Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Niềm vui buổi giao thời


Niềm vui buổi giao thời

Trên bản tin Zenit ngày 6 tháng 5, linh mục Thomas Rosica, CSB, thuật lại những giây phút nghiêm trọng nhưng đầy hân hoan của buổi giao thời giữa triều đại Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. 

Theo ngài, ngày 11 tháng 2 năm 2013 không những di chuyển các địa tầng (plates) trái đất đối với Giáo Hội, mà còn đánh dấu sự thay đổi đầy chấn động đối với đời ngài. Vì buổi sáng hôm đó, tại Rôma, đức giáo hoàng từ chức, làm cả thế giới và giáo hội sững sờ. Khi đồng nghiệp và bạn thân của ngài là linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, điện thoại mời ngài mau chóng tới Rôma phụ giúp, thì ngài hiểu ngay vụ từ chức đột ngột này đã tạo nên cả một cơn sóng thần truyền thông. 

Từng điều hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Canada năm 2002, thành lập và điều khiển Hệ Thống Truyền Hình Công Giáo Muối và Ánh Sáng tại Canada từ năm 2003, và phục vụ trong tư cách tùy viên truyền thông do Vatican cử nhiệm tại hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới trong các năm 2008 và 2012, Cha Rosica hiểu rõ việc làm của truyền thông đối với Giáo Hội. Tuy nhiên, không điều gì so sánh được với kinh nghiệm đáng sợ của vai trò phát ngôn viên Tòa Thánh vào Mùa Chay 2013. Vì vai trò này bao dàn một cuộc từ nhiệm giáo hoàng, một cuộc trống ngôi giáo hoàng, một cơ mật viện bầu giáo hoàng trong bầu khí không có an táng giáo hoàng, và biến cố bất ngờ bầu vị giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ Châu, không phải là bất cứ vị giáo hoàng nào, mà là một giáo hoàng Dòng Tên, vị giáo hoàng hiện đại đầu tiên được thụ phong linh mục sau Công Đồng Vatican II. 

Trong tháng kế tiếp, Cha Rosica cảm nhận được không chỉ một trận lụt mà cả một trận sóng thần gồm đủ hình ảnh, trình thuật, gặp gỡ, người và cơ hội sẽ thay đổi cả sinh hoạt và hướng đi của Giáo Hội. May mắn, ngài được Sebastian Gomes, một nhà sản xuất trẻ người Canada cùng đi. Họ đã cùng làm việc với nhau cả ngày lẫn đêm. 

Từ chức

Việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức có thể làm nhiều người trong Giáo Hội và trên thế giới ngỡ ngàng, nhưng không làm Cha Rosica ngạc nhiên. Vì Đức Giáo Hoàng từng xa gần nói tới việc có thể từ chức từ mấy năm trước rồi. Với việc công bố từ chức này, nhà thần học và thầy dạy sáng chói, người từng là quán quân bênh vực truyền thống và từng được gán cho danh hiệu “bảo thủ” này đã tạm biệt ta bằng một cử chỉ hết sức tiến bộ mà chưa vị giáo hoàng nào làm được. Nhìn nhận điều ngài gọi là “không còn khả năng chu toàn thoả đáng thừa tác vụ đã được trao phó cho tôi”, con người hết sứ e thẹn vốn nổi tiếng về lòng từ tâm, đức ái, sự lịch thiệp và đức khiêm nhường cao độ này đã cho ta một giây phút dạy dỗ có tính kích thích làm cả thế giới rúng động. Ta không được Đức Celestinô V để lại bất cứ kịch bản hay ghi chú nào về việc ngài từ chức sau 5 tháng làm giáo hoàng vào năm 1294, vì cảm thấy bị tràn ngập bởi các đòi hỏi của chức vụ. 

Nếu Chân Phúc Gioan Phaolô II dạy ta bài học đau khổ và chết xứng đáng, thì Đức Joseph Ratzinger dạy ta ý nghĩa của việc từ bỏ êm ái, không bám vào quyền hành, ngôi báu, danh giá, truyền thống và đặc ân của chức vụ. Ngài quả là người anh em của ta, như Giuse xưa, người mà nhiều người không muốn nhìn nhận lúc đầu, nhưng cuối cùng đã được thừa nhận và ôm lấy như người anh em thân yêu. 

Một trong những giây phút cảm động nhất trong thời gian phục vụ tại Rôma lần này của Cha Rosica diễn ra ngày 28 tháng 2, ngày cuối cùng của triều giáo hoàng Bênêđíctô. Việc ngài rời bỏ Tông Cung (Apostolic Palace) và Vatican làm cả tâm trí thế giới chú ý. Lời từ giã các cộng sự viên vào buổi chiều hôm ấy, đường bay ngắn ngủi của trực thăng tới Castel Gandolfo, những lời sau cùng trong tư cách giáo hoàng để nói với ta rằng ngài sẽ trở thành “một khách hành hương” trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời khiến ai trong ta cũng mủi lòng. Đêm ấy, ở Rôma, dường như không con mắt nào khô cả. Cuộc từ giã của Đức Bênêđíctô khiến mọi người nhớ tới giây phút cảm động khi Thánh Phaolô từ biệt các trưởng lão Êphêsô (Công Vụ 20). 

Trống tòa

Với triều giáo hoàng kết thúc, công việc của Phòng Báo Chí Tòa Thánh tăng lên gấp bội. Các Cha Lombardi, Gil Tamayo (từ Tây Ban Nha) và Rosica phải gặp gỡ hàng trăm nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới trong các buổi họp báo hàng ngày. Một ký giả đùa gọi các ngài là “Ba Ngôi”. Hơn 6 ngàn nhà báo tụ về Rôma, và nhà báo nào cũng thèm tin tức cả. Các cha bắt buộc phải chọn lựa: một là cứ để mặc cái khoảng chân không của báo chí ấy cho đủ thứ tạp nham có hại, hai là cung cấp những bữa ăn “no bụng” (buffet) đầy tin tức để giới truyền thông thuật lại cho thế giới nghe câu truyện vĩ đại đang diễn ra trước mắt chúng ta. 

Chiến thuật của Vatican nhằm “trải bàn” bắt đầu đem lại kết quả. Trong khi các hồng y tụ về Rôma và gặp nhau trong các buổi họp kín để lượng định tình thế của Giáo Hội và đưa ra dung mạo cho vị giáo hoàng kế tiếp, thì hàng ngày, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phải giải đáp không biết bao nhiêu trăm câu hỏi của báo chí. Cha Rosica được chỉ định xử lý các câu hỏi bằng tiếng Anh và do đó, đã phải làm việc 18 tiếng một ngày với giới truyền thông trong các ngành truyền hình, in ấn và truyền thanh khắp thế giới. Nhiều đến nỗi sau 165 cuộc phỏng vấn truyền thanh và truyền hình ngài hết còn đếm được nữa. 

Các câu hỏi nêu lên trong các buổi họp báo cho thấy một lưu tâm lớn lao đối với các sự việc của Giáo Hội. Từ mầu giầy của vị giáo hoàng về hưu, việc niêm ấn các căn phòng của giáo hoàng, việc hủy nhẫn ngư phủ cũng như con dấu giáo hoàng, các qui định sửa đổi và chi tiết về cơ mật viện bầu giáo hoàng, cho tới những hóa chất dùng để tạo mầu cho khói, cả thế giới đều muốn nhìn và muốn nghe. Cha Rosica chặc lưỡi nhiều lần vì nghĩ rằng trong nhiều năm qua, Giáo Hội đã có nhiều cố gắng trong lãnh vực truyền thông xã hội, vậy mà đối với một biến cố chính như mật viện bầu giáo hoàng, ta vẫn phải dựa vào mầu khói làm dấu hiệu. 

Các vấn đề được các hồng y bàn bạc trong các cuộc họp gay cấn trước cơ mật viện có tính khá bao trùm: từ tình thế Giáo Hội nói chung, tới các thách thức chính của tân phúc âm hóa, các mối liên hệ của Giáo Triều với các giáo hội địa phương; từ các vụ rò rỉ (Vatileaks) từng làm phiền triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô tới hậu quả của các vụ tai tiếng xách nhiễu tình dục khắp nơi trên thế giới và các thách thức hành chánh và truyền thông xẩy ra ở cấp cao nhất trong Giáo Hội, tất cả đều là đề tài thảo luận trong buổi giao thời (interregnum). Và câu hỏi chủ chốt được nêu ra trong những ngày này là “Ai là người có khả năng xử lý chúng?”

Cơ Mật Viện bầu giáo hoàng

Ngày 12 tháng 3, khi hồng y đoàn bước vào cơ mật viện, thì phấn khích và hy vọng là điều ai cũng thấy. Cha Rosica được mời vào bên trong Nhà Nguyện Sistine tham dự nghi lễ khai mạc cơ mật viện, với đủ diễn hành uy nghi, nghi thức long trọng, cầu nguyện và tuyên thệ của các hồng y. Vào trong đó, Cha bị choáng ngợp bởi nhiều chi tiết của căn phòng đã hóa thánh đó. Lúc còn nhỏ, Cha được coi những cuốn phim trên truyền hình về những gì diễn ra ở đây rồi. Nhưng hôm đó, ngắm các hồng y diễn hành chầm chậm tiến theo con đường dốc được dựng lên cách đặc biệt, Cha hiểu rằng đây không phải là một cuốn phim hay một chiến dịch chính trị, mà là một cảm nghiệm thiêng liêng hết sức xúc động. Cha cảm thấy ớn xương sống khi nghe Ca Đoàn Sistine hát Kinh Cầu Các Thánh và kinh “Veni Creator” (Kinh Chúa Thánh Thần). 

Cha ngắm khuôn mặt long trọng của các hồng y, mà nhiều vị chính cha quen biết, và không chỉ thấy các người mặc phẩm phục đỏ mà thấy cả quê hương của các ngài nữa; cha tưởng tượng giờ này đây hẳn dân chúng tại quê hương đang cầu nguyện cho các ngài. Cha nghe thấy tiếng các ngài nổi lên khi mỗi hồng y đặt tay trên Sách Tin Mừng và tuyên đọc lời thề bằng một thứ Latin “có giọng”, trước bức bích họa cứu chuộc và dưới bức tạo dựng trên trần Nhà Nguyện Sistine của Michelangelo. Đời một trong các vị này sẽ thay đổi tận căn gốc ngay tại căn phòng này. Rồi tiếng hô “Extra omnes” (mọi người ra ngoài) có tác dụng trực tiếp với Cha Rosica vì ngài là người cuối cùng bị buộc ra khỏi Nhà Nguyện Sistine trước khi việc bỏ phiếu bắt đầu. 

Một Lễ Phục Sinh sớm 

Trong buổi giao thời này, nếu chỉ dựa vào tường trình của truyền thông Ý, người ta dễ cho rằng chúng ta đang tham dự một cuộc đua ngựa. Nước Ý càng cố gắng khống chế toàn bộ diễn trình và hân hoan trước những rò rỉ bao nhiêu, thì họ càng làm cho diễn trình ra sai lạc bấy nhiêu, trong khi nhiều người khác khắp nơi trên thế giới trố mắt nhìn làn khói trắng được phun ra từ ống khói mong chờ.

Cha Rosica cho hay: ngài không bao giờ quên được cảm nghiệm của buổi tối thứ Tư hôm đó khi làn khói trắng xuất hiện. Đó là buổi tối lạnh lẽo, mưa gió, nhưng hàng ngàn người tụ về Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Dù đang là Mùa Chay, nhưng tối hôm ấy giống như một Thứ Bẩy Tuần Thánh, vì ai nấy đều như đang mong chờ một điều gì đó thật bất ngờ và mới lạ. Tiếp theo câu tuyên bố “Habemus Papam” (chúng ta đã có giáo hoàng), là một cái tên lạ hoắc, một người ở bên ngoài, nhưng người này lập tức chiếm được lòng quần chúng tụ tập ở quảng trường và khắp thế giới bằng những lời này “Fratelli e Sorelle, buona sera! (Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!)”. Ai có thể tin được rằng một triều giáo hoàng đã bắt đầu bằng những lời lẽ hết sức đơn giản và thông thường đến thế.

Và trong trí tưởng tượng hết sức phong phú của mình, chưa bao giờ Cha Rosica lại nghĩ có vị giáo hoàng nào lấy hiệu là Phanxicô! Ngài cũng khó mà hiểu được khung cảnh hàng mấy trăm con người đang hò la hân hoan bỗng im bặt như tờ khi “Papa Francesco” cúi đầu và xin người ta cầu nguyện cho mình. Đó là khoảnh khắc xúc động nhất mà Cha Rosica đã cảm nhận được xưa nay trong các cử hành tại Vatican. Lời yêu cầu “anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi” của Đức Phanxicô cứ vang dội mãi trong Cha. Đó là những lời Đức Hồng Y Bergoglio từng nói với Cha Rosica hai lần trong thời gian tiền cơ mật viện khi hai vị gặp nhau tại đường phố Rôma. 

Ngay từ những giây phút đầu tiên, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh tới vai trò của ngài dưới danh hiệu cổ xưa là “Giám Mục Rôma”, người chủ trì trong bác ái, theo kiểu nói thời danh của Thánh Inhaxiô thành Antôkia. Ta không thể coi nhẹ việc ngài liên tiếp lặp lại danh hiệu này, một danh hiệu có tầm quan trọng rất lớn không những cho việc tiếp diễn cuộc đối thoại đại kết, trước hết với các giáo hội Chính Thống, mà còn cho cả nội bộ Giáo Hội Công Giáo nữa. 

Nếu Chân Phúc Gioan Phaolô II là giáo hoàng hành hương và Đức Bênêđíctô XVI là giáo hoàng vĩ đại, trí thức, thì Đức Phanxicô là giáo hoàng mục vụ, rất gần gũi dân, và là một mục tử không loại bỏ ai, nhưng nhấn mạnh và yêu thương những gì chính Chúa Kitô nhấn mạnh và yêu thương, đó là người nghèo, người bệnh, người ở bên lề. Tiếp nối với các vị tiền nhiệm và bằng những cử chỉ và lời lẽ đơn giản, Đức Phanxicô dạy ta cách phát biểu và thông truyền ra sao niềm vui được làm con người nhân bản. Ngài kêu gọi các linh mục đem sức mạnh chữa lành của ơn Chúa đến cho những ai thiếu thốn, sống gần gũi những ai bị đẩy ra bên lề và trở thành “những mục tử nặc mùi chiên”. 

Cử chỉ và lời lẽ đơn giản của ngài phát xuất từ huy hiệu giám mục và nay là huy hiệu giáo hoàng của ngài: miserando et eligendo. Cái nhìn đầy tình trìu mến nhân hậu (miserando) của Chúa Giêsu nói lên sự nhẫn nại của Thiên Chúa, một sự nhẫn nại vốn được nhiều người cho là cách Thiên Chúa đáp trả sự yếu đuối của con người. Trích từ lời bình luận của Thánh Bede về việc kêu gọi Thánh Mátthêu, những chữ này nói lên toàn bộ cách tiếp cận người ta của Chúa Giêsu: tỏ lòng nhân hậu và mời gọi (eligendo) họ bước chân theo Người. Đó chính là các yếu tố chủ yếu của đức tin Kitô Giáo. 

Nhớ lại Mùa Chay 2013 

Nhiều bạn thân, đồng nghiệp và đồng tu thắc mắc về những ngày Mùa Chay sống tại Rôma kỳ vừa qua: “Làm sao cha sống nổi giữa cái hỗn mang như thế tại Vatican, nào là một giáo hoàng từ chức, nào là toan tính của các hồng y, nào là tai tiếng và những trò ma giáo hậu trường?”. Cha Rosica chỉ mỉm cười vì ngài không có một cảm nghiệm nào về những điều ấy cả. Thay vào đó, ngài gặp được sự tiếp đãi ân cần của Giáo Triều, sự lưu tâm lớn lao của hơn 6,000 nhà báo thế giới đối với mọi vụ việc của Giáo Hội. Ngài cử hành thánh lễ mỗi sáng hoặc tại Nhà Mẹ của Dòng Tên trên đường Borgo Santo Spirito, hoặc tại bàn thờ ở Nhà Thờ Thánh Phêrô hoặc tại hầm Nhà Thờ này. Sau đó tới chỗ làm việc. 


Trong suốt bốn tuần lễ của Mùa Chay này, ngài có dịp ngàn năm một thuở được dạy dỗ, được giảng giáo lý và tin mừng cho các dân tộc và đem Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa mùa thu trước vào thực hành. Nhờ kinh nghiệm quí giá này, ngài có được một cảm thức đổi mới đầy ngạc nhiên và kính sợ, đầy biết ơn và hân hoan sâu xa. Thực tại được ta gọi là Đạo Công Giáo này từng kinh qua nhiều sóng to gió cả và sống thoát nhiều tấn kích của cửa hỏa ngục. Đó là câu truyện của những con người thực, của những việc thực và những thay đổi lớn lao từng xẩy ra với họ. Những con người thực này đánh cá cuộc đời họ, và tiếp tục đánh cá như thế, không phải trên những ngụ ngôn hay những câu truyện hoang tưởng, mà trên những điều họ hiểu là chân lý, là nền tảng cho các mục tử như Angelo Roncalli, Giovanni Battista Montini, Albino Luciani, Karol Wojtyla, Joseph Ratzinger và Jorge Mario Bergoglio, những vị giáo hoàng thời Cha Rosica, những vị mà cuộc đời và tên tuổi hoàn toàn được biến đổi tại Nhà Nguyện Sistine. Cha và các đồng nghiệp cũng đã cố gắng phục vụ cùng những chân lý ấy trong những ngày Mùa Chay đáng ghi nhớ vừa qua, khi thuật lại cho thế giới câu truyện xưa cũ nhưng đôi lúc khó tin mà vẫn tiếp tục phấn khích và lôi cuốn toàn thế giới này.
Vũ Văn An 5/10/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét