08/04/2016
Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh
Bài Ðọc
I: Cv 5, 34-42
"Các
ngài hân hoan ra về, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Ðức
Giêsu".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Bấy
giờ, có người biệt phái tên là Gamaliel, cũng là luật sĩ, có thế giá trong dân,
đứng lên giữa công nghị, truyền dẫn các tông đồ ra ngoài trong giây lát, rồi
nói với các người trong công nghị rằng: "Hỡi chư vị Israel, xin hãy thận
trọng về việc chư vị định làm đối với những người này. Vì trước đây ít ngày, có
tên Thêôđa nổi lên, tự xưng là một nhân vật, có độ bốn trăm người theo mình, y
đã bị giết, và nhóm người theo y đều tan rã và không còn gì nữa. Sau y, lại có
tên Giuđa người Galilêa, cũng nổi lên trong những ngày kiểm tra dân số, lôi kéo
dân chúng theo mình, rồi chính hắn cũng chết, mọi kẻ theo hắn đều tan rã. Và
bây giờ, tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu
một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi
Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối
Thiên Chúa". Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các
ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn
tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng
đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia,
các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Có một điều tôi xin Chúa, một điều
tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi (c. 4ab).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời
tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có
một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà
Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện
của Ngài. - Ðáp.
3)
Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh.
Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. -
Ðáp.
Alleluia:
Cl 3, 1
Alleluia,
alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy kiếm những
sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 6, 1-15
"Người
phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy,
Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân
chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật.
Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người
Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến
với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này
ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp
làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một
chút".
Một
trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng:
"Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy
nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo
người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông
độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát
cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích.
Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo
phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch
người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy
phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Ðấng
Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến
bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Đấng cứu rỗi thế gian
Phép
lạ bánh và cá được hóa ra nhiều là phép lạ duy nhất được tường thuật trong cả bốn
Phúc Âm. Ðiều này chứng minh cho chúng ta biết tầm quan trọng của dấu lạ này
trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như trong sinh hoạt của cộng đoàn
Kitô tiên khởi thời các tông đồ. Những người Kitô đầu tiên thường dùng dấu hiệu
bánh và cá để nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi
thế gian, và là của ăn ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ giải thích điểm này rộng
rãi hơn trong bài giảng tiếp sau biến cố phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều.
Chúng ta sẽ lần lượt suy niệm về những lời giảng dạy này trong những ngày tới.
Trong
những phút suy niệm hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của dân chúng đối với
dấu lạ Chúa thực hiện. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Chúa
Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố,
họ hiểu biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc Âm theo
thánh Gioan ghi lại chi tiết này: "Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi
mà tôn lên làm vua", có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất,
cho những tham vọng của họ. Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng
hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ. Hãy cố gắng để được ăn của
ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn dấu lạ trong
chiều kích trần tục của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Ðây có thể nói
là một trong những cám dỗ thường hằng của con người qua mọi thời đại, cám dỗ bắt
buộc Thiên Chúa phải và chỉ phục vụ cho những nhu cầu vật chất trần tục mà
thôi.
Lạy
Chúa, xin giải thoát con khỏi làm nô lệ cho những tham vọng trần tục. Chúa vẫn
luôn tiếp tục thực hiện những dấu lạ trong đời sống của con, để mời gọi con
luôn nâng tâm hồn lên mà nhìn nhận và tôn vinh Chúa hằng ngày. Xin cho con được
luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dạy và sống thực hành trong mọi hoàn cảnh. Xin
cho con biết đến gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể để được Chúa soi sáng và bổ
dưỡng thêm sức mạnh và chu toàn trọn vẹn hơn sứ mạng Chúa đã trao phó cho con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần II PS
Bài đọc: Acts 5:34-42; Jn 6:1-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu quả thật là việc do Thiên Chúa, quý
vị không thể nào phá huỷ được.
Thời
gian là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều gì là thật. Một vài
ví dụ sẽ chứng tỏ điều này: cần thời gian để biết chiếc đồng hồ đeo tay làm ở
Thụy-sĩ hay ở Trung-hoa;
cần
thời gian để biết đâu là tình yêu chân thật và tình yêu qua đường; cần thời
gian để biết đạo nào là đạo thật. Thông thường, khi muốn dẹp loạn, người ta chỉ
cần giết người cầm đầu, như Chúa Giêsu cũng đã nhận định: “Họ sẽ đánh chủ chăn
và đàn chiên sẽ tan tác.” Nhưng đã hơn 2,000 năm qua, mặc dù người ta đã giết Đức
Kitô; nhưng đàn chiên của Kitô giáo đã không tan tác, mà còn phát triển thêm
dân số mỗi ngày. Sự hiện hữu của Kitô Giáo cho đến ngày nay là một bằng chứng
hùng hồn nữa cho sự phục sinh của Đức Kitô: Ngài vẫn đang hoạt động trong Giáo
Hội.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: khi Ngài muốn, Ngài sẽ
hoàn thành; không một khó khăn hay quyền lực nào có thể ngăn cản ý định của
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, kinh-sư Gamaliel đề nghị Thượng Hội Đồng hãy cẩn
thận trong việc bắt bớ các môn đệ của Thiên Chúa. Theo kinh nghiệm của ông, hãy
cứ để cho thời gian gạn lọc: nếu đó không phải là việc của Thiên Chúa, sớm muộn
gì rồi điều đó cũng tan; nhưng nếu việc đó do ý định của Thiên Chúa, quý vị
không thể nào phá huỷ được. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu muốn nuôi dân, Ngài
tìm cách cho dân có của ăn, mặc dù các tông đồ đưa ra những khó khăn. Khi Ngài
không muốn dân chúng tôn làm vua, Ngài đi lên núi một mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Hãy để cho thời gian
gạn lọc sự sai trái.
1.1/
Thái độ khôn ngoan của ông Gamaliel: Ông là một người Pharisee được toàn dân kính trọng và là Thầy của
thánh Phaolô trước khi trở lại (Acts 22:3). Ông truyền đưa các Tông-đồ ra ngoài
một lát, và ông trình bày ý kiến với Thượng Hội Đồng: "Thưa quý vị là người
Israel, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này: Thời gian
trước đây, có Theudas nổi lên, xưng mình là một nhân vật quan trọng và kết nạp
được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã,
không còn gì hết. Sau ông, có Judah người Galilee nổi lên vào thời kiểm tra dân
số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người
theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những
người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất
sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá
huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán
thành ý kiến của ông vì đây là một ý kiến khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lịch
sử.
1.2/ Các
Tông-đồ tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu: Tuy đã tán thành ý kiến của ông Gamaliel, Thượng Hội Đồng vẫn
dùng sức mạnh để dọa nạt các Tông-đồ. Họ cho gọi các ông lại mà đánh đòn và cấm
các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra.
Các
Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu
khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông
không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.
2/
Phúc Âm: “Người nói thế là
để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”
2.1/
Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến Lễ
Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo
dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra bánh cho họ
ăn đây?"
(1)
Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng
giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân
chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.
- Ông
Philíp nại lý do không có tiền: "Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền
bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."
- Ông
Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: "Ở đây có một em
bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm
vào đâu!"
(2)
Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi
khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông:
"Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta
ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm
bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho
những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu
tuỳ ý.”
Khi họ
đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo
phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người
ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Đây
là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường
thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng
công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương
6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi
ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây
là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực
của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên
Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.
2.1/ Dân
chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: "Hẳn ông này
là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Lý do họ muốn tôn Ngài làm vua là
để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có bánh ăn.
Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng nghị lực
cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Khi Đức
Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi lên
núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã có rồi;
Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi
làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là việc
do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc Thiên
Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn, hãy để
chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý Thiên
Chúa muốn.
-
Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng
vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị
nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay
của gia đình.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
08/04/16 THỨ SÁU TUẦN 2 PS
Th. Ta-nít-lao, giám mục, tử đạo
Ga 6,1-15
Th. Ta-nít-lao, giám mục, tử đạo
Ga 6,1-15
Suy niệm: Các môn đệ hết sức lúng túng khi Chúa bảo họ
phải lo ăn cho đám đông người đang đói. Thực phẩm họ có trong tay có thấm vào
đâu với số người này! Đối với các môn đệ, ‘không thấm vào đâu’ cũng có nghĩa
không có gì hết để lo cho đám đông. Nhưng, ý nghĩ của họ khác nhiều với ý muốn
của Chúa. Như Đức Bênêđitô đã nói: phép lạ này không được làm từ không có gì,
nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa
không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng,
nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm
cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ
yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em
chúng ta.
Mời Bạn: Chúa
đã trao cho Quà Tặng kỳ diệu là Thân Mình Ngài để nuôi sống bạn. Vậy, nếu hôm
nay bạn có năm chiếc bánh và hai con cá, bạn có dám đặt vào tay Chúa để phép lạ
được diễn ra không? Nếu hôm nay bạn có mười chiếc bánh và bốn con cá, bạn dám
trao vào tay Chúa không? Vì vậy, vấn đề không phải ở số lượng bạn có, mà ở tấm
lòng của bạn, phải không?
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày, bạn quảng đại đặt vào tay Chúa một món quà, một ước nguyện, để phép lạ
xảy ra.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống lại để con vững tin rằng, trong thế
giới hôm nay, Chúa đang sống với đầy đủ quyền năng của Đấng Phục Sinh và đang
làm muôn điều kỳ diệu.
Ăn bao nhiêu tùy ý
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng
sốt. Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.
Suy
niệm:
Có
người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ
để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời sau,
mà
hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô
giáo hẳn không phải là thế.
Đức
Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không
phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,
mà
còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.
Ơn
cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn,
và
ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.
Trong
Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi
lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương
này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép
lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt.
Đám
đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất
cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu:
“Ta
mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Các
câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai
trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm
cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).
Nhưng
Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.
Ngài
đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ
mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không
có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi
mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức
Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.
Chắc
các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.
Chính
khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng
ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.
Mầu
nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia
sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia
sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.
Hơn
năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần
một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức
Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ
như
một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước
gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp
chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con
mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là
thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không
còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên
trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không
còn những cô gái đứng đường
hay
những người ăn xin.
Con mơ ước
những
ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các
ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng
cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các
công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con
ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh
của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và
xanh của bao niềm hy vọng
nơi
lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
08-4
Cv
5, 34-42; Ga 6, 1-15
Lời
suy niệm: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,
rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ Người cũng phân phát như vậy, ai
muốn ăn bao nhiêu tùy ý.”
Với
đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Chúa muốn tỏ lòng thương bằng việc thiết
đãi cho tất cả họ một bữa ăn no nê trước khi họ trở về nhà. Chúa muốn các môn đệ
của Chúa cũng có lòng như Chúa vậy. Nên Chúa đã hỏi Philípphê về việc kiếm ra
bánh cho đám đông ăn. Philípphê đã suy nghĩ tính toán, và thấy không đủ khả
năng để đáp ứng câu hỏi của Chúa Giêsu. Nhưng với nhiệt tình của Anrê, Anrê đã
giới thiệu với Chúa với suy nghĩ của mình: “Ở đây có một em bé có năm chiếc
bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Nhưng với
quyền phép và dâng lời tạ ơn của Chúa Giêsu thì tất cả đám đông đã được ăn bao
nhiêu tùy thích.
Lạy
Chúa Giêsu. Với việc Chúa hóa bánh ra nhiều để đám đông dân chúng được no nê.
Xin cho tất cả chúng con, đặc biệt mọi thành viên trong gia đình chúng con,
luôn có tâm tình hy sinh và cộng tác với Giáo Hội trong việc cứu giúp người
nghèo.
Mạnh
Phương
08
Tháng Tư
Cái Này Của Tôi
Hai
hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng,
nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ
ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:
"Ít
ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ
thường làm".
Ông
kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi:
"Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để
cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm!
Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải
phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó,
viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".
Nói
xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa
sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:
"Viên
đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại:
"Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao
mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:
"À
phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng
không cần có đá để làm gì".
Nói
xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được
thành tựu như ý muốn.
Ngay
từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để
thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng
ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Trẻ
con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc
gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.
Trẻ
con dùng lời vã cãi nhau, dùng thoi đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ
đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhau.
Ngược
lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên
hai tiếng: Chia sẻ.
Ở Hoa
Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa Chay,
mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt ăn, bớt
uống, bớt chi tiền vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền dành dụm
đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu tế xã hội
trong và ngoài nước.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét