Trang

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

29-05-2013 : THỨ TƯ TUẦN VIII MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Tư Ngày 29/05/2013
Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm C


BÀI ĐỌC I: Hc 36, 1-2a. 5-6. 13-19
"Các dân tộc nhận biết rằng không có chúa nào khác ngoài Chúa".

Trích sách Huấn Ca.
Lạy Chúa muôn loài, xin thương xót chúng con, và xin đoái nhìn chúng con, xin hãy tỏ cho chúng con ánh sáng lòng từ bi của Chúa. Xin cho các dân tộc nhận biết Chúa như chính chúng con đã nhận biết Chúa, vì lạy Chúa, ngoài Chúa ra, không có Chúa nào khác.
Xin Chúa tái diễn các điềm lạ và làm các việc kỳ diệu khác. Xin Chúa quy tụ mọi người vào các chi họ Giacóp, để họ nhìn biết rằng không có Chúa nào khác ngoài Chúa, để họ cao rao các việc lạ lùng Chúa đã làm, và để Chúa cho họ được hưởng phần gia nghiệp như lúc ban đầu. Xin Chúa đoái thương đến dân Chúa, một dân được mang danh thánh Chúa, và xin thương đến Israel mà Chúa đã đặt làm con đầu lòng của Chúa. Xin cũng thương đến thành thánh Giêrusalem, nơi Chúa an ngự. Xin làm cho Sion vang dậy lời chúc tụng Chúa, và cho dân Chúa được đầy vinh quang của Ngài.
Xin Chúa hãy minh chứng cho dân tộc, tạo vật đầu tiên của Chúa và xin thực hiện những điều các tiên tri đầu tiên đã nhân danh Chúa mà tiên báo. Xin thưởng công cho những người đã trông cậy nơi Ngài, và xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực.
Xin nhậm lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa, theo như lời Aaron chúc phúc cho dân Ngài, xin hướng dẫn chúng con đi trên đường công chính, và xin cho mọi người sống trên trần gian biết rằng Ngài là Thiên Chúa, Đấng thống trị muôn đời. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 78, 8. 9. 11. 13

Đáp: Lạy Chúa, xin hãy tỏ cho chúng con ánh sáng lòng từ bi của Chúa  (Hc 36, 1b).
1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con, xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!   .
2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.   .
3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử.
4) Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa.   .

ALLELUIA:  Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 10, 32-45
"Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: "Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người đáp: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định". Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tiên báo cuộc Tử Nạn
Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Yêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.
Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết".
Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.
Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 8 TN1, Năm Lẻ


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tình thương vô bờ của Thiên Chúa và tình yêu toan tính của con người.

Chúng ta không thể nào so sánh tình yêu vô biên của Thiên Chúa với tình yêu ích kỷ và hạn hẹp của con người. Thiên Chúa yêu thương và làm mọi sự cho con người hoàn toàn vô vị lợi, vì con người chẳng thêm thắt được cho Thiên Chúa điều gì dù nhỏ mọn. Trái lại, con người nhận được bao nhiêu hồng ân đến từ Thiên Chúa qua các biến cố tạo dựng, quan phòng, và cứu chuộc. Con người cần học hỏi để cảm nghiệm và xác tín vào tình yêu Thiên Chúa, để rồi đừng đòi hỏi bất cứ điều kiện gì nữa từ Thiên Chúa.

Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nhận tình thương Thiên Chúa bằng cách so sánh tình yêu bao la của Thiên Chúa và tình yêu ích kỷ của con người. Trong bài đọc I, tuy Thiên Chúa đã chứng tỏ không biết bao lần tình yêu trung thành và tha thứ cho nhà Israel, họ vẫn có khuynh hướng xin Ngài tiếp tục tái diễn những tình yêu đó, để họ và các dân tộc nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng lên Jerusalem để chịu nộp, chịu đánh đập, và chịu chết trên Thập Giá cho con người; hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi hai bên với Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Điều này gây chia rẽ trong hàng ngũ các tông đồ, vì ai cũng muốn được như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa muôn thuở muôn đời.

1.1/ Phải nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa: Trong lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã từng dủ lòng thương đến dân Ngài và đã từng làm cho các dân chung quanh phải kinh hồn sợ hãi uy danh của Ngài. Biến cố Xuất Hành và đưa dân vào Đất Hứa là một ví dụ chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Qua biến cố này, người Do-thái phải không còn nghi ngờ gì về tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Biến cố Lưu Đày Babylon và cho dân trở về xây dựng lại Đền Thờ và xứ sở là một chứng tích khác cho tình thương tha thứ và uy quyền của Thiên Chúa.

Nhìn lại quá khứ, người Do-thái phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Ngài yêu thương họ với một tình yêu vô bờ bến dù họ chẳng có gì đáng yêu cả. Họ vẫn “xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác” để các thế hệ được nhận ra tình yêu của Ngài.

1.2/ Xin tình thương Thiên Chúa chảy tràn lan trên muôn người: Dân tộc Do-thái nhớ lại tình thương Thiên Chúa đã dành cho cha ông họ. Họ luyến tiếc thời huy hoàng của triều đại David, khi 12 chi tộc đoàn kết và bờ cõi quốc gia mở mang. Họ nhớ lại cảnh huy hoàng của Đền Thờ Jerusalem và sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Họ xin cho những điều này trở lại để họ lại được chứng kiến tình yêu Thiên Chúa.
Tuy thế, họ không thể cứ đòi buộc Thiên Chúa phải tỏ tình mãi mãi. Họ phải biết khi Thiên Chúa làm giao ước, Thiên Chúa hoàn toàn tự nguyện và làm vì lòng thương yêu họ; dân tộc Do-thái chẳng làm thêm được gì cho Ngài. Ngược lại, họ ngang nhiên xé bỏ giao ước, để rồi Thiên Chúa lại phải ký kết với họ một giao ước mới hoàn hảo hơn, giao ước này được thực hiện qua Đức Kitô và máu của Ngài. Dân tộc Do-thái và chúng ta chẳng có quyền đòi hỏi gì hơn nữa nơi Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta phải mở mắt để nhận ra những gì Thiên Chúa đã, đang, và sẽ làm, để cảm nghiệm được tình yêu sâu xa Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sau đó, chúng ta phải biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng cách trung thành giữ các Luật truyền, và rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để họ cũng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.

2/ Phúc Âm: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

2.1/ Tình yêu tính toán của các tông đồ: Không giống như Matthew, người đặt lời yêu cầu nơi miệng của người mẹ; Marcô đặt lời thỉnh nguyện vào hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan. Họ đến gần Đức Giêsu và nói: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Chúng ta có thể nhận ra 3 điều từ cuộc đàm thoại của các ông với Chúa Giêsu và với nhau.

(1) Theo Chúa để được làm lớn: Hai ông muốn ngồi chỗ cao nhất, chỉ thua có Đức Kitô. Con người khi yêu thương ai luôn có những tính toán hơn thiệt, chứ ít có những ai muốn “mong ước điều tốt cho người khác” như định nghĩa đúng của tình yêu. Các tông đồ cũng chưa vượt qua tính ích kỷ nhỏ nhen này. Marcô không ngại phơi bày tính xấu của các tông đồ.

(2) Các ông sẵn sàng hy sinh dẫu chưa biết nguy hiểm sẽ xảy đến: Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được." Đây là điểm đáng khen của hai ông, vì có những người chỉ muốn vinh quang chứ không muốn hy sinh gian khổ.

(3) Tham vọng sinh ghen tức: Trình thuật kể: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan.” Các ông có thể nghĩ: Chỉ có hai chỗ nhất, mà hai anh em dành hết, bọn này sẽ ngồi đâu? Các ông hầu như không để ý một chút gì đến việc chia sẻ với Chúa Giêsu và biến cố trước mặt, mà chỉ để ý đến việc chia chỗ sau khi Chúa Giêsu đã chiến thắng vinh quang.

2.2/ Tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu: Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu báo trước Cuộc Thương Khó của Ngài, và càng ngày càng chi tiết hơn (x/c Mk 8:31; 9:31; 10:33). Chúng ta có thể nhận ra 3 đặc điểm chính của tình yêu của Chúa Giêsu.

(1) Người lãnh đạo luôn dẫn đầu, chứ được sợ như những môn đệ. Người lãnh đạo phải biết chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ và căn dặn những điều cần thiết để các môn đệ biết cách ứng xử.

(2) Chúa dạy các ông bài học quan trọng của tình yêu: phục vụ. Chúa Giêsu chắc chắn cảm thấy buồn khi điều này xảy ra cho Ngài, và Ngài cũng biết nếu cứ để các ông hành xử theo tính con người, những dự tính tương lai của Ngài cho các ông sẽ tan tành mây khói. Vì thế, Ngài phải dạy cho các ông một bài học quan trọng: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”

(3) Chúa Giêsu không chỉ dạy, Ngài làm gương cho các môn đệ. Chúa Giêsu áp dụng lời dạy vào chính Ngài: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." Ngài đang cất bước đi trước, sẵn sàng chấp nhận khổ giá để làm gương cho các tông đồ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi để cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.

- Bổn phận của chúng ta là nhận ra và đáp trả, chứ không thể tiếp tục đòi Thiên Chúa phải bày tỏ tình yêu; cũng đừng bao giờ đòi điều kiện với Ngài trước khi đáp trả.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 8 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Tư :

Mc 10,32-45

A. Hạt giống...
Hai cảnh tượng đối nghịch nhau một cách trắng trợn :
- Chúa Giêsu loan báo (đây đã là lần thứ ba) rằng Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại.
- Hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong "nước" mà họ nghĩ Chúa Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức. Không phải vì cho rằng hai môn đệ này sai mà vì nghĩ họ đã muốn "chơi trội" hơn mình trong cuộc chạy đua tranh dành địa vị.
Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó :
- Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình.
- Trong Nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.

B.... nẩy mầm.
1. "Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi" : Khi viết câu này, có lẽ thánh Mác-cô cũng muốn nói lên tâm trạng của các kitô hữu trong giáo đoàn của ngài. Họ đang bị đế quốc rôma bắt bớ. Họ biết rằng làm môn đệ là phải đi theo Chúa Giêsu. Họ cũng biết có Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ. Nhưng họ vẫn bỡ ngỡ và sợ hãi. Đó cũng là tâm trạng của chúng ta ngày nay.
Lạy Chúa, chúng con sợ. Nhưng xin Chúa nâng đỡ chúng con, để chúng con kiên trì theo chân Chúa cho đến cùng.
2. "Các con không biết các con xin gì" : nhiều khi tôi cũng xin Chúa những điều mà tôi không hiểu, những điều hoàn toàn ngược với thánh ý Chúa.
3. "Lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ…. Còn các con… ai muốn làm lớn thì hãy làm đầy tớ…" : Trong cộng đoàn, tôi cũng có một chút "quyền", một chút "địa vị". Tôi đã dùng chúng như thế nào : như một ông chủ hay như một đầy tớ ?
4. "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em." (Mc 10,43-44)
Lượm cuốn sách lên cho nội, bé Thảo thắc mắc :
- Tại sao bà không cúi xuống được hở bà ?
- Chân người già yếu lắm con, vả lại, khi cúi xuống bà thường bị chóng mặt, hoa mắt chỉ chực té thôi !
- Ồ, "cúi xuống" mà khó đến vậy sao ? cô bé thốt lên đầy kinh ngạc...
... Đã từ lâu, người ta thường nhắc tới căn bệnh "sĩ" trong thời sinh viên, những kẻ "coi trời bằng vung". Vì "sĩ" người ta có thể làm tất cả, người ta học giỏi, chấp nhận nghèo khổ ; vì "sĩ" người ta ăn chơi, người ta đánh nhau vì một câu nói vô tình v.v... Nhưng mấy ai vì "sĩ" mà "cúi xuống" để phục vụ người ?
Lạy Chúa, xin cho đôi chân con thật vững, trái tim con đầy ắp yêu thương, để con biết "cúi xuống", dẫu có lúc chỉ vì thế mà phải chịu nhiều chuyện rắc rối, bởi xác tín rằng ngày xưa và mãi mãi, Ngài vẫn luôn làm như thế. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

29/05/13 THỨ TƯ TUẦN 8 TN
Mc 10,32-45

ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10,44-45)
Suy niệm: Sau lần thứ ba loan báo về cuộc khổ nạn sắp chịu, Chúa Giê-su cùng các môn đệ tiến về Giêrusalem. Thế mà, trong khung cảnh đó, các môn đệ lại tưởng rằng sắp tới lúc được hưởng vinh hoa phú quí. Giacôbê và Gioan “tranh thủ” đến gặp Chúa Giê-su để xin được ngồi bên hữu bên tả trong vinh quang của Chúa. Các môn đệ khác cũng “tham-sân-si” chẳng kém gì hai người con ông Giêbêđê kia. Bằng chứng là các ông cũng tức giận trước “hai tên phá bĩnh” này. Đối lại thái độ đó, Đức Giêsu dạy các ông lối hành xử của Ngài: Muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ. Và Ngài không đến để bắt người khác phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người. Khi chọn con đường cứu chuộc bằng thập giá, Chúa Giê-su đã muốn sống tinh thần phục vụ.
Mời Bạn: Phục vụ không phải là những mỹ từ để hô hào, quảng cáo mà phải là cuộc sống thực như Chúa đã giảng dạy phải “rửa chân cho nhau”, và đã thực hiện bằng việc “chịu đóng đinh thập giá”; có thế mới cứu độ được thế giới. Chúa cũng hỏi bạn: “Con có uống nổi chén đắng mà Thầy sắp uống đây không?” Bạn hãy trả lời cho Chúa đi.
Chia sẻ: Làm gì để việc phục vụ của bạn trở thành cuộc sống thực chứ không chỉ là những mỹ từ?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ cụ thể, khiêm tốn cho một ai đó đang sống gần bạn.
Cầu nguyện: Hát “Kinh Hoà Bình” hoặc “Bài Ca Phục Vụ.”


Không được như vậy
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội. Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời, thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.


Suy nim:
Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.
Khi đang trên đường lên Giêrusalem,
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).
Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).
Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 - 53,12)
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).
Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ?
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực?
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm Mc 10,32-45
Danh dự con người không hệ tại ở chức cao quyền trọng, làm lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại ở lòng khiêm tốn phục vụ lợi ích cho tha nhân. Đó là sứ điệp lời Chúa muốn gửi đến chúng ta qua bài tin mừng hôm nay .
Kiêu ngạo là tự cho mình hơn người, coi thường những người khác.
Ai cũng mến người khiêm nhường và ghét người kiêu ngạo, bởi lẽ hơn người thì kiêu mà kém người thì ghen. Đó là tâm lý của nhiều người.
Các môn đệ Chúa Giêsu, dù lâu nay theo Chúa, được dạy bảo và huấn luyện nhiều, nhưng trong đầu các ông vẫn còn mang nặng tính kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo mà các ông đã không ngần ngại tranh giành chức quyền, đang lúc Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người.
Vì kiêu ngạo muốn hơn người, nên hai ông Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn được địa vị cao, có vinh dự, được làm lớn và muốn người ta phục vụ mình  trong nước của Chúa khi Ngài lên làm vua Dân Do Thái.
Cũng vì kiêu ngạo mà những môn đệ khác sinh lòng ghen tị, khó chịu khi hai ông Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên hữu bên tả Chúa.
Phấn đấu để được hiểu biết hơn, tài giỏi hơn, tốt lành hơn nhằm phục vụ lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội và Giáo Hội là việc nên làm. Nhưng nổ lực tranh đấu để đứng đầu mọi người, để thống trị mọi người, để tạo uy thế cho mình, để được tư lợi và bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi cá nhân quả là điều đáng lên án. Cũng đáng khiển trách đối với những ai khi thấy người khác tài giỏi hơn mình, tốt lành hơn mình, thành công hơn mình mà tỏ ra ghen tị, khó chịu, tức giận… vì đó cũng chính là những kẻ kiêu ngạo.
 Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa là thế, tự cao tự đại, ham mê chức quyền, say mê danh vọng… cũng vẫn ích kỉ hẹp hòi, ghen tị muốn hơn thua với nhau. Tất cả xuất phát từ tính kiêu ngạo.
Mà hậu quả của kiệu ngạo là không thể lường. Theo Kinh Thánh, Adam và Eve khi nghe lời cám dỗ của Satan ăn trái Chúa cấm cũng là để có được sự tinh khôn và giống Thiên Chúa biết cả tốt xấu, hậu quả là đất mất hạnh phúc thiêng đàng.
Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tất cả, mình tài giỏi hơn, khôn ngoan hơn người khác, ý của mình luôn đúng, văn thơ mình luôn hay, họ không thấy trời cao đất rộng, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Lạy Chúa, kiêu ngạo và ghen tị là hai tật xấu cản trở sự phát triển đời sống chúng con về mọi phương diện. Xin cho chúng con ý thức loại bỏ hai tật xấu này để sống hoà hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng để con kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng để con phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.
Lm. Seoka


Thập giá Chúa Kitô, Tin Mừng của ta
“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào mặt Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại.” (Mc. 10, 33-34)
Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu lại loan báo cho Nhóm Mười Hai, cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Đây là lần loan báo thứ ba và cũng là dài hơn cả. Câu trả lời của các môn đệ xác nhận các ông đã quen cả rồi, ngay cả không còn sững sờ về điều tiên tri này nữa. Các ông vẫn bận tâm muốn biết mình sẽ có được địa vị nào trong cái vương quốc trần gian, mà theo các ông ước đoán, thì Thầy của họ sẽ gặp phải đau khổ và phải chết.
Khi thuận lợi và khi không thuận lợi
Chẳng lạ gì một sứ điệp phải loan báo đi mà lại mang vẻ ít hấp dẫn như vậy, gặp phải và luôn luôn sẽ gặp phải sự không hiểu; bao giờ sứ điệp ấy cũng vẫn sẽ là dấu hiệu bị người đời chống đối; phần chúng ta cho đến tận cùng thời gian sẽ bị cám dỗ muốn quên đi hay lẩn tránh sứ điệp ấy. Mầu nhiệm ấy, sứ điệp ấy vừa khó sống, lại vừa khó loan đi và ở mọi thời sẽ là đối tượng tầm thường cho bộ máy tuyên truyền nhắm vào. Tuy nhiên chính đó lại là nét đặc trưng của chúng ta. Nếu ta đánh mất đi thì còn gì để nói cũng như còn gì khôn ngoan hơn để dạy.
Hạnh phúc, công bình, chính trực chúng ta đâu có độc quyền. Nhưng “sự điên rồ của thập giá, nguồn tràn chảy ơn phục sinh” mới thật sự là của chúng ta. Khi ta loan báo điều gì khác không phải là “Đức Giêsu chịu đóng đinh, đã sống lại từ cõi chết”, ta đua tranh với những người giầu lòng nhân ái yêu thương, những bậc hiền nhân quân tử, và những vị ân nhân của nhân loại, điều đó tốt, nhưng không biện minh được cho hiện hữu cuộc đời Kitô hữu của ta. Không có ta, người ta vẫn có thể sống hạnh phúc và chính trực. Nhưng nếu ta không sống và loan đi sứ điệp của ta bằng một tình yêu nhưng không, tự do chấp nhận hiến thân, chết không chỉ cho bạn hữu mình mà còn cho cả những ai xa lạ, thù địch thì người ta sẽ không bao giờ hiểu biết được tình yêu sâu thẳm khôn lường của Thiên Chúa là thế nào.
Chẳng ai đã trông thấy Thiên Chúa bao giờ, mà chỉ thông qua những dấu chỉ, những bí tích mà con người được tiếp xúc với Người. Chỉ có một dấu chỉ tương xứng với một Thiên Chúa yêu thương chính là Đức Giêsu chết vì yêu thương, chính là những Kitô hữu nối gót Người, nhờ Người, và trong Người góp phần làm cho cái mầu nhiệm của một tình yêu đã làm nên những việc lạ lung của Thiên Chúa được trải dài đến thiên thu bất tận. Phúc âm không phải là công bố một hiệp ước xã hội đã được soạn thảo cách khoa học, nhưng là việc của Thánh Thần ngự trị trong Vương quốc tình yêu điên dại tuyệt vời, xâm nhập trái tim con người vậy.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG NĂM

Vinh Danh Chúa Ba Ngôi


Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tôn vinh Chúa! Chúng con ca mừng tán dương Ngài, Đấng duy nhất trong thần tính. Chúa là Đấng duy nhất trong Ba Ngôi Thần Linh: một mầu nhiệm khôn dò! Ôi, Đấng duy nhất trong thần tính. Ôi, Đấng duy nhất trong mối hiệp thông ba ngôi vị cùng một bản tính thần linh! Chúng con ngợi ca vinh quang Chúa Ba Ngôi. Chúng con chúc tụng Chúa, “Đấng đang có, đã có, và sẽ đến” (Kh 1,4).

“Ngài là Thần Khí sự thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn anh em đến với sự thật trọn vẹn” (Ga 16, 13).

Vâng, khi Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn anh em. Ngài không chỉ là Đấng đang có mà còn là Đấng sẽ tới; do vậy, Ngài sẽ đưa dẫn chúng ta tới gần sát hơn với mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vốn vẫn hoàn toàn vượt trên chúng ta trong uy phong và dũng lực của Ngài, Thiên Chúa đã trở thành Thiên Chúa của ơn cứu độ cho chúng ta. “Và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Ngài” (Ga 1, 14).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Hc 36, 1.4-5a.10-17 ; Mc 10, 32-45

LỜI SUY NIỆM : Trên đường lên Giêrusalem, trong khi Chúa Giêsu nói riêng với các Tông Đồ về cuộc thương khó mà Ngài sẽ bị giết chết, sau ba ngày Ngài sẽ phục sinh, đây là lần thứ ba. Thế mà các ông không hiểu là cùng Ngài đang lên Giêrusalem để chứng kiến. Thế mà có ông Gioan và Giacôbê xin quyền uy, muốn làm đầu anh em, khiến có sự tức tối trong Nhóm. Nhân đây Chúa Giêsu cho chúng ta biết quyền uy của Chúa trao ban là quyền phục vụ, phục vụ trong yêu thương và có sự tôn trọng.

Mạnh Phương


29 Tháng Năm

Ðỉnh Cao



Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề "Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên". Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu "Ông ta chết trong lúc đang leo".

Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: "ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai".
Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.

(Lẽ Sống)

Thứ Tư 29-5

Thánh Maria Anna "de Paredes"

(1618 -- 1645)

T
hánh Maria Anna, còn gọi là "Bông Huệ Quitô," có cuộc đời rất giống Thánh Rôsa ở Lima. Ngài cũng hãm mình, sống cô độc, được xuất thần và ơn nói tiên tri.
Sinh ở Quito, Ecuador, ngay từ khi còn nhỏ, Maria Anna rất sùng kính Ðức Mẹ và đã muốn đi tu. Lúc mười tuổi ngài thề sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lúc đầu ngài muốn trở thành một nữ tu dòng Ða Minh, nhưng sau đó ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, trở nên một ẩn tu sống khắc khổ trong nhà người chị, dưới sự linh hướng của cha giải tội dòng Tên.
Cũng như Thánh Rôsa, Maria Anna thường tự cho mình là "Maria Anna của Chúa Giêsu", ngài chăm sóc người nghèo và dạy dỗ các trẻ em người thổ dân ngay tại nhà của mình. Về lối sống khắc khổ, ngài ăn rất ít và ngủ có ba giờ mỗi đêm. Ngài được ơn tiên tri, biết được tâm hồn người khác, chữa lành người bệnh tật qua dấu Thánh Giá hoặc rảy nước phép, và đã có lần làm cho người chết sống lại.
Sau trận động đất năm 1645 ở Quito, một trận dịch lan tràn và Maria Anna đã dâng hiến cuộc đời mình để hy sinh cho thành phố, và thật vậy, ngài đã từ trần ngay sau khi trận dịch bắt đầu giảm bớt.
Ngài được phong thánh năm 1950.

Lời Bàn

Thánh Phanxicô Assisi đã chiến thắng chính mình khi ngài ôm hôn một người cùi. Nếu sự từ bỏ mình không dẫn đến đức bác ái, thì việc ăn năn đền tội đã mất lý do chính đáng. Sự hy sinh hãm mình của Thánh Maria Anna đã giúp ngài nhậy cảm hơn với nhu cầu của tha nhân, và can đảm hơn khi phục vụ người nghèo.

Lời Trích

"Khi được thúc giục bởi tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, thánh nữ đã tự hành hạ thân xác mình để đền bù tội lỗi cho tha nhân. Quên đi thế giới chung quanh và ngài đắm chìm trong sự ngây ngất, như được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, được biến đổi và phong phú bởi ơn Chúa, với tất cả khả năng, ngài thật hăng say lo lắng đến sự cứu độ không những cho chính mình mà còn cho người khác. Thánh nữ độ lượng giúp vơi bớt sự bất hạnh của người nghèo và xoa dịu sự đau khổ của người đau yếu. Khi các thiên tai như động đất và bệnh dịch làm kinh hãi người dân thành phố, thánh nữ đã phấn đấu qua sự cầu nguyện, sự đền tội và sau cùng, ngài đã dâng hiến cuộc đời để nài xin lòng thương xót của Chúa Cha mà thánh nữ không thể hoàn thành được bằng nỗ lực con người" (Ðức Giáo Hoàng Piô XII).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét