Trang

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

20-03-2013 : THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY


Thứ Tư Ngày 20/03/2013
Tuần 5 Mùa Chay Năm C


BÀI ĐỌC I: Đn 3, 14-20. 91-92. 95
"Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người".

Trích sách Tiên tri Đaniel.
Trong những ngày ấy, vua Nabucôđônôsor nói rằng: "Hỡi Sidrach, Misach và Abđênagô, có phải các ngươi không chịu thờ các thần của ta và lạy tượng vàng ta đã dựng không? Vậy nếu các ngươi đã sẵn sàng, thì lúc nghe tiếng kèn, tiếng huyền cầm, tiếng còi, quyển sáo và các thứ nhạc khí, các ngươi phải sấp mình thờ lạy tượng ta đúc. Nhưng nếu các ngươi không chịu sấp mình thờ lạy, lập tức các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa cháy bừng. Và coi Chúa nào sẽ cứu thoát các ngươi khỏi tay ta". Sidrach, Misach và Abđênagô trả lời với vua Nabucôđônôsor rằng: "Tâu lạy vua, chúng tôi không cần trả lời cùng vua về việc này, vì đây Thiên Chúa chúng tôi thờ có thể cứu thoát chúng tôi khỏi lò lửa cháy bừng, và khỏi tay đức vua; nhược bằng Thiên Chúa chúng tôi không muốn thì, tâu lạy vua, vua nên biết rằng chúng tôi không thờ các thần của vua và không lạy tượng vàng của vua dựng lên".
Bấy giờ vua Nabucôđônôsor thịnh nộ, mặt biến sắc, nhìn thẳng vào Sidrach, Misach và Abđênagô, ông ra lệnh đốt lò nóng hơn thường gấp bảy lần, và truyền lệnh các tráng sĩ trong cơ binh trói chân Sidrach, Misach và Abđênagô, và ném vào lò lửa cháy bừng.
Bấy giờ vua Nabucôđônôsor bỡ ngỡ, vội vã đứng lên và nói với các triều thần rằng: "Chớ thì ta không ném ba người bị trói vào lò lửa sao?" Các ông trả lời với vua rằng: "Tâu lạy vua, thật có". Vua nói: "Đây ta thấy có bốn người không bị trói đi lại giữa lò lửa mà không hề hấn gì; dáng điệu người thứ tư giống như Con Thiên Chúa". Vua Nabucôđônôsor nói tiếp: "Chúc tụng Chúa của Sidrach, Misach và Abđênagô, Đấng đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ tin cậy Người, không chịu vâng phục mệnh lệnh của nhà vua và thà hy sinh thân xác, chớ không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của họ". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Đn 3, 52. 53. 54. 55. 56

Đáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).

1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. - Đáp.
2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. – Đáp.
3) Chúc tụng Chúa ngự lên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Đáp.
4) Chúc tụng Chúa, Đấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Đáp.
5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42
"Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: "Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi". Họ thưa lại Người: "Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói 'Các ngươi sẽ được tự do'?". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi". Họ đáp lại: "Cha chúng tôi chính là Abraham!" Chúa Giêsu nói: "Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Điều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!" Họ lại nói: "Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!" Chúa Giêsu nói: "Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Nô Lệ Tội Lỗi

            Khi thi hành bổn phận của vị Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hungary, Ðức Tổng Giám Mục Angelo Ronalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai và quở trách Ngài về mọi mặt do một linh mục gởi cho. Ðọc xong bức thư, Ðức Tổng Giám Mục Angelo Roncalli không nói một lời, lòng vẫn thao thức yêu thương vị linh mục đã chỉ trích Ngài.
Thời gian trôi qua, Ngài được phong chức Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris, rồi lên Hồng Y Giáo Chủ ở Pénitria và cuối cùng đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan XXIII. Khi Ngài lên ngôi Giáo Hoàng thì vị linh mục viết thư chỉ trích Ngài vẫn còn sống. Một hôm, gặp dịp giáo dân trong vùng tổ chức cuộc hành hương về Rôma để yết kiến Ðức Tân Giáo Hoàng và cũng là vị cựu Tổng Giám Mục của họ ngày xưa. Vị linh mục nọ cũng đi chung với phái đoàn. Ðến Rôma, vị linh mục ấy xin được gặp riêng để yết kiến Ðức Gioan XXIII, và lời thỉnh cầu được chấp nhận.
Sau đây là câu chuyện do chính linh mục ấy thuật lại: Trong lúc đứng ở phòng khách trên điện cao Vatican để đợi đến phiên vào triều yết Ðức Thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ đến bức thư chỉ trích Ngài năm xưa. Tôi thầm nghĩ đã mấy chục năm qua rồi, chắc giờ đây Ðức Thánh Cha không còn nhớ nữa đâu. Nhưng nếu rủi khi Ngài còn nhớ thì sao? Lòng tôi cảm thấy xao xuyến hồi hộp và hy vọng Ðức Thánh Cha sẽ tha thứ cho tôi.
Ðang lúc suy nghĩ miên man thì bỗng cánh cửa chợt mở, linh mục thư ký dẫn tôi vào. Vừa thấy tôi, Ðức Thánh Cha niềm nở đưa tay bắt và mời tôi ngồi. Ngài ân cần hỏi thăm công việc mục vụ của tôi, của giáo phận và bùi ngùi nhắc đến những người bạn cũ năm xưa bên Hungary. Ngài thương nhớ tất cả, không trừ một ai và như thể xứ sở của tôi là chính quê hương của Ngài vậy.
Lúc ấy lòng tôi rất khấp khởi, vì chắc Ðức Thánh Cha đã quên hẳn bức thư hỗn hào ngày xưa. Câu chuyện vẫn tiếp tục trong bầu khí vui vẻ thân tình. Bỗng tôi thấy Ðức Thánh Cha đưa tay với lấy cuốn Kinh Thánh, Ngài mở ra để trước mặt tôi bức thư hỗn láo kia. Tôi xấu hổ và sợ hãi, tôi đang lúng túng với muôn ngàn âu lo thắc mắc, thì Ðức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi cách dịu dàng và bảo: "Con đừng sợ, Cha không bao giờ giận con đâu? Cha cám ơn con, Cha cũng là người có những khuyết điểm. Cha ngăn bức thư con viết vào Kinh Thánh để hằng ngày đọc mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa lánh những lầm lỡ có thể xảy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế, Cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con".

Anh chị em thân mến!

Ðức Gioan XXIII nổi tiếng là vị Giáo Hoàng hiền lành và khiêm nhượng. Ngài đã biết tận dụng những lời phê bình chỉ trích để canh tân đời sống đức tin của mình luôn mãi. Vì những lời khen tặng, nhất là vì lịch sự, như hậu ý vụ lợi có hại cho sự phát triển tinh thần và nhân cách của người nhận hơn là làm lợi cho họ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với người Do Thái vừa mới tin vào Ngài. Ngài thấy lòng tin của họ chưa được trọn vẹn lắm, nên Ngài đã đề nghị với họ những biện pháp thiết thực để củng cố lòng tin đó. Nhưng Ngài đòi họ cần phải sống Lời Chúa, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trọn cuộc đời họ, để Lời Chúa giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Tuy nhiên, những người Do Thái này chưa có đủ khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa. Họ tự phụ mình là con cháu của Abraham và không cần ai chỉ dạy thêm điều chi nữa.

Anh chị em thân mến!

Chúa Giêsu chờ đợi những người Do Thái mới tin Chúa, như đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Hãy noi gương của Thiên Chúa và của Abraham mà phát triển mối tương quan đức tin với Ngài: "Nếu các ngươi là con cái của Thiên Chúa Cha, thì chắc chắn các ngươi sẽ yêu mến Ta. Nếu các ngươi là con cái của Abraham thì các ngươi hãy thi hành công việc của Abraham mà tin lời Ta".
Vậy, những người Do Thái tự phụ này không thể nào thăng tiến trên con đường đức tin. Bởi vì họ chỉ mượn danh nghĩa con cái Thiên Chúa, bà con của Abraham để hưởng lợi mà thôi. Họ cho mình là người trong nhà, nhưng thực ra họ là những người con xa lạ, người con hoang theo như từ ngữ của đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên chúng ta như sau: Lòng mến Chúa phải tuyệt đối. Vì như Lời Chúa dạy: "Không ai được làm tôi hai chủ". Con làm tôi mấy chủ? Mỗi ngày hãy dành riêng ít phút thinh lặng để giúp đời nội tâm tiến lên. Lâu nay con để dành mấy phút? Con chỉ có một việc quan trọng nhất, như Maria đã chọn phần tốt nhất là ngồi bên chân Chúa. Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn các hoạt động của con thì con thấy nhiều, rõ nhiều rồi, cha miễn nói thêm. Con chỉ có một của ăn là "Thánh ý Cha", nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa, con hành động do ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn để con sống lành mạnh. Ngoài ý Chúa, con sẽ chết. Con chỉ có một giây phút đẹp nhất, giây phút hiện tại sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn. Ðời con sẽ tuyệt đẹp, nếu con biết thêu dệt những giây phút kết hợp mật thiết với thánh ý Chúa.
Phải! ý Chúa muốn cho mỗi người chúng ta trong hiện tại là trở nên những con thảo của Ngài, chứ không phải là những đứa con hoang. Hãy thi hành công việc của Thiên Chúa. Hãy để cho Lời Ngài thấm nhập trong cả cuộc sống của mình.

Lạy Chúa, nhiều lúc vì tự phụ, con ỷ lại vào trí khôn, vào sức riêng của mình để xa tránh Chúa. Xin Chúa thương ban cho con tâm hồn khiêm tốn hiền lành, để cho Lời Chúa hướng dẫn từng giây phút cuộc đời con. Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần V MC

Bài đọc: Dan 3:14-20, 91-92, 95; Jn 8:31-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự thật giải phóng con người.

Con người thường không muốn người khác vạch ra những điều sai trái của mình, nhất là đối với những người có quyền thế. Nhưng dù sự thật mất lòng nhưng có sức mạnh giải phóng con người. Nhiều người tưởng mình đang sở hữu sự thật, nhưng thực ra họ đang làm nô lệ cho sự giả trá. Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm vào việc con người phải tìm ra sự thật, vì sự thật sẽ giải phóng con người.

Trong Bài Đọc I, Vua Nebuchadnezzar nghĩ các thần do tay mình dựng nên là thần thật nên bắt ba trẻ Do-thái phải sụp lạy chúng khi nhạc khí xướng lên; nếu không sẽ quăng chúng vào lò lửa đang cháy. Ba trẻ Do-thái từ chối vì họ nhất quyết chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Khi chính mắt nhìn thấy uy quyền của Thiên Chúa từ lò lửa, chính vua Nebuchadnezzar đã khiêm nhường thú nhận: chỉ có Thiên Chúa của ba trẻ Do-thái thờ là Thiên Chúa thật. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn chỉ cho người Do-thái thấy họ thực sự không phải là con cái của Abraham, vì họ không làm những gì tổ-phụ Abraham đã làm: tin Thiên Chúa và đón tiếp các ngôn sứ Ngài gởi tới. Họ không tin những gì Ngài nói và đang tìm cách giết Ngài.


KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ba trẻ Do-thái làm chứng cho sự thật.

1.1/ Ba trẻ Do-thái từ chối không thờ thần nào khác ngòai Thiên Chúa: Vua Nebuchadnezzar đe dọa ba trẻ: Này Shadrach, Meshach, và Abednego, nếu các ngươi không phụng sự các thần của ta và không chịu thờ lạy pho tượng vàng ta đã dựng nên, tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực, để xem có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?"

Ba trẻ Do-thái can đảm nói với Vua: "Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!" Vua tức giận, lên tiếng truyền đốt lò lửa mạnh hơn mọi khi gấp bảy lần. Rồi vua ra lệnh cho những người lực lưỡng nhất trong quân đội của vua trói ba trẻ và quăng họ vào lò lửa đang cháy phừng phực.

1.2/ Vua Nebuchadnezzar nhận ra Thiên Chúa của Shadrach, Meshach, và Abednego.

(1) Vua nhận thấy sự khác lạ xảy ra trong lò lửa: Vua Nebuchadnezzar ngạc nhiên đứng bật dậy và cất tiếng nói với các quan cố vấn: "Chẳng phải chúng ta đã quăng ba người bị trói vào lửa sao?" Họ đáp rằng: "Tâu đức vua, đúng thế!" Vua nói: "Nhưng ta thấy có bốn người đang tự do đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì, và dáng vẻ người thứ tư giống như con của thần minh."

(2) Vua tin vào Thiên Chúa của ba trẻ: Khi nhận ra Thiên Chúa đã gởi thiên thần đến cởi trói cho ba trẻ để họ đi lại trong lò lửa mà không hề hấn gì, Vua Nebuchadnezzar cất tiếng nói: "Chúc tụng Thiên Chúa của Shadrach, Meshach, và Abednego, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ.”

2/ Phúc Âm: Sự thật sẽ giải phóng các ông.

2.1/ Chúa Giêsu là sự thật của Thiên Chúa.

(1) Sự thật giải phóng: Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông." Để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, họ phải tin những lời Ngài nói là sự thật; và những lời này sẽ giải phóng họ khỏi những gì sai trái. Lúc đó họ sẽ có tự do đích thực, vì họ đã biết sự thật. Vì thế, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa: ở lại trong lời Chúa Giêsu, trở thành môn đệ, sự thật, và tự do đích thực.

Những người Do-thái không hiểu lời Chúa Giêsu nói, nhưng tự ái vì Ngài ám chỉ họ làm nô lệ. Họ đáp: "Chúng tôi là giòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?" Thực sự, người Do-thái đã từng làm nô lệ cho Ai-cập, Assyria, Babylon, và Rome; nhưng ý họ muốn nói: họ thuộc giòng dõi Abraham, dân của Thiên Chúa.

(2) Chúa Giêsu giải phóng con người khỏi tội: Điều Chúa Giêsu muốn nói là họ đang làm nô lệ cho tội: hễ ai phạm tội là làm nô lệ cho tội. Có một sự khác biệt giữa con cái và nô lệ: con cái được ở trong nhà luôn mãi, nô lệ không được như vậy vì có thể bị bán và tống cổ bất cứ lúc nào. Chúa Giêsu muốn cảnh cáo người Do-thái: các ông phải coi chừng, các ông hãnh diện mình là con cái của Abraham; nhưng nếu các ông phạm tội, các ông trở thành nô lệ, và có thể bị tống cổ ra ngòai.

Nếu họ tin vào Chúa Giêsu, họ sẽ được giải phóng khỏi tội, và họ mới thực sự được tự do; nhưng người Do-thái chẳng những không tin vào lời Chúa Giêsu, lại còn tìm cách giết Ngài. Chúa Giêsu phân biệt Cha của Ngài và cha của người Do-thái. Họ hãnh diện tuyên xưng: Cha chúng tôi là Abraham.

2.2/ Tổ-phụ Abraham tin vào Thiên Chúa: Chúa Giêsu không tin lời họ nói; vì nếu họ là con cháu Abraham, họ có cùng Cha với Ngài vì Abraham tin vào Thiên Chúa. Ngài muốn nói với họ, đức tin không phải chỉ tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải chứng tỏ bằng việc làm: "Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Abraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Abraham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm."

Abraham đón tiếp các sứ giả của Thiên Chúa (Gen 18:1-8), chứ không tìm cách giết họ như người Do-thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu. Nếu các ông tìm cách giết người được Thiên Chúa sai đến, các ông không phải là con cái Thiên Chúa, cũng chẳng phải là con cái của tổ-phụ Abraham.


ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải học cho biết sự thật bằng bất cứ cách nào, vì chỉ có sự thật mới giải phóng và cho chúng ta sự tự do đích thực.

- Bao lâu chúng ta còn phạm tội là làm nô lệ cho tội. Chỉ có Đức Kitô mới có thể giải phóng chúng ta khỏi làm nô lệ cho tội. Chúng ta phải tin và làm những gì Ngài dạy.

- Đức tin không chỉ là những gì chúng ta hãnh diện tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải biểu tỏ bằng việc làm. Chúng ta không được cứu bằng chỉ tuyên xưng ngòai miệng, nhưng phải thực hành những gì Chúa dạy và phải can đảm làm chứng cho Ngài bằng hành động.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


SỐNG LỜI CHÚA - Thứ tư (Ga 8, 31-42)

Dẫn

Thấy niềm tin của của những người Do Thái mới tin chưa trọn vẹn lắm, nên Chúa Giêsu đề nghị họ cần phải “sống lời Chúa”, để cho Lời Chúa thấm nhập vào trọn cuộc đời họ, để lời Chúa giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và xứng đáng trở thành môn đệ Chúa.
Nhưng những người này chưa đủ khiêm tốn để chấp nhận lời đề nghị của Chúa. Họ tự phụ cho mình là con cháu Abraham và không cần chỉ dạy thêm điều gì nữa.
Xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe và làm theo lời dạy của Chúa để được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi mà xứng đáng là môn đệ Chúa.

Chia sẻ

Bài tin mừng hôm nay, Chúa kêu gọi những người Do Thái mới tin Chúa hãy: “ Ở lại trong Lời Chúa, vì Lời Chúa là lời chân thật và sự thật sẽ giải phóng các ông”.
Nhưng những người Do Thái cho rằng: “ Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ”.
Thế là họ hiểu sai lời Chúa. Không phải Abraham làm cho họ tự do nhưng tự do trước Chúa là sự sạch tội. Còn ai phạm tội là trở nên nô lệ.
Đức thánh cha Bênêđictô 16 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 13/03/2011 đã nói: “Nô lệ nghiêm trọng và sâu xa nhất là nô lệ cho tội lỗi”.
Đúng vậy, hể ai phạm tội tất nhiên là nô lệ cho tội. Bởi khi phạm tội là ta xua đuổi Chúa ra khỏi lòng mình và rước ác thần satan vào cư ngụ thay thế cho Thiên Chúa.
Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải ở lại trong Lời Chúa. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa là chúng ta giữ Lời Chúa. Mà giữ lời Chúa là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa. Cũng đồng nghĩa là ta để cho Chúa ở lại trong ta. “Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống”. Ở lại trong Chúa thì sự thật chiến hữu lấy ta và sự thật giải thoát ta khỏi ràn buộc của tội lỗi. Nhờ thế ta có được sự sống của Chúa.

 Nhưng làm thế nào để Lời Chúa ở lại trong ta?

Tin mừng cũng cho ta biết sở dĩ họ không chịu ở lại trong lời của Chúa đó là vì họ tự mãn cho mình là con cháu Abraham là con cái Thiên Chúa.
Tự mãn kiêu căng là tội đầu trong các tội. Chính vì kiêu căng tự mãn muốn bằng Chúa nên nguyên tổ đã đánh mất thiêng đàng và trở nên nô lệ cho ma quỷ.
Chính kiêu căng tự mãn, thiên thần Luxiphe đã chống đối lại Chúa và bị trừng phạt trở nên satan.
Ta cũng thường tự mãn vỗ ngực xưng tên là người công giáo, nhưng nhiều lúc chúng ta không sống đúng với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy, làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng mình, sống theo những đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt, thế gian.

 Xin Chúa tha thứ những lầm lỗi chúng ta. Cho chúng ta biết vâng nghe và làm theo Lời Chúa để được tự do làm con cái Chúa.

 THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY
Ga 8, 31 - 42

1 Ghi nhớ: Giả như Thiên Chúa là cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi.

2 Suy niệm:  Có một thanh niên nọ một hôm quá chén, nhà mình không vào lại vào nhà hàng xóm, yên tâm nằm lên võng mà ngủ. Thấy vậy ông hàng xóm báo tin cho cha ánh đến đón anh về. Khi người cha đến, anh vẫn còn say bí tỉ đến nỗi không còn biết cha mình là ai. Anh quay về phía ông hàng xóm mà bảo: Ba, bảo ông này đi chổ khác đi, đừng quấy rầy, để con ngủ !

Trong cuộc sống, không sao tránh khỏi những sai lầm, nhưng sai lầm đến nỗi không còn biết cha mình là ai thì thật là quá tệ !

Trong đời sống đức tin, nhiều lúc chúng ta cũng tệ không kém gì những người Do thái hay như anh thanh niên này. Đó là những lúc con mắt tâm hồn của chúng ta bị lù mờ bởi say mê thế tục, bị mê hoặc bởi những xảo trá gian trần, bởi mưu ma chước quỷ mà mình không hề hay biết.

3 Sống Lời Chúa:  Hãy mở ra.

4 Cầu nguyện:  Lạy Chúa, xin cứu con. Xin đừng để con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ.


20/03/13 THỨ TƯ TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42

SỰ THẬT – THẬT SỰ
“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi : các ông sẽ biết sự thật, và sự thật giải phóng các ông.” (Ga 8,31-32)
Suy niệm:Sự thật sẽ giải thoát các ông”. Vậy sự thật này là gì? Thưa đó là sự thật về Thiên Chúa và về con người. Thiên Chúa là Cha, yêu con người đến độ ban tặng cho họ món quà quý giá nhất là chính Con Một của mình: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Còn con người là thụ tạo của Thiên Chúa, từ chỗ nô lệ cho tội lỗi, nay được vui hưởng tự do của người con cái Chúa, được hiệp thông với Chúa, nhờ Máu Con Một Chúa thanh tẩy ta sạch mọi tội lỗi (x. 1Ga 1,7). Người môn đệ Đức Kitô luôn biết đấm ngực thú nhận mình là kẻ tội lỗi, cần đến lòng thương xót của Chúa.
Mời Bạn: Trong Mùa Chay này, Giáo Hội mời bạn sống đức tin theo ba chiều kích: tương quan với chính mình, với Chúa và với xã hội. Mời bạn hãy luôn làm mới mối liên hệ đa chiều của nhịp sống đức tin: từ mối liên hệ với phần rỗi bản thân qua việc từ bỏ thói hư tật xấu, sang mối liên hệ với Chúa qua việc sám hối, tin yêu hiếu thảo đối với Chúa, và đến mối liên hệ với tha nhân qua việc bác ái và thứ tha cho tha nhân.
Chia sẻ: Tôi có bao giờ nhận ra sự thật về mình chưa? Nếu chưa, tôi phải làm gì để được sự thật giải phóng mình?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành 5 phút suy niệm Lời Chúa để mình luôn ý thức sự thật về Chúa và về mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa, xin cho con thấy con. Thấy con yếu đuối và nhiều tội lỗi với những giả hình và che đạy. Con thật sự ăn năn sám hối, xin tha thứ cho con.
www.5phutloichua.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG BA
Phải Chăng Chúng Ta Đã Từ Khước Tình Cha?
Chỗi dậy và trở về với Cha (Lc 15,18), chúng ta sẽ lấy lại được những gì mình đã đánh mất do tội lỗi. Giống như Người Con Đi Hoang, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng khi mình sống trong tội lỗi, mình đã phong tỏa chính mình khỏi sự bảo vệ và tình yêu của Cha. Chúng ta sẽ nhận hiểu tấm lòng Cha yêu thương ta biết mấy – thế mà ta đã quay lưng lại với Ngài!
Sa vào tội lỗi và hoang phí sản nghiệp của Cha, chúng ta đã bứt đứt mọi mối gắn kết giữa Cha với mình. Chúng ta không đáng được Cha tiếp nhận vào nhà. Sự hòa giải chỉ có thể bắt đầu khi Người Con Đi Hoang thực sự muốn quay về. Rồi, tình yêu và lòng nhân hậu của Cha có thể giúp người con ương ngạnh ấy thắng vượt mặc cảm tội lỗi và bất xứng của mình. Chính khi nhìn vào đáy mắt Cha mình là lúc anh ta nghe được lời tha thứ.
Về gần đến nhà Cha mình, người con trai tự nghĩ : “Con không đáng được gọi là con của Cha nữa”. Nhưng Cha anh đang quay quắt đợi chờ, bền bỉ đợi chờ; và thoạt trông thấy bóng anh, ông tràn ngập vui mừng. Người Cha quên hết những điều sai trái mà con mình đã phạm. Người Cha vồn vã ôm chầm lấy đứa con đang hối hận tận đáy lòng. “Lạy Cha, con đã lỗi phạm …, con không đáng được gọi là con của Cha nữa” (Lc 15,21).
Trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta – dù tội lỗi có tày đình đến mấy đi nữa – cũng có thể quay về và thú nhận tội lỗi của mình. Chúng ta cần phải vạch mặt chỉ tên rõ ràng những tội lỗi của mình – và tiến về phía vòng tay đang đón đợi của Cha.Chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà Cha. Hãy khảo sát lương tâm mình, xưng thú tội lỗi mình, thống hối và quyết tâm sống một đời sống mới. Đó là những bước của một lộ trình hoán cải.
-                      suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
-                      Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
-                      LIFT UP YOUR HEARTS
-                      Daily Meditations by Pope John Paul II

20 Tháng Ba
Ánh Sáng Ðô Thị

Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: "Ánh sáng đô thị". Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.
Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: "Cô đã thấy được rồi sao?". Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: "Anh đấy sao?". Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.
Những người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài. "Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ".
Ngày nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của tình yêu� Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.
Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa cũng có mặt.
Nhận ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 20-3

Thánh Salvator ở Horta

(1520 -1567)

S
ự nổi tiếng về thánh thiện cũng có một vài bất lợi. Ðược công chúng nhận biết đôi khi cũng phiền toán -- như các đồng nghiệp của Thánh Salvator nhận thấy.
Thánh Salvator sinh trong thời kỳ vàng son của Tây Ban Nha với sự hưng thịnh của nghệ thuật, chính trị, giầu sang cũng như tôn giáo. Chính trong thời kỳ này, Thánh Y Nhã đã sáng lập Dòng Tên năm 1540.
Cha mẹ của Salvator thì nghèo. Khi 21 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô với tính cách thầy trợ sĩ, và sau đó không lâu ngài nổi tiếng về sự khắc khổ, khiêm tốn và nếp sống đơn sơ.
Làm người nấu bếp, người giữ cửa và sau này là người đi ăn xin chính thức cho các anh em hèn mọn ở Tortosa, ngài nổi tiếng về lòng bác ái. Ngài chữa lành người bệnh với Dấu Thánh Giá. Khi đám đông dân chúng đổ về nhà dòng để gặp Thầy Salvator, cha bề trên phải di chuyển thầy sang Horta. Nhưng ở đây, nhà dòng cũng không tránh khỏi đám người đông đảo đến xin thầy bầu chữa; họ ước lượng rằng hàng tuần có đến hai ngàn người đến gặp Thầy Salvator. Ngài bảo họ hãy kiểm điểm lại lương tâm, đi xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho xứng đáng. Thầy từ chối không cầu nguyện cho những ai không chịu lãnh nhận các bí tích.
Ðám đông không ngừng bị thu hút đến với Thầy Salvator. Ðôi khi họ còn xé y phục của thầy để lưu trữ như một báu vật. Hai năm trước khi từ trần, thầy lại bị di chuyển một lần nữa, lần này đến thành phố Cagliari trên đảo Sardinia. Thầy từ trần ở đây sau khi thốt lên, "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."
Thầy được phong thánh năm 1938.

Lời Bàn

Hiện nay y khoa đã nhìn thấy sự tương quan rõ ràng giữa một vài chứng bệnh và đời sống tình cảm cũng như tinh thần của bệnh nhân. Trong cuốn Healing Life's Hurts (Chữa Lành Những Ðau Khổ của Ðời Sống), ông Matthew và Dennis Linn cho biết, nhiều khi người ta chỉ được lành bệnh sau khi thực sự tha thứ cho người khác. Thánh Salvator cũng chữa lành theo phương cách này, và nhiều người đã được khỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chứng bệnh đều có thể chữa trị theo cách ấy; sự trợ giúp của y học là điều không thể bỏ qua. Nhưng chúng ta nên để ý rằng Thánh Salvator thường khuyên người bệnh hãy tái lập những ưu tiên của đời sống trước khi cầu xin được chữa lành.

Lời Trích

"Sau đó Ðức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho họ có quyền trên các thần ô uế, để trừ diệt chúng, và chữa lành mọi bệnh tật" (Mt 10:1)
www.nguoitinhuu.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét