Trang

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

10-05-2013 : THỨ SÁU TUẦN VI MÙA PHỤC SINH


Ngày 10/05/2013
Thứ Sáu Tuần VI Mùa Phục Sinh Năm C
Cv 18,9-18


BÀI ĐỌC I: Cv 18, 9-18
"Trong thành này, Ta có một dân đông đảo".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
(Khi Phaolô đang ở Côrintô), một đêm kia, Chúa hiện ra phán bảo Phaolô trong một thị kiến rằng: "Con đừng sợ, cứ giảng dạy, chứ đừng làm thinh; vì Ta ở cùng con, và không ai tra tay làm hại con, vì trong thành này, Ta có một dân đông đảo". Phaolô ở lại đó một năm sáu tháng mà giảng dạy lời Chúa cho họ.
(Đến) thời Galliô làm tổng trấn xứ Akaia, người Do-thái đồng lòng nổi lên chống Phaolô và điệu ngài đến toà án mà thưa rằng: "Người này xui dân tôn thờ Thiên Chúa trái luật". Phaolô toan mở miệng, thì Galliô nói với người Do-thái rằng: "Hỡi người Do-thái, nếu quả thật là điều chi tội ác, ta sẽ có lý mà nghe các ngươi; nhược bằng chỉ là những tranh luận về đạo lý, danh từ và lề luật, thì các ngươi hãy liệu lấy; ta không muốn xử các việc ấy". Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. Mọi người liền bắt Sosthênê, trưởng hội đường, và đánh đập ông ta trước toà án, thế mà Galliô cũng chẳng lưu tâm gì đến. Còn Phaolô thì lưu lại đó nhiều ngày, rồi từ giã anh em, xuống tàu đi Syria (với Priscilla và Aquila); tại Cenchri, ngài cạo trọc đầu, vì ngài đã khấn như thế. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).
Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. - Đáp.
2) Người bắt các dân tùng phục chúng tôi, và đặt chư quốc dưới chân chúng tôi. Người đã chọn cho chúng tôi phần gia sản, vinh dự của Giacob mà Người sủng ái. - Đáp.
3) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta. - Đáp.

ALLELUIA: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 16, 20-23a
"Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cầu Xin Với Chúa
Trong báo tạp chí "Truyền Giáo" có đăng mẩu chuyện ngắn về một em gái người Phi Châu. Em bé đã qua đời khi tròn 13 tuổi bởi căn bệnh bạch hầu. Khi xem lại các đồ dùng quen thuộc của em, cha mẹ em đã bắt gặp trang nhật ký cuối cùng của em vừa được viết trước lúc em nhắm mắt. Trang nhật ký nghuệch ngoạc với những dòng sau đây: "Ôi lạy Chúa, con đang được giải thoát, thung lũng xanh tươi và suối nước trong mát đang khoe mình sau những vùi dập của bão tố. Trong bóng tối dày đặc của khổ đau và buồn chán, con thoáng thấy bàn tay Thiên Chúa đang vẫy gọi con. Nó vụt qua như một tia lửa yếu ớt, nhưng đã đủ để chiếu sáng và sưởi ấm lòng con, và chẳng một ai giành được nó khỏi con. Ôi lạy Chúa, con đang được giải thoát".
Thật là một cảm nghiệm quí báu đối với một bé gái chỉ vừa tròn 13 tuổi. Phải chăng em đã thông suốt được lời dạy của Chúa Giêsu được thánh sử Gioan tường thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Thông thường đau khổ được nhìn bằng một cái nhìn bi đát. Ðau khổ là hình phạt cho những kẻ đã gây ra tội ác: "Tích thiện tùng thiện, tích ác tùng ác". Ðau khổ là một điều không thể tránh được đối với ai đã làm điều dữ. Hình phạt chưa đến với họ thì đời con, đời cháu sẽ gánh chịu: "Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước".
Người Do Thái cũng không vượt lên trên quan niệm này "cha ăn nho xanh, con sẽ hư răng". Gặp người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ đã hỏi Chúa Giêsu: "Có phải vì tội lỗi anh hay cha mẹ anh?" Chúa Giêsu đã sửa sai cái nhìn của các môn đệ và Ngài làm phép lạ cho người mù được sáng.
Với Chúa Giêsu, đau khổ không hướng về quá khứ nhưng mở cửa cho tương lai. Con người không tuyệt vọng u buồn trong đau khổ nhưng phải hy vọng vui mừng vì những gì sẽ xảy đến sau đau khổ. Các môn đệ sẽ buồn sầu nhưng nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Người đàn bà sắp sinh con lo buồn, nhưng khi đã sinh con ra rồi thì bà mừng rỡ quên hết cơn đau vì đã có một người con mới sinh ra đời.
Ðoạn đường đến Núi Sọ là một chuỗi dài những đau khổ đau tủi nhục và tuyệt vọng, thế nhưng đoạn đường ấy lại mở lối cho sự Phục Sinh vinh quang. Có gì đáng tuyệt vọng và đau buồn cho bằng tình trạng của Nguyên Tổ sau khi đã phạm tội chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa? Vậy mà Thiên Chúa không để cho họ bị chìm đắm trong hình phạt, Ngài hứa ban cho họ Ðấng Cứu Chuộc. Từ một tội có thể gọi là tày trời thì phép màu của tình yêu Thiên Chúa đã biến nó thành tội hồng phúc.
Loài người được đón tiếp Thiên Chúa Ngôi Hai đến chung sống với họ, cho họ trực tiếp cảm nhận tình yêu của Cha trên trời. Tuy nhiên, có một câu hỏi thường làm bận tâm chúng ta không ít, đó là có một Thiên Chúa tình yêu, tại sao con người vẫn mãi đau khổ? Cũng như trong bài Tin Mừng hôm nay, tại sao biết các môn đệ đau buồn mà Chúa Giêsu vẫn ra đi?
Câu trả lời đã có sẵn trong đoạn Tin Mừng trước đây, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Thầy đi thì có lợi cho các con". Chắc chắn lúc đấy các môn đệ chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa của sự ra đi và ích lợi sẽ đến với các ông như thế nào. Các ông vẫn mù tối trước lời giải thích của Chúa Giêsu, và dù cho các môn đệ vẫn chưa hiểu lời Ngài, dù cho các ông có đau buồn vì Ngài ra đi thì cũng không vì thế mà Ngài ở lại, vì Chúa Giêsu không thể bỏ dở nhiệm cục yêu thương của Thiên Chúa Cha. Vì thế, Ngài mời gọi các môn đệ đừng buồn phiền lắng đọng trong đau khổ, nhưng hãy hướng về niềm vui tương lai: "Bây giờ các con buồn phiền nhưng Thầy sẽ trở lại với các con, bấy giờ lòng các con sẽ vui mừng và sự vui mừng ấy không ai lấy mất được, và trong ngày đó các con sẽ không hỏi Thầy điều gì nữa".
Lời nhắc nhủ này Chúa Giêsu cũng muốn gởi lại cho các môn đệ của Ngài ngày nay. Ðừng ngồi lì để oán than trách móc trong đau khổ, nhưng hãy biết hướng về ngay mai. Chỉ than trách hoặc đặt câu hỏi thì đau khổ vẫn mãi mãi là đau khổ. Chỉ một khi hướng về Thập Giá của Chúa Giêsu, con người mới khám phá ra được ý nghĩa và giá trị của các đau khổ này.
Lạy Chúa, xin cho mầu nhiệm Thập Giá luôn là ánh sáng soi dẫn chúng con trong những lúc tăm tối, khổ đau của cuộc đời. Xin cho chúng con biết sống lời dạy của thánh Phaolô: "Ðau khổ sẽ góp phần vào cuộc khổ nạn của Ðức Kitô để chúng con được thông phần niềm vui Phục Sinh của Ngài". Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần VI PS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần phải trung thành trong mọi hoàn cảnh.

Con người thường hay bị nản lòng trước những gian nan, khổ cực, và thất bại; đồng thời dễ nhiệt thành trước những vinh quang, vui sướng, và thành công. Nhưng cả hai thái độ là hai khía cạnh của cuộc đời như một đồng tiền hai mặt: chấp nhận cuộc đời là phải chấp nhận cả hai. Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn ra hai khía cạnh này qua những ví dụ và trường hợp cụ thể trong đời sống. Trong Bài Đọc I, Phaolô có lẻ cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi thấy sự cố gắng của mình không mang lại kết quả như lòng mong ước, lại còn phải chịu bao nhiêu những trái ý thử thách như hiểu lầm, đòn vọt, tù đày, nhất là những quấy nhiểu của những đồng hương Do-thái. Nhưng Thiên Chúa vẫn ở với và bảo vệ ông; nên ông tiếp tục ở lại và xây dựng giáo đoàn Corintô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài như một sản phụ sắp sinh con. Các môn đệ sẽ lo sợ và buồn phiền vì những đau khổ xảy ra cho Ngài và cho các ông; nhưng Ngài muốn các ông nhìn tới niềm vui trọn vẹn mà không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải kiên trì rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

1.1/ Gian khổ làm con người sợ làm chứng cho Thiên Chúa: Trong hành trình rao giảng lần thứ hai của Phaolô, ông phải đương đầu với nhiều gian nan đau khổ: bị hiểu lầm và quấy nhiễu bởi những người đồng hương, bị đánh đòn, bị giam cầm, và không nhìn thấy Thiên Chúa cho kết quả như lòng mong ước. Những gian khổ này có lẽ đã làm nhụt chí Phaolô, khiến ông không còn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như thuở ban đầu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với ông, nên một đêm, Chúa bảo ông Phaolô trong một thị kiến: "Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này." Khi nhận ra ý Thiên Chúa, ông Phaolô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.

1.2/ Thiên Chúa luôn quan tâm và bảo vệ tôi tớ của Ngài: Rồi gian khổ lại tới, "thời ông Gallion làm thống đốc tỉnh Akaia, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phaolô; họ đưa ông ra toà và nói: "Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.""

(1) Thiên Chúa dùng Thống Đốc tỉnh Akaia để bảo vệ Phaolô: Trình thuật kể: Khi ông Phaolô toan mở miệng, thì ông Gallion đã nói với người Do-thái: "Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông. Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy." Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án.

(2) Người cáo tội trở thành nạn nhân: Thấy kết quả xử án, "mọi người liền túm lấy ông Sosthenes, trưởng hội đường, mà đánh túi bụi ngay trước toà án. Nhưng ông Gallion chẳng bận tâm gì về việc này." Sosthenes là người chủ mưu trong việc kích động để đưa Phaolô ra tòa án.

Phaolô tiếp tục hành trình rao giảng: "Ông Phaolô còn ở lại Corintô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt biển sang miền Syria, cùng với bà Priscilla và ông Aquila. Trước đó, tại Cenchreneae, ông xuống tóc, vì có lời khấn." Để có thể trung thành hoàn tất sứ vụ cách hiệu quả, người rao giảng Tin Mừng cần cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, và sống cuộc đời đơn sơ và kỷ luật.

2/ Phúc Âm: Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

2.1/ Phải qua gian khổ mới có hạnh phúc: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui."

Quan niệm của người Do-thái về 2 kỷ nguyên: kỷ nguyên hiện tại hoàn toàn xấu và bị luận phạt, kỷ nguyên tương lai hoàn toàn tốt đẹp và đáng mong ước. Giữa hai kỷ nguyên là thời của Đấng Thiên Sai tới mà các ngôn sứ gọi là "ngày kinh hoàng" (Isa 13:9, Joel 2:1-2, 2 Pet 3:10). Chúa Giêsu dùng quan niệm truyền thống này trong hai ví dụ để cắt nghĩa cho các môn đệ hiểu về những gì sắp xảy tới cho Ngài và cho các ông.

(1) Người đàn bà mang thai: "Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian." Thời gian mang thai của người đàn bà có thể ví như thời quá khứ, thời gian sau khi sinh con có thể ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là lúc lâm bồn: tuy đau đớn tột cùng, nhưng người đàn bà chịu được vì hy vọng vào tương lai là người con sẽ được ra đời. Bà sẽ được nhìn thấy, yêu thương, và chăm sóc cho con mình.

(2) Niềm vui của các môn đệ khi được gặp lại Chúa: "Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được." Thời gian còn được sống với Chúa trên cõi dương gian được ví như thời quá khứ, thời gian sẽ được gặp lại Chúa được ví như thời tương lai. Giữa hai thời gian này là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Các môn đệ đau khổ khi nhìn Thầy Chí Thánh bị luận tội, đánh đòn, đóng đinh, và mai táng trong huyệt mộ; các ông lo lắng và sợ hãi cho số phận của mình; nhưng rồi những đau khổ này sẽ qua đi, và các ông vui mừng vì thấy Chúa chiến thắng tử thần và mọi sứ mạnh của thế gian, nhất là Ngài cũng sẽ làm cho các ông sống lại vẻ vang như vậy.

2.2/ Niềm vui trọn vẹn: "Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy." Niềm vui trọn vẹn vì là:

+ Niềm vui hoàn toàn: không còn thiếu điều gì nữa. So sánh với niềm vui của thế gian luôn thiếu vắng ít nhiều yếu tố.

+ Niềm vui vĩnh cửu: không ai lấy mất được. Niềm vui thế gian dâng tặng chỉ tạm thời, và luôn bị đe dọa bởi những khó khăn của cuộc sống. Khi người Kitô hữu được sống bên Chúa của mình, họ luôn vui mừng và sầu thương không còn nữa.

(1) Anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa: Còn sống ở đời này, con người còn phải vật lộn đi tìm sự thật giữa bao nhiêu gian dối, giả trá. Khi được chiêm ngưỡng Chúa trong ngày ấy, con người thấu hiểu mọi sự thật, và sẽ không cần hỏi han gì nữa.

(2) Anh em nhân danh Thầy mà xin Chúa Cha điều gì, Ngài sẽ ban cho anh em: Dĩ nhiên con người phải xin điều gì tốt lành và đẹp ý Chúa, chứ không xin điều gì hại cho mình và cho tha nhân. Như một trẻ thơ chạy đến với cha mình để xin, cha sẽ không bao giờ cho con mình cái gì có hại cho con, như cho con: vũ khí giết người, internet để trong phòng, chơi với những bạn bè xấu ... Một kiến thức đầy đủ sự thật sẽ loại trừ những lời xin không đẹp ý Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải hiểu rõ đau khổ và vinh quang là hai mặt của cuộc đời trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, để luôn trung thành với ơn gọi của mình, và sống bình an khi gian nan khốn khó xảy đến.

- Chúng ta đừng bao giờ chạy trốn đau khổ và chạy theo những thú vui nhất thời của thế gian; vì nếu chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, chúng ta sẽ không được hưởng niềm vui của các chứng nhân trung thành.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,20-23a

A. Hạt giống...
Tiếp bài giáo lý về những vui buồn đời kitô hữu : "Bây giờ các con buồn phiền. Nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, vá lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con sẽ không ai lấy mất được"

B.... nẩy mầm.
1. "Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian". Đây là một kinh nghiệm cụ thể về việc cưu mang sinh sản. Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm cưu mang và sinh sản ấy.
Mỗi người hãy cưu mang và sinh sản chính bản thân mình. Như ngày xưa Chúa đã bảo ông Nicôđêmô thế nào thì hôm nay Chúa cũng bảo mỗi người chúng ta như thế : mỗi người chúng ta cần phải sinh lại thành một con người mới. Mà muốn sinh ra một con người mới trong chính bản thân mình thì trước đó chúng ta phải cưu mang đau đớn, cũng giống như những cơn đau của một bà mẹ đang chuyển bụng. Nhưng rồi sau cùng cũng như người mẹ đó vui mừng vì đã sinh ra một con người cho cuộc đời, chúng ta cũng sẽ vui mừng vì mình đã sinh mình trở thành một con người mới.
3. "Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em không ai lầy mất được"
Vì ghen tức, Lenny trong bộ phim "Trở lại Eden" định bắn chị là Stephany trong bữa tiệc Stephany mừng thắng cược, nhưng đã bị Jack, chồng của cô ta, cản lại. Trong cuộc giằng co với Jack, cô đã bắn trúng chồng mình. Stephany giành lại khẩu súng trong tay Jenny thì bị vu cáo là thủ phạm. Stephany vào tù, không một chứng cớ để biện minh. Hết sức đau khổ, nhưng bà vững tin vào chân lý.
Thế giới hôn nay vẫn còn biết bao "Jenny" khác ngang nhiên hãm hại người lành, đùa cợt trên nỗi đau của kẻ khác. Liệu người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, có vững một niềm tin và kiên trì trong cuộc chiến vì chính nghĩa cho tới khi toàn thắng không ?
Xin Đấng Phục Sinh ban cho con sức sống dồi dào của Ngài, để con có thể chạy hết đoạn đường  mà vẫn giữ vững niềm tin" (2 Tm 47). (Epphata)
4. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –Gp.Cần Thơ

10/05/13 THỨ SÁU TUẦN 6 PS
Ga 16,20-23a

LO BUỒN TẠM, VUI MỪNG MÃI
“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.” (Ga 16,22)
Suy niệm: Sống ở trần gian, người môn đệ Đức Giêsu như sống trong một môi trường bất ổn, đầy chống đối và bắt bớ. Đức Giêsu đã từng báo trước cho các môn đệ: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đường, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ” (Mt 10,17). Thế gian có ghét bỏ các môn đệ Đức Giêsu vì họ đã ghét Ngài trước. “Tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Cái không mong ấy là một thứ lo buồn tạm thời. Đàng sau nó là niềm vui lớn lao và bền vững, niềm vui mãi mãi bên Chúa Phục Sinh. Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu phải lo buồn vì Thầy chịu khổ nạn rồi mới vui mừng khi gặp lại Thầy phục sinh, tương tự như người phụ nữ lo buồn trước khi sinh con, nhưng khi sinh rồi thì lại chan chứa niềm vui.
Mời Bạn: Đức Giêsu phục sinh là bảo chứng và là niềm hy vọng cho chúng ta. Bởi đó những gian nan, khốn khó co làm chúng ta khóc lóc, than van, thì cũng chỉ là tạm thời. Nếu Đức Giêsu đã đi con đường thập giá và đã tới vinh quang phục sinh bất diệt thì người môn đệ Chúa đi theo Ngài trên cùng một con đường đó chắc chắn sẽ đạt đích là có được niềm vui trọn vẹn bên Đức Giêsu.
Sống Lời Chúa: Làm những việc hy sinh nho nhỏ mỗi ngày để quen sống mầu nhiệm thập giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường thánh giá mà Chúa mời gọi chúng con đi theo không còn mang nặng sắc thái u buồn vì được tràn ngập trong ánh sáng phục sinh của Chúa. Xin giúp chúng con lòng trung thành vác thánh giá mỗi ngày đi theo Chúa.

Suy niệm Ga 16, 20-23a

“ Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”
Người bình dân nói mộc mạc, “không có cái đau nào bằng đau đẻ. Người mẹ như “rứt ruột đẻ ra” đứa con của mình. Đau đớn đó không thể sẻ chia. Người phụ nữ phải cưu mang và gánh chịu một mình.
- Đau đớn là vậy nhưng niềm vui được làm mẹ làm cho người mẹ quên đi hết những đớn đau và vất vả. Đứa con- hình ảnh của chính mình là niềm hạnh phúc nhất. Thời Chúa Giêsu son sẻ bị cho là một cái tội.
- Ai cũng sợ đau, cũng trốn đau, nhất là đau khi hấp hối (dẫn đến sự chết) nhưng đau khổ khi sanh con thì dẫn đến sự sống. Một sự sống mới được khai sinh qua đau khổ của người mẹ.
- Phật giáo dạy rằng: “Đời là bể khổ". Muốn được giải thoát phải diệt khổ. Nhưng làm sao diệt khổ được vì đau khổ là một phần của kiếp người, phải sống chung với khổ, phải nhìn đau khổ với cái nhìn khác hơn, lạc quan hơn, nhìn dưới ánh sáng phục sinh.
- Qua đau khổ đến vinh quang “những đau khổ mà chúng ta chịu đời này sánh sao được với vinh quang Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta. Mọi vật những ngong ngóng trông chờ….” (Rm 8,18-19).
Chúng ta dâng đời cho Chúa, thánh hóa đau khổ, yên tâm bước theo Thầy trên đường Thầy đã đi.

Cánh én nhỏ.

Niềm vui của các môn đệ


Ðoạn Phúc Âm vừa đọc nối tiếp với đoạn suy niệm hôm qua về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Người đồ đệ cần khám phá ra Chúa Giêsu với đôi mắt đức tin và sống kết hiệp khắng khít mỗi ngày một hơn với Người. Sự sống kết hiệp với Chúa là nền tảng vững chắc với niềm vui không bao giờ mất đi nơi tâm hồn người đồ đệ.
Suy niệm bài Phúc Âm vừa đọc lại trên, chúng ta hãy đào sâu thêm về niềm vui mà Chúa muốn trao ban cho mọi đồ đệ của Người. Ðể được hưởng niềm vui của Chúa, người đồ đệ phải thực hiện một điều kiện căn bản, liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa để được ân sủng Chúa thanh luyện. Trong khung cảnh những lời tâm sự mạc khải về cuộc ra đi, tức cuộc vượt qua của Người, Chúa Giêsu long trọng loan báo: “Thật, Thầy bảo thật các con, các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng”.
Khóc lóc và than van là hành động của một người thương khóc cái chết của những người thân yêu nhất. Dùng hai từ này để diễn tả hoàn cảnh các môn đệ sắp trải qua, Chúa Giêsu như muốn mạc khải cho các ông về cái chết sắp đến của Người, vừa đồng thời hé mở cho các ông nhìn thấy mối liên hệ của cuộc đời các ông với cuộc vượt qua của Người. Ðây là điều mà sau này thánh Phaolô tông đồ dùng một từ ngữ khác để diễn tả, mang lấy cuộc Thương Khó của Chúa nơi mình, hoàn tất nơi mình những gì còn thiếu trong sự Thương Khó của Chúa là chịu đóng đinh vào thập giá làm một với Chúa. “Chúng con sẽ khóc lóc và than van vì Chúa sắp chịu chết trên thập giá tủi hổ”. Trong khi đó thì thế gian, tức những kẻ thù của Chúa Giêsu vui mừng, vì họ nghĩ rằng đã loại trừ được một đối thủ, có những lời nói phơi bày tật xấu của họ và không ngừng quấy rầy lương tâm họ.
“Các con sẽ khóc lóc và than van”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Chúa Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn. Chúa bị treo chết trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Ðấng chịu đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”; “Các con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Nhưng cái chết của Chúa Giêsu chỉ là một giai đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được, Chúa chết đi để rồi sống lại, Chúa ra đi để rồi trở lại, Chúa phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui: “Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
Niềm vui của các môn đệ đến từ Chúa, do Chúa ban cho, chứ không do những nguyên do nào khác. Nền tảng của niềm vui trong cuộc đời của các môn đệ là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh trong chính cuộc đời họ. Chúa Phục Sinh đến với các môn đệ phục hồi niềm tin đã bị lung lay chao đảo. Chúng ta cần làm sao để Chúa Phục Sinh có thể đến và hiện diện luôn mãi trong cuộc đời.
Lạy Chúa, xin đến ngự trong con, ban tràn đầy Thánh Thần tình yêu giữa Cha Con, kết chặt con vào Chúa để con được sống an vui mãi mãi, dù giữa những khó khăn thử thách.
Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con luôn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG NĂM

Cơn Đau Sinh Nở Giáo Hội

Trong Mùa Phục Sinh, phụng vụ qui hướng đặc biệt về Sách Công Vụ Tông Đồ. Chúng ta dõi bước theo cuộc hành trình tông đồ của Phao-lô và Barnaba đến nhiều thành phố khác nhau trên khắp đế quốc Rô-ma – ở những nơi đó, Tin Mừng lần đầu tiên được công bố và Giáo Hội được khai sinh.
Sự phát triển từng bước ấy của Tin Mừng và của Giáo Hội chính là hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua đã diễn ra tại Giê-ru-sa-lem. Tất cả những sự kiện ấy – đều có mối gắn kết với căn gác thượng ngày nào – đã tiếp tục cùng một công cuộc cứu độ của Đức Kitô. Chúng ta nhìn thấy công cuộc cứu độ của Đức Kitô được xúc tiến xuyên qua hoạt động rao giảng Tin Mừng và xuyên qua đời sống Giáo Hội như được ghi lại trong Sách Công Vụ Tông Đồ.
Tất cả đã trở thành có thể – duy chỉ nhờ quyền năng của Đức Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng được Người gửi đến. Các Tông Đồ nhắc chúng ta rằng chúng ta phải trải qua nhiều thử thách trước khi có thể bước vào triều đại của Thiên Chúa (Cv 14, 22). Đó là con đường mà Đức Kitô dã giới thiệu cho mọi Kitôhữu. Giáo Hội đang được khai sinh trong tâm hồn những con người môn đệ, trong những cộng đoàn mới, trong mọi nơi chốn mà Thánh Thần Chúa tác động. Giáo Hội đang được khai sinh và đơm hoa kết trái nhờ ở mầu nhiệm Vượt Qua vĩ đại là cái chết và cuộc phục sinh của Chúa. Giáo Hội vẫn được khai sinh như thế qua hàng bao thế kỷ. Và hôm nay, sau ngót hai ngàn năm, chúng ta vẫn gắn kết với di sản cuộc khai sinh mang tính cứu độ ấy của Giáo Hội.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 10-5
Cv  18,9-18; Ga 16, 20-23a


LỜI SUY NIỆM: “Bây giờ anh em lo buồn nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16,22).

Sống trên đời, mọi con người luôn đứng trước bao thử thách, bao biến cố lớn nhỏ, phải bồn chồn lo lắng cần phải đối phó để vượt qua trong sự an toàn, để tạo nên hạnh phúc cho mình và cho gia đình đã là một khó khăn. Nhưng đối với người Ki-Tô hữu trong đối phó, không chỉ dùng những khôn ngoan của người đời, nhưng còn phải sống công bằng và bác ái, nhịn nhục và tha thứ vì yêu mến Thiên Chúa. Niềm hy vọng của chúng ta là được gặp Chúa để tận hưởng niềm vui mà không ai có thể lấy đi được. Ước gì mọi người trong chúng ta đều hưởng được lời của Chúa Giêsu đang nói với chúng ta.

Mạnh Phương


10 Tháng Năm

Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa...Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này tthường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.
Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: "Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông".
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa".
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: "Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi".
Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ...

Kinh Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.
Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.
Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.
Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn...
Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa...

(Lẽ Sống)

Gương Thánh Nhân

Ngày 10/5 -Thánh Damien ở Molokai
(1840 - 1889)

Thánh Damien, tên thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.
Ngay từ nhỏ, cậu Giuse mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm, nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình, Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien. Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.
Vào năm 1863, Cha Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ. Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Ðại Ðảo của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.
Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh viễn ở lại Molokai.
Có thể nói, ngài sống với người cùi -- ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ. Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng.
Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi. Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy Di để bắt đầu công việc truyền giáo.
Trong những ngày cuối đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp tục công việc mà cha đã khởi sự. Và sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp với sự cộng tác của các sơ trong tu hội.
Theo lời yêu cầu, ngài được chôn cất ở Kalaupapa, nhưng vào năm 1936, chính phủ Bỉ đã thành công trong việc đưa thi hài của ngài về Bỉ. Một phần thân thể của Cha Damien được đưa về Hạ Uy Di sau lễ phong chân phước năm 1995.
Khi Hạ Uy Di trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, tiểu bang này đã chọn Cha Damien là một trong hai đại diện của quốc gia có tượng đặt trong Statuary Hall ở trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.

Lời Trích


Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Sự thánh thiện không phải là sự tuyệt hảo theo tiêu chuẩn con người; sự thánh thiện cũng không dành riêng cho một ít người đặc biệt. Sự thánh thiện là cho mọi người; chính Chúa là người đưa chúng ta đến sự thánh thiện khi chúng ta sẵn sàng cộng tác trong công trình cứu độ thế giới vì sự vinh hiển của Thiên Chúa, bất kể tội lỗi của chúng ta hay tính khí bất thường của chúng ta."
(Được ĐGH.Benedict XVI phong thánh ngày 11-10-2009 - Blog)

***************************

Thánh Ivo ở Kermartin
(1253 - 1303)


Chúng ta ít khi thấy vị thánh nào là quan tòa, nhưng Thánh Ivo, biệt danh là "trạng sư của người nghèo" có cả hai đặc tính này.
Thánh Ivo sinh ở Kermartin gần Tréguier, Brittany, là con của một huân tước người Anh. Khi 14 tuổi, ngài được sang Balê trong 10 năm để hoàn tất các môn triết học, thần học và giáo luật. Sau đó ngài sang Orléans để học luật dân sự. Trong lúc theo học, ngài đã ăn chay và dự lễ hàng ngày cũng như thăm viếng kẻ bệnh tật. Sau khi trở về Brittany, ngài được bổ nhiệm làm chánh án tòa giáo hội đồng thời ngài cũng là một thành viên của dòng Ba Phanxicô.
Việc tình nguyện biện hộ không công cho người nghèo giúp ngài có biệt danh "Trạng Sư của Người Nghèo." Thêm vào đó, ngài thường giúp đỡ họ về tiền án phí cũng như thăm viếng họ trong tù. Mặc dù việc hối lộ là một thói quen được chấp nhận thời bấy giờ, nhưng ngài không bao giờ chấp nhận "quà cáp". Ngài còn cố hòa giải giữa đôi bên trước khi đưa ra tòa để đỡ tốn kém cho họ tiền án phí.
Tuy là một người có đầy đủ phương tiện tài chánh, nhưng đời sống cá nhân của ngài thật khắc khổ: ăn chay, mặc áo nhặm, và thức ăn rất tầm thường.
Năm 1284, ngài được thụ phong linh mục trong Giáo Phận Tréquier. Năm 1287, ngài từ bỏ công việc luật sư để dành trọn thời giờ cho giáo dân trong các giáo xứ ngài phục vụ. Các bài giảng của ngài thật rõ ràng và đơn giản. Ngài thường được mời để xử kiện, và giáo dân thường nói về ngài như "một trạng sư thành thật."
Ngài xây nhà thương, chăm sóc người bệnh, và chia sẻ tài sản cho người nghèo. Có lần ngài để cho người ăn xin ngủ ở trên giường, trong khi ngài ngủ dưới đất. Sự khắc khổ của ngài ngày càng nghiêm nhặt theo thời gian.
Cha Ivo được phong thánh năm 1347.

Lời Bàn

"Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận các nhiệm vụ và chức năng mới trong mọi lãnh vực của sinh hoạt loài người, và nhất là trong lãnh vực xã hội quốc tế, nếu muốn thể hiện sự công bằng đích thực... Chúng ta không thể quên được con số ngày càng gia tăng của những người thường bị gia đình và xã hội bỏ rơi: người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và tất cả những người bị xã hội bạc đãi" (Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971, Công Bằng Trong Thế Giới, #1).

Lời Trích

Thiên vị người giầu có hoặc người hoạt bát là điều dễ. G.K. Chesterton viết: "Các quy tắc của một đoàn hội thỉnh thoảng mới chú ý đến phần tử nghèo nhưng luôn luôn có xu hướng thiên vị người giầu" (Orthodoxy, t. 41). Cố đối xử công bằng với mọi người thì không phải dễ và đó là công việc không bao giờ cùng. Sự công bằng liên hệ đến tất cả chúng ta -- chứ không chỉ là công việc của luật sư hay quan toà.

(nguoitinhuu.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét