CHÚA NHẬT
06/10/2013
Chúa Nhật 27 Quanh
Năm Năm C
Lễ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(Phần I)
CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
Bài Ðọc I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4
"Người công
chính sẽ sống được nhờ trung tín".
Trích
sách Tiên tri Khabacúc.
Lạy
Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu
lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian
ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối
nghịch vẫn thắng.
Chúa
đáp lại tôi rằng: "Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc
được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng
hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn.
Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người
công chính sẽ sống nhờ trung tín".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các
bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng!" (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng
ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên
nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.
2)
Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo
thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là
đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3)
Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Meriba,
như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta;
họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 6-8, 13-14
"Con chớ hổ thẹn
làm chứng cho Chúa chúng ta".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timô-thêu.
Con
thân mến, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã ban cho con do việc
đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát
sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng
cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao
cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
Con
hãy lấy những lời lành lẽ phải, con đã nghe cha nói, làm mẫu mực trong đức tin
và lòng mến nơi Ðức Giêsu Kitô. Con hãy cậy nhờ Thánh Thần là Ðấng ngự trong
chúng ta mà gìn giữ kho tàng tốt đẹp.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta: Ta biết chúng và
chúng theo Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 5-10
"Nếu các con
có lòng tin".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, các Tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho
chúng con". Chúa liền phán rằng: "Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải,
thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: 'Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển',
nó liền vâng lời các con.
"Ai
trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về, liền
bảo nó rằng: 'Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa', mà trái lại không bảo nó rằng:
'Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống
đã, sau đó ngươi mới ăn uống'. Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì
nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: Không. Phần các con cũng vậy,
khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng:
'Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải
làm'".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Làm việc với lòng tin
Ðời
sống tôn giáo và đạo đức của chúng ta hiện nay là đời sống đức tin. Tùy như
lòng tin của chúng ta mạnh hay yếu, sâu xa hay nông cạn, bao quát hay hạn hẹp,
mà đời sống đạo của chúng ta tăng trưởng hay suy kém, đậm đà hay hời hợt, toàn
diện hay cục bộ. Ý thức về vai trò trọng yếu của đức tin như thế, chúng ta luôn
nên bắt chước các tông đồ ngày xưa cầu xin với Chúa Giêsu rằng: Xin Thầy ban
thêm lòng tin cho chúng con. Và các bài đọc hôm nay gợi ý với chúng ta phải gia
tăng đức tin về những mặt nào trong đời sống.
1. Phải Có Ðức Tin Ðể
Hiểu Biết Hoàn Cảnh
Trước
tiên có bài sách Habacuc. Nhà tiên tri sống khoảng 600 năm trước Chúa Giêsu
giáng sinh. Ðó là thời của những đại tiên tri như Giêrêmia và Êzêkien. Ðó cũng
là buổi nước Giuđa trải qua nhiều hoàn cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu,
ngoại giáo xâm nhập, đạo đức đảo điên. Bên ngoài, sức ép của các lân quốc càng
ngày càng mạnh và càng gần. Ðặc biệt một cuộc xâm lấn võ trang của đế quốc
Babylon dường như là một việc không tránh nổi.
Các
tiên tri còn nhìn thấy hoàn cảnh rõ ràng hơn. Thiên Chúa đã sai các người đến cảnh
cáo triều đình, hàng tư tế và toàn dân. Nếu họ không hồi tâm trở về với Thiên
Chúa bằng cách giữ các lệnh truyền của Người, đất nước của họ sẽ bị giày xéo, bản
thân họ sẽ bị lưu vong, và đền thờ sẽ bị tàn phá. Mặc cho các tiên tri cao giọng
và thống thiết kêu gọi, rất ít nỗ lực cải thiện đời sống. Rõ ràng sự phải đến sẽ
đến. Các hình phạt của cơn lôi đình Thượng đế sẽ ập xuống. Toàn thể sẽ bị tiêu
diệt, chỉ trừ một số nhỏ sống sót sẽ được Thiên Chúa dùng lại làm mầm mống cho
một dân mới và một tôn giáo mới, trung tín và nội tâm hơn.
Các
tiên tri đã nhìn thấy hoàn cảnh như vậy. Các người chấp nhận sống các thử thách
chính đáng. Nhưng khi các sự việc xảy ra, nhiều tiên tri có những tâm tư bất ổn.
Tác giả sách Habacuc là một. Ít ra ông đã viết lại các tâm tư này và tìm lời giải
đáp. Tác phẩm của ông và riêng bài sách hôm nay giống như một đối thoại giữa
con người và Thiên Chúa về các diễn biến lịch sử. Tuy đây là lịch sử của nước
Giuđa và đã xa rồi, nhưng vì cũng là lịch sử thánh, biểu lộ thánh ý của Thiên
Chúa, nên luôn còn giá trị đạo đức cho dân tín hữu. Chúng ta có thể nhìn thấy
hoàn cảnh của mọi người ở mọi thời, và theo những mức độ khác nhau, trong cuộc
đối thoại này.
Nhà
tiên tri bắt đầu nói lên các tâm tư của mình. Ông đang sống trong thử thách mà
tội lỗi của dân cứng cổ đã gây ra. Ông chấp nhận hoàn cảnh hiện tại như là roi
trừng phạt của Thiên Chúa muốn cải hóa con cái mình. Nhưng thú thực các đau khổ
dài quá rồi. Là vì chúng ta biết cuộc lưu đày Babylon lâu khoảng 70 năm. Do đó
mới có câu đầu tiên trong bài đọc hôm nay: "Lạy Chúa tôi kêu cầu Chúa cho
đến bao giờ mà Chúa không nghe". Ðó là tiếng kêu của kẻ hầu như sắp hết chịu
nổi các khổ cực đang giáng xuống mình. Nhưng đó chỉ mới là một chiều kích của
thử thách. Còn khía cạnh khác não nuột hơn nữa. Càng ngày cây roi của Thiên
Chúa càng tỏ ra lạnh lùng, nếu không muốn nói là kỳ quái. Những kẻ xâm lấn càng
ngày càng để lộ ra bộ mặt quái gở. Bọn họ đâu có xứng hơn dân bị phạt? Gian ác,
lao khổ, cướp bóc, bất lương phơi ra trước mặt. Công lý tỏ tường như vậy, mà kẻ
đối nghịch vẫn thắng! Thiên Chúa có tỏ ra công chính không khi dùng cây roi như
vậy? Hình phạt muốn sửa trị, nhưng kẻ đánh phạt lại còn đáng sửa trị hơn. Thiên
Chúa nghĩ thế nào? Nhà tiên tri có lý để thốt ra: "Tôi bị ức hiếp kêu lên
cùng Chúa mà Chúa không cứu tôi sao?".
Nhiều
khi chúng ta có thể đồng ý với nhà tiên tri để nói lên những lời như thế. Niềm
tin của con người lắm khi phải khủng hoảng. Tại sao cuộc đời của con người lại
khổ lâu như thế này? Nói rằng do tội lỗi ư? Nhưng những cây roi đang đè nặng
trên thân xác con người cũng không xứng đáng hơn người bị đánh. Ấy là chưa muốn
nói: Sự thật còn tệ hơn! Bài sách Habacuc diễn tả tâm tư của con người trong
nhiều hoàn cảnh thử thách, không xa lạ nhiều đối với chúng ta.
Nhưng
các nhà tiên tri không phải chỉ biết nói lên những điều về thân phận con người.
Ðặc sắc của các tiên tri là còn biết nhận ra các phán quyết của Thiên Chúa. Các
người hướng dẫn chúng ta khám phá quan điểm và lối nhìn của Thượng đế. Habacuc
đã làm công việc này trong phần để cho Thiên Chúa trả lời các tâm tư của người
tín hữu đau khổ.
Người
truyền cho nhà tiên tri cầm cây viết, ghi trên bảng thánh quyết của Người cho
thiên hạ dễ đọc thấy, để họ tin chắc chắn. Người sẽ vứt bỏ kẻ bất chính và ban
sự sống thật cho người tín nghĩa.
Ðó
là điều Người đã quyết định, đã từng nói trước cần phải viết ra, ghi sâu vào bảng
đá. Người đã nói và Người sẽ làm. Người không tuyên bố gì mà lại không xảy ra.
Chữ viết và bảng đá để làm chứng. Nếu người ta chưa thấy xảy ra, thì cứ đợi chờ;
chắc chắn sẽ xảy đến, chẳng còn bao lâu nữa. Kẻ không tin sẽ phải bẽ bàng, còn
ai tín nghĩa sẽ nhận được sự sống thật.
Do
đó đời sống đức tin luôn luôn là một sự lựa chọn: lựa chọn tin hoặc không tin Lời
Thiên Chúa. Ai tin là người tín nghĩa, còn kẻ không tin sẽ vứt bỏ Lời Người và
cậy dựa vào các an ủi của trần gian mau qua.
Thật
ra, đứng trước lời tuyên sấm của Habacuc, đa số người Do Thái, ngay cả trong
đám lưu vong đã không lựa chọn niềm tin. Họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải
quyết tức khắc các vấn đề theo suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà
chỉ muốn dùng Người phục vụ các tham vọng ích kỷ của họ. Như vậy Thiên Chúa đâu
còn là Thiên Chúa. Những người có đức tin trái lại công nhận các giới hạn của
con người nên phó thác tất cả trong tay Chúa. Họ tin lời Người. Họ chỉ lo giữ
tín nghĩa. Họ chắc chắn Thiên Chúa là Ðấng Trung thành. Người không thể lừa dối
ai. Cuộc đời của những người suy nghĩ như vậy mới là sống đức tin. Chứ những
người không muốn chờ đợi gì cả thì còn tin cái gì?
Tiên
tri Habacuc hôm nay đã dạy chúng ta bài học sơ đẳng này. Dù trong bất cứ hoàn cảnh
nào, chúng ta có chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, hay chúng ta muốn bắt Người
chiều theo ý chúng ta? Chúng ta có tin rằng kẻ bất chính sẽ lụn bại và người
tín nghĩa sẽ được sống không? Có lẽ nhiều khi chúng ta phải bắt chước các tông
đồ xưa, "Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con!".
2. Phải Có Ðức Tin Ðể
Làm Việc
Và
Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu xin của các tông đồ. Người không nói sẽ ban thêm
lòng tin cho các ông. Người đáp trả bằng việc: khơi thêm lòng tin ấy. Người nói
để các ông tin thêm nữa. Người bảo: Nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì
dầu các ngươi có bảo cây dâu này: "Hãy bứng rễ này đi mà xuống mọc dưới biển",
nó cũng sẽ vâng lời các ngươi. Chúng ta ngày nay gọi lòng tin như thế là lòng
tin chuyển núi dời non. Nhưng có lẽ chúng ta chú trọng đến hiệu quả công việc
mà không chú ý đến chính việc làm. Chúng ta chờ có thể sai bảo được núi non.
Chúng ta muốn thấy cây dâu nghe lời chúng ta mà bứng rễ nó đi mà xuống mọc dưới
đáy biển. Nhưng chúng ta lại ít muốn làm việc với lòng tin. Tôi thiển nghĩ ở
đây Chúa muốn nói rằng chúng ta cứ lấy lòng tin mà làm việc đi thì rồi chúng ta
sẽ thấy những kết quả lạ lùng. Chúng ta muốn có kết quả này trước khi thi hành
việc Chúa truyền dạy, thế nên chúng ta chưa thấy Lời Chúa là chân lý và là sức
mạnh.
Vậy
Chúa muốn chúng ta có lòng tin mà làm việc, làm tất cả công việc mà phận sự đòi
buộc. Và vì đa số chúng ta chẳng làm gì trong xã hội, huống nữa là ở trước mặt
Chúa, nên Người đã nói thêm một hình ảnh. Người đầy tớ trong nhà làm việc thế
nào? Anh ta làm hết công việc cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong
nhà. Anh không đòi được trả công tức khắc. Lòng tín nghĩa bảo anh làm hết mọi
công việc đã phân chia cho anh. Mặc nhiên anh chắc chắn chủ sẽ thi hành phận sự
của chủ.
Người
có đức tin cũng phải như vậy. Họ sống đúng chức năng khi làm việc hết khả năng
theo như phận sự đòi buộc; và dành quyền xét xử cho Thiên Chúa. Và làm như vậy,
họ sẽ thực hiện được những điều lạ lùng. Họ đã phát huy hết khả năng của họ và
nhìn lại họ thấy chính nỗ lực đã đạt được những kết quả phi thường. Ðang khi ấy
có nhiều người phí sức sống không nỗ lực theo khả năng của mình và cứ ngồi than
thân trách phận, kêu ca người khác và dĩ nhiên phàn nàn cả Thiên Chúa nữa. Hạng
người này sẽ không bao giờ thấy khả năng "chuyển núi dời non". Hạng
người trên luôn thấy rõ lòng tin khiến họ làm được nhiều kỳ diệu.
Muốn
nói cho hết, thiết nghĩ nên gợi đến nếp sống của một hạng người thứ ba. Họ làm
việc, họ cố gắng, họ tưởng sức mình có thể dời núi chuyển non. Họ tin vào mình
mà không tin vào Chúa. Các thành quả của họ đạt được chẳng là gì trong một lịch
sử chung. Cuối cùng họ cũng chỉ thấy mất mát. Ðang khi công việc của người tín
hữu, luôn đem lại bình yên thoải mái.
Như
vậy lòng tin thật là cần thiết, không những trong các hoàn cảnh éo le như bài học
thứ nhất gợi lên, mà ngay trong đời sống hằng ngày để làm mọi công việc theo chức
năng và ơn gọi. Ðiều này khiến chúng ta thấy lời Phaolô nhắn nhủ chúng ta qua
Timôthê rất thực tế.
3. Hãy Làm Sống Lại Ơn
Thiên Chúa
Phaolô
gọi Timôthê là "người con chính tông trong đức tin" (Tim 1,2). Hầu chắc
vì chính người đã đưa ông vào đạo. Người còn gọi ông là "người con chí
ái", vì trong số những người gắn liền cuộc đời với người, Timôthê xem ra
được người ái mộ hơn cả. Không những người đem ông theo trong các cuộc hành
trình truyền giáo, mà còn ủy thác cho ông nhiều sứ vụ quan trọng và tế nhị. Người
giữ ông ở bên khi viết nhiều thư gởi các giáo đoàn, dùng ông là thư ký, và khi ở
xa nhau người đã viết cho ông hai thư riêng. Ðó là điều hy hữu. Bức thư thứ hai
này, có lẽ người đã viết từ Rôma, khi bị xiềng xích vì Tin Mừng.
Chắc
chắn việc Phaolô bị tù ngục đã làm "người con chí ái" thật khổ sở. Nhất
nữa Timôthê là con người có sức khỏe mong manh và tính tình nhút nhát, dè dặt.
Phải nói rằng việc Phaolô bị bắt giải sang Rôma làm cho Timôthê rụng rời, chẳng
còn muốn hoặc chẳng còn có thể làm gì nữa. Tông đồ Phaolô là người Cha chí ái
phải viết cho đứa con chính tông trong đức tin của mình bức thư thứ hai này.
Bối
cảnh ấy làm cho chúng ta hiểu rõ lời thư Phaolô khuyên Timôthê hãy làm sống lại
ơn Thiên Chúa ban xuống cho ông qua việc người đặt tay ban sứ vụ tông đồ cho
ông. Ơn ấy là Thánh Thần dũng mạnh để ông sống và truyền bá Tin Mừng. Thế thì
vì sao ông lại hổ thẹn trong hoàn cảnh hiện tại? Dựa vào quyền năng của Thiên
Chúa, ông đừng đau khổ vì xiềng xích của Phaolô nhưng hãy chia sẻ cam khổ với
Người. Hãy dựa vào Thánh Thần mà giữ lấy kho tàng tốt đẹp đức tin đã lãnh nhận
và tiếp tục sứ vụ tông đồ. Như vậy bài thư Phaolô tóm tắt cả hai bài Kinh Thánh
trước đây. Ðó là những lời khuyên ta trong hoàn cảnh khó khăn . Ðừng đánh mất
niềm tin; nhưng hãy dựa vào Thánh Thần dũng mạnh mà tiếp tục sứ vụ và ơn gọi để
thấy lòng tin có sức chuyển núi dời non và con người tín nghĩa luôn được sự sống
thật.
Trong
cộng đoàn chúng ta đây, ai không thấy mình nhiều ít cần thêm lòng tin. Chúng ta
cần cầu xin như các tông đồ ngày trước. Nhưng cũng cần nhớ lời thánh Phaolô:
Hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa ban khi nhận được đức tin. Ðó là ơn Thánh Thần
dũng mạnh để giữ tín nghĩa trong mọi thử thách và để nhiệt thành tiếp tục ơn gọi
và làm mọi công việc của phận sự cho dù hoàn cảnh có trái nghịch. Ơn Thánh Thần
luôn còn được ban thêm một cách đặc biệt trong thánh lễ, nơi Chúa Giêsu Kitô
bày tỏ sức mạnh phục sinh qua Mầu nhiệm Thập giá. Hãy tin tưởng cử hành thánh lễ
hôm nay và mọi ngày để hằng ngày được thêm ơn Thánh Thần làm sống lại mạnh mẽ
niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận, hầu luôn phấn khởi phấn đấu trong cuộc sống.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ
Nhật 27 Thường Niên, Năm C
Bài
đọc: Hab 1:2-3; 2:2-4; 2 Tim 1:6-8, 13-14; Lk 17:5-10.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn và trung thành bước theo đường lối của Thiên Chúa.
Khi chứng kiến những bất công hay tai nạn xảy
ra cho người vô tội, con người thường hay đặt những câu hỏi có khuynh hướng
nghi ngờ uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Ví dụ, biến cố 9/11, cơn bão
Katrina, hay trận động đất tại Haiti, nhiều người đặt 2 câu hỏi: (1) Nếu một
Thiên Chúa uy quyền, Ngài phải ngăn cản không cho những chuyện đó xảy ra; nếu
Ngài không thể ngăn cản, Ngài không có uy quyền. (2) Nếu Ngài có uy quyền mà
không ngăn cản những chuyện đó đừng xảy ra, Ngài là một Thiên Chúa quá ác. Cả hai
lý do đều là cớ cho họ không còn tin tưởng nơi Thiên Chúa nữa!
Các
bài đọc hôm nay tập trung trong 3 thái độ đe dọa đức tin cho các tín hữu và những
lời khuyên cần thiết để thoát khỏi. Trong bài đọc I, con người thường có khuynh
hướng bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Khi ngôn sứ Habakkuk chứng kiến những cảnh
bất công xảy ra cho người lành, ông thắc mắc tại sao Thiên Chúa không ra tay
tiêu diệt bọn ác nhân! Thiên Chúa trả lời: Chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, bổn
phận của con người là phải kiên nhẫn chờ đợi với lòng trung thành. Thiên Chúa
có thời gian của Ngài, con người không được bắt Thiên Chúa phải làm ngay. Trong
bài đọc II, Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải kiên nhẫn chịu đau khổ vì Tin Mừng,
vì ông đã được Thiên Chúa chuẩn bị để làm chuyện đó. Khi con người mất kiên nhẫn
chờ đợi và không trung thành làm theo ý Thiên Chúa, họ sẽ tự giải quyết lấy
theo kiểu của họ, và sẽ phải mang lấy hậu quả khốc hại muôn đời. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải biết thân phận của mình trước mặt Thiên Chúa
để đừng đòi quyền lợi như: nếu làm điều này thì phải được Thiên Chúa thưởng
công cái này. Tất cả đều là ân huệ Thiên Chúa ban, khi con người đã chu toàn tốt
lành mọi bổn phận, con người vẫn chỉ là những người đầy tớ giả sử phải làm những
việc được trao phó cho mình.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.
1.1/
Sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng người chính trực hơn mình?
Tiên
tri Habakkuk có lẽ họat động đồng thời với tiên tri Nahum, trong thời gian từ
640-598 BC, thời kỳ lưu đày của Israel bên Assyria. Lý do vương quốc Israel bị
thất thủ và vua quan cùng dân chúng bị lưu đày là tội bất trung với Chúa chạy
theo các thần ngoại như tiên tri Hosea đã tuyên cáo, và tội bất công chèn ép
dân nghèo như tiên tri Amos đã tuyên cáo.
Tiên
tri Habakkuk đã mất kiên nhẫn chờ đợi khi thấy Assyria tội lỗi hơn Israel, tại
sao Chúa lại để những đứa ác nhân như thế mặc sức chà đạp Dân Chúa và ông đặt
câu hỏi với Thiên Chúa: “Từ muôn thuở, Ngài chẳng là Đức Chúa, là Thiên Chúa
con thờ, là Đức Thánh của con, là Đấng Bất Tử sao? Lạy Đức Chúa, chính vì để
xét xử mà Ngài đã đặt dân ấy lên. Lạy Đức Chúa là đá tảng, chính vì để thi hành
án phạt mà Ngài đã cho nó được mạnh sức. Mắt của Ngài thật quá tinh tuyền không
thể chịu được điều gian ác, Ngài không thể nhìn xem cảnh khốn cùng, tại sao
Ngài cứ đứng nhìn quân phản bội, sao Ngài lặng thinh khi kẻ gian ác nuốt trửng
người chính trực hơn mình?”
1.2/
“Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống,
nhờ lòng thành tín của mình."
Habakkuk,
cũng như Job, muốn hiểu lý do tại sao Chúa lại làm như thế. Ông nói: “Tôi sẽ ra
đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường luỹ canh chừng xem Người nói với tôi điều
gì và đáp lại nỗi bất bình của tôi ra sao!” Và Đức Chúa trả lời và nói với
Habakkuk: "Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được
xuôi chảy. Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới
chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ,
vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.”
Chúa
có chương trình và thời giờ của Chúa, Ngài không cần ai làm cố vấn cho Ngài.
Chúa có thể dùng kẻ gian ác như Assyria như cái roi để sửa phạt Israel, Ngài
cũng có thể dùng quân thù khác để trừng trị kẻ cầm roi, như Ngài sẽ dùng
Babylon để sửa phạt Assyria. Con người có tội không có quyền để tra vấn Chúa,
nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi trong đức tin ngày Chúa cất đi những hình phạt cho
mình: “Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính
thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình."
Người
nào mất kiên nhẫn rồi sinh ra bất bình với Thiên Chúa và không tin tưởng và đi
theo đường lối của Ngài nữa, người ấy sẽ bị ngã gục và lãnh hình phạt của những
kẻ bất lương.
Người
nào kiên trì trong đau khổ và nhất quyết bước theo đường lối của Thiên Chúa,
người đó sẽ sống và sẽ nhìn thấy sự công thẳng của Thiên Chúa.
2/
Bài đọc II: Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
2.1/
Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Thiên
Chúa không bao giờ bắt con người làm chuyện không thể, khi muốn con người làm
chuyện gì, Ngài ban đầy đủ ơn thánh qua các bí tích để con người có thể làm
chuyện đó. Trong trình thuật hôm nay, Phaolô nhắc nhở cho môn đệ Timothy những
gì Thiên Chúa đã ban cho ông trong ngày lãnh nhận chức Giám-quản (episcopos):
“Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được
khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí
làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy
sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”
Thánh
Thần của Thiên Chúa đã ban cho Timothy những ơn thánh sau đây qua việc đặt tay
của Phaolô: (1) Ơn sức mạnh để sống và làm chứng cho sự thật. Lãnh đạo một giáo
đoàn đòi Timothy phải có sức mạnh để dám sống và làm chứng cho sự thật giữa bao
đe dọa của các thế lực ma quỉ và của thế gian. (2) Tình yêu (agapê) đến từ
Thiên Chúa để ông sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên. (3) Tự chủ hay tự kỷ luật:
Đây là nhân đức cần thiết cho mọi người, đặc biệt cho các nhà lãnh đạo, vì họ
phải đương đầu với rất nhiều cám dỗ và phải nêu gương sáng cho các tín hữu.
Tất
cả các nhân đức này được ban cho Timothy là để ông sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Phaolô khuyên Timothy: “Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng
ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của
Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.”
2.2/
Chịu đau khổ vì Tin Mừng: Khi phải đương đầu với đau khổ, con người dễ mất kiên
nhẫn và niềm tin của họ vào Thiên Chúa. Phaolô cũng nhắc nhở cho Timothy hai lý
do tại sao ông phải kiên nhẫn trung thành với Tin Mừng:
(1)
Trọng tâm của Tin Mừng là Đức Kitô. Ngài đã chết, đã sống lại, đã hiện ra với
Phaolô trên đường đi Damas, và sẽ đến trong Ngày Phán Xét. Vì Đức Kitô đã sống
lại, ơn cứu độ chắc chắn được ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Phaolô
xác quyết: “Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi
không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền
năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.”
(2)
Đức Kitô vẫn đang hoạt động nơi người rao giảng qua Thánh Thần: Tuy Đức Kitô
không còn công khai hoạt động, nhưng Ngài vẫn liên kết với các môn đệ qua sự hoạt
động của Thánh Thần. Bổn phận của những người rao giảng là phải lắng nghe sự hướng
dẫn của Thánh Thần và trung thành với Tin Mừng được lãnh nhận.
3/
Phúc Âm: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận
đấy thôi.
3.1/
Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi: Để hiểu ý nghĩa câu truyện dẫn chứng
của Chúa Giêsu, chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1)
Bổn phận phải làm: Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc
phải làm nhiều đến đâu. Chúa Giêsu kể cho các môn đệ một câu truyện thực tế, để
các ông luôn biết nhận ra vai trò của mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa:
"Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở
ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo:
"Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh
hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không
hối hận vì đó là đầy tớ của ông; hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn
nghĩa, vì đó là bổn phận của đầy tớ phải làm.
(2)
Việc thiện nguyện: Nếu một người không phải là đầy tớ, nhưng tình nguyện phục vụ
người khác; đó mới là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người
tình nguyện phục vụ giúp mình.
Cũng
vậy, con người có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người.
Hơn nữa, Thiên Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm
việc sinh lời cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con
người ra sức làm việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hoàn tất bổn
phận hay công bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời
là của Thiên Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói
hôm nay: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải
làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc
bổn phận đấy thôi.”
Tuy
nhiên, nếu Thiên Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật
khác của Lucas: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là
phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến
bên từng người mà phục vụ” (Lk 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá
thương yêu con người mà thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác
tín, để rồi đừng bao giờ bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi
mình cầu xin, hay ngã lòng không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.
3.2/
Cần có một đức tin vững mạnh: Đức tin của con người rất yếu kém và dễ bị lung
lay giữa bao cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Điều cần là con người phải
nhận ra điều đó và cầu xin như các Tông Đồ hôm nay: "Thưa Thầy, xin thêm
lòng tin cho chúng con." Tuy nhiên, ngoài việc cầu nguyện, con người còn
phải luyện tập bằng cách kiên trì trong những đau khổ; nếu không chịu tập luyện,
đức tin dần dần sẽ mất.
Một
đức tin vững mạnh sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để
trung thành với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy các tông đồ: "Nếu anh em có
lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây vả này: "Hãy bật rễ
lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần biết thân phận của mình chỉ là loài thọ tạo hèn hạ. Đừng bao giờ
làm quân sư hay cố vấn cho Thiên Chúa, hay bắt Thiên Chúa phải làm theo ý định
“khôn ngoan” của mình.
-
Bổn phận của con người là khiêm nhường làm theo những gì Thiên Chúa dạy, trung
thành trong ơn gọi, và kiên nhẫn đợi chờ. Vội vàng quyết định bất trung sẽ tự
chuốc cho mình và gia đình những thảm bại cả đời này và đời sau.
-
Khi bị cám dỗ để trách Chúa, nghi ngờ Ngài, hay nguy cơ bị đánh mất đức tin,
hãy cầu nguyện như các tông đồ: “Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho con.”
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
Lễ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lời Chúa: Cv. 1,12-14; Gl. 4,4-7; Lc 1,26-38
SUY NIỆM :
Mân Côi, bản tóm lược
Tin Mừng
Trên một chuyến xe lửa
về Paris, một sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn
tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một chuỗi tràng hạt và từ từ chìm
đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực
bội. Sau một hồi lâu, xem chừng như không còn đủ kiên nhẫn nữa, anh ta mới lên
tiếng:
- Thưa ông, nếu tôi
không lầm thì ông vẫn còn tin những chuyện nhảm nhí ấy chứ?
Cụ già điềm nhiên trả lời?
- Đúng thế, tôi vẫn tin.
Còn cậu, cậu không tin sao?
Người sinh viên cười một
cách ngạo mạn và quả quyết:
- Lúc nhỏ tôi tin, nhưng
bây giờ làm sao tôi có thể tin những chuyện ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt
cho tôi. Ông cứ tin tôi đi, hạy quăng chuỗi tràng hạt ấy đi, và hãy học hỏi
những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều là
mê tín dị đoan cả.
Cụ gì bình tĩnh hỏi
người sinh viên:
- Cậu vừa nói về những
khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?
Người sinh viên hăng hái
đề nghị:
- Ông cứ cho tôi địa
chỉ, tôi sẽ gởi đến cho ông một quyển sách. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của
khoa học.
Cụ già từ từ rút trong
túi áo ra một thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người
sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm
danh thiếp ấy có ghi: “Louis Pasteur viện nghiên cứu khoa học Paris”.
Anh chị em thân mến,
Louis Pasteur là một nhà
bác học thời danh của viện nghiên cứu khoa học Paris. Cuộc đời nghiên cứu khoa
học của ông gắn liền với việc cầu nguyện và cầu nguyện với tràng chuỗi mân côi.
Ngược lại, con người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay chỉ đề cao
tính thực dụng, đề cao những gì mang lại hiệu quả cụ thể, tức thời, giải đáp những
nhu cầu cuộc sống. Vì thế, người ta dễ lơ là với việc cầu nguyện, cho rằng cầu
nguyện chẳng mang lại cái gì cụ thể cho cuộc sống, chỉ thấy mất thời giờ, nếu
không cho là chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan.
Nếu việc cầu nguyện nói
chung bị quên lãng như thế, thì hình thức cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi lại
càng khó khăn nhiều hơn nữa. Nhất là chuỗi Mân Côi được thực hành với niềm tin
tưởng có vẻ ma thuật, phù phép sẽ không còn thu hút nổi người ngày nay, nhất là
giới trẻ. Họ chỉ thấy đó là công việc tẻ nhạt, mất thời giờ và hoàn toàn máy
móc. Có người lại còn mặc cảm khi lần chuỗi Mân Côi, vì nghĩ rằng đó là việc
đạo đức của các bà già và con nít!
Chính vì vậy, cần phải
đổi mới việc lần chuỗi Mân Côi. Việc đổi mới nầy hệ tại ở chỗ khám phá nội dung
và giá trị Tin Mừng của tràng chuỗi Mân Côi. Trong Tông huấn “Lòng sùng kính
Đức Maria” (Marialis Cultus), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã không ngừng nhắc đến
kinh Mân Côi là một kinh bản chất Tin Mừng, là kinh Tin Mừng, là bản tóm lược
Tin Mừng. Tin Mừng ở đây là Tin Mừng Cứu Độ. Tin Mừng ấy không nơi nào được
vang lên với tất cả niềm hân hoan phấn khởi cho bằng lời kinh “Ave Maria” mà
chúng ta đọc là “Kính Mừng Maria” thay vì trong nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là
“Hãy vui lên, Maria!” khi thiên sứ loan báo Tin Mừng cứu độ. Tin Mừng cứu độ mà
bao đời hằng ấp ủ trong hy vọng, giờ đây được thực hiện nơi người thiếu nữ Sion
mang tên Maria, vì Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành Mẹ của Con
Ngài, Mẹ của Đấng mà nơi Ngài ơn cứu độ được hoàn thành. Vì thế, Maria được ban
một tên mới: “Hãy vui lên, Người đầy ơn phúc” là tên mới của Đức Mẹ. Đọc lên
lời kinh “Kính mừng Maria” là reo lên niềm vui ơn cứu độ. Ơn cứu độ mà chúng ta
được hội nhập vào, khởi đi từ lòng Thiên Chúa thương xót và thông qua thái độ
đầy tin tưởng, cậy trông của Đức Maria.
Nội dung Tin Mừng cứu độ
là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, từ khi giáng sinh đến cuộc sống, lời
rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thế mà chuỗi Mân Côi là bản tóm
lược cuộc đời của Chúa Giêsu với những biến cố chính yếu nhất: “Từ khi thụ thai
và những mầu nhiệm của thời thơ ấu cho đến giờ phút cao điểm của biến cố Vượt
Qua cuộc Tử Nạn hồng phúc và Phục Sinh vinh quang – và cho đến hồng ân tuôn đổ
xuống trên Giáo Hội ngày lễ Ngũ Tuần cũng như trên Đức Trinh Nữ trong ngày kết
thúc cuộc hành trình trần gian đã được đưa cả xác hồn về quê hương thiên quốc”
(MC số 45). Vì vậy có lạ gì khi nói chuỗi Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng.
Anh chị em thân mến,
Khi lần chuỗi Mân Côi
cùng với lời kinh Kính Mừng Maria được lặp đi lặp lại như một điệp khúc vui,
chúng ta được mời gọi đi vào tâm tình của Mẹ Maria, dọc theo những biến cố của
cuộc đời của người Con yêu dấu: những tâm tình khiêm nhu, nghèo khó, yêu
thương, vâng phục, tín thác… Đây là những giá trị của Tin Mừng. Chúng ta phải
quay về với Tin Mừng, phải đọc lên trong lòng bản hiến chương Nước Trời, nơi
đó, những kẻ nghèo khóc, hiền lành, đau khổ, trong sạch, biết xót thương, biết
xây dựng hòa bình… được công bố là kẻ có phúc, là con Thiên Chúa, là kẻ chiếm
lãnh Nước Trời. Chỉ khi đó, chúng ta mới hiểu được cuộc đời của Đức Maria, mới
nhận ra vẻ đẹp sáng ngời vốn chỉ là tăm tối đối với thế gian. Lần chuỗi Mân Côi
là cùng với Đức Maria và qua Ngài thêm một lần xác tín lại hằng ngày những giá
trị của Tin Mừng, những giá trị mà tất cả những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô
không thể không biết đến và lấy làm lẽ sống cho đời mình.
Nói rằng chuỗi Mân Côi
là Kinh Tin Mừng, ngay lập tức chúng ta đi đến hệ luận:
không thể lần chuỗi Mân Côi cách máy móc và chỉ chú trọng đến số lượng. Bởi một
lẽ đơn giản và minh bạch là Tin Mừng không chấp nhận thái độ đó. Chính Chúa
Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện thì các ngươi chớ lãi nhãi như người ngoại. Họ
tưởng hễ nói nhiều thì sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Thái độ phải có là lần chuỗi
Mân Côi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria:
“Người giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19; 2,51).
Đó là biết lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và thi hành.
Thưa anh chị em,
Lần chuỗi Mân Côi là
cùng với Đức Maria làm lại cuộc hành trình của cuộc sống. Cùng với Đức Maria
nhìn lại những biến cố cơ bản trong chiều dài lịch sử cứu độ, và qua những biến
cố đó, nhìn vào những biến cố hôm nay, của cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo
Hội trong ánh sáng Tin Mừng. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria đi tìm một
lời đáp trả cho những vấn đề của cuộc sống hôm nay, lời đáp trả thấm nhuần lòng
tin, niềm hy vọng và dám chấp nhận dấn thân trong hành động cụ thể, trong những
lựa chọn đầy can đảm như Mẹ Maria đã dấn thân cả cuộc đời vì Nước Trời.
Không có lời cầu nguyện
đích thực khi chưa dám sáp nhập toàn bộ con người và cuộc đời mình vào mối liên
hệ với Thiên Chúa. Cũng không thể có việc lần chuỗi Mân Côi đích thực khi chưa
dấn mình cùng với Đức Maria vào nẻo đường của Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Chiếc bình trống rỗng
Một thầy Rabbi già đau
bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời
ca tụng các nhân đức vô song của thầy.
Một người trong bọn họ
nói: “Từ thời Salomon đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy”. Người khác nói:
“Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Abraham”. Người thứ ba nói:
“Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp”. Người
thứ tư châm vào: “Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Môsê và thầy mà
thôi”.
Vị Rabbi tỏ ra bồn chồn
không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi: “Ông có nghe họ ca tụng
ông không? - Có.
- Thế tại sao ông lại tỏ
ra bực dọc như thế?
Vị Rabbi than phiền: -
Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi?
Mong người ta ca ngợi sự
khiêm tốn của mình thì chẳng còn khiêm tốn! Cho dù thầy Rabbi có khôn ngoan như
Salomon, đức tin ngang ngửa với Abraham, kiên nhẫn như ông Gióp và thân mật với
Chúa như Môsê mà không có lòng khiêm tốn thì tất cả các nhân đức ấy cũng chỉ đổ
sông đổ biển mà thôi. Nếu người ta thực hành các nhân đức, chu toàn các việc
đạo, làm nhiều việc thiện, nhưng để tự mãn và khoe khoang công trạng thì ngay
lúc đó họ không còn thánh thiện nữa.
Vì khiêm tốn là nền tảng
của mọi nhân đức, nên hôm nay Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ: “Khi đã làm tất cả
những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng,
chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”. Thật vậy, chúng ta là những đầy
tớ của Thiên Chúa, chúng ta chỉ làm những gì phải làm. Cho dù là Đức Thánh Cha
cũng luôn luôn nhận mình là “Đầy tớ của các đầy tớ Chúa”. Đã là đầy tớ thì phải
vâng lệnh chủ, làm tất cả những gì ông sai bảo mà không được kể công, cũng
không buộc ông phải nhớ ơn. Đó là chuyện hết sức bình thường, chuyện bổn phận.
Có rất nhiều bổn phận phải chu toàn như bổn phận “Mến Chúa yêu người”, có ai
dám nhận mình không hề thiếu sót. Cho dù họ có làm được điều gì tôn vinh Thiên
Chúa hay phục vụ anh em đồng loại, thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa ban cho.
Kẻ kiêu ngạo không bao
giờ cảm thấy mình cần Chúa, họ luôn tự mãn với thành quả mình đã đạt được, luôn
cho rằng thành công là do mình tạo nên. Đó là nỗi bi đát cố hữu của những kẻ
kiêu ngạo, của nhóm Pharisêu, và cũng là cám dỗ thường xuyên của mỗi người
chúng ta.
Người khiêm tốn trái
lại, luôn hãnh diện về những thiếu sót của mình, chính vì thiếu sót nên họ càng
phải cậy dựa vào Chúa nhiều hơn. Thế nên, khi được thành công thì họ rất vui
mừng cho rằng đó là món quà bất ngờ Chúa ban. Đó là lý do tại sao Chúa lại yêu
thích những con người khiêm tốn như thế.
Nếu đã ý thức mình là
thân phận nhỏ bé, là “đầy tớ vô dụng”, thì cho dù khiêm tốn bao nhiêu cũng
không đủ nhưng kiêu căng một chút đã quá nhiều. Vì thế, chỉ có những ai thấu
hiểu thân phận yếu đuối của mình, mới chứa nổi Đấng mạnh mẽ vô song. Chỉ có
những kẻ xóa mình ra không mới có chỗ cho Đấng Vô Cùng. Chỉ có những chiếc bình
trống rỗng mới có thể đón nhận tràn đầy hồng ân.
Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy
Đã Yêu’)
06/10/13 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – C
Kính
trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Lc
17,5-10
ĐỂ “HẠT CẢI” ĐỨC TIN LỚN LÊN
“Nếu anh em có lòng tin lớn
bằng hạt cải ...” (Lc 17,6)
Suy niệm: Khi
các môn đệ xin Chúa Giêsu “ban thêm lòng tin”, Ngài đáp lại “Nếu anh em có lòng
tin…”, hẳn là Ngài muốn nhắc khéo những lần Ngài trách các ông kém lòng tin (x.
Lc 8,25; 12,28) khi các ông mải lo lắng “lấy gì mà ăn hay lấy gì mà mặc” (Lc
12,22), hay lúc các ông hoảng loạn trước cơn sóng to gió lớn khi đang lênh đênh
trên biển hồ Tibêria (Lc 8,24). Hơn nữa, Ngài không chỉ nói “nếu…” như một lời
giả sử vu vơ; trái lại Ngài xác quyết rằng chỉ cần các môn đệ đặt nơi Ngài một
niềm tin nhỏ bé thôi, Ngài sẽ ban cho các họ sức mạnh để có thể làm những việc
mà trên phương diện tự nhiên không thể nào làm được.
Mời Bạn: “Hạt
cải đức tin” của bạn đang nảy nở, mọc thành cây lớn mạnh hay đang teo tóp, chết
dần chết mòn? Trong những ngày cuối của Năm Đức Tin này, mời bạn ôn lại những
lời chỉ dẫn của đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđitô XVI trong tông thư “Cửa Đức Tin”
để “tái khám phá niềm vui đức tin
và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin”(số 7), đó là “tăng cường việc cử hành đức tin trong phụng
vụ, đặc biệt là trong Thánh Thể” và
trong “cuộc sống chứng tá” của các tín hữu (số 9) qua việc “tin tưởng và loan báo không chút sợ hãi về
niềm tin của mình” (số
10). Để được như vậy cần phải học hỏi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công
Giáo để “hiểu biết một cách hệ thống về nội dung đức
tin” (số
11).
Sống Lời Chúa: Bạn
đã thực hiện lời giáo huấn trên đây của Đức Thánh Cha như thế nào? Mời bạn tiếp
tục thực hiện những chỉ dẫn cụ thể đó không chỉ trong năm này mà trong suốt đời
bạn.
Cầu nguyện: Đọc
kinh Tin Kính.
6-10
Thánh Brunô
(1030? - 1101)
T
|
hánh nhân được vinh dự
là đã sáng lập một tu hội mà như người ta thường nói, không bao giờ phải cải
cách vì dòng chưa bao giờ đi lạc đường. Chắc chắn là vị sáng lập cũng như các
tu sĩ dòng sẽ từ chối lời khen ngợi này, nhưng đó là một kết quả của tình yêu
mãnh liệt mà thánh nhân đã dành cả cuộc đời để hãm mình đền tội trong cô độc.
Ngài sinh ở Cologne,
nước Ðức, và là thầy giáo nổi tiếng ở Rheims và được bổ nhiệm làm chưởng ấn của
tổng giáo phận khi 45 tuổi. Ngài hỗ trợ Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII chôáng lại
sự suy đồi của hàng giáo sĩ và tiếp tay trong việc cách chức vị tổng giám mục
gây nhiều tiếng xấu là Manasses. Dân chúng muốn đưa ngài lên làm tổng giám mục
nhưng ngài lại muốn sống ẩn dật.
Ngài là một ẩn tu dưới
quyền tu viện trưởng là Thánh Robert Molesmes (sau này sáng lập dòng Xitô),
nhưng sau đó, vào năm 1084 cùng với sáu người bạn ngài di chuyển đến Grenoble.
Họ được vị giám mục của Grenoble là Thánh Hugh cấp cho một nơi để sinh sống
trong một vùng cao nguyên hoang vắng, được gọi là La Grande Chartreuse.
Brunô và các bạn xây một
nhà nguyện nhỏ với các phòng riêng cách xa nhau, sống sát với quy luật của
Thánh Biển Ðức, và từ đó xuất phát Dòng Carthusian. Trong một ngày họ chỉ gặp
nhau để đọc kinh sáng và tối, thời giờ còn lại họ sống trong cô độc, làm việc
lao động, cầu nguyện và sao chép lại các văn bản Kinh Thánh. Ngay cả việc ăn
uống, họ cũng chỉ ăn chung trong những ngày lễ lớn.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô II
nghe biết sự thánh thiện của Brunô, đã gọi ngài về Rôma để làm phụ tá trong
việc cải cách hàng giáo sĩ. Sau khi khước từ chức tổng giám mục mà đức giáo hoàng
ban cho, Bruno đã xin Ðức Urbanô cho phép ngài trở về đời sống ẩn dật, thành
lập cộng đồng Thánh Maria ở La Torre trong vùng Calabria, và ngài sống ở đây
cho đến khi lìa đời, ngày 6-10-1101.
Ngài chưa bao giờ được
chính thánh phong thánh vì quy luật dòng Carthusian không chấp nhận những vinh
dự công cộng, nhưng vào năm 1514, Ðức Giáo Hoàng Leo X đã cho phép dòng
Carthusian mừng lễ kính ngài, và tên của ngài được xếp trong niên lịch Công
Giáo Rôma từ năm 1623.
Lời Bàn
Nếu đời sống chiêm niệm
là một lối sống không dễ thực hiện, thì chắc chắn sự hãm mình đền tội được thể
hiện qua cuộc đời ẩn dật của các tu sĩ Carthusian lại càng khó khăn biết chừng
nào.
Lời Trích
"Thành viên của
các cộng đồng tận hiến cho sự chiêm niệm đã hy sinh chính mình cho Thiên Chúa
trong sự cô độc và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội. Bất kể
những nhu cầu của giáo hội có khẩn cấp đến đâu, những cộng đồng như thế luôn
luôn góp phần độc đáo trong Nhiệm Thể Ðức Kitô..." (Sắc Lệnh về Canh
Tân Ðời Sống Tu Trì, 7).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét