Trang

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Từ Nhà Thánh Marta tới Nhà Nguyện Sistine


Từ Nhà Thánh Marta tới Nhà Nguyện Sistine


Ngày thứ nhất của cơ mật viện đã qua với làn khói đen trên nóc Nhà Nguyện Sistine. Nhật ký Tờ The Tablet của Anh ghi vắn tắt: 18 giờ 48, khói đen, nhiều tiếng than thất vọng nổi lên tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Đức Hồng Y Dolan của Mỹ, người chỉ mang theo rất ít đồ dùng cá nhân, ít đến độ, trong một tin nhắn cuối cùng gửi giáo phận New York trước khi tham dự cơ mật viện, ngài thú thật: nếu cơ mật viện kéo dài, chắc chắn ngài phải tự giặt lấy quần áo và phơi khô ngoài cửa sổ mới có đủ đồ thay! nhưng ngài không vội thất vọng đến thế.
Trái với những suy đoán của báo chí, trong tin nhắn ấy, viết vào ngày 12 tháng 3, Đức Hồng Y Dolan tóm tắt cảm nghĩ của ngài về những ngày sống tại Nhà Thánh Marta trước khi có Cơ Mật Viện: đó là 12 ngày cực kỳ thông sáng đối với tôi, tôi có dịp quen biết các hồng y anh em của tôi nhiều hơn. Bầu không khí ở đây là bầu không khí cầu nguyện, tín thác, hân hoan thanh thản, và tin tưởng, với những cuộc đàm đạo hết sức chân tình về các vấn đề cấp thiết của mục vụ và các thách đố của Giáo Hội Hoàn Vũ và vị Cha Chung sắp tới.

Phản ảnh phần nào các lắng lo của dân Chúa, và gián tiếp các đòi hỏi một chiều, đầy phiến diện của dư luận thế tục, Đức Hồng Y Dolan kể lại nhận định của một hồng y anh em sau khi nghe người ta liệt kê các phẩm tính mà vị giáo hoàng tương lai “phải có” rằng: “hình như bọn mình có nhiệm vụ bầu Chúa Kitô, chứ không phải vị đại diện Người!”. Đức Hồng Y cho rằng chúng ta đang quá chờ mong ở người kế nhiệm Thánh Phêrô, chờ mong ngài là người hoàn hảo. Nhưng làm gì có người hoàn hảo ở trên cõi đời này. Chúa Kitô không chờ mong một đại diện hoàn hảo nhưng Người cũng không bao giờ bỏ rơi khi vị đại diện này vấp ngã.

Đức Hồng Y cũng cho biết những dự cảm của ngài đối với cơ mật viện: nó sẽ như một cuộc tĩnh tâm: Thánh Lễ mỗi buổi sáng, giờ kinh phụng vụ chung. Dĩ nhiên các hồng y có thể thăm viếng nhau và chuyện trò với nhau tại Nhà Thánh Marta trong các bữa ăn và những giờ rảnh rỗi giữa các lần đầu phiếu. Riêng tại Nhà Nguyện Sistine, thì bầu khí sẽ là bầu khí thinh lặng và cầu nguyện: gần như những buổi phụng vụ!

Các chia sẻ trên vẫn không làm những người Công Giáo như John Thavis khỏi nghĩ rằng tại cơ mật viện, có giờ dành cho cầu nguyện mà cũng có giờ dành cho vận động chính trị (politicking) dù không nên coi cơ mật viện như một đại hội chính trị, như nhiều người tưởng tượng. Theo ông, giờ phút dành cho cầu nguyện diễn ra tại Nhà Nguyện Sistine, nơi mà thủ tục bỏ phiếu diễn ra một cách long trọng khiến “các vị hồng y đến nói với nhau cũng không”. Một phần vì các ngài diễn hành vào đó trong phẩm phục “ca đoàn” như tham dự vào một buổi phụng vụ. Việc vận động phiếu bầu không thể diễn ra trong bầu khí ấy được.

Tuy nhiên, bầu khí ấy thay đổi hẳn lúc các hồng y trở lại Nhà Thánh Marta. “Các ngài bắt đầu nói năng, suy nghĩ về việc bỏ phiếu, và tất nhiên cổ vũ các ứng viên của mình cho các hồng y anh em”. Nhất là trong các bữa ăn: ở đây không ấn định chỗ ngồi, nên các vị hồng y được tự do bắt chuyện với bất cứ ai, đến từ bất cứ phương trời nào và khi bữa ăn tàn, các ngài vẫn có thể tổ chức thành các nhóm nhỏ hơn để chuyện trò cho tới khuya.

Dĩ nhiên, luật cơ mật viện rất nghiêm ngặt về những gì được phép hay không được phép nói. Điều tuyệt đối cấm, vi phạm sẽ bị vạ tuyệt thông, là cam kết hay hứa hẹn khiến một hồng y bỏ phiếu, hay từ khước bỏ phiếu, cho một ứng viên nào đó. Cũng ngăn cấm bất cứ dàn xếp nào nhằm hứa hẹn bổ nhiệm hay một đường hướng hành động nào đó nếu một ứng viên đặc thù được bầu làm giáo hoàng.

Điều cho phép là các “trao đổi quan điểm liên quan đến việc bầu cử”. Điều này rộng rãi đủ để cho phép các hình thức cổ vũ, chào mời (plugs) và ủng hộ được luân lưu một cách âm thầm tại Nhà Thánh Marta. Chính các vị hồng y cảm thấy có bổn phận phải thực hiện các việc này, vì nếu không, cơ mật viện sẽ rất dễ bị bế tắc.

Không khí cầu nguyện như Đức HY Dolan và John Thavis nhắc tới trên đây đã được Sandro Magister nhìn dưới khía cạnh khác, khởi đi từ các bức danh họa tại đó. Người ta thường chỉ nói tới bức danh họa Phán Xét của Michelangelo. Nhưng thực ra trên đường vào Nhà Nguyện Sistine, các hồng y đối diện với nhiều danh họa khác, có ý nghĩa không kém đối với diễn trình bầu giáo hoàng. Magister nhắc đến hai bức khác, ngoài bức Phán Xét này. Đó là bức Chúa trao chìa khóa cho Thánh Phêrô và bức Tiên Tri Giôna.

Theo Magister, nơi cơ mật viện diễn ra quả là nơi độc nhất trên thế giới nhưng các bích họa mà các hồng y thế nào cũng phải để mắt tới cũng sẽ có một tác dụng hết sức độc đáo đối với các ngài, như chính Đức Bênêđíctô XVI, lúc còn là hồng y Joseph Ratzinger từng nhận định: “tôi biết rõ chúng tôi đã chạm trán ra sao trước những bức tranh đó trong những giờ phút quyết định lớn lao như thế này, cách chúng nhắc nhở chúng tôi nhớ đến bổn phận của mình ra sao, cách chúng len lén đưa vào tầm hồn chúng tôi một cảm thức trách nhiệm lớn lao như thế nào. Chính từ ngữ ‘khoá kín’ (cơ mật viện) nhắc chúng tôi nhớ tới ý niệm chìa khóa, nhớ đến di sản chìa khóa đã để lại cho Thánh Phêrô. Đặt để các chìa khóa này trong bàn tay chính đáng: đó là trách nhiệm mênh mông trong những ngày này”.

Thực thế, ngay khi diễn hành từ Sala Regia vào Nhà Nguyện Sistine, 115 hồng y vị nào cũng nhìn thấy bức bích họa nổi danh của Perugino diễn tả cảnh Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Thánh Phêrô. Và liền sau đó, trên bức tường phía sau, là bức Phán Xét Chung của Michelangelo và trên bức này là bức đồ sộ vẽ tiên tri Giôna, đối diện đó là Bức Thiên Chúa đang tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Khi đã vào chỗ, các ngài tuyên thệ giữ im lặng với tay đặt trên Tin Mừng, Giôna và Phán Xét trước mặt. Lần này đặc biệt hơn, các ngài được nghe bài suy niệm của ông già hơn 80 tuổi là hồng y Prosper Grech, bậc thầy vĩ đại về giáo phụ học, một đồ đệ và học giả về Thánh Augustinô, vị thánh tác giả của kiệt tác thần học “De Civitate Dei” (Về Kinh Thành Thiên Chúa). Rồi các ngài cầu nguyện và cuối cùng bỏ phiếu, luôn luôn được bao bọc bởi những bích họa dọc bên tường và trên trần Nhà Nguyện Sistine, những bích họa mô tả nguồn gốc thánh thiêng của quyền hành chìa khóa từng được trao cho Thánh Phêrô và các người thừa nhiệm, những chìa khóa mở cửa Nước Trời. Nhưng bức họa ở vị trí nổi bật là Giôna, một bức họa được Đức Julius II ủy nhiệm cho thiên tài Michelangelo, còn nói với các hồng y nhiều hơn thế.

Giôna vốn là vị tiên tri được Thiên Chúa sai đi để rao giảng sự hồi tâm cho dân ngoại. Ông ra đi cách miễn cưỡng, sau đó, nổi loạn chống lại việc Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu đối với dân Ninivê thống hối. Trên vòm Nhà Nguyện Sistine, Giôna thấy tội lỗi lúc nào cũng đồng hành với lịch sử con người, ít nhất, kể từ thời Đại Hồng Thủy, thậm chí cả trước đó nữa, từ những ngày có Ađam và Evà. Là một người chính trực, ông muốn kẻ có tội phải bị trừng phạt. Nhưng rồi, mắt ông đụng phải hành động sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa, Đấng đang tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Và ông bỗng nhận ra: Thiên Chúa không thể chịu đựng được việc những gì Người từng tạo nên từ thuở mới có vũ trụ phải biến mất, Người chỉ những muốn cứu vớt chúng.

“Dấu chỉ Giôna” mà Chúa Giêsu chính thức đem áp dụng vào Người (Mt 12:40), do đó, đã mồn một hiển hiện trong tâm thức mọi hồng y tụ họp nhau để bầu người kế nhiệm Thánh Phêrô. Giống thánh Gioan, Thánh Phêrô và các vị giáo hoàng sau ngài đều được Chúa Giêsu sai đi để rao giảng sự hồi tâm cho con người, vì “Nước Thiên Chúa đã gần kề”. Đó là các chìa khóa đã được trao cho Thánh Phêrô, đó là quyền lực của Giáo Hội, một quyền lực phát sinh từ hành vi sáng tạo của Thiên Chúa và sẽ tỏ hiện trọn vẹn vào phút chót, vào lúc Chúa Kitô phán xử mọi người trên thế gian. Bầu một vị giáo hoàng không phải là việc chỉ liên quan tới Giáo Hội mà liên quan đến trọn bộ sáng thế, cả hiện tại lẫn tương lai.

Vũ Văn An 3/12/2013-vietcatholic.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét