Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

20-05-2013 : THỨ HAI TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 1, 1-10
"Sự khôn ngoan được tác tạo trước mọi loài".
Khởi đầu sách Huấn Ca.               
Mọi sự khôn ngoan đều bởi Thiên Chúa, và luôn luôn đã ở với Người và có từ trước muôn thuở.
Ai đếm được cát biển, giọt mưa và số ngày từ muôn đời? Ai đã đo được trời cao, đất rộng và biển sâu? Ai có thể khám phá ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa có trước muôn vật?
Sự khôn ngoan được tác tạo trước muôn loài, và trí khôn được dựng nên từ vạn kiếp. Nguồn mạch sự khôn ngoan là lời Thiên Chúa trên các tầng trời, và lối vào sự khôn ngoan là các giới răn vĩnh cửu.
Căn nguyên sự khôn ngoan được mạc khải cho ai? Ai hiểu biết được mưu toan của sự khôn ngoan? Luật lệ khôn ngoan đã được mạc khải và tiết lộ cho ai? Và ai thấu triệt được trăm ngàn đường lối của nó?
Chỉ có một Ðấng Tối Cao là Ðấng Tạo Thành toàn năng, là Vua uy quyền và rất đáng kính sợ, Người ngự trên toà sự khôn ngoan và là Thiên Chúa thống trị.
Chính Người đã tạo thành sự khôn ngoan trong Thánh Thần, Người đã nhìn xem, tính toán và đo lường. Người đã đặt nó trên mọi công trình của Người, trên mọi sinh linh tuỳ lòng rộng rãi của Người, Người đã phân phát nó cho những ai yêu mến Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai, Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. - Ðáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, từ đời đời vẫn có Chúa. - Ðáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. - Ðáp.

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 13-28
"Lạy Thầy, tôi tin, xin Thầy trợ giúp đức tin hèn kém của tôi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu (từ trên núi xuống) và đến cùng các môn đệ, Người thấy một đám đông vây quanh các ông và những luật sĩ đang tranh luận với các ông.
Vừa thấy Người, tất cả đám đông kinh ngạc, họ sợ hãi và chạy đến chào Người. Và Người hỏi họ rằng: "Các ngươi tranh luận gì với nhau đó?" Một người trong đám đông trả lời rằng: "Lạy Thầy, tôi đem đến cùng Thầy đứa con trai tôi đang bị quỷ câm ám. Quỷ đột nhập vào nó bất kỳ ở đâu thì vật nó ngã xuống đất và nó xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ ra. Tôi đã xin các môn đệ Thầy trừ quỷ, nhưng họ bất lực". Người đáp lại: "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ? Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Ðem nó lại đây cho Ta". Và người ta đem nó đến.
Vừa thấy Chúa Giêsu, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Chúa Giêsu hỏi cha nó rằng: "Nó bị như thế từ bao giờ?" Ông ta đáp: "Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng tôi". Chúa Giêsu nói với ông: "Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được". Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: "Thưa Thầy tôi tin, xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của tôi". Chúa Giêsu thấy đám đông tuôn đến, Người nạt thần ô uế rằng: "Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: hãy xuất ra khỏi nó và không được nhập vào nó nữa". Sau khi kêu thét và dằn vật đứa trẻ dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết, khiến đám đông nói: "Nó chết rồi". Nhưng Chúa Giêsu cầm tay nó nâng dậy và nó đứng lên.
Khi Chúa vào trong nhà, các môn đệ hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con lại không thể trừ được nó?" Người đáp: "Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Quỷ vẫn còn ám
Có một người suốt đời chỉ biết chăm lo cho mình, vì thế tuy là người giàu có nhưng anh cũng là người keo kiệt nhất. Ngày nọ, sau khi dự đám tang của người thân trở về, anh quyết định đổi mới cuộc sống. Ít lâu sau đó, một người láng giềng bị cháy sạch nhà cửa, đây là cơ hội tốt để anh học biết cho đi. Thế nhưng, khi đứng trước kho lẫm, có tiếng nói thầm vào tai anh: "Hãy cho ít thôi". Một lần nữa anh phải chiến đấu với tính keo kiệt của mình, nhưng lòng quảng đại trong anh đã chiến thắng. Dù vậy, khi người láng giềng cám ơn và ra về, lòng anh vẫn còn vọng lại dư âm như muốn chế nhạo anh: "Chỉ có người điên mới làm như vậy, người láng giềng cũng có đôi tay để làm việc, tội gì phải cho đi như thế, lúc ốm đau thì lấy đâu lo cho thân mình".
Ngày nay, vẫn còn có nhiều người lưu tâm đến việc thờ ma quỷ, không những trên báo chí, phim ảnh, mà còn cả phong trào tôn thờ ma quỷ nữa. Ðiều này dễ làm con người lầm tưởng rằng ma quỷ ở đâu đâu hoặc ở trong một số người nào đó. Kỳ thực, không có những hiện tượng bên ngoài, như bị vật ngã, xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ thân thể, mà Tin Mừng hôm nay ghi lại, nhưng thực tế con người cũng bị ma quỷ ám ảnh tâm trí một cách nào đó. Những quỷ kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, mê ăn uống... không hiện nguyên hình, nhưng ngụy trang thành những bộ mặt đáng yêu để quyến rũ con người: với những lý luận đủ sức thuyết phục con người, như: thu tích tiền của có gì là xấu, có tiền củ tại sao tôi không hưởng thụ. Những ý tưởng đó dần dà chiếm hữu con người hoàn toàn, khiến họ bịt tai nhắm mắt trước những khốn khổ của người khác.
Thật không dễ gì trị được hiện tượng quỷ ám này, nếu không thực hiện Lời Chúa dạy là ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay để nâng con người lên khỏi sức nặng của thân xác và của cám dỗ vật chất; cầu nguyện để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, Ðấng đã đánh bại được quyền lực của Satan. Cầu nguyện là để cho con người cũ của chúng ta chết đi và để cho Chúa Giêsu mỗi ngày một lớn lên trong chúng ta.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thêm ý thức về thân phận tội lỗi, yếu hèn của chúng ta, và trong mọi sự, chúng ta biết hướng nhìn lên Chúa là sức mạnh, là lẽ sống duy nhất của chúng ta.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 7 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sức mạnh của việc cầu nguyện

Con người rất khôn ngoan khi phải giải quyết những việc quan trọng của quốc gia, xí nghiệp, cộng đòan. Họ họp nhau để bàn thảo, để đưa ra những kế họach ngắn và dài hạn, và để phân chia công tác cho mỗi thành phần. Chính sự chuẩn bị khôn ngoan như thế giúp họ thành công trong việc lãnh đạo.
Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta cũng phải làm rất nhiều quyết định riêng tư; nhưng rất ít khi chúng ta chịu bàn hỏi với những người khôn ngoan; nhất là với một Đấng khôn ngoan, Người điều khiển mọi sự trong hòan vũ này. Chẳng lạ gì nhiều lần chúng ta đã thất bại. Cầu nguyện là bàn hỏi với Thiên Chúa, để xin sự soi sáng khôn ngoan của Ngài. Một gương sáng cho chúng ta noi theo: Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thế mà Ngài không làm gì mà không bàn hỏi với Cha Ngài: khi chịu Phép Rửa, trước khi chọn 12 Tông-đồ, sáng sớm trước khi bắt đầu một ngày mới, trong giờ phút trước khi bắt đầu Cuộc Tử Nạn trong vườn Ghetsemane.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sức mạnh của việc cầu nguyện. Trong Bài Đọc I, tác-giả của Sách Đức Huấn Ca cho chúng ta thấy tất cả mọi sự khôn ngoan trong trời đất bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì Ngài dựng nên, điều kiển, và đưa mọi sự đến đích điểm của nó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho các tông-đồ biết: sở dĩ họ không truyền cho quỉ câm xuất khỏi đứa bé là vì họ không cầu nguyện với Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nguồn gốc của khôn ngoan

1.1/ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi khôn ngoan: “Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời.” Hầu hết các tác giả của Sách Cựu Ước đều muốn nhấn mạnh tới việc tạo dựng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Ngài là Đấng dựng nên mọi sự trong vũ trụ, ai có thể hiểu biết về vũ trụ hơn Ngài? Nếu Ngài sắp xếp và điều khiển mọi sự trong vũ trụ, ai có thể hiểu biết những gì xảy ra trong vũ trụ hơn Ngài? Cá nhân mỗi người hay tập thể con người chỉ hiểu biết và khám phá phần nào trong vũ trụ, nhưng con người không thể hiểu biết tất cả mọi sự như Thiên Chúa.

1.2/ Ngôi Lời, Đức Kitô, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời.” Phải có sự khôn ngoan của Thiên Chúa trước khi có mọi sự. Truyền thống khôn ngoan đồng nhất sự khôn ngoan của Thiên Chúa với Lời của Ngài. Thánh Gioan trong chương 1 của Tin Mừng, đã gọi Lời này là chính Đức Kitô: Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

1.3/ Thiên Chúa ban khôn ngoan cho những ai yêu mến nó: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh và sự tương tự của Ngài. Một trong những điều con người giống Thiên Chúa là sự khôn ngoan, vì phải có khôn ngoan, con người mới có thể thay Chúa điều khiển vũ trụ. Tuy nhiên, sự khôn ngoan trong mỗi người không giống nhau: ai càng yêu mến và quí trọng sự khôn ngoan, người ấy càng được khôn ngoan tỏ cho biết; ví dụ: Vua Solomon.

2/ Phúc Âm: Giống quỉ ấy chỉ có thể trừ được bằng cầu nguyện.

2.1/ Các môn đệ không trừ được quỉ câm: Quyền lực trừ quỉ đến từ Thiên Chúa, và Chúa Giêsu đã ban quyền trừ quỉ cho các tông-đồ. Tại sao các ông không trừ được quỉ câm này? Quyền trừ quỉ dựa trên sức mạnh của Thiên Chúa, không dựa trên sức mạnh của con người, vì sức mạnh của ma quỉ vượt trên sức mạnh của con người. Sức mạnh của Thiên Chúa đến từ niềm tin của con người vào Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở con người điều này nhiều lần: Nếu các con có đức tin bằng hạt cải, các con có thể truyền cho núi đá này phải dời chỗ, nó sẽ nghe lời các con. Lòng tin yếu là lý do các tông đồ đã không trừ được quỉ.
Khi được biết lý do tại sao các tông-đồ không khai trừ quỉ được, Chúa Giêsu đã phải đau đớn thốt lên: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi."

2.2/ Mọi sự đều có thể đối với người tin: Khi Chúa Giêsu hỏi người cha: "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?" Ông ấy đáp: "Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi." Thấy sự biểu lộ thiếu lòng tin nơi người cha, Chúa Giêsu nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin." Biết tội lỗi của mình, người cha cầu xin với Chúa Giêsu: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!" Nhận biết đức tin yếu kém của mình như người cha là một hành động khôn ngoan và khiêm nhường để tiến tới việc xin Thiên Chúa ban thêm khôn ngoan và củng cố đức tin. Người ngoan cố không nhận ra sự yếu kém của mình, làm sao có thể nhận ra việc cần làm để giải quyết vấn đề?
Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!" Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi!" Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.

2.3/ Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi: Được chứng kiến mọi sự, các môn đệ vẫn không hiểu tại sao các ông không trừ được quỉ. Vì vậy, khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?" Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi." Nếu các ông chịu cầu nguyện với Thiên Chúa, Người sẽ chỉ cách cho các ông biết cách chữa trị; nhưng nếu các ông không chịu cầu nguyện, mà chỉ tin tưởng vào sức mạnh của chính mình, không đời nào các ông có thể thắng được quyền lực của ma quỉ. Đó là lý do tại sao trong công thức trừ quỉ, người trừ quỉ luôn bắt đầu bằng mệnh lệnh “Nhân danh Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa rất mực khôn ngoan và điều khiển muôn lòai. Chúng ta phải cầu nguyện với Ngài để xin soi sáng mỗi ngày và mỗi khi phải làm những quyết định quan trọng trong cuộc đời.
- Ma quỉ chỉ thua quyền lực của Thiên Chúa. Điều chúng hằng cám dỗ con người hãy cậy trông vào khôn ngoan và sức mạnh của mình, và đừng cầu nguyện với Thiên Chúa.

Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 7 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Hai :

Mc 9,14-29

* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mc :
Mc 8,31 đến 10,52 (tức là các bài Tin Mừng từ Thứ Năm tuần VI đến Thứ Năm tuần VIII) nằm trong phần thứ hai của tác phẩm mà nội dung chính là vén màn cho độc giả dần dần biết rõ thêm a/ về Đức Giêsu, b/ về Nước Thiên Chúa mà Ngài thiết lập, c/ về điều kiện làm môn đệ Ngài. Riêng phân đoạn 8,31--10,52 là giai đoạn chót của cuộc vén màn này, sẽ cho ta biết những nét quan trọng nhất của 3 nội dung ấy.

A. Hạt giống...
1. Chuyện xảy ra đang lúc Chúa Giêsu và 3 Môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê đang ở trên núi (Chúa Giêsu biến hình). Trong lúc Chúa Giêsu vắng mặt, người ta đem đến cho 9 Môn đệ kia một đứa trẻ bị quỷ ám làm cho nó bị câm. Nhưng các ông bất lực không trục xuất được tên quỷ ấy. Sự thất bại này khiến các môn đệ mất mặt. Đám đông dân chúng xúm vào phê phán các ông, và các ông cố gắng chống chế. Do đó xảy ra một cuộc tranh luận.
2. Thấy Chúa Giêsu về, người ta mừng rỡ trình bày sự việc cho Ngài. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là khó chịu. Ngài trách và than : "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ nữa ! Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa !". Lời than trách này nhắm đến nhiều hạng người : thứ nhất là chính các môn đệ, kế đến là đám đông dân chúng, và sau cùng là người cha của đứa trẻ bị quỷ ám. Chính vì họ chưa đủ lòng tin nên mới có thất bại này.
3. Khi còn lại một mình với Chúa Giêsu, các Môn đệ hỏi tại sao họ thất bại, Chúa Giêsu cho biết thêm lý do thứ hai nữa là vì thiều cầu nguyện và ăn chay.
* Như thế, mặc khải của đoạn Tin Mừng này là : Chúa Giêsu là Đấng mà uy quyền có thể chế ngự cả uy quyền rất mạnh của ma quỷ. Môn đệ Chúa cũng có thể có được uy quyền này nếu có lòng tin vững chắc, ăn chay và cầu nguyện.

B.... nẩy mầm.
1. "Hỡi thế hệ cứng lòng tin, Ta còn ở giữa các ngươi đến bao giờ nữa ! Ta phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa !" : Tiếng than này của Chúa Giêsu cho thấy việc Ngài ở với những kẻ cứng lòng tin quả là một sự cực khổ và một điều khiến Ngài phải chịu đựng. Chắc hẳn Chúa cũng đã phải khổ vì tôi, Ngài đã phải chịu đựng tôi rất nhiều vì lòng tin yếu kém của tôi.
Tôi phải mượn lời của người cha đứa bé trong chuyện này mà khiêm tốn thưa với Chúa : "Lạy Chúa, con tin, nhưng xin trợ giúp lòng tin yếu kém của con".
2. "Loại đó không thể trừ được nếu không cầu nguyện và ăn chay" : Câu này của Chúa Giêsu là để trả lời cho người cha (cũng cho cả các môn đệ và chúng ta ngày nay) : muốn được trợ giúp cho đức tin yếu kém của mình thì phải cầu nguyện và ăn chay.
3. Một tướng quân quyết định tấn công cho dù binh lính của ông chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết rằng sẽ thắng, nhưng lính của ông rất nghi ngờ.
Vì thế, trên đường đi tới trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và vào cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói" : Tôi sẽ tung một đồng tiền lên. Nếu nó ngửa, chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ nơi nó".
Ông tung đồng tiền lên. Nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và tin rằng họ sẽ thắng cách dễ dàng.
Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân  : "Kết quả cho ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh".
Tướng quân trả lời  : "Rất đúng", và cho anh hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa. (Góp nhặt)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

20/05/13 THỨ HAI TUẦN 7 TN
Th. Bênađinô Xiêna, linh mục
Mc 9,14-29

XIN ĐỠ NÂNG LÒNG TIN
Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia. Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa !” Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. (Mc 9,25-26)
Suy niệm: Sau lệnh truyền đầy uy quyền của Chúa Giêsu, quỷ xuất khỏi đứa bé, làm em nằm cứng đơ như chết. Thế nhưng, chỉ cần một động tác cầm tay em, đỡ em dậy, là em có thể đứng lên được và sinh hoạt trở lại bình thường. Lời uy quyền của Chúa Giêsu xua trừ được quỷ, bàn tay của Ngài đem lại sự sống, sự chữa lành. Quả thật, hễ ai được Chúa đụng chạm đến, đều lãnh nhận được sức sống từ Ngài: người đàn bà bị bệnh loạn huyết 18 năm được khỏi bệnh, con gái ông trưởng hội đường Giai-a sống lại, người phong được lành bệnh, bà mẹ vợ Phêrô khỏi cơn sốt...
Mời Bạn: Trong Năm Đức Tin, Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi xét duyệt lại: Lòng tin của tôi vào Thiên Chúa đang ở mức độ nào? Vì nhiều lần chúng ta đụng chạm đến Chúa: rước Mình Máu Thánh Chúa, lãnh nhận các bí tích, hay khi tiếp xúc với tha nhân đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi… những lần đụng chạm ấy có làm cho đời sống tôi biến đổi chưa? Biến đổi như thế nào?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ siêng năng “đụng chạm” đến Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích, nhất là Thánh Thể để được tiếp xúc với Chúa, đón nhận sức sống thần linh của Ngài. Rồi với lòng mến, tôi cũng sẽ “chạm” đến tha nhân bằng đôi tay bác ái, lời nói tha thứ và đôi chân phục vụ.
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc Bài Ca Năm Đức Tin: “Lạy Chúa, con tin! Lạy Chúa con tin! Xin đỡ nâng, xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của chúng con.”

Nếu Thầy có thể


Suy nim:
Cha mẹ thường phải chịu đau khổ vì con.
Đức Giêsu đã từng đối diện với sự bối rối của ông trưởng hội đường
khi cô con gái mười hai tuổi của ông gần chết (Mc 5, 22-23).
Ngài cũng đối diện với sự kiên trì của người phụ nữ dân ngoại 
khi bà xin ngài chữa cho cô con gái của bà bị quỷ ám ở nhà (Mc 7, 25).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đứng trước nỗi đau của một người cha
có đứa con trai nhỏ mang triệu chứng của bệnh động kinh.
Nhưng đối với ông, hẳn con ông là người bị quỷ ám.
Ông đã đem cậu con đến với Đức Giêsu, tiếc thay lại không gặp (c. 17).
Bởi vậy ông đã xin các môn đệ của ngài đuổi quỷ dùm.
Tiếc thay họ không làm được (c. 18).
Bây giờ gặp được ngài, ông tha hồ kể về bệnh tình của con ông.
Mỗi lần quỷ nhập – hay mỗi lần lên cơn động kinh -
con ông bị vật xuống đất, sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ (c.18).
Nhiều khi quỷ còn xô cậu bé vào nước hay lửa cho chết (c. 22).
Vì chuyện buồn này diễn ra từ hồi cậu còn nhỏ,
nên người cha hẳn đã đau khổ triền miên và căng thẳng từ nhiều năm qua.
Ông gặp Đức Giêsu chỉ mong ngài giải phóng con mình khỏi quỷ.
“Xin chạnh lòng thương mà giúp chúng tôi.”
Rõ ràng nhiều người khác trong gia đình ông cũng phải chịu đau khổ.
 “Nếu Thầy có thể làm được gì”, câu này cho thấy ông tin không mạnh lắm.
Vì thế Đức Giêsu đã bắt bẻ câu nói của ông.
Mọi sự đều có thể đối với người tin” (c. 23).
Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin (c. 19).
Các môn đệ không đuổi được quỷ vì họ chưa đủ đức tin.
Người cha muốn con mình được khỏi, ông cũng cần có thêm đức tin.
Thái độ nửa tin, nửa ngờ cũng là thái độ của thế hệ chúng ta.
Đức tin là lời đáp trả của con người,
nhưng đức tin cũng là ơn ban của Thiên Chúa.
Có lúc chúng ta cũng kêu lên như người cha đang chới với :
“Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !” (c. 24).
Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng.
Có lúc chúng ta thấy không thắng nổi sức mạnh của xác thịt, của quỷ ma.
Và như các môn đệ, chúng ta tự hỏi tại sao (c. 28).
“Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện” (c. 29).
Cầu nguyện là xin Đức Giêsu thêm sức mạnh và thêm lòng tin cho ta.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Các môn đệ thất bại
Bất cứ ở đâu, hể quỷ nhập vào là vật cháu xuống; Cháu xùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi. Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” (Mc. 9, 18-19)
Đang lúc Chúa Giêsu và ba tông đồ còn ở trên núi, thì các môn đệ đã được Chúa sai đi truyền giáo gặp một trở ngại lớn. Đó là chuyện một đứa trẻ bị quỷ ám, quỷ thường hành hạ, xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho chết. Cha đứa bé đã đưa nó đến cho các môn đệ, nhưng các ông này không thể thắng được tên quỷ kia.Bệnh tật khốn khổ của đứa bé, có lẽ là chứng động kinh, đã lôi kéo đám đông và các kính sư, họ bắt đầu tranh luận với các môn đệ. Chắc hẳn mấy ông kinh sư nọ phải vui sướng vì sự thất bại này và phải hỏi các môn đệ ấy xem liệu Ông Thầy của họ sẽ đuổi được tên quỷ này không. Câu truyện tới đây thì Chúa Giêsu xuất hiện và thu hút mọi người. Cha đứa nhỏ len lỏi đến được với Chúa Giêsu và trình bày cho Người hay tình cảnh. Sau khi đã thử lòng tin của ông, Chúa Giêsu chữa cho con trai ông ta được lành. Phép lạ này đặt sức mạnh của Thầy đối chọi với sự yếu kém, bất lực của các môn đệ. Đức Giêsu mặc dầu đang tiến đến cái chết, như Người đã loan báo, thì Người vẫn cứ thảnh thơi hành động nhờ vào tính toàn năng của Thiên Chúa.
Mặt dưới của sự thất bại
Sự các môn đệ thất bại không trừ được quỷ cho Chúa Giêsu cơ hội giáo huấn về lòng tin và sự cầu nguyện, cả hai đều là nền tảng của việc truyền giáo cũng như đời sống Kitô giáo. Về phương diện này, ba giai đoạn của trình thuật thật quan trọng: lời trách móc đám đông, nói chuyện với người cha và nói chuyện với các môn đệ. Khi người cha mô tả cho Chúa Giêsu cơn bệnh của đứa con trai ông và sự bất lực của các môn đệ Người, thì Chúa Giêsu đưa ra một lời trách móc: “Oi thế hệ cứng lòng, không có lòng tin!”. Các ngôn sứ trước thái độ bất trung và cứng lòng của dân Do thái thường kêu lên như vậy. Căn nguyên của sự thất bại nằm trong sự thiếu lòng tin, và điều này khiến Chúa phâỉ bực mình nổi giận: “Tôi còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”
Cha của người bệnh nói: “Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” Lời kêu gọi xin thương xót này làm động lòng Chúa, mặc dầu có một sự ngờ vực nào đó về quyền năng của Người. Chúa Giêsu bắt bẻ lại: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin”, có nghĩa là Thiên Chúa toàn năng phục vụ cho kẻ tin. Chúa Giêsu nắm giữ quyền năng thay đổi thực tại vì lợi ích của người tín hữu chân thật. Người cha đã hiểu được tiến trình Chúa Giêsu đề nghị cho ông: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi”. Thay vì xin chữa khỏi cho con mình, ông lại xin được tăng thêm lòng tin vốn là điều kiện cho phép lạ được thực hiện.
Cầu nguyện cho có lòng tin đã là một thái độ tin rồi và không có được lòng tin vừng chắc, nếu không dựa vào ân sủng của Chúa.
Thứ Hai 20-5

Thánh Bernardine ở Siena

(1380 -- 1444)

N
ếu Thánh Phaolô Tông Ðồ nổi tiếng là người hăng say rao giảng thời tiên khởi, thì Thánh Bernardine là người thuyết giảng nhiệt thành của thế kỷ 15.
Thánh Bernardine sinh ở Massa Marittima (gần Siena) và là con của thống đốc tỉnh, nhưng khi lên bảy tuổi ngài đã mồ côi cha mẹ và được bà dì chăm sóc, dạy dỗ thật chu đáo.
Khi ngài 20 tuổi, trận dịch hạch lan tràn khắp thành phố Siena. Nhiều khi, ở bệnh viện có đến 20 người chết trong một ngày. Với sự tiếp tay của các thanh niên thiện chí khác, Bernardine tình nguyện điều hành toàn thể bệnh viện, tận tụy chăm sóc bệnh nhân trong bốn tháng. 
Khi 22 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô và hai năm sau đó được thụ phong linh mục. Các tu sĩ Phanxicô thường nổi tiếng là các nhà truyền giáo, nhưng Bernardine rao giảng rất ít vì giọng nói của ngài thật yếu và khàn khàn. Trong hai mươi năm ngài sống âm thầm trong bóng tối, dành thời giờ và năng lực để cầu nguyện và rèn luyện tâm linh. Vào lúc ấy, ngài được sai đi Milan trong công tác truyền giáo. Khi đứng lên rao giảng, giọng nói của ngài mạnh mẽ và có sức thuyết phục đến nỗi giáo đoàn không để ngài ra về nếu ngài không hứa sẽ trở lại.
Từ đó, ngài bắt đầu cuộc đời truyền giáo mà Ðức Giáo Hoàng Piô II gọi ngài là Thánh Phaolô thứ hai. Cũng như khi chăm sóc bệnh nhân trận dịch hạch, ngài nhiệt thành lăn xả vào hoạt động truyền giáo. Ngài ngang dọc khắp nước Ý, thường là đi bộ, rao giảng hai ba giờ đồng hồ và nhiều lần trong một ngày.
Ngài nổi tiếng là sùng kính Thánh Danh Ðức Giêsu, ngài nghĩ ra dấu hiệu -- IHS, là ba chữ đầu của tên Ðức Giêsu bằng tiếng Hy Lạp để thay cho những dấu hiệu dị đoan thời ấy. Việc sùng kính Thánh Danh lan dần, và dấu hiệu ấy bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, tư gia và nơi công cộng. Nhiều người ghen tức đã vu khống ngài, cho rằng đó là sự đổi mới nguy hiểm và dị đoan. Họ đưa vấn đề lên đức giáo hoàng để chống đối ngài, nhưng sự thánh thiện, sự chính truyền và lời rao giảng là bằng cớ cho sự trung tín của ngài.
Năm 1427, Ðức Giáo Hoàng Martin V đề nghị ngài làm giám mục Siena nhưng ngài từ chối, sau đó ngài cũng từ chối làm giám mục của Ferrara và Urbino. Năm 1430, ngài làm bề trên một chi nhánh Dòng Phanxicô, các Tu Sĩ Sống Nghiêm Nhặt, ngài đặc biệt chú trọng đến kiến thức và nghiên cứu thần học cũng như giáo luật. Lúc đầu chi nhánh này chỉ có 300 tu sĩ; khi ngài từ trần số tu sĩ ấy lên đến 4,000 người. 
Ngài cũng viết một số luận án thần học bằng tiếng Latinh và tiếng Ý đề cập đến các học thuyết căn bản của Kitô Giáo, cũng như luận án về Ðức Maria. Ngài thiết lập phân khoa thần học ở Perugia và Monteripido.
Trong hai năm cuối cuộc đời, ngài trở về đời sống rao giảng và đã từ trần "trên đường công tác," lúc ấy ngài gần 64 tuổi.
Ngôi mộ của ngài ở Aquila trở nên trung tâm hành hương. Ngài là người truyền giáo lỗi lạc của thế kỷ 15, và được Ðức Giáo Hoàng Nicôla V phong thánh năm 1450, chỉ có sáu năm sau khi ngài từ trần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét