Thứ Năm
sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 5, 1-10
"Ngươi hãy mau
mau quay về với Chúa".
Trích
sách Huấn Ca.
Ngươi
đừng cậy vào gia sản bất chính và đừng nói: "Ðời sống của tôi thật là đầy
đủ". Vì chưng trong thời báo oán trả ân, cái đó có ích gì? Khi còn mạnh
khoẻ, chớ chạy theo đam mê của lòng ngươi và đừng nói: "Ai làm gì được
tôi?", hoặc "Trong các việc tôi làm, ai có thể bắt tôi suy phục
được?" Bởi vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ báo oán ngươi. Ngươi đừng nói rằng: "Tôi
đã phạm tội, nào có sao đâu?" Ðấng Tối Cao là Ðấng xét xử nhẫn nại. Ngươi
chớ yên tâm về tội đã được tha, để rồi chồng chất tội này trên tội nọ. Và ngươi
cũng đừng nói: "Lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao, Người thứ tha muôn vàn
tội lỗi của tôi", vì lòng nhân từ và cơn thịnh nộ rất gần nhau, và cơn
thịnh nộ của Người đè nặng trên những kẻ tội lỗi. Ngươi hãy mau mau quay về với
Chúa và đừng lần lựa rày mai; vì cơn thịnh nộ của Người sẽ đến bất ưng và huỷ
diệt ngươi trong thời báo oán. Ngươi đừng ỷ lại vào những của bất chính, vì chưng
trong thời báo oán trả ân, nó sẽ chẳng ích gì cho ngươi.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không
theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối của tội nhân, không ngồi
chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm
luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2)
Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao
giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3)
Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ
đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia,
alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi
việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 40-49 (Hl 41-50)
"Thà con mất một
tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai cho các con (uống) một ly
nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không
mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé
mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển
thì hơn.
"Nếu
tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được
vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề
tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một
chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả
ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một
mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả
ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người
sẽ bị ướp bằng lửa.
"Muối
là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được?
Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Sẵn Sàng Hy
Sinh
Vào
thời trước, có một đoàn thám hiểm từ Âu Châu lên đường đi tìm vùng đất mới. Vị
trưởng đoàn cho mọi người biết hễ ai chạm đến vùng đất mới trước tiên, người đó
sẽ làm chủ vùng đất ấy. Một người trong nhóm quyết chiếm vùng đất mới bằng mọi
giá. Ông tận lực chèo thuyền, nhưng một chiếc thuyền bạn đã bắt kịp và đang
tiến lên phía trước gần sát bờ. Là một con người có ý chí sắt đá và gan dạ, ông
đã can đảm lấy chiếc rìu chặt đứt bàn tay trái của ông, rồi ném lên bờ. Thế là
bàn tay ông đã chạm đến đất trước tiên, do đó vùng đất này thuộc về ông.
Câu
truyện trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay:
"Nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được
vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục". Ðiều Chúa
muốn nhấn mạnh ở đây là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết
nhất, hơn là phạm tội mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc
mắt, không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ
một phần thân thể, nhưng qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho
chúng ta hy sinh tất cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân,
chặt tay. Chẳng hạn, hy sinh của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng
loại, cũng đau đớn như hy sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước
Trời. Chính Chúa Giêsu đã nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không
nhà trú ngụ, người ấy sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp. Cũng vậy, chúng ta sẽ
chiếm hữu Nước Trời, nếu chúng ta dám hy sinh của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo
Hội và phục vụ cho công cuộc truyền giáo.
Chính
Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi,
mà là dâng hiến toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc
hy hiến của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng
biết trao ban chính mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng
loại.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 7 TN1, Năm Lẻ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Những
điều nên làm và nên tránh trong cuộc đời.
Thế
gian này chỉ là chỗ tạm dung, không phải là chỗ định cư đời đời. Mục đích Thiên
Chúa cho con người sống trong thế gian khoảng một thời gian là để cho con người
luyện tập đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa, trước khi cho con người về hưởng
hạnh phúc muôn đời với Người trên Thiên Đàng. Nhiều người đã không nắm vững mục
đích này, nên họ lấy thế gian làm chỗ định cư, và họ sống như không có nguồn
cội và đích điểm. Nhiều tín hữu tuy biết đích điểm, lại không biết cách làm sao
để đạt đích.
Các
bài đọc hôm nay nhắc nhở các tín hữu nhớ lại đích điểm của cuộc đời, và cho họ
những bài học cụ thể cần phải làm để đạt đích. Trong bài đọc I, Sách Huấn Ca
nhắc nhở cho con người biết Đấng nắm giữ vận mạng con người. Ngài cho con người
rất nhiều cơ hội để nhận ra mục đích của cuộc đời, nhưng họ phải biết lợi dụng
những cơ hội để làm lành tránh dữ, trước khi tới ngày Ngài cất họ ra khỏi thế
gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các tín hữu những gì cần làm và cần tránh
trong cuộc đời.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Đừng khinh thường lòng thương xót và những cơ hội Thiên Chúa ban.
1.1/
Đừng cậy dựa vào của cải thế gian hay sức lực của con người: Ba điều tác giả Sách
Huấn Ca khuyên con người phải tránh.
(1)
Cậy dựa vào tiền bạc của cải: “Đừng cậy vào tài sản của con, và đừng nói: "Tôi có
đủ cả rồi!"... Đừng cậy dựa vào của cải bất chính, vì điều đó chẳng ích gì
cho con ngày con gặp bất hạnh.” Ai cũng biết sức mạnh của kim tiền, nó có khả
năng làm tối mặt mọi người để con người quên đi mục đích của cuộc đời. Người
tín hữu cần nhắc nhở mình, tiền bạc là của thế gian, khi chết họ phải để lại
cho thế hệ sau hưởng dùng. Tại sao phí cả cuộc đời để vơ vét những gì mình
không mang theo được? Tại sao không dành thời gian để phát triển và học hỏi
những gì mình có thể mang theo?
(2)
Ước muốn, đam mê: “Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con, mà thoả mãn những
đam mê của lòng mình.” Thiên Chúa ban cho con người những ước muốn để thực hiện
những điều Ngài dựng nên và quan phòng. Con người không được dùng nó cho những
mục đích bất chính, để rồi trí óc con người không còn ham muốn những mục đích
cao quí mà Thiên Chúa đã quan phòng.
(3)
Sức riêng mình: “Đừng nói: "Ai làm gì được tôi?" Vì Đức Chúa là Đấng
công minh sẽ trừng phạt. Đừng nói: "Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?"
Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại đó! Đừng ỷ được tha thứ mà khinh nhờn, rồi cứ chồng
chất tội này lên tội khác.” Con người không dựng nên và điều khiển trái đất
này. Họ cần khiêm nhường nhận ra uy quyền của Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa mọi vật
tới mục đích như Ngài mong ước.
1.2/
Đừng khinh thường cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: Cả hai khuynh hướng cực đoan con người
cần tránh xa: thứ nhất, Thiên Chúa rất từ bi nhân hậu, Ngài sẽ xóa bỏ mọi tội
lỗi con người mà không cần con người phải ăn năn sám hối; thứ hai, Thiên Chúa
rất công bằng, Ngài sẽ không tha thứ những tội lỗi quá nặng nề của con người đã
xúc phạm tới Ngài. Điều chúng ta có thể đoan chắc là Thiên Chúa rất từ bi nhân
hậu; nhưng cũng rất mực công bằng. Ngài sẽ trả cho mỗi người theo việc làm của
họ.
Vì
vậy, mọi người cần phải trở về với Thiên Chúa càng sớm càng tốt, đừng đánh bạc
cuộc đời của mình để rồi sẽ mất tất cả. Hơn nữa, càng trở về sớm với Thiên Chúa
bao nhiêu, con người càng thấy cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống bấy nhiêu. Tác
giả khuyên mọi người: “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa
hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và
trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong.”
2/
Phúc Âm: Hãy làm lành và tránh tội.
2.1/
Thiên Chúa kể những gì chúng ta làm cho anh/chị/em là chúng ta làm cho chính
Ngài:
Chúng ta thực sự chẳng thêm được gì cho Thiên Chúa; nhưng Ngài kể những gì
chúng ta làm cho tha nhân là làm cho Ngài, và Ngài sẽ thưởng công cho chúng ta.
Tại sao chúng ta cần công trạng? Thưa bởi vì những hình phạt do tội lỗi gây
nên. Khi xưng tội, Thiên Chúa tha tội; nhưng hình phạt chúng ta vẫn phải đền.
Vì thế, chúng ta cần phải ra sức giúp đỡ tha nhân để đền bù hình phạt do tội
lỗi gây nên. Việc đền tội các linh mục ra chỉ là tượng trưng. Chúng ta không
biết hình phạt do tội lỗi gây ra nặng tới mức nào; nên cứ làm việc lành nhiều
cho chắc ăn.
2.2/
Điều xấu chúng ta làm cho anh/chị/em, chúng ta cũng phải lãnh nhận mọi hình
phạt tương xứng. Có hai điều Chúa Giêsu muốn nói tới ở đây:
1)
Gương mù cho những người bé mọn: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn
đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển
còn hơn.” Danh-từ Hy-lạp để chỉ “bé mọn” dùng ở đây là “mikros;” nó có thể hiểu
cả bé mọn về phần xác như trẻ em, hay bé mọn về phần linh hồn như những người
không hiểu biết nhiều. Chúa Giêsu có ý muốn nói gương mù ảnh hưởng trên hai
loại người này rất nặng nề, vì trí khôn hay đức tin của họ chưa vững vàng đủ để
có thể vượt qua. Họ có thể mất đức tin vì gương mù của chúng ta.
2)
Hậu quả của tội: Chúng ta không thể hiểu những câu này theo nghĩa đen vì: (1)
Nếu cứ mỗi lần phạm tội và phải làm những điều này, con người sẽ không còn gì
để cắt hay móc mà vứt đi. (2) Hỏa ngục là nơi ở của các linh hồn phải hư đi.
Hình phạt nặng nhất là họ không được nhìn thấy Thiên Chúa. Vì xác loài người
chưa sống lại, nên hồn con người không có thân xác để có thể cảm thấy sức nóng
của lửa. Những câu này là một lối diễn tả của Chúa để nói lên hình phạt nặng nề
của tội nếu con người không biết làm chủ các giác quan của mình. Thiên Chúa ban
cho con người một thân xác để sinh ích cho bản thân và cho tha nhân, chứ không
phải dùng nó để phạm tội.
2.3/
Cần luyện tập các nhân đức trong cuộc đời: Bản dịch của Việt-nam hơi tối nghĩa và dài
dòng, nguyên nghĩa Hy-lạp có thể dịch “Quả thật, ai nấy sẽ được muối bằng lửa.”
Trình thuật của Matthew sáng sủa tuy dài hơn, vì phân biệt hai biểu tượng
“muối” và “ánh sáng” (Mt 5:13-15). Mục đích của việc Chúa dùng biểu tượng để
chỉ những đức tính của người Kitô hữu. Họ đã được trang bị để có những đức tính
này. Họ phải luyện tập và thực hành để những người chưa tin nhận ra những tốt
lành của đạo và tin vào Cha trên trời. Trong trình thuật hôm nay, muối được ví
với nhân đức hiền hòa: “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà
thuận với nhau.”
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Cuộc đời mỗi người chúng ta đi về một hướng nhất định dù chúng ta có biết hay
không. Tại sao chúng ta không để giờ học hỏi để nhận ra mục đích cao trọng này?
-
Biết đích điểm thôi chưa đủ, chúng ta còn phải biết những gì nên làm và những
gì nên tránh nữa thì mới mong đạt đích. Chịu khó đọc Kinh Thánh mỗi ngày và thi
hành những gì Thiên Chúa dạy sẽ giúp chúng ta phải chuẩn bị thế nào cho ngày về
với Ngài.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 7 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu
mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Năm :
Mc 9,41-50
A. Hạt giống...
Trong đoạn này, Mc gom chung những giáo
huấn mà có lẽ ngày xưa Chúa Giêsu đã dạy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, do đó
ta không thấy được mối liên hệ mạch lạc giữa các ý tưởng.
Có cả thảy 3 giáo huấn :
1. Ai giúp đỡ môn đệ Chúa thì sẽ được Chúa
thưởng, dù sự giúp đỡ đó rất nhỏ.
2. Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương
xấu gây vấp phạm cho "những kẻ bé mọn".
- "Những kẻ bé mọn" không hẳn là
trẻ con, mà còn là những người mà đức tin còn non yếu. Ai gây cớ vấp phạm cho
họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó rồi xô nó xuống biển còn hơn.
- Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm
cho mình thì mình cũng phải tự khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc
: "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi…"
3. Các môn đệ Chúa phải có "muối"
trong mình (Nhóm CGKPV giải thích là "sự từ bỏ") và phải sống hoà
thuận với nhau.
B.... nẩy mầm.
1. "Ai cho các con một ly nước
lã…" : Tục ngữ VN có câu "nước lã mà khuấy nên hồ", nghĩa là từ
không có gì cả mà làm nên chuyện. Vậy cho "một ly nước lã" nghĩa là
hầu như chẳng cho gì cả, thế mà Thiên Chúa vẫn kể và vẫn thưởng công. Giá trị
của tấm lòng kẻ biết phục vụ là như thế.
2. Trong dụ ngôn về ngày phán xét chung,
Chúa Giêsu cũng thưởng các kẻ lành vì những việc nhỏ mọn họ đã làm cho
"những kẻ bé mọn". Như thế nghĩa là trước mặt Chúa, một việc nhỏ bé
nhất làm cho một kẻ nhỏ bé nhất cũng có giá trị rất cao cả. Hay nói cách khác,
dưới con mắt Chúa, không có việc làm nào vì tình thương mà nhỏ bé cả.
3. "Ai làm cớ vấp phạm cho một trong
những kẻ bé mọn có lòng tin vào Thầy, thà buộc thốt cối xay vào cổ nó…" :
Cớ vấp phạm là những lời nói và hành động nhiều khi rất vô tình. Ai ngờ hậu quả
chúng gây ra cho người khác và cho chính mình lại to lớn như thế.
Tôi đâu có biết rằng một lời nói của tôi
chỉ để chơi thôi nhưng làm cho anh chị em tôi đau lòng đến cả đêm không ngủ.
Huống chi một lời nói vì nóng giận mà tôi không kềm lại được…
Chúa dạy tôi phải quan tâm tới anh chị em.
Trước khi làm gì hay nói gì tôi cũng phải suy nghĩ xem lời nói và việc làm đó
sẽ có tác động gì nơi người anh chị em tôi.
4. "Nếu tay con nên dịp tội, hãy chặt
đi… Nếu chân con… Nếu mắt con… Thà có một tay… một chân… một mắt mà được vào
Nước Thiên Chúa" : Được vào Nước Thiên Chúa là điều quý giá nhất, so với
nó không có hy sinh từ bỏ nào là quá đáng cả.
Hiện giờ tôi cần phải "chặt" cái
gì ?
5. Có một thuyền trưởng ghé tàu qua đảo
hoang, bắt gặp một khối lượng nam châm rất lớn. Ông đem hết lên tàu để về làm
giàu. Nhưng tàu bị lạc giữa biển không sao định hướng được, kim nam châm hải
bàn lúc nào cũng chỉ về phía khoan tàu chứa khối nam châm. Cuối cùng lương thục
thiếu, nhiên liệu cạn dần, người thuyền trưởng phải quyết định vất bỏ khối nam
châm để hải bàn có thể định hướng đúng mà cứu sống cả con tàu. (Trích
"Phúc")
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
23/05/13 THỨ
NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50
Mc 9,41-50
LỬA VÀ MUỐI TRONG TÂM HỒN
“Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối
là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh
em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau.” (Mc 9,49-50)
Suy niệm: Môn đệ của Chúa Giêsu không
phải là những người thụ động, yếm thế, nhưng luôn tràn trề nhựa sống, làm biến
đổi môi trường. Họ luôn cần được thanh luyện, một cuộc thanh luyện thật gắt gao
như phải chặt tay, chặt chân, móc mắt khi cần! Thanh luyện để luôn có lửa trong
mình, thanh luyện để luôn là muối mặn và để khuấy động cuộc đời. Dầu vậy, với
lửa và muối trong mình, người có Chúa lại luôn là những người sống hòa thuận và
gây dựng hòa bình. Họ là những chứng nhân của tình yêu, là hạt nhân của một thế
giới hòa bình.
Mời
Bạn: Đừng để muối trong lòng mình bị nhạt, đừng để nhiệt tình sống
trong ta bị mai một. Đó là điều Chúa Giêsu yêu cầu những ai muốn theo Ngài. Vì
thế, mỗi chúng ta đều phải vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để phát huy
một sức sống nội tâm, để lửa nhiệt thành trong tâm hồn luôn mạnh mẽ và nhờ đó
có sức biến đổi môi trường sống.
Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa Giêsu cảnh báo các
môn đồ để cảnh giác bản thân: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã,
thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con ước
ao nên muối cho đời để làm cho người khác biết Chúa và biết đến tình yêu của
Chúa. Xin giúp chúng con giữ được nhiệt huyết và tình yêu trong tâm hồn để
chúng con luôn là nhân chứng trung thành cho Ngài giữa cuộc đời. Amen.
Làm
cớ cho anh sa ngã
Suy niệm:
Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc
bệnh tiểu đường,
chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy.
Mất đi bàn chân mà kéo dài được
sự sống
thì còn hơn là giữ lại mà phải
chết.
Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày.
Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị
hư hoại,
để mong giữ lại được cả mạng sống.
Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất
mát suốt đời,
nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn
sống.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên
và không vui.
Bài này có nhiều câu được lặp lại như một
điệp khúc.
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy
chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã,
thì anh hãy chặt nó đi…
nếu mắt anh làm cớ cho anh sa
ngã thì anh hãy móc nó đi…”
Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc
mắt không ?
Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo
nghĩa đen không?
Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một
kitô hữu lành lặn.
Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo
nghĩa bóng,
và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức
Giêsu muốn chuyển tải.
Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn
chúng ta coi trọng
đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên
Chúa (cc. 43-47).
Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận
hy sinh nhiều giá trị khác.
Hơn nữa, chúng ta lại càng phải
từ bỏ hy sinh
những gì cản trở khiến ta không thể đạt
tới mục đích mình theo đuổi.
Chúng là những chi thể không
thể thiếu để có một đời sống bình thường.
Tuy nhiên, chúng có thể trở thành
duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã.
Sa ngã ở đây là thứ sa
ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời,
nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan
không sao hàn gắn.
Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá,
một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu
Con Thiên Chúa,
một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công
xây đắp,
nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy
là chuyện tự nhiên.
Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những
điều kinh khủng, gây đau đớn.
Bị què tay, què chân hay chột
mắt ở đời này là điều chẳng ai mong.
Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị
của đời sống vĩnh cửu,
để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang
làm hư hỏng đời ta.
Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm,
hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một
người,
những điều ấy nhiều khi còn khó hơn
việc móc mắt hay chặt tay.
Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm
nay
nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần
gian ngay trước mắt.
Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu
mỗi ngày,
để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại
hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu
sang, danh vọng, khoái lạc
là những
điều hấp dẫn chúng con.
Chúng
trói buộc chúng con
và không
cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống
cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự
mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm
nghiệm được phần nào
sự phong
phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất
cả những gì chúng con có,
để mua
được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước
những lời mời gọi của Chúa,
không bao
giờ ngoảnh mặt
để tránh
cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con.
Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
Niệm Mc 9, 40-49
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cảnh giác
cần phải tránh những dịp tội và từ bỏ mọi nguyên cớ gây ra chúng; từ bỏ
một cách can đảm, quyết liệt và sẵn sàng chịu mọi thiệt hại do sự từ bỏ đó gây
ra. "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi...". Điều
nay đòi hỏi chúng ta phải biết hy sinh những gì thuộc về thế gian, xác thịt và
ma quỷ. Đồng thời phải biết duy trì, bảo vệ và phát triển phẩm giá làm con cái
Chúa, sống trong ân nghĩa Chúa. Tay , chân, mắt
là những chi thể cần thiết của cơ thể con người, nhưng nếu nó làm cớ cho ta sa
ngã thì dù có đau đớn mất mát cũng phải loại bỏ nó đi vì so với nước trời không
có hy sinh nào quá đáng cả.
Sự sống đời này đã là quí, nhưng sự sống
đời sau còn quí hơn gấp bội. Ðể đạt được sự sống vĩnh cửu ấy, con người phải
biết thương yêu, giúp đỡ anh chị em mình. Ðừng nên cớ vấp phạm làm lung lay
niềm tin tha nhân. Còn đối với bản thân, chúng ta phải sẵn sàng dứt bỏ những gì
làm cản trở chúng ta đến với Chúa; cho dù là những gì thân thương nhất như chi
thể trong thân thể của chính mình.
Lạy Chúa, được ở trong nước Chúa là điều
chúng con hằng mong ước. Nhưng nếu chúng con không tự phấn đấu ngay khi con ở
đời này thì chúng con không thể đạt được ước mong đó. Xin ban ơn soi sáng, và
sức mạnh giúp chúng con vượt thắng bản thân để sống Lời Chúa trong cuộc sống
với tha nhân. Amen.
Nước,
gương xấu và muối
“Ai cho anh em uống một chén nước lã vì lẽ
anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em người đó không mất phần
thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã,
thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc. 9,
41-42)
Bài
Phúc âm ngày hôm nay có vẻ như rất rời rạc. Tuy gồm những câu rời rạc, nhưng
tất cả đều liên hệ tới việc gia nhập và đón nhận sư sống Nước Trời. Tiên vàn,
đó là chuyện cho các môn đệ uống một chén nước. Trong cuộc đời truyền giáo, các
môn đệ sẽ gặp phải những đắng cay, khó khăn và chống đối đủ thứ ngay cả từ nơi
những người thân của mình. Nhưng cũng sẽ có những người tử tế sẽ đón tiếp các
ông. Chúa Giêsu hứa trước với những tấm lòng hiếu khách này rằng lòng tốt của
họ sẽ được trọng thưởng, cho dầu lòng tốt ấy chỉ được biểu lộ bằng một chén
nước. Ở đây Chúa Giêsu muốn các môn đệ ghi lòng tạc dạ điều này là các ông được
đồng hóa với Người: một việc nhỏ nhất người ta làm cho các ông, là một việc tốt
người ta làm cho chính bản thân Người vậy.
Một
thái độ triệt để
Về
vấn đề gương xấu, Chúa Giêsu tỏ ra một thái độ cương nghị hiếm có, nếu không
phải nói là một sự tàn bạo khác thường: phải chết và chặt chân chặt tay.Ý niệm
về gương xấu của Người khác với của ta: Đối với chúng ta, chúng ta nghĩ đó là
một cử chỉ, một lời nói đụng chạm mạnh đến ý kiến chung, xúc phạm đến những
người lành; còn đối với Người thì gương xấu là những gì gây nguy hiểm cho phần
rỗi của người ta, chẳng hạn như làm cho những tâm hồn đơn sơ phải lo lắng bối
rối về lòng tin của họ đối với Chúa Kitô. Kẻ nào gây một gương xấu như thế, thì
thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Cái chết thể lý đối
với người ấy còn ít nguy hiểm hơn là đe dọa, làm hại đức tin của người khác.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh dữ tợn này không phải để chỉ sự kết án và hành hình
như vậy, nhưng để diễn tả cái trách nhiệm nặng nề đáng sợ mà người gây nên
gương xấu phải gánh lấy.
Đức
Kitô nói tiếp về gương xấu của bản thân mỗi người, nghĩa là sự đe dọa, làm hại
cho phần rỗi do chính những phàn thân thể của mình gây nên như: tay, chân,
mắt…Ở đây lệnh truyền vẫn còn mạnh mẽ: “Hãy chặt, hãy móc”. Tuy nhiên ai cũng
biết những phần thân thể này quan trọng như thế nào đối với cuộc sống. Mất một
chân, một tay, một mắt, đối với một người là mất đi một phần con người của
mình, điều mà ai cũng cảm thấy rất xót xa. Phải mất mát, thiệt thòi sự sống như
vậy, chỉ đến nước cùng, người ta mới đành phải chịu vậy mà thôi. Và y khoa góp
phần xoa dịu nỗi đau phần nào cho con người kém may khi dự liệu những bộ phận
giả thay thế. Vậy mà Chúa lại lệnh cho phải bỏ đi phần mình gây gương xấu. Chắc
chắn là tính cách triệt để này không thể được hiểu theo nghĩa đen, bởi lẽ những
tín hữu chúng ta sẽ không muốn được liệt vào hàng những kẻ què cụt, đui mù.
Nhưng Chúa chỉ muốn chúng ta ghi tâm khắc cốt điều này là những thái độ nửa
vời, không kiên quyết, khi sự sống Nước Trời bị đe dọa, đều là ngoài đề và
không thể chấp nhận được.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
23 THÁNG
NĂM
Đường Về Emmau
“Bấy giờ
mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo
nhau: ‘Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 31 – 32). Là những con người
thuộc thế hệ hôm nay tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta cần đạt cho
được cùng một cảm nghiệm như hai môn đệ trên đường về Emmau ngày nào. Chúng ta
hãy cầu xin Chúa Giê-su giúp cho ta hiểu Kinh Thánh; hãy xin Người đốt nóng
lòng chúng ta khi Người nói chuyện với chúng ta.
Tâm hồn
chúng ta cần được đốt nóng lên. Vì đức tin không thể chỉ là những dữ kiện cứng
ngắt, lạnh lùng được kiểm nghiệm bởi trí óc. Không, đức tin phải được làm cho
nhạy cảm bởi tình yêu. Đức tin phải sống hoạt xuyên qua các công việc thiện hảo
nơi chúng ta – những công việc khai mở chân lý của Thiên Chúa.
Cả chúng ta
cũng thừa hưởng lời chứng từ các Tông Đồ – mặc dù chúng ta không phải là những
chứng nhân trực tiếp của từ Đấng Phục Sinh. Chúng ta trở thành chứng nhân của
Đức Kitô – bởi vì, đó là căn tính của mọi Kitôhữu.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Hc
5, 1-8 ; Mc 9, 41-50.
LỜI SUY NIỆM : « Ai
làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối
đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn » (Mc 9,42).
Trong
mọi con người luôn có sự khát khao sống công chính và hướng về chân thiện mỹ,
bởi vì nguồn gốc chính của con người là do Thiên Chúa tạo dựng và chính Thiên
Chúa thổi hơi vào để được sống, nên con người có một phẩm vị và một phẩm giá
rất cao trọng và quý giá, nên khi có ai đó làm cớ cho những kẻ trong sạch sa
ngả vào đường tội lỗi thì kẻ ấy mắc phải một trọng tội cần phải cột đá lớn mà
thả dưới biển. Án lệnh của Chúa Giêsu đã đưa ra rồi ; mọi người phải thận trọng, để khỏi phải bị kết án.
Mạnh
Phương
23 Tháng Năm
Chết Vì
Niềm Tin
Một sĩ quan quân đội
Nga đến gặp một vị mục sư Hungari và xin được được nói chuyện riêng với ông.
Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc
trong tư thế của kẻ chiến thắng.
Khi cửa phòng khách đã
được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị
mục sư rằng: "Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các mục sư bày đặt
ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những giàu dễ dàng kiềm hãm họ trong
tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng:
ông không hề bao giờ tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa".
Vị mục sư cười và trả
lời rằng: "Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật". "Ông
đừng có lừa dối tôi, cũng đừng giễu cợt tôi", vị sĩ quan hét lên. Anh ta
rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa: "Nếu ông không nhận
rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng".
Vị mục sư điềm tĩnh
trả lời: "Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Ðức Giêsu thật sự là
Con Thiên Chúa".
Viên sĩ quan vứt khẩu
súng xuống sàn và chạy đến ôm vị mục sư. Anh ta vừa khóc vừa nói: "Ðúng
thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những
người dám chết vì Ðức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin
cám ơn Ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể
chết cho Ðức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Ðiều này có thể làm
được".
"Các
vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng: chết vì niềm tin là hồng ân được trao ban cho
thiểu số, nhưng trong niềm tin là ơn gọi của mọi tín hữu".
Cộng
đồng Vatican II đã mở ra một kỷ nguyên mới, đã mang đến cho hội thánh và mỗi
tín hữu một mùa xuân mới, đã nêu bật và tạo cho mọi tín hữu nhiều cơ hội để
biểu lộ niềm tin qua hành động: Sống đạo và Hành đạo. Nhờ quan niệm này, Ðạo đã
không bị giới hạn trong nhà thờ và trong những giờ kinh, nhưng Ðạo và Niềm tin
đã được đem ra Sống và Thức hành trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh sống.
Nhưng
câu vấn nạn thường gây ra nhiều thắc mắc vẫn là: sống niềm tin và thực hành
trong niềm tin nào?
Quan
trọng nhất có lẽ là tin vào Thiên Chúa tình yêu. Ðối với mỗi người trong chúng
ta Thiên Chúa tình yêu này có một chương trình để dẫn dắt chúng ta đi trong tin
yêu và đạt được tình yêu hoàn hảo. Rồi bước thứ hai là thực hành tình yêu với
câu hỏi đơn sơ: nếu Chúa là tôi, thì trong hoàn cảnh cụ thể này, Ngài sẽ xử trí
và hành động như thế nào?
(Lẽ
Sống)
Thứ Năm 23-5
Thánh Gioan Báptít Rossi
(1698 -- 1764)
V
|
ị linh mục tài giỏi và thánh thiện này sinh ở làng Voltaggio thuộc
giáo phận Genoa nước Ý. Khi còn là thiếu niên, thấy ngài thông minh, hai vợ
chồng người bạn của gia đình đưa ngài về Genoa cho ăn học. Trong thời gian ba
năm ở đây, ngài được sự chú ý của hai vị tu sĩ Capuchin, là người thường đến
thăm gia chủ và đã phúc trình nhận xét của họ lên bề trên tỉnh dòng Capuchin,
mà sau đó bác của ngài, là một kinh sĩ của nhà dòng ở Rôma đã xin cho ngài vào
một trường ở Rôma ăn học, lúc 13 tuổi.
Trong thời gian theo học ở trường Collegium Romanum ngoài gương
mẫu về học vấn và nhân đức, ngài còn tập hãm mình phạt xác theo gương các vị
khổ tu mà ngài đọc được ở trong sách. Sự khổ cực cộng thêm chương trình học
nặng nề đã dẫn đến cơn động kinh mà sau đó ngài phải nghỉ học. Sau này, ngài
phục hồi sức khoẻ và hoàn tất việc học ở Minerva, nhưng không thể nào khoẻ mạnh
được như trước.
Sau thời gian tu tập, ngài được thụ phong linh mục năm 23 tuổi và
tận tụy rao giảng cho những người nông dân, người chăn nuôi từ quê lên tỉnh
buôn bán, và ngài tìm cách giúp đỡ những phụ nữ vô gia cư phải sống ngoài đường
phố qua công việc ăn xin hay làm điếm. Tiền của ngài kiếm được chỉ nhờ bổng lễ,
nhưng khi được chính quyền địa phương và đức giáo hoàng giúp đỡ, ngài đã dùng
tiền ấy để thuê một căn nhà cho những người nghèo lên tỉnh tạm trú.
Ngài hăng say rao giảng mọi nơi, ở nhà thờ, nhà thương, tu viện
cũng như nhà tù khiến ngài nổi danh là vị tông đồ của những người bị ruồng bỏ,
không khác gì Thánh Philíp Nêri.
Năm 1763, ngài kiệt quệ vì sự lao nhọc và bệnh tật. Sau một vài
cơn kích xúc tim khiến ngài bị tê liệt, ngài đã từ trần ở Pellegrini năm 66
tuổi.
Thiên Chúa đã vinh danh ngài qua những phép lạ. Ngài được Ðức Giáo
Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1881.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét