Kitô hữu là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’
VATICAN. “Hãy tự hỏi mình xem
liệu tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay là người luôn quay mặt
giả điếc làm không thèm trả lời.” Đây là một trong những thông điệp mà Đức
Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng thánh lễ sáng hôm nay, thứ 2,
ngày 04.04, tại nguyện đường Thánh Marta. Đây là thánh lễ đầu tiên của Đức
Thánh Cha tại nguyện đường này sau thời gian nghỉ lễ Phục Sinh. Khởi đi từ Lễ
Truyền Tin hôm nay, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: “Chính tiếng ‘xin vâng’ của
Mẹ Maria đã mở ra cách cửa dẫn đến tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu.”
Áp-ra-ham đã vâng phục Thiên
Chúa, đã thưa tiếng ‘vâng’ trước lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng rời bỏ vùng đất
bấy lâu nay đã sống để lên đường đi đến nơi ông không hề biết. Đức Thánh Cha
Phanxicô đã tập trung bài giảng của mình vào ‘chuỗi dây của những tiếng xin
vâng’, được bắt đầu với Áp-ra-ham. Khi đề cập trến biến cố Truyền Tin, Đức
Thánh Cha chia sẻ rằng căn tính của con người, ngay cả của những người thời cổ
xưa như Áp-ra-ham và Mô-sê, chính là biết đáp tiếng ‘xin vâng’ trước sự kỳ vọng
của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến Isaia, khi Thiên Chúa sai ông
đi nói chuyện với dân chúng, dường như ông đã do dự và trả lời rằng ‘môi miệng
ông ô uế’.
Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ
Maria mở ra cánh cửa để dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu
Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng
của Isaia và ông đã thưa ‘xin vâng’. Điều này cũng xảy ra với tiên tri
Giê-rê-mia khi ông nhận thấy mình không biết ăn nói, nhưng sau đó ông đã đáp
‘‘xin vâng’’ với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, tin Mừng nói với chúng ta điểm cuối
cùng của chuỗi dây ‘xin vâng’ ấy, được bắt đầu từ một tiếng ‘xin vâng’ khác: đó
chính là tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria. Với tiếng ‘xin vâng’ này, Thiên Chúa
không chỉ còn là ghé mắt nhìn đến Dân Người, hay bước đi đồng hành với Dân Người
nữa, nhưng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một người trong chúng ta và mang lấy
thân xác phàm nhân. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cánh cửa dẫn tới tiếng
‘xin vâng’ của Đức Giêsu: ‘Con đến để thực thi ý Chúa.’ Đức Giêsu đã cùng với
tiếng ‘xin vâng’ này bước trọn cuộc hành trình dương thế, đến tận cây Thánh
Giá. Trong giây phút sắp phải chịu khổ hình, Đức Giêsu đã xin Cha cất chén đắng
đi. Nhưng ngay lập tức, Ngài cũng thưa tiếng ‘xin vâng’, ‘một theo ý Cha, đừng
theo ý con. Như vậy, nơi Đức Giêsu, có tiếng ‘‘xin vâng’’ của Thiên Chúa. Chính
Ngài là hiện thân của sự vâng phục.
Trong tiếng 'xin vâng' của
Mẹ Maria, có tiếng 'xin vâng' của tất cả lịch sử cứu độ
Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp
để chúng ra cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường
‘xin vâng’, và cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về đời sống
của mình. Tất cả chúng ta, trong những ngày sống, cần phải nói ‘xin vâng’ hoặc
‘từ chối’, và đôi khi chúng ta nói ‘vâng’ hoặc nhiều lần chúng ta cúi thấp đầu
xuống lẩn trốn như Adam và Eva, để không nói ‘từ chối’ khi phải làm điều gì đó
ta không hiểu được. Điều chúng ta không hiểu là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi. Hôm
nay là ngày lễ ‘xin vâng’. Trong tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria, có tiếng ‘xin
vâng’ của tất cả lịch sử cứu độ, và từ đó, tiếng ‘xin vâng’ cuối cùng của con
người và của Thiên Chúa đã bắt đầu.
Chúng ta có là những người
‘xin vâng’
Với tiếng ‘vâng’ từ thủa ban
đầu, Thiên Chúa đã tác tạo vũ trụ và con người. Đó là một công trình tạo dựng
tuyệt đẹp. Và ngày hôm nay, cũng với tiếng ‘xin vâng’, Thiên Chúa đã tái tạo vũ
trụ và tất cả chúng ta thành những thụ đạo đẹp đẽ nhất. Tiếng ‘xin vâng’ của
Thiên Chúa, Đấng đã thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta không ngừng tiến lên phía
trước trong Đức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và
cũng để tự tra vấn mình: Tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay chỉ
biết nói ‘từ chối’, hay tôi là người giả điếc làm ngơ không thèm trả lời?
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trên con đường của những người
biết thưa tiếng ‘xin vâng’.
Sau bài giảng, các nữ tu Dòng
Thánh Vinh Sơn đã lặp lại lời khấn. Các sơ cũng là những người phục vụ tại Nhà
trọ Thánh Marta. Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các sơ thực hiện việc nhắc lại lời
khấn đều đặn mỗi năm. Thánh Vinh Sơn rất khôn ngoan khi ngài biết bằng sứ vụ mà
các sơ đảm nhận khó khăn vất vả. Bởi vậy, ngài muốn con cái của mình phải nhắc
lại nhữnglời khấn hứa ấy hằng năm.
Vũ Đức Anh Phương, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét