! Mất đứa con hoang đàng tội lỗi mà Chúa đang chờ hoán cải. Chúa mất cơ hội đi tìm chiên lạc để chăm sóc, để chữa lành bệnh tật và qui tụ về cùng một đàn chiên và một chủ chiên như trong Thánh Vịnh 23 mô tả.
            Xã  hội mất! Mất một con người mà nếu cải tà qui chánh sẽ mang ích lợi cho xã hội. Giết người, mang thêm đau buồn và gây hận thù cho thân nhân gia đình nạn nhân.
            Tội nhân mất! Mất cơ hội sám hối và mất sự sống. Vô ích!
Nếu sứ mạng của Chúa Cứu Thế  là hoán cải người tội lỗi và  ban ơn cứu độ. Vậy sao còn có hoả ngục để phạt kẻ dữ?
            Kinh Thánh mô tả về sự thật hoả ngục:
            Phúc  Âm Thánh Luca chương 16 mô tả về sự khốn cùng của Ông phú hộ trong hoả ngục: bị lửa đốt, khổ sở cùng cực và hoả ngục là nơi để đọa đầy và hành hạ. 
            Phúc  Âm Thánh Matthêô 13, 42 diễn tả hoả ngục như lò lửa, nơi than khóc và nghiến răng.
            Trong sách Khải Huyền 20,15 diễn tả hoả ngục là một hồ toàn lửa đỏ. 
            Như vậy, thật sự có hoả ngục.
            Hoả  ngục dành cho ai? Dành cho Satan và đồng bọn như được diễn tả trong ngày chung thẩm theo Phúc Âm Matthêô 25, 41 tường thuật.
            Tại sao Hoả Ngục lại dành cho Satan và đồng bọn? Kinh Thánh mô tả Satan nguyên là thiên thần của Thiên Chúa, nhưng đã nỗi loạn chống lại Chúa và  bị dày xuống hoả ngục. Sách tiên tri Egiêkiên 28:15 nói: Satan muốn làm Chúa. Trong thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Corintô nói: Satan đã trở thành chúa của nhân loại tội lỗi. Trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ 20,10 nói là Satan bị phạt đời đời.
            Ai là đồng bọn của Satan?  Những ai phạm tội và cố tình duy trì tình trạng tội lỗi, không sám hối quay về với Chúa và chấp nhận hoả ngục như nơi mình đến.
            Khi chúng ta phạm tội là chúng ta nghe theo sự cám dỗ của Satan. Khi chúng ta phạm tội là đứng về phe thần dữ chống lại Thiên Chúa.
            Phải mạnh mẽ chống lại cám dỗ của Satan như Chúa Giêsu trong hoang địa.
            Phải hoán cải, hồi tâm hối lỗi và thoát khỏi bong tối tội lỗi quay về nhà Cha như người con hoang đàng trong Phúc Âm.
            Hậu quả của nguyên tội là khuynh hướng thích phạm tội nơi chúng ta. Nói cách khác, nơi chúng ta có mầm phản loạn chống lại Thiên Chúa và dễ theo phe Satan. Vì những khuynh hướng đi xuống nầy mà Chúa Giêsu phải xuống thế làm người như chúng ta để kéo chúng ta về Trời Cao như Phúc Âm Thánh Gioan 12,32 “Khi Ta được treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”.
            Nên Giáo Lý Công Giáo dạy: Khi lỡ sa phạm tội thì  phải xưng tội càng sớm càng tốt, nghĩa là cố  gắng thoát khỏi tình trạng “đồng bọn với Satan”  Nếu không gặp được linh mục để xưng tội thì  phải ăn năn tội cách trọn. 
III. Thực hành P.Â.:
1.      Kitô  hữu là những Chúa Kitô khác, tức là những người cứu nhân độ thế
            Những ai lãnh nhận bí tích rửa tội thì được gọi là Christifideles tức những Christian faithful, những người tin vào Chúa Kitô và được tháp nhập vào thân thể mầu nhiện của Chúa kitô, và thành sứ  giả mang ơn cứu độ đến cho mọi dân nước. “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy, vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, dạy họ tuân giữ những gì Thầy truyền cho các con và…Thầy nở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Matthêô 28, 16-20)  
            Từ Đức Giáo Hoàng trở xuống, có chung một tên gọi là Kitô hữu: Người tin Chúa và tiếp nối sứ mệnh cứu rỗi của Chúa. Nên chúng ta được phải cứu người chớ đừng bao giờ hại người.   
            Nên tránh mọi chuyện trù ẽo hay nguyền rũa người khác. Nhưng phải cầu nguyện cho kẻ làm hại chúng ta như trong Matthêô 5, 43-44. Nếu cầu nguyện cho kẻ làm hại chúng ta, chúng ta là người chiến thắng: thắng chính mình và thắng được kẻ ghét mình. Người ta có thể ghét hết mọi người trừ người thương mình. 
            Tôi  không thích coi phim kiếm hiệp của Hồng Kông, đó là những thiên truyện trả thù liên tục, từ đời nầy sang đời nọ: Cha mình bị giết chết – Hiếu tử lên núi tìm thầy học võ – Hạ san tìm giết kẻ thù – Con kẻ thù thành nạn nhân, lại tìm thầy học võ – Hạ san tìm giết kẻ thù.  Vòng lẫn quẫn không lối thoát, rất tiêu cực và ấu trĩ. 
            Hồng Kông, một hải đảo nhỏ rộng chừng 16 ngàn Kilô mét vuông với dân số khoảng một triệu ba trăm ngàn. Đất nhỏ, dân đông, nên họ chú trọng nhiều đến phim ảnh tưởng tượng loại kiếm hiệp và các thứ kiếm tiền khác như sòng bạc hay mãi dâm. Những kiểu làm ăn không tốn nhiều chỗ mà lại thoả mãn được tính nhỏ nhặt tiểu nhân của con người. 
            Khi làm hại người khác là chúng ta bị thua thiệt: thua tính tiểu nhân hẹp hòi của mình và làm hại chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người bị hại hay bị trả thù làm sao thấy được lòng thương xót Chúa nơi chúng ta là một Kitô hữu. Nhưng nếu chúng ta mang ích cho người khác hay cứu được người khác, chúng ta sẽ là người chiến thắng. Vì chúng ta thể hiện được sứ mạng cứu nhân độ thế mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Xin tìm đọc hạnh Cha Thánh Maximilian Kolbe, dòng Phanxicô sinh năm 1894. Năm 1941, thế mạng để cứu bạn tù Francis. Được tuyên thánh ngày 10.10.1982 và lễ nhớ ngày 14 tháng 8 hàng năm. 

2.      “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”
            Biệt Phái và Luật Sĩ mang tiếng giả hình và  có ác ý hại người. Nhưng dù sao trong vụ án người phụ nữ ngoại tình hôm nay, lương tâm họ vẫn còn tốt và bị thừc tĩnh do Lời Chúa “Ai trong các Ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” Những người hiện diện chờ ném đá, quăng bỏ đá đang có trong tay và âm thầm rút lui. 
            Nếu vụ án nầy xảy ra hôm nay, trong giáo xứ của chúng ta, chúng ta có dám để lương tâm mình bị đánh thức, quăng bỏ hòn đá cuội đang định giơ cao tay ném chết người và âm thầm rút lui không? Hay chúng ta phải ném đá giết người để chứng tỏ mình vô tội và trừng trị đích đáng tội phạm theo lẽ công bằng? 
            Trong cuộc sống thường ngày nhiều khi chúng ta dễ mất tự chủ và để cho máu mình xông lên vì một cá nhân nào đó bị cho là gây bất công hay phạm những sai sót không thể tha thứ được.   Chúng ta thấy mình có bổn phận phải lên tiếng chỉ trích, nặng lời thoá mạ, và sẵn sàng làm tổn thương những đối tượng nầy để gọi là bệnh vực lẽ phải, giống như người Biệt Phái bênh vực lề luật Môsê. 
            Tốt hơn chúng ta nên hỏi: tại sao người đàn bà nầy ngoại tình? Tại sao và hoàn cảnh nào đưa đẩy con người nầy đến hành động xấu đó? Nếu ở trong hoàn cảnh của những tội nhân nầy, tôi có làm khác hơn họ được không?  Hay tôi phải khiêm tốn thú nhận như thánh Phaolô: Yếu đuối của anh chị em tôi, cũng chính là những yếu duối của tôi!  Hãy để cho máu nóng kết án hạ xuống! Hãy để cho tình yêu thương tha thứ dâng cao hơn. Hãy nhìn thấy sâu và rõ hơn hoàn cảnh của người trong cuộc. Chắc chắn ai cũng sẽ quăng bỏ đá cuội đang chuẩn bị ném và âm thầm rút lui.

SỐNG LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C
Dẫn
Trong tình yêu, người ta có những sáng kiến bất ngờ. Khi yêu, người ta có thể quên hết những khuyết điểm, lầm lỗi của người mình yêu. Khi yêu người ta tìm mọi cách làm vui lòng người mình yêu. Khi yêu người ta sẽ không ngần ngại giúp đỡ người yêu của mình được tốt đẹp hơn.
Tình yêu là động lực thúc đẩy sự thăng tiến và biến đổi đời sống.
Đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta những người đuợc Chúa yêu, qua bài tin mừng hôm nay.
Chia sẻ
Nếu có ai đó còn nghi ngờ về tình yêu Thiên Chúa, thì sứ điệp lời Chúa hôm nay là lời giải đáp có sức thuyết phục, xua tan hết những nghi ngại trong lòng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Biết trước mình là tội nhân, bị liệt vào bản án tử hình, ai lại không cảm thấy run sợ khi đứng trước tòa xét xử. Đó là tâm trạng của người phụ nữ phạm tội ngoại tình trong bài tin mừng hôm nay.

Vì không kiềm chế được bản năng sinh lý đòi hỏi và không tự chủ trước những nhu cầu hưởng thụ khoái lạc sai lầm, người phụ nữ trong bài tin mừng hôm nay đã phạm trọng tội và phải lãnh lấy khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Trước mắt chị bây giờ chỉ là màn đêm vây kín. Cuộc đời chị coi như sắp kết thúc. Mạng sống của chị như ngàn cân treo sợi tóc vì bản án tử hình đã rõ. Bó tay!
Bó tay vì theo luật Môsê, ngoại tình công khai thì lãnh lấy án tử, không còn cách nào khác. Bó tay vì không ai dám đứng về phía chị để bênh đỡ. Bó tay vì những búa rìu dư luận nặng nề bổ lên đầu chị mà không ai có thể ngăn cản.
Nhưng trước những trói buộc của lòng người hiểm ác, của dư luật độc hại, của luật lệ cứng ngắt, tưởng chừng như không thể thoát khỏi, thì với Chúa Giêsu mọi bó buộc đã được tháo cởi.
Trước hết Chúa tháo cởi lòng người hiểm ác. Bằng khoảng lặng và cách đặt vấn đế: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Tự vấn lương tâm, ai cũng nhận ra mình là tội nhân. Thay vì kết tội người khác họ quay về kết tội chính mình. Thế là Chúa đã cởi bỏ tính tự mãn, kiêu căng nham hiểm nơi lòng họ.
Đồng thời qua đó Chúa Giêsu cũng đã tháo cởi được những ánh mắt giận dữ, những lời nói độc ác, những búa rìu dư luận và lời kết án nặng nề trút lên người phụ nữ qua cách thức từ từ rút lui của họ. Chúa Giêsu hỏi: “Họ đâu rồi? không ai lên án chị sao?”. Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”.
Cuối cùng với lời tha thứ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Chúa Giêsu cởi trói tội lỗi cho chị và mở ra bầu trời hy vọng sáng ngời.
Sau khi cởi hết những trói buộc, Chúa Giêsu không quên khuyên bảo: “ Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”, những gánh nặng tội lỗi xưa nay nơi chị đã được trút bỏ. Từ đây chị có thể nhẹ nhàng tiến bước trong hân hoan với niềm vui và hạnh phúc của con người mới được Chúa yêu thương. Đồng thời chị cũng ý thức quyết tâm đổi mới cuộc đời xứng đáng với tình yêu và ơn tha thứ của Chúa.
Chúng ta là những tội nhân đáng chết, nhưng được Chúa yêu thương tha thứ qua bí tích giao hoà. Xin cho mùa chay này, chúng ta can đảm từ bỏ đi những tính hư nết xấu và tội lỗi, canh tân đời sống, hầu xứng đáng với tình thương ơn tha thứ mà Chúa dành cho ta.
17/03/13 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – C
Ga 8,1-11

LÒNG CHÚA NHÂN TỪ
Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình . . .Họ nói với Người :” Theo Sách Luật, Ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” – Chúa Giê-su nói với họ :” Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,3-7)
Mời Bạn: Bạn hãy nhìn các kinh sư và biệt phái: cả đêm thì đi rình mò… từ sáng sớm đã lo đi tố cáo.
Còn ngưòi phụ nữ thì đầu tóc bù xù, mặt cúi gầm xuống không dám ngẩng lên… Bẽ bàng, nhục nhã: Hàng trăm con mắt đang đổ dồn vào chị với một vẻ khinh bỉ!… Chị rùng mình đau nhói: nghĩ đến những hòn đá sắp sửa ném vào thân chị!
Mời bạn cũng hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu đang ngồi giữa đám đông, nhân từ, cảm thông, tế nhị. Phải chăng lòng Ngài cũng đang trĩu nặng vì những tội lỗi của nhân loại và của chính bạn nữa?
- Đến lượt bạn, bạn hãy chọn một chỗ đứng trước mặt Chúa, bên người phụ nữ tội lỗi này, nhớ lại tội lỗi mình để chờ Chúa xử án… Từ chỗ đứng đó bạn mới thấy được lòng nhân từ thương xót của Ngài.
Sống Lời Chúa: Xét lại tội lỗi của mình và khóc với Chúa; rồi bạn xin Ơn Tha Thứ qua Bí Tích Hòa Giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, biết bao lần con đã giống như các kinh sư và biệt phái trong cách đối xử với người khác : lên án, chỉ trích, luận tội… Trong tư thế người phụ nữ, thì lạy Chúa, con cũng đã ngoại tình, ngoại tình không riêng ở Điều Răn thứ Sáu mà cả mỗi khi con phản bội Chúa, tôn thờ tiền bạc, thú vui, những thứ không phải là Chúa… Xin cho con biết đau đớn vì tội lỗi và quyết tâm trở về với Chúa. 

Lectio: Chúa Nhật V Mùa Chay (C)

Chúa Nhật, 17 Tháng 3, 2013
Chúa Giêsu gặp một người phụ nữ sắp bị ném đá
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi!”
Lc 8:1-11

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.
2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng hôm nay dẫn đưa chúng ta đến một suy niệm về cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu với các Kinh Sư và người Biệt Phái.  Bởi lời giảng dạy và cách hành động của Người, các luật sĩ và người Biệt Phái không ưa gì Chúa Giêsu.  Vì vậy, học tìm đủ mọi cách để buộc tội và trừ khử Người.  Họ dẫn đến trước mặt Người một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình để hỏi Người rằng họ có nên chiếu theo lề luật Môisen mà luật này dạy rằng hạng đàn bà như thế phải bị ném đá không.  Họ muốn khiêu khích Chúa Giêsu. Bằng cách làm ra vẻ như là những người quan tâm đến Lề Luật Môisen, họ đã dùng người đàn bà để tranh luận với Đức Giêsu.  Chuyện tương tự như thế đã thỉnh thoảng xảy ra.  Lấy cớ như là quan tâm đến Lề Luật Thiên Chúa, ba tôn giáo nhất thần:  Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đã lên án và sát hại nhiều người.  Điều này cũng còn tiếp tục cho đến ngày nay.  Dưới chiêu bài quan tâm đến Lề Luật Thiên Chúa, nhiều người đã bị tước mất sự hiệp thông và thậm chí còn bị loại trừ ra khỏi cộng đồng.  Lề Luật và phong tục đã được tạo ra để loại trừ và gạt ra ngoài lề một số loại người nhất định.
Khi chúng ta đọc đoạn Tin Mừng Gioan 8:1-11, chúng ta nên xem bản văn như là tấm gương phản chiếu lại chân dung của chính chúng ta.  Khi đọc, chúng ta hãy cố gắng lưu ý kỹ đến thái độ, lời nói và cử chỉ của những nhân vật trong câu chuyện:  các Kinh Sư, những người Biệt Phái, người đàn bà ngoại tình, Đức Giêsu và dân chúng. 
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 8:1-2:  Chúa Giêsu vào trong đền thờ để giảng dạy cho đám đông
Ga 8:3-6a:  Các đối thủ của Chúa đến khiêu khích Người
Ga 8:6b:  Phản ứng của Chúa Giêsu, Người ngồi viết trên đất
Ga 8:7-8:  Hành động khiêu khích thứ hai, và phản ứng của Chúa Giêsu giống như lần thứ nhất
Ga 8:9-11:  Lời kết sau cùng
c) Tin Mừng:
1 Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. 2 Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. 3 Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. 4 Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, 5 mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" 6 Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". 8 Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. 9 Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. 10 Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" 11 Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a)  Điểm nào trong bản văn đã làm bạn cảm động hoặc hài lòng nhất?  Tại sao?
b)  Có một số người và nhóm người xuất hiện trong câu chuyện này.  Họ nói gì và làm gì?        
c)  Bạn hãy thử đặt mình vào trong tình cảnh của người phụ nữ:  người đàn bà đã cảm thấy như thế nào?        
d)  Tại sao Chúa Giêsu lại bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất?
e)  Cộng đoàn chúng ta có thể và phải làm gì để đón tiếp những kẻ bị hắt hủi?
5.  Ý chính của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a)      Bối cảnh văn học: 
Các học giả cho rằng Tin Mừng của Gioan tăng trưởng dần dần, có nghĩa là, nó được viết từng đoạn một.  Sau một thời gian, cho đến cuối thế kỷ thứ nhất, các thành viên của cộng đoàn Gioan tại Tiểu Á, nhớ lại và thêm các chi tiết vào các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu.  Một trong những sự kiện này, mà một số chi tiết đã được thêm vào, là đoạn Tin Mừng của chúng ta, câu chuyện về một người phụ nữ sắp sửa bị ném đá (Ga 8:1-11).  Trước đoạn Tin Mừng của chúng ta một chút, Đức Giêsu đã nói:  “Ai khát, hãy đến với Ta, ai tin vào Ta, hãy đến mà uống!” (Ga 7:37).  Lời tuyên bố này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận (Ga 7:40-53).  Thậm chí những người Biệt Phái còn chế nhạo dân chúng, coi họ là ngu dốt vì tin vào Đức Giêsu.  Ông Nicôđêmô đã phản ứng lại, nói với họ rằng:  “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7:51-52).  Sau đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ gặp một lời tuyên bố khác của Chúa Giêsu:  “Ta là ánh sáng thế gian!” (Ga 8:12), một lần nữa lại gây ra cuộc tranh luận giữa những người Do Thái.  Câu chuyện người đàn bà mà Lề Luật sẽ kết án, nhưng lại được tha thứ bởi Chúa Giêsu (Ga 8:1-11), được lồng vào giữa hai lời tuyên bố này và các cuộc tranh luận sau đó của họ.  Những câu tuyên bố trước và sau này, cho thấy rằng câu chuyện đã được đưa vào đây để tỏa sáng về chân lý rằng Đức Giêsu, là ánh sáng thế gian, soi sáng đời sống người ta và áp dụng Lề Luật tốt đẹp hơn so với những người Biệt Phái.
b)  Lời bình luận về văn bản:
Ga 8:1-2:  Chúa Giêsu và đám đông dân chúng
Sau cuộc tranh luận được ghi lại tại cuối chương 7 (Ga 7:37-52), ai nấy trở về nhà mình (Ga 7:53).  Đức Giêsu không có nhà trong thành Giêrusalem, vì vậy Người đi lên Núi Cây Dầu.  Người tìm thấy một khu vườn nơi mà Người có thể qua đêm ở đó trong cầu nguyện (Ga 8:1).  Qua hôm sau, vừa tảng sáng, Chúa Giêsu trở lại đền thờ lần nữa.  Đám đông dân chúng kéo đến gần để lắng nghe.  Thông thường, đám đông ngồi thành vòng tròn xung quanh Chúa Giêsu khi Người giảng dạy.  Mà Chúa Giêsu đã giảng dạy điều gì?  Bất cứ là điều gì đi chăng nữa, nó phải là tuyệt vời thích thú lắm bởi vì đám đông đã đến đó trước lúc bình minh mà lắng nghe Người!
Ga 8:3-6a:  Hành động khiêu khích của các đối thủ của Chúa
Đột nhiên, các Kinh Sư và người Biệt Phái đi đến và mang theo một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.  Họ đặt nàng ở giữa trước mặt Chúa Giêsu và đám đông dân chúng.  Chiếu theo Lề Luật Môisen, người đàn bà này phải bị ném đá (Lv 20:10; Đnl:22:22,24).  Họ hỏi:  “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và theo Luật Môisen ra lệnh cho chúng tôi phải ném đá hạng phụ nữ này.  Còn Thầy, Thầy dạy sao?”  Đây là một hành động khiêu khích, một cái bẫy.  Nếu Chúa Giêsu nói:  “ Hãy làm theo Lề Luật”, thì các Kinh Sư sẽ nói với đám đông dân chúng:  ông này chẳng tốt lành gì như người ta tưởng vì ông ấy đã ra lệnh cho người đàn bà này phải chết.  Nếu Chúa Giêsu đáp:  “Đừng giết nàng ta”, thì họ sẽ nói:  “Ông này cũng chẳng tốt lành gì như vẻ bề ngoài vì ông ta đã không tuân giữ Lề Luật Môisen!”  Dưới danh nghĩa trung thành với Thiên Chúa, họ thao tác Lề Luật Môisen và sử dụng người phụ nữ để cáo buộc Chúa Giêsu. 
Ga 8:6b:  Phản ứng của Chúa Giêsu:  Người ngồi viết trên đất
Tình cảnh này giống như một cái bẫy sập chắc chắn.  Nhưng Chúa Giêsu chẳng sợ hãi, cũng chẳng lo lắng.  Trái lại là đàng khác.  Một cách lặng lẽ, như một người làm chủ tình hình, Người ngồi xuống và bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.  Hành động viết trên đất có ý nghĩa gì?  Có người nghĩ rằng Chúa Giêsu đang viết tội lỗi của những kẻ đang cáo buộc.  Một số người khác cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của người đang làm chủ tình hình và không màng đến những lời cáo buộc của kẻ khác.  Nhưng đây cũng có thể chỉ là một hành động tượng trưng, sự ám chỉ đến một điều gì đó phổ quát hơn nhiều.  Nếu bạn viết một chữ gì đó trên đất, thì qua sáng hôm sau nó sẽ không còn nữa, sẽ bị gió hoặc mưa cuốn đi, mất hút!  Chúng ta thấy một sự ám chỉ tương tự trong sách tiên tri Giêrêmia, trong đó chúng ta đọc thấy rằng tên của các thuộc tính của Thiên Chúa thì được viết trên đất, có nghĩa là chúng không có tương lai. Gió và mưa sẽ cuốn trôi chúng đi (xem Gr 17:13).  Có lẽ Đức Giêsu đang nói cho những kẻ xung quanh Người:  tội lỗi mà các ngươi đã cáo buộc người phụ nữ này, thì đã được Thiên Chúa tha thứ khi Ta đang viết những chữ này trên đất.  Từ giờ trở đi, những tội này sẽ không còn được nhớ đến!
Ga 8:7-8:  Hành động khiêu khích thứ hai, và phản ứng của Chúa Giêsu tương tự như lần thứ nhất
Đối diện với thái độ yên lặng này của Chúa Giêsu, thì chính những kẻ đối đầu lại trở nên lo lắng.  Họ cố nài và muốn biết ý kiến của Chúa Giêsu.  Khi ấy, Đức Giêsu đứng lên và bảo họ:  “Ai trong các ngươi sạch tội, thì hãy ném đá chị này trước đi!”  Và Người ngồi xuống lại viết trên mặt đất.  Người không tham dự vào cuộc tranh luận vô ích và không kết quả liên quan đến Lề Luật, bởi vì, trong thực tế, vấn đề nằm ở nơi khác.  Chúa Giêsu xoay chuyển tâm điểm của cuộc thảo luận.  Thay vì để cho ngọn đèn của Lề Luật bị tập trung vào người phụ nữ để lên án nàng, Người đề nghị các đối thủ của mình tự nghiệm xét bản thân mình dưới ánh sáng của những gì Lề Luật Môisen đòi hỏi nơi họ.  Chúa Giêsu không thảo luận những chữ trong Lề Luật.  Người tranh luận và lên án thái độ xấu xa của những kẻ lợi dụng dân chúng và Lề Luật để thủ đắc riêng cho họ, những điều trái ngược với Thiên Chúa, tác giả của Lề Luật.
Ga 8:9-11:  Lời kết sau cùng:  Chúa Giêsu và người phụ nữ
Câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho đối phương bối rối.  Những người Biệt Phái và Kinh Sư bẽ mặt rút lui từng người một, “bắt đầu với người lớn tuổi nhất”.  Trái ngược với những gì họ đã toan tính xảy ra.  Kẻ bị lên án bởi Lề Luật không phải là người đàn bà mà là những kẻ tin rằng mình là kẻ trung thành với Lề Luật.  Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ.  Đức Giêsu đứng dậy, và bảo nàng rằng:  “Hỡi chị, những người cáo chị đi đâu cả rồi?  Không ai kết án chị ư?”  Nàng đáp:  “Thưa Thầy, không có ai!”  Đoạn Chúa Giêsu bảo nàng:  “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị.  Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”  Chúa Giêsu sẽ không để cho bất cứ ai dùng Lề Luật Thiên Chúa để lên án anh chị em mình, khi mà chính người ấy cũng là kẻ tội lỗi.  Bất kỳ ai có cái đà trong mắt mình thì không thể cáo buộc người khác có cái dằm trong mắt họ.  “Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái xà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6:42).
Câu chuyện này, hay hơn bất cứ bài giảng nào khác, cho thấy rằng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian (Ga 11:12) Đấng tỏ lộ sự thật.  Nó phơi bày ra ánh sáng những chuyện riêng tư thầm kín nhất trong một người.  Trong ánh sáng Lời Chúa Giêsu, những kẻ có vẻ tự cho mình là người bảo vệ Lề Luật Chúa thì lại bị cho thấy là kẻ đầy tội lỗi.  Họ nhận ra điều này và rút lui từng người một, bắt đầu bằng người lớn tuổi nhất.  Và người phụ nữ, bị cho là tội lỗi và đáng bị án tử, đứng trước mặt Chúa Giêsu, thì được tha tội, được cứu chuộc, được làm cho xứng đáng (xem Ga 3:19-21).  Hành động của Chúa Giêsu mang lại cho nàng một cuộc sống mới và phục hồi phẩm giá của nàng là người phụ nữ và là con của Thiên Chúa.
c)  Phần phụ chú:
Lề Luật liên quan đến phụ nữ trong Cựu Ước và phản ứng của dân chúng
Từ thời các tiên tri Étra và Nê-hê-mia, xu hướng chính thức là gạt bỏ phụ nữ ra khỏi mọi hoạt động nơi công cộng và xem họ là không thích hợp để thực hiện bất kỳ chức năng nào trong xã hội, ngoại trừ việc làm vợ và làm mẹ.  Điều mà góp phần rất lớn cho việc gạt bỏ người phụ nữ ra ngoài lề xã hội chính là lề luật thanh khiết.  Người phụ nữ bị xem là bất tịnh bởi vì làm mẹ, làm vợ và làm con gái, vì là phái nữ.  Bởi vì làm mẹ:  khi mới ở cữ, nàng đã trở thành ô uế (Lv 12:1-5).  Vì là con gái:  khi sinh con trai, người đàn bà bị coi là ô uế trong bốn mươi ngày (Lv 12:2-4); tệ hơn nữa, khi sinh con gái, nàng bị coi là ô uế trong thời gian tám mươi ngày! (Lv 12:5).  Vì làm vợ:  sự quan hệ tình dục làm cho cả người vợ lẫn người chồng trở thành ô uế cả ngày (Lv 15:18).  Bởi vì là phụ nữ:  việc kinh nguyệt đã làm người phụ nữ trở nên ô uế suốt một tuần lễ và làm lây những người khác cũng trở thành ô uế.  Bất cứ ai chạm vào một người phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt thì phải trải qua một nghi thức thanh tẩy (Lc 15:19-30).  Không thể nào một người phụ nữ có thể che dấu sự ô uế của mình, bởi vì lề luật bắt buộc người khác phải tố giác nàng (Lv 5:3).  Lề luật này khiến cho cuộc sống thường nhật trong nhà không thể chịu nổi.  Bảy ngày trong mỗi tháng, người mẹ trong gia đình không được phép nằm trên giường hay ngồi trên ghế, lại càng không được đụng chạm vào chồng con để cho họ không bị lây ô uế!  Lề luật này là hệ quả của trạng thái tâm lý, theo đó thì người phụ nữ bị xem là thấp kém hơn so với đàn ông.  Có một số ý kiến nói rằng điều này cho thấy sự kỳ thị đối với người phụ nữ (Hc 42:9-11; 22:3).  Việc gạt ra ngoài lề trở thành như thế bởi vì phụ nữ bị coi là nguồn gốc tội lỗi và sự chết và là nguyên nhân của tất cả các sự dữ (Hc 25:24; 42:13-14)  Vì vậy, các đặc quyền và sự chi phối của người đàn ông trên người phụ nữ vẫn tiếp tục được duy trì.
Trong bối cảnh thời đại, tình trạng người phụ nữ trong thế giới của Kinh Thánh thì chẳng khá hơn hay tồi tệ hơn so với những người khác.  Đó là nền văn hóa chung.  Thậm chí ngày nay, vẫn còn có nhiều kẻ tiếp tục sống theo lối suy nghĩ này.  Nhưng thời nay cũng giống như trước đây, từ lúc bắt đầu lịch sử Kinh Thánh, luôn luôn có những người chống đối lại việc hắt hủi này đối với giới phụ nữ, đặc biệt là sau thời gian lưu đày, lúc người phụ nữ dân ngoại, bị coi là thành phần nguy hiểm, đã bị đuổi đi (xem Et 9:1-3; 10:1-3).  Sự phản kháng của phụ nữ đã gia tăng khi việc hắt hủi họ ở lúc tồi tệ nhất.  Trong một số sách khôn ngoan, chúng ta khám phá ra tiếng nói của sự phản kháng đó:  sách Diễm Ca, sách Rút, sách Giu-đi-tha, sách Ét-thơ.  Trong những sách này, người phụ nữ không xuất hiện như các bà mẹ hay người vợ, mà như là những người có thể dùng vẻ đẹp và nữ tính của họ để tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo khó và do đó để bảo vệ cho Giao Ước của dân chúng.  Những người này không chiến đấu vì đền thờ, cũng không vì lề luật trừu tượng, mà là vì đời sống của dân chúng.
Việc đối kháng của phụ nữ chống lại việc loại bỏ họ tìm thấy tiếng vang và đáp ứng từ Chúa Giêsu.  Dưới đây là một số câu chuyện về phản ứng của Chúa Giêsu đối với phụ nữ:
*  Cô gái điếm:  Chúa Giêsu tiếp đón và bênh vực chị ta trước mặt các người Biệt Phái (Lc 7:36-50).
*  Chúa Giêsu bầu chữa người phụ nữ còng lưng trước mặt vị trưởng hội đường (Lc 13:10-17).
*  Người đàn bà bị coi là ô uế được đón tiếp không lời trách cứ và được chữa lành (Mc 5:25-34).
*  Người phụ nữ Samaritanô, bị coi là kẻ lạc giáo, là người đầu tiên nhận lãnh được bí mật của Chúa Giêsu rằng Người chính là Đấng Mêssia (Ga 4:26).
*  Người phụ nữ dân ngoại nhận được sự chữa lành của Chúa Giêsu và bà giúp Chúa khám phá ra sứ vụ của mình (Mc 7:24-30).
*  Các bà mẹ có con nhỏ, bị xua đuổi bởi các môn đệ, được chào đón bởi Chúa Giêsu (Mt 19:13-15).
*  Phụ nữ là những người đầu tiên mục kích Chúa Giêsu sống lại (Mt 28:9-10; Ga 20:16-18).
6.  Thánh Vịnh 36 (35)
Lòng nhân từ của Thiên Chúa sẽ lột mặt nạ bọn đạo đức giả
Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ;
hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời.
Hắn tự cao tự đại, nên chẳng thấy tội mình mà chê ghét.
Lời nói toàn xảo quyệt dối gian,
hết lẽ khôn ngoan, hết điều lương thiện!
Nằm trên giường, hắn bày ra chước độc mưu thâm,
hắn đứng lỳ trên nẻo đường bất hảo,
không còn chê ghét việc gian tà.
Lạy CHÚA, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
lòng thành tín vượt ngàn mây biếc.
Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,
quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.
Lạy CHÚA, Ngài tế độ con người và súc vật.
Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao!
Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.
Họ được no say yến tiệc nhà Ngài,
nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê.
Ngài quả là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.
Xin hằng thương những kẻ biết Ngài,
và hằng xử công minh với những ai có lòng ngay thẳng.
Đừng để quân ngạo mạn giày xéo thân này
và phường độc dữ đánh đuổi con đi.
Kìa bọn làm điều ác đã nhào xuống cả,
ngã quỵ rồi, không chỗi dậy nổi đâu.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét