Trang

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Tự do tôn giáo bên này bên kia: hai mặt một đồng tiền

T do tôn giáo bên này bên kia: hai mt mt đng tin

Toàn cầu hóa không phải chỉ trong lãnh vực kinh tế tài chánh. Ngày nay, nó tràn cả vào lãnh vực tôn giáo, đúng hơn, tự do tôn giáo. Thực vậy, tự do tôn giáo trở thành vấn đề hiện nay trên khắp thế giới, không riêng một quốc gia, một vùng, hay một hệ thống chính trị nào.

Tự do tôn giáo “ở ngoại quốc”

Liên Hiệp Quốc hình như chỉ lo những vấn đề đại thể, nên tỏ ra lơ là đối với vấn đề tự do tôn giáo. Thành thử, Hoa Kỳ “buộc phải” đảm nhiệm vai trò người quan sát tự do tôn giáo trên khắp thế giới. Họ lập ra Ủy Ban Tự Do Quốc Tế (USCIRF). Đây là một ủy ban độc lập, lưỡng đảng, có mặt đầu tiên trên thế giới, để giám sát quyền tự do tôn giáo “ở ngoại quốc”. Ủy ban duyệt xét các sự kiện và hoàn cảnh của việc vi phạm quyền này và đệ trình các khuyến cáo về chính sách cho Tổng Thống, Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Hội. 

Như thường lệ hàng năm, ngày 20 tháng 5 vừa qua, dựa vào phúc trình của Ủy Ban, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cho công bố bản tường trình về tình hình tự do tôn giáo trong năm 2012. Tại buổi công bố này, Suzan J. Cook, đại sứ lưu động của Ủy Ban, đã lên tiếng thúc giục chính phủ lên án sự bất khoan dung và đưa ra hành động chống lại những người vi phạm các tội ác vì hận thù tôn giáo.

Nhưng bà cho hay: tại nhiều quốc gia, bất khoan dung đối với các nhóm thiểu số tôn giáo đang trên đà gia tăng, một bất khoan dung thường được diễn tả qua bạo lực. Phúc trình cho rằng “quyền tự do tôn giáo là quyền cố hữu của mọi con người nhân bản”. Tuy nhiên, quyền này, trong năm 2012, đã không được tôn trọng tại nhiều quốc gia. 

Phúc trình của Ủy Ban vẫn giữ nguyên 8 quốc gia từng được Bộ Ngoại Giao liệt kê là Các Quốc Gia Được Đặc Biệt Quan Tâm: Miến Điện, Trung Hoa, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Sudan và Uzbekistan.

Ngoài các quốc gia đặc biệt trên, Ủy Ban cũng ghi nhận vấn đề tổng quát liên quan tới các luật lệ chống phạm thượng và bỏ đạo, là các đạo luật vốn bị sử dụng một cách đầy kỳ thị. Ủy Ban ghi nhận sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái trong năm 2012, nhất là tại Venezuela, Ai Cập và Iran. Trùng hợp với việc công bố phúc trình là việc Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry cử Ira Forman, cựu thủ lĩnh Hội Đồng Dân Chủ Do Thái Toàn Quốc, làm đặc phái viên để giám sát và đấu tranh chống kỳ thị người Do Thái. 

Các nước Âu Châu

Cùng ngày, Vọng Quan Sát Bất Khoan Dung Và Kỳ Thị Kitô Hữu Tại Âu Châu, đặt trụ sở tại Áo, cũng công bố phúc trình tựa là “Các Trường Hợp Bất Khoan Dung Và Kỳ Thị Kitô Hữu” trong năm 2012. 

Phúc trình đề cập tới các chủ đề như phản đối lương tâm về các vấn đề như phá thai, an tử, và dùng tế bào gốc để nghiên cứu. Phúc trình quả quyết: hiện đang có chiến dịch hiểm độc của vài nhóm nhằm phá hoại quyền phản đối lương tâm. 

Các luật nói năng hận thù (hate speech) cũng được sử dụng chống lại Kitô hữu, nhất là về hai chủ đề: Hồi Giáo và đồng tính luyến ái. Phúc trình cho rằng “Tòa Nhân Quyền Âu Châu càng ngày càng tỏ ra ủng hộ việc kiểm duyệt các cuộc tranh luận”. 

Phúc trình nhận rằng bảo vệ tự do ngôn luận không hẳn là không có nguy hiểm, nhưng nếu ta chấp nhận ý niệm cho rằng nhà nước nên kiểm duyệt các cuộc tranh luận công cộng, thì hẳn sẽ không còn điểm ngừng hợp lý nào liên quan tới ý niệm nào bị dẹp bỏ nữa. 

Phúc trình cho rằng: việc nại tới nguyên tắc bình đẳng cũng đã từng dẫn người ta tới nhiều hạn chế đối với tự do tôn giáo. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật hiện đã được nới rộng qua lãnh vực chọn lựa luân lý và cách thế người ta đối xử với nhau. 

Việc đó từng dẫn tới các luật lệ chống kỳ thị nghiêm nhặt tại một số quốc gia. Những luật này đang có hiệu lực đối với những người cho thuê địa điểm tổ chức tiệc tùng, cử lễ. Chúng cũng đang có tác dụng đối với những ai thuê mướn nhân công. Ngay các cơ sở hẹn hò (dating) của Kitô hữu cũng bị nhà cầm quyền kiểm soát. 

Mặc dù sự kỳ thị đối với các Kitô hữu tại các nước Tây Âu thuộc một loại khác với sự kỳ thị được mô tả trong phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ, nhưng nó vẫn là một đe dọa thực sự đối với tự do tôn giáo và sự đe dọa này càng ngày càng tệ hại hơn. 

Tự do tôn giáo “tại quê nhà”

Liên Hiệp Quốc không lo chuyện tự do tôn giáo trên thế giới, thì Hoa Kỳ lo. Hoa Kỳ bận lo chuyện tự do tôn giáo “ở ngoại quốc”, không còn thì giờ lo chuyện tự do tôn giáo “ở trong nước”, thì các tôn giáo phải lo lấy tự do tôn giáo của mình. Đức TGM Chaput tuần vừa rồi trên CatholicPhilly có một mục về Tự Do Tôn Giáo với nội dung “Đã qua rồi ngày mà người Mỹ coi cái hiểu về tự do tôn giáo của các Bậc Khai Quốc như một dữ kiện. Ta cần phải thức tỉnh”. 

Trích lời Terry Mattingly, giám đốc Trung Tâm Báo Chí Washington, Đức TGM cho rằng xem ra cơ quan thuế vụ (IRS) đang càng ngày càng nhắm đánh vào các cá nhân và đoàn thể tôn giáo nào, trong khi bênh vực các yếu tố chủ chốt trong truyền thống tín ngưỡng của mình, đã chỉ trích các dự án thân thiết đối với Tòa Bạch Ốc hiện nay, như cuộc cải tổ về chăm sóc sức khỏe, quyền phá thai và hôn nhân đồng tính. 

Đức TGM Chaput cho rằng các giám mục Mỹ là những người từng tranh đấu để mọi người trong nước, không trừ ai, được chăm sóc đầy đủ về sức khỏe cả hàng chục năm trước khi chính phủ hiện tại lên nắm chính quyền. Trong truyền thống Kitô Giáo, việc chăm sóc y khoa căn bản vốn là một vấn đề thuộc công bình xã hội và phẩm giá nhân vị. Ngay cả ngày nay, dù có những thiếu sót về tài chánh cơ cấu, những thiếu sót mà các nhà phê bình thường tin là có tác dụng phá hoại Đạo Luật Chăm Sóc Vừa Túi Tiền (Affordable Care Act) của năm 2010, các giám mục vẫn tiếp tục chia sẻ mục tiêu của cuộc cải tổ chăm sóc sức khỏe và việc chăm sóc y khoa vừa túi tiền của mọi người Mỹ. 

Nhưng việc chăm sóc sức khỏe hiện nay đã biến dạng thành một vấn đề tự do tôn giáo hoàn toàn do Tòa Bạch Ốc khiêu khích tạo ra một cách không cần thiết. Dù có đưa ra một số nhượng bộ sau khi bị ép buộc, nhưng chính phủ nhất định không chịu thu hồi hay sửa đổi một cách hợp lý chỉ thị ngừa thai của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Bản, một chỉ thị vi phạm cả xác tín luân lý lẫn xác tín tôn giáo của nhiều cá nhân, nhiều chủ nhân tư và nhiều cơ quan có liên hệ hoặc do tôn giáo gợi ý.

Song song với việc Tòa Bạch Ốc từ khước không duy trì Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân năm 1996, và việc họ coi thường đến ngỡ ngàng bản chất độc đáo của tự do tôn giáo như đã được trình bày trong phán quyết 9 thắng 0 của Tối Cao Pháp Viện trong vụ Hosanna-Tabor vào năm 2012, chỉ thị của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản chỉ có thể được hiểu như một hình thức cưỡng chế mà thôi. Kiếm được thuốc ngừa thai rẻ tiền không phải là vấn đề ở bất cứ nơi nào trên Nước Mỹ. Do đó, chỉ thị này chỉ là một tuyên bố có tính ý thức hệ; cố tình áp đặt một cách thế thay thế cho hiếm muộn. Và nếu hàng triệu người Mỹ phản đối trong nguyên tắc, thì thây kệ họ. 

Sự gian lận trong từ vựng “quyền sinh sản” của Đất Nước Hoa Kỳ hết sức sâu và hết sức cao. Trong nhận định hồi Tháng Tư của Liên Đoàn Làm Cha Mẹ Có Kế Hoạch, chủ tịch của tổ chức này không bao giờ sử dụng hạn từ “phá thai” bất kể vụ sử Kermit Gosnell lúc đó đang diễn tiến tại Philadelphia và bất kể vai trò lớn lao của tổ chức này trong kỹ nghệ phá thai. 

Cũng thế, như Anthony Esolen gần đây đã nghi nhận, lời tuyên bố công khai của Hội NARAL Phò Chọn Lựa về xác tín của nhà phá thai tai tiếng Gosnell quả là một “tuyệt tác” của ngôn ngữ sa đọa và lừa dối. Gosnell bị kết tội sát nhân 3 trẻ sơ sinh, nhưng trong tuyên bố của NARAL Phò Chọn Lựa, không có chữ nào nhắc đến sự kiện này. 

Chưa hết ngỡ ngàng đâu. Các Kitô hữu quan tâm tới quyền của trẻ chưa sinh, cũng như quan tâm tới người mẹ của các em từng phải đương đầu với thiên kiến của giới truyền thông và sự bất lương của tập đoàn phá thai cả nước suốt 40 năm qua rồi. Nhưng có một bài học đặc biệt trong tình thế hiện nay. Bất cứ ai nghĩ rằng ta có thể giải quyết vấn đề tính dục đang gây chấn động cả nước hiện nay một cách ổn thoả trong vòng 10 năm sắp tới, mà không cần phải mạnh mẽ và song song bênh vực tự do tôn giáo, thì họ nên nghĩ lại. 

Như Mollie Hemingway, Stephen Krason và Wayne Laugesen từng chỉ rõ, vụ tai tiếng hiện nay của cơ quan thuế vụ, trong đó có vụ theo dõi các tổ chức bảo thủ, cũng có chiều kích tôn giáo. Áp lực có tính lựa lọc của cơ qua thuế vụ đối với các cá nhân và tổ chức tôn giáo ít khi bị báo chí lưu ý. Mà ta cũng không hy vọng họ sẽ lưu ý trong tương lai gần, vì các lý do mà Hemingway từng nêu ra. Nhưng điều tồi tệ mới nhất của cơ quan thuế vụ là dấu hiệu báo trước các đối xử tàn tệ đối với các nhóm tôn giáo “thất sủng” trong tương lai, nếu ta cứ tiếp tục thiếp ngủ trong cuộc tranh luận về tự do tôn giáo hiện nay.

Vũ Văn An 5/28/2013(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét