Bài giảng Chúa Nhật Thương
Xót của Đức Phanxicô
Vũ Văn An4/3/2016
Vũ Văn An4/3/2016
Mọi ốm yếu của ta đều tìm được
sự chữa lành nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.
“Chúa Giêsu làm nhiều dấu lạ
khác trước mặt các môn đệ, nhưng không được ghi lại trong sách này” (Ga 20:30).
Tin Mừng là sách nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, để được đọc đi đọc lại,
vì mọi sự Chúa Giêsu nói và làm đều nói lên lòng thương xót của Chúa Cha. Tuy
nhiên, không phải mọi sự đều đã được ghi lại; Tin Mừng của lòng thương xót vẫn
còn là một cuốn sách bỏ ngỏ, trong đó, các dấu lạ của các môn đệ Chúa Giêsu, tức
các hành vi yêu thương cụ thể và các chứng tá tốt đẹp nhất của lòng thương xót,
tiếp tục được ghi chép. Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở nên những người sống
động viết lên Tin Mừng, những người loan báo Tin Mừng cho mọi người nam nữ thời
nay. Chúng ta làm việc này bằng cách thực hành các việc thương xót phần hồn và
phần xác, vốn là các tiêu điểm của đời sống Kitô hữu. Nhờ các cử chỉ đơn sơ
nhưng mạnh mẽ này, dù không được ai trông thấy, ta có thể đồng hành với người
thiếu thốn, mang tới cho họ tình âu yếm và sự an ủi của Thiên Chúa. Và như thế
là tiếp tục công việc lớn lao của Chúa Giêsu vào ngày Phục Sinh, khi Người tuôn
đổ lòng thương xót của Chúa Cha vào tâm hồn các môn đệ đang run sợ của Người,
đem đến cho họ Chúa Thánh Thần, Đấng tha thứ tội lỗi và ban phát niềm vui.
Đồng thời, câu truyện chúng
ta vừa nghe trình bầy với chúng ta một tương phản rõ rệt: có sự sợ hãi nơi các
môn đệ; các ngài tụ họp đàng sau những chiếc cửa kín mít; và rồi có việc sai đi
của Chúa Giêsu, Đấng sai các ngài lên đường vào thế giới để công bố sứ điệp tha
thứ. Sự tương phản này có thể cũng đang có nơi chúng ta, được cảm nhận như là một
cuộc tranh đấu bên trong giữa một tâm hồn khép kín và lời mời gọi yêu thương phải
mở toang các cánh cửa vốn bị tội lỗi khép kín. Đây là lời mời gọi sẽ giải thoát
chúng ta để chúng ta ra khỏi con người của chúng ta. Chúa Kitô, Đấng vì yêu
thương, đã bước qua nhiều chiếc cửa vốn bị ngăn chặn bởi tội lỗi, cái chết và
quyền lực hỏa ngục, muốn đi vào mỗi người chúng ta để mở toang những cánh cửa
khép kín của lòng ta. Chúa Giêsu, Đấng nhờ sự phục sinh của Người, đã chiến thắng
sợ sệt và kinh hãi vốn giam hãm chúng ta, muốn phá tung mọi cánh cửa khép kín của
ta và sai ta ra đi. Con đường mà Thầy Phục Sinh chỉ cho ta là con đường một chiều,
nó chỉ có một hướng: nghĩa là ta phải tiến về phía trước, quá chúng ta, để làm
chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu đã chiếm được chúng ta.Ta thấy phía
trước ta một nhân loại hay bị thương tích và sợ hãi, một nhân loại đang mang
nhiều vết thẹo đau đớn và bất trắc. Trước tiếng kêu thổn thức muốn được thương
xót và bình an, chúng ta nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi đầy cảm hứng: “Như Chúa
Cha đã sai Thầy thế nào, Thầy cũng sai các con như vậy” (Ga 20:21).
Mọi ốm yếu của ta đều tìm được
sự chữa lành nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Thực thế, lòng thương xót của
Người không giữ khoảng cách nào: lòng thương xót này luôn tìm cách gặp gỡ mọi
hình thức nghèo khó và giải phóng thế giới này khỏi quá nhiều thứ nô dịch. Lòng
thương xót muốn đụng tới các vết thương của mọi người, để chữa lành chúng. Làm
tông đồ của lòng thương xót nghĩa là đụng tới và xoa dịu các vết thương hiện đang
làm đau đớn các thân xác và linh hồn của nhiều người trong các anh chị em của
chúng ta. Chữa lành các vết thương này là chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu, chúng
ta làm cho Người hiện diện và sống động; chúng ta giúp những người khác, những
người đụng tới lòng thương xót của Người bằng đôi tay của mình, nhìn nhận Người
là “Chúa Tể và là Thiên Chúa” (Ga 20:28), như thánh tông đồ Tôma xưa. Đây là sứ
mệnh Người trao cho chúng ta. Rất nhiều người đang yêu cầu được lắng nghe và hiểu
biết. Tin Mừng của lòng thương xót, cần được công bố và viết ra trong cuộc sống
hàng ngày của chúng ta, luôn đi tìm con người với những trái tim kiên nhẫn và rộng
mở, “những người Samaria nhân hậu” biết cảm thương và im lặng trước mầu nhiệm của
mỗi anh chị em. Tin Mừng của lòng thương xót đòi phải có những người phục vụ đại
lượng và vui tươi, những người yêu thương tự do không chờ mong được đền đáp bất
cứ điều gì.
“Bình an cho các con!” (Ga
20:21) là lời Chúa Giêsu chào các môn đệ của Người; cũng một bình an này đang
chờ đợi mọi người nam nữ thời nay. Đây không phải là thứ bình an do thương thuyết
mà có, nó không phải là việc không có tranh chấp: nó là bình an của Người, bình
an phát xuất từ trái tim của Chúa Phục Sinh, bình an đã đánh bại tội lỗi, sợ sệt
và chết chóc. Nó là thứ bình an không chia rẽ mà hợp nhất; nó là thứ bình an
không bỏ rơi chúng ta nhưng làm cho chúng ta cảm thấy được lắng nghe và được
yêu thương; nó là thứ bình an trì chí ngay trong đớn đau và giúp hy vọng đâm
bông. Thứ bình an này, giống như vào ngày Phục Sinh, được sinh ra như mới do sự
tha thứ của Thiên Chúa, vốn làm cõi lòng xao xuyến của chúng ta được thanh thản.
Được trở thành người mang bình an của Người, đó là sứ mệnh được ủy thác cho
Giáo Hội vào ngày Phục Sinh. Trong Chúa Kitô, chúng ta sinh ra để trở thành các
khí cụ hòa giải, đem sự tha thứ của Chúa Cha đến cho mọi người, biểu lộ khuôn mặt
yêu thương của Người bằng các cử chỉ thương xót cụ thể.
Trong Thánh Vịnh đáp ca,
chúng ta nghe thấy những lời này: “Tình yêu của Người bền vững thiên thu” (Tv
117/118: 2). Thực vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa kéo dài muôn thuở: nó
không bao giờ chấm dứt, nó không bao giờ thoái lui khi đối diện với những tâm hồn
khép kín, và nó không bao giờ mệt mỏi. Trong cái muôn thuở này, chúng ta tìm được
sức mạnh trong những lúc thử thách và yếu đuối vì chúng ta biết chắc chắn:
Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Người ở với chúng ta muôn thuở. Chúng ta hãy
cảm tạ Người vì một tình yêu lớn lao đến thế, một tình yêu chúng ta không tài
nào hiểu thấu; Nó bao la xiết bao! Chúng ta hãy cầu xin để được ơn không bao giờ
trở nên mệt mỏi trong việc kín múc giếng thương xót của Chúa Cha và đem nó đến
cho thế giới. Chúng ta hãy cầu xin để cả chúng ta cũng trở nên những người có
lòng thương xót, biết truyền bá sức mạnh của Tin Mừng ra khắp nơi, và viết các
trang Tin Mừng mà Thánh Tông Đồ Gioan chưa viết hết.
(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét