02/04/2016
Thứ bảy tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH
Bài Ðọc
I: Cv 4, 13-21
"Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều
mắt thấy tai nghe".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ
nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt
nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Ðức Giêsu; họ thấy kẻ
được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được.
Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng:
"Chúng ta phải làm gì đối với những người này? Vì toàn dân cư ngụ ở
Giêrusalem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể
chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy
đe doạ, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa". Họ liền gọi
hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Ðức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa.
Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: "Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét
coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào
không nói lên những điều mắt thấy tai nghe". Nhưng họ lại đe doạ hai ngài,
rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân
chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 117, 1 và 14-15. 16ab-18. 19-21
Ðáp: Tôi cảm
tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi (c. 21a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ
bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên
Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền
nhân:Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.- Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã
hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền
công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp
tôi cho tử thần. - Ðáp.
3) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm
tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi
cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 117, 24
Alleluia, alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện,
chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 16, 9-15
"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất
trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi
bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm
khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin.
Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về
miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy.
Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách
các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi
Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn
loài".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Chúa Hiện Ra Nhiều Lần
Trong cuộc triển lãm hội chợ về hoa tại thành phố
Luân Ðôn, điều bất ngờ xảy ra trong nhóm người say mê cây cảnh: giải nhất đã về
tay một cô gái trẻ. Người ta lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng cô gái này lại
cư ngụ trong một khu phố tồi tàn chật chội nhất thành phố, được mệnh danh là
"chỗ thiếu ánh sáng". Nơi đó có thể nói được rằng thiếu cả ánh sáng
văn minh lẫn ánh sáng mặt trời. Chính những người lâu năm kinh nghiệm trong nghề
trồng hoa kiểng cũng chẳng hiểu làm sao mà cô gái trồng được một chậu hoa tuyệt
đẹp tại một nơi thiếu ánh sáng như thế.
Khi được phỏng vấn, cô đã thổ lộ bí quyết của mình
như sau: căn nhà của cô ở chỉ có một vùng ánh sáng, nếu mặt trời di chuyển từ
đông sang tây thì vùng ánh sáng cũng chạy từ tây sang đông. Cứ thế, suốt ngày
chậu hoa của cô phải di chuyển từ góc này đến góc kia cho tới ngày nó được hưởng
trọn phần ánh sáng như hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Nhìn lại bài đọc Tin Mừng hôm nay và các tường thuật
về những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại sẽ cho
chúng ta một điểm đáng lưu ý này là: sau khi sống lại, Ngài không tức khắc đi
tìm nhóm môn đệ đang tụ họp và cầu nguyện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với từng cá
nhân hoặc nhóm nhỏ, rồi cho họ sứ mạng truyền đạt tin vui đến với nhóm mười một
tông đồ.
Khi hiện ra với toàn thể các môn đệ, Ngài lại khiển trách
họ: "Tại sao lại cứng lòng tin?" Chúng ta có thể xem điều trên đây
như một mô tả niềm tin của mỗi người. Hơn nữa, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh
đến với chúng ta tùy theo mỗi thời điểm và mỗi khung cảnh của cuộc sống. Ánh
sáng của Ngài buộc chúng ta phải biết cố gắng tìm kiếm để được nhận lãnh.
Nói như thánh Augustinô: "Chúa dựng nên con,
không cần có con cộng tác. Nhưng Chúa không thể cứu chuộc con, nếu không có con
cộng tác". "Có con" không có nghĩa là con hiện diện ở đó như một
tảng đá quanh năm tiếp thu ánh sáng, nhưng chẳng sử dụng ánh sáng để rồi chịu cảnh
vỡ nát của thời gian. Sự hiện diện của con phải là sự hiện diện của một bông
hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời là nguồn sức sống cho
cây, đồng thời cũng là dịp cho hoa vươn mình khoe sắc.
Vì thế, ánh sáng vui mừng của Ðức Kitô Phục Sinh trước
hết là một đáp ứng cho một tâm hồn tha thiết tìm kiếm Ngài. Maria Madalena và
các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, họ đã được Ngài hiện ra
trước hết, dù rằng họ chẳng chiếm giữ một vai trò quan trọng nào trong việc rao
giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ðức Kitô Phục Sinh cũng vẫn luôn quan
tâm đến tất cả. Ngài chẳng muốn cho một kẻ nào phải hư mất.
Hai môn đệ tuyệt vọng trên đường Emmau được Ngài đồng
hành nâng đỡ. Cả đến sự đòi hỏi gần như thách thức của thánh Tôma cũng được
Ngài sẵn sàng đáp ứng. Ngài hiện diện để trao đổi niềm tin yếu kém: "Tại
sao lại không tin?" "Hỡi những kẻ yếu lòng tin". Ðó là những lời
kêu mời giác ngộ chân lý: "Hãy nhận biết Ngài và hãy tin tưởng vào
Ngài".
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người
trong chúng ta sẽ biết khám phá ra sự hiện diện của một Thiên Chúa mà phần đông
chúng ta tưởng Ngài đã chết. Ngài vẫn luôn hiện diện với ta dù rằng nhiều lúc
con người như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Ánh sáng của Ngài vẫn dọi chiếu,
nhưng theo một góc độ nào đó buộc chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 4:13-21; Mk 16:9-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể trốn tránh sự thật
mãi.
Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm
thêm muối” mỗi khi nói chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các
bạn anh muốn dạy anh một bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những
gì anh nói. Sau khi kể một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và
nơi chốn của những việc xảy ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những
gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới
có thể tránh được những mâu thuẫn của các sự việc.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không
thể trốn tránh mãi sự thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng
Do-thái nghĩ khi họ đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ
nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn
dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần
với các môn đệ sau khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu
tin vào lời các nhân chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?
1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ
ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay
hai cá nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu
làm như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai
ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét
đúng, cả hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi
và biết chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và
câu hỏi họ đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân
danh ai mà các ông làm chuyện đó.”
Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn
biết: chúng tôi chỉ lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã
đóng đinh vào Thập Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức
Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ
không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng,
để bàn tính với nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một
phép lạ quá rõ ràng, đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng;
họ phải tin vào Chúa Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại.
Chính họ đã nói với nhau về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó
hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối được.”
(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do
để họ từ chối không tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay
đổi niềm tin …
Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng
bạo lực. Họ quyết định: “Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta
hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho
gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về
danh Đức Giêsu nữa."
1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô
và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi:
trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng
tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."
Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và biết
Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những
gì Thiên Chúa nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự
thật nên họ tiếp tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng
của họ như sau: “Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được
cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa
vì việc đã xảy ra.”
2/
Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng
cứng lòng, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người
trong Thượng Hội Đồng, các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến
hình, và báo trước cuộc tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện
ra một lần để có cớ cho các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng
Ngài hiện ra nhiều lần với các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái
độ cứng lòng của các ông vì đã chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật
đòi, nhưng nhiều nhân chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:
(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào
lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà
Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những
kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang
sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”
(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau
đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông,
khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các
ông ấy cũng không tin hai người này.”
(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra
cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông
không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người
sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có
sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.
- Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có
can đảm để nói sự thật, sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
- Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều
người phàm nói; chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
02/04/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
Mc 16,9-15
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giê-su
phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Ma-ri-a Mác-đa-la và các phụ nữ theo Chúa,
hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ và nhóm 12 tông đồ. Nhưng họ cũng có một điểm
chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các
việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng
trước cái chết của Ngài. Chúa Ki-tô phục sinh hiện đến để cho họ thấy Đấng phục
sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Ki-tô
khác, nhưng là một Đức Ki-tô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy
nhớ lời căn dặn của Đức Ki-tô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn
hãy làm như những người được gặp Đức Ki-tô phục sinh: loan đi, kể lại cho người
khác niềm vui này, như chị Ma-ri-a Mác-đa-la, như hai môn đệ Em-mau … Niềm vui
phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Sẵn
sàng chia sẻ đồ dùng, tiền bạc, v.v… cho người đang gặp khó khăn, nhưng trước
tiên, biết chia sẻ niềm vui cho người khác nhất là người đang đau khổ, buồn
sầu. Có như thế bạn mới có thể chia sẻ cho người khác niềm vui có Chúa Phục
sinh trong đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, xin cho con hiểu rằng niềm vui Chúa Phục Sinh
không được giữ lại cho riêng con, nhưng con phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy
cho anh em con nữa.
Vẫn không tin
Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với
chúng ta hôm nay. Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ
sống khác.
Suy
niệm:
Theo
các nhà chú giải, sách Tin Mừng Marcô kết thúc ở chương 16, câu 8,
với
việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ.
Sách
này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.
Kết
thúc khác thường này của Marcô làm chúng ta ngày nay chưng hửng.
Cả
các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng,
vì
vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác.
Các
sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ,
chuyện
Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên;
rồi
sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ
và
sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).
Để
giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Marcô đặt ra,
một
tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20),
dựa
trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ.
Năm
1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa.
Bài
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.
Đức
Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala.
Bà
đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc,
nhưng
họ không tin (cc. 9-11).
Lần
thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê.
Khi
hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13).
Lần
thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một.
Ngài
khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).
Xem
ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn
đệ,
dù
họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy,
dù
có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.
Ở
lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi.
Các
môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy.
Có
những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động.
Nhưng
Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình.
Ngài
kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa.
Ngài
đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao.
“Hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15).
Tin
Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay.
Nếu
thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác.
Thanh
thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn...
Nhiều
khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã,
vẫn
nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này.
Chỉ
mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu,
để
làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa phục sinh,
vì
Chúa đã phục sinh
nên
con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên
con được tự do bay cao,
không
bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ
thất bại, sợ khổ đau,
sợ
nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên
con hiểu cái liều của người kitô hữu
là
cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái
liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái
liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái
liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang
một sức thu hút mãnh liệt
khiến
con đổi cái nhìn về cuộc đời:
nhìn
tất cả từ trên cao
để
nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp
con dám sống tận tình hơn
với
Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng
lại được tất cả.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2
THÁNG TƯ
Sự
Thật Sẽ Giải Phóng Các Ngươi
Đấng
đã chết trên Thập Giá từng tuyên bố: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ
giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Chính đó là lý do thúc đẩy Đức Giêsu tiến tới
với thập giá. Nơi Thập Giá, sự thật về tội lỗi con người, về tội lỗi của thế
gian được kết đọng lại. Và dù con người có cố gắng phủ nhận sự thật đó mấy đi nữa,
dù con người ngày nay có cố gắng xóa bỏ cảm thức tội lỗi khỏi lương tâm mình mấy
đi nữa, Thập Giá vẫn luôn luôn làm chứng cho sự thật đó.
“Vì
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để những
ai tin vào Người thì không phải hư mất, song được sự sống đời đời” (Ga 3,16).
Ngôi Lời bị đóng đanh! Chúa Con đã đến thế gian không phải để xét xử thế gian
nhưng là để cứu độ thế gian” (Ga 12,47).
Hỡi
con người của buổi bình minh thiên niên kỷ mới! Xin đừng lẩn tránh sự phán xét
của Thập Giá Chúa Kitô. Thập Giá là sự phán xét cứu độ. Thập Giá là lời trao
ban sự sống đời đời. Lời cứu độ này được thốt lên – một lần cho tất cả – giữa
trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không rút lại lời này. Lời
này không tan biến.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
02-4
Thứ
bảy trong tuần Bát Nhật Phục sinh
Cv
4, 13-21; Mc 16, 9-15
Lời
suy niệm: “Người nói với các ông: Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Cuối
tuần Bát Nhật Phục Sinh. Giáo Hội cho chúng ta biết các Tông Đồ của Chúa khó
tin vào chuyện Chúa đã Phục Sinh, mặc dầu có những chứng nhân tường thuật lại với
cả sự chân thành như bà Maria Mác-đa-la và hai môn đệ trên đường Ê-mau. Với sự
cứng lòng tin của các ông. Chúa Giêsu Phục Sinh, đã hiện đến với cả Mười
Một Tông Đồ khi họ đang dùng bữa. Các ông bị Chúa kiển trách về chuyện cứng
lòng tin. Nhưng với tình yêu thương của Chúa các ông đã được trao ban quyền
Loán Báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.
Lạy
Chúa Giêsu. Chúng con được hạnh phúc làm con của Chúa trong phép rửa tội với những
ơn ban của Chúa qua các phép Bí tích. Xin Cho mỗi thành viên trong gia đình
chúng con tích cực trong việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa được biết
Chúa, để tất cả cũng hưởng được niềm hạnh phúc như chúng con.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
02-04
Thánh
PHANXICÔ PAOLA
Ẩn
tu - (1416 - 1507)
Phanxicô
chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416. Cha mẹ Ngài là những
người nghèo khổ nhưng rất đạo đức. Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin
thánh Phaxicô khó khăn cần bầu. Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng
rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn.
Người
mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con
hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ. Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô
đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Một
ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: - Cầu nguyện
lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội ?
Phanxicô
nói mình phải để đầu trần vì : "Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức
Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao ?"
Một
trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục. Người ta kể lại rằng: ngày kia
bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã
mau mắn trả lời: "Mẹ biết con rất thích nói chuyện và Chúa, nhưng con xin
vâng theo lời mẹ dạy".
Lúc
13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện
lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt. Tại tu viện, Phanxicô dù
không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nhiệm nhặt. Các thày dòng cảmkích
vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng. Nhưng hai năm
sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma. Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn
kêu gọi mình cách khác. Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng
và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh.
Hương
thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi. Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn
nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ. Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần
hang đá của Ngài. Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí
tích. Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê
chuẩn năm 1506. Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác
ái. Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường.
Chắc
chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi
hơn thánh Phanxicô. Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa,
khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ.
Chúng
ta ghi lại một vài phép lạ như sau:
- Một
lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia. Nhưng vì không có tiền trả
lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống
tàu Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ
lạ này về Sicilia.
- Một
lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng
nước chảy ra từ một phiến đá. Giếng này không bao giờ cạn.
- Đặc
biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình. Em Ngài là
Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu. Nhưng với sự quyến luyến tự
nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản. Đứa bé đã chết. Bà tìm đến gặp
anh mình để mong được an ủi. Bà nói: - Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em
đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết.
Thánh
nhân trả lời em mình: - Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không ?
- Dĩ
nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi.
Không
nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại. Người mẹ dường
như không tin ở mắt mình nữa. Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân
làm cho sống lại như vậy.
Đức giáo
hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân. Ngài sai một người
đến tìm hiểu những thực. Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước. Thấy
Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối.
Ngài
nói: - Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải. Vị sứ giả rất
đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây. Để sáng tỏ hơn,
Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn
ngoan và đức tin của Thánh nhân. trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả
cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola
còn kém xa sự thực rất nhiều.
Vua
Luy XI đau nặng. Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành. Thánh
nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không
một suy nghĩ đắn đo. Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời
: - Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác. Lệnh của Thiên
Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết
lành.
Cảm động
vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.
Phanxicô
vội trở về Italia. Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại. Cả vua Luy XII sau
này cũng vậy. Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả
việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy. Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng.
Khi cảm
thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui. Ngày thư năm
tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng.
Cầm than nóng trong tay Ngài nói: - Cha đoan quyết với con rằng: đối với người
yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha
cầm lửa trong tay này dâu.
Sau
đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa. Vì được ơn nói tiên
tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột
giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân. Ngày thứ sáu tuần thánh sau
khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở.
Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507.
(daminhvn.net)
02
Tháng Tư
Ve Sầu Kêu Ve Ve
"Ve
sầu kêu ve ve, suốt mùa hè. Ðến kỳ gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối...".
Trên
đây là bốn câu đầu trong bài thơ mà cụ Nguyễn Văn Vỉnh đã dịch từ chuyện ngụ
ngôn "Con ve và con kiến" của thi sĩ Pháp La Fontaine.
Ở
Việt Nam chúng ta cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cứ mỗi độ hè về là ve
sầu xuất hiện và kêu inh ỏi.
Theo
sinh vật học thì có đến 23 loại ve sầu, mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2
năm, loại 3 năm. loại 17 năm v.v... Trước khi xuất hiện trên mặt đất, ve đã làm
kiếp nhộng sống ngầm dưới đất đến 17 năm. Ngay sau khi ra khỏi trứng, nhộng đã
chui xuống đất và sống yên lặng 17 năm.
Sinh
vật học còn cho rằng, khi chu kỳ 17 năm chấm dứt, các con nhộng này có thể nghe
được một tín hiệu bí mật kêu chúng ra khỏi lòng đất và hàng trăm triệu con nhộng
đã đáp lại tiếng kêu gọi đó, bò lên mặt dất, tìm cây cối hay vật gì thẳng gốc với
mặt đất để bám chặt vào, rồi lột voe, biến thành con ve với hai cánh dài để
bay... Nhưng cuộc sống của ve rất ngắn ngủi: vì chúng chỉ sống được năm tuần lễ
vừa đủ để làm một công tác duy nhất làđẻ trứng rồi chết.
Kiếp
sống của con ve sầu có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời của Chúa
Giêsu: trong 33 năm sống kiếp con người, Ngài đã sống ẩn dật đến 30 năm.
Nếu đối
với kiếp ve sầu, 17 năm sống dưới đất như nhộng không phải là vô ích, thì với
Chúa Giêsu, 30 năm sống ẩn dật của Ngài cũng mang một ý nghĩa và giá trị đặc biệt.
Kiếp sống lam lũ của người thợ mộc, những vất vả trong cuộc sống hằng ngày: tất
cả đều mặc cho cuộc sống con người một ý nghĩa.
Chúa
Giêsu đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc sống con người. Ánh sáng đầu tiên đã
được chiếu rọi vào cuộc sống chúng ta chính là những năm tháng ẩn dật ấy của
Chúa Giêsu. Trong ánh sáng ấy, chúng ta sẽ hiểu dược dù nghèo hèn đến đâu, dù tối
tăm đến đâu, công việc từng ngày của chúng ta là những đóng góp vào công cuộc cứu
rỗi của Chúa. Con ve sầu phải tôi luyện trong suốt 17 năm trời mới có thể xuất
hiện để sinh ra một mầm sống mới. Những lam lũ vất vả từng ngày của người Kitô
chúng ta cũng có sức mang lại mầm sống mới cho rất nhiều người.
Ước
gì ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu rọi vào cuộc sống của chúng ta, để, dù vất vả
lao nhọc và đau khổ từng ngày, chúng ta luôn vui vẻ tiến bước vì tin rằng cuộc
sống của chúng ta đang mang lại sức sống cho nhiều người.
(Lẽ
Sống)
Lectio Divina: Máccô 16:9-15
Thứ Bảy, 2 Tháng 4,
2016
Thứ Bảy trong Tuần Bát
Nhật Phục Sinh
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Chúa và là Cha của chúng con,
Chúa Giêsu, Con Chúa, đã sống giữa chúng
con,
Xác thịt như xác thịt chúng con, máu như
máu chúng con.
Người đã chết vì chúng con
Và Chúa đã cho Người sống lại.
Nguyện xin cho chúng con cảm nghiệm được
tình yêu và sự hiện diện của Người
Đến mức mà chúng con không bao giờ có
thể ngừng loan báo
Và mọi người có thể tôn vinh danh Chúa,
Chúa chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô.
2. Bài Đọc Tin
Mừng – Máccô 16:9-15
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày
thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được
Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ từng ở với Người và nay
đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy
Người, nhưng họ không tin.
Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức
khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin
cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy.
Sau hết, Chúa hiện ra với Mười Một tông
đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông
không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con
hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.
3. Suy Niệm
- Bài Tin Mừng
hôm nay là một phần của đoạn văn rộng lớn hơn (Mc 16:9-20) đặt chúng ta trước
một danh sách hay một bản tóm tắt các cuộc hiện ra khác nhau của Chúa
Giêsu: (a) Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna, nhưng các môn đệ đã
không chấp nhận lời chứng của bà (Mc 16:9-11); (b) Chúa Giêsu hiện ra với hai
môn đệ, nhưng các người khác không chấp nhận lời chứng của họ (Mc 16:12-13);
(c) Chúa Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một, Chúa khiển trách việc cứng lòng của
các ông và truyền cho các ông đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân (Mc 16:14-18);
(d) Chúa lên Trời và tiếp tục cộng tác với các môn đệ (Mc 16:19-20).
- Bên cạnh danh
sách các lần hiện ra này trong Tin Mừng của Máccô, còn có các danh sách khác về
những lần Chúa hiện ra nhưng không phải lúc nào cũng luôn ăn khớp với
nhau. Lấy ví dụ, danh sách được lưu giữ bởi thánh Phaolô trong Thư gửi
các tín hữu Côrintô thì rất khác biệt (1Cr 15:3-8). Việc khác nhau này
cho thấy rằng lúc đầu các Kitô hữu tiên khởi đã không lo lắng chứng minh sự
Phục Sinh của Chúa bằng cách nói về các lần hiện ra. Đối với họ, niềm tin
vào Chúa Phục Sinh đã quá rõ ràng và sống động đến nỗi mà người ta không cần
phải chứng minh điều đó. Một người phơi nắng trên bờ biển thì không cần
lo chứng minh rằng mặt trời hiện hữu, bởi vì chính bản thân người ấy, bị rám
nắng, đã là một bằng chứng hiển nhiên về sự hiện hữu của mặt trời. Các
cộng đoàn, hiện hữu trong một đế quốc to lớn, là một bằng chứng sống của sự
Phục Sinh. Danh sách các lần hiện ra đã bắt đầu xuất hiện sau đó, trong
thế hệ thứ hai để bác bỏ những lời chỉ trích của kẻ thù.
- Mc
16:9-11: Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna, nhưng các môn
đệ không tin lời bà. Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với bà Maria
Mađalêna. Bà đi báo tin này với những người khác. Để đến thế gian,
Thiên Chúa đã muốn dùng cung lòng của một thiếu nữ độ 15 hay 16 tuổi, tên là
Maria thành Nagiarét (Lc 1:38). Để được công nhận là còn sống ở giữa
chúng ta, Người muốn dùng lời loan báo của người phụ nữ đã được giải thoát khỏi
bảy quỷ, còn được gọi là Maria thành Mađalêna! (Đây là lý do tại sao bà
có tên là Maria Mađalêna). Nhưng các môn đệ đã không tin bà. Thánh
Máccô nói rằng Chúa Giêsu đã hiện ra lần đầu tiên với bà Maria Mađalêna.
Trong danh sách các lần hiện ra, được lưu truyền trong thư gửi tín hữu Côrintô
(1Cr 15:3-8), các lần hiện ra của Chúa Giêsu với những người phụ nữ đã không được
đề cập đến. Các Kitô hữu tiên khởi đã gặp khó khăn lúng túng để tin vào
lời chứng của người phụ nữ. Đó là điều tội lỗi!
- Mc
16:12-13: Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ đang trên đường về
miền quê, nhưng những môn đệ khác cũng không tin họ. Không đi vào quá
nhiều chi tiết, thánh Máccô đề cập đến lần hiện ra của Chúa Giêsu với hai môn
đệ, “đang trên đường về miền quê”. Có lẽ đây là một lời tóm tắt về lần
hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường đi Emmau, được thuật lại bởi
thánh Luca (Lc 24:13-25). Máccô nhấn mạnh khi nói rằng “những môn đệ khác
cũng không tin các ông ấy”.
- Mc
16:14-15: Chúa Giêsu khiển trách các ông đã cứng lòng và Người
truyền cho các ông đi loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Vì lý do
này, Chúa Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một môn đệ và khiển trách các ông bởi vì
họ đã không tin lời của những kẻ đã thấy Người sống lại. Lần nữa, Máccô
đề cập đến việc cứng lòng của các môn đệ trong việc tin vào lời chứng của những
kẻ đã có kinh qua với sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tại sao vậy? Có lẽ
để giáo huấn ba điều. Trước nhất, đức tin vào Chúa Giêsu thì đi qua lòng
tin tưởng vào những người làm chứng. Thứ hai, không ai phải nản lòng, khi
mà có sự nghi ngại hoặc không tin tưởng dấy lên trong lòng. Thứ ba, để
bác bỏ lời chỉ trích của những kẻ nói rằng người Kitô hữu thì ngây thơ và cả
tin với bất kỳ điều gì, bởi vì nhóm Mười Một môn đệ đã rất khó khăn để chấp
nhận sự thật về Chúa Phục Sinh!
- Bài Tin Mừng
hôm nay kết thúc với lời sai đi: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng
Tin Mừng cho muôn loài!” Chúa Giêsu trao cho các môn đệ sứ vụ đi loan báo
Tin Mừng cho mọi tạo vật.
4. Một vài câu
hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Bà Maria
Mađalêna, hai môn đệ trên đường Emmau và nhóm Mười Một môn đệ: Ai là kẻ
có khó khăn nhất để tin vào sự Phục Sinh? Tại sao? Tôi nhận thấy
mình giống như ai trong các người ấy?
- Những dấu chỉ để
có thể thuyết phục người ta rằng có sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta
là gì?
5. Lời nguyện
kết
Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên
chúng con,
cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài
(Tv 67:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét