Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Đức Phanxicô và tính tối thượng của ngôi vị giáo hoàng


Đức Phanxicô và tính tối thượng của ngôi vị giáo hoàng


Trong những ngày đầu triều đại của mình, Đức Phanxicô ít khi dùng chữ “giáo hoàng” để chỉ về mình. Ngài cũng không dùng chữ này để chỉ về vị tiền nhiệm hiện còn sống là Đức Bênêđíctô, người mà ngài mới gặp hôm thứ Bẩy vừa qua. Thay vào đó, ngài quen dùng tước hiệu “giám mục” không thôi, “giám mục Rôma”.

Lần đầu tiên ban phép lành tại Bancông Nhà Thờ Thánh Phêrô, tối ngày 13 tháng Ba, trích dẫn lời Thánh Inhaxiô thành Antiốc, Đức Tân Giáo Hoàng nói rõ rằng Giáo Hội Rôma “là giáo hội chủ trì mọi giáo hội khác trong bác ái”. Nhưng trong những ngày kế tiếp, ngài chưa bao giờ nhắc lại lời ấy cũng như khai triển gì thêm về đặc tính tối thượng của Toà Phêrô, áp dụng cho toàn thế giới Kitô Giáo.

Tuy nhiên, cùng thời gian ấy, trong sinh hoạt thường nhật, ngài đã thi hành các thẩm quyền thuộc ngôi vị giáo hoàng một cách trọn vẹn và mạnh dạn, không tùy thuộc bất cứ thẩm quyền nào khác, ngoại trừ thẩm quyền Thiên Chúa. Và ngài biết rõ: các quyết định được ngài đưa ra, dù nhỏ nhặt nhất, cũng không phải chỉ giới hạn trong giáo phận Rôma, nhưng có hiệu lực đối với Giáo Hội khắp nơi trên thế giới.

Đức Phanxicô là một vị giáo hoàng có nhiều nhận định hết sức bất ngờ. Chẳng chóng thì chầy, người ta cho rằng ngài sẽ lên tiếng, minh nhiên nói rõ viễn kiến của ngài về vai trò của mình. Trong khi ấy, đối với những người bên trong và bên ngoài Giáo Hội vốn mong có sự giảm thiểu, nếu không muốn nói là hủy bỏ, quyền tối thượng của giáo hoàng, thì ngài quả là người đáp ứng hoài mong ấy, những hoài mong họ thường đặt căn bản trên điều họ cho là “tinh thần” của Vatican II.

Trên thực tế, Vatican II không hề làm yếu quyền hành của giáo hoàng đối với toàn thể Giáo Hội. Cái mới của Công Đồng này là hoà nhập quyền tối thượng của giáo hoàng với quyền của hợp đoàn giám mục mà ngài vốn là thành phần. Chương III “Lumen Gentium”, tức hiến chế tín lý về Giáo Hội của Vatican II, có đoạn viết như sau:

“Do chức vụ của mình, tức chức vụ Đại Diện Chúa Kitô và mục tử toàn thể Giáo Hội, Giám Mục Rôma có quyền hành trọn vẹn, tối cao và phổ quát đối với Giáo Hội. Và ngài luôn được tự do thi hành quyền hành này. Hàng ngũ giám mục, tức hàng ngũ kế nhiệm hợp đoàn tông đồ và ban cho cơ phận tông truyền này quyền tiếp tục hiện diện, cũng là chủ thể nắm quyền hành tối cao và trọn vẹn đối với Giáo Hội hoàn vũ, miễn là phải hiểu cơ phận này với đầu của nó là Giám Mục Rôma và không bao giờ không có cái đầu ấy”

Bởi thế, một mặt, chờ mong bất cứ canh tân nào từ Đức Phanxicô, thì những canh tân này vẫn không thể làm giảm đi các thẩm quyền tối thượng vốn thuộc về ngài trong tư cách kế nhiệm Thánh Phêrô, đã được Vatican II long trọng xác quyết một cách trọn vẹn và khúc chiết.

Nhưng mặt khác, các canh tân này vẫn có thể lưu tâm tới hình thức vị giáo hoàng thi hành quyền ấy song hành với toàn bộ cơ phận giám mục, như đang xẩy ra tại các công đồng, các thượng hội đồng, hoặc những hình thức cai trị hợp đoàn chưa có tiền lệ khác, hoặc nới rộng hoặc giới hạn, và dù gì cũng phải luôn được ngài triệu tập, chủ tọa, và xác nhận, như Vatican II và nhiều văn kiện huấn quyền khác vốn qui định.

Trong số mới nhất, tạp chí “La Civiltà Cattolica", phân phối ngày 21 tháng Ba, nhà giáo luật Gianfranco Ghirlanda, Dòng Tên, cựu viện trưởng Giáo Hoàng Đại Học Gregorian, đã có một khảo luận dài 14 trang tựa là “Thừa Tác Vụ Phêrô” trong đó ngài bàn tới các quyền hành tối thượng của giáo hoàng, như đã được huấn quyền Giáo Hội xác quyết từ Vatican I tới nay. Cùng một lúc, Cha Ghirlanda cũng đề cập tới các triển khai có thể có về việc thi hành cụ thể quyền hành giáo hoàng này, được sự cộng tác của các giám mục khiến nó phong phú hơn.

Và ở cuối bài khảo luận, khi dự phóng một “tương lai mà tín hữu nào cũng muốn được thể hiện” nơi thừa tác vụ giáo hoàng, một tương lai dám thành hình dưới thời Đức Phanxicô, Cha Ghirlanda đề cập tới “Văn Kiện Ravenna”, ký năm 2007 giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo. Đây là bước quan trọng trong hành trình đại kết giữa Rôma và Đông Phương.

Về phương diện này, triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đã bắt đầu dưới ngôi sao sáng đầy hứa hẹn. Trong Thánh Lễ Khai Mạc Thừa Tác Vụ Phêrô, lần đầu tiên trong lịch sử có sự hiện diện của Thượng Phụ Đại Kết Barthomew I của Constantinople.

Và rất có thể vào năm tới, hai vị, Đức Phanxicô và Đức Bartholomew, sẽ gặp nhau lần nữa tại Giêrusalem, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 cái ôm hôn giữa Đức Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras. Sau đây là phần chót trong bài khảo luận của Cha Ghirlanda:

Thi hành quyền tối thượng và “Các Tình Thế Mới”

Chức vụ của Giám Mục Rôma phải luôn được xem sét bên trong Giáo Hội và bên trong hợp đoàn giám mục, và do đó, luôn trong liên hệ chặt chẽ với Giáo Hội và các giám mục, hiểu trong toàn thể như một hợp đoàn và các cá nhân mục tử các giáo hội đã được ủy thác cho họ.

Thực vậy, quyền tối thượng của Giám Mục Rôma là một định chế thần linh như thế nào, thì hợp đoàn giám mục và người đứng đầu các giám mục trong các giáo hội đặc thù cũng là một định chế thần linh như thế.

Chức vụ của Giám Mục Rôma là một thừa tác vụ vì, như một dụng cụ Chúa Kitô dùng, để nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, Người giữ cho hợp đoàn giám mục luôn gắn bó và bất phân chia, chức vụ này đảm bảo sự hợp nhất của toàn bộ dân Chúa trong một đức tin tông truyền và trong các bí tích, tức các phương tiện cứu rỗi hữu hiệu.

Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Ut Unum Sint", sau khi nhắc ta nhớ rằng những gì liên quan tới việc hợp nhất mọi Cộng Đồng Kitô hữu đều thuộc lãnh vực liên quan tới quyền tối thượng, đã tuyên bố rằng ngài cảm nhận được lời kêu gọi “tìm ra phương cách thi hành quyền tối thượng, tuy không hề bác bỏ các điều cốt yếu đối với sứ mệnh của nó, nhưng sẵn sàng cởi mở đối với tình thế mới”. Rồi, bằng cách nhắc lại các lời lẽ đã thưa cùng Thượng Phụ Đại Kết Demetrius I vào ngày 6 tháng Mười Hai, năm 1987, ngài kêu gọi “Tôi luôn khẩn cầu Chúa Thánh Thần dõi ánh sáng của Người trên chúng ta, soi dẫn mọi mục tử và thần học gia của các giáo hội chúng ta, để chúng ta tìm được, lẽ dĩ nhiên với nhau, các hình thức trong đó thừa tác vụ này có thể chu toàn được sự phục vụ trong yêu thương được mọi phía thừa nhận” (số 95).

Vấn đề liên hệ giữa điều cốt yếu và các hình thức có tính lịch sử mà mọi định chế giáo hội đang khoác lên mình bao gồm mối liên hệ giữa yếu tính của Giáo Hội, hiểu như một thực tại huyền nhiệm được mạc khải, và hình thức lịch sử của nó, hiểu như một thực tại ngẫu thể, được phát biểu qua các định chế qui điển.

Song song với vấn đề đó là vấn đề liên hệ giữa thiên luật mạc khải và luật thực định của giáo hội nhằm điều hòa các liên hệ cụ thể giữa các tín hữu.

Yếu tính của Giáo Hội luôn được thể hiện dưới một hình thức lịch sử; chính vì vậy, yếu tính này không bao giờ có thể tách biệt khỏi hình thức định chế và ngược lại. Bất chấp mọi điều tương đối trong hình thức định chế này, không bao giờ người ta được coi nó như không liên quan gì tới mầu nhiệm Giáo Hội. Nghĩ ngược lại là liều mình rơi vào quan điểm vô thực (unreal) về Giáo Hội.

Tuy nhiên, không được coi yếu tính và hình thức là đồng nhất với nhau, phải phân biệt giữa chúng với nhau, nếu không ta sẽ không có bất cứ tiêu chuẩn phán đoán nào đối với các hình thức lịch sử mà Giáo Hội từng khóac lên mình.

Đàng khác, ta phải nhớ sự kiện này: không hình thức lịch sử nào phản ảnh hoàn toàn và thấu đáo được yếu tính của Giáo Hội, vì ngẫu thể (contingent) không bao giờ diễn tả hoàn toàn được mầu nhiệm.

Khi nói tới yếu tính của thừa tác vụ Phêrô và hình thức lịch sử nó khoác lấy, ta có ý nhắc tới việc lên hình dạng thực định có tính luật lệ cần thiết cho các liên hệ do việc thi hành thừa tác vụ này phát sinh ra.

Tuy nhiên, ta nên lưu ý đến sự khó khăn trong việc xác định ranh giới rõ rệt giữa một bên là thiên luật mạc khải, và do đó hết sức chủ yếu đối với thừa tác vụ này, và một bên là luật con người, kết quả của những ngẫu thể lịch sử kia, và tới mức nào luật con người có thể diễn tả được thiên luật một cách ít nhiều có tính cận kề.

Như thế, không dễ gì có thể xác định được đâu là các hình thức lịch sử trong đó việc thi hành thừa tác vụ Phêrô phải được hiện thực hóa, nếu không nó sẽ không có bất cứ nội dung nào. Thực vậy, Giáo Hội không thể võ đoán tự xác định được việc thi hành thừa tác vụ Phêrô, vì việc này phải được coi là do khách quan tính của nó qui định, một khách quan tính, một đàng, lệ thuộc ý muốn của Chúa Giêsu Kitô, và đàng khác, lệ thuộc hoàn cảnh lịch sử (xem G. Colombo, "Tesi per la revisione dell’esercizio del ministero petrino" trong "Teologia" 21, 1996, tr. 325).

Dữ kiện đức tin đi trước bất cứ thảo luận nào về hình thức thi hành quyền tối thượng của Giám Mục Rôma, và do đó, nó là tiền đề phải hướng dẫn chính cuộc thảo luận, và về phía Công Giáo, tiền xác định ra nó, dù cần phải nói ngay rằng giải pháp cho vấn đề không nhất thiết phải là độc đạo (univocal), theo nghĩa “nếu đức tin là một, thì thần học là đa nguyên, nghĩa là thần học có khả năng đề xuất nhiều giải pháp khác nhau cho các vấn đề do đức tin đặt ra” (đã trích, tr. 322).

Các quan tâm đại kết của Đức Gioan Phaolô II đã được đề cập một lần nữa trong tông thư “Novo Millennio Ineunte" ngày 6 tháng 1, 2001, trong đó, ngài phân biệt cuộc hành trình cần phải thực hiện, một đàng, với Giáo Hội Đông Phương, và đàng kia, với Hiệp Thông Anh Giáo và các cộng đồng giáo hội do Phong Trào Cải Cách tạo ra (số 48), vì trong các thực thể sau, cần phải có một hành trình phức tạp hơn nhằm dẫn tới một hiệp thông sơ đẳng trong đức tin và các bí tích trước đã.

Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của ủy ban hỗn hợp quốc tế nhằm đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống (Ravenna, 8-15 tháng 10, 2007), được đúc kết bằng văn kiện “Ecclesiological and canonical consequences of the sacramental nature of the Church. Ecclesial communion, conciliarity and authority” (Các hậu quả giáo hội học và luật học của bản chất bí tích của Giáo Hội. Hiệp thông giáo hội, tính công đồng và thẩm quyền), đã cho thấy sự liên lập hỗ tương giữa tính tối thượng và tính công đồng (conciliarity) trên bình diện địa phương, miền và hoàn vũ. Theo sự liên lập này, “người ta phải luôn xem sét tính tối thượng trong ngữ cảnh tính công đồng, và tính công đồng cũng thế, phải luôn được xem sét trong ngữ cảnh tính tối thượng” (số 43).

Viễn kiến này của “văn kiện Ravenna” đem lại một năng động tính cho cung cách ta quan niệm thừa tác vụ giáo hoàng với dự phóng hướng về một tương lai mà mọi tín hữu đều muốn thấy được thể hiện.

Vũ Văn An  3/29/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét