Trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

21-05-2013 : THỨ BA TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 2, 1-13
"Hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu cám dỗ".
Trích sách Huấn Ca.
Hỡi con, khi con đến phụng sự Thiên Chúa, con hãy sống công chính và kính sợ, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Con hãy gìn giữ tâm hồn và chịu đựng. Hãy lắng tai nghe và nhận lấy lời dạy của lương tri; và đừng vội vã trong lúc cùng quẫn.
Con hãy nương tựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa và hãy liên kết với Người, và kiên nhẫn để con được thăng tiến trong ngày cuối cùng. Con hãy chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho con và hãy kiên trì trong đau khổ, hãy nhẫn nại trong hoàn cảnh thấp hèn: vì vàng bạc được thử trong lửa, còn những người được Chúa chọn, thì được thử trong khổ nhục. Con hãy tin vào Thiên Chúa, và Người sẽ nâng đỡ con; hãy cứ thẳng đường và hy vọng vào Người. Con hãy kính sợ Người và bền vững mãi như thế.
Hỡi những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông đợi lòng từ bi của Người, Các ngươi đừng rời xa Người kẻo phải sa ngã. Các ngươi là kẻ kính sợ Chúa, hãy tin vào Người và phần thưởng của các ngươi sẽ không mất đâu. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông cậy vào Người, thì người sẽ lấy lòng từ bi ban thưởng cho các ngươi được hân hoan. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy yêu mến Người, và lòng các ngươi sẽ được chiếu sáng.
Hỡi các con, hãy ngắm nhìn các dân thiên hạ, và hãy biết rằng không ai trông cậy vào Chúa mà phải hổ thẹn. Vì có ai sống trong giới răn của Người mà bị ruồng bỏ đâu? Hoặc có ai kêu cầu Người mà Người chê chối đâu? Vì Thiên Chúa khoan hậu và nhân từ, và trong ngày nguy khốn, Người tha thứ tội lỗi; Người là Ðấng bênh vực tất cả những kẻ tìm kiếm Người trong chân lý.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18-19. 27-28. 39-40.
Ðáp: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và để chính Người hành động (c. 5).
Xướng: 1) Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Ngày tai hoạ, những người đó không tủi hổ, và trong nạn đói, họ sẽ được ăn no. - Ðáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu: bởi vì Thiên Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành. - Ðáp.
4) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ dung thân, Chúa bang trợ và giải thoát họ. Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Ðáp.

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 29-36
"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Làm tôi tớ mọi người

Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".
Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.
Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.
Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 7 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các đức tính cần có của nhà lãnh đạo tinh thần.

Rất nhiều người muốn làm lớn để ra lệnh cho người khác, để được mọi người biết tới, và để mọi người hầu hạ mình. Điều này có thể áp dụng với những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, hay kinh tế; nhưng không được áp dụng cho những nhà lãnh đạo tinh thần. Chính Chúa Giêsu đã dạy bảo các môn đệ: "Vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không được như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lk 22:25-26).
Các Bài Đọc hôm nay liệt kê những đức tính cần có của người lãnh đạo. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Đức Huấn Ca liệt kê những đức tính quan trọng mà nhà lãnh đạo tinh thần phải có như: sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, kiên nhẫn trong đau khổ, bền lòng trông đợi kết quả, và nhất là tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các tông đồ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Chúa Giêsu làm gương bằng cách rửa chân cho các ông, và chấp nhận gian khổ của con đường Thập Giá để đưa mọi người về cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những đức tính cần có của nhà lãnh đạo tinh thần.
(1) Phục vụ cho một lý tưởng: Nhà lãnh đạo tinh thần có một lý tưởng cao đẹp là đưa con người tới Thiên Chúa. Mục đích này luôn phải là ngọn đèn soi sáng cho mọi việc làm của nhà lãnh đạo. Tác giả Sách Đức Huấn Ca khuyên: “Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng.” Không giống như những nhà lãnh đạo thế gian mà phần thưởng của tài năng lãnh đạo được đo lường bằng uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; nhà lãnh đạo tinh thần trông đợi phần thưởng của Thiên Chúa ở đời sau, và niềm vui có được ở đời này khi thấy mọi người tin tưởng vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô so sánh 2 phần thưởng như sau: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.”
(2) Can đảm lãnh nhận và vượt qua mọi thử thách: Lãnh đạo tinh thần đòi phải hướng dẫn con người, mà con người có nhiều tính khí và sở thích khác nhau; vì thế, các nhà lãnh đạo phải đương đầu với rất nhiều thử thách, và phải kiên nhẫn trình bày sự thật và thuyết phục con người theo lý tưởng của mình. Tác giả Sách Đức Huấn Ca khuyên: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.”
Ngòai ra, thử thách còn được dùng để đào tạo đức tính, như Thánh Phaolô nói: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rom 5:3-4).
(3) Kiên trì chịu đựng gian khổ: Để có thể thành công, nhà lãnh đạo còn phải kiên trì chịu đựng đau khổ cho vinh quang Nước Chúa và lợi ích của tha nhân. Tác giả Sách Đức Huấn Ca khuyên: “Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ… Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.”
(4) Vững lòng tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa: Vì niềm tin nơi Thiên Chúa và hy vọng vào những gì Ngài đã hứa là hai rường cột của nhà lãnh đạo tinh thần, nên họ không bao giờ được đánh mất niềm tin và rơi vào thất vọng. Tác giả khuyên: “Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. Hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu. Hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót.”
Thiên Chúa trung thành thực hiện những gì Ngài đã hứa. Để dẫn chứng, tác giả Sách Đức Huấn Ca mời gọi: “Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem: nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ? Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ rơi? Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể? Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót: Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân.”

2/ Phúc Âm: Ai muốn đứng đầu phải phục vụ mọi người.

2.1/ Lãnh đạo bằng hy sinh mạng sống cho người khác.
(1) Chúa Giêsu dạy một đường: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây chính là “bí mật của Đấng Thiên Sai” theo Marcô. Khác với hình ảnh Đấng Thiên Sai mà người Do-Thái thêu dệt lên theo truyền thống: Ngài sẽ làm những phép lạ lớn lao, sẽ dùng uy quyền để tiêu diệt các thế lực ngọai bang, và lên ngôi cai trị khắp bờ cõi trái đất. Chúa Giêsu mặc khải cho các tông đồ kế họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Ngài sẽ chấp nhận con đường đau khổ để cứu độ con người, không phải giải thóat con người khỏi cảnh nô lệ của ngọai bang; nhưng là giải thóat con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
(2) Các ông hiểu một nẻo: Marcô tường thuật phản ứng của các môn đệ: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.” Các ông không hiểu vì các ông đã quá quen với hình ảnh của Đấng Thiên Sai theo truyền thống. Các ông sợ không dám hỏi Chúa, có thể vì các ông sợ khi phải đối diện với sự thật: Chúa Giêsu sẽ bị bắt bớ và bị giết chết.
Điều này được sáng tỏ hơn qua những gì mà các tông đồ bàn cãi dọc đường. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Vẫn hy vọng vào một Đấng Thiên Sai có thế lực quân sự, nên các ông bàn cãi với nhau xem ai sẽ là nhân vật thứ hai sau Chúa Giêsu khi Ngài lên ngôi cai trị.

2.2/ Lãnh đạo bằng phục vụ: Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Nhà lãnh đạo tinh thần khác với nhà lãnh đạo quân sự, và tiêu chuẩn để làm người lớn nhất trong vương quốc của Thiên Chúa cũng khác với tiêu chuẩn của vương quốc trần gian: Họ phải trở nên rốt hết và phục vụ mọi người. Để dẫn chứng, Chúa Giêsu dạy họ phải phục vụ những người nhỏ, những người không có gì để đền trả, và Ngài nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không phải ai cũng có thể lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được huấn luyện để có những đức tính cần thiết trước khi có thể lãnh đạo.
- Không phải chỉ có các cha mới là những người lãnh đạo tinh thần, cha mẹ cũng là những nhà lãnh đạo trong gia đình. Noi gương Chúa Giêsu, cha mẹ cũng phải lãnh đạo bằng hy sinh, chịu đựng gian khổ để phục vụ con cái.
- Phần thưởng của những nhà lãnh đạo tinh thần không phải là những lợi nhuận vật chất, nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui khi thấy mọi người tin vào Thiên Chúa.

LM.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 7 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Ba :

Mc 9,30-37

A. Hạt giống...
1. Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai : Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.
2. Do đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ không hiểu gì cả. Nhưng không dám hỏi lại Chúa Giêsu. Và cũng vì đã quen với quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các ông tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời mà Chúa Giêsu thành lập.
3. Chúa Giêsu sửa dạy các ông : trong Nước Trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc nhỏ. Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ : càng có chức vụ cao thì càng phải phục vụ nhiều (để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ). Điều thứ hai phải để ý nữa là có thái độ tiếp đón mọi người không phân biệt gì cả, dù là một người hèn hạ, vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải tiếp đón (để nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ, tức là một con người không mang lại lợi ích gì cho kẻ tiếp đón nó, mà còn mang tới phiền muộn).

B.... nẩy mầm.
1. Trong "nước trần gian", muốn thành đạt thì phải chứng tỏ cho người ta thấy mình là "người lớn", lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh v.v. Còn trong Nước Trời, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ mình tỏ ra là trẻ nhỏ, là đầy tớ. Để mở mang Nước Trời ở trần gian này, tôi phải có một lối sống hơi ngược đời như thế, vì "Chúng con ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian".
2. "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy tức là đón tiếp chính mình Thầy". Những "trẻ nhỏ như thế này" là những người nghèo hơn tôi, kém thông minh hơn tôi, yếu hơn tôi, cư xử nói năng vụng về hơn tôi… Chính vì họ tệ hơn tôi nên tôi thường xua đuổi họ hoặc không thích ở gần họ. Nhưng như thế tức là tôi đã xua đuổi và thờ ơ với chính Chúa rồi.
3. Ngày xưa các môn đệ đã làm một chuyện lố bịch là mặc kệ Chúa mời gọi đi theo Ngài trên con đường thập giá, họ cứ tranh dành nhau địa vị và quyền lợi. Nhưng về sau khi hiểu lại, họ đã thay đổi hẳn : "Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô". Phần tôi, tôi cứ tiếp tục việc làm lố bịch đó. Khi nào thì tôi mới hiểu lại và thay đổi đây ?
4. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là con đường của chúng con. Xin cho chúng con luôn đi theo con đường thập giá Chúa để mỗi ngày được nên giống Chúa hơn.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

21/05/13 THỨ BA TUẦN 7 TN
Th. Kitôphôrô Magalanê và các bạn tử đạo
Mc 9,30-37

AI LỚN HƠN AI ?
“Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” Các ông làm thinh . . . các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (Mc 9,33-35)
Suy niệm: Yên lặng, làm thinh thường bị coi là đồng lõa, chẳng hay ho gì. Nhưng làm sao có thể phát biểu, trả lời trước câu hỏi của Chúa Giêsu khi câu trả lời lại nói lên một thực trạng đáng buồn, đó là tranh dành địa vị, chi bằng làm thinh thì hơn! Ai lớn hơn ai là mối quan tâm của các môn đệ khi theo Chúa, còn Chúa thì lại quan tâm làm thế nào để phục vụ tha nhân cách hữu hiệu nhất. Đối với Chúa xem ra không có cách nào tốt hơn là trở nên kẻ nhỏ nhất để phục vụ những người nhỏ nhất. Chúa không chỉ nói: “Con Người đến không phải để được phuc vụ mà là phục vụ, hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” Ngài còn nêu gương cho các môn đệ bằng hành động: Ngài đã cúi xuống rửa chân cho họ....
Mời Bạn: Trong gia đình hay sinh hoạt đoàn thể, bạn có bao giờ coi mình là “cây đinh” không? Tranh dành địa vị và quyền lực là cám dỗ ngàn đời của con người. Một tổ chức sẽ yếu đi, kém hữu hiệu nếu có ai đó cứ muốn mình được coi là kẻ lớn nhất. Cũng không được cho rằng “không có mợ, chợ cũng đông;” trái lại mỗi người cần chung tay chia sẻ gánh nặng và công việc của nhau.
Sống Lời Chúa: Hy sinh chính bản thân mình để phục vụ mọi người là câu tâm niệm giúp chúng ta xoá bỏ tình trang tranh chấp ai lớn hơn ai.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, Chúa đã không nhất quyết dành cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hủy mình ra không. Ước chi thái độ này giúp chúng con biết quan tâm tới nhau hơn trong cách cư xử thường ngày. Amen.

Cãi nhau
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn. Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.

Suy nim:
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay,
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện:
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại - nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn:
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như Ngài đã sống:
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không?
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em ;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Để làm người lớn
Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu những lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc. 9, 30-32)
Chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh gay gắt, một thế giới mà con người giành giật nhau, tiêu diệt nhau khi người này làm trở ngại cho thành công của người kia. Điều đó được thấy rõ trong quảng cáo. Bạn có thể đọc trong mục rao vặt cúa những tờ nhật trình, những yêu cầu cần người đại loại như sau: “Cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng.” Đây không phải là một thông tin của quân đội mà là của một xã hội bán những cái máy hút bụi. Người ta cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng đối với những khách hàng tình cờ. Người thanh niên càng năng nổ, có tinh thần chiến thắng càng sẽ được tuyển vào làm trong công ty. Hoàn cảnh trong Phúc âm hôm nay cũng gần tương tự. Các tông đồ coi Nước Trời như chuyện buôn bán cạnh tranh vậy… thế là Chúa Giêsu phải lên tiếng can thiệp.
Đây là lần thứ hai, Chúa Giêsu có ý loan báo cho các ông về cái chết và phục sinh của Người. Giáo huấn này thật vô vị: Các ông chẳng hiểu, tệ hơn nữa, cũng chẳng thèm hỏi han gì. Lời Chúa chẳng vang dội trong tâm khảm các ông. Các ông bàn tán về đề tài các ông ưa thích: ai là người lớn hơn cả?

Về tới nhà
Về tới nhà, Chúa Giêsu ngồi xuống, quy tụ các môn đệ lại chung quanh Người. Lần này, Người muốn cho các ông phải hiểu. Người dùng chính lời lẽ của các ông để diễn tả: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Các ông muốn làm người lớn, là người quan trọng trong Giáo hội, điều này chẳng phải là xấu. Các ông là người thế nào, có tham vọng làm lớn tới đâu, thì Chúa nhận như vậy thôi, nhưng Chúa Giêsu chỉ cho các ông phương thế làm lớn trong Giáo hội. Làm lớn, chính là trở nên người bé nhỏ; làm người quan trọng, chính là coi mình chẳng là gì; là ông chủ, thì phải làm người phục vụ; làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết.
Để cho các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Chúa Giêsu làm một dụ ngôn bằng động tác: Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…” Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho lại được cái gì. Chúa Giêsu hàm ý rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng tiếp đón bản thân Người và khi người ta tiếp đón vì danh Người, một người yếu đuôí, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần. Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tước đọat nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.

Thứ Ba 21-5

Thánh Crispin ở Viterbo

(1668 -- 1750)

Thánh Crispin tên thật là Phêrô Fioretti, sinh ở Viterbo, nước Ý. Ngài mồ côi cha ngay khi còn nhỏ. Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai năm tuổi cho Ðức Mẹ. Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Ðức Maria như mẹ ruột của mình.
Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy, cho đến khi 25 tuổi, Phêrô gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ và lấy tên là Crispin.
Sau khi khấn trọn, ngài được giao cho công việc đầu bếp cho nhà dòng ở Tolfa. Như lúc còn ngoài đời, ngài luôn luôn sùng kính Ðức Mẹ và qua sự cầu nguyện của thầy, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn. Có lần một nhà quý tộc vì sống trác táng nên bị đau nặng và đến xin Thầy Crispin cầu nguyện. Thầy hỏi, "Thưa ngài, ngài muốn Ðức Mẹ chữa ngài, nhưng nếu giả như có người xúc phạm đến Con của Mẹ thì người ấy có làm buồn lòng Ðức Mẹ không? Nếu thực sự sùng kính Ðức Mẹ thì không thể xúc phạm đến Con của Mẹ được." Nhà quý tộc đã ăn năn sám hối và thay đổi đời sống.
Cùng với công việc đầu bếp, y tá, làm vườn, Thầy Crispin là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm. Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn. Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây.
Ngài đích thực là con cái của Thánh Phanxicô, luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần vào lúc tám mươi hai tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VII phong chân phước năm 1806 và Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho ngài năm 1982

Lời Bàn

Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết, "Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống" (Sự Huy Hoàng của Giáo Hội, t. 183). Thánh Crispin quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với ngài và trong bất cứ thời gian nào. Thánh Crispin đã trở nên cuốn phúc âm sống động cho anh em dòng và cho người dân ở Orvieto. Sự thánh thiện của ngài đã khuyến khích họ sống bí tích rửa tội một cách độ lượng hơn.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong thánh cho Thầy Crispin, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng gia đình nhân loại thường bị "cám dỗ bởi quyền tự trị lầm lạc, vì từ chối các giá trị Phúc Âm, do đó, nhân loại cần đến các thánh, là những gương mẫu đã dùng đời sống cụ thể của mình để minh chứng tính cách xác thực của Ðấng Tối Cao, giá trị của sự Mặc Khải và sự Cứu Ðộ mà Ðức Kitô đã hoàn thành" (Báo L'Observatore Romano 1982, tập 26, số 1).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét