Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

16-03-2013 : THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY


Thứ Bảy Ngày 16/03/2013
Tuần 4 Mùa Chay Năm C


BÀI ĐỌC I: Gr 11, 18-20
"Con như chiên con hiền lành bị đem đi giết".

 Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con và con đã biết; vì Chúa đã chỉ cho con những mưu toan của chúng. Còn con, con như chiên con hiền lành bị đem đi giết. Con đã không biết chúng mưu toan hại con khi chúng nói: "Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến tên nó nữa".
Nhưng lạy Chúa các đạo binh, Chúa xét xử công minh, và dò xét tâm can. Chớ gì con sẽ thấy Chúa báo thù chúng, vì con đã phó thác việc con cho Chúa. Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 7, 2-3. 9bc-10. 11-12

Đáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài (c. 2a).

1) Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài, xin cứu con khỏi mọi người đang lùng bắt, và xin giải thoát thân con, kẻo có người như sư tử chộp bắt hồn con, xé nát ra mà không ai cứu gỡ. - Đáp.
2) Xin minh xét cho con, thân lạy Chúa, theo sự công chính và vô tội ở nơi con. Nguyện cho chấm dứt sự độc dữ kẻ ác nhân, và xin Ngài củng cố người hiền đức, khi Ngài lục soát tâm can, ôi Chúa công minh. - Đáp.
3) Thuẫn che thân con là Thiên Chúa, Đấng cứu độ những kẻ lòng ngay. Thiên Chúa là vị công minh thẩm phán, và Thiên Chúa hăm doạ hằng ngày. - Đáp.

 CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 11, 25a và 26

Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

 PHÚC ÂM: Ga 7, 40-53
"Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Đấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavit?" Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Càng Thêm Ðố Kỵ

            Thường thường người ta ai cũng cầu xin cùng Chúa cho được ơn khôn ngoan sáng suốt để cư xử với mọi người. Có những người khác thì xin cho được hồn an xác mạnh, nhưng ít kẻ cầu xin cho được vác thánh giá Chúa, chịu đau khổ vì Chúa.
Thánh nữ Magaritta thuật lại rằng: Một hôm Chúa hiện ra và phán bảo tôi như sau: Hai điều sau đây con muốn chọn điều nào? Một là được khỏe mạnh, lòng trí luôn vui hưởng sự ngọt nào êm ái, được bề trên tín nhiệm, chị em quí mến và người ngoài cảm phục. Hai là phải ốm đau bệnh tật, chịu bề trên thử thách, chị em khinh dể, luôn luôn cay đắng, tứ bề khổ cực... Nghe vậy, tự nhiên lòng tôi xao xuyến âu lo. Tôi sấp mặt xuống đất và than thở cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, con chẳng dám chọn điều nào cả, nhưng điều nào đẹp lòng Chúa hơn, thì xin Chúa chọn thay cho con con đường Thập Giá, vì chỉ có Thánh Giá mới làm đẹp lòng Cha hơn cả. Và chỉ ai yêu mến Thánh Giá mới thực sự giống Cha hoàn toàn".
Cũng chính lúc ấy, Chúa cho tôi xem thấy tất cả những khốn khó trong cuộc đời tôi. Tôi rùng mình kinh khiếp, nhưng sau khi suy nghĩ tôi cảm nhận được rằng: "Yêu thương ai thì sẽ trao tặng những gì quí giá nhất cho người mình yêu". Chúa Giêsu sẽ ban cho những kẻ Ngài yêu thương, ngoài nước Thiên Ðàng và chẳng còn gì quí giá hơn Thập Giá. Và thánh nữ Magaritta đã chịu mọi đau khổ, bị bạc đãi, phải vác lấy những Thập Giá trong suốt 20 năm trường. Thánh nữ tâm sự như sau: "Nếu không có Chúa nâng đỡ thì tôi không có sức nào chịu đựng được".

Anh chị em thân mến!

Qua bao nhiêu thế hệ, kể từ khi Chúa Giêsu xuống trần gian rao giảng Tin Mừng, thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, mở đầu một giai đoạn lịch sử cứu rỗi mới, nhưng lúc nào cũng có những con người cứng lòng chối bỏ Chúa. Và ngược lại thì cũng có nhiều tâm hồn chân thành tin yêu Chúa, sống kết hợp với Chúa như trường hợp các vị chư thánh trong Giáo Hội.
Thánh nữ Magaritta đã được ơn đặc biệt sống kết hợp với Thập Giá của Chúa, để phổ biến khắp nơi lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nhiều người, kể cả những vị bề trên trực tiếp của thánh nữ cũng đã hơn một lần hiểu lầm thánh nữ cho rằng, thánh nữ có lòng đạo đức giả hình. Tuy nhiên, thánh nữ vẫn trung thành với ơn gọi theo Chúa cho đến cùng.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyến khích các người con tinh thần của mình như sau: Con tin tưởng và theo gương thánh Phaolô; khi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của ngôn ngữ hay khoa khôn ngoan để rao giảng chính trị của Thiên Chúa. Quả thật, tôi đã quyết định là giữa anh em tôi không muốn biết gì ngoài Ðức Giêsu Kitô, mà là Ðức Giêsu Kitô bị đóng đinh Thập Giá. Chúa Giêsu chịu đóng đinh là sự khôn ngoan từ trời, đó là một cuộc cách mạng sáng chói không thể che đậy được, mãnh lực không thể cầm hãm được. Kinh nghiệm của 20 thế kỷ nay cho thấy rõ điều đó, và nhiều người can đảm phục vụ cho sự khôn ngoan ấy. Tuy nhiên, khi còn sống, Chúa Giêsu Kitô đã không tránh khỏi cảnh bị một số người hiểu lầm và chối từ.
Ðức tin vào Chúa Giêsu có thể đã bị các vị lãnh đạo, những kẻ thông thái tự phụ chụp mũ cho rằng, đó là chuyện bịa đặt: Người có đức tin là người bị mê hoặc bị dụ dỗ. Cần phải can đảm lắm mới có thể đứng hàng đầu trong số những người theo Chúa và theo cho đến cùng.

Lạy Chúa, xin thương ban ơn soi sáng cho con trên bước đường theo Chúa, để con can đảm vững bước. Thường khi gặp thử thách con hay nghi ngờ, xin Chúa thương ban ơn củng cố lòng tin để con được trung thành theo Chúa đến cùng. Amen.

(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần IV MC


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải suy xét trước khi buộc tội người công chính.

Khi một người hay một nhóm muốn buộc tội một người, họ sẽ tìm cho được mọi lý do để có thể buộc tội người đó: gây mâu thuẫn cá nhân hay các nhóm, tìm người làm chứng gian, cắt nghĩa sai luật lệ; nhưng không bao giờ tiết lộ lý do chính của việc buộc tội.

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc buộc tội các người công chính. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Jeremiah được Thiên Chúa cho thấy âm mưu của những người định bắt và giết ông, vì họ không muốn nghe những lời ông tố cáo họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các thượng tế và kinh sư thi hành âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng sẽ bỏ họ mà theo Ngài. Một mặt họ gởi các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu, một mặt họ tìm cách chia rẽ để kéo dân về phía họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Âm mưu để giết tiên-tri Jeremiah.

1.1/ Âm mưu của bọn ác nhân: Là ngôn sứ của Thiên Chúa, tiên tri phải nói những gì Thiên Chúa truyền cho ông nói. Tiên tri tố cáo tội ác của nhà Judah và hình phạt sắp xảy đến cho họ. Họ không những không muốn nghe, mà còn phác họa một âm mưu để thủ tiêu Jeremiah. Họ bảo nhau: "Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!" Mục đích của họ là để khỏi phải nghe những lời tố cáo của tiên tri, và phi tang nhân chứng để tiếp tục con đường gian ác của họ.

1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa: Nhưng kẻ thù của tiên tri Jeremiah đã không biết uy quyền của Thiên Chúa, Đấng gởi tiên tri đi. Ngài không những cho Jeremiah biết âm mưu của chúng, mà còn dùng Vua Babylon như cây roi để đánh phạt họ và đem đi lưu đày.

Tiên tri Jeremiah tin tưởng vào uy quyền của Thiên Chúa, và cầu xin: “Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.”

Con người phải rất cẩn thận khi tố cáo những người được Thiên Chúa sai tới, vì máu của họ đổ ra sẽ kêu thấu đến trời, và Thiên Chúa sẽ xét xử phân minh cho họ.

2/ Phúc Âm: Âm mưu giết Đức Kitô:

2.1/ Âm mưu giết Đức Kitô của các thượng tế và kinh-sư: Lý do chính yếu họ muốn giết Đức Giêsu là vì quyền lợi. Họ sợ dân chúng theo Chúa Giêsu và họ sẽ mất hết quyền lợi họ đang được hưởng, như thánh-sử Gioan tường thuật: Khi thấy dân chúng đi đón Người, vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó. Bấy giờ người Pharisees bảo nhau: "Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!" (Jn 12:19).

2.2/ Các phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu:

(1) Phản ứng của dân chúng: Họ không biết nhiều về Kinh Thánh, các thượng tế và kinh sư dùng sự hiểu biết Kinh Thánh của họ để làm cho dân chúng bị hoang mang và chia rẽ:

- Khi thấy trong dân chúng có những người cho Chúa Giêsu là một ngôn-sứ. Họ dùng Kinh Thánh trả lời: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả!”

- Khi thấy kẻ khác cho: "Ông này là Đấng Kitô." Họ lại nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua David sao?" Sự thật Kinh Thánh có nói điều ấy để chỉ nơi sinh của Đức Kitô, chứ không nói gì tới nơi trưởng thành của Ngài. Họ dùng những lời ấy để từ chối Chúa Giêsu là Đức Kitô. Họ đạt được mục đích khi thánh-sử Gioan tường thuật: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”

(2) Phản ứng của các vệ binh: Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisees. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Đây là phản ứng có lẽ trung thực nhất vì những vệ binh không biết nhiều về Lề Luật và Kinh Thánh; hơn nữa, họ còn là những người thuộc về các thượng tế và kinh-sư. Họ có lẽ được nhìn thấy và nghe Chúa Giêsu lần đầu tiên, nên chưa có thành kiến với Ngài.

(3) Phản ứng của Nicodemus: Ông là một người Pharisee, trước đây ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm và đàm đạo với Ngài. Ông nói với họ: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" Nicodemus biết Lề Luật đòi sự công bằng cho mọi người (Exo 23:1, Deut 1:16); vì thế, mọi người đều có quyền để biện hộ, và tòa án không thể kết án họ khi chưa có bằng chứng rõ rệt. Các kinh-sư đã không theo tiến trình này khi buộc tội Chúa Giêsu. Nhưng Nicodemus đã không có can đảm để làm chứng cho Ngài, khi ông phải đối diện với sự tức giận của họ.

(4) Phản ứng của các kinh-sư: Họ không chỉ tức giận và tố cáo Chúa Giêsu, nhưng còn giận dữ với tất cả những ai không theo phe nhóm họ để tố cáo Ngài. Họ tức giận:

- Với các vệ binh: Họ mắng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisees, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?” Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình như tiêu chuẩn để bắt người khác cũng phải hành động như họ.

- Với dân chúng: Họ khinh thường: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Luật của các Rabbi có 6 điều ngăn cấm trong việc giao tiếp với “dân đen”: “Không làm chứng cho họ, không tin vào lời chứng của họ, không nói điều bí mật cho họ nghe, không cho họ làm cha nuôi của những trẻ mồ côi, không cho họ làm quản lý của các quĩ bác ái, và không đi chung với họ trong cuộc hành trình.” Vì họ quan niệm “dân đen” không biết Lề Luật, nên họ mặc sức giải thích theo cách thức để đạt được mục đích của họ!

- Với Nicodemus: Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Galilee sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Có sự liên quan giữa điều răn thứ 5 và điều răn thứ 8: Chúng ta thường để ý đến việc giết người bằng gươm giáo hay súng đạn, mà rất ít khi để ý đến việc giết người bằng sự nói hành hay làm chứng gian.

- Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, nên chúng ta đừng bao giờ vào hùa với nhau để giết hại người công chính và vô tội; vì chúng ta sẽ phải trả giá máu của họ đổ ra.

- Chúng ta phải có can đảm làm nói, sống, và làm chứng cho sự thật; cho dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự thật mới giải thóat con người.

 Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


SỐNG LỜI CHÚA - Thứ bảy (Ga 7,40-53)

 Dẫn

Sống theo cảm tính và nhận định chủ quan, khiến cho con người có những nhận định sai lầm và đưa đến hành động tàn bạo, độc ác. Đó là điều mà tin mừng hôm nay muốn đề cập đến.

 Chia sẻ

Trước những phép lạ và lời giảng dạy của Chúa Giêsu, người Do Thái có những phản ứng khác nhau.
Người bình dân, đơn sơ thì tin Ngài là một ngôn sứ cao cả được Môsê báo trước.
Một số người hiểu biết thì cho rằng: Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo.
Còn những người thuộc giới lãnh đạo thì phủ nhận hoàn toàn, cho rằng: Ngài không phải là ngôn sứ, cũng không phải là Đấng Cứu Thế.

 Có nhiều lý do:

1. Không hội đủ những điều kiện về địa dư và dòng tộc.
2. Sứ điệp lời Chúa có nguy cơ làm cho dân chúng sao lãng lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc.
3. Lời giảng dạy và phép lạ Chúa Giêsu làm lu mờ hình ảnh và uy thế của họ. Vì thế họ quyết định nhổ “cái gai Giêsu” ra khỏi mắt họ.

 Nhưng đối với những người am tường luật lệ và yêu mến sự thật thì có cái nhìn trong sáng và cách hành xử công minh. Ông Nicôđêmô là một điển hình. Ông là thành viên của hội đồng lập pháp, là tiến sĩ luật có thế giá và là người can đảm đứng ra biện hộ cho Chúa, ông nói: “ muốn bắt người ta, tức là Chúa Giêsu, thì trước hết phải đối diện thẩm vấn, phải có nhân chứng và xét xử theo luật lệ”. Nhưng lời đề nghị của ông chẳng ăn nhằm gì với số đông không cần luật lệ gì hơn là luật rừng.

Thời nay cũng vậy. Chân lý thuộc về số đông và nằm trong tay những kẻ có quyền. Công lý thường bị bẻ cong và hậu quả là những người sống theo sự thật, chân lý và tình thương bị xem là người khờ dại. Có nguy cơ đẩy toàn bộ thế hệ đi vào hướng nhìn lệch lạc, nhằm lẫn. Không còn phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Đâu là chính, đâu là phụ. Đâu là điều ưu tiên phải thực hiện và đâu là điều cần bỏ qua nếu cần.

 Xin cho chúng ta biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Biết làm theo ý Chúa hơn ý mình. Biết ưu tiên làm việc của Chúa, cho Chúa và vì Chúa hơn là cho mình. Nhất là biết chọn Chúa là lẽ sống và là con đường để ta dấn bước.

 Xin đừng để ta sống theo cảm tính nhẹ dạ, cả tin vào những luồng tư tưởng, thông tin bên ngoài áp đặt. Nhưng cho ta biết khôn ngoan lấy lời Chúa và Giáo Huấn Giáo chọn lọc và cam đảm sống theo sự hướng dẫn đó. Hy vọng chúng ta không phải đi vào vết xe đổ của người Do Thái ngày xưa

THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY
Ga 7, 40 - 53

1 Ghi nhớ: Cây tốt thì sinh trái tốt.

2 Suy niệm:  Người tốt hay người xấu không thể căn cứ ở gốc gác lý lịch mà có thể kết luận được, nhưng do ở việc làm của họ. Thiếu gì cảnh cha mẹ cú đẻ con tiên, cha mẹ hiền lại sinh con dử. Lý lịch không phải là một sự bảo đảm cho phẩm chất của một con người. Hôm nay là thánh nhân nhưng ngày mai có thể là một tội đồ. Ngược lại, một tội nhân cũng có thể buông đao thành phật. Một Phaolô sừng sửng trong giáo hội không phải xuất thân từ Biệt phái, đã từng truy nã những kẻ theo Chúa sao ? Giuđa Iscariô không phải đã từng là một trong nhóm mười hai sao? Con người thì luôn thay đổi. Chỉ có định kiến là đóng khung cái nhìn của con người và làm cho con người có nhận định sai lạc về sự thật.

3 Sống Lời Chúa:  Nếu kẻ gian ác bỏ đường gian ác, nó sẽ sống.

4 Cầu nguyện:  Lạy Chúa, xin đừng để con lượng giá một người bằng quá khứ của họ, nhưng bằng thực tại mà họ đang sống, xin đừng để những định kiến làm sai lệch cái nhìn của con.


16/03/13 THỨ BẢY TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53

KHÁM PHÁ NỘI DUNG ĐỨC TIN
“Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ?” (Ga 4,41)
Suy niệm: Nghe lời Chúa Giêsu rao giảng, nhiều người dân Do Thái nhìn nhận Lời Chúa thật hấp dẫn. Nhưng họ liền bị giới lãnh đạo Do Thái đánh giá thấp như dân đen, không biết Lề Luật. Trong hoàn cảnh ấy, Nicôđêmô đã đứng lên bênh vực Chúa. Là người Pharisêu, nghĩa là người được đánh giá cao về  hiểu biết Lề Luật, ông bênh vực Chúa theo cách của mình khi nại đến Lề Luật không cho phép kết án ai trước khi biết rõ về người ấy. Thế là họ lên án cả Nicôđêmô và cố chấp quả quyết không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê. Sự cố chấp khiến họ quên mất Giôna, Hôsê, Nakhum là những ngôn sứ người Galilê. Theo các lãnh đạo tôn giáo thời ấy, những ai xuất thân từ Galilê đều không đáng kính trọng. Bệnh võ đoán nơi họ trầm trọng đến mức họ không cần tìm nguồn gốc thần linh của Đấng Cứu Thế và nguồn gốc của Lề Luật. Thực ra, Lề Luật của Do Thái phát xuất từ Mười Điều Răn Thiên Chúa ban và trước khi ban các điều răn, Thiên Chúa đã mạc khải cho họ về Ngài. Nay nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và giới luật của Ngài, vì Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Bệnh võ đoán như các lãnh đạo Do Thái còn tồn tại nơi con người thời đại hôm nay không? Còn tồn tại nơi bạn không?
Chia sẻ: Tác hại của bệnh võ đoán trên ảnh hưởng gì về đức tin của Kitô hữu?
Sống Lời Chúa: Tìm hiểu giáo lý về Chúa Giêsu, Ngôi Hai làm người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con khiêm tốn tìm học biết Chúa hằng ngày, nhất là suy niệm Lời Chúa để khám phá hơn nữa tình Chúa yêu con. Xin cho con say mê đọc và sống Lời ấy.

ÔNG NÀY LÀ ĐẤNG KI-TÔ
Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh, và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.

Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu. Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).
Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu. Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45). Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18, 15). Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41). Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê, còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).
Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy. Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa. Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo. Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu (c.32).
Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy, chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu. “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46). Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế. Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội. Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến thế. Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu, Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật. Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật, nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).
Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu. Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50). Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1, 16-17). Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật. Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc. Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52). Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người Giuđê. Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14, 25). Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ. Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu. Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay Nicôđêmô. Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm. Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh, và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.
Cầu nguyn:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Họ chia rẽ vì Người
Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? nào kinh thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. (Ga. 7, 40-43)
Không phải hôm qua họ đã chia rẽ vì Đức Giêsu. Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy họ chia rẽ nhau. Họ đã chia rẽ ở thời Đức Giêsu, họ vẫn còn chia rẽ nhau cho đến ngày nay. Một ngày nào đó, chỉ cần đến Đền thờ Mộ Thánh ở Giê-ru-sa-lem, thì thấy rõ sự chia rẽ đó. Tất cả đều nói về Đức Kitô, nhưng lại tranh luận xem những phần nền nhà này, bến đậu kia là đất thuộc về tôn giáo nào! Xin Người mau chóng lập lại trật tự đi.
Hẳn đó không phải là điều Đức Kitô đến dạy chúng ta. Nhưng đó là sự kiện thật như Đức Kitô đã nói: “Tôi mang gươm giáo đến, ai thuận với Tôi và ai chống lại Tôi”. Không có chuyện nửa vời. Thuận với Người thì phải từ bỏ những lý lẽ của lý trí, ít ai chịu bỏ. Muốn nhận biết Người cần phải trở nên bé nhỏ và khiêm nhường mới hợp với giáo lý và những đòi hỏi của sứ điệp Đức Giêsu và đi sâu hơn vào mầu nhiệm của Người.
Bản văn thánh Gio-an cho chúng ta thấy những ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề Đức Giêsu, còn xa mới đi tới nhất trí.
Kết cục, chính các vệ binh có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự công cộng, tuy ít học, nhưng đã có những suy nghĩ rất chính xác và rất rõ nét: “Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy”. Câu nói ngây ngô trước những ông biệt phái, đã xúc phạm nặng nề đến các ông nhưng nhận xét của những kẻ mà các ông coi là dân đen lại thật sáng suốt và có lương tri rất tốt.
Các ông trách họ tàn tệ: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh và giới trí thức biệt phái có ai tin vào tên ấy đâu? Chỉ có bọn hạ lưu cặn bã như các anh mới phạm sai lầm xét đoán như thế thôi”. Các ông biệt phái luôn luôn có thái độ kiêu ngạo, khinh bỉ quá khích đối với những người đã khâm phục sự khôn ngoan của Đức Giêsu.
Đức Kitô sẽ không bao giờ đạt tới kết quả là quy tụ được tất cả loài người. Xin đừng ngạc nhiên vì Người đã tiên báo về chính Người: “Tôi sẽ là dấu chỉ gây ra sự mâu thuẫn”.
Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ hiểu dấu chỉ đó, chúng ta sẽ chịu đau khổ vì thế, nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận: “Cùng chịu hấp hối với Người cho đến tận thế”. Câu nói tuyệt vời của Pascal.
G.F.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba

16 THÁNG BA

Luân Lý Tính Phải Được Đo Lường Bằng Thước Đo Của Thiên Chúa

Xuyên qua việc tuân giữ Thập Giới, con người sẽ trở nên tốt. Con người sẽ mặc lấy phẩm tính của Thiên Chúa. Còn nếu không tuân giữ Thập Giới, con người sẽ sa vào hành động xấu. Như vậy, Thập Giới trao cho chúng ta chuẩn mực để đo lường hành vi và đo lường chính cuộc sống của chúng ta. Trong tư cách là con người – có thể chọn lựa giữa cái đúng và điều sai – phẩm giá của chúng ta được nối kết một cách trực tiếp với sự vâng phục của chúng ta đối với luật luân lý của Thiên Chúa.

Vâng phục luật luân lý – đó không chỉ là một vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề xã hội. Nó cho chúng ta biết Thiên Chúa muốn chúng ta sống với tha nhân như thế nào. Nó hình thành cho chúng ta một tiêu chuẩn sống. Nó cho ta biết phải làm sao để bảo vệ và tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như của mình. Qua đó, nó giải phóng người ta khỏi sự trói buộc của sự dữ. Đây không phải là chuyện hoa hòe, ‘tùy hỉ’chút nào; mà đây là vấn đề hết sức chủ yếu. Đấng trao ban Thập Giới là Thiên Chúa Gia-vê, là Đấng đã dẫn đưa con cái It-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi tình cảnh nô lệ.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16-3

Gr 11, 18-20; Ga 7, 40-53


LỜI SUY NIỆM: “Trong nhóm Pharisêu, có người tên là Nicôđêmô,  trước đây đã đến gặp Đức Giêsu; ông nói với họ: Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không” (Ga 7,50)

Nicônêmô một con người đang nằm trong nhóm của Pharisêu, một con người đang có chức vụ và là người thầy trong dân; trong khi những người trong nhóm đang muốn tra tay bắt Chúa Giêsu, ông đã đứng ra bênh vực, can ngăn việc bắt Chúa Giêsu. Trong hoàn cảnh như thế này: sẽ dẫn đến liên lụy bản thân; sẽ làm giảm uy tín của ông trong nhóm, ông sẽ bị chê trách và có thể bị kết án. Mặc dù sự bênh vực của ông có người cho là bênh vực nửa vời, để rồi sau đó lại im lặng. Nhưng trong thực tế hiện nay vẫn còn có những con người đang giữ những chức vụ dù là cao hay thấp nhỏ hay lớn khi đứng trước một sự thật cần phải bảo vệ, lại tìm sự an toàn trong thinh lặng. Ước gì mỗi Ki-tô hữu luôn biết đứng về phía sự thật và phải bảo vệ sự thật, dù phải bị chê cười, chịu khinh bỉ, cũng như có thể gặp khó khăn và chịu hy sinh.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Ba

Cuộc Săn Thỏ

Ðức hồng Y Carlo Martini, nguyên viện trưởng trường Kinh Thánh tại Roma và hiện là tổng giám mục Milano bên Italia, đã ghi lại trong quyển chú giải về Phúc Âm Thánh Gioan, câu chuyện sau đây:

Vào thế kỷ thứ ba, trong Giáo hội có vấn đề các tu sĩ ào ạt rời bỏ cuộc sống tu trì... Ðể giải thích cho hiện tượng này, một thầy dòng nọ đã đưa ra hình ảnh của một đàn chó đi săn thỏ. Một chú chó trong đàn đã bất chợt nhận ra một con thỏ. Thế là chú nhanh nhẩu rời đàn chó và vừa chạy theo con thỏ vừa sủa inh ỏi. Không mấy chốc, mấy chú chó khác cũng rời hàng ngũ để chạy theo. Và cứ thế cả đàn chó bỗng chạy ùa theo. Tất cả mọi con chó đều chạy, nhưng kì thực chỉ có một con chó là đã phát hiện ra con thỏ.
Sau một lúc săn đuổi, chú chó nào cũng mệt lả, cho nên từ từ bỏ cuộc, bởi vì đa số đã không được nhìn thấy con thỏ. Chỉ duy chú chó đầu tiên đã phạt hiện ra con thỏ là tiếp tục đeo đuổi cuộc săn bắt.

Vị tu sĩ đãđưa ra kết luận như sau: "Ðã có rất nhiều tu sĩ đi theo Chúa, nhưng kỳ thực chỉ có một hoặc hai vị là đã thực sự thấy Chúa và hiểu được họ đang đeo đuổi điều gì. Số khác chạy theo vì đám đông hoặc vì họ nghĩ rằng họ đang làm được một điều tốt. Nhưng kỳ thực họ chưa bao giờ thấy Chúa. Cho nên khi gặp khó khăn thử thách, họ bắt đầu chán nản bỏ cuộc".

Cuộc sống của người Kitô chúng ta có lẽ cũng sẽ ví được với một cuộc săn thỏ... Ở khởi đầu, ai trong chúng ta cũng hăm hở ra đi, ai trong chúng ta cũng đều làm rất nhiều cam kết, nhưng một lúc nào đó, khi không còn thấy gì đến trước mắt nữa, chúng ta bỏ cuộc buông xuôi... Ða số trong chúng ta hành động theo sự thúc đẩy của đám đông mà không cần tìm hiểu lý do của việc làm chúng ta. Người ta lập gia đình mà không hiểu đâu là cam kết của đời sống hôn nhân. Người ta gia nhập đoàn thể này, đoàn thể nọ, chúng ta cũng hăng hái tham gia mà không cân nhắc kỹ lưỡng các lý do tại sao chúng ta tham dự. Và biết đâu, người ta đi nhà thờ, chúng ta cũng đi nhà thờ mà không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta đi nhà thờ. Người ta đi xưng tội rước lễ, chúng ta cũng đi xưng tội rước lễ mà có lẽ chưa bao giờ đặt ra câu hỏi nghiêm chỉnh tại sao chúng ta làm như thế... Dĩ nhiên, Ðức Tin của chúng ta cần phải được nâng đỡ từ gia đình, xã hội, bởi người khác. Nhưng chúng ta không thể quên được rằng trước hết Ðức Tin là một cuộc gặp gỡ cá vị giữa mỗi người và Thiên Chúa, Ðức tin là một cuộc hành trình trong đó mỗi con người phải tự thấy con đường mình đang đi... Chúng ta không thể sống đạo, giữ đạo vì người khác. Người Kitô có một đồng phục chung là Ðức Ái, nhưng cuộc sống của mỗi người không phải vì thế mà được đúc sẵn theo một khuôn mẫu, theo những công thức có sẵn, theo những lôi cuốn của đám đông.

Trong cuộc hành trình Ðức Tin, chúng ta cùng đồng hành với người khác, nhưng mỗi người cần phải thấy rõ địa điểm mình đang đi tới. Có thấy rõ như thế, mỗi khi gặp mệt mỏi, chông gai thử thách, chúng ta mới có thể kiên vững tiếp tục tiến bước.

(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 16-3

Thánh Clement Mary Hofbauer

(1751 - 1820)

Có thể gọi Thánh Clement là vị sáng lập thứ hai của dòng Chúa Cứu Thế, vì chính ngài là người đã đem tu hội của Thánh Alphôngsô Liguori đến với người dân ở phía bắc rặng Alp.
Sinh trong một gia đình nghèo ở Moravia, ngài là con thứ chín trong mười hai người con, và tên rửa tội là Gioan. Mặc dù ngài ao ước trở nên một linh mục, nhưng vì không có tiền đi học, ngài phải học nghề làm bánh mì. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để giúp ngài thể hiện ước mơ ấy.
Ngài được nhận vào làm bánh trong một đan viện, là nơi ngài có thể tham dự các lớp Latinh. Sau khi vị tu viện trưởng từ trần, Gioan thử sống đời ẩn tu nhưng lúc ấy Hoàng Ðế Joseph II ra lệnh hủy bỏ các đan viện, Gioan lại trở về Vienna hành nghề làm bánh. Một ngày kia, sau khi dự lễ tại vương cung thánh đường Thánh Stêphanô, trong cơn mưa tầm tã ngài đã giúp hai bà quý tộc gọi xe kéo. Qua cuộc đối thoại, hai bà được biết Gioan muốn đi tu nhưng không đủ tài chánh. Và họ đã rộng lượng giúp đỡ Gioan cũng như bạn của ngài là Tađêô, theo học trong chủng viện. Cả hai đến Rôma, là nơi họ được lôi cuốn bởi ý nghĩa đời sống tu trì của Thánh Alphôngsô. Và hai người đã thụ phong linh mục năm 1785 trong dòng Chúa Cứu Thế.
Sau khi mới chịu chức, lúc ấy đã 34 tuổi, Gioan được gọi là Clement Mary, cùng với Tađêô được sai trở về Vienna. Nhưng sự khó khăn tôn giáo ở đây đã khiến hai người phải bỏ lên miền bắc đến Warsaw, Ba Lan. Ở đây họ gặp rất nhiều người Công Giáo nói tiếng Ðức bơ vơ không có linh mục chăm sóc vì chính quyền đàn áp các cha dòng Tên. Ðầu tiên hai ngài phải sống rất khó nghèo và rao giảng ngoài trời. Sau đó các ngài được giao cho nhà thờ Thánh Benno để trông coi, và trong vòng chín năm kế tiếp, mỗi ngày hai ngài phải giảng năm lần, hai lần bằng tiếng Ðức và ba lần bằng tiếng Ba Lan, các ngài đã hoán cải được nhiều linh hồn về với Giáo Hội. Cả hai đều tích cực trong công việc xã hội giúp đỡ người nghèo, sáng lập cô nhi viện và mở một trường nam sinh.
Nhờ lôi cuốn được nhiều người đến dâng mình cho Chúa, các ngài đã có thể gửi các vị truyền giáo đến Ba Lan, Ðức và Thụy Ðiển. Tất cả các cơ sở truyền giáo này sau đó đều bị phá hủy vì những căng thẳng chính trị và tôn giáo thời đó. Sau 20 năm làm việc vất vả, chính Cha Clement bị bỏ tù và bị trục xuất khỏi nước. Và sau một lần bắt bớ khác ngài mới đến được Vienna, là nơi ngài sinh sống và hoạt động trong 12 năm cuối đời. Không bao lâu, ngài nổi tiếng là "vị tông đồ của Vienna", ngài nghe người giầu cũng như nghèo xưng tội, đi thăm kẻ liệt, cố vấn cho những người thế lực, chia sẻ sự thánh thiện của ngài với tất cả mọi người trong thành phố. Công trình đáng kể nhất của ngài là thành lập một trường đại học Công Giáo trong thành phố yêu dấu này.
Sự bách hại vẫn theo đuổi ngài, và nhà cầm quyền đã buộc ngài phải ngừng rao giảng. Có lần giới thẩm quyền cao cấp nhất cố gắng trục xuất ngài, nhưng sự thánh thiện và danh tiếng đã bảo vệ ngài cũng như sự phát triển của dòng Chúa Cứu Thế đã giữ chân ngài lại. Cho đến khi ngài qua đời vào năm 1820, các nỗ lực của ngài đã giúp cho dòng Chúa Cứu Thế được thiết lập vững bền ở mạn bắc rặng Alp.
Ngài được phong thánh năm 1909.
www,nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét