Trang

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

28-05-2013 : THỨ BA TUẦN VIII MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Ba Ngày 28/05/2013
Tuần VIII Mùa Thường Niên Năm C


BÀI ĐỌC I:  Hc 35, 1-15  (Hl  1-12)
"Chuyên giữ các điều răn là dâng của lễ hy tế cứu độ".

 Trích sách Huấn Ca.
Ai tuân giữ lề luật, là dâng nhiều lễ vật. Chuyên giữ các điều răn và xa lánh mọi điều gian ác, là dâng lễ hy tế cứu độ. Hãy dâng của lễ xin ơn tha thứ cho những bất công, hãy cầu nguyện xin ơn tha tội, và hãy xa lánh những điều gian tà.
Ai thực thi bác ái, là hiến dâng của lễ hoàn hảo; ai làm phúc bố thí, là dâng của lễ hy tế.
Điều làm đẹp lòng Chúa là xa lánh gian ác. Lánh xa bất công là dâng của lễ đền tội.
Ngươi đừng đến trước mặt Chúa với bàn tay không; vì tất cả những điều đó là do mệnh lệnh của Thiên Chúa. Của lễ người công chính làm cho bàn thờ nên phong phú, và hương thơm êm dịu của nó bay lên trước dung nhan Đấng Tối Cao. Lễ vật hiến tế của người công chính đã được chấp nhận, và Chúa sẽ không quên kẻ ấy. Ngươi hãy tôn vinh Thiên Chúa với tâm hồn quảng đại, và đừng rút bớt lại của lễ đầu mùa do công lao tay ngươi làm ra.
Mỗi lần ngươi dâng của lễ, nét mặt ngươi hãy vui tươi, và hãy hân hoan thánh hiến một phần mười của ngươi dâng. Ngươi hãy dâng lên Đấng Tối Cao tuỳ theo như Người đã ban cho ngươi, và hãy dâng với tâm hồn quảng đại theo sự ngươi đang có trong tay, vì Chúa là Đấng thưởng công và sẽ trả lại cho ngươi gấp bảy lần. Ngươi chớ dâng những lễ vật hèn kém, vì Người sẽ không nhận của lễ như vậy đâu, ngươi cũng đừng trông gì nơi những của lễ bất chính, vì Chúa là Đấng xét xử, Người không thiên vị ai đâu.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 49, 5-6. 7-8. 14 và 23
Đáp:     Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).

1) "Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ". Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, vì chính Thiên Chúa, Người là thẩm phán.   .
2) Hỡi dân tộc của Ta, hãy nghe Ta nói, hỡi Israel, Ta sẽ chứng tỏ lời phản đối ngươi: Ta là Thiên Chúa, Đức Thiên Chúa của ngươi. Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn.   .
3) Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Đấng Tối Cao. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta, ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.   .

ALLELUIA:  Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 10, 28-31
"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".  Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Phần thưởng gấp trăm
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Trước sự sửng sốt của các môn đệ: "Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó được sao?
Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được.
Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 8 TN1, Năm Lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa thưởng công xứng đáng những người rộng lượng cho đi.

Con người thường rất tính toán trong việc đối xử với nhau, họ nghĩ: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại;” có nghĩa mọi người phải công bằng trong cách xử thế: Nếu tôi mừng cho con anh 100 đồng trong lễ cưới thì anh cũng phải mừng cho con tôi 100 đồng khi nó thành hôn. Nếu con tôi không nhận được đồng nào hay chỉ nhận 50 đồng, mối liên hệ hai bên sẽ có vấn đề.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong cách cư xử của con người với Thiên Chúa. Con người cần nhận ra những hồng ân Thiên Chúa đã đổ xuống trên cuộc đời mình, để biết cách đáp trả làm sao cho xứng đáng. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca mô tả những cách thức khác nhau con người có thể làm để trả ơn Thiên Chúa, và thái độ rộng lượng và chân thành con người cần có khi dâng lễ vật. Trong Phúc Âm, thánh Phêrô hỏi thẳng Chúa Giêsu những gì ông sẽ nhận được, sau khi ông đã bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần.

1.1/ Có nhiều cách để dâng lễ vật làm đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả sách Huấn Ca chỉ ra bốn việc con người có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải chỉ việc dâng lễ phẩm:

(1) Nghe và giữ lệnh truyền của Thiên Chúa: “Tuân giữ Lề Luật là làm cho lễ phẩm thêm phong phú. Gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an.” Thiên Chúa chắc chắn sẽ không nhận lễ vật của những người xúc phạm đến Lề Luật, và Ngài hài lòng vì người biết bước đi trong đường lối Thiên Chúa hơn người dâng nhiều lễ vật mà sống ngoài vòng pháp luật.

(2) Biết cám ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho trong cuộc đời: Nhiều người tuy nghèo, nhưng biết nhận ra và cám ơn những hồng ân Thiên Chúa làm, được kể như “dâng bột tinh hảo.”

(3) Giúp đỡ người nghèo: Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Thiên Chúa. Ngài kể “làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen.”

(4) Từ bỏ gian tà, bất công: Khi dâng lễ vật, Thiên Chúa đòi người dâng phải “tay sạch, lòng thanh.” Không có điều kiện này, lễ vật của người dâng sẽ không bao giờ được Thiên Chúa nhận lời. Thiên Chúa kể những người “từ bỏ gian tà thì đẹp lòng Đức Chúa,” và những người “chấm dứt bất công là dâng lễ đền tội.”

1.2/ Thái độ phải có khi dâng lễ vật: Tuy nhiên, cách thông thường nhất người Do-thái hay làm là dâng lễ vật để cám ơn và đền tội. Tác giả sách Huấn Ca mô tả bổn phận và thái độ cần có của người dâng lễ vật.

(1) Bổn phận: “Đừng đến trước nhan Đức Chúa tay không, vì tất cả những gì phải dâng đều do lệnh truyền. Lễ phẩm của người công chính như mỡ đổ trên bàn thờ xông mùi thơm ngào ngạt trước Đấng Tối Cao. Hy lễ của người công chính được chấp nhận, và phần kỷ vật sẽ không bị lãng quên.” Lề Luật mô tả rõ bổn phận của mỗi người phải làm đối với Thiên Chúa: Họ phải dâng toàn bộ của đầu mùa để được Thiên Chúa chúc lành. Tác giả khuyên: “đừng bớt xén của đầu mùa tay con làm ra.” Luật cũng buộc dân phải dâng thuế thập phân, tức là 1/10 các hoa lợi thâu nhập được.

(2) Thái độ: Khi con người dâng lễ vật cho Thiên Chúa, họ phải có thái độ vui vẻ và quảng đại: “Dâng cúng chi, cũng phải giữ nét mặt tươi cười... Với tấm lòng quảng đại, hãy dâng hiến Đấng Tối Cao tuỳ theo những gì Người ban tặng và tuỳ theo khả năng con có.” Trong lịch sử, Thiên Chúa đoái nhận của lễ của Abel hơn của lễ của Cain, vì Abel dâng cho Thiên Chúa với lòng quảng đại và vui vẻ, vì ông biết Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn con người.


1.3/ Phần thưởng cho người dâng lễ vật: Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người, Ngài “sẽ trả cho con gấp bảy lần.” Nếu mỗi lần dâng lễ vật, người dâng nhận lại nơi Thiên Chúa gấp bảy lần, tại sao không dâng cho Thiên Chúa mà lại keo kiệt giữ lại cho mình? Điều quan trọng khi dâng lễ vật cho Thiên Chúa là phải có tấm lòng chân thành. Dâng lễ vật là để cám ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, chứ không phải dâng như dâng quà hối lộ để được Thiên Chúa nhận lời. Cũng không phải dâng lễ vật để cầu xin Thiên Chúa cho trúng số hay cho thành công trong những thương vụ bất chính.

2/ Phúc Âm: Những ai rộng lượng dâng hiến cho Thiên Chúa sẽ nhận lại gấp trăm.

2.1/ Phần thưởng cho những người từ bỏ mọi sự để theo Chúa: Phêrô là con người rất chân thật, có lẽ Chúa thương chọn ông vì đức tính rất thành thật của ông. Phêrô không e dè khi hỏi Chúa Giêsu, dù mới bị Thầy mắng là Satan: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" Đức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Câu trả lời của Chúa Giêsu cần được phân tích cẩn thận:

(1) Nhận được gấp trăm ở đời này: Chúng ta chỉ cần lấy cuộc đời của Phaolô làm ví dụ. Sự trở lại của Phaolô làm gia đình và bạn bè công khai khước từ ông; nhưng ông đã được Thiên Chúa cho nhận lại cả hàng ngàn anh/chị/em tín hữu từ các cộng đoàn ở khắp nơi, trong đó có những môn đệ thân tín mà ông coi như con của mình, có những cộng sự viên đắc lực sẵn sàng đóng góp mọi sự cho việc rao giảng Tin Mừng.

(2) Cùng với sự ngược đãi: Chúa Giêsu không giấu Phêrô những ngược đãi mà ông sẽ phải trả giá cho việc làm môn đệ của Ngài. Ông và Phaolô cũng phải chịu biết bao gian khổ, tù đày, roi đòn, và sau cùng chịu chết để làm chứng cho Đức Kitô. Những sự ngược đãi được coi như phần thưởng, vì nó cung cấp cho các ông cơ hội nhận phúc lành của Thiên Chúa.

(3) Sự sống vĩnh cửu đời sau: Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Phêrô biết phần thưởng ở đời này cho dù lớn đến đâu chăng nữa, cũng không thể so sánh với sự sống vĩnh cửu mà Ngài sẽ ban cho các môn đệ trung thành ở đời sau.

2.2/ Trong Nước Thiên Chúa, mọi giá trị của thế gian bị đảo ngược. Chúa Giêsu tiếp tục nói với Phêrô: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." Ngài có ý muốn nói với ông: đừng phán xét mình theo tiêu chuẩn của thế gian, cũng đừng phán xét theo những gì mình nghĩ. Phêrô có thể hãnh diện vì sự từ bỏ của ông, và ông có thể nghĩ ông xứng đáng được hưởng những ân thưởng của Chúa. Cách hay nhất của người môn đệ là hãy cố gắng hết sức chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao, việc ân thưởng sẽ tới và hoàn toàn tùy thuộc nơi Thiên Chúa.


ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải khôn ngoan nhận ra mọi sự Thiên Chúa đã làm cho chúng ta để biết cách đền đáp cho xứng đáng.

- Chúng ta đừng bao giờ so đo và tính toán với Thiên Chúa, vì Ngài là Cha rất nhân lành. Ngài sẽ ban cho chúng ta gấp trăm lần những gì chúng ta dâng cho Ngài hay giúp đỡ tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 8 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Ba :

Mc 10,28-31

A. Hạt giống...
Hôm qua, Chúa Giêsu dạy phải từ bỏ mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài. Hôm nay Ngài cho biết phần thưởng của sự từ bỏ. Phần thưởng ấy là :
- được lại gấp trăm ở đời này
- cùng với sự bắt bớ : nghĩa là được chia xẻ số phận của Chúa Giêsu.
- và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

B.... nẩy mầm.
1. Khoa toán học của Tin Mừng rất lạ thường : "Bỏ thì được, giữ thì mất". Quả thật, làm môn đệ Chúa, chúng ta  phải bỏ rất nhiều : bỏ nhiều khoảng thời giờ xem Vidéo để cầu nguyện buổi tối, bỏ nhiều món tiền rất dễ "ăn" để giữ đức công bình, bỏ thời giờ và công sức để thực thi bác ái, bỏ ý riêng để sống đức vâng lời… Kẻ dâng mình cho Chúa bỏ hạnh phúc lứa đôi… Nhiều khi tôi không bỏ nổi, hoặc vừa bỏ vừa tiếc, là vì tôi vẫn còn tính toán theo khoa toán học của thế gian. Tôi có thể nói như Phêrô chưa : "Đây con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy" ?
2. Người ta chỉ bỏ cái này để lấy cái kia khi biết cái kia quý hơn cái này. Nếu tôi chỉ bỏ những thứ mà tôi thừa thải, những thứ mà tôi đã chán chê thì cái bỏ đó không có giá trị. Bởi đó Chúa nói rõ "Bỏ… vì Thầy và vì Tin Mừng". Muốn bỏ cho có giá trị, muốn bỏ mà lòng vẫn vui, tôi phải yêu mến Chúa và Tin Mừng hơn tất cả mọi sự khác.
3. "Cùng với sự bắt bớ" : Chúa Giêsu kể cả sự bắt bớ vào số phần thưởng gấp trăm Ngài ban cho kẻ từ bỏ. Nghĩa là, đối với kẻ thực sự từ bỏ, thì ngay cả khi bị bắt bớ họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Được như vậy quả là một phần thưởng quá lớn.
4. "Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời ở đời sau." (Mc 10,29-30)
Một người nữ bệnh nhân đếm từng ngày sống thoi thóp của mình bằng những chiếc lá rụng dần từ một cành cây nhìn thấy qua khung cửa sổ. Đến khi trên cành chỉ còn một chiếc lá duy nhất, cô nói với người thân của mình : "Nếu đêm nay, chiếc lá cuối cùng không còn nữa, em sẽ chết !" Ở phòng trọ bên dưới, có một hoạ sĩ tình cờ nghe được. Nửa đêm, giữa trời tuyết lạnh lẽo, ông bắc thang vẽ một chiếc lá vàng ở bức tường sát cành cây khô. Lúc hoàn tất kiệt tác cũng là lúc người ta thấy ông chết trong băng giá. Nhưng sáng hôm sau, người bệnh thức dậy, nhìn lên cành cây và reo lên : "Em vẫn còn có thể sống một hôm nữa !"
Không biết cô gái ấy sống bao nhiêu nữa, nhưng điều chắc chắn là người hoạ sĩ đã nằm xuống trong hạnh phúc tuyệt vời. Ông đã dám sống từ bỏ.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu hết giá trị của sự từ bỏ và dám sống từ bỏ. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

28/05/13 THỨ BA TUẦN 8 TN
Mc 10,28-31

BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO THẦY GIÊ-SU
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” (Mc 10,28)
Suy niệm: Nếu tính toán theo kiểu “cân-đong-đo-đếm,” thì quả thật để làm môn đệ Chúa, chúng ta  phải bỏ rất nhiều: bỏ thời giờ để cầu nguyện; bỏ công sức, tiền của để làm việc bác ái; bỏ ý riêng để sống đức vâng lời; bỏ nhiều món lợi rất dễ ‘ăn’ để thực thi công bình… Kẻ dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì phải từ bỏ hạnh phúc lứa đôi; người cam kết trong bậc gia đình cũng phải từ bỏ ý riêng ích kỷ để lo cho gia đình… Nhiều khi chúng ta không bỏ nổi, hoặc vừa bỏ vừa tiếc, là vì chúng ta vẫn còn theo cách tính toán của thế gian: ‘Thầy coi’ tôi bỏ như vậy rồi thì tôi được cái gì? Chúng ta làm như thể Chúa phải “bồi thường thoả đáng” cho chúng ta đã, rồi chúng ta mới bỏ mọi sự mà theo Chúa vậy!
Mời Bạn: Người ta chỉ bỏ cái này để lấy cái kia khi biết cái kia quý hơn cái này. Nếu Bạn chỉ bỏ những thứ mà Bạn thừa thãi, thì cái bỏ đó liệu có giá trị gì? Bởi đó, Chúa nói rõ ‘Bỏ… vì Thầy và vì Tin Mừng’. Muốn bỏ cho có giá trị, muốn bỏ mà lòng vẫn vui, Bạn và tôi phải yêu mến Chúa và Tin Mừng hơn tất cả mọi sự khác.
Chia sẻ: Chúa Giêsu từ bỏ mọi sự, “huỷ mình ra không” (= kenosis) khi chịu đóng đinh thập giá. Chúa là gương mẫu từ bỏ cho chúng ta như thế nào?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, dành một phút thinh lặng để hướng về Chúa, có một ý nghĩ cao đẹp… chỉ vì muốn làm đẹp lòng Chúa mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá, để cho con được sống đời đời. Xin giúp con cũng biết cam đảm dám từ bỏ mọi sự vì lòng yêu mến Chúa và vì anh chị em con. Amen.

Bỏ mọi sự vì Thầy
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài. Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.


Suy nim:
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.
Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.
Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.
Không lợi cho cá nhân mình
thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.
Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.
Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.
Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản
để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.
Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.
Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định
để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,
sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.
Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,
Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:
“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).
Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).
Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.
Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này
cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.
Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng
mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống
như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,
như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),
những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,
sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.
Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),
điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.
Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.
Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.
Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.
Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,
mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.
Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.
Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.
Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.
Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt
cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.
Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.
Đó là chính Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm Mc 10,28-31
Con đường dẫn đến hạnh phúc quê trời không phải thoải mái, dễ dàng. Trái lại con đường ấy đầy chông gai và thử thách, đòi hỏi chúng ta phải nổ lực cố gắng hy sinh rất nhiều. Con đường đó cũng không hề ngắn ngủi, đến đích chỉ trong vòng một hai ngày, trái lại nó rất dài, đòi chúng ta phải kiên trì bước đi trong sự tốt lành từng giây phút và suốt cả đời ta.
Vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay người ta có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay không chính đáng.
Một học sinh bỏ thời giờ, sức khoẻ, tiền của và tâm trí …cho việc học tập với mong muốn sau này mình có việc làm ổn định, đời sống thoải mái.
Một người nông dân suốt năm tháng vất vả gieo trồng với hy vọng được mùa bội thu, lợi nhuận kinh tế cao.
Người buôn bán cũng luôn mong mua may bán đắt, lời càng nhiều càng tốt.
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến đó là phải có lợi, có lời.
Với suy nghĩ rất con người ấy, hôm nay tông đồ Phêrô cũng thưa với Chúa Giêsu: “chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy ?”, với ý là bỏ và theo Chúa thì có lợi gì?
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa…Chúa Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần.
Ví dụ: Những người hiến thân trong bậc tu trì, khi chấp nhận rời xa cha mẹ, anh chị em ruột, khi đó họ lại gia nhập vào một cộng đoàn có rất nhiều người cha thiêng liêng và anh em cùng chí hướng. Gia đình này lớn hơn, thân thiết hơn, gắn bó hơn, yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn gia đình nhỏ bé cùng chung huyết thống chúng ta nữa.
Nhất là phần thưởng sự sống đời đời mai sau. Quả đây là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của  sự sống hạnh phúc đời sau.
Còn khi Chúa Giêsu nói “kẻ đứng đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên đứng đầu”. Câu nói này, Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại hay chểnh mảng trong nhiệm vụ nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa..
Lạy Chúa, ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa. Xin cho chúng con luôn luôn biết tỉnh thức sẵn sàng trong bổn phận, để trong giờ Chúa đến chúng con phải là "kẻ trước hết" trong kiên trì, cố gắng hy sinh đi theo Chúa, sống hết mình vì tình yêu "như Chúa đã yêu".
Lm. Seoka


Phần thưởng gấp trăm
Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc. 10, 28-30)
Ai mà đã không có lần mơ tưởng đến phần thưởng gấp trăm ấy được hứa cho những ai từ bỏ tất cả: ly kỳ nữa là được cả một lô mẹ, anh em, chị em, nhà cửa… nhưng, ôi thôi!, lại cùng với sự ngược đãi nữa chứ? Giống như việc mua bán ở chợ, còn gì hấp dẫn cho bằng “bán chạy như tôm tươi”. Mơ ước hình như chưa bao giờ thực hiện được, ít ra là đối với những ai đã chơi bài. Sẽ được thực hiện ở thế giới bên kia không? Chẳng ai đã khẳng định điều đó bao giờ. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi họa hoằn mới có những người dám đánh cuộc, một cái nắm trong tay còn hơn một trăm cái chưa có là vậy.
Hãy mở rộng nhãn giới của ta
Lời hứa như thế cho Phêrô và những người giống như ông là một lời hứa có tính tiên tri liên quan tới tương lai của cộng đồng các Kitô hữu sẽ sống những gía trị mà Chúa Giêsu đã loan báo. Không phải là loan báo thưởng gấp trăm lần hơn những gì người ta sẽ từ bỏ, nhưng là sự mô tả trước về những cộng đoàn sẽ sinh ra từ những ai sẽ mở rộng tâm hồn của họ tới chiều kích toàn cầu, những ai mà tình huynh đệ và yêu thương của họ sẽ không đóng khung trong gia đình, quê hương hay cục bộ, nhưng vươn tới hết mọi người bất kỳ họ là ai và ở nơi nào. Ở đây, chúng ta có được bài miêu tả có tính tiên tri về Giáo hội, và đại gia đình nhân loại, nơi đây tình huynh đệ và quyền sở hữu của cải sẽ không bị một quyền độc đoán nào khác giới hạn.
Giáo hội, gia đình của các con cái Thiên Chúa sẽ chỉ đạt được sự hoàn thiện tròn đầy, trọn vẹn ngày mà chúng ta sẽ chỉ là một trong Chúa Kitô, ngày mà người ta gọi là ngày sau hết, ngày thế mạt. Giáo hội ấy, cộng đồng không biên giới ấy, đã được thể hiện hôm nay trong những cơn bách hại, trong đau khổ của thập giá, nhưng cũng đang được hân hoan khi đi theo con đường Chúa đã đi và sống theo đường lối Đức Kitô đã muốn.
Giáo hội ấy, cộng đồng của những người anh em thuộc mọi chủng tộc, với những mái nhà đủ kiểu, với những môi trường văn hóa muôn vẻ thật đúng là phần thưởng gấp trăm đầy phấn khich cho những người biết sông yêu thương.
Giáo hội ấy có bành trướng không phải là để loại trừ những cộng đồng địa phương; mà sự bành trướng có chiều kích toàn cầu ấy còn bị những tâm hồn hẹp hòi ích kỷ tranh giành và bách hại vì nghĩ rằng họ sẽ bị tổn thương.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba

28 THÁNG NĂM

Nỗi Xao Xuyến Không Ngừng Gặm Nhấm Tạo Vật

Con người có khả năng cầu nguyện. Vì thế, con người trở thành tiếng nói của mọi loài thụ tạo. Các Tông Đồ cầu nguyện với nhau và với Đức Maria trong căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội cầu nguyện nhân danh toàn thể mọi tạo vật.

Thật vậy, muôn loài đã bị lâm vào cảnh hư ảo (Rm 8, 20) do tội lỗi là cái chống lại Thần Khí trao ban sự sống. Và kìa, trước mắt chúng ta , con người đang đạt được những bước tiến bộ kỳ diệu trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Những thành tựu ấy đặc biệt mở ra cho thấy sự phong phú ẩn giấu trong tạo vật. Song nó cũng mở ra cho thấy sự tội đồn trú trong lòng con người và lan tràn ra các xã hội xét như một phần của lịch sử chúng ta.

Đó là lý do tại sao một nỗi xao xuyến đang dậy lên trong thế giới. Nhiều người sợ rằng thế giới tạo vật và mọi công cuộc của con người có thể còn lâm vào bế tắc hơn nữa – khi chúng ta kinh nghiệm những mối khủng hoảng và những đe dọa đang ngày càng gia tăng. Vì thế mọi tạo vật – xuyên qua lời cầu nguyện của mọi con người (hơn là xuyên qua các công trình của con người) – lên lời rên siết kêu nài. Thánh Phao-lô nói: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài” (Rm 8, 19).

Chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nói lên bằng mọi thứ ngôn ngữ của thế giới hiện đại – ngôn ngữ của văn hóa và văn minh; ngôn ngữ của sự đổi mới xã hội, kinh tế và chính trị; ngôn ngữ của công lý và giải phóng; ngôn ngữ của các hệ thống thông tin và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết công bố khắp mọi nơi về bao công trình kỳ diệu của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa tràn ngập trên chúng con! Xin hãy đổi mới bộ mặt địa cầu xuyên qua sự mặc khải vinh quang của con cái Ngài”.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Hc 35, 1-12 ; Mc 10, 28-31


LỜI SUY NIỆM : « Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau » (Mc 10,29-30).

Những ai đã từng nghe tiếng gọi của Chúa, để rời bỏ tất cả những gì thân quen, những gì là tiện nghi của cuộc sống, lên đường phục vụ vì Chúa và vì Tin Mừng tại những trung tâm đang cần đến sự quan tâm, cần đến sự yêu thương, cần đến sự săn sóc của người đồng loại. Được hòa nhập vào những bầu khí đó chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc thật sự. Thấy được giá trị của cuộc sống của mình.

Mạnh Phương

28 Tháng Năm

Người Tín Hữu Cuối Cùng

Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:
Ðây là một chuyện giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:
- Anh có biết ai đấy không?
- Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lời.
- Ðức Giáo Hoàng đấy! Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng. Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?

Xuyên qua đời sống tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v...? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề "Truyền giáo trong xã hội tân tiến", Chúa Giêsu đã khẳng định: "Các con là muối đất", "Các con là ánh sáng thế gian". Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.


(Lẽ Sống)

Thứ Ba 28-5

Thánh Germain

(496 - 576)
T
hánh Germain là một đan viện trưởng với đặc tính thương người nghèo và chia sẻ của cải cho họ đến độ các đan sĩ phải phản đối, nếu không đan viện sẽ không còn gì để sống.
Ngài sinh ở Autun nước Pháp, theo học tại Avalon và Luzy dưới sự dẫn dắt của người chú là một linh mục. Sau khi làm đan viện trưởng của Ðan Viện Thánh Symphorien gần Autun, năm 555 ngài được Vua Childebert chọn làm giám mục Balê, sau khi Ðức Giám Mục Eusebius từ trần.
Trong thời gian làm giám mục, ngài vẫn giữ lối sống kham khổ của đan viện và luyện tập các nhân đức. Ngài tham dự các Công Ðồng Balê III và IV (557, 573) cũng như Công Ðồng Tour II (566). Ngài thúc giục nhà vua từ bỏ các thói quen ngoại giáo và cấm tiêu xài phung phí trong các buổi lễ Kitô Giáo.
Sau khi vua Childebert từ trần, nước Pháp tan hoang vì sự tranh giành và bị chia làm bốn cho bốn thái tử. Ðức Germain đã phải can thiệp, dùng thẩm quyền của Giáo Hội để ra vạ tuyệt thông một thái tử vì sự đồi trụy, và ngài cố gắng ngăn cản cuộc chiến giữa các thái tử khác.
Trước khi sự thái bình được vãn hồi, Ðức Germain đã từ trần ở Balê ngày 28-5-576. Thi hài của ngài được chôn trong nhà nguyện Thánh Symphorien nhưng sau đó, năm 754, đã được cung kính chôn cất trong thánh đường chính, trước sự hiện diện của Vua Pepin và thái tử Charlemagne. Từ đó trở đi, Thánh Germain thường được gọi là Thánh Germain-des-Prés.
Ngoài lá thư của Vua Childebert cảm tạ Thánh Germain vì đã cứu ông thoát chết một cách lạ lùng, ngày nay người ta còn giữ một luận án về bản phụng vụ cổ của Pháp mà họ cho rằng Thánh Germain đã sáng tác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét