Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

26-05-2013 : (phần 2) CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN - CHÚA BA NGÔI

Chúa Nhật Ngày 26/05/2013
Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm C
CHÚA BA NGÔI
(phần II)


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM C
Sách Khôn Ngoan 8.22-31; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 5.1-5
và Phúc Âm Thánh Gioan 16.12-15
I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Những điều Chúa mạc khải là chân lý. Nên gọi là chân lý mạc khải.

Chân lý mạc khải chỉ toàn vẹn với hoạt động soi dẫn và giáo huấn của Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần  – Thiên Chúa Ngôi Con làm người – Thiên Chúa Cha là một. Thần Chân lý dạy những gì của Thiên Chúa Con. Thiên Chúa Con có tất cả những gì Thiên Chúa Cha có.

II.        Vấn nạn P.Â.    
Tại sao gọi là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi?
Xin trưng dẫn mạc khải và giáo huấn về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

            Mầu nhiệm mạc khải hay mầu nhiệm đức tin là những chân lý do chính Chúa mạc khải nhưng “anh em không có sức chịu nỗi!” Vì vượt quá sự hiểu biết của con người. Vì là đối tượng của đức tin. Để chấp nhận được hay để tin những chân lý mạc khải cần được Chúa Thánh Thần đến hướng dẫn và soi sáng.

            Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin trong đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin (Directorium Catecheticum Generale – Hướng dẫn Giáo Lý tổng quát số 43)

            Trọn lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mạc khải, để giao hòa và kết hợp với Người những ai từ bỏ tội lỗi (Directorium Catecheticum Generale – Hướng dẫn Giáo Lý tổng quát số 47)
           
Mạc khải và giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi:
           
Tân Ước:
·        Matthêô 28, 19:  “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”
·        Matthêô 25, 31: “Khi Con Người đến trong vinh quang ….để phán xét..” được hiểu là Ba Ngôi Thiên Chúa là thẩm phán xét xử nhân loại.
·        Matthêô 21, 33: Đức Kitô mô tả Ngài như người con trong gia đình có trách nhiệm quán xuyến công việc của Thiên chúa Ba Ngôi.
·        Matthêô 24, 31: Ngài là Chúa của các thiên thần trên trời và truyền bảo họ thừa hành lệnh truyền của Thiên Chúa.
·        Matthêô 16, 16-17: Tuyên tín của Phêrô về Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế được nhìn nhận là do sự soi dẫn của Thiên Chúa Ba Ngôi.
·        Luca 22, 66-71: Trước thượng tế Caipha, Chúa Giêsu tự nhận mình là Đấng Cứu Thế và là Con thiên chúa. Ngài bị qui tội phạm thượng vì dám nhận mình là Con Thiên chúa.
·        Gioan 20,31: Phúc Âm được viết để chứng minh về thiên tính nơi con người Giêsu.
·        Gioan 14, 7; Gioan 14,10; Gioan 16,15; Gioan 17,21… Đức Kitô bảo “Ai thấy Ta là thấy Cha; Ai tin Ta thì tin Đấng đã sai Ta…”
·        Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 13,13: “Nguyện xin ân sủng của Đức Kitô và tình yêu của Thiên Chúa Cha và sự thông hiệp với Chúa Thánh Thần ở cùng tát cả anh chị em”
·        Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi Côrintô 12,4-11: “Nhiều ân sủng khác nhau, nhưng cùng một Thánh Thần. Nhiều nhiệm vụ, nhưng cùng một Chúa. Nhiều hoạt động nhưng cùng một Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong mọi người.”
·        Tông Đồ Công Vụ: 13,2; 16,7; 5,3; 15,28

Cựu Ước:
·        Sáng thế Ký 16,7: 16,18; 21,17 31,11:  Thiên Chúa tỏ mình ra qua công việc sáng tạo cũng như qua những sứ giả của Chúa.
·        Isaia 7, 14; Isaia 9, 6: Tên Đấng Cứu Thế là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng toàn năng.
·        Sách Giáo Sĩ 24 nói về sự khôn ngoan đến từ tập thể Thiên Chúa.

Thế nào là lạc giáo (Heresy), Bội giáo (Apostasy) và Ly giáo (aschism)

Giáo luật khoản 751 định nghĩa:
Lạc giáo (heresy) là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin thần khởi và Công Giáo hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Giáo luật nói post receptum baptism – Sau khi rửa tội. Nhưng chúng ta cũng hiểu là sau khi đã hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, trong trường hợp những người đã rửa tội ngoài Công Giáo và gia nhập Giáo Hội qua nghi thức tiếp nhận để hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo.

Người lạc giáo là người ngoan cố chối bỏ đức tin thần khởi và Công Giáo,de fide Divina et Catholica. Tức người đã hiểu đó là chân lý thần khải, được chỉ dạy phải tin và cố tình chối bỏ.  Hình phạt dành cho người lạc giáo là vạ tuyệt thông được qui định trong giáo luật khoản 1364§1

Chân lý thần khải, tức mạc khải và những giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hội Công Giáo:

Đan cử một số tội lạc giáo:
Có một ít giáo sĩ cho phép người đã có nhiều con được quyết định hạn chế sinh sản, ngừa thai hay phá thai tùy theo tiếng lương tâm và hoàn cảnh. Vì theo họ, có nhiều con mà không giáo dục được con cái thì thà có ít con. Tuy nhiên trong Veritatis Splendor số #32, Đức Giáo Hoàng Goan Phaolô II dạy rằng: Trong sáng Thế Ký chúng ta đọc thấy rằng: Chúa bảo người đàn ông “Ngươi tự do ăn những trái cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ thì đừng ăn. Nếu ăn, người sẽ phải chết…(Sáng thế Ký 2,16-17) Như vậy khả năng để đoán định việc tốt xấu không tùy thuộc con người nhưng nơi Chúa.

Ngày 28.2.2006, đa số những thành viên của Dân Chủ Công Giáo ở Connecticut đã biểu quyết tán thành việc phá thai hợp pháp (pro-abortion). Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Đời sống hôn nhân có nhiệm vụ truyền sinh nhân loại. Việc trực tiếp làm cho tuyệt sản hay ngừa thai là xấu và có tội (Giáo Lý Công giáo số 2366 và 2370)

Quyền tự sát và an tử: Điều răn thứ năm dạy “Chớ giết người!” Sự sống con người được Thiên Chúa ban tặng như một báu vật. Chúng ta phải quí trọng, bảo tồn sự sống. Chúng ta phải tri ân người ban sự sống. Quyền sống chết không nằm trong tay chúng ta, nhưng trong tay Chúa là sự sống. Nên chủ trương có quyền tự giết chết mình hay quyết định an tử là những tội lạc giáo.

Bội Giáo (Apostasy) là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo. Sự chối bỏ nầy phải hiểu là chính thức và bộc lộ công khai. Như trường hợp người rửa tội Công giáo mà bỏ đạo sang làm tín đồ Phật Giáo, Hồi Giáo hay thành vô thần, gia nhập đảng Cộng Sản… đều hiểu là bội giáo.

Ly giáo (Schism) là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể thuộc quyền Ngài. Những người Công Giáo chối từ quyền tối cao của Đức Thánh Cha để gia nhập Chính Thống Giáo hoặc gia nhập những Giáo Hội ly khai từ Công Giáo như Luthêrô hay Anh Giáo hay như Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre… được coi là ly giáo.
Đức Cha Marcel Lefebvre, là tổng giám mục hưu trí của Tulle. Ngày 30.6.1988 dù không có lệnh của tông tòa (pontifical mandate) Ngài đã tấn phong Giám Mục cho bốn Giám Mục khác là Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarrete. Bộ trưởng bộ Giám Mục lúc bấy giờ là Hồng Y Bernadinus Gantin, ngày 3.7.1988 đã tuyên bố vạ tuyệt thông tức khắc dành cho Tòa Thánh áp dụng cho Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre và bốn tân Giám Mục vừa được tấn phong – Tất cả những tội nhân ly giáo nầy bị áp dụng hình phạt được qui định theo Giáo Luật điều 1364§1. Ngoài ra, Antonio de Castro Mayer, Giám Mục hưu trí của Campos, phụ phong cũng bị vạ tuyệt thông được qui định trong giáo luật điều 1382.

Thế nào là bất khả ngộ?

            Giáo Luật khoản 749 qui định:
            §1. Do chức vụ của mình, Đức Giáo Hoàng được ơn bất khả ngộ trong quyền giáo huấn khi Ngài tuyên bố một cách quả quyết là phải giữ một học thuyết về đức tin hay về luân lý, với tư cách là chủ chăn và là Tiến Sĩ tối cao của tất cả mọi Tín Hữu, để củng cố anh em mình trong đức tin.
            §2. Giám Mục đoàn cũng được ơn bất khả ngộ trong quyền giáo huấn, khi các Giám Mục hội họp trong công đồng chung thi hành quyền giáo huấn với tư cách là Thầy dạy và là thẩm phán về đức tin và luân lý, khi các Ngài tuyên bố toàn thế Giáo Hội phải dứt khoát tuân giữ một học thuyết liên quan đến đức tin hay luân lý.

            Như vậy đặc ân bất khả ngộ, tức ơn không sai lầm dành cho Đức Giáo Hoàng, được gọi là vì chủ chăn và là thầy dạy tối cao của Giáo Hội, cũng như cho Công Đồng chung qui tụ các Giám Mục trên toàn thế giới trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

            Ơn bất khả ngộ nầy chỉ qui định trên vấn đề đức tin và luân lý mà thôi.
            Ơn bất khả ngộ được thực hiện trong tư cách gọi là Ex Cathedra, tức từ Ngai tòa Thánh Phêrô, với quyền chủ chăn và thầy dạy tối cao, Đức Giáo Hoàng tuyên bố những tín điều liên quan đến đức tin và luân lý. Trong lịch sử Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội ngày 8.12.1954. Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 1.11.1950.

III.            Thực hành P.Â.:

1.      Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi rất gần với thực tế cuộc sống
Đời người thường có ba giai đoạn: Trẻ - trung niên và già lão. Ba giai đoạn, một cuộc đời.
Linh hồn con người có ba khả năng: trí nhớ - trí hiểu và lý trí. Ba khả năng, một linh hồn.
Con người sống cần nước và thân thể con người chứa thật nhiều nước. Nước có thể ở ba dạng thức khác nhau: chất lỏng như nước lã; chất khí như hơi nước, chất đặc như nước đá. Ba dạng thức khác nhau nhưng cùng là nước.

Thế vững chắc là thế chân vạc theo kiểu lư hương, có ba chân kiềng.
 Một gia đình được hiểu là có ba thành phần: Cha – Mẹ và con cái. Ba thành phần khác nhau tạo thành một gia đình.
Giáo Hội Công Giáo là gia đình của Chúa, có Chúa là Cha – Có Đức Mẹ và có tín hữu.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là đời sống căn bản, nội tại của Thiên Chúa. Chúa sinh dựng nên chúng ta giống hình ảnh Chúa, tức Chúa muốn chúng ta thực hiện sự đồng nhất và khác biệt trong cuộc sống mình. Chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Chúng ta là đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi.

Kiểu làm việc ngày nay chú trọng vào dạng thức gọi là team work, tức làm việc chung với nhau. Mỗi người đóng góp phần khả năng và tài năng của mình để hoàn thành công việc chung. Kết quả rất phong phú và thích thú. Dù sao, một vườn hoa với muôn sắc hoa vẫn đẹp hơn một vườn hoa độc một sắc hoa.

Đức Cha tôi bị tai biến mạch máu não và Ngài phải liệt giường trong một thời gian, tôi nghĩ ít là phải hai tháng. Ngài không chấp nhận hoàn cảnh. Ngài rất khó chịu dù nằm hay ngồi. Rất dễ hiểu: Ngài là một Giám Mục còn trẻ, đang sức và rất năng động, luôn có sáng kiến mục vụ và nhất là “ôm việc” và khá độc đoán.  Bây giờ phải nắm một chỗ. Ngài không an tâm khi buộc phải giao việc cho tôi hay cho người khác. Tôi đã thật lòng nói với Ngài: Chúa nói với Đức Cha rất nhiều trong biến cố nằm liệt giường nầy. Chúa nói rằng: chúng ta mỏng dòn và rất giới hạn. Chúa nói rằng: chúng ta chỉ là công cụ trong một giai đoạn. Giáo Hội có trước chúng ta và tồn tại sau khi chúng ta chết. Don’t make yourself to be the owner of the Church!

Nên hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: phân chia nhiệm vụ và thực hiện công việc chung với những tham gia và ý khiến khác với chúng ta. Tất cả là công cụ trong tay Chúa.

2.      Không thấy Chúa. Không tin Chúa

Năm 1961, phi hành gia của Nga tên Yuri Gagarin đã là người đầu tiên bay trên không gian, đường như Ông bay đến gần 18 lần chung quanh trái đất. Mọi người hết sức ngưỡng mộ ông. Nhưng Ông cũng đã làm nhiều người thất vọng khi tuyên bố: Không thấy Đức Chúa Trời đâu cả.

Thiên Chúa không  phải là đối tượng của nhãn quan hay của tri thức, nhưng là của đức tin. Yuri không có đức tin thì làm sao thấy Chúa được? Có ai đó không thấy Chúa, không có nghĩa là không có Chúa. Nhưng phải hiểu là có Chúa nhưng người ta không tin có Chúa. Nên vô thần là kiêu ngạo và là một bất hạnh, vì chối bỏ Đấng sinh thành nên mình. Có người con nào được gọi là con ngoan hay người tốt khi chối bỏ cha mẹ sinh ra mình?

Điều kiện đầu tiên để có đức tin là khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của trí óc chúng ta. Có nhiều điều hiện hữu mà chúng ta không thấy. Thí dụ: ai thấy tình yêu thế nào? Màu sắc hay nặng nhẹ ra sao? Không, chúng ta không thấy, nhưng ai cũng sống vì tình yêu và nhờ tình yêu.

Chúng ta cũng không hiểu hết công dụng của những thành phần trong thân thể chúng ta thí dụ như ruột thừa, để làm gì? Rún ở giữa bụng chúng ta dành cho việc gì? Những côn trùng trong vũ trụ để làm gì? Chúng ta không hiểu tại sao những thứ trên hiện diện? Trí óc chúng ta thật giới hạn.

Do đó, hãy bắt đầu một giờ phụng vụ hay đạo đức bằng Kinh Tin, Kinh Cậy và Kinh Kính Mến để xin Chúa ban thêm những nhân đức đối thần nầy cho chúng ta.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 

  

Chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi

“Chúc tụng Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần ,
Vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta”.
Đó là mở đầu thánh lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô, nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng đã không giải thích tại sao Thiên Chúa duy nhất mà lại có Ba Ngôi.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn từ biệt dài trong bữa Tiệc Ly về sự hiện diện và tác động của từng ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa Ba Ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng đã không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến, chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành.
“Ta và Cha Ta, Chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữ giới răn Ta truyền thì Chúng ta sẽ đến ngự trong người đó”. Trong Phúc âm thánh Gioan được dùng trong thánh lễ kính Chúa Trời Ba Ngôi là những lời của Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ chúng con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói như vậy và Người sẽ dạy bảo các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người đã lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói là Người sẽ lãnh nhận nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Đó là những lời trích từ bài diễn văn dài được ghi lại nơi ba chương của Phúc âm thánh Gioan, từ chương XIV-XVI, trong đó mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giêsu nhắc đến mà không giải thích cho các tông đồ. Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa mà là sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa nhưng không thể nào biết trọn được cả.
Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày nay. Trí khôn con người hữu hạn làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng, nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ như trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển.
“Thầy con nhiều điều phải nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự thật, Ngài sẽ đưa các con vào trong trọn cả sự thật”. Mỗi ngày chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi không bao giờ ngừng, cả cho đến khi chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.
Mỗi ngày chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em xung quanh như chính Thiên Chúa muốn.
Càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em xung quanh và phục vụ họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, mà dấu thánh giá chúng ta mang lấy hy sinh mình hàng ngày trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta được mỗi ngày một tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình trong Thiên Chúa, được biến đổi trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con người của mình trên trần gian này và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

26/05/13 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – C
Chúa Ba Ngôi
Ga 16,12-15

CHUYỂN ĐỘNG HIỆP THÔNG
“Mọi sự của Cha đều là của Thầy… Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,15)
Suy niệm: Mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi là mầu nhiệm của chuyển động hiệp thông giữa các Ngôi vị: Cha trao tất cả những gì Ngài có cho Con; Con thi hành ý muốn của Cha; Thánh Thần lấy tất cả từ Chúa Giêsu (Con) mà loan báo cho các môn đệ. Ba Ngôi riêng biệt với những hoạt động khác nhau được kết hợp nên một bằng sợi dây tình yêu chứ không phải là một khối đơn độc bất động. Chuyển động hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi đó là nguồn mạch sung mãn mọi ơn lành cho con người, cho những ai cũng được liên kết với Ngài trong tình yêu, như lời Thánh Âu-cơ-tinh đã nói: “Ở đâu có tình yêu, ở đó có Ba Ngôi: Ba Ngôi là người yêu, người được yêu và là suối nguồn của tình yêu.”
Mời Bạn: Bất cứ một tình yêu nào cũng đều phải diễn tiến theo mô thức của Ba Ngôi: chuyển động hiệp thông. Yêu ai thì phải làm (động) điều tốt cho người mình yêu (thông). Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà hành động để đôi bên được hạnh phúc, một hành động có sự tham dự của lý trí, con tim và đôi tay. Một tình yêu chỉ giữ lại cho mình mà không biết cho đi, tình yêu ấy sẽ chết dần chết mòn. Một tình yêu đích thực là một tình yêu được chia sẻ, ban phát theo mô thức của Chúa Ba Ngôi.
Sống Lời Chúa: Xét mình để tìm ra những hành động với ý đồ ích kỷ được ngụy trang dưới vỏ bọc bề ngoài có dán nhãn mác “yêu”; quyết tâm loại trừ những động lực ích kỷ đó.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa Trời con, xin hãy đẩy xa con những gì làm con xa Chúa, ban cho con những gì khiến con có thể đến gần Chúa hơn...”

Lectio: L Chúa Ba Ngôi (C)

húa Nht, 26 Tháng 5, 2013
Lời hứa về Chúa Thánh Thần:
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Giêsu sẽ gửi Chúa Thánh Thần
Ga 16:12-15


1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa, qua việc sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu xuống thế gian đã mặc khải dồi dào tình yêu của Chúa dành cho sự cứu rỗi của muôn người, xin Người luôn ở lại với chúng con và tiếp tục mặc khải những căn tính của Chúa về lòng trắc ẩn, nhân từ, khoan dung và chung thủy.  Chúa Thánh Thần của Tình Yêu, xin hãy giúp chúng con phát triển trong sự hiểu biết về Chúa Con để chúng con có thể có được sự sống. 
Cậy nhờ ơn Chúa và bằng cách suy gẫm Lời Chúa trong ngày lễ này, xin cho chúng con được trở nên hiểu biết hơn rằng mầu nhiệm của Chúa là một bài thánh ca về tình yêu chia sẻ.  Chúa là Thiên Chúa của chúng con và không phải là Thiên Chúa đơn độc.  Chúa là Chúa Cha, Đấng toàn năng.  Chúa là Chúa Con, Ngôi Lời đã mặc lấy xác loài người, gần gũi và yêu thương trong tình anh em.  Chúa là Chúa Thánh Thần, một tình yêu ôm trọn tất cả.

b)  Bài Tin Mừng:

12 “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. 13 Tuy nhiên, khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy; và Người sẽ bảo cho các con biết việc tương lai. 14 Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. 15 Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; vì thế Thầy đã nói:  “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Với lời của thánh Augustinô chúng ta nguyện rằng:  “Xin hãy ban cho con thời gian để suy niệm về những mầu nhiệm của lề luật Chúa, xin Chúa đừng đóng chặt cửa với những kẻ đã gõ cửa.  Lạy Chúa, xin Chúa hãy thực hiện dự tính của Chúa trong con và mở ra những trang đó.  Xin Chúa ban cho con có thể tìm thấy ân sủng Chúa và những mầu nhiệm sâu xa về Lời Chúa được mặc khải cho con khi con gõ cửa”.

2.  Suy Gẫm

a)  Lời mở đầu:

Trước khi chúng ta bắt đầu phần đọc Lời Chúa, điều quan trọng là chúng ta hãy tạm dừng lại một chút trên bối cảnh của đoạn Tin Mừng phụng vụ của chúng ta.  Theo những nhà chú giải Kinh Thánh, Lời của Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng Gioan đoạn 16:12-15 là một phần của sách Khải Huyền (13:1-17:26). Trong bài giảng từ biệt của mình, Chúa Giêsu đã bày tỏ sự thân mật của Người, Người gọi các môn đệ là bạn hữu và hứa với các ông rằng Chúa Thánh Thần sẽ đồng hành cùng các ông khi các ông thừa nhận mầu nhiệm Ngôi Vị nhập thể của Người.  Sau đó, các môn đệ được mời gọi góp phần vào việc tăng tiến trong tình yêu đối với Thầy mình là người đã ban tặng hoàn toàn chính bản thân Người cho các ông.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể phân loại được ba phần hoặc ba tiến trình rõ rệt.  Phần thứ nhất gồm có các chương 13-14 và theo một chủ đề sau đây:  một cộng đoàn mới đã được thành lập trên giới răn mới của tình yêu thương.  Qua sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, Người giải thích rằng việc thực hành tình yêu thương là phương cách mà cộng đoàn phải đi qua trong hành trình tiến về Chúa Cha. Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu mô tả vị trí của cộng đoàn ở giữa thế gian.  Người nhắc nhở các ông rằng cộng đoàn mà Người vừa thành lập phải thực hiện sứ vụ của mình ở giữa một thế giới thù địch và họ chỉ có thể thu nhận được những thành viên mới nếu họ thực hành tình yêu thương.  Đây là ý nghĩa của việc “sinh hoa kết trái” theo phần vụ của cộng đoàn.  Điều kiện cho một tình yêu sinh hoa trái trong thế gian là:  ở lại trong hiệp nhất cùng Chúa Giêsu.  Vì từ Người mà sự sống tuôn chảy – Thần Khí Chúa (Ga 15:1-6); việc hiệp nhất với Chúa Giêsu với một tình yêu như tình yêu thương của Người để thiết lập một mối quan hệ bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người (Ga 15:7-17)

Sứ vụ của cộng đoàn, giống như sứ vụ của Chúa Giêsu, sẽ được thực hiện ở giữa thế gian đầy ghen ghét đố kỵ, nhưng các môn đệ sẽ được giúp sức bởi Chúa Thánh Thần (Ga 15:26-16:25).  Chúa Giêsu bảo các ông rằng sứ vụ trong thế gian bao hàm sự đau khổ và vui mừng và Người sẽ vắng mặt (Ga 16:16-23a).  Chúa Giêsu đơn giản đoan chắc với các ông về sự hỗ trợ của tình yêu Chúa Cha và việc chiến thắng thế gian của Người (Ga 16:23b-33).  Phần thứ ba của đoạn Tin Mừng này bao gồm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu:  Người cầu nguyện cho cộng đoàn đương thời của Người (Ga 17:6-19); cho cộng đoàn trong tương lai (Ga 17:20-23); và nói lên niềm ước vọng của Người rằng Chúa Cha sẽ làm vinh hiển những kẻ đã biết Người và, cuối cùng, sứ vụ của Người trong thế gian có thể được hoàn thành (Ga 17:24-26).

b)  Suy Niệm:


-  Tiếng nói của Chúa Thánh Thần là tiếng nói của Chúa Giêsu

Trước đây, trong sách Tin Mừng Gioan 15:15, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về những gì Người nghe từ Chúa Cha.  Sứ điệp này đã hoặc không thể được hiểu thấu đáo bởi chính khả năng của các ông.  Lý do là các môn đệ, trong lúc ấy, đã lơ là với ý nghĩa của cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá và việc thay thế phương cách cứu độ cũ bằng phương cách mới.  Với cái chết của Chúa Giêsu, một dũng lực cứu chuộc mới và dứt khoát đã đi vào đời sống của nhân loại.  Các môn đệ sẽ hiểu Lời và các việc làm của Chúa Giêsu sau khi Người phục sinh (Ga 2:22) hoặc sau cái chết của Người (Ga 12:16).

Trong những lời giáo huấn của Chúa Giêsu có nhiều việc và sứ điệp được hiểu bởi cộng đoàn môn đệ khi các ông từ từ phải đối diện với những sự việc và tình huống mới; đó là trong đời sống hằng ngày và trong ánh sáng sự Phục Sinh mà các ông sẽ hiểu được ý nghĩa cuộc tử nạn thần thánh của Người.

Chính Chúa Thánh Thần, vị ngôn sứ của Chúa Giêsu, Đấng sẽ thông tri với các môn đệ về những gì đã được nghe từ Người.  Sứ vụ mà cộng đoàn của Chúa Giêsu phải thi hành sẽ được Chúa Thánh Thần thông tri với các ông một cách trung thực trong đó Người sẽ giải thích và giúp các ông áp dụng rằng chính Chúa Giêsu là phương tiện để hoàn thành sự biểu hiện tình yêu của Chúa Cha.  Qua các sứ điệp tiên tri của Người, cộng đoàn sẽ không truyền đạt một giáo điều mới nhưng thường xuyên nói về con người thực sự của Chúa Giêsu, dưới sự chứng kiến và chỉ hướng về sứ vụ của Người trong thế gian. Tiếng nói của Chúa Thánh Thần, mà cộng đoàn sẽ nghe, là tiếng nói của chính Chúa Giêsu.  Trong khi các tiên tri trong Cựu Ước diễn nghĩa lịch sử trong ánh sáng của sự giao ước, thì Chúa Thánh Thần trở thành một nhân tố quyết định trong việc loan báo về Chúa Giêsu, ban cho cộng đoàn các tín hữu chìa khóa dẫn đến sự hiểu biết lịch sử như là một cuộc đối đầu liên tục giữa những gì “thế gian” tin tưởng và kế hoạch của Thiên Chúa.  Điểm khởi đầu cho việc đọc về sự hiện diện của Người trong thế gian là cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu, và khi các Kitô hữu trưởng thành trong sự hiểu biết này họ sẽ khám phá ra trong đời sống hằng ngày “tội lỗi của thế gian” và những tác hại của nó.

Vai trò của Chúa Thánh Thần là một nhân tố quyết định cho việc diễn giải mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu trong đời sống của các môn đệ:  Người là hướng dẫn viên của các ông trong việc thay mặt cho nhân loại thực hiện một cam kết công lý.  Để thành công trong các công việc của mình cho nhân loại, một mặt khác, các môn đệ đã phải lắng nghe những vấn nạn của đời sống và lịch sử, và lại còn phải chú tâm tới tiếng nói của Chúa Thánh Thần, nguồn tin cậy duy nhất để có được ý nghĩa đích thực của các sự kiện lịch sử trên thế gian.

-  Tiếng nói của Chúa Thánh Thần:  Đấng diễn giải đích thật của lịch sử

Sau đó, Chúa Giêsu giải thích bằng cách nào mà Chúa Thánh Thần diễn giải lịch sử và đời sống nhân loại.  Trước hết, bằng việc biểu hiện sự “vinh quang” của Người, đó là Người sẽ lãnh nhận “từ nơi Thầy”.  Một cách cụ thể hơn, “từ nơi Thầy” có nghĩa rằng Chúa Thánh Thần truyền đi sứ điệp từ Chúa Giêsu, bất cứ những gì Chúa Giêsu đã nói.  Để thể hiện sự vinh hiển có nghĩa là biểu thị tình yêu mà Người đã thể hiện bằng cái chết của minh.  Những lời này của Chúa Giêsu rất quan trọng bởi vì chúng tránh làm giảm vai trò của Chúa Thánh Thần thành một sự chiếu sáng.  Vai trò của Chúa Thánh Linh là để thông tri tình yêu của Chúa Giêsu và đặt để Lời của Chúa Giêsu trong sự hài hòa với sứ điệp của Người và cũng như với ý thức sâu sắc hơn về đời sống của Người:  Tình yêu được thể hiện bằng cách cho đi mạng sống của Người trên thập giá.  Đây là vai trò của Chúa Thánh Thần, Thần khí của sự thật.  Hai khía cạnh của vai trò Chúa Thánh Thần cho phép cộng đoàn tín hữu giải thích lịch sử là:  lắng nghe sứ điệp và hiểu thấu nó, và sống hài hòa với tình yêu.  Hơn nữa, Lời của Chúa Giêsu là để thông tri rằng chỉ có qua sự truyền đạt tình yêu của Chúa Thánh Thần mới có thể biết rằng một người như thế nào, để hiểu mục đích của đời sống, và để xây dựng một thế giới mới.  Khuôn mẫu luôn là tình yêu thương của Chúa Giêsu.

 Chúa Giêsu, Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và cộng đoàn tín hữu (câu 15)

Chúa Giêsu có ý gì khi Người nói “tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy”?  Trước hết, điều gì mà Chúa Giêsu có đều đã được san xẻ với Chúa Cha.  Món quà tặng đầu tiên của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu là sự vinh hiển của Người (Ga 1:14), hoặc nói một cách chính xác hơn, tình yêu chung thủy, Chúa Thánh Thần (Ga 1:32; 17:10).  Sự liên hệ này không thể được hiểu như có đặc tính thụ động mà là có tính năng động, không ngừng nghỉ và hỗ tương.  Trong ý nghĩa này, Chúa Cha và Chúa Giêsu là một.  Một sự liên hệ liên tục và hỗ tương như thế đã thấm nhập vào hoạt động của Chúa Giêsu đến nỗi mà Người có thể nhận ra được các dự kiến của Chúa Cha và kế hoạch của Người về toàn bộ chương trình tác tạo. Để các tín hữu có thể hiểu và diễn giải lịch sử, họ được mời gọi để sống hòa hợp với Chúa Giêsu, chấp nhận tình yêu thực sự của Người và làm cho tình yêu này trở nên bền vững cho những người khác.  Đây là chương trình của Chúa Cha rằng tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ có thể được thực hiện trong tất cả mọi người.  Chương trình của Thiên Chúa như được thực hiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu phải được thực hiện trong cộng đoàn tín hữu và hướng dẫn sự dấn thân của người tín hữu trong nỗ lực của họ hầu cải thiện đời sống mọi người.  Những ai sẽ thi hành kế hoạch của Chúa Cha trong cuộc sống của Chúa Giêsu?  Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng kết hợp Chúa Giêsu với Chúa Cha, thực hiện và hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha, và làm cho cộng đoàn tín hữu thông phần vào công việc năng động này của Chúa Giêsu:  “sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy”.  Nhờ tác động chân lý của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn đã lắng nghe lời Người và thông tri với Người một cách cụ thể như tình yêu thương.

Chúa Thánh Thần thông tri cho các môn đệ tất cả các sự thật và sự sung mãn của Chúa Giêsu; Người ngự ở trong Chúa Giêsu; “đến” trong cộng đoàn và khi Người được lãnh nhận những lễ dâng từ sự thông phần của cộng đoàn trong tình yêu của Chúa Giêsu.

b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

 Một mối nguy hiểm nghiêm trọng đang đe dọa cộng đoàn Kitô hữu ngày hôm nay.  Chúng ta có đang bị cám dỗ để phân chia Chúa Giêsu, tuân theo Chúa Giêsu nhập thể mà qua các việc Người làm đã thay đổi lịch sử, hay là một Chúa Giêsu vinh hiển tách lìa khỏi sự hiện hữu của Người nơi trần thế và do đó cũng tách rời khỏi đời sống chúng ta không?
 Chúng ta có nhận thức rằng Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử mà cũng còn là Đấng Cứu Độ cho tất cả mọi người ngày nay không?  Chúa Giêsu không những chỉ là một đối tượng của việc chiêm niệm và vui mừng, mà còn là Chúa Cứu Thế, Đấng mà chúng ta phải tuân theo và phải hợp tác với Người không?
 Thiên Chúa không phải là một điều trừu tượng, mà Chúa Cha đã hiển thị ra trong Chúa Giêsu.  Bạn có cam kết để “thấy Người” và nhìn nhận Người trong thân xác loài người của Chúa Giêsu không?
 Bạn có đang lắng nghe tiếng nói của Thần Khí Sự Thật đang thông tri với bạn về chân lý toàn mỹ của Chúa Giêsu không?

3.  Cầu Nguyện

a)  Thánh Vịnh 103:  Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến để canh tân bộ mặt trái đất.

Đây là một bài thánh ca hân hoan tạ ơn mời gọi chúng ta suy niệm về sự sa ngã của nhân loại và lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa.  Sau tội lỗi, bệnh tật và cái chết, thì là lòng khoan dung và hành động yêu thương của Thiên Chúa:  Người ban cho chúng ta tràn ngập với những việc tốt lành suốt cả cuộc đời chúng ta.

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa,
Toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

CHÚA phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức;
mặc khải cho Môisen biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu.

Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
Chúc tụng CHÚA đi, toàn thể thiên binh,
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
                                                                                                                                           
b) Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Thánh Thần của chân lý
Người đã khiến chúng con trở thành con cái Thiên Chúa,
Để chúng con có thể tiến tới với Chúa Cha trong sự tin tưởng.
Lạy Cha, chúng con đang hướng về Cha với tất cả lòng trí chúng con
Và chúng con cầu xin Cha:
Lạy Cha, xin Cha sai Thánh Thần Chúa đến!
Xin sai Thần Khí Chúa đến trên Giáo Hội.
Xin cho mỗi người Kitô hữu trưởng thành trong sự hài hòa với tình yêu của Chúa Kitô,
Với tình yêu của Thiên Chúa và với những người xung quanh.
Lạy Cha, xin đổi mới lòng tín thác của chúng con vào vương quốc Cha mà Chúa Giêsu đã được sai đến để công bố và để nhập thể vào thế gian.
Xin đừng để cho chúng con bị thống trị bởi sự si mê hoặc bị cám dỗ bởi sự mệt mỏi.
Xin cho cộng đoàn chúng con được là men là muối để xây dựng nền công lý và hòa bình cho xã hội chúng con.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét