Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

25-05-2013 : THỨ BẢY TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Bảy Ngày 25/05/2013
Tuần VII Mùa Thường Niên Năm C


BÀI ĐỌC I:  Hc 17, 1-13  (Hl 1-15)
"Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa".

Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa dùng đất mà dựng nên con người và tạo tác con người theo hình ảnh của Chúa. Người lại làm cho nó trở nên hình ảnh Chúa và ban cho nó được quyền hành như Người đã có. Người cũng ban cho nó số ngày và thời gian, ban cho quyền hành trên trần gian. Người bắt mọi loài phải kính sợ nó, và cho nó thống trị các thú dữ chim trời. Rồi từ đó, Người tạo dựng một nội trợ giống như nó, Người cũng ban cho cả hai có trí, lưỡi, mắt, mũi và tâm hồn để suy tưởng, cho họ đầy sự hiểu biết và trí năng. Người tạo cho họ trí thông minh và cho lòng họ biết cảm giác, chỉ cho họ biết phân biệt lành dữ. Người đặt mắt Người vào lòng họ, chỉ cho họ thấy sự huy hoàng các công trình của Người, để họ ca tụng thánh danh Người, và họ được vinh hiển trong những việc lạ lùng của Người, hầu họ cao rao sự vĩ đại của những kỳ công Người. Người ban thêm cho họ sự thông minh và cho họ thừa hưởng luật trường sinh. Người thiết lập với họ một giao ước vĩnh cửu, chỉ cho họ biết công minh thẩm phán. Và mắt họ đã nhìn thấy sự huy hoàng vinh hiển của Người, tai họ đã nghe tiếng Người. Rồi Chúa phán với họ: "Các ngươi hãy lánh xa mọi gian ác". Và Người truyền cho mỗi người trong họ biết những giới răn liên quan đến tha nhân. Đường lối của họ luôn luôn ở trước mặt Chúa và không hề ẩn náu khỏi mắt Người. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 102, 13-14. 15-16. 17-18a.
Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, tự thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người  (x. c. 17).
1) Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Người hiểu biết chỗ gây hình của chúng ta, Người nhớ rằng tro bụi là chính chúng ta!   .
2) Thân con người, cuộc đời như nắm cỏ, như bông hoa ngoài đồng nội, nó nở ra. Một cơn gió vừa lướt trên hoa, hoa không còn nữa, không ai còn nhận thấy chỗ ở của hoa!   .3) Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, tự thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Người.

ALLELUIA:  Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 10, 13-16
"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Thương yêu trẻ em
Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".
Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".
Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.
Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 7 TN1, Năm Lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa là Cha.

Cuộc đời của mỗi người có hai phần rõ rệt: phần một khi sống dưới mái ấm gia đình với sự che chở và bảo bọc của cha mẹ và các anh/chị/em; phần hai khi phải bươn chải vào đời để tự kiếm sống và xây dựng cho mình một mái ấm gia đình. Tương xứng với hai phần này là hai thái độ khác nhau. Khi còn sống với cha mẹ, chúng ta chẳng phải lo lắng gì cả, tối ngày chỉ biết vui chơi, ăn uống, học hành... mà chẳng cần biết tiền bạc từ đâu ra. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng và sống nhờ cha mẹ, cha mẹ bảo sao chúng ta nghe và làm như vậy. Nhưng khi rời mái ấm gia đình, thái độ của chúng ta hầu như thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải tự lo lắng lấy hết mọi sự, phải làm lụng để kiếm ăn, và phải đương đầu với biết bao tính toán và nguy hiểm trong đời. Những điều này làm cho chúng ta mất hết vẻ hồn nhiên của tuổi trẻ, dè dặt trong khi giao tiếp, không dễ tin những hứa hẹn của người đời, và khó chịu khi ai làm phiền chúng ta.

Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta phải biết giữ lại những đức tính tốt của trẻ thơ trong mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca mô tả cách chi tiết những điều Thiên Chúa đã và đang làm cho con người. Chúng ta phải có khôn ngoan để nhận ra Thiên Chúa vẫn đang quan phòng cuộc đời mỗi người chúng ta. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khó chịu khi thấy các môn đệ xua đuổi trẻ em khi chúng đến với Ngài. Ngài đưa ra một điều kiện để được vào Nước Trời: Phải mở lòng đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ thơ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.

1.1/ Thiên Chúa làm mọi sự cho con người: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người có thể nhận ra điều này: hầu hết tất cả chủ từ của cả bài thơ là Thiên Chúa, hay “Người;” và túc từ của bài thơ hay người nhận lãnh là con người. Các động từ diễn tả các hành động khác nhau Thiên Chúa làm cho con người. Một số những sự thật tác giả muốn chúng ta phải nhìn nhận:

- Người dựng nên và điều khiển cuộc đời chúng ta là Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta. Ngài nắm giữ vận mạng và đếm từng ngày sống của chúng ta trên trái đất.

- Con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người, và ban cho con người sức mạnh để cùng cai quản trái đất với Người.

- Thiên Chúa dựng nên các quan năng trong thân thể con người cho một mục đích. Con người phải dùng nó để nhận ra những điều tốt, xấu, uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.

- Ngài dạy dỗ những điều khôn ngoan, ban cho con người Luật đem lại sự sống, và ký kết một giao ước muôn đời với con người.

1.2/ Con người có bổn phận ca khen Danh Thánh Thiên Chúa: Có thể nói tất cả những gì con người có đều do Thiên Chúa làm ra và ban cho con người hưởng dùng; vì thế, thái độ thích ứng của con người là phải biết cám ơn, ca khen, và rao truyền những gì Người làm cho mọi người, để tất cả đều nhận ra và ca khen Người. Ngoài ra, bổn phận của con người còn phải dùng những của cải Thiên Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.

Nếu không nhận ra những điều Thiên Chúa làm, con người sẽ nghĩ ngược lại: tất cả những gì có trong trái đất đều là ngẫu nhiên; vì thế, họ sẽ tha hồ vơ vét làm của riêng để tận hưởng. Vì không nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, họ sống như không có ngày mai, và hậu quả là bị hư đi và không đạt được đích điểm mà Người đã tiền định cho họ.

2/ Phúc Âm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."

Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu những đức tính của trẻ thơ có, rồi áp dụng chúng vào những người đi tìm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ xét tới trường hợp chung của trẻ thơ, chứ không để ý tới trường hợp những trẻ thơ ngoại lệ.

(1) Thành thật: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng. Tục ngữ Việt-nam có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Câu này có nghĩa khi đi ra đường, một người cần hỏi kinh nghiệm của người già; nhưng khi về nhà, một người hỏi trẻ em là biết hết những gì đã xảy ra. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải có đức tính này trong các mối liên hệ: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm bớt điều gì là do ác quỉ gây nên.”

(2) Khiêm nhường: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.

(3) Vâng lời: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu lý do tại sao phải làm như vậy. Người lớn không hành động như thế, họ luôn tìm hiểu lý do phải làm, và nhiều khi còn tìm những lý do để không phải làm.

(4) Tin tưởng: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài. Đối với chúng, cha mẹ nói gì, chúng tin là có, dẫu là những điều huyền thoại như: ông già Noel; chú cuội, chị Hằng; Bạch Tuyết và 7 chú lùn... Thiên Chúa cũng muốn chúng ta đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài; tất cả những Ngài đã nói, sẽ xảy ra; và những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ ban cho con người.

(5) Yêu mến: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn cho chúng. Nếu chúng giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ quên. Người lớn không dễ dàng tha thứ. Có những mối hận họ sẽ không bao giờ quên, và để được tha thứ, họ đòi nhiều điều kiện.

Tất cả những đức tính trên đây của trẻ thơ Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và nguy hiểm là những lý do khiến chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa là Cha uy quyền và thương yêu, Ngài vẫn đang điều khiển và dẫn dắt cuộc đời mỗi người chúng ta đến đich điểm mà Ngài đã tiền định.

- Chúng ta đừng để những khó khăn trong cuộc đời biến chúng ta thành những người kiêu ngạo, ích kỷ, bản gắt, nghi ngờ... Không ai có thể làm hại chúng ta khi Thiên Chúa vẫn đang chúc lành và bảo vệ chúng ta.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP



HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 7 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Bảy :

Mc 10,13-16

A. Hạt giống...
1. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng ("đặt tay trên chúng").
2. Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người do thái coi khinh trẻ nhỏ (do chúng chưa biết Luật). Trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.
3. Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.
4. Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

B.... nẩy mầm.
1. "Thấy vậy Ngài bất bình" : Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài đuổi xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.
2. "Hãy để trẻ nhỏ đến với" : Tôi nên hiểu "trẻ nhỏ" theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người "nhỏ bé", tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí v.v.
3. "Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ". Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay…  Tôi đối với Chúa như thế nào ? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không ?
4. "Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ", đó là tựa đề quyển sách của Mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết "Những bài học chúng ta  học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta  cần biết để sống hạnh phúc ; nếu tất cả chúng ta  đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loan như hiện nay." Những điều đó là gì ?
- Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.
- Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.
- Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.
- Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

25/05/13 THỨ BẢY TUẦN 7 TN
Th. Beđa, Th.Gregoriô VII, Th. Maria M. Pazzi  
Mc 10,13-16

VUI TƯƠI TRONG MỌI LÚC
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” (Mc 10,14)
Suy niệm: Con đường Đức Giêsu đang đi chẳng thơ mộng chút nào! Đó là con đường đi về Giêrusalem, nơi vô vàn đau khổ đang chờ đón. Không lạ gì Máccô viết rằng: “Ngài dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (10,34). Thế nhưng, đang lúc hình bóng thập giá đè nặng tâm trí, Ngài vẫn dành thời gian để bồng ẵm và chúc phúc cho các em bé. Câu chuyện này vén mở cho ta một chút về con người của Đức Giêsu: Ngài không phải là một người nghiêm nghị, xa cách, nhưng gần gũi, thân thiết. Niềm vui và bình an luôn sẵn sàng trao tặng cho bất kỳ ai đến với Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào: lúc nghỉ ngơi hay đang căng thẳng, khi đi đường hay trên thuyền, ở trong nhà hay nơi hoang địa...
Mời Bạn nhớ rằng đạo Chúa là đạo của niềm vui: Nước Trời được so sánh như tiệc cưới, loại tiệc vui vẻ nhất của đời người. Niềm vui được làm con cái Chúa, được sống trong tình yêu của Ngài, được đưa dẫn về hạnh phúc vĩnh cửu phải được bày tỏ nơi khuôn mặt vui tươi của bạn, qua cung cách an nhiên phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Chia sẻ: Niềm vui được sống trong hạnh phúc Nước Trời được bạn diễn đạt qua những hình thức nào?
Sống Lời Chúa: Dưới ánh sáng đức tin, tôi luôn nhìn lạc quan về cuộc đời, vì hiểu được cùng đích tối hậu của đời người trong chương trình của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thích nhìn ngắm cảnh Chúa ôm lấy các trẻ em và chúc lành cho chúng. Chúa luôn vui tươi và ân cần đón tiếp mọi người đến với Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa. Amen.

Ngài ôm các trẻ em
Phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ, nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng, đón lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân. 


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em.
Chắc các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài.
Đó có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc.
Những người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu.
Họ đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa.
Họ không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo.
Điều họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13).
Một cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa.
Họ mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ.
Ơn phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ.
Thầy Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.
Nhưng các môn đệ lại không nghĩ như vậy.
Họ nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn.
Vả lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy.
Bởi vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu.
Nói chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37).
Khi thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự.
Chắc Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế,
sao các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.
“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14).
 Đây là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi.
Trẻ em có chỗ trong trái tim Giêsu.
Thầy Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ.
Ngài không coi chuyện chơi với các em là phiền phức.
Chúng ta chẳng những không được ngăn cản,
mà còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.
Chúng ta là cha mẹ, là thầy của các em,
nhưng mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em.
“Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14).
Chúng ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu.
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào” (c. 15).
Như thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ,
nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng,
đón lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân.
Hãy nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36).
Hãy nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy.
Thầy chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em.
Thầy còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em.
Rõ ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em.
Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa.
Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ,
bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.
Bao trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ.
Bao trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình.
Nhất là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ
và dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự.
Hãy giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em.
Hãy đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu
và gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).
Cầu nguyn:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy Niệm Mc 10, 13-16

Qua việc tiếp nhận trẻ em, Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ phải biết đón nhận nước Thiên Chúa với thái độ đơn sơ và chân thành như trẻ nhỏ. Nghĩa là phải sống tinh thần đơn sơ nhỏ bé, yếu đuối vì nước trời. Nước Trời không tùy thuộc vào công sức con người. Nhưng thuộc về những tâm hồn đơn sơ, bé mọn. Đón nhận Nước Trời như trẻ thơ giống như con thơ đặt mình hoàn toàn tin yêu nơi cha mẹ. Thiếu ngay thẳng, thiếu niềm tin nơi Thiên Chúa, không thể được đón nhận vào Nước Trời.

 Trong xã hội ngày nay không ai muốn kết thân, làm bạn với những kẻ bé mọn nghèo khó, mà chỉ thích giao lưu với những người có địa vị, quyền hành, giàu sang để có thể nhờ vả. Tuy nhiên Chúa dạy cho các môn đệ phải biết mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai. "Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: 'Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng'." Chúa Giêsu phật ý khi thấy các môn đệ ngăn cản các trẻ nhỏ. Điều này nhắn nhủ chúng ta phải tránh mọi thái độ cử chỉ xấu đối với những kẻ bé mọn.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết đón nhận ân sủng Chúa ban như thể một trẻ em đón nhận tình thương của cha mẹ chúng trao ban do tình thương yêu. Xin cho cũng chúng con nhận biết thân phận mỏng dòn của mình để từng giây, từng phút, chúng con luôn biết cảm tạ tình yêu cao vời ấy và ca tụng Ngài thay cho muôn đời. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG NĂM

Giấc Mơ Xa Vời Bỗng Thành Hiện Thực

Kể từ ngày Lễ Hiện Xuống, cuộc giao hòa của tất cả các dân tộc trong Thiên Chúa không còn là một giấc mơ xa xăm nữa. Cuộc giao hòa ấy đã trở thành hiện thực – và mở rộng không ngừng theo nhịp lan rộng của Giáo Hội mang trong mình Tin Mừng cứu độ. Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí tình yêu và hiệp nhất, hiện thực hóa mục tiêu của cuộc hiến thân cứu chuộc của Đức Kitô – bằng cách qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.
Khi Thánh Thần hiệp nhất mọi người trở thành Dân Thiên Chúa, có hai điều quan trọng được ghi nhận rõ ràng. Bằng cách dẫn đưa người ta gắn kết với Đức Kitô, Thánh Thần đem họ vào trong mối hiệp nhất của Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô. Như vậy, Thánh Thần giao hòa con người với nhau trong tình huynh đệ – dù giữa họ có những nét khác biệt về địa dư và về văn hóa. Nói cách khác, Thánh Thần làm cho Giáo Hội trở thành một nguồn hiệp nhất và hòa giải. Hơn nữa, Chúa Thánh Thần hòa giải cả những người bên ngoài Giáo Hội – bằng một cách nào đó. Ngài khơi lên trong mọi người niềm khát vọng hiệp nhất sâu rộng hơn và Ngài thúc đẩy những cố gắng của người ta để họ vượt qua những mối xung đột ngổn ngang vẫn còn phân rẽ thế giới.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Bêđa Khả kính, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Thánh Grêgôriô VII giáo hoàng
Thánh Maria Magđaleena Pazzi, trinh nữ.

Hc 17, 1-15 ; Mc 10, 13-16.


LỜI SUY NIỆM : «Thầy bảo thật anh em ; Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ, thì chẳng được vào » (Mc 10,15)

Trong mỗi con người của chúng ta ai cũng tự mãn về nhiều điều hiểu biết của mình, ai cũng cho mình đầy khôn ngoan, đã vượt qua biết bao thử thách, ai cũng cho mình có quá nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, cho nên sẽ tự mình sắp xếp được mọi sự. Tất cả những điều đó chỉ đưa ta đến sự kiêu ngạo và bất cần. Lời Chúa hôm nay đang nhắc cho chúng ta biết ; cần phải quên đi tất cả những cái đó. Để tâm hồn chúng ta trống rỗng, hầu có thể đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa, những lời giáo huấn của Chúa Giêsu với sự sáng soi nâng đỡ của Chúa Thánh Thần như một trẻ thơ. Có như thế chúng ta mới được vào Nước Trời.

Mạnh Phương

Gương Thánh nhân
Ngày 25-05

Thánh BÊ-ĐA Đáng Kính
Linh mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (673 - 735)


Chính thánh Beđa kể cho chúng ta biết mọi điều về cuộc đời thơ ấu của Ngài. Trong vài câu thêm vào cuốn lịch sử Giáo hội, thánh nhân sinh năm 673 hay là 674. Tên Bêđa theo từ ngữ Saxon có nghĩa là cầu nguyện. Cuộc sống của Ngài rất gương mẫu nên người ta thêm cho Ngài biệt danh Vênêrabilê có nghĩa là khả kính. Lên bảy tuổi Ngài bị mồ côi cha mẹ và được giao phó cho tu viện trưởng Bênêdictô Biscop săn sóc giáo dục. Lúc 18 tuổi Ngài được thụ phong chức phó tế và năm 702 hay 703 tức là lúc 29 tuổi Ngài được thụ phong linh mục.
Cuộc sống của Ngài trong tu viện rất cực nhọc. Chúng ta có thể tóm lược cuộc sống ấy bằng chính lời Ngài: - "Tôi đã sống trọn đời nỗ lực học hỏi kinh thánh và trong khi tuân thủ luật dòng cũng như bổn phận hàng ngày và hát thánh ca tại nhà thờ, tôi sung sứơng được học hành, dạy dỗ và viết lách".
Đây quả là tổng hợp chính xác trọn cuộc sống của thánh Bêđa, Ngài rất ít rời bỏ nhà dòng. Chúng ta chỉ nghe biết có hai chuyện du hành của Ngài. Một lần Ngài đi thu tập tài liệu về đời thánh Cuthbert, Ngài ở lại Lindisfanne và từ đó đến viếng Farne Islanol để khảo sát những di tích trong căn phòng của vị thánh. Một lần khác, Ngài đến York để thăm Đức tổng giám mục Egbert, và để quan sát các trường học nổi tiếng ở đó.
Dạy học, thánh Bêna tỏ ra là một bậc thầy lỗi lac. Ngài không quan tâm suy tư và ao ước được nổi bật. Tài năng của Ngài là cố gắng không cùng để tự đào luyện mình rồi truyền thông không phải chỉ có những gì mình đã học mà còn cả cảm thức về giá trị của điều đã được hiểu biết, đặt tầm quan trọng của việc giảng dạy. Tuy nhiên chúng ta không thể nói nhiều về điểm này. Nhưng các sách đủ loại Ngài viết đều là kiểu mẫu trong việc trưng dẫn các tài liệu. Chính cách trình bày cẩn thận và điều độ và gắng để được chính xác và đúng đắn làm cho các sách ấy có thế giá. Các tác phẩm của thánh Bêda có thể xếp thành ba loại. Các bút tích về thần học của Ngài chính yếu gồm những phần dẫn giải thánh kinh của một thầy dạy phần lớn dựa trên các sách giáo phụ Tây phương. Dầu thiếu sự độc sáng trong cách trình bày, nhưng những dẫn giải của thánh Bêda ngày nay còn là phương tiện tốt đẹp nhất để hiểu về các giáo phụ.
Các tác phẩm về khoa học của Ngài một phần là những giải thích cổ truyền về các hiện tượng tự nhiên, một phần bàn về niên lịch và cách tính của Đông phương. Cách tính niên lịch của Ngài kể từ thời Chúa Giêsu Giáng sinh đã được Kitô giáo Tây phương chấp nhận rộng rãi hơn cả.
Các tác phẩm về lịch sử của thánh nhân có lẽ ngày nay được nhớ tới nhiều hơn hết. Cuốn "Lịch sử Giáo hội của dân Anh" là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử về thời đầu Trung cổ. Ngài đã viết cách khách quan và phê phán cách quân bình, dựa trên những tài liệu và nhân chứng đáng tin cậy, Ngài cũng viết một tiểu sữ về các tu viện ở Wearmonth và thơ văn về cuộc đời thánh Cuthbert.
Kể từ năm 679, Ngài ở hai tu viện Wearmonth và Jarrow, chăm chú thi hành bổn phận thuộc đời sống tu trì và vẫn không ngừng viết lách và dạy học. Lời kinh ở cuối cuốn "Lịch sử Giáo hội" trình bày lý tưởng của Ngài: - "Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con khẩn cầu Chúa, khi đã cho con được vui hưởng những lời khôn ngoan của Chúa thì xin Chúa cho con một ngày kia được đến gần bên thánh nhan Chúa".
Đương thời, không ai nghi ngờ sự thánh thiện của thánh nhân, nhưng Ngài đã không làm một phép lạ, không được một thị kiến và không mở ra một đường lối tu đức mới mẻ nào. Mùa hè năm 735 vào tuổi 63, sức khỏe suy giảm, Ngài còn bị đau khổ bị bệnh suyễn. Dầu vậy, Ngài vẫn làm việc đến giây phút cuối cùng, đọc cho thầy thơ ký hoàn tất cuốn sách Chú giải Phúc âm thánh Gioan và 48 giờ cuối cùng trên giường bệnh. Đúng ngày lễ Thăng thiên 27 tháng 5 năm 735, thánh Beda từ trần.


Thánh GRÊGORIÔ VII
Giáo Hoàng (1028 - 1085)


Thánh Gregoriô hay là Hildebrand theo tên rửa tội, sinh khoảng năm 1028. Gia đình Ngài không thuộc dòng tộc quí phái và có thuộc gốc Do thái. Thấy con mình thông minh lại hiếu học, thân phụ thánh nhân gởi Ngài tới thụ huấn với người chú là Tu viện trưởng Đức Bà Maria ở Aventin, Hildebrand đã trở thành một tu sĩ dòng Bênêdictô.
Tuy nhiên khả năng đặc biệt của Ngài đã sớm kéo Ngài ra khỏi hàng rào tu viện để phục vụ tại giáo triều. Khi đắc cử giáo hoàng, trên đường về nhận chức, Đức Leo IX ghé qua Cluny và dẫn theo thày dòng trẻ tuổi Hildebrand để làm cố vấn cho mình. Đức giáo hoàng đã trao cho Ngài điều khiển tu viện thánh Phaolô và đặt làm hồng y. Đức giáo hoàng Leo IX là vị tiên khởi trong cuộc cải cách Grêgoriô, danh hiệu dựa vào khuôn mặt sáng giá nhất cuộc cải cách này, nhưng chính đức Leo là người khởi xướng.
Kể từ việc đề cử của Đức Leo IX Hildebrand đã có ảnh hưởng lớn lao trong nhiều triều đại liên tiếp. Khi được cử làm đặc sứ tại Pháp Đức Hồng y Hildebrand, đã chống lại nhiều tập tục xấu. Trong hội đồng họp ở Tour, Ngài đã buộc Berenger từ bỏ những lầm lạc của mình. Thế là chính Ngài đã giữ phần quyết định trong cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể giữa Lanfranc và Berenger. Ngài ủng hộ giáo thuyết về sự biến thể của Lanfranc nhưng cũng giảm bớt sức đối kháng để trình bày cách mầu nhiệm hơn.
Dưới ảnh hưởng của Đức hồng y Hildebrand, chức giáo hoàng ngày càng nghịch với hoàng đế hơn. Một liên minh hình thành với nhiều nhà cai trị ở miền nam nước Ý chống lại các Hoàng đế nhà Hohenstanen. Đức giáo hoàng nâng đỡ phong trào quần chúng chống lại hoàng đế ở Milanô nhưng tâm điểm đường lối chính trị của tòa thánh được diễn tả trong việc chọn lựa Đức Giáo hoàng, dành riêng cho hồng y đoàn. Nói cách khác, ảnh hưởng của hoàng để bị rút lại, nếu không nói là bị hủy bỏ. Năm 1073 dưới ảnh hưởng đã trở nên lớn mạnh, Đức Hồng y Hildebrand đắc cử giáo hoàng với hiệu Gregoriô VII.
Tình hình Giáo hội lúc này thật đáng buồn với nhiều thảm trạng đang diễn ra. Đích thân giáo hoàng thấy rõ những điều đó, sống khắc khổ như một thày dòng, Ngài đã sáng ngời như mặt trời chiếu dãi vào ngôi nhà Giáo hội. Đầy uy quyền trong lời nói và việc làm, Ngài đã nỗ lực tái lập kỷ lục truyền bá đức tin, diệt trừ các lỗi lầm. Nhất là Ngài được chống lại hoàng đế Henri IV nước Đức. Ông hoàng này ham mê khoái lạc và tham lam, đã dám bán quyền giám mục và các chức vụ trong Giáo hội cho những người bất xứng.
Năm 1075, Đức Gregoriô VII đã tuyên bố phạt mọi người ở bất cứ địa vị nào dám dùng tiền để mua bán chức thánh. Với tình phụ tử, Ngài cảnh cáo hoàng đế Henri IV và các lạm quyền của ông. Tức giận ông bắt cóc Đức Giáo hoàng đang khi Ngài làm lễ và giam ngục. Nhưng rồi dưới áp lực của dân Roma, ông phải thả Ngài ra. Đức giáo hoàng đã tha thứ cho ông. Tuy nhiên nhà vua vẫn ngoan cố. Năm 1076, ông triệu tập một số giám mục rồi đặt Gnibert de Ravenna làm giáo hoàng. Đức Gregoriô VII liền ra vạ tuyệt thông Henri IV. Hối hận và sợ các quan bất phục, Henri IV lo giữ ngôi bằng cách đến Canossa làm việc đền tội.
Ngày 28 tháng giêng năm 1077, Đức giáo hoàng giải vạ cho ông.
Một thời gian sau Henri IV lại trở mặt, ông cầm quân sang Roma để bắt Đức Giáo hoàng. Nhưng Đức Gregoriô đã kịp thời rút lui về Sôlerna và qua đời tại đây năm 1085. Trước khi qua đời Ngài đã nói: - Ta yêu mến điều công chính và chê ghét sự gian tà nên mới phải chết ở chốn lưu đày này.
Người ta đã nói tới cuộc cải cách thời Gregoriô. Phải nhận đinh rằng ý tưởng của Ngài rất cao thượng, Ngài quan niệm hàng giáo sĩ được đặt ra ngoài mọi người khác bởi phép truyền chức thánh làm thành một cộng đoàn siêu nhiên ấn định bởi quyền ban bí tích và được cai quản bởi đấng kế vị thánh Phêrô. Họ phải sống xứng đáng với phận vụ thiêng liêng, Ngài nhiệt hành ủng hộ luật độc thân của giáo sĩ và chống lại mọi thứ buôn thần bán thánh.
Ngài cũng nỗ lực diệt trừ mọi can thiệp vào việc chọn giám mục, nhất là sự can thiệp của hoàng đế. Dầu không thành công trong việc này, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với Giáo hội.
Sau khi đã từ trần, lý tưởng canh tân Giáo hội của Ngài mới rõ rệt hơn, sắc bén hơn và tiến gần tới hiện thực hơn.

Thánh MARIA MADALENA ĐỆ PAZZI
(1566 - 1607)


Thánh Maria Madalena Pazzi sinh năm 1566 tại Florence. Khi rửa tội Ngài được đặt tên là Catarina. Ngay từ nhỏ, Ngài đã ham thích cầu nguyện và làm việc lành. Muốn cho Ngài vui thích, cứ việc đọc cho Ngài nghe truyện các thánh hay là dẫn Ngài tới nhà thờ.
Lên 7 tuổi lòng thương người của Ngài đã tiến xa tới độ nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo. Có dịp về miền quê, niềm vui chính của Ngài là tập họp trẻ em lại để dạy giáo lý cho chúng. Một lần kia, khi mới bắt dầu dạy đạo cho một em bé con một nông dân, thì Ngài phải báo cho biết là phải trở về Florence. Ngài đã buồn rầu đến độ không cầm được nước mắt, Cha Ngài chỉ có thể an ủi Ngài bằng cách dẫn em bé ấy về để dạy cho xong.
Thánh nữ có lòng sùng kính phép Thánh thể một cách đặc biệt. Lên 10 tuổi, tức là năm 1576, Ngài được rước lễ lầ đầu. Dịp này, Ngài đã khấn dâng mình trọn vẹn cho Chúa. Năm 13 tuổi Ngài còn tự ý làm một mão gai để đội đầu mỗi khi đi ngủ để cảm thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.
Đến 16 tuổi, Catarina đã ao ước được gia nhập dòng Carmêlô. Sau một thời gian luỡng lự, cuối cùng cha mẹ Ngài đã chấp nhận, Catarina vào dòng ngày 14 tháng 8 năm 1582 và ngay 30 tháng giêng năm 1583, được mặc áo dòng với danh hiệu Maria Madalena. Cuộc đời Ngài là một phép lạ liên tục. Một cơn bệnh xâu xé Ngài. Có nữ tu hỏi thánh nữ xem bí mật nào đã giúp Ngài nhẫn nại chịu đựng như vậy, chỉ vào cây thánh giá Ngài trả lời: - Hãy xem điều Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc tôi. Những ai nhớ tới những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng những đau khổ của mình lên Thiên Chúa, họ chỉ còn thấy êm ái đối với những gì mình phải chịu mà thôi.
Đau đớn vì bệnh hoạn, thánh nữ lại hay xuất thần. Những yếu tố ấy đều góp phần xây dựng đời sống thánh thiện của Ngài. Dù suốt năm năm liền kể từ tháng 6 năm 1585, Ngài đã phải trải qua một cuộc thử thách dữ dằn, Thiên Chúa cho Ngài thấy sự dữ đang diễn ra trong Giáo hội, những xúc phạm do hàng giáo sĩ và do các giám mục gây nên. Các tu sĩ trong cộng đoàn vấp phạm vì những khuyến cáo Ngài trình lên Đức gíao hoàng và các đức giám mục để thực hiện cuộc canh tân. Sự nghi ngờ của họ trở thành sự khinh bỉ, khi thánh nữ chịu cơn thử thách khủng khiếp này, là thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Thêm vào đó, Ngài còn bị cám dỗ trở nên kiêu căng thất vọng.
Dầu vậy, ý chí của Ngài bám chặt vào Chúa không ngơi, Ngài chỉ còn biết rên rỉ: - Tôi không hiểu mình có còn trí khôn nữa không. Tôi không thấy mình còn có gì đáng kể ngoài một chút thiện chí là không bao giờ dám xúc phạm đến Thiên Chúa.
Nhưng nhìn lên thánh giá Ngài thêm phấn khởi: - Đừng chết, nhưng chớ gì được chịu đau khổ mãi.
Bị cám dỗ quá, Ngài gieo mình vào bụi gai, bình thường Ngài hãm mình kinh khủng và thường mặc áo nhặm.
Năm năm bão tố trôi qua nhằm lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong khi hát kinh tạ ơn, Maria Madalena đã bỗng xuất thần và thưa với bề trên trong niềm vui mừng: - Bão tố qua rồi, xin hãy giúp con cảm tạ Chúa tạo thành khả ái.
Từ đây Ngài chỉ còn ước muốn vô cùng là được làm việc để tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Ngài luôn tìm kết hiệp với thánh ý Chúa. Thánh Thần đọc cho Ngài những ý tưởng thâm sâu và hai chị thơ ký đã ghi thành một pho sách được các người nhân đức và thông thái ở Ý chuẩn nhận.
Với nhiệt tình, Ngài đã nguyện hy sinh không muốn biết đến một sự dịu ngọt nào nữa. Khi làm phó bề trên, Ngài bị tật bệnh dày vò lại còn mất ơn an ủi, cha linh hướng tìm cách an ủi, nhưng Ngài nói: - Không, đó không phải là thứ an ủi con tìm kiếm. Con chỉ ước mong được đau khổ đến lúc cuối đời. Khi sắp từ trần thánh nữ nói:
- Tôi sắp từ giã mà không hiểu tại sao một thụ tạo lại quyết tâm phạm tội chống lại Chúa tạo thành được.
Với các nữ tu vây quanh, Ngài nói những lời sau cùng: - Tôi sắp từ giã các chị để đi vào vĩnh cửu, tôi xin các chị như là một ân huệ cuối cùng là chỉ yêu mến một mình Chúa, đăt trọn niềm hy vọng nơi Ngài và chịu đựng tất cả vì tình yêu Ngài.
Thánh nữ từ trần ngày 25 tháng 5 năm 1607. Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

(daminhvn.net)

25 Tháng Năm

Cái Bật Lửa

Ðể kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.
Trong bữa tiệc, ông dem khoe một cái bật lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái bật lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.
Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra cái bật lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa. Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khóat không mở túi áo ra cho mọi người xem.
Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.
Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: "Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?".
Anh ta mới giải thích như sau: "Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi".
Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng.

Câu chuyện đáng thương tâm trên đây có lẽ cũng diễn ra trong cuộc sống chúng ta dưới nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Nhưng tựu trung, có lẽ mẫu số chung của câu chuyện ấy thường giống nhau: đó là chúng dễ nhìn và đoán xét người theo bề ngoài. Lại nữa, một xã hội có quá nhiều lừa gạt đảo điên cũng khiến cho chúng ta có thái độ e dè, nghi kỵ đối với những người thân thuộc.

Là tín hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu. Ngài không nhìn người bằng nhãn hiệu có sẵn. Ngài không đến với người bằng những định kiến. Bên kia bộ quần áo sang trọng hay rách rưới, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy hình ảnh cao quý của chính Thiên Chúa. Ngài dành yêu thương cho những người nghèo khổ, phường thu thuế, bọn gái điếm, những kẻ tội lỗi, những ngwòi con bị xã hội đẩy ra bên lề. Ngài muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chỉ có một cái nhìn duy nhất về con người: đó là cái nhìn của cảm thông, của tha thứ, của yêu thương.

(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 25-5

Thánh Mađalêna Sôphi Barat

(1779 -- 1865)

S
inh ở Burgundy, nước Pháp, trong một gia đình trồng nho, Thánh Mađalêna được sự hướng dẫn chu đáo và rất kỷ luật của người anh ruột, tên Louis, sau này là linh mục. Trong thời kỳ Cách Mạng, anh Louis bị cầm tù và sau đó cùng với cô em gái trốn lên Balê, là nơi thánh nữ được học hỏi về tôn giáo.
Mađalêna ao ước phục vụ Thiên Chúa qua tính cách của một trợ sĩ dòng Camêlô. Nhưng đó không phải là ý Chúa. Một nhóm linh mục người Pháp thuộc tu hội Thánh Tâm muốn thành lập một tu hội nữ để giáo dục các cô gái, và Cha Varin, người trưởng nhóm nghe biết về Mađalêna, do đó vào năm 1800, cha đã chấp nhận Mađalêna cùng với ba người khác như các nữ tu và giao cho họ công việc thiết lập một tu hội giáo dục. Nhà trường đầu tiên của Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu được thành lập ở Amiens năm 1801.
Sau một năm hoạt động, Mađalêna được chọn làm bề trên dù lúc ấy mới 23 tuổi -- trẻ hơn các nữ tu khác, và sơ đã điều hành tu hội trong vòng 63 năm kế tiếp. 
Tu hội phát triển trên toàn nước Pháp, hấp thu các nữ tu thuộc tu hội Thăm Viếng ở Grenoble (trong số đó có Chân Phước Philippine Duchesne, là người đưa tu hội sang Hoa Kỳ năm 1818), và Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được Ðức Giáo Hoàng Lêô XII chính thức công nhận vào năm 1826.
Năm 1830 đệ tử viện của Tu Hội ở Poitiers bị lực lượng cách mạng đóng cửa, và Sơ Mađalêna đã thành lập một đệ tử viện khác ở Tân Tây Lan.
Cho đến khi ngài từ trần, ngày 21 tháng Năm 1865 ở Balê, tu hội đã thành lập được 105 trường trong 12 quốc gia.
Ngài được phong thánh năm 1925.

Lời Trích

Thánh Mađalêna Barat thường nói với các nữ tu trong tu hội, "Sự cần cù làm việc, là kẻ thù của linh hồn bất toàn, đem lại kết quả dồi dào cho những ai yêu mến Thiên Chúa."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét