Trang

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Những người thệ phản đại kết ca ngợi Đức Mẹ


Những người thệ phản đại kết ca ngợi Đức Mẹ

Điều khá lạ lùng là đôi khi thời hiện đại được cả người tôn giáo lẫn người không tôn giáo gọi là Thời Của Đức Mẹ. Tờ Time chẳng hạn, tháng 12, năm 1991 đã dành trang bìa cho Đức Mẹ và cho rằng “Một cuộc phục hưng niềm tin vào Đức Trinh Nữ nơi quần chúng đang xẩy ra khắp thế giới. Hàng triệu người thờ phượng đang kéo nhau tới các đền thánh của ngài, trong đó, có rất nhiều người trẻ. Đáng chú ý hơn nữa, là con số những người nhận mình được thấy ngài”. 

Những cuộc hiện ra của Đức Mẹ được tường trình từ khắp nơi trên thế giới, thường từ những nguồn rất đáng tin. Các sứ điệp phát xuất từ những lần hiện ra được tường trình này nói chung nhất quán với nhau và chỉ đơn giản nhắc lại các chủ đề chính của Tin Mừng như hối cải, ăn năn, ăn chay và cầu nguyện. 

Song song với việc quần chúng tôn sùng Đức Mẹ này, ta thấy ít nhất có ba khai triển quan trọng khác trong lãnh vực học lý và sùng kính Thánh Mẫu. Đó là các nghiên cứu Tân Ước không có tính tranh cãi, việc thành lập các nhóm đại kết và việc hành hương tới những thánh điểm lịch sử do nhiều nhóm Thệ Phản và Tin Lành tổ chức. 

Tập chú vào các cuộc nghiên cứu Tân Ước có tính “trung lập” đã khai sinh ra sự hợp tác giữa các học giả Thánh Kinh cấp tiến và bảo thủ, cả Thệ Phản lẫn Công Giáo, trong việc lượng giá Đức Maria trong Tân Ước. Kết quả tốt đẹp nhất từ công trình hợp tác này là cuốn "Đức Maria Trong Tân Ước" (Mary in the New Testament), viết chung bởi các học giả Công Giáo và Thệ Phản chính dòng. Sự cộng tác nổi tiếng nhất của Anh Giáo là cuốn “Trinh Nữ Maria” (The Blessed Virgin Mary). Một hội nghị của các thần học gia Anh Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương đã được đúc kết thành cuốn “Đấng Trung Gian Duy Nhất, Các Thánh và Đức Maria” (The One Mediator, The Saints and Mary). Hội Đại Kết Trinh Nữ Diễm Phúc Maria (The Ecumenical Society for the Blessed Virgin Mary) đã ấn hành nhiều cuốn đối thoại, trong đó có các cuốn “Vị Trí Của Đức Maria trong Cuộc Đối Thoại Kitô Giáo” (Mary's Place in Christian Dialogue), “Maria và Các Giáo Hội” (Mary and the Churches) và “Maria trong Học Lý và Sùng Kính” (Mary in Doctrine and Devotion). Trong khi ấy, các nhà chú giải như Ignace de la Potterie, Aristide Serra và Rene Laurentin cũng đã cung cấp cho ta nhiều cái nhìn thông sáng mới về vai trò của Đức Maria trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. 

Điều nghịch lý là trong thế kỷ 20, một số các trình bày học lý quan trọng nhất về Đức Mẹ đã đến với chúng ta qua các học giả Thệ Phản thuộc nhiều hệ phái khác nhau. Ngài quả không thuộc bất cứ giáo hội hay hệ phái nào. Ngài là mẹ của những ai “làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô”. Ở đây, chúng tôi xin trình bày một số tuyên bố ngắn của các nhà tư tưởng Thệ Phản và Anh Giáo về Đức Maria.

Eric Mascall [Anh Giáo, 1905-1993]:

Mối liên hệ của Đức Maria với Giáo Hội (mà các nhà luận lý học hiện đại hẳn phải đồng ý) là sản phẩm tương đối của hai mối liên hệ căn bản hơn. Mối liên hệ căn bản thứ nhất là mối liên hệ giữa Đức Maria và Con của ngài; Người vốn là một con người và ngài vốn là mẹ của Người. Mối liên hệ căn bản thứ hai là mối liên hệ của Chúa Giêsu với chúng ta và với Giáo Hội; ta là chi thể của Người và Giáo Hội là nhiệm thể của Người. Bởi thế, Đức Maria là mẹ ta và ta là con cái của ngài nhờ được nhận làm con nơi Con Trai ngài. Đây không hẳn là một bột phát từ lòng sùng kính mà là một sự kiện thần học” (1). 

John Macquarrie [Anh Giáo, 1919-2007]:

Một quan điểm có tính bản vị và thánh kinh thực sự là quan điểm coi mỗi con người nhân bản như được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa và để dành cho Người, một hữu thể vẫn còn khả năng đáp trả Thiên Chúa và phụng sự Người trong công trình xây đắp tạo dựng. Quan điểm đầy hy vọng đó về nhân loại đã được bản vị hóa và được lưu giữ nơi Đức Maria (2).

John De Satge [Tin Lành]:

Tôi tin rằng như Thánh Kinh từng nói, trong cuộc sống thần học của Nữ Trinh Maria, ta có thể thấy một điển hình công chính hóa nhờ đức tin thế nào, thì ta cũng có thể thấy điểm khởi đầu và điểm kết thúc trong câu truyện về ngài mà các truyền thống sau này do những nguồn khác nhau của Chính Thống Giáo Đông Phương và Công Giáo thêm vào cho kho tàng thiêng liêng như thế, những thêm vào không phải bóp méo nó, mà nhất quán với nó và do đó, đều là những triển khai hợp pháp (3). 

Neville Ward [Methodist, 1915-1992]: 

Điều xem ra rõ ràng là các tín hữu thế kỷ thứ nhất, những người đã soạn thảo bốn sách Tin Mừng, đã thấy rằng họ không thể thừa nhận sự kết hợp hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại nơi Chúa Giêsu nếu không nói ít điều hết sức đáng chú ý về mẹ Người. Tâm trí họ liên tục gắn bó với ngài. Vì cảm nhận rằng Chúa Giêsu được ban tặng một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, nên các Kitô hữu tiên khởi này cảm thấy một mầu nhiệm thật tuyệt diệu về mẹ thánh của Người. Cũng như ta, họ biết rằng ảnh hưởng của một bà mẹ đối với đứa con tuyệt đối không thể đo lường được cả về tốt lẫn xấu. Nếu Chúa Giêsu là Đấng theo như ta tin, thì mẹ Người còn là ai đây?

Các cộng đoàn Kitô Giáo tiên khởi không bận tâm lâu trong vấn đề và mầu nhiệm này. Họ mau chóng thấy mình được bao bọc bởi ký ức và sự hiện diện của Đức Maria trong hiệp thông các thánh với một tình yêu và lòng biết ơn độc đáo. Ngày nay, các trình thuật giáng sinh và tuổi thơ, được các học giả định niên biểu từ thế kỷ thứ nhất, được coi như một loại tụng ca dâng lên Thiên Chúa và Đức Maria vì đã đem Chúa Giêsu đến cho ta. Kể từ đó, trong cuộc sống của giáo hội Kitô Giáo, luôn tuôn chẩy cả một dòng thác cảm tạ và yêu thương dâng lên ngài, vì sự hiện hữu của ngài quả là sợi chỉ tuy mảnh nhưng chứa đựng mọi hân hoan và ý nghĩa của đời sống tín hữu (4). 

Donald Dawe [Presbyterian, chết năm 2012]:

Phải hiểu vị trí của Đức Maria không những trong diễn trình đối thoại của Giáo Hội với truyền thống, với tuyên xưng và với tín điều mà còn trong tương quan với diễn trình đạo đức trong mọi khẳng định đức tin có tính xúc cảm và hành động nữa. 

Trong việc hân hoan mừng kính điều Thiên Chúa từng thực hiện qua Nữ Trinh Maria, ta trở về tiếp xúc với các chiều kích cảm xúc của đức tin, những chiều kích từng bị thời hiện đại làm cùn nhụt. Trong nữ tính của mình, Đức Maria nói lên các chiều kích đó của đức tin từng bị lòng đạo đức do nam giới khống chế làm cho tiêu tan. Trong tư cách Mẹ, Đức Maria mở rộng lãnh vực đời sống và căn hộ gia đình, vốn sâu sắc về xúc cảm, để đón nhận sự canh tân của Thiên Chúa bằng cách trung thành trong vai trò làm mẹ. Trong hiệp thông các thánh, Đức Maria hướng dẫn các thánh tới đức vâng lời, vốn là thước đo đức tin đích thực, khi ngài bảo “hãy làm bất cứ điều gì Người nói” (Ga 2:5). Trong Tất cả các khía cnạh này, Đức Maria không phải là người thay thế Chúa Kitô; cũng như hồi thế kỷ thứ nhất tại Palestine, ngày nay ngài là người mang Chúa Kitô. Đức Maria là chứng nhân liên tục của mầu nhiệm đan kết sáng kiến thần linh với đáp trả nhân bản, nhờ đó ơn cứu chuộc đã được tạo lập. Khi nào mầu nhiệm này không được chiêm niệm nữa, nơi nào sự cởi mở chào đón Thiên Chúa của ngài không còn nuôi dưỡng và tăng tiến sự cởi mở của ta trong việc chào đón Thiên Chúa, thì đức tin vào Con của ngài cũng sẽ phôi pha. Trong đức trinh khiết của mình, Đức Maria không phải là người bảo vệ việc tuyên xưng vere Deus vere homo (là Chúa thật và là người thật) như một công thức tri thức mà thôi, mà còn như một thực tại của đức tin nữa. Ngài vốn là người mãi mãi mang Chúa Kitô. 

Nơi Trinh Nữ Maria, ta nghe thấy lời chân lý vốn được cần tới. Thiên Chúa đã đưa ra sáng kiến cứu rỗi nhân loại. Đó không phải là việc làm của ta mà là hồng phúc Người ban. Nhưng là một hồng phúc đã bước vào thời gian và không gian của ta. Maria Trinh Nữ là chứng nhân liên tục của sáng kiến Thiên Chúa trong khi Maria Mẫu Thân làm cho sáng kiến Thiên Chúa này trở thành sự kiện nhục huyết trong đời sống ta. Maria là tiếng ‘không’ của Thiên Chúa đối với cái tôn giáo duy tục muốn thần hóa con người. Ngài tiếp nhận từ Chúa Thánh Thần hồng ân cứu rỗi mà không quyền năng nhân bản nào có thể tạo ra. Trong tư cách ấy, ngài là biểu thức sống động của sola gratia (chỉ duy ơn thánh). Ngài là tiên mẫu (prototype) của mọi tín hữu. Lời ‘xin vâng’ của ngài đối với lời yêu cầu của Thiên Chúa đã mở đường cho công trình cứu rỗi. Bởi thế, ta cùng tham gia vào lời chúc tụng ‘Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ’. Nhưng điều này không phải là một sự kiện đã khép lại trong thế kỷ thứ nhất. Ngài vẫn đang đứng trước mặt ta, qua chứng tá Thánh Kinh, trong quyền năng Chúa Thánh Thần với tư cách Mẹ đang cưu mang và che chở Con Trai mình. Trong dạ mình và trong nhà mình, ngài cưu mang và che chở Con Trai khỏi các lực lượng của xã hội ghét bỏ và của ông vua sát nhân thế nào, thì nay, ngài cũng cưu mang và che chở mầu nhiệm Người hiện diện giữa chúng ta như thế. Không có ngài, mầu nhiệm cứu chuộc của Con Trai ngài sẽ không ai tiếp nhận nổi. Có ngài, mầu nhiệm ấy được tiếp nhận một cách hân hoan (5).

Charles Dickson [Lutheran]:

Luther gọi Đức Maria là “xưởng thợ của Thiên Chúa” và nói thêm “Là Mẹ Thiên Chúa, ngài được nâng lên trên toàn thể nhân loại” và “không ai bằng ngài”. Tương phản điều này với thái độ hiện nay của Thệ Phản, một thái độ chỉ trích lòng sùng kính Đức Maria vì tin rằng lòng sùng kính này làm giảm vị trí trung tâm và độc đáo của Chúa Kitô trong công trình cứu rỗi, bạn sẽ bắt đầu hiểu rõ bức tranh của cuộc khủng hoảng chia rẽ hiện nay. 

Điều người Thệ Phản thấy khó hiểu là các ý hướng của giáo huấn Công Giáo về Đức Maria. Trong hai giáo huấn về Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu, ý hướng của Giáo Hội Công Giáo không phải là nâng Trinh Nữ Diễm Phúc Maria lên hàng thần minh mà đúng hơn muốn trình bày ngài như mẫu mực sáng chói của niềm hy vọng Kitô Giáo thực sự. Đó là niềm hy vọng đối với toàn thể nhân loại. Việc đọc lại và cái hiểu thông sáng về phía cộng đồng Thệ Phản này sẽ giúp nhiều cho việc toàn thể thế giới Kitô Giáo tái tập chú vào Đức Maria, không phải như điểm gây phân rẽ, mà như cây cầu hợp nhất thực sự cho tất cả chúng ta (6)

Huldreich Zwingli 

Thực ra, những người sáng lập ra phong trào Thệ Phản như Zwingli vốn đã viết rất hay về Đức Maria. Tháng 9 năm 1522, ông mạnh mẽ bênh vực đức đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ như sau: “chối bỏ Đức Maria ‘không tì vết’ trước khi, trong khi và sau khi sinh Con Trai của ngài là hoài nghi quyền năng vô cùng của Thiên Chúa… và quả là thích đáng và ích lợi khi nhắc lại lời chào của thiên thần, lời chào chứ không phải lời cầu, ‘Chào bà Maria’… Thiên Chúa sủng ái Đức Maria hơn mọi loài thụ tạo, kể cả các thánh và thiên thần – nhân loại phải bắt chước sự trong sạch, sự trong trắng và đức tin không lay chuyển của ngài”. (7)

Năm 1524, Zwingli cũng cho in một bài giảng về “Đức Maria, trọn đời đồng trinh, là Mẹ Thiên Chúa”, trong đó có đoạn: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tưởng, càng không dạy hay tuyên bố công khai bất cứ điều gì liên quan đến chủ đề Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ sự cứu rỗi của ta, một điều có thể coi là bất kính, vô đạo, bất xứng hay tội ác nữa… Tôi hết lòng tin theo lời Tin Mừng thánh thiện dạy rằng đấng đồng trinh trong sạch này cưu mang Con Thiên Chúa cho ta và ngài vẫn mãi đồng trinh trong sạch, vô tì vết trong khi sinh và sau khi sinh, cho tới đời đời”. 

Heinrich Bullinger 

Bullinger (qua đời năm 1575) . . . cũng bênh vực đức đồng trinh trọn đời của Đức Maria… và trách cứ các Kitô hữu giả hiệu đã chối bỏ không ca ngợi ngài cách xứng đáng: ‘Nơi Đức Maria, mọi sự đều lạ thường và còn vinh quang hơn nữa vì phát sinh từ đức tin trong sáng và tình yêu Thiên Chúa bừng bừng’. Ngài là ‘thành viên độc đáo và thanh cao nhất’ của cộng đồng Kitô Giáo. 

'Trinh nữ Maria… được thánh hóa trọn vẹn nhờ ơn thánh và máu thánh của Con Trai duy nhất của ngài và được ban dư thừa ơn Chúa Thánh Thần và được sủng ái hơn mọi người khác… nay ngài sống hạnh phúc với Chúa Kitô trên thiên đàng và được kêu gọi và vẫn còn đồng trinh và là Mẹ Thiên Chúa mãi mãi’ (8)

Ghi chú

(1) E.L. Mascall, "The Dogmatic Theology of the Mother of God" trong The Mother of God, do E.L. Mascall chủ biên. (London: Dacre Press, 1949), 43.
(2) John MacQuarrie, Mary for all Christians, (London: Collins, 1990), 112.
(3) John de Satge, Down to Earth: The New Protestant Vision of the Virgin Mary (Consortium Books, 1976), 112-3.
(4) J. Neville Ward, Five for Sorrow, Ten for Joy (Cambridge, MA: Cowley Press, 1985), ix, x.
(5) Donald Dawe, International Ecumenical Conference: "Looking Forward", One in Christ, 1980, 1-2, các tr. 82-3.
(6)Charles Dickson, A Protestant Pastor Looks at Mary (Huntington, Indiana: Our Sunday Visitor, 1996), 109-110.
(7) G. R. Potter, Zwingli, London: Cambridge Univ. Press, 1976, các tr.88-9,395 / The Perpetual Virginity of Mary . . ., 17 Tháng 9, năm1522 
(8) Trong Hilda Graef, Mary: A history of Doctrine and Devotion, London: Sheed & Ward, 1965, các tr.14-15
Vũ Văn An 5/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét