Trang

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

04-04-2016 : THỨ HAI - TUẦN II PHỤC SINH - LỄ TRUYỀN TIN - LỄ TRỌNG

04/04/2016
Thứ Hai tuần 2 Phục Sinh
LỄ TRUYỀN TIN.
Lễ Trọng


* Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng ngày Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Biến cố này được thánh Luca tường thuật lại trong phần đầu sách Tin Mừng của người. Phụng vụ ngày hôm nay được soi sáng nhờ lời của tác giả Thánh Vịnh 39. Lời này đã được tác giả thư Do Thái đặt lên miệng Chúa Kitô khi Người bước vào trần gian: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.

BÀI ĐỌC I:  Is 7, 10-14
"Này trinh nữ sẽ thụ thai".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa". Và Isaia nói: "Vậy nghe đây, hỡi nhà Đavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11
Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Đáp.
2) Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Đáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Đáp.
4) Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa.    -  Đáp.
BÀI ĐỌC II:   Dt 10, 4-10
"Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật". Đoạn Người nói tiếp: "Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.  Đó là lời Chúa.
ALLELUIA  Ga 1, 14ab
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 1, 26-38
"Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ".
Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)


Suy niệm : Lễ Truyền Tin
Mỗi khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabriel chào Ðức Maria khi mở đầu cuộc truyền tin: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà. Mừng vui lên hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà". Ðây chính là lời chúc phúc có ý nghĩa nhất và cũng là lời chúc phúc có giá trị nhất của con người.
Quả thế, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc của người được Thiên Chúa ở cùng, của người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Theo sau lời chúc phúc cũng là lời loan báo cho Ðức Maria biết tình trạng ân sủng tuyệt vời của Mẹ. Sứ thần cho Mẹ biết là Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên Chúa. Ðây quả là một tin hết sức trọng đại khiến Mẹ phải bối rối. Hơn nữa, Mẹ sẽ thụ thai thế nào đây khi mà Mẹ chưa hề chung chăn gối với ai. Thắc mắc của Ðức Maria được sứ thần giải đáp bằng một câu trả lời đầy thuyết phục một cách tuyệt đối nhân danh quyền năng của Ðấng Tối Cao, kèm theo là một chứng cớ cụ thể đang xảy ra cho người chị họ của Mẹ. Ðối chiếu với các câu Thiên Chúa trả lời cho tổ phụ Abraham, cho ông Môisen hay cho thánh Giuse, chúng ta thấy Thiên Chúa rất tế nhị khi giao tiếp với từng đối tượng để giải đáp thắc mắc của người thiếu nữ. Người đã chọn cách trả lời giản dị mà có hiệu quả nhất. Câu trả lời này mang lại cho Ðức Maria sự bình an sâu thẳm. Mẹ đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa trao phó cho Mẹ. Mẹ đã tiếp nhận được điều chính yếu trong sứ điệp Truyền Tin, Mẹ đã tin tưởng tuyệt đối vào sứ điệp đó và Mẹ sẽ cống hiến hết mình cho điều mình xác tín.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa gởi sứ điệp có liên quan đến công cuộc cứu độ của Người. Trong cái đại dương thông tin mênh mông đang ùa tới với chúng ta mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người hôm nay, cung cách giao tiếp của Thiên Chúa vẫn luôn tế nhị, thích ứng với từng đối tượng mà Người muốn ngỏ lời. Nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sứ điệp mà Thiên Chúa gửi đến cho mình cũng có những nét tương tự như sứ điệp Truyền Tin cho Ðức Maria.
Thay cho lời chào của sứ thần, chúng ta có thể cảm thấy có một cái gì đó lay động linh hồn chúng ta và tạo cho chúng ta một cảm giác thiêng liêng huyền nhiệm. Trước cảm giác linh thiêng này, có thể chúng ta sẽ bối rối xao xuyến vì không biết chuyện gì đang xảy ra cho tâm hồn mình, chúng ta có thể lờ đi không lưu tâm đến nó nữa. Và trong trường hợp này, chúng ta sẽ không nhận được phần tiếp theo của sứ điệp. Nhưng nếu chúng ta để ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận được những sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta. Ða số các sứ mạng này là những công việc bình lặng trong cuộc sống thường ngày với mục đích đem ơn cứu độ đến cho những người khác. Nhưng cũng có lúc đó là những công việc có tầm ảnh hưởng lớn hơn, khó thực hiện hơn và đôi khi vượt quá khả năng của chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta sẽ cảm thấy e ngại vì không biết mình sẽ làm sao để thực hiện lời Thiên Chúa gợi ý. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng và tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa, thì Người sẽ đưa ra cho chúng ta lời giải đáp, và có thể Người sẽ đưa ra cho chúng ta một vài bằng chứng cụ thể để củng cố lòng tin của chúng ta. Ðến đây, Thiên Chúa chờ đợi lời thưa "Xin Vâng" của chúng ta như Người đã chờ đợi lời thưa "Xin Vâng" của Mẹ Maria ngày xưa.
Lạy Mẹ Maria, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gọi gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, con ngần ngại không dám tiến thân. Hôm nay, khi suy niệm về biến cố Truyền Tin, con hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ ngày xưa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Truyền Tin, Năm ABC
Bài đọc: Isa 7:10-14; Heb 10:4-10; Lk 1:26-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho con người.
Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để làm quyết định; nhưng khi con người quyết định chọn điều gì, là con người phải lãnh nhận hậu quả do quyết định ấy mang lại. Thói quen của con người là không muốn phải vâng lời ai, muốn tự mình có thể quyết định mọi sự. Trong cuộc cám dỗ đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, con rắn gian manh biết Bà Evà không muốn vâng phục Thiên Chúa, nên cám dỗ Bà ăn trái cây “biết lành biết ác” mà Thiên Chúa đã cấm không được ăn. Hậu quả của cuộc bất tuân là ông bà mất nghĩa cùng Thiên Chúa, và truyền nọc độc của tội Tổ Tông cho con cháu.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù đã được tiên-tri Isaiah truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua Ahaz của Judah vẫn bất tuân sang cầu viện Ai-cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Babylon. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Kitô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quí sự vâng phục của Đức Kitô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, và hài nhi Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vua Ahaz bất tuân lời Thiên Chúa.
1.1/ Vua Ahaz nghi ngờ Thiên Chúa: Rezin là vua sau cùng của Damascus. Năm 732 BC, vua Assyrian, Tiglath-pileser III phá hủy Damascus và giết vua Rezin. Sự liên hiệp giữa Assyria và Israel làm vua Judah khủng hỏang, vua sợ liên hiệp này sẽ đem quân thôn tính Judah. Liên hiệp hai nước phác họa kế họach truất phế vua Ahaz, và thay thế ông với hòang tử của Bet Tabel, một lãnh thổ của Aram, miến Bắc của khu vực Transjordan. Hoàng tử này có lẽ là người Judah, con trai của Jotham hoặc Uzziah với công chúa của Tabel.
(1) Sự bất trung của vua Ahaz: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz để khuyên nhà vua tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể bảo tòan lãnh thổ của nhà Judah. Vua Ahaz không tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa, và vào lời khuyên của tiên tri Isaiah; ông cầu viện với vua Ai-cập để xin sự bảo vệ. Hậu quả là Chúa để cho vương quốc của ông rơi vào tay vua Babylon.
1.2/ Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz lần thứ hai.
(1) Hãy xin một dấu lạ để Thiên Chúa làm cho: “Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: "Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua Ahaz trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa." Vua không xin một dấu từ Thiên Chúa vì vua ngoan cố, không muốn nghe những lời khuyên của tiên-tri Isaiah.
(2) Dấu lạ Đấng Cứu Thế: Tiên-tri Isaiah bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.”
- Isaiah không dùng chữ đặc biệt để chỉ trinh nữ (betula), nhưng dùng chữ (alma) để chỉ một phụ nữ trẻ tới tuổi thành hôn, có thể là trinh nữ kay không. Lời tuyên sấm này được loan báo trước hòang gia, có thể mang ý nghĩa giòng dõi của David sẽ bị tận diệt. Nếu điều ấy xảy ra, lời hứa của Thiên Chúa đã làm với giòng dõi David sẽ bị chấm dứt (2 Sam 7:12-16).
- Con trẻ sắp sinh ra có thể là trẻ Hezekiah, mà Judah đang hy vọng sẽ tiếp tục sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài, và là một canh tân của lời hứa đã được ký kết với vua David.
- Dẫu vậy, sự nghiêm trọng của lời tuyên sấm và tên con trẻ tương lai “Emmanuel” cho chúng ta thấy lời của tiên-tri Isaiah không chỉ dừng lại với sự sinh ra của Hezekiah; nhưng chỉ thẳng tới vị vua lý tưởng của giòng tộc David, mà qua vị vua này, Thiên Chúa mới thực sự ở với con người.
- Thánh sử Mathhew và Giáo Hội đã nhìn sự sinh ra của Đấng Cứu Thế bởi Trinh-Nữ Maria là sự hòan tất của lời tiên tri này.
2/ Bài đọc II: Thi hành ý muốn của Thiên Chúa cao trọng hơn các hy lễ tòan thiêu và hiến tế chiên bò.
2.1/ Máu thú vật không thể xóa bỏ tội lỗi con người: Trong Cựu Ước, mỗi khi con người muốn được Thiên Chúa tha tội, họ lên Đền Thờ, sát tế thú vật, và dâng cho Thiên Chúa như trong ngày lễ Day-at-onement. Nhưng những hy lễ này chỉ có thể tha những tội vô tình họ xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; còn những tội cố tình, không một hy lễ nào có thể xóa được; đó là lý do tại sao tác giả Thư Do-thái nói: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.” Vì thế, con người cần một cách khác để được tha tội; và Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách thức hiệu quả để tha tội cho con người: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.” Tạo cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có tai để lắng nghe và vâng lời; có trí óc để hiểu và có ý chí để làm theo những gì Thiên Chúa muốn; và có một thân xác để có thể hy sinh, chịu đựng đau khổ, để đền tội thay cho con người.
2.2/ Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa để mang lại ơn cứu độ cho con người: Tác giả trưng dẫn Thánh Vịnh 40:6-9: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.”
- Trước hết, Đức Kitô nói: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.” Điều này hiển nhiên vì tất cả những điều này thuộc về Thiên Chúa. Con người có dâng tiến những lễ vật này cũng là lấy những của Thiên Chúa ban để dâng lại cho Ngài. Đó là chưa kể đến tội mà các tiên tri đã tố cáo con người nhiều lần: dâng của dư thừa, dâng cho qua lần chiếu lệ, dâng lễ vật mà vẫn đang toan tính phạm tội, dâng lễ vật mà lòng xa Thiên Chúa vạn dặm …
- Rồi Người nói: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” Sự vâng phục của Chúa Giêsu là lễ hiến tế duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa, và máu của Người đổ ra chỉ một lần là đủ để Thiên Chúa tha thứ tất cả cho con người.
- Nếu chúng ta muốn thiết lập mối giao hòa với Thiên Chúa, vâng lời làm theo thánh ý Ngài là cách thức duy nhất. Thiên Chúa muốn con người tin và tuân phục những gì Đức Kitô đã mặc khải và dạy dỗ con người.
3/ Phúc Âm: Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria bắt đầu Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
3.1/ Biến cố Truyền Tin: Khi Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.
- Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Thông thường, con người dễ hãnh diện khi được người khác khen mình; nhưng Mẹ là người rất khiêm nhường, Mẹ biết mình không xứng đáng với lời chào này; nên bối rối, băn khoăn về lời chào ấy.
- Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh để lo việc của Thiên Chúa. Điều khó hiểu ở đây là thánh Luca đã đề cập tới việc Mẹ đã đính hôn với Giuse ở đầu trình thuật. Tại sao đã khấn giữ mình đồng trinh, lại còn đính hôn với Giuse? Điều này chỉ có thể giải nghĩa hoặc Luca lầm lẫn hoặc bản văn bị sắp xếp lẫn lộn thứ tự giữa 2 biến cố: truyền tin và đính hôn.
- Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”
3.2/ Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Chúng ta không chắc Mẹ Maria có thể hiểu thế nào là sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nhưng Mẹ tin những gì thiên thần Gabriel nói vì hai lý do:
(1) Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Nếu Ngài có thể làm cho bà Elisabeth, người họ hàng với Mẹ, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai; còn việc gì Thiên Chúa không làm được?
(2) Niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa: Mẹ biết Thiên Chúa là ai, và Mẹ biết mình là ai. Mẹ tuy không hiểu những gì Thiên Chúa nói, nhưng sự khôn ngoan dạy Mẹ cứ mau mắn vâng lời; vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn đều tốt đẹp. Vì thế, Mẹ thưa với thiên thần: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tuân phục Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa biết chắc các điều tốt đẹp cho con người. Bất tuân Thiên Chúa là cách dễ dàng nhất gây ra đau khổ cho con người.
- Vâng lời Thiên Chúa không lấy đi sự tự do của con người, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan. Giống như một con trẻ chưa đủ khôn ngoan để làm quyết định cho mình, em phải vâng lời cha mẹ là những người khôn ngoan hơn. Chúng ta cũng thế, khi chưa hiểu kế họach của Thiên Chúa cho cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Đức Mẹ: xin vâng làm theo ý Thiên Chúa.
- Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ những gì Thiên Chúa hứa ban cho tới khi thành sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

04/04/16 THỨ HAI TUẦN 2 PS
Lễ Truyền Tin
Lc 1,26-38

Suy niệm: Sống một cuộc đời khiêm hạ, đơn sơ và ý thức rõ thân phận nữ tỳ của mình, Đức Ma-ri-a không bao giờ ước mong, cũng chẳng nghĩ mình sẽ được “diễm phúc hơn mọi người phụ nữ” như thế. Do đó, khi nghe lời sứ thần chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”, Đức Ma-ri-a đã thật sự ngạc nhiên và bối rối. Nhưng khi Mẹ nhận ra rằng tất cả “những điều cao cả” ấy là hành động của “lòng thương xót Chúa dành cho những ai kính sợ Người” thì sự bối rối ngạc nhiên của Mẹ đã mau chóng chuyển thành lời cảm tạ ngợi khen: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (x. Lc 1,46-55).
Mời Bạn: Lòng thương xót Chúa thực hiện nơi Đức Ma-ri-a, cũng là lòng thương xót Chúa thực hiện cho dân của Người. Như lời Đức Ma-ri-a hát: “Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham, và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54). Chúng ta là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, qua Đức Ma-ri-a, Chúa thực hiện lòng thương xót bằng cách ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.  Ngẫm nghĩ điều này ắt hẳn chúng ta sẽ biết ngạc nhiên hơn về lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta.
Sống Lời Chúa: Nhẩm lại lời ca tạ ơn của Đức Ma-ri-a: “Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham, và cho con cháu đến muôn đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì lòng thương xót nhân loại mà Chúa đã trao ban Đức Giê-su cho chúng con. Xin dạy chúng con luôn biết ngạc nhiên về lòng thương xót của Chúa để cuộc đời chúng con thực là bài ca cảm tạ.

Tôi là nữ tỳ của Chúa 
Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới. Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay. 


Suy nim:
Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.
Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.
Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.
Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.
Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.
Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do thái ấy
vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.
Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.
Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?
Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.
Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.
Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.
Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.
Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.
Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.
Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).
Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai,
Chị đã hỏi lại : “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”
vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.
Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.
Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ? Giuse sẽ nghĩ sao?
Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?
Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.
Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,
yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai,
nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.
Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).
Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.
Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.
Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp,
trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?
Cầu nguyn:
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG TƯ
Được Mai Táng Với Đức Kitô - Được Phục Sinh Với Người
Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người đã chịu nạn, chịu chết, và chịu táng xác. Nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại.”
Trước khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô – với cái chết cứu độ của Người – đã chạm đến tội lỗi của con người qua mọi thế hệ. Người đã ghé thăm các linh hồn trong cõi âm ty với quyền năng cứu chuộc do cái chết của Người, với quyền năng trao ban sự sống do cái chết của Người. Hỡi sự chết, Ta sẽ là chính sự chết của ngươi!
Cũng vậy, chúng ta – những người còn đang sống – đã được dìm trong cái chết của Người (cf. Rm 6,3). Cái chết của Đức Kitô, cái chết cứu chuộc, cái chết trao ban sự sống, đã tiêu diệt di lụy của tội lỗi vốn có mặt nơi mỗi người chúng ta. Thật vậy, “chúng ta … được thanh tẩy để tháp nhập vào với Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,3). Và Thánh Phao-lô nói tiếp: “Qua phép Rửa, chúng ta thật sự được mai táng với Người, để – cũng như Đức Kitô được phục sinh từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha – chúng ta cũng sẽ sống trong sự sống mới” (Rm 6,4).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04-4
Lễ truyền Tin
Is 7 10-14; 8,10; Dt 1, 4-10; Lc 1, 26-38

Lời suy niệm: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Thiên Chúa đã sai sứ thần Gáp-ri-en đến cùng Đức Marria. Thiên sứ đã cung kính chào Đức Mẹ một cách đặc biệt mà không một loài thụ tạo nào có thể có được. Bởi vì thiên sứ thấy rõ ân sủng của Thiên Chúa tràn đầy và bao phủ lấy Đức Mẹ nên đã cất tiếng: “Mầng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.”  Đồng thời thiên sứ cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trên Đức Mẹ, và thiên sứ loan báo: “Đức Chúa ở cùng bà”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trong lòng Đức Mẹ, để nhận loại nhận được ơn cứu độ của Chúa. Khi Chúa hoàn tất mọi sự, Chúa lại trao Đức Mẹ cho chúng con và chúng con cho Đức Mẹ. Xin cho chúng con luôn cung kính Đức Mẹ, và trong mọi lời cầu nguyện luôn nhờ Đức Mẹ chuyển cầu lên cùng Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 04-04
Thánh ISIDORO
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+636)

Thánh Isidorô được coi như vị thánh tiến sĩ lừng danh nhất của Giáo hội Tây Ban Nha. Ngài chào đời tại Carthagena trong một gia đình thật đặc sắc, có cha mẹ đạo đức và và cả bốn anh em đều được tôn phong lên hàng hiển thánh . Các anh Ngài là hai thánh giám mục Leanger và Fulgentio. Chị Ngài là thánh nữ Florentina. Như vậy thánh Isidôrô thật có phúc vì được sinh ra sống giữa các vị thánh.
Cha mẹ mất sớm, người anh cả lãnh nhiệm vụ hướng dẫn đứa em út Isidorô. Một bức thư của thánh Leander viết cho em gái là thánh Florentina làm chứng điều đó: - "Anh xin em hãy nhớ đến anh trong kinh nguyện và đừng quên chú út Isidorô. Cha mẹ đã ký thác em cho chúng ta và đã trở về với Chúa mà không phải e sợ gì, bởi vì các Ngài đã trao cho em một người chị và hai người anh săn sóc".
Dù rất thương em. Nhưng Leander đã phải dùng biện pháp mạnh là cây roi để sửa trị tính nhu nhược của đứa em biếng nhác. Một lần kia vì sợ đòn và chán học, Isidorô đã bỏ nhà trốn đi. Cậu chạy nước rút mau hết sức cho tới khi ngã quỵ bên một bờ giếng. Mơ màng trong lúc lấy hơi, cậu nhìn thấy vách đá bên thành giếng có một đường rãnh. Một phụ nữ đến kín nước giải thích cho cậu biết rằng, đá cứng đến đâu đi nữa nhưng sợ giây thừng cọ sát liên tục cũng soi mòn được. Hiện tượng này khiến cậu phải suy nghĩ: "Với thời gian sợi giây thừng và những giọt nước đẽo được cả đá, còn tôi lại không thể học hành để gọt giũa tâm hơn sao ?"
Thật là một bài học lạ lùng đối với Isidorô. Ngài lấy lại can đảm bắt tay và làm việc không còn biết mệt mỏi. Nỗ lực không ngừng đã biến Ngài thành nhà thông thái nhất thời đó. Còn thanh xuân, Ngài đã thông hiểu triết học, đã nghiên cứu các tác phẩm về luật. Nhà chép sử Arevalo đã phải thán phục ghi nhận nói Ngài một sự cao siêu như Platon, sự thông hiểu của Aristote, tài hùng biện của Cicéron, sự uyên bác của Origenê, sự thận trọng của thánh Hiêronimô, giáo thuyết của thánh Augustinô và sự thánh thiện của thánh Gregoriô. Người ta còn nói rằng khi đọc một bức thư của Isidorô, thánh Grêgoriô đã thốt lên lời đầy tính chất tiên tri: - "Đây là một tiên tri Daniel, một người còn trổi vượt hơn cả Salomon".
Isidorô thụ phong linh mục và theo anh là Leander đang làm giám mục Seville, tham dự các công đồng. Dầu có cuộc bách hại của nhà vua theo phái Ariô và đã trục xuất hai anh của Ngài, thánh nhân vẫn công khai chống lại lạc giáo. Ngài đã thay anh cai quản giáo phận lúc người anh bị lưu đày. Năm 600, khi Đức Cha Leander từ trần, Ngài đã được cử lên kế vị. Đức giáo hoàng Grêgoriô cả còn đặt Ngài làm vị tổng đại diện cho mình ở Tây Ban Nha.
Dầu không bao giờ là tu sĩ, thánh Isidorô đã viết một bộ luật dòng tu. Ngài giải thích, khai triển và hệ thống hoá phung vụ Mozarabic. Ngài nỗ lực tiêu diệt tàn tích của phái Ariô, và đánh bại lạc thuyết của Acephali, một ngành của lạc giáo Nhất tính thuyết ở Tây Ban Nha. Hơn nữa thánh nhân còn lập nhiều trường học để giáo dục con dân của Ngài. Có ảnh hưởng lớn tại triều đình, Ngài cũng giữ phần sáng chói trong cộng đồng Toleđô năm 610, chủ tọa công đồng Seville II năm 618 hay 619 và công đồng Tôleđo IV năm 633.
Nhưng trách vụ của Đức giám mục không ngăn cản công việc trước tác phong phú của thánh Isidorô. Ngài đã viết một từ điển các tiếng đồng âm, một khảo luận về thiên văn địa lý, tiểu sử của các vĩ nhân và các nhân vật trong thánh kinh, một cuốn lịch sử xứ Goth. Tác phẩm ảnh hưởng nhất của Ngài là Bộ bách Khoa từ điển ETYMOLOGIES tóm lược những hiểu biết của thời đại Ngài.
Sau 36 năm nhọc mệt trong chức giám mục, thánh Isidorô phải chịu đựng mọi yếu đau của tuổi già. Bệnh tật có thể nghiền nát thân xác, nhưng lại không thể làm giảm thiểu được nhiệt tâm của Ngài. Trong sáu tháng cuối đời, Ngài tăng thêm việc bác ái đến nỗi một đoàn dân nghèo đến với Ngài tấp nập từ sáng đến chiều và cuối cùng chính Ngài cũng lâm cảnh nghèo túng. Biết rằng sắp kết thúc được đời Ngài mời hai giám mục phụ tá đến thăm, Ngài theo họ tới nhà thờ. Ơ đó một vị giám mục mặc áo nhặm cho Ngài, một vị giám mục bỏ tro lên đầu Ngài. Giơ tay lên trời Ngài lớn tiếng xin Chúa thứ tha tội lỗi, rước lễ. Xin mọi người cầu nguyện cho, khuyên nhủ dân chúng sống bác ái, phân phát hết tiền của còn lại. Trở về nhà, Ngài qua đời trong an bình của Chúa ngày 04 tháng 04 năm 636.
Theo lời yêu cầu của thánh nhân, thi hài Ngài được mai táng với thánh Leander và Florentina. Nhưng về sau Vua Ferdinand di chuyển hài cốt về Leon. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV tôn phong thánh Isidorô lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)


04 Tháng Tư
Ðánh Nhau Bằng Gậy Gộc
Họa sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề: "Ðánh nhau bằng gậy gộc".
Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông bão hay sắp sáng rỡ.
Thoạt nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.
Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại giành giật chém giết lẫn nhau.
Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta.
Bức tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.
Một nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại... Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Lễ Truyền Tin
Thứ Hai, 4 Tháng 4, 2016
Giao ước của Thiên Chúa với nhân loại
Lời xin vâng của Đức Maria và của chúng ta
Lc 1:26-38


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha nhân từ, trong thời gian thánh này của cầu nguyện và của lắng nghe Lời Chúa, xin Cha cũng sai thánh thiên thần của Cha đến để cho con cũng có thể nhận lãnh được lời công bố về ơn cứu độ và, sau khi đã mở lòng trí con, thì con cũng có thể nói tiếng xin vâng với Thiên Chúa Tình Yêu.  Con cầu xin cùng Cha, xin hãy để cho Chúa Thánh Thần rợp bóng trên con như một quyền năng tràn ngập.  Từ giờ trở đi, lạy Cha, con không muốn nói một điều khác hơn là lời “Xin Vâng!” và xin thưa cùng Cha:  “Này con đây.  Xin Chúa hãy làm trên con bất cứ điều gì Chúa muốn”.  Amen.

2.  Bài đọc

a)   Bối cảnh đoạn Tin Mừng:

Câu chuyện truyền tin đưa chúng ta từ đền thờ, nơi thiêng liêng tuyệt hảo, đến căn nhà, đến sự thân mật của cuộc gặp gỡ riêng tư của Thiên Chúa với tạo vật của mình; câu chuyện dẫn đưa chúng ta vào trong chính mình, vào trong nơi sâu thẳm nhất của con người chúng ta, nơi mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể tiếp cận và chạm đến.  Lời loan báo về việc ra đời của thai nhi Gioan Tẩy Giả đã mở ra cung lòng son sẻ của bà Êlisabéth; do đó, khắc phục được sự bất lực tuyệt đối của loài người và biến đổi nó thành khả năng cộng tác với Thiên Chúa.  Mặt khác, lời công bố việc giáng sinh của Chúa Giêsu, gõ cửa một cung lòng có khả năng sinh sản của người “đầy ân sủng” và chờ đợi câu trả lời:  chính Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi câu xin vâng của chúng ta để Người có thể làm tất cả mọi việc trong chúng ta.

b)  Phần trợ giúp cho việc đọc đoạn Tin Mừng này:

Các câu 26-27:  Hai câu đầu tiên đặt chúng ta vào trong thời gian và không gian thiêng liêng của sự kiện mà chúng ta có thể suy gẫm và hồi tưởng lại:  chúng ta đang ở tháng thứ sáu sau khi Gioan Tẩy Giả được thụ thai và tại làng Nagiarét, một thành trong xứ Galilêa, đất của những kẻ bị khinh khi và ô uế.  Tại đây Thiên Chúa đã xuống để nói chuyện với một trinh nữ, để nói chuyện với trái tim của chúng ta.
Những nhân vật dính dáng trong sự kiện sôi nổi này được trình diện với chúng ta: thiên thần Gabriel, sứ giả của Thiên Chúa, một thiếu nữ tên là Maria và người phối ngẫu của cô là ông Giuse thuộc dòng dõi hoàng gia của vua Đavít.  Chúng ta cũng được chào đón vào trong nhóm người này và được kêu gọi tiến vào mầu nhiệm.

Các câu 28-29:   Đây là những lời đầu tiên của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tạo vật của Ngài.  Chỉ cần một vài lời, một hơi thở đơn thuần, nhưng những lời mạnh mẽ thì làm con tim bối rối, câu hỏi sâu sắc về ý nghĩa của đời sống con người, các dự án và kỳ vọng.  Thiên thần loan báo niềm vui mừng, ân sủng và sự hiện diện của Thiên Chúa; Đức Maria bối rối và tự hỏi việc này làm thế nào có thể xảy ra được?  Làm thế nào mà một hồng ân cao cả như thế, có thể thay đổi con người bà, thuộc về bà được?

Các câu 30-33:  Đây là những câu trọng tâm của đoạn Tin Mừng:  đó là sự vỡ òa của lời loan báo, biểu lộ của ân sủng Thiên Chúa, Đấng toàn năng trong đời sống loài người.  Thiên thần Gabriel, thiên sứ, nói về Đức Giêsu:  vị vua cai trị đời đời, Đấng Cứu Thế, Con Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng khiêm nhường.  Ngài nói về Đức Maria, về con trong lòng của bà, về cuộc đời của bà rằng bà đã được chọn để làm cửa ngõ chào đón Thiên Chúa vào trong thế gian này và vào trong đời sống của tất cả mọi người.  Ngay cả ở giai đoạn này của sự kiện, Thiên Chúa bắt đầu đến gần, gõ cửa.  Người đứng đó, chăm chú, ngay tại cánh cửa của trái tim Đức Maria; và ngay cả bây giờ tại cửa nhà chúng ta, tại trái tim chúng ta… 

Câu 34:  Đức Maria, phải trực diện với đề nghị của Thiên Chúa, để cho mình trở nên hiển nhiên không giấu diếm, bà để cho mình được đọc đến nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn mình.  Bà nói về chính mình, về tâm hồn mình, về những ước muốn của mình.  Bà biết rằng đối với Thiên Chúa việc không thể là có thể, bà không nghi ngờ hay cứng lòng trí của mình, bà không kể đến cái giá phải trả; bà chỉ muốn hoàn toàn sẵn sàng, mở lòng, và để cho bản thân mình được đạt tới bằng những cách mà loài người nghĩ không thể được, mà là điều đã được viết, đã được thực hiện trong Thiên Chúa.  Trong một cử chỉ đơn sơ, Đức Maria đặt sự trinh tiết của mình trước mặt Thiên Chúa, bà không biết đến người nam.  Đây là một sự đầu hàng hoàn toàn và tuyệt đối của bản thân, tràn đầy đức tin và sự tín thác.  Đó là lời nói xin vâng đầu tiên của bà.

Các câu 35-37:  Thiên Chúa, trong sự khiêm tốn nhất, đưa ra câu trả lời, Đấng Toàn Năng nhìn xuống sự mong manh của người phụ nữ này, bà cũng đại diện cho mỗi người chúng ta.  Cuộc đối thoại tiếp tục, mối giao ước tăng tiến và được củng cố.  Thiên Chúa mặc khải phương cách, Người nói về Chúa Thánh Thần, về việc rợp bóng thụ thai, không có bạo lực, không phá vỡ, nhưng bảo tồn sự nguyên trinh.  Thiên thần lại nói về trường hợp của bà Êlisabéth, ngài mặc khải cho biết một trường hợp không thể đã trở thành có thể; hầu như là một sự bảo đảm hoặc chắc chắn.  Và rồi đến những lời cuối cùng khi người ta phải làm một sự lựa chọn:  để nhận lời hoặc từ chối, tin tưởng hay nghi ngờ, thuận thảo hay cứng lòng, mở cửa hoặc đóng lại.  “Không có điều gì là bất khả thi đối với Thiên Chúa”.

Câu 38:  Câu cuối cùng dường như chứa đựng một sự vô định.  Đức Maria trả lời “Này tôi đây”, bà mở rộng tâm hồn mình cho Thiên Chúa và rồi đến cuộc gặp gỡ, sự nối kết xảy ra tồn tại muôn đời.  Thiên Chúa đã nhập thể loài người và loài người trở thành nơi trú ngụ của Thiên Chúa:  đây là một Hôn Ước tuyệt vời nhất có thể có được trên trần gian.  Chưa hết, Tin Mừng kết thúc bằng một chi tiết buồn và mạnh mẽ:  Đức Maria ở lại một mình, thiên thần cáo biệt.  Tuy nhiên, những gì còn lại là một lời xin vâng đã được nói với Thiên Chúa và sự hiện diện của Thiên Chúa; những gì còn lại là Sự Sống đích thực.   

c)  Tin Mừng:

26 Vào tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, 27 đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. 28 Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng:  “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ!” 29 Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.  30 Thiên thần liền thưa:  “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa.  31 Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.  32 Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. 33Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận.” 34 Nhưng Maria thưa với thiên thần:  “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” 35 Thiên thần thưa:  “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.  Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Và này, Isave, chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; 37 vì không có việc gì mà Chúa không làm được.” 38 Maria liền thưa:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.


3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Tôi đã đọc và lắng nghe lời Tin Mừng.  Giờ đây tôi đứng trong yên lặng … Thiên Chúa đang hiện diện, đang gọi cửa, và xin một nơi trú ngụ, vâng, thậm chí từ tôi và từ cuộc sống nghèo nàn của tôi…

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

a)    Lời loan báo của Thiên Chúa, thiên thần của Chúa, đi vào cuộc sống của tôi, đứng trước mặt tôi và nói chuyện với tôi.  Tôi có đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón người chưa, tôi có dành chỗ cho thiên thần, để chăm chú lắng nghe người nói chưa?
b)    Đột nhiên, tôi nhận được một lời loan báo khác thường; Thiên Chúa nói với tôi về niềm hân hoan, ân sủng và sự hiện diện.  Tất cả những điều mà tôi đã luôn bỏ công tìm kiếm bấy lâu.  Ai sẽ là người có thể cho tôi hạnh phúc thực sự?  Tôi có sẵn sàng tín thác vào niềm hạnh phúc và sự hiện diện của người đó không?
c)    Không cần nhiều, chỉ cần một chuyển động của trái tim, của con người tôi; Người đã nhận ra điều này.  Người đã đổ tràn ngập tôi với ánh sáng và tình yêu.  Người nói với tôi: “Con đã được ơn nghĩa trước mặt Ta”.  Vì thế, tôi có đã làm Chúa vui lòng chưa?  Người có thấy tôi dễ mến, đáng yêu không?  Vâng, điều đó chính là như thế.  Tại sao trước đây tôi đã không chịu tin điều đó?  Tại sao tôi vẫn chưa lắng nghe lời Người?
d)    Chúa Giêsu muốn đi vào thế giới này qua con người tôi, Người muốn đến với anh chị em tôi qua lối của đời sống tôi, của con người tôi.  Tôi có sẽ dẫn Người đi lạc đường không?  Tôi có sẽ từ chối Người, lảng tránh Người không?  Tôi có sẽ xóa bỏ Người khỏi câu chuyện của tôi, của đời tôi không?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Một vài chữ quan trọng và mạnh mẽ âm vang trong đoạn Tin Mừng này

  • Hãy vui mừng lên!
Đây là lời chào mừng thực sự kỳ lạ từ Thiên Chúa nói với tạo vật của Người; dường như có vẻ khó khăn để giải thích và có lẽ thậm chí là vô nghĩa.  Thế nhưng, qua hằng nhiều thế kỷ, nó gây được tiếng vang trong các trang Kinh Thánh và do đó cũng trên môi của người Do Thái.  Hãy vui mừng lên, hãy hân hoan!  Nhiều lần, các tiên tri đã lặp đi lặp lại hơi thở nhẹ nhàng này của Thiên Chúa và đã hô to nhịp đập thầm lặng của trái tim Chúa vì dân của Người, phần còn lại của Người.  Tôi đã đọc điều này trong sách tiên tri Giôen:  “Hỡi đất đai, đừng sợ, hãy hoan hỷ vui mừng, vì ĐỨC CHÚA đã làm những việc lớn lao… (Ge 2:21-23); trong sách tiên tri Xôphônia:  “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!  Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi.  Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại” (Xp 3:14); trong sách tiên tri Dacaria:  “Hỡi con gái Xion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA! (Dcr 2:14).  Hôm nay, tôi đọc và lắng nghe lời ấy, tôi nói rằng nó vẫn còn trong trái tim tôi, trong đời tôi; một niềm vui mừng được công bố cho tôi, một niềm hạnh phúc mới, chưa từng có.  Tôi tái khám phá ra những điều tuyệt vời mà Chúa đã làm cho tôi; tôi trải nghiệm sự tự do đến từ việc tha thứ của Người:  tôi không còn bị án phạt nữa, mà là được ân phúc muôn đời; tôi sống với kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa bên cạnh tôi, trong tôi.  Vâng, Người đã đến ngự giữa chúng ta; một lần nữa Ngài dựng lều của mình trong miền đất của trái tim tôi, trong sự tồn tại của tôi.  Lạy Chúa, như Thánh Vịnh đã nói, Chúa vui mừng trong tạo vật của Chúa (Tv 104:31); và con cũng vui mừng trong Chúa, niềm vui của con là chính Chúa (Tv 104:34).

  • Thiên Chúa ở cùng trinh nữ!
Những lời đơn giản và soi sáng này được loan báo bởi thiên thần cho Đức Maria, thoát ra một quyền lực toàn năng; tôi nhận ra rằng chỉ những lời này thôi thì cũng đủ để cứu rỗi cuộc đời tôi, để nâng tôi dậy lần nữa từ bất cứ một vấp ngã hoặc sự tủi hổ nào, để đem tôi trở lại khi tôi đi lạc lối.  Sự thật chính Người, Thiên Chúa của tôi, ở cùng tôi, giữ cho tôi được sống còn, mang lại cho tôi sự can đảm và tin tưởng để tiếp tục sống.  Nếu tôi được như thế, đó là bởi vì Chúa đang ở cùng với tôi.  Ai mà biết được rằng kinh nghiệm của ông Isaác được kể trong Kinh Thánh có thể là không có giá trị đối với tôi, điều tốt đẹp nhất có thể tưởng tượng được mà có thể xảy ra cho người tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa, khi mà vào một ngày, vua Avimeléc cùng với các người của nhà vua đã đến nói với ông Isaác rằng:  “Chúng tôi đã thấy rõ là ĐỨC CHÚA ở với ông” (St 26:28) và sau đó xin được làm bạn với ông và hình thành một liên minh.  Có thể nào điều tương tự sẽ nói về tôi; tôi sẽ có thể cho thấy rằng Chúa thực sự đang ở cùng tôi, trong đời sống tôi, trong các ước muốn của tôi, trong tình cảm của tôi, trong các sự chọn lựa và hành động của tôi; có thể nào những người khác sẽ có thể gặp Người qua tôi không.  Có lẽ vì điều này, thật là cần thiết cho tôi hấp thụ sự hiện diện của Thiên Chúa nhiều hơn nữa, cho tôi rước của ăn và của uống của Chúa.
Hãy để tôi đi học trường Kinh Thánh, để đọc đi đọc lại một vài đoạn nơi mà tiếng của Chúa nói đi nói lại với tôi về sự thật này và, trong khi Ngài nói, để tôi được chuyển hóa, về tâm hồn hơn bao giờ hết.  “Hãy trú ngụ trong đất này; Ta sẽ ở với ngươi và sẽ chúc phúc cho ngươi” (St 26:3).  “ĐỨC CHÚA truyền lệnh cho ông Giosuê, con ông Nun, Người phán:  ‘Mạnh bạo lên, can đảm lên!  Chính ngươi sẽ đưa con cái Israel vào đất mà Ta đã thề hứa với chúng; và Ta sẽ ở với ngươi’” (Đnl 31:23).  “Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố đối với dân này.  Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi” (Gr 15:20).  “Thần sứ ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và nói:  ‘Chào chiến sĩ can trường!  ĐỨC CHÚA ở với ông’” (Tl 6:12).  “Đêm ấy, ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và phán:  ‘Ta là Thiên Chúa của Ápraham, cha ngươi.  Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi.  Vì Ápraham, tôi tớ của Ta, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra nhiều’” (St 26:24).  “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, và Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28:15).  “Đừng sợ hãi:  có Ta ở với ngươi.  Đừng nhớn nhác:  Ta là Thiên Chúa của ngươi.  Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta” (Is 41:10).

  • Đừng sợ!
Kinh Thánh thì có chứa đầy những lời tuyên bố đầy trung hậu này; như dòng sông của lòng thương xót, những lời này được tìm thấy khắp trong các quyển sách Thánh, từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền.  Chính Đức Chúa Cha là Đấng lặp đi lặp lại với con cái của Ngài là đừng sợ, vì Người luôn ở cùng họ, Người sẽ không bỏ rơi họ, Người sẽ không quên họ, Người sẽ không để họ rơi vào tay quân thù.  Nó giống như là một tuyên ngôn tình yêu từ Thiên Chúa cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta; đó là lời cam kết trung thành được truyền từ đời này sang đời kia, từ tâm hồn này đến tâm hồn kia, và cuối cùng thì xuống đến chúng ta.  Ông Ápraham đã nghe những lời này và sau đến con trai ông là Isaác, rồi sau đó đến các tổ phụ, Môisen, Giôsua, vua Đavít, vua Salômôn, và cùng với họ, tiên tri Giêrêmia và tất cả các tiên tri.  Không ai bị loại trừ khỏi vòng tay cứu độ này mà Chúa Cha ban cho con cái mình, ngay cả những kẻ rời xa khỏi Ngài, những kẻ chống báng lại Ngài nhất.  Đức Maria biết cách để lắng nghe những lời này và biết cách tin vào các lời ấy với tràn đầy đức tin, trong một thái độ quy phục tuyệt đối.  Bà lắng nghe và tin tưởng, bà cũng chào đón và sống cho chúng ta.  Bà là người phụ nữ mạnh mẽ và can trường, người đã mở lòng mình cho Thiên Chúa ngự vào, buông bỏ tất cả những sợ hãi, nghi ngờ và tinh thần khép kín.  Đức Maria lặp lại cùng những lời này của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng như bà đã tin.

  • Vui hưởng ân sủng Thiên Chúa
“Lạy Chúa, xin Chúa đoái thương con …”  Đây là lời cầu nguyện mà luôn được thốt lên từ miệng lưỡi và trái tim của những ai tìm kiếm nơi ẩn náu trong Thiên Chúa; Kinh Thánh nói với chúng ta về những người như thế, chúng ta gặp họ trong ngã tư đường của mình khi mà chúng ta không biết phải đi về đâu, khi chúng ta cảm thấy bị săn đuổi bởi sự cô tịch hoặc bởi cám dỗ, khi chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, phản bội, thất bại nặng nề về sự tồn tại của chính chúng ta.  Khi mà chúng ta không còn ai bên mình và chúng ta cũng không tìm thấy chính mình, thì khi ấy, chúng ta cũng giống như họ, thấy mình cầu nguyện bằng cách lặp lại những lời tương tự:  “Lạy Chúa, xin Chúa đoái thương con…”.  Ai mà biết được chúng ta đã lặp lại những lời này bao nhiều lần, ngay cả khi một mình và trong thinh lặng.  Nhưng hôm nay, tại đây, trong đoạn Tin Mừng đơn giản này, chúng ta được biết trước, chúng ta được đón chào với sự mong đợi; chúng ta không còn cần phải nài xin, vì chúng ta đã tìm được tất cả mọi thứ mà chúng ta hằng tìm kiếm và còn nhiều hơn thế.  Chúng ta đã nhận được một cách nhưng không, chúng ta bị choáng ngợp và bây giờ thì có thể tràn đầy.  

  • Không có việc gì mà Chúa không làm được
Tôi đã đi gần đến cuối cuộc hành trình mạnh mẽ này của ân sủng và sự giải thoát; giờ đây, tôi bắt gặp một lời làm rúng động tâm tư mình trong sâu thẳm của tôi.  Đức tin của tôi đang bị sàng lọc; Chúa đang thử thách tôi, đang nghiệm xét tôi, đang kiểm định lòng tôi.  Những gì mà thiên thần nói với Đức Maria ở đây, đã được công bố nhiều lần trong Cựu Ước; bây giờ là thời điểm cho việc thực hiện, giờ đây tất cả những việc không thể xảy ra sẽ xảy ra.  Thiên Chúa trở thành người phàm; Chúa trở thành bạn hữu, anh em; khoảng cách được rút lại rất gần.  Và tôi, ngay cả tôi, nhỏ bé và nghèo hèn như tôi, cũng đang được thông phần trong sự bao la của món quà này, của ân sủng này; tôi được cho biết rằng trong đời tôi, điều không thể cũng trở thành có thể.  Tôi chỉ cần phải tin tưởng, chỉ cần phải có sự đồng ý của tôi.  Nhưng điều này có nghĩa là tôi phải để cho bản thân mình bị vỡ vụn bởi quyền năng của Thiên Chúa; để quy phục Chúa, Đấng sẽ biến đổi tôi, giải thoát tôi và canh tân tôi.  Ngay cả đây là điều không thể.  Vâng, tôi có thể được tái sinh hôm nay, tại đây và ngay bây giờ, bởi ân sủng của tiếng nói đã nói với tôi, tiếng nói đã chạm đến tôi, thậm chí đến tận đáy lòng tôi.  Tôi tìm kiếm và ghi lại các đoạn Kinh Thánh lặp lại sự thật này.  Và như tôi viết xuống những đoạn ấy, như tôi lặp lại và đọc một cách chậm rãi, nuốt từng chữ, và những gì các đoạn Kinh Thánh này nói đang xảy ra trong tôi…  Sách Sáng Thế Ký 18:14; Gióp 42:2; Giêrêmia 32:17; Giêrêmia 32:27; Giacaria 8:6; Mátthêu 19:26; Luca 18:27.

  • Này con đây
Giờ đây, tôi không thể nào thoái thác, cũng không thể nào tránh né được đoạn kết cục.  Tôi biết từ đầu rằng tại đây, trong lời này, rất nhỏ nhoi nhưng lại rất đầy đủ, rất dứt khoát, rằng Thiên Chúa đang chờ đợi tôi.  Cuộc hẹn của tình yêu, của sự giao ước giữa Chúa và tôi đã được sắp đặt một cách chính xác từ lời này, chỉ là một giọng nói nhẹ nhàng, chỉ là một nụ hôn.  Tôi lưỡng lự bởi sự phong phú của sự hiện diện tôi cảm thấy trong câu “Này con đây!” tôi không cần phải nỗ lực cố gắng nhiều để gợi nhớ lại số lần mà Thiên Chúa đã lên tiếng trước và lặp đi lặp lại những lời này với tôi.  Người là Đấng ‘Này Con đây’ được làm người phàm, tuyệt đối trung thành, không thể quên được.  Tôi chỉ cần hướng về Người, chỉ cần tìm thấy dấu chân của Người trên cát của sự nghèo nàn của tôi, trong sa mạc của tôi; tôi chỉ cần chào đón tình yêu vô biên của Người, Đấng mà không bao giờ ngừng đi tìm kiếm tôi, để ở gần bên tôi, để cùng bước với tôi đến bất cứ nơi nào tôi đi.  Câu nói “Này con đây” đã được nói lên và được nhận ra, nó đã là sự thật.  Có bao nhiêu người trước tôi và có bao nhiêu người ngày nay đã có kinh nghiệm này!  Tôi không lẻ loi một mình.  Tôi vẫn giữ im lặng, lắng nghe trước khi tôi đáp lời…

“Này con đây!”  (Is 65:1) Thiên Chúa lặp lại;  Đức Maria thưa lại:  “Này tôi là tôi tớ Chúa”; và Đức Kitô nói rằng:  “Này con xin đến làm theo thánh ý Chúa” (Tv 39:8)…

6.  Giây phút cầu nguyện:  Thánh Vịnh 139

Đáp ca:  Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha

Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.
Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.
Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,
quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi.
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,
khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,
được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.

Lạy Chúa, con thấy tư tưởng Ngài khó hiểu biết bao,
tính chung lại, ôi nhiều vô kể!
Đếm sao nổi, vì nhiều hơn cát;
dù có đếm xong, con vẫn ở với Ngài.

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Cha, Chúa đã từ trời xuống với con, Chúa đã đến với con, Chúa đã chạm vào trái tim con, Chúa đã nói với con và hứa hẹn niềm hân hoan, sự hiện diện và ơn cứu rỗi.  Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, Đấng rợp bóng trên con, cùng với Đức Maria, con đã có thể nói lời xin vâng với Chúa, câu nói ‘Này con đây’ của đời con dâng lên Chúa.  Giờ đây, chỉ còn lại quyền năng của lời hứa của Chúa, của sự thật:  “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”.  Lạy Chúa, đây là cung lòng cuộc sống con, của con người con, của tất cả những gì con có, được trải ra trước Chúa.  Con đặt mọi sự trong Chúa, trong trái tim Chúa.  Xin Chúa hãy bước vào, hãy đến, hãy ngự xuống lần nữa, con cầu xin Chúa, và xin hãy làm cho con sinh hoa kết trái, xin hãy khiến cho con thành người hạ sinh Đức Kitô vào trong thế gian này.  Nguyện xin tình yêu tràn đầy con nhận lãnh được từ Chúa tìm thấy sự viên mãn và chân lý trong việc chạm vào các anh chị em mà Chúa đặt để bên cạnh con.  Lạy Chúa, nguyện xin cho cuộc gặp gỡ của chúng ta được mở ra, như một món quà cho tất cả mọi người.  Con nguyện xin cùng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét