Truyền thông trong Năm Đức Tin
Trong một bài viết gần đây, tác giả Trần Hữu Dũng đưa ra
một số nhận xét tiêu cực về
internet.
Trước hết là biết nhiều thông tin nhưng giảm chiều sâu. Mạng internet
vẫn được gọi là xa lộ thông tin vì cung cấp rất nhiều thông tin về mọi lãnh
vực, nhưng không hẳn đã đem lại sự minh triết và sâu sắc vì người ta chỉ “lướt”
net mà không đi sâu vào suy tư, nghiên cứu.
Kế đến, mạng internet giúp con người trên khắp thế giới kết nối thật
rộng rãi nhưng rất tiếc là những kết nối ấy thường mong manh. Internet cung cấp
mạng lưới quan hệ vô cùng rộng lớn, nhưng hầu hết chỉ là những “liên hệ yếu”
chứ không phải là “liên hệ mạnh”, nghĩa là những liên hệ vững bền, khó cắt bỏ,
chẳng hạn như liên hệ gia đình, xóm giềng, bạn hữu.
Ngoài ra, bước vào internet là như bước vào một thế giới vô danh.
Internet cung cấp cho con người cơ hội diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ cách thoải
mái, cách riêng là ở mạng xã hội; nhưng nguy cơ là tính “nặc danh” làm cho
những quan hệ trên thành “ảo”, không có thật, nhất là thật lòng và thật tình.
Tệ hơn nữa, người ta còn có thể mượn tính nặc danh ấy để khủng bố tinh thần
người khác, lèo lái họ theo ý muốn của mình (x. Internet và những đánh đổi, Tập san Kinh tế Sàigòn, Xuân
2013).
Chắc hẳn không ít người đồng tình với những nhận xét trên. Tuy nhiên
nhiều người khác cho rằng cách nhìn ấy quá bi quan, cần phải khám phá những mặt tích cực của
internet.
Ở tự nó, internet là khí cụ tuyệt vời để mở rộng và đào sâu suy nghĩ về
mọi vấn đề và lãnh vực nhờ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, thay vì chỉ bó
hẹp trong kinh nghiệm cá nhân hoặc tiếp cận một vài tác giả quen thuộc mà thôi.
Cho nên hời hợt hay sâu sắc không phải ở tự internet nhưng là do cách sử dụng
của mình.
Thế rồi internet tạo điều kiện để mở rộng quan hệ xã hội với nhiều
người, với nhiều luồng suy nghĩ, do đó cung cấp nhiều khả thể cho chọn lựa, nhờ
đó có những chọn lựa tốt hơn.
Về tính vô danh của thế giới mạng, cũng cần nhìn thấy mặt tích cực của
nó, vì “tính vô danh” ấy tạo điều kiện cho mỗi người có thể nói thật những cảm
xúc và suy nghĩ của mình, không còn bị hạn chế bởi những rào cản tâm lý và xã
hội.
Cuộc tranh luận giữa hai bên có thể còn kéo dài với những lý cớ và viện
dẫn kinh nghiệm của nhiều người. Xem ra điều cốt yếu không phải là ở tự thân
internet, xét như một phương tiện kỹ thuật, nhưng là ở chủ thể sử dụng xét như một nhân vị có lý trí và ý chí
tự do.
Khởi đi từ những nhận xét trên, khi bàn về đề tài Truyền thông trong Năm Đức Tin,
thiết tưởng vấn đề không chỉ là sử dụng kỹ thuật gì để truyền thông và truyền
thông nội dung gì trong Năm Đức Tin, nhưng còn là chính chủ thể truyền thông. Câu hỏi
đặt ra là chủ thể truyền thông ấy có đức tin hay không và sống đức tin thế nào?
Cần trả lời câu hỏi này trước, rồi mới nói đến chuyện truyền thông cái gì và
truyền thông thế nào. Xem ra cách đặt vấn đề này hơi bị ngược! Nhưng thiết nghĩ
đây là điều căn bản, cũng giống như các giám mục Á châu trong Đại hội X vừa
qua, đã phân tích và đối diện với những thách đố lớn tại châu Á, rồi cuối cùng
khám phá điều căn bản và trước hết là: phải có những sứ giả mới, những con
người mới để loan báo Tin Mừng! (x. Sứ điệp Đại hội FABC lần thứ X).
Để suy nghĩ về chủ thể truyền thông đức tin, xin dựa vào một câu trong
trình thuật Tin Mừng Gioan về việc phục sinh Ladarô: “Người chết liền đi ra,
chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo: Cởi khăn và vải cho
anh ấy, rồi để anh ấy đi” (Ga 11, 44).
Hai động từ chính trong hành động phục sinh Ladarô là “cởi trói” và
“đi”. Hai động từ này có thể gợi ý suy nghĩ về đời sống đức tin.
Hình ảnh Ladarô chết và được chôn táng trong mộ gợi ý về một đời sống đức tin bất động và bị trói buộc. Cũng như người chết chỉ còn là xác
không hồn, thì đức tin bất động là một đức tin thiếu sinh khí (ruah), thiếu hơi thở Thánh
Thần, nên chỉ còn vẻ bên ngoài mà thiếu sự sống bên trong. Cũng như chân tay
người chết được quấn vải và mặt được che bằng khăn, đức tin của chúng ta có thể
bị trói buộc vì nhiều lý do: vì sợ hãi (sợ mất quyền lợi, sợ nguy hiểm, sợ hi
sinh), vì thiếu hiểu biết, vì định kiến, vì tham vọng.
Ngược lại, hình ảnh Ladarô được phục sinh là minh họa cho đức tin sống động và được cởi trói. Được phục sinh, Ladarô bước đi thay vì
bất động. Đó là hình ảnh một đức tin sống động, đức tin bước đi chứ không tê
liệt, đức tin thể hiện trong những hành động cụ thể của đời sống. Ladarô có thể
bước đi là nhờ được cởi trói. Đó cũng là hình ảnh đức tin được giải thoát khỏi
tất cả những gì ràng buộc hữu hình hay vô hình, thể lý hay tâm lý, để trở thành
con người tự do đích thực.
Nhờ đâu Ladarô được phục sinh? Chắc chắn là nhờ Lời quyền năng của Đấng
đứng trước mộ và hô to: “Ladarô, hãy ra khỏi mồ” (Ga 11,43). Đó là Lời của Đấng
tuyên bố rằng: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, dù có
chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
Cũng chính ở đây, chúng ta khám phá ra nền tảng của linh đạo truyền
thông công giáo: kết hợp với Chúa Giêsu và Lời của Người, để trở thành người
truyền thông Tin Mừng. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng là “ở với”. Chúa Giêsu chọn Nhóm
Mười Hai để các ông “ở với Người” rồi sau đó mới “sai các ông đi rao giảng” (Mc
3,14). Và trước khi Chúa về trời, Người để lại mệnh lệnh loan báo Tin Mừng,
cùng với lời hứa của Chúa là “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt
28,20).
Thiên Chúa, như được mặc khải trong Kinh Thánh, là Đấng mong muốn “ở
với” nhân loại. Lời hứa duy nhất mà Thiên Chúa ban cho những ai Ngài sai đi thi
hành sứ vụ là “Ta ở với ngươi”. Ở giai đoạn đỉnh cao trong lịch sử cứu độ,
Thiên Chúa xuống thế làm người và tên gọi của Người là Emmanuel,
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận để Chúa “ở với”
mình không? “Này đây Ta đứng trước cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ
vào nhà người ấy và dùng bữa với người ấy” (Kh 3,20 ). Nghĩa là phải có sự đáp ứng từ phía
con người bằng việc “nghe” và “mở” cửa tâm hồn.
Khi khước từ việc “ở với” Thiên Chúa, người ta sẽ dễ dàng “ở với” những
gì chống lại Thiên Chúa. Đức giáo hoàng Phanxicô từng nhắc lại câu nói của Léon
Bloy: Không cầu nguyện với Thiên Chúa, thì sẽ cầu với ma quỷ!
Trong thời đại truyền thông, mỗi ngày chúng ta đón nhận biết bao thông
tin. Gắn với những thông tin đó là lập trường, quan điểm, kể cả sức ép tâm lý
và xã hội. Đâu sẽ là lập trường của người “ở với” Chúa? Đâu sẽ là quan điểm của
người môn đệ Chúa Giêsu? Chính câu trả lời sẽ xác định chúng ta “ở với” hay “ở
ngoài” Chúa.
Kết luận
Suy nghĩ từ góc độ chủ thể mời gọi mỗi Kitô hữu nhìn lại đời sống đức
tin của mình. Có khi tưởng là động nhưng thực ra bất động, vì cái động bên
ngoài chỉ che giấu cái chết bên trong. Hoạt động nhiều (đi lại, nói năng, viết
lách) nhưng chỉ theo tính toán thế gian chứ không phát xuất từ động lực đức
tin. Có khi tưởng là tự do nhưng lại là bị trói buộc, vì chỉ là thứ tự do che
giấu tính nô lệ. Nhân danh tự do để muốn làm gì thì làm, nhưng thật ra chỉ là
nô lệ của bản năng, đam mê.
Do đó, linh đạo truyền thông vẫn luôn cần thiết cho mọi Kitô hữu. Một
khi được phục sinh với Đức Kitô, mang trong mình một đức tin sống động thay vì
bất động, một đức tin tự do thay vì bị trói buộc, thì tất cả con người và cuộc
đời ta đều trở thành hoạt động truyền thông Tin Mừng. Hãy chiêm ngắm Đức Thánh
Cha Phanxicô: những hành động, cử chỉ đơn sơ, gần gũi, nhẹ nhàng của ngài đang
là lời loan báo Tin Mừng và có tác động truyền thông hơn cả những pho sách. Nói
cách khác, chính chúng ta đang cần được Phúc âm hóa để có thể Phúc âm hóa mạng
internet, một thế giới “ảo” mà cũng rất “thật” ngày nay.
Ngày Thế Giới Truyền Thông 2013
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét