Trang

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

22-05-2013 : THỨ TƯ TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Tư Ngày 22/05/2013
Tuần VII Mùa Thường Niên Năm C


BÀI ĐỌC I:  Hc 4, 12-22  (Hl 11-19)
"Ai yêu mến sự khôn ngoan, sẽ được Thiên Chúa yêu mến".

 Trích sách Huấn Ca.
Sự khôn ngoan truyền sinh khí cho con cái mình, đón nhận những ai tìm mình và dẫn đường công chính. Ai yêu mến sự khôn ngoan thì yêu mến sự sống. Ai tỉnh thức đón chờ nó, thì sẽ được vui thoả. Ai chiếm được nó, sẽ được hưởng sự sống. Nó vào nơi nào, thì Thiên Chúa chúc phúc nơi đó. Ai phụng sự nó, là phụng sự Đấng Thánh. Ai yêu mến nó, sẽ được Thiên Chúa mến yêu. Ai nghe nó, sẽ xét xử các dân tộc. Ai chăm chú nhìn nó, sẽ luôn luôn vững tâm. Ai tin tưởng nó, sẽ được nó làm gia nghiệp, và dòng dõi kẻ ấy sẽ được vững bền.
Bởi chưng sự khôn ngoan sống với kẻ ấy trong cơn thử thách và tuyển chọn kẻ ấy trước hết mọi người. Nó sẽ đổ xuống trên kẻ ấy sự kính sợ và thử thách, sẽ dùng giáo lý mà sửa dậy và rèn tập kẻ ấy trong sự gian nan, cho đến khi nắm chắc được tư tưởng của kẻ ấy, và tín nhiệm kẻ ấy. Sự khôn ngoan sẽ cho kẻ ấy được bền vững, dọn đường ngay thẳng cho kẻ ấy và làm cho kẻ ấy được vui mừng. Sự khôn ngoan sẽ mạc khải cho kẻ ấy biết những bí mật của mình, sẽ ban cho kẻ ấy kho tàng sự hiểu biết công chính. Nếu kẻ ấy cố chấp lầm đường, sự khôn ngoan sẽ bỏ rơi và trao phó kẻ ấy trong tay quân thù.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 118, 165. 168. 171. 172. 174. 175.
Đáp:     Lạy Chúa, đại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165a).

1) Đại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa, không có gì làm cớ cho họ sẩy chân.   2) Con tuân giữ huấn lệnh và những lời truyền của Chúa, vì bao đường lối của con hiện ở trước nhan Ngài.   .
3) Môi con sẽ xướng lên những bài ca ngợi, vì Chúa đã dạy con các thánh chỉ của Ngài.  4) Lưỡi con sẽ ca ngợi lời sấm của Chúa, vì bao chỉ thị của Chúa đều công minh.   .
5) Lạy Chúa, con mong ơn Ngài cứu độ, và luật pháp Ngài là sự hoan lạc của con.   .
6) Nguyện cho hồn con được sống để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con!

ALLELUIA:  Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 9, 37-39 (Hl 38-40)
"Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con".  Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Cộng tác với nhau
Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau. Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, hai anh em đã tạo được sự nghiệp lớn lao.
Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Ðó cũng đã là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy, Chúa Giêsu trả lời: "Ðừng ngăn cấm người ta... Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".
Qua suốt dòng lịch sử, đặc biệt từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội không ngừng đẩy mạnh sự hợp nhất giữa các Giáo Hội Kitô, hoặc trong chính nội bộ của mình. Nhu cầu của Giáo Hội thật đa diện, cần có sự đóng góp của nhiều người mới mong đáp ứng đầy đủ. Những khác biệt trong Giáo Hội là vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc, nếu tất cả múc lấy nguồi suối từ Chúa Giêsu và sức mạnh từ Thánh Thần.
Ước gì lời Chúa hôm nay hun đúc chúng ta lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác, tìm kiếm chân lý hơn là tìm cách thắng cuộc trong tranh luận. Xin Chúa Kitô là nguồn hiệp nhất trong Giáo Hội giúp chúng ta thành tâm hiệp nhất với nhau trong mọi việc.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 7 TN1


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người khôn ngoan biết mở rộng lòng ra với mọi người.

Chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa hai nền kinh tế của thị trường tự do và thị trường dưới sự kiểm soát của chính phủ. Trong thị trường tự do, ai nấy đều có quyền sản xuất và tiêu thụ, hậu quả của sự cạnh tranh đẩy mạnh sự tiến bộ và làm cho quốc gia càng ngày càng trở nên giàu mạnh. Trong thị trường bị kiểm soát chặt chẽ, chỉ một số nhỏ có quyền sản xuất và tiêu thụ, hậu quả của sự thiếu cạnh tranh bóp chết sáng kiến cá nhân, và làm cho quốc gia trở nên nghèo đói. Vì thế, muốn nước giàu mạnh, chính phủ phải mở cửa thị trường với những kiểm soát tối thiểu để bảo vệ ích lợi chung.

Các bài đọc hôm nay dẫn chứng cũng cần phải áp dụng khôn ngoan như thế trong lãnh vực tinh thần. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca nêu lên những mục đích mà sự khôn ngoan của Thiên Chúa mang lại cho con người. Trong Phúc Âm, các môn đệ cố gắng ngăn cản những người không thuộc nhóm các ông nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỉ. Chúa Giêsu dạy cho các ông một bài học khôn ngoan: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải học cho được khôn ngoan của Thiên Chúa.

1.1/ Những lợi ích của khôn ngoan mang lại: Tác giả liệt kê nhiều lợi ích, chúng ta có thể tóm trong 3 điều chính yếu.
(1) Kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi khôn ngoan: Người biết kính sợ Thiên Chúa sẽ biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, và khiêm nhường sẵn sàng học hỏi những khôn ngoan đến từ Ngài, chứ không hãnh diện về những khôn ngoan của mình hay của thế gian. Người theo đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa “sẽ được vinh quang của Thiên Chúa làm gia nghiệp, đi tới đâu, họ cũng được Đức Chúa ban phúc lành.” Thiên Chúa yêu mến những ai tìm kiếm và sống theo sự khôn ngoan của Ngài.

(2) Người khôn ngoan biết cách đối xử với tha nhân: Người khôn ngoan sẽ luôn có bình an và sống yên hàn với mọi người. Họ sẽ được đặt lên để xét xử chư dân. Sự khôn ngoan sẽ làm cho họ nên cao trọng vì giúp họ biết giải quyết vấn đề.

(3) Người khôn ngoan không những biết cách sống mà còn giúp cho cho dòng dõi của mình được sống. Dạy bảo cho con những khôn ngoan của Thiên Chúa còn quí trọng hơn cho con tất cả những trân châu và vàng bạc của thế gian. Cha mẹ có khôn ngoan mới biết dạy dỗ và truyền lại cho con cháu; cha mẹ không khôn ngoan, làm sao có thể giúp cho con biết sống theo đường lối của Thiên Chúa?

1.2/ Khôn ngoan đòi sự luyện tập lâu dài: Khôn ngoan không phải tự nhiên mà có, một phần do Thiên Chúa ban cho con người, một phần do con người phải cố gắng luyện tập để phát triển. Tiến trình luyện tập khôn ngoan còn gian nan hơn tiến trình luyện tập của các binh lính, vì thời gian luyện tập nhiều khi đòi cả đời người: thời gian học hỏi trên ghế nhà trường và thời gian thực nghiệm trong trường đời. Câu 17 diễn tả những gian nan trên đường luyện tập để sở hữu khôn ngoan: “Vì ban đầu, khôn ngoan sẽ đồng hành với họ qua nẻo đường quanh co, giáng xuống trên họ hãi hùng run rẩy, và dùng kỷ luật của khôn ngoan mà tôi luyện bao lâu chưa tin tưởng họ được; rồi lại thử thách họ qua những phán quyết của mình.”

Một khi đã thủ đắc khôn ngoan, một người sẽ mừng vui vì biết được những bí nhiệm của cuộc đời, biết cách hành xử làm sao để đạt được đích điểm của cuộc đời, và biết sống mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Ngược lại, nếu một người lười biếng và lầm lạc thì khôn ngoan sẽ bỏ rơi họ, và để mặc cho họ sụp đổ.

2/ Phúc Âm: Phải luôn mở rộng tâm hồn đến mọi người.

Chúng ta có thể nhận ra hai khuynh hướng hoàn toàn trái ngược nhau qua lời đối thoại của Chúa Giêsu và các môn đệ:

2.1/ Khuynh hướng co cụm chỉ quan tâm đến mình và những người trong nhóm của mình. Lý do ông Gioan ngăn cản không cho người khác lấy danh Chúa Giêsu trừ quỉ vì “người ấy không theo chúng ta.” Đây là lối khôn ngoan theo thế gian. Họ chủ trương phải độc quyền, giữ bí mật, để kiếm lợi lộc càng nhiều càng tốt. Họ sợ người khác hơn mình, hay ít nhất cũng được như mình. Thái độ độc quyền không muốn ai có quyền đó, trừ mình hay người trong nhóm mình; để rồi mặc sức thao túng thị trường. Thái độ này cũng dễ đưa tới địa vị độc tôn, chỉ có mình là nhất, và dễ dàng dẫn tới việc khinh thường người khác hay nhóm khác.

2.2/ Khuynh hướng mở rộng vòng tay để chấp nhận người khác: Khác với ích kỷ và tính toán của khôn ngoan con người; khôn ngoan theo Thiên Chúa chủ trương rộng lượng cho đi, làm cho mọi người được biết, và phân phối những gì mình có tới mọi người. Chúa Giêsu cổ võ việc để người của nhóm khác lấy danh của Ngài mà trừ quỉ, vì Ngài muốn mọi người biết đến Danh Thánh. Ngài hy vọng khi họ nhìn thấy uy quyền của Danh Thánh, họ sẽ tin tưởng vào Ngài.

Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ cách hành xử khôn ngoan: “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Nếu các môn đệ phải sợ, các ông phải sợ người chống đối, người đứng trung lập có thể dễ thuyết phục hơn người chống đối mình.

Hơn nữa, một quan niệm đúng đắn về cuộc đời sẽ giúp chúng ta dễ dàng cho đi và chấp nhận người khác hơn. Mục đích tối hậu của cuộc đời con người là làm sao được về sống hạnh phúc muôn đời bên Thiên Chúa. Quyền lực, danh vọng, tiền của chỉ là những phương tiện con người dùng khi còn sống trong cuộc đời này. Vì thế, con người phải xử dụng mọi phương tiện của Thiên Chúa ban để làm cho mọi người biết đến Thiên Chúa, tin vào Ngài, để nhận được ơn cứu độ. Nếu không biết xử dụng cách khôn ngoan, những phương tiện này sẽ biến thành mục đích, và ngăn cản chính đương sự và tha nhân trên đường tiến về Nhà Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải học khôn ngoan của Thiên Chúa thì mới có thể sống hài hòa và sinh ích lợi cho cá nhân cũng như tha nhân.

- Nếu chúng ta theo khôn ngoan tiểu xảo của con người, chúng ta sẽ co cụm trong cá nhân hay nhóm riêng của mình, và Nước Thiên Chúa sẽ không thể phát triển và trị đến được.

- Học và sống theo khôn ngoan của Thiên Chúa không dễ dàng, vì nó đòi chúng ta phải bỏ những gì có giá trị theo tiêu chuẩn của thế gian. Chỉ khi nào chúng ta thấu hiểu những lợi ích vĩnh cửu của lối sống này, chúng ta mới có nghị lực để vượt qua những giá trị tạm thời của thế gian.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 7 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Tư :

Mc 9,38-40

A. Hạt giống...
Hôm qua, Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ và tiếp đón. Hôm nay Ngài dạy bài học bao dung và hợp tác. Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Chúa Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.
- Người đời thường có óc bè phái : ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với nhũng nhóm khác. Phương châm của thế gian là "Ai không theo ta tức là nghịch với ta"
- Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, nhưng phải sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là "Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta".

B.... nẩy mầm.
1. Kẻ thốt lên những lời sặc mùi đố kị này là ai ? Cũng là kẻ một lần khác đòi khiến lửa trời xuống thiêu rụi một làng Samari không tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài. Đó chính là Gioan, "người môn đệ mà Chúa Giêsu thương yêu". Con người tự nhiên của Gioan vốn xấu như vậy. Nhưng nhờ tình thương của Chúa, sau này Gioan trở nên tốt, có thể nói là tốt hơn những môn đệ khác. Nhìn gương thánh Gioan, tôi không thất vọng về bản chất xấu xa của mình, nhưng tôi càng tin cậy vào tình thương có sức biến đổi tuyệt vời của Chúa.
2. Gioan cũng là một trong 3 môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu. Thế mà vẫn nặng đầu óc phe phái. Gioan đố kị với cả những người "nhân danh Chúa mà trừ quỷ", tức là những người làm việc tốt.
Thánh Gioan mà còn như thế thì huống chi là tôi. Tôi phải khiêm tốn thừa nhận trước Chúa và trước lương tâm rằng tôi đã nhiều lần đố kị ganh ghét các anh chị em tôi, ganh ghét không phải vì họ xấu mà chính vì họ tốt. Và tôi phải hết sức đề phòng không để cho khuynh hướng ganh ghét ấy khuynh đảo tôi nữa.
3. Tôi thường nhìn người khác một cách nghi kị và khắt khe. "Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi". Do cái nhìn ấy, nếp sống của tôi trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay Chúa dạy tôi một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan "Ai không chống đối các con là ủng hộ các con". Chắc chắn với cái nhìn này đời tôi sẽ vui tươi hơn và tôi sẽ làm việc thoải mái hơn.
4. Truyện ngụ ngôn ấn độ có kể như sau : Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần gian.
Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến : "Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt". Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu : "Lạy Ngài, con không thể gặp được một con người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn".
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại : "Ngươi hãy đi tìm cho ta một con người thực sự xấu xa". Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo : "Lạy Ngài con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp.
Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt". (Chờ đợi Chúa)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

22/05/13 THỨ TƯ TUẦN 7 TN
Th. Rita Caxia, nữ tu
Mc 9,38-40

CHẤP NHẬN LẪN NHAU
“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)
Suy niệm: Ông Gioan này đúng là “con thiên lôi” (x. Mc 3,17), khi thấy có người không thuộc nhóm của mình mà lại dám trừ quỷ thì khó chịu và xin Chúa cấm người ấy. Chúa chẳng những không cám, mà còn dạy các môn đệ bài học bao dung, chấp nhận lẫn nhau: Một người có thể không đi theo Chúa, thậm chí không ở trong Giáo Hội, nhưng nếu không minh nhiên chống đối Chúa, thì phải kể là họ thuận với Chúa. Độc quyền, háo thắng, coi mình là đúng và nhất... dễ là khuynh hướng của con người. Vì thế mà có những âm mưu loại trừ nhau, tiêu diệt đối phương, dành quyền bá chủ, độc tài thống trị..., thậm chí đưa đến chiến tranh! Người môn đệ còn phải học nhiều tấm gương bao dung, hiền lành, khiêm nhường của Chúa.
Mời Bạn: Bạn xét coi mình, nhóm hay hội của mình có khuynh hướng độc quyền, thống trị, coi mình là nhất và khinh thị người khác, nhóm hay hội khác không? Bạn có tinh thần chấp nhận hay loại trừ người khác? Mời bạn học gương của thánh Phaolô khi ở Philípphê: biết có những người cũng rao giảng Chúa Kitô nhưng thuộc nhóm khác, thánh Phaolô không tỏ vẻ ganh tị hay buồn bực, mà ngài viết: “Miễn là Đức Kitô được rao giảng thì tôi vui mừng rồi” (Ph 1,12-18).
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi loại bỏ những lời nói, hành động gây chia rẽ, bất hòa; trái lại tôi nhìn người khác với tâm tình nhẫn nại, bao dung và tích cực chấp nhận lẫn nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đón nhận chúng con, dù chúng con khiếm khuyết, yếu hèn; xin giúp chúng con cũng biết chấp nhận mọi anh em dù họ có khác biệt với chúng con. Amen.

Đừng ngăn cản người ta
Rao giảng Tin Mừng cho một người là nói với người ấy rằng anh đã quen biết Giêsu và Giêsu đã ở trong anh từ lâu.

Suy nim:
Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ Nạn và Phục sinh lần hai,
các môn đệ đã cãi nhau ngay ngoài đường xem ai là người lớn nhất.
Như thế tham vọng cá nhân vẫn tồn tại
cả nơi những người đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (Mc 9, 33-37).
Sau vụ tranh cãi có tính nội bộ trên,
bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện tranh cãi với người ngoài nhóm. 
Gioan, “con của Thiên Lôi”, là người khởi đầu câu chuyện.
Thực ra ông chỉ là người nói lên phản ứng chung của các anh em.
Họ bực bội vì có người “không theo chúng ta”, không ở trong nhóm,
mà lại dám lấy Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ (c. 38).
Và thực sự người đó đã trừ được một cách thành công.
Danh Giêsu có sức mạnh trừ quỷ, đó là điều không thể chối cãi.
Nhưng đối với Gioan và các bạn của ông,
chỉ những người trong nhóm mới có quyền dùng Danh ấy.
Chính vì thế Gioan thú nhận, “chúng con đã cố ngăn cản…” 
Họ muốn độc quyền sử dụng Danh Thầy,
nghĩa là muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm.
Nếu ai cũng lấy Danh Giêsu mà trừ quỷ, thì còn thế giá gì cho các ông! 
Chẳng rõ các môn đệ đã làm gì để ngăn cản người kia,
Chỉ biết Thầy Giêsu không chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39).
Thầy bao dung và cởi mở hơn nhiều.
Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ.
Hẳn người ấy có niềm tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của Danh Thầy.
Như thế anh ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy,
dù không theo Thầy làm môn đệ chính thức trong nhóm.
“Ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40).
Nguyên tắc này của Đức Giêsu khiến chúng ta có thêm nhiều bạn,
và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ thù.
Nó khiến chúng ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình bị đe dọa,
và tránh được những tranh chấp không đáng có. 
Thật ra thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ sự ích kỷ
chứ không từ lòng đạo đức thực sự.
Có thứ khép kín ích kỷ của một cá nhân,
nhưng cũng có sự khép kín ích kỷ của một tập thể,
một họ đạo, một dòng tu, một tôn giáo, một quốc gia.
Đức Giêsu mời chúng ta vượt ra khỏi ranh giới của nhóm mình,
để mở ra với thế giới, với các kitô hữu khác, với những người không tin.
Chúng ta cần thấy những điều chân thiện mỹ nơi họ như những tia nắng
đến từ Vừng Đông rực rỡ là Đức Giêsu,
và cảm được mối dây thầm kín kết nối họ với Thiên Chúa.
Cần tập nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện và hoạt động
ở những nơi, những tổ chức và những người mà ta không ngờ.
Rao giảng Tin Mừng cho một người là nói với người ấy rằng
anh đã quen biết Giêsu và Giêsu đã ở trong anh từ lâu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.

Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.

Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.

Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.

Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.

Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)
 An-tôn  Nguyễn Cao Siêu, SJ.


Suy Niệm Mc 9, 37-39
Lấy danh Chúa Giêsu để trừ quỷ là một việc làm tốt hay xấu? dĩ nhiên là tốt rồi. Nhưng tại sao các môn đệ thay vì vui mừng và ủng hộ việc đó thì các ông lại muốn ngăn cản. Thực tế,  c ác ông cũng không ngăn cản được, nên nghĩ rằng khi trình bày cho Chúa thì ngài sẽ đứng ra ngăn cản họ. Ta thấy các tông đồ đã sai khi ngăn cản một việc tốt, nhưng tình huống tệ hại hơn khi họ lại muốn lôi Chúa Giêsu vào cuộc. Do đâu mà các môn đệ ấy sai? chính họ đưa ra lý do: "Vì người ấy không theo chúng ta", nói cách khác là không thuộc về nhóm chúng ta.

Con người thường ích kỷ và hay ganh tị. Tại sao người ta hay nghi kị, chống đối và có quá nhiều xích mích va chạm? Thưa tại vì người ta có đầu óc phe nhóm nên không thích những ai ngoài nhóm mình, không muốn làm việc chung với họ dù là việc tốt. Người Do thái nghĩ rằng chỉ có dân tộc của họ mới được hưởng ơn cứu độ. Các môn đệ của Chúa Giêsu cho rằng chỉ có nhóm của họ mới được quyền lực trên quỷ dữ. Người kitô hữu lại hay khinh chê các nhóm khác, đạo khác vì nghĩ rằng chỉ có họ mới độc quyền nắm giữ chân lý thiện hảo.

Một việc làm tốt nhưng lại gây ra một phản ứng xấu, đó là vì người phản ứng có một quan niệm sai lạc. Bài học của bài Tin Mừng hôm nay không phải là chỉ ra một cách đối xử trong một trường hợp cụ thể nào đó, mà là cho chúng ta một quan niệm sẽ hướng dẫn tất cả mọi cách đối xử của chúng ta

Lạy Chúa, trong việc xây dựng nước Chúa, xin cho chúng con có cái nhìn nhân từ, bao dung nhân ái, một tấm lòng nhân hậu, một tinh thần cởi mở hợp tác. Đồng thời xin giúp con tránh xa những quan niệm hẹp hòi, phe nhóm, óc phân biệt đối xử... khiến chúng con phạm sai lầm là đánh giá xấu và chống đối ngăn cản việc làm tốt của những người khác.

Người Miệt Vườn
Lại tranh luận nữa
Ông Gio-an nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc. 9, 38-39)
Có một lúc nào đó các tông đồ đã tranh luận với nhau để xem ai là người lớn nhất. Và đây lại một cuộc cãi cọ nữa, lần này với một người lạ mà Chúa đã lệnh cho thay vào chỗ Người. Chính Gioan là người đến kể lại cho Thầy về trường hợp người trừ quỷ lạ mặt đó. Ông Gioan này, một con người hiền dịu như thế, lại rất có thể nổi nóng, tàn bạo. Ta còn nhớ, một ngày nào đó, ông đã xin Chúa Giêsu cho lửa trời và sấm sét xuống tiêu diệt một làng của người Samari, vì họ đã không chịu tiếp rước các ngài. Ông không gớm cả những biện pháp mạnh. Ở đây, ông lại bực tức với một người ngoại nhập lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ và được thành công. Thật là xì-căng-đan hết chỗ!
Vì “người ấy không theo chúng ta.” Người ấy không phải là người thuộc nhóm chúng ta và kìa anh ta tiếm quyền của chúng ta, dẫm chân lên những mảnh vườn của chúng ta. Đó là một sự lộn xộn mà anh ta xin Chúa Giêsu sửa sai. Vả lại các tông đồ cũng đã bắt đầu xen vào. Các ông đã ngăn cản anh lấy danh nghĩa Chúa mà hành đông và các ông đòi Chúa công nhận hành đông của các ông. Còn Gioan một phần nào như muốn nói: “Khỏi cần đi theo Thầy nữa, làm môn đệ Thầy mà làm chi, khi mà kẻ tới trước đều có thể hành động nhân danh Thầy.”
Đừng là ốc đảo
Phản ứng của Chúa Giêsu, đày lòng bao dung, đã phải làm cho các môn đệ thất vọng: Người lệnh cho các ông cứ để cho người lạ này trừ được bao nhiêu quỷ thì cứ làm, và công việc ấy biện minh cho con người anh: người mới gia nhập này tỏ cho thấy có nhiều dấu hiệu thiện chí, công việc anh làm đều hướng về Chúa Giêsu, và một khi ra đi rồi, chẳng lẽ anh lại đâm ra khinh rể và nhục mạ Người. Ở đây Chúa Giêsu xem ra lạc quan, sẵn sàng kết nạp mọi người ở ngoài, sẵn sàng tỏ thái độ dễ dàng để chiêu mộ những người theo. Thực tế mà nói, Chúa muốn cho các môn đệ thấy rằng thái độ của các ông là không có căn cứ, là hẹp hòi.
Chúa giải thích thêm bằng câu nói bất hủ: “Ai không chống lại tôi, là ủng hộ tôi.” Người truyền lệnh cho các ông phải vượt khỏi những cái nhìn hoàn toàn phàm trần và hẹp hòi của các ông, bỏ ra một bên tinh thần phe nhóm và cởi mở với tất cả mọi người thiện chí. Nhưng thái độ này của Chúa Kitô không phải là “ba phải” chút nào: khi phải chiến đấu chống sự ác, Người tỏ ra kiên quyết và Người sẽ tuyên bố: “Ai không cùng với chúng ta, là chống lại chúng ta.” Có nghĩa là trung lập khi phải đối phó với sự ác chính là đồng lõa với sự ác vậy.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba

22 THÁNG NĂM

Trạng Sư Thần Linh Của Chúng Ta

Tông Đồ Gio-an nói với những người nhận thư thứ nhất của ngài bằng những ngôn từ chứa chan tình cảm – ngài gọi họ là “những người con bé nhỏ” và kêu mời họ tránh xa sự tội (1Ga 2, 1). Tuy nhiên, ngài cũng viết: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: Đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta – không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (câu 1 – 2).
Qua những lời ấy trong lá thư được viết vào cuối thế kỷ thứ nhất của ngài, Thánh Gio-an công bố cùng một sự thật mà Phê-rô rao giảng chỉ ít lâu sau cuộc Thăng Thiên của Chúa. Đó là chân lý nền tảng về sự hoán cải và về ơn tha thứ nhờ năng lực của cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Thánh Rita Cascia, nữ tu.
Hc, 11-19 ; Mc 9, 38-40


LỜI SUY NIỆM : « Qủa thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta » (Mc 9,40).

Khi con người đã chung sống với nhau, con người bắt đầu thấy có sự liên đới với nhau trong cuộc sống, càng ngày, người ta đang muốn xích lại gần nhau hơn, nhất là đối với người nghèo. Người Ki-Tô hữu càng ngày càng thấy có rất nhiều công việc từ thiền từ các tổ chức ngoài Giáo Hội. Chúng ta cần phải biết trân trọng. Đồng thời phải suy niệm để hiểu và tin về những hoạt động này, có sự dìu dắc của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Ngài đang hoạt động trên mọi con người, vì con người là tạo vật được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và đã được Chúa Giêsu Cứu độ.

Mạnh Phương

22 Tháng Năm

Thiên Chúa Tạo Dựng Con Người

Người Ấn Ðộ thường kể câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau: Một hôm Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người, nghĩa là làm một tạo vật đẹp nhất giữa các tạo vật. Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên thần đã tỏ ra không mấy hồ hởi, một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp nhận được một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy. Làm sao tưởng tượng được một thụ tạo vừa thuộc về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh. Làm sao có được một hữu thể vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu? Làm sao chấp nhận được giữa vật chất và tinh thần?
Các Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể tạo dựng được một tạo vật như thế. Các vị e ngại rằng ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
Ðể ngăn chặn Thiên Chúa trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy ban. Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ trình lên Chúa gồm những điểm như sau: tinh thần không thể kết hợp với vật chất, bản tính thiên thần không thể kết hợp với bản tính thú vật, cái có cùng không thể hòa hợp với cái không cùng, cái chóng qua đi không thể đi đôi với điều vĩnh hằng, do đó yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định điên rồ của Ngài.
Sau khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau: "Tất cả những góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là một vấn đề triết học". Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi: "Vậy thì vấn đề đó là gì?". Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi đáp: "Con người là vấn đề của Niềm Tin". Ngài thinh lặng, rồi phán quyết: "Con người là vấn đề của Niềm Tin".

Trong một xã hội được xây dựng trên luật của cá lớn ăn hiếp cá bé, trong một xã hội mà nền tảng đã bị đục khoét bởi lọc lừa, gian trá, phản bội, đố kỵ, hận thù, con người dễ mất đi niềm tin nơi con người, bởi vì khi không tin ở người, con người cũng không còn tin ở chính mình. Một cuộc sống như thế chẳng khác nào một cuộc tự hủy, một cuộc tự sát tập thể.
Thiên Chúa yêu thương mọi người. Ngài tiếp tục tin tưởng nơi con người, Ngài cũng mời gọi chúng ta tin tưởng nơi con người... Thay vì tự giam hãm trong khép kín, trong đố kỵ, chúng ta hãy ra khỏi chính mình để đến với người... Ðến với người bằng sự thông cảm tha thứ, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn những lừa đảo phản bội. Ðến với người bằng những san sẻ sớt chia, cho dẫu chúng ta chỉ toàn gặp những bội bạc, vong ân. Ðến với người bằng tiếng cười rộn rã, cho dẫu chúng ta chỉ gặp toàn đắng cay, sầu muộn.

(Lẽ Sống)
Thứ Tư 22-5

Thánh Rita ở Cascia

(1381 -- 1457)

T
rong nhiều thế kỷ, Thánh Rita ở Cascia là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thường gọi ngài là "Vị Thánh Bất Khả," vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.
Thánh Rita sinh ở Spoleto, nước Ý năm 1381. Ngay từ nhỏ ngài đã muốn dâng mình cho Chúa, nhưng vì vâng lời cha mẹ già, ngài phải kết hôn với một ông chồng thô bạo và nóng nẩy. Trong 18 năm, ngài kiên nhẫn dùng sự cầu nguyện và tử tế để đối xử với ông chồng luôn khinh thường và gian dâm. Sau cùng ông đã ăn năn hối lỗi và bị giết vì một mối thù truyền kiếp. Tưởng đã yên thân sau cái chết của chồng, ngài lại khổ tâm khi thấy hai người con trai thề quyết trả thù cho cha mình, và ngài đã cầu xin Thiên Chúa để cho họ chết còn hơn phạm tội giết người. Quả thật, cả hai lâm bệnh nặng, và ngài đã chăm sóc, khuyên giải hai con trở về với Thiên Chúa trong sự bình an trước khi lìa đời.
Bây giờ không chồng và không con, ngài xin gia nhập Dòng Augustine ở Cascia, nhưng bị từ chối vì không còn là trinh nữ. Với sự kiên trì và lòng tin mạnh mẽ, Thiên Chúa đã can thiệp để ngài được nhập dòng. Người ta kể rằng, một đêm kia Thiên Chúa đã đưa ngài vào trong khuôn viên của tu viện dù đã kín cổng cao tường. Thấy vậy, các nữ tu tin rằng ý Chúa muốn ngài được chấp nhận vào dòng.
Trong đời sống tu trì, ngài nổi tiếng về lòng bác ái và ăn chay hãm mình. Lời ngài cầu nguyện cho những kẻ đau yếu thường được Thiên Chúa nhận lời. Ngoài ra, qua sự khuyên bảo, ngài đã đưa nhiều người trở về với đời sống Công Giáo.
Vào năm 1441, ngài được đặc biệt chia sẻ sự thống khổ của Ðức Kitô bằng các vết mão gai trên đầu. Các vết thương ấy thật đau đớn và chảy máu, xông mùi khó chịu đến độ ngài phải sống tách biệt với mọi người, tuy nhiên ngài vẫn coi đó là ơn sủng đặc biệt và xin được sức mạnh để gánh chịu cho đến chết.
Ngài từ trần vì bệnh lao ngày 22 tháng Năm 1457 khi 76 tuổi. Ngài đặc biệt được tôn kính ở nước Ý ngày nay. Ngài được coi là quan thầy của những trường hợp khó khăn, nhất là có liên hệ đến hôn nhân. 
Ngài được phong chân phước năm 1626 và được phong thánh năm 1900.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét