Trang

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

21-03-2013 : THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY


THỨ NĂM 21/03/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật V Mùa Chay


 Bài Ðọc I: St 17, 3-9
"Ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc".

Trích sách Sáng Thế.
Trong ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: "Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng".
Chúa lại phán cùng Abraham rằng: "Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta".

Ðó là lời Chúa.

 Ðáp Ca: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: 1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. - Ðáp.
2) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
3) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Ðáp.

 Câu Xướng Trước Phúc Âm: Am 5, 14

Các ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ ở cùng các ngươi.

 Phúc Âm: Ga 8, 51-59
"Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Người Do-thái lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết". Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?"
Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".
Người Do-thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi".
Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:Toan Ném Ðá Chúa

            Khi mới về nhận xứ Art, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân. Cha Vianey đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những chất liệu: Cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ nhiều xứ đổ xô đến xứ Art nghe ngài dạy giáo lý và nhất là để xưng tội với ngài. Các linh mục đồng nghiệp đều biết trước đây cha Vianey rất tầm thường, học hành rất dốt. Nhưng vì bản tính con người hay ghen tị, vì thế khi thấy giáo dân đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình bày với Ðức Cha địa phận như sau: "Thưa Ðức Cha, cha Vianey trước đây học hành rất kém mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi phóng đại, mê tín quyến rũ, nên ào ào đến xứ Art ngày càng đông. Có thể có những nố khó, nên cha Vianey đã giải sai nguyên tắc thần học luân lý".
Nghe các cha nói vậy, Ðức Giám Mục cũng không khỏi lo lắng. Ngài cho gọi cha Vianey đến và trao cho cha một số trường hợp tội khó giải, để cha về giải trên giấy tờ rồi đem nộp lại cho Tòa Giám Mục. Chỉ vài ngày sau, cha Vianey đã đem nộp cho Tòa Giám Mục những giải đáp. Các nhà chuyên môn luân lý thần học xem qua đều khen cha Vianey giải đáp đúng và có những lời khuyên rất khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục. Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xứ Art xưng tội với cha Vianey càng đông, khiến cha phải giải tội cho giáo dân từ nửa đêm.
Có một lần kia, các linh mục ở những giáo xứ bên cạnh làm tờ đơn kiện cha Vianey gửi thẳng về Tòa Giám Mục. Họ kiện cha quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với cha, làm mất trật tự mục vụ trong các giáo xứ. Một linh mục được trao trách nhiệm đem tờ đơn lên Tòa Giám Mục, cha dừng lại giáo xứ Art để thăm cha Vianey và trao cho cha xem tờ đơn mà các linh mục khác kiện để xin Ðức Cha cấm cha không được giải tội. Ðọc tờ đơn xong, cha Vianey không tỏ chút gì giận dữ hay trách móc những anh em linh mục. Nhưng ngài bình thản lấy bút viết vào cuối tờ đơn như sau: "Việc anh em nói trong đơn rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào tờ đơn đồng tình với anh em". Rồi cha xếp tờ đơn trao lại cho cha đưa thư và cám ơn cha khách đã đến thăm để tạo cho ngài có dịp cùng ký tên vào đơn.
Ðơn được chuyển về Tòa Giám Mục, và sau khi đọc xong đơn và thấy bên dưới có cả chữ ký của cha Vianey nữa. Ðức Cha lấy làm lạ, hỏi vị linh mục cầm đơn lên. Nghe ngài giải thích xong, Ðức Cha kết luận: "Các cha xem, cha Vianey phản ứng rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ? Ngài thực sự là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem, nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền. Ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ". Cha kia về thuật lại cho các linh mục khác nghe, ai cũng ngạc nhiên nghĩ: "Ðáng lẽ cha Vianey phải giận dữ, căm thù mình mới phải. Ai ngờ lại ký tên vào đơn kiện ngài, thôi ta cứ chờ xem, theo như quyết định của Ðức Cha".

Anh chị em thân mến!
Các linh mục đồng nghiệp của cha Vianey đã xét đoán theo những tiêu chuẩn phàm trần tự nhiên của lý trí, cộng thêm với những tâm tình ghen tị, những xét đoán sai lầm đó càng làm cho các ngài trở nên mù quáng tinh thần nhiều hơn. Thái độ sống và xét đoán như vậy không khác gì với thái độ xét đoán mù quáng của những người Do Thái không tin Chúa, không chấp nhận những sự thật của Chúa mạc khải cho họ, như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: "Bây giờ tôi mới hiểu rõ ông bị quỉ ám".

Anh chị em thân mến!
Trong cuộc đối thoại với những người Do Thái, Chúa Giêsu càng muốn mạc khải cho biết thân thế của Ngài là ai? Về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài: "Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Trong cái nhìn phàm trần, ỷ lại vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình, những người Do Thái không thể nào nhìn nhận thực thể của Chúa: "Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Thật là quá lắm đối với quan điểm hiểu biết phàm trần của họ: "Ông này quả thật là bị quỉ ám". Một vị Thiên Chúa đã bị con người bôi nhọ chụp mũ. Bởi vì con người dễ dàng tin theo những sự thật khác xuôi tai hơn là sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa rất đòi hỏi, đòi buộc con người phải từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi, những mưu tính vụ lợi cho các nhân, những ganh tị, ham quyền, ham danh vọng.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắc nhở những người con tinh thần của mình như sau: "Ta là sự thật. Không phải báo chí là sự thật. Không phải đài phát thanh là sự thật. Không phải Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn không sao cả. Chấp nhận tiến lên theo hồng phúc để đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc chúng ta. Không nhượng bộ cho xác thịt, không nhượng bộ cho lười biếng, không nhượng bộ cho ích kỷ. Con không thể đổi đen ra trắng, xấu ra tốt, gian ra ngay được".

Anh chị em thân mến!
Trong những giây phút gần cuối Mùa Chay, mỗi người chúng ta hãy dừng lại xét mình về thái độ của mình trước những sự thật mạc khải của Thiên Chúa, và trước những lời mời gọi cùng những gương sáng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã thôi thúc chúng ta tiến lên mãi trên con đường đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy để cho Lời Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa, xin thương ban ơn củng cố đức tin còn non yếu và thanh tẩy con sạch mọi trở ngại, mọi tội lỗi không cho phép Chúa hiện diện trong con, cũng như không giúp con nhìn ra Chúa nơi anh em xung quanh. Lạy Chúa, xin thương lôi kéo con trở về với Chúa. Amen.

(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần V MC
Bài đọc: Gen 17:3-9; Jn 8:51-59

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Thiên Chúa hứa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.

 Hơn một nửa dân số trên địa cầu hiện nay tuyên bố tổ-phụ Abraham là cha của họ: Do-thái giáo, Hồi-giáo, Kitô giáo (bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô); nhưng lại không nhận nhau là anh, chị, em! Người Do-thái cho rằng chị có họ là giòng dõi Abraham theo máu mủ của Isaac. Người Hồi-giáo cho họ cũng là giòng dõi của Abraham vì Ismael cũng là con của Abraham. Người Kitô giáo dựa vào giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ. Một sự đọc lại bản giao ước này cần thiết để xóa tan mọi ngộ nhận và giúp mọi người sống thân mật với nhau.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Thế Ký tường thuật bản giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành “cha nhiều dân tộc,” chứ không phải chỉ dân tộc Israel mà thôi. Phần Abraham và giòng dõi ông, họ phải tin và tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Abraham đã vui mừng khi nhìn thấy ngày của Ngài; vì nhờ Ngài, lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ sẽ trở thành “cha nhiều dân tộc,” được thực hiện.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với tổ-phụ Abraham.

 1.1/ Phía của Thiên Chúa:

(1) Ngài hứa ban vô số dân tộc: Đây là một lời hứa rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu chi tiết của lời hứa này:

- Tên Abram có nghĩa “Cha được vinh quang.” Chúa đổi tên cho ông thành Abraham có nghĩa “Cha của một đám đông, ab hamôn.” Tên này ám chỉ lời Thiên Chúa hứa với ông: “Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.”

- Điều quan trọng của lời hứa là giòng dõi của ông sẽ không còn giới hạn trong vòng Israel, nhưng lan rộng ra đến các dân tộc. Nếu chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Israel, Abraham không thể có con cháu nhiều như sao trên trời và như cát ngòai bãi biển được.

- Làm sao để lời hứa này hiện thực? Thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời, bằng niềm tin của con người vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gal 3:27-29).

- Vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi: Hai nhân vật quan trọng của giòng dõi Abraham là Vua David và Chúa Giêsu Kitô.

- Giao ước này là giao ước vĩnh cửu: không lệ thuộc vào thời gian và không gian, được trải dài đến muôn vàn thế hệ.

(2) Ngài hứa ban Đất Hứa: “Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” Đất Hứa là đất Canaan mà Joshua và con cái Israel sẽ chiếm đóng khi từ Ai-cập trở về.

 1.2/ Phần của Abraham: Bổn phận chính yếu của Abraham và tất cả giòng dõi của ông là phải luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và làm những gì Ngài dạy.

 2/ Phúc Âm: Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và tổ-phụ Abraham

 2.1/ Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết: Chúa Giêsu cũng tuyên bố một câu tương tự với Martha khi cô cầu xin với Ngài cho em là Lazarus được sống lại: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Jn 11:25-26). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói về cuộc sống thể lý; nhưng cuộc sống về đàng thiêng liêng. Những ai đã tin và giữ lời Chúa dạy, họ luôn sống; tuy họ sẽ phải chết về phần xác, nhưng đó chỉ là cách để đưa họ tới cuộc sống muôn đời với Thiên Chúa. Cuộc sống muôn đời trong tương lai đã bắt đầu ngay từ ở đời này.

Nhưng người Do-thái không hiểu ý Chúa Giêsu, nên họ nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự xưng mình là ai?"

 2.2/ Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.

(1) Chúa Giêsu biết Thiên Chúa và vâng lời Ngài: Chúa Giêsu tuyên bố: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông.” Con người có cố gắng lắm cũng chỉ biết phần nào của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết Thiên Chúa như Thiên Chúa là, vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu con người muốn biết Thiên Chúa, họ phải tin vào những mặc khải của Chúa Giêsu. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự. Nếu con người muốn biết thế nào là tuân theo ý định của Thiên Chúa, họ cũng phải học nơi Chúa Giêsu. Ngài hòan tòan làm theo ý định của Cha Ngài. Người Do-thái tuyên bố họ biết Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đã không biết và không vâng lời Ngài.

(2) Tổ-phụ Abraham và Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã chứng minh cho người Do-thái trong trình thuật hôm qua: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không làm những gì ông làm. Trong trình thuật hôm nay, Ngài lại chứng minh cho họ một lần nữa: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không vui mừng đón tiếp Ngài như Abraham: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Làm sao để hiểu lời tuyên bố này? Cách cắt nghĩa dễ nhất là dùng trình thuật của Lucas về dụ ngôn người phú hộ và Lazarus (Lk 16:22-31). Abraham đang ở trên trời nhìn xuống và thấy hết mọi sự. Nhưng đây chỉ là dụ ngôn Chúa dùng. Thực ra, truyền thống Do-thái tin Abraham đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy ngày Đấng Thiên Sai ra đời và ông đã mừng rỡ. Truyền thống Giáo Hội tin Abraham và những người lành đã chết chỉ sống lại, khi Đức Kitô xuống Ngục Tổ Tông đưa các ngài lên trong đêm vọng Phục Sinh.

Người Do-thái phản đối: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Abraham!" Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!" Chúa Giêsu không lệ thuộc thời gian, Ngài không nói: trước khi Abraham có, Tôi đã có; nhưng nói Tôi Hằng Hữu. Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 Đọc lại giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ Abraham cho chúng ta thấy những điều quan trọng sau đây:

(1) Giòng dõi của tổ-phụ Abraham được mở rộng đến các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn trong dân tộc Israel.

(2) Mọi người đều có thể trở thành con cháu tổ-phụ Abraham bằng niềm tin vào Đức Kitô và làm những gì Ngài dạy.

(3) Nếu một người thuộc dân tộc Israel mà không tin và làm những gì Đức Kitô dạy, họ cũng không phải là con cháu của tổ-phụ Abraham; vì đã không tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến.

Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


SỐNG LỜI CHÚA - Thứ năm (Ga 8,51-59)

 Dẫn
Trong những cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu kiên nhẫn mạc khải cho họ biết về thân thế của Ngài; cũng như về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài. Nhưng với cái nhìn và kiến thức hạn hẹp cũng như ỷ vào kinh nghiệm sống của mình, họ không thể nhận biết thân thế của Chúa. Do đó cũng không chấp nhận sống theo Lời Chúa chỉ dạy.
Xin cho chúng ta đừng ỷ vào kiến thức và nếp sống đạo lâu nay của mình mà chối từ Lời chỉ dạy của Chúa và hướng dẫn của Giáo Hội.
Nhưng xin cho chúng ta vững tin vào Chúa, sẵn sàng lắng nghe và thi hành Lời Chúa và Giáo Huấn Giáo Hội chỉ bảo để được sống sung mãn.

 Chia sẻ
Tin mừng hôm nay có hai điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha.
Thứ hai, Chúa Giêsu nói đến giá trị cao quý của việc tuân giữ Lời Chúa.

1.      Thánh Gioan luôn nói đến mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.
Tin mừng hôm nay cũng vậy, thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.

 2. Ngài đến từ Chúa Cha, biết rõ về Chúa cha, nói những lời của Chúa Cha. Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “ Nếu ai tuân giữ Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.
Người Do Thái tự hào là con cháu Abraham nên họ xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây.
Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết là con cháu Abraham thôi chưa đủ điều kiện, nhưng phải là con cháu có đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp nước trời.
Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa.
Mà Lời Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng.
Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông truyền sự sống. Mà Chúa là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.

 Xin cho chúng ta xác tín được giá trị cao quý Lời của Chúa và cố gắng thi hành Lời Chúa dạy, để đón nhận sự sống đời đời Chúa thương ban.

THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY
Ga 8, 51 - 59
1. Ghi nhớ: "Ai tuân giữ lời Tôi sẽ không bao giờ phải chết". (Ga 8, 51)
2. Suy niệm : Trong bài tin mừng hôm nay, Khi Đức Giê-su nói về cái chết thì người người Do Thái nghĩ một cách rất đơn sơ. Họ cứ nghĩ Người nói về cái chết thể xác, họ cứ dựa vào quan niệm hẹp hòi, thiển cận của mình để mà bắt bẻ Chúa Giê-su. Thật ra khi Chúa Giê-su nói về cái chết thì đó là cái chết về phần linh hồn. Do đó con người ta muốn không bị chết thì phải tuân giữ lời Chúa, là nguồn sống vĩnh cửu. Người có ý loan báo kẻ nào đặt niềm tin vào Người và tiếp nhận Người thì được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa. Để được sự sống vĩnh cữu thì mỗi người chúng ta phải biết phó thác vào Thiên Chúa và thi hành niềm tin đó trong cuộc sống
3. Sống Lời Chúa : Đức tin là sức mạnh vượt thắng sự chết
4. Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin hãy mở con mắt đức tin của con và anh em con để con có thể đón nhận và tin vào Chúa, là nguồn sống vĩnh cửu, là hạnh phúc của đời con Amen.

21/03/13 THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59

TIN CHÚA GIÊ-SU SẼ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Ong Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy: thế mà ông lại nói: Ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết ?” (Ga 8,52)
Suy niệm: Chúa Giêsu minh giải cho người Do Thái biết Ngài là Đấng Hằng Hữu, đồng thời bày tỏ cho họ con đường đưa tới sự sống vĩnh cửu. Dù họ sắp sửa giết Ngài, Ngài vẫn hằng hữu vì Ngài từ Chúa Cha mà đến, Ngài “biết” Chúa Cha là Đấng nào, và Ngài “giữ” trọn lời Chúa Cha giao phó. Cái chết mà người Do Thái muốn nói đến là cái chết thể lý; sự sống mà Chúa Giêsu đề cập là sự sống vĩnh hằng, như Chúa Cha mà họ vẫn tin là Đấng Hằng Hữu và Hằng Sống. Muốn có sự sống vĩnh cửu ấy, họ phải tin vào Chúa Giêsu và thi hành điều Ngài dạy: “Ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết.”
Mời Bạn: Tin là chiếc chìa khoá vàng mở ra cánh cửa sự sống. Ta nhớ lại lời Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được sống đời đời, ai không tin sẽ bị luận phạt.” Tin không chỉ là hành vi của lý trí, của con tim mà còn là ân ban của Thiên Chúa. Vì thế, bạn cần phải xin Chúa ban ơn đức tin trong cuộc sống mỗi ngày.
Chia sẻ: Chia sẻ đức tin không gì hơn là sống theo những đòi hỏi của Đấng mình tin, qua đó người khác có thể nhận ra Chúa. Nói cách khác, đức tin không có việc làm kèm theo là thứ đức tin chết. Không ai chia sẻ cho người khác điều mình không có, hay có mà như đã chết.
Sống Lời Chúa: Bạn có cảm thấy hạnh phúc khi thực hành những điều mình tin chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm lòng tin còn non yếu của chúng con. Xin giúp chúng con sống lòng tin mỗi ngày. 

TÔI HẰNG HỮU
Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm. Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa.

Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá. Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và ra khỏi Đền thờ (c. 59). Ném đá là hình phạt của người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng. Đức Giêsu đã làm gì để bị coi là mắc tội phạm thượng, nghĩa là tội coi thường quyền tối thượng của Thiên Chúa? Trước hết Đức Giêsu đặt mình lên trên tổ phụ đáng kính Abraham. Ngài biết ông Abraham vui sướng mừng rỡ vì hy vọng được thấy ngày của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56). Abraham mừng vì chính Đức Giêsu, chứ không phải cá nhân mình, mới là Đấng đem phúc lành cho mọi dân tộc trên thế giới. Dù chưa tới năm mươi tuổi, Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (c. 58). Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê khi ông hỏi tên của Ngài bên bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14). Đức Giêsu cũng muốn trả lời câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó. Vì trước khi được sinh ra ở đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi. Ngài là một với Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18), bởi đó Ngài có trước Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm. Chính khẳng định bị coi là phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá. Đức Giêsu thường bị coi là ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy. Thật ra Ngài chẳng tự tôn vinh mình. Chúa Cha mới là Đấng tôn vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54). Đức Giêsu cũng chẳng coi thường Thiên Chúa bao giờ. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha một cách thân thương, và nhìn nhận: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Có một sự phân biệt rất rõ giữa Chúa Cha và Đức Giêsu: Chúa Cha là người sai đi; Đức Giêsu là Con, là người được sai đi. Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29), và nói điều Ngài nghe Cha nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50). Triệt để vâng phục và tùy thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, bao lần ta gặp cụm từ không tự mình. Đức Giêsu không tự mình nói, cũng chẳng tự mình làm. Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài (c. 51) chỉ vì chính Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55). Trong tuần lễ này, tại nhà thờ các ảnh tượng có thể được che lại. Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến. Đức Giêsu vẫn cương trực nói điều phải nói và làm điều phải làm. Chúng ta xin có được sự cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Niềm tin và lý trí

Trong cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chàng Hải Âu Kỳ Diệu, tác giả kể về một chàng hải âu kiên cường đã thực hiện được ước mơ lướt cánh tung trời. Chàng bay tới những vùng mà các con chim khác trong bầy chưa bao giờ biết tới. Sau chuyến bay mở rộng chân trời đó, chàng hải âu trở lại với bầy, chàng kể cho bầy chim nghe về những gì mình đã tai nghe mắt thấy. Cả bầy chim từ già đến trẻ đều chế nhạo chàng, họ kết án chàng là con chim khoác lác. Chàng vẫn không nản lòng, cứ tiếp tục nói về vùng trời rộng mở. Có một số chim nghe chàng nói, lòng chợt dậy lên khát vọng bay xa. Họ bắt đầu kiên trì luyện tập để thực hiện ước mơ mà chàng hải âu kỳ diệu đã gợi lên cho họ.
Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do Thái phẫn nộ và định ném đá Người.
Ðược sống mãi không phải chết là ước mơ muôn thuở của con người, thế nhưng khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng nếu họ tuân giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỉ ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận như sau: "Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham hay sao?" Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao. Họ có lý nhưng tổ phụ Abraham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Giavê Thiên Chúa kêu gọi mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Những người Do Thái có lý nhưng theo lối lý luận của con người. Thiên Chúa thì không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do Thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa đầy năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Abraham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy. Họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này. Quả đúng như lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan: "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1, 9-11).
Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác. Tổ phụ Abraham đã yêu mến Thiên Chúa và đã phó thác mọi sự cho Ngài và đã được toại nguyện. Ðức Maria cũng đã khẳng định tương tự. Các thánh cũng hành động như thế; còn chúng ta, chúng ta hành động ra sao?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: "Ai tuân giữ Lời Ta thì sẽ không bao giờ phải chết". Con không thể hiểu được lời này bằng lý luận mà chỉ có thể và sống lời ấy với tâm tình yêu mến và hoàn toàn phó thác vào Chúa mà thôi.
Lạy Chúa, xin hãy gia tăng đức tin cho con. Con tin nhưng xin Chúa thương trợ giúp cho sự cứng lòng kém tin của con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thứ Năm 21-3

Chân Phước Gioan ở Parma

(1209 - 1289)

L
à bề trên cả thứ bảy của Dòng Phanxicô, Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.
Gioan Buralli sinh ở Parma, nước Ý năm 1209. Khi là giáo sư triết mới hai mươi lăm tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi ngài từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô. Ngài được gửi sang Balê để học thần học. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm dạy thần học tại Bologna, Naples và Rôma.
Năm 1245, Ðức Giáo Hoàng Innocent IV triệu tập công đồng ở Lyons, nước Pháp. Vị bề trên Dòng Phanxicô lúc bấy giờ là Cha Crescentius đang đau nặng nên không thể tham dự. Ngài gửi Cha Gioan đi thế, và cha đã tạo được một ấn tượng tốt đẹp nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội trong công đồng. Hai năm sau, chính vị giáo hoàng ấy đã chủ tọa buổi bầu cử vị bề trên của Dòng Phanxicô, ngài đã nhớ đến Cha Gioan và đã đề cử cha như người xứng đáng nhất nắm giữ chức vụ quan trọng này.
Do đó, năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. Và họ đã không thất vọng. Theo tài liệu ghi lại, ngài là người cương quyết và cường tráng, do đó ngài luôn nhân từ và vui vẻ dù có mệt mỏi cách mấy. Ngài là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất. Ngài khiêm tốn đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, ngài đều phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước. Ngài yêu quý sự thinh lặng để có thể nghĩ đến Thiên Chúa và không bao giờ nói chuyện tầm phào.
Ðức giáo hoàng đã nhờ Cha Gioan làm đại diện đến Constantinople, là nơi ngài hầu như hoàn toàn thành công trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Sau đó ngài tiếp tục công việc khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng. Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, ngài luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng. Sau cùng, vì tin rằng mình không có khả năng để thực hiện sự cải tổ cần thiết, ngài đã từ chức và đề cử Cha Bonaventura (sau này là thánh) lên kế vị. Phần Cha Gioan, ngài lui về đời sống ẩn dật ở Greccio.
Nhiều năm sau đó, Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Ðông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa. Trên đường đi, ngài đã ngã bệnh và từ trần ngày 19 tháng Ba 1289. Nhiều phép lạ được ghi nhận do sự cầu bầu của ngài.
Cha Gioan được phong chân phước năm 1781.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét