Trang

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

15-05-2013 : THỨ TƯ TUẦN VII MÙA PHỤC SINH


Thứ Tư Ngày 15/05/2013
Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm C

Cv 20,28-38

BÀI ĐỌC I: Cv 20, 28-38
"Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp".

 Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: "Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: 'Cho thì có phúc hơn là nhận'".
Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c
Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật. - Đáp.
2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng Đấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền năng: "Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa". - Đáp.
3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. - Đáp.

ALLELUIA: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 17, 11b-19
"Để chúng được nên một như Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.
"Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Thánh Trong Chân Lý

Khi đọc đoạn Phúc Âm trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều lần và có lần như thánh Luca kể lại "Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm". Phúc âm đã kể lại một vài câu kinh ngắn mà Chúa Giêsu cầu nguyện, chỉ có lần này thánh Gioan kể lại câu kinh rất dài và tỉ mỉ của Chúa Giêsu. Ðiều đặc biệt hơn nữa là khi nói đến cầu nguyện, chúng ta nghĩ là mình cùng cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Còn ở đây, chính Chúa Giêsu cầu nguyện và cầu nguyện vơí Chúa Cha cho chúng ta, cho các tông đồ và những người theo Chúa sau này. Phải! Chúa Giêsu cầu nguyện cho các tông đồ lúc bấy giờ, đồng thời Ngài còn cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài trong tương lai. Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta nghe những lời dạy của các tông đồ và các Ðấng kế vị các tông đồ và Ngài cũng cầu nguyện cho tất cả những người theo đạo Chúa Giêsu. Người nói: "Con không chỉ cầu cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào Con".
Tại sao Người cầu nguyện cho các Tông đồ? Vì Người sắp về cùng Cha Người, các tông đồ còn ở lại, các ông đã được Ngài sống ở bên và gìn giữ. Bây giờ Người ra đi, nhưng họ còn ở lại trên trần gian để tiếp tục sứ mệnh của Người. Người lo cho họ là phải, vì Người nói rằng: "Bởi họ không thuộc về thế gian này nên thế gian ghét họ" (Ga 15,18); các tông đồ còn phải bị bắt bớ, nhất là Người e ngại họ phải sa ngã.
Vậy Người xin điều gì với Chúa Cha? Ðiều gì làm Ngài bận tâm hơn hết cho các Tông đồ lúc đó và cho ta sau này? Thì đây Người đã cầu nguyện ba lần:
* Cầu cho họ được hiệp nhất trong tình thương.
* Cầu cho họ khỏi bị bách hại.
* Cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật.
- Thứ nhất: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất trong tình thương "Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ chúng nhờ danh Cha mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta" (Ga 17,11.21-23). Người muốn cho họ hiệp nhất trong tình thương để khi nhìn họ, người ta biết được họ là môn đệ của Người "cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13,35), đó là cách tín nhiệm Người hơn hết.
Tình thương ấy phải vô điều kiện và cao thượng, tình thương mà Người đã biểu lộ là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu "không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu" (Ga 15,13). Và nếu biết rằng yêu là dám chết cho người mình yêu, thì ở đây yêu là đưa người mình yêu được hiểu biết và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, để nhờ đó được hạnh phúc trọn vẹn, tức là được hưởng sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng nêu gương hiệp nhất để họ noi theo, đó là gương hiệp nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: "Lạy Cha Chí Thánh, xin hiệp nhất để họ nên một như Chúng Ta là một".
- Thứ đến: Chúa Giêsu cầu nguyện để gìn giữ cho các Tông đồ và chúng ta sau này khỏi bị ác hại bởi thần dữ. Nói đến ác thần và sự dữ, Chúa Giêsu không những nhớ đến chúng ta phải chịu những đau khổ thử thách hay kể cả bị bắt bớ, vì Người đã biết và nói trước "thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em" (Ga 15,18-21). Sống trong tội lỗi là mất thân tình với Thiên Chúa, là xa rời Thiên Chúa, như vậy là phá vỡ sự hiệp thông vơí Chúa và trong Chúa.
- Sau đó, Người cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật: "Xin Cha dùng Chân Lý Cha mà cho họ nên thánh, Lời Cha tức là Chân Lý, Cha đã sai Con xuống thế làm sao, Con cũng sai họ đến cùng thế gian như vậy. Chính vì họ mà Con đã tự thánh hiến, ngõ hầu họ cũng được thánh hiến trong Chân Lý" (Ga 17,17-19). Chữ "thánh hiến" ở đây đa số các nhà bình giải Thánh Kinh hiểu là thánh hóa và hiến tế Chính Chúa Giêsu hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha.
Người được thánh hiến, tức là được xức dầu để làm công việc Chúa Cha sai đi là thánh hóa và cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng được thánh hóa và hiến tế, cũng nhận ba chức vụ là thánh hóa, tư tế và vương quyền để làm nhiệm vụ thánh hóa chính mình và thánh hóa tha nhân. Thánh hiến nhờ Sự Thật và trong Sự Thật. Sự Thật đó là gì? Là Sự Thật của Thiên Chúa, là Cha nhân từ đầy yêu thương, Ngài muốn cho con cái mình được cứu rỗi. Sự thật chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa sẽ gởi Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật ở với chúng con luôn mãi, xin Chúa hãy sai Thánh Thần đến và ở trong chúng con, ân ban cho chúng con ba điều mà Chúa Giêsu đã dạy là xin ban cho con, cho tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội được gìn giữ trong tình thương, được hiệp nhất trong Thánh Thần và được thánh hiến trong Sự Thật. Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần VII PS


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nỗi quan tâm của mục tử khi phải rời bỏ đoàn chiên của mình.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng phân biệt người mục tử tốt lành khác với người chăn chiên. Các Bài Đọc hôm nay đi xa hơn, khi nói lên mối quan tâm của những người mục tử tốt lành lo lắng cho đoàn chiên khi ông phải xa cách đoàn chiên mình. Người mục tử tốt lành không những lo chăm sóc, dạy dỗ, và bảo vệ đoàn chiên khi còn sống; mà còn kiếm người bảo vệ và săn sóc chiên khi biết mình sắp qua đời. Người chăn chiên có tốt lắm cũng chỉ săn sóc và bảo vệ chiên khi còn sống, ông không quan tâm đến đoàn chiên khi phải từ giã cuộc đời.
Trong Bài Đọc I, Thánh Phaolô giao đoàn chiên mình cho những kỳ mục tại Ephesô. Ngài muốn họ hãy chăm sóc đòan chiên một cách vui vẻ và vô vị lợi, bảo vệ họ khỏi những nanh vuốt của quỉ dữ và của thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện và đặt đoàn chiên dưới sự che chở của Chúa Cha. Ngài cầu xin Chúa cha thánh hiến các môn đệ của Ngài trong sự thật, và gìn giữ họ khỏi thế gian và ác thần.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:


1/ Bài đọc I: Lời căn dặn của Phaolô cho các kỳ mục tại Ephesus trước khi về Jerusalem.

1.1/ Họ phải ý thức bổn phận cao quí và quan trọng của họ: Đó là họ phải bảo vệ món quà vô giá là đức tin của họ và của đoàn chiên. Phaolô khuyên nhủ họ: "Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình." Để bảo vệ đức tin, Phaolô nêu bật hai điều quan trọng hơn cả:

(1) Họ phải bảo vệ sự thật giữa bao điều giả trá: Phaolô biết rõ tầm quan trọng của việc biết sự thật, và sự nguy hiểm của bao điều giả trá, từ kinh nghiệm mục vụ của mình. Ông cảnh giác giới lãnh đạo: "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đoàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng." Đoàn chiên còn ngây thơ, non dại; chúng chưa biết tất cả sự thật. Vì thế, bổn phận của các mục tử là không ngừng dạy dỗ đòan chiên để chúng biết nhận ra sự thật giữa bao sự gian xảo.

(2) Họ phải canh thức và khuyên nhủ: Các con chiên không luôn nghe tiếng chủ: có con ham chơi rồi đi lạc, có con cứng đầu chống lại cần phải sửa phạt; nhưng người mục tử tốt lành không bao giờ bỏ rơi bất cứ con nào. Vì thế, việc chăm sóc đòan chiên đòi người mục tử phải để ý tới từng cá nhân khi có thể, như Phaolô trưng dẫn kinh nghiệm của mình: "Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ."

1.2/ Những điều quan trọng khác:

(1) Sức mạnh của Lời Chúa: Nhận ra sự khẩn thiết của việc biết sự thật như đã nêu trên, Phaolô chỉ cho họ biết kho tàng khôn ngoan của Lời Chúa: "Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến." Lãnh đạo khôn ngoan cần đặt căn bản trên Lời Chúa, và xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa.

(2) Phần thưởng của người mục tử không dựa trên những lợi lộc vật chất: Khác với những nhà lãnh đạo thế gian, họ quan tâm đến địa vị, uy quyền, và những lợi lộc vật chất; người lãnh đạo dân Chúa phải biết hy sinh cách vô vị lợi, và cố gắng sinh sống bằng bàn tay của mình, như Phaolô đã làm: "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp." Dĩ nhiên, đó là điều lý tưởng; nhưng như Chúa Giêsu dạy và Phaolô nói sau này: "thợ làm vườn đáng được trả công." Hơn nữa, việc khai mở và nuôi dưỡng đức tin phải được ưu tiên hơn việc kiếm kế sinh sống.

(3) Hãy lo lắng cho những người yếu kém: "Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." Trong đoàn chiên, sức mạnh và khả năng của mỗi con chiên khác nhau; người mục tử cần chú ý hơn đến những con chiên yếu ớt, bệnh tật.

Khi đã khuyên bảo xong, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.

2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.

2.1/ Chúa Giêsu biết sự nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian.

Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên Ngài tâm sự với Chúa Cha: "Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha." Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình. Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Nhìn lại kết quả việc chăn chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: "Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh."
Thế gian sẽ ghét bỏ và truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.

2.2/ Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều quan trọng sau:

(1) Xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi ác thần: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian." Chúa Giêsu không xin "cất các môn đệ khỏi thế gian;" nhưng Ngài xin "gìn giữ họ khỏi ác thần." Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ rao giảng của Ngài.

(2) Xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của sự sai lạc: "Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật." Sự thật đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.

Cả hai điều cầu xin này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Mỗi người chúng ta đều được kêu gọi để trở thành mục tử nhân lành: hoặc một số người con như bậc làm cha mẹ, hoặc một số đông như bậc linh mục, giám mục. Chúng ta phải lo cho đoàn chiên không chỉ lúc còn sống, mà còn cả khi chúng ta phải rời bỏ họ.
- Người mục tử nhân lành phải xây dựng đời mình trên đức tin và Lời Chúa. Họ phải làm hết cách sao cho đoàn chiên có một đức tin vững mạnh và hiểu biết Lời Chúa cách sâu xa.

 Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,11b-19

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho môn đệ mình :
Đây là phần thứ hai của Kinh nguyện Tư tế. Trong phần thứ nhất mà chúng ta đọc ngày hôm qua (17,1-11a), Chúa Giêsu cầu nguyện cho chính bản thân Ngài, xin Chúa Cha tôn vinh Ngài. Sang phần thứ hai, phần của hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ "môn đệ" ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm cán bộ nồng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay là các Giám mục, Linh mục và tu sĩ.
Chúa Giêsu cầu cho những người này :
- "Xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho con, để chúng được nên một"
- "để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng"
- "Xin gìn giữ chúng khỏi sự dữ"
- "Xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật"

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và tế nhị :
- Họ phải sống giữa thế gian. Mà thế gian này là một thế gian thù nghịch với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu ; thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Ngài ; thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ Chúa Giêsu đi lệch con đường của Chúa Giêsu mà ngã sang phía thế gian.
- Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ thường xuyên đứng trước 2 cám dỗ : một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian ; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao chu toàn sứ mạng thánh hóa thế gian ; còn thỏa hiệp với thế gian thì đánh mất căn tính của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.
- Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ mình 2 điều : một là sự hiệp nhất, hai là thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để chúng ta tuy sống giữa thế gian mà không thưộc về thế gian.
a/ Điều thứ nhất, hiệp nhất : Kinh nghiệm cho thấy Linh mục tu sĩ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng với mình, không gắn bó với Giáo Hội và với cộng đoàn của mình, thì Linh mục tu sĩ ấy dễ sa ngã hơn.
b/ Điều thứ hai, thánh hiến : Chỉ một mình Thiên Chúa là đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thưộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống giữa bao nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen trong bùn, như ánh sáng chiếu trong đêm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.
3. "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần"
Khi đọc câu Lời Chúa này, tôi nhớ lại kinh nghiệm của một anh trong nhóm. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi tới một nhà hàng không được "trong ánh sáng" cho lắm. Mỗi người vào bàn và một người đều có một cô "phục vụ" bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né ; nhưng vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cho cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi : "Tại sao cô phải làm nghề này ?" Cô gái thinh lặng môt lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh phải lúng túng... Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ : "Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống nghề này được ! ".
Lắm khi tôi xa lánh những người "xấu", Những cái "phàm tục", trong khi Chúa Giê-su đã không xin cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm "danh, lợi, thú", và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như lời Chúa đòi hỏi.
Lạy Chúa, xin giúp con sống thanh thoát. để nhờ được tự do trong Chúa, con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian theo như Chúa muốn. (Epphata)
4. (những mầm khác)
                                              
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

15/05/13 THỨ TƯ TUẦN 7 PS
Ga 17,11b-19

CẦU NGUYỆN LÀ SỨC MẠNH
“Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,11b)
Suy niệm: Đức Giêsu cứu độ chúng ta không phải bằng cách phán một lời là xong, mà Ngài cứu độ chúng ta bằng một hành vi khiêm hạ: hành vi cầu nguyện. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha. Ngài liên lỉ kết hợp với Cha và hằng vâng theo ý Chúa Cha mọi nơi mọi lúc. Tuyệt đỉnh của lời cầu nguyện là biến cố chịu khổ nạn và chịu chết treo thập giá. Lời cầu nguyện khiêm hạ và hoàn toàn phó thác này đã biến ý chí và con tim nhân loại của Ngài hoàn toàn trở nên một với ý chí và con tim của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện đó có sức mạnh vô song vì đã được Chúa Cha nhậm lời cho Đức Kitô phục sinh vinh hiển và ban ơn tha tội vĩnh viễn cho loài người chúng ta.
Mời Bạn: Cầu nguyện là đi vào tương quan với Thiên Chúa, là phó thác cho Thiên Chúa để cho mình được Thiên Chúa biến đổi. Thiên Chúa dần dần biến đổi ý chí, con tim của chúng ta cho hợp với ý chí và con tim của Chúa để cho đến một lúc nào đó, chúng ta trở nên một với Ngài. Bạn có thường xuyên cầu nguyện không? Bạn có nói lên khát vọng sâu thẳm nhất của tâm hồn bạn cho Chúa biết không? Và bạn có tín thác vào Chúa để Ngài thực hiện khát vọng ấy cho bạn không?
Chia sẻ: Chia sẻ một kinh nghiệm cầu nguyện của bạn qua đó bạn đã biến đổi ý muốn của mình cho thành một với ý muốn của Chúa.
Sống Lời Chúa: Khởi đầu và kết thúc một ngày của bạn bằng một lời cầu nguyện tạ ơn và tôn vinh.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.


Xin Cha gìn giữ họ
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian. Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến, phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu. 
Suy nim:

Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,
trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,
và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.
Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.
Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.
Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,
Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ
đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.
Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).
“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12).
Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,
và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.
Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.
Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,
và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).
Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),
là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.
Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),
nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.
Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,
nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),
và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).
Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,
dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.
Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.
“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).
Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),
nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.
Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,
với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.
Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,
để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).
Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),
và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.
Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).
Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,
phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm Ga 17,11b-19
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho con thấy được tình yêu của Chúa dành cho những người thuộc về Chúa. Trong bối cảnh chia ly, từ biệt, những lời nói của một người thể hiện điều họ đang quan tâm, thao thức. Trước khi bước vào con đường chịu nạn chịu chết, tình yêu của Chúa đã dành cách riêng cho các môn đệ và từ các môn đệ cho những kẻ tin vào Ngài: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha” (Ga 17,11b).
Điều mà Chúa quan tâm là cho họ được hiệp nhất với nhau và từ đó hiệp thông với Chúa. Hay nói một cách ngắn gọn hơn là cho họ biết sống tình yêu thương với Chúa, với anh chị em của ḿnh:“Lạy Cha, xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga17,11b).
Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải là những con người của tình yêu. Tình yêu nơi gia đình, tình yêu nơi lối xóm, tình yêu nơi công sở, tình yêu trong họ đạo… Để nhờ tình yêu đó các môn đệ của Chúa có thể hiệp nhất với những người mà họ gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.
Vì vậy các môn đệ phải tránh mọi mối bất hòa chia rẽ xảy ra trong gia đình của mình, trong khu xóm, nơi làm việc, ngoài xã hội và nhất là trong họ đạo. Không có điều gì phản chứng về Chúa cho bằng sự chia rẻ trong cộng đoàn, trong họ đạo. Tôi thuộc về phe cha này, tôi thuộc về phe cha kia; tôi trong hội đoàn này nên tôi không liên hệ gì đến hội đoàn kia mà tôi còn tìm cách cho hội đoàn kia tan rã… Đó là những cách thức nguy hiểm trong đời sống đạo của những môn đệ Chúa.
Từ việc chúng con yêu thương, hiệp nhất với nhau, Chúa muốn dẫn chúng con đến sự hiệp thông với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì tình yêu của Ba Ngôi là nền tảng và mẫu mực cho mọi tình yêu thương. Do đó việc sống tình yêu thương không phải đơn thuần là tình cảm của con người, mà nó còn là thể hiện tình yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, từ lời Chúa hôm nay cho con nhìn lại cách sống của con. Chúa đã yêu thương và luôn thao thức cho cuộc sống của con, vậy mà con nhiều khi vô tình lãng quên hoặc có lúc cố tình quên lãng tình yêu đó. Chình vì không nhận ra tình yêu của Chúa nên con cũng không biết yêu thương những người xung quanh con. Do đó con không thể sống sự hiệp nhất trong gia đình, trong khu xóm, trong họ đạo của con. Lạy Chúa, xin ban thêm tình yêu cho con.
Lm. Thin Duy

Xin Cha gìn giữ họ.
Có một câu truyện tưởng tượng như sau: Khi Chúa Giêsu về Trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ naỳ gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa Giêsu đáp:
- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu tin tưởng vào sự trung tín của các môn đệ, dù gặp gian truân thử thách? Chúng ta có thể tìm được câu giải đáp trong bài Tin mừng hôm nay.
Thật thế, dù chỉ là một nhóm nhỏ, các môn đệ đã là đối tượng được Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm. Suốt thời gian chung sống, Chúa Giêsu đã gìn giữ họ để không một ai trong bọn họ hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm Lời Kinh thánh. Giờ đây, sắp lìa bỏ họ để về cùng Cha, Ngài không che dấu nỗi lo sợ của Ngài. Ngài đã xin Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha, nghĩa là được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ đó các môn đệ có đủ sức mạnh để thắng vượt mọi khó khăn trở ngại.
Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở lại thế gian và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hoá trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã sai Ngài. Và để có thể chu toàn sứ mệnh đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ. Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ và cùng chiến đấu với họ.
Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và quan tâm săn sóc của Chúa, để ngay giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba

15 THÁNG NĂM

Một Sức Thôi Thúc Hiến Trao Sự Sống

Chúng ta trở lại với lệnh truyền của Đức Kitô trong ngày Thăng Thiên: “Hãy đi … và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Chúng ta nhận ra âm vang mãnh liệt của tiếng gọi ấy nơi Tông Đồ Phao-lô: “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tôi tự hào, mà đó là một bổn phận bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16). Rồi, ngài giải thích: “Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu tôi không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.” (câu 17)
Như vậy, “khốn cho tôi” nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, vì sứ mạng này được ủy trao bởi Đức Kitô phục sinh. Đó là giá mà Con Thiên Chúa đã trả cho con người. Chúng ta đã được mua với một giá đắt (cf. 1Cr 6, 20; 7, 23).
Những lời đanh thép ấy của Phao-lô cho chúng ta thấy sức mạnh của Đức Kitô Khổ Nạn và Phục Sinh quả thực lớn lao biết bao. Những lời ấy tiếp tục làm chứng cho năng lực của mệnh lệnh tông đồ được ban bố trước biến cố Thăng Thiên.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Cv 20, 28-38; Ga 17, 11b-19.


LỜI SUY NIỆM: “Lạy Cha Chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Ga 17,11b)

Chúa Giêsu vừa cầu nguyện cho chúng ta; đồng thời vừa cho chúng ta biết về Thiên Chúa, Đấng đã ban ơn đức tin cho chúng ta, và chính Chúa Cha trao chúng ta cho Chúa Giêsu gìn giữ; và Chúa Giêsu cũng phó dâng chúng ta trong tay Chúa Cha. Điều này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi đào sâu Lời Chúa, kiên trì trong cầu nguyện, tích cực tham gia các nghi lễ phụng vụ với một đức tin mạnh mẽ. Khi chúng ta thực hành những việc này, sẽ nhận được ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn để chúng ta hiểu biết và khôn ngoan. Từ cái tâm hiểu biết và khôn ngoan đó sẽ giúp chúng ta thực hiện những việc thiện và yêu thương mọi người một cách chân chính.

Mạnh Phương


15 Tháng Năm

Ta Không Kết Án Con

Tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg trong miền Baviere, Tây Ðức, có một tượng thánh giá rất nổi tiếng được tạm trổ vào khoảng thế kỷ 14. Trên những tượng thánh giá, thông thường đôi tay Chúa Giêsu giang ra và bị đóng vào gỗ giá. Riêng đôi tay của Chúa Giêsu trên tượng thánh giá tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg thì khác hẳn: thay vào bị giang ra và bị đóng vào gỗ giá, hai cánh tay của Chúa lại khoanh trước trái tim như thể đang ôm vào lòng một người nào đó.
Người dân địa phương truyền tụng rằng trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa tin lành và công giáo vào giữa thế kỷ 17, một người lính chống công giáo đã vào nhà thờ này. Nhìn thấy trên đầu Thiên Chúa có một triều thiên bằng vàng, anh sinh lòng tham, bắc thang leo lên để đánh cắp. Khi anh vừa đưa tay tháo gỡ triều thiên thì đôi cánh tay của Chúa Giêsu bỗng được tháo gỡ. Chúa Giêsu giang tay ôm trọn lấy anh vào lòng, với tất cả trìu mến. Người lính chết lịm trong vòng tay âu yếm của Chúa Giêsu.
Người ta tìm thấy xác của anh dưới chân thánh giá!
Kể từ ngày đó, hai cánh tay của Chúa Giêsu không còn giang ra và bị đóng vào lỗ đinh nữa, nhưng được khoanh trước trái tim trong tư thế đang ôm chầm lấy một người nào đó.
Du khách nhìn lên thập giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe có tiếng thì thầm: "Ta không hề kết án con".

"Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài", đó là chân lý cơ bản nhất trong Kitô giáo. Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá: đó là ngôn ngữ qua đó muốn nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Người Con Một của Ngài chết thay cho chúng ta.
Thiên Chúa yêu thương con người: điều đó không có nghĩa là Ngài yêu thương con người một cách trìu tượng, yêu thương con người như một đám đông hay như một con số. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu cá biệt, nghĩa là mỗi người chúng ta đối với Ngài như thể là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này. Mỗi người là một lịch sử, mỗi người chiếm trọn tình yêu của Chúa.
Thiên Chúa yêu thương tôi, nghĩa là Ngài chỉ muốn điều thiện cho tôi. Ðiều thiện ấy có thể vượt khỏi suy tính, đo lường của tôi. Do đó, cho dẫu có gặp trăm nghìn đớn đau, vất vả, chúng ta cũng hãy tin rằng Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tôi đến độ làm mọi cách để cho mọi sự đều quy về điều thiện hảo cho tôi. Một cơn bệnh, một sự thất bại, một cái chết, một sự mất mát và ngay cả tội lỗi: tất cả đều là những cơ may để Ngài ban cho tôi một ơn phúc cao cả hơn.

(Lẽ Sống)
Thứ Tư 15-5

Thánh Isidore

(1070 -- 1130)

T
hánh Isidore là quan thầy của các nông dân và làng quê. Ðặc biệt, ngài là quan thầy của Madrid, Tây Ban Nha, và của Hội Nghị Ðời Sống Công Giáo Thôn Quê Hoa Kỳ.
Khi lớn tuổi, ngài làm công cho gia đình ông Gioan de Vergas, một địa chủ giầu có ở Madrid, và trung thành làm việc cho đến mãn đời. Isidore kết hôn với một thiếu nữ đạo đức và chính trực mà sau này bà được tuyên xưng là thánh Maria de la Cabeza. Hai người có được một con trai nhưng chẳng may cậu chết sớm. Cả hai ông bà tin rằng ý Chúa không muốn hai người có con, do đó họ quyết định sống khiết tịnh cho đến suốt đời.
Isidore là người đạo đức thâm trầm bẩm sinh. Ngài thức dậy từ sáng sớm để đi lễ và dành thời giờ trong những dịp lễ lớn để đi viếng các nhà thờ ở Madrid và vùng phụ cận. Trong khi làm việc, ngài luôn chuyện trò với Thiên Chúa. Khi bị các đồng nghiệp cho rằng ngài trốn tránh nhiệm vụ qua việc tham dự Thánh Lễ hằng ngày, lấy nhiều thời giờ để cầu nguyện, v.v., Isidore trả lời rằng ngài không còn lựa chọn nào khác hơn là tuân theo Ông Chủ tối cao. Truyền thuyết kể rằng, một sáng kia khi ông chủ đến cánh đồng để bắt quả tang Isidore trốn việc đi nhà thờ, ông thấy các thiên thần đang cầy cấy nơi khu ruộng của Isidore. 
Isidore còn nổi tiếng là thương người nghèo và cũng thường để ý đến việc chăm sóc loài vật.
Isidore từ trần ngày 15 tháng Năm 1130, và được phong thánh năm 1622, cùng với các Thánh I-nhã, Phanxicô Xaviê, Têrêsa và Philip Nêri.

Lời Bàn

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự ứng dụng nơi vị lao công thánh thiện này: Công việc lao động có phẩm giá; sự thánh thiện không bắt nguồn từ địa vị xã hội; sự chiêm niệm không lệ thuộc vào học thức; đời sống thanh bạch là con đường dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét