Lòng thương xót của Thiên Chúa không mệt mỏi trước các
con tim khép kín
Thánh lễ và Kinh lậy Nữ Vưong
Thiên Đàng Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót
Lúc 10 giờ rưỡi sáng hôm qua
Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, đã có hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương
năm châu tham dự thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại thềm Đền Thờ Thánh Phêrô.
Thứ bẩy vừa qua cũng là ngày kỷ niệm 11 năm Đức Gioan Phaolô II qua đời chiều tối
trước lễ Lòng Chúa Thương Xót.
Cùng đồng tế với ĐTC có 25 Hồng
Y, 40 Giám Mục và 500 Linh Mục. Một số trong các vị hướng dẫn tín hữu về Roma
hành hương Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Giảng trong thánh lễ ĐTC đã mời gọi
mọi người đừng bao giờ mệt mỏi kín múc lòng thương xót nơi Thiên Chúa Cha và
đem nó đến cho toàn thế giới, sống thương xót và phổ biến sức mạnh của Tin Mừng
khắp nơi.
Mở đầu bài giảng ngài nói:
Tin Mừng là cuốn sách của
lòng thương xót của Thiên Chúa, cần đọc đi đọc lại, bởi vì những gì Chúa Giêsu
đã nói và làm diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Nhưng không phải tất
cả đều đã được viết; Tin Mừng Lòng Thương Xót là môt cuốn sách rộng mở, nơi được
tiếp tục viết các dấu chỉ của các môn đệ Chúa Kitô, các cử chỉ cụ thể của tình
yêu là chứng tá tốt đẹp nhất của lòng thương xót. Chúng ta tất cả đều được mời
gọi trở thành những người viết sống động của Tin Mừng, trở thành những người
đem Tin Mừng tới cho mọi người nam nữ ngày nay. Chúng ta có thể làm điều đó,
khi thực hiện các công việc của lòng thương xót thể lý và tinh thần, là kiểu sống
của cuộc đời kitô. Qua các cử chỉ đơn sơ và mạnh mẽ, đôi khi vô hình đó, chúng
ta có thế thăm viếng những người có nhu cầu, bằng cách đem đến cho họ sự dịu hiền
và ủi an của Thiên Chúa. Và như thế chúng ta tiếp tục điều Chúa Giêsu đã làm
trong ngày Phục Sinh, khi Ngài đổ vào con tim các môn đệ đang sợ hãi lòng
thương xót của Thiên Chúa Cha, và ban cho các vị Chúa Thánh Thần, tha thứ tội lỗi
và trao ban niềm vui.
Tuy nhiên, trong trình thuật
Phúc Âm chúng ta cũng tìm thấy sự mâu thuẫn hiển nhiên: một đàng là sự sợ hãi của
các môn đệ đóng kín cửa nhà; đàng khác là sứ mệnh đến từ Chúa Giêsu, là Đấng gửi
họ vào lòng thế giới để loan báo ơn tha thứ. Sự mâu thuẫn này cũng có thể có
nơi chúng ta, một cuộc chiến nội tâm giữa sự đóng kín con tim và lời mời gọi của
tình yêu mở rộng cửa và đi ra khỏi chính mình. Chúa Kitô, Đấng vì tình yêu, đã
vào qua các cửa đóng kín của tội lỗi, cái chết và âm phủ, cũng ước ao vào từng
người trong chúng ta để mở toang các cánh cửa đóng kín của con tim chúng ta. Với
sự phục sinh Ngài đã chiến thắng sự sợ hãi giam cầm chúng ta, Ngài muốn mở
toang các cánh cửa đóng kín của chúng ta và gửi chúng ta ra đi. Con đường, mà vị
Thầy phục sinh chỉ cho chúng ta, chỉ có một chiều: ra khỏi chính mình để làm chứng
cho sức mạnh chữa lành của tình yêu, mà Ngài đã chinh phục cho chúng ta. Chúng
ta thường thấy trước mắt một nhân loại bị thương tích và sợ hãi, một nhân loại
mang trên mình các vết thương của khổ đau và không chắc chắn. Trước tiếng kêu
đau đớn của lòng thương xót và hoà bình, hôm nay chúng ta cũng cảm thấy lời mời
gọi được hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi tin tưởng nơi Chúa Giêsu:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (c. 21).
Tiếp tục bài giảng ĐTC khẳng
định thêm như sau:
Mọi tật nguyền có thể tìm thấy
sự cứu giúp hữu hiệu nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật thế, lòng thương
xót của Ngài không ngừng lại ở xa: Ngài ước ao đến gặp gỡ tất cả mọi nghèo nàn
và giải thoát khỏi biết bao hình thức nô lệ, gây khổ đau cho thế giới chúng ta.
Ngài muốn tới với các vết thương của từng người, để chữa lành chúng. Là các
tông đồ của lòng thương xót có nghĩa là sờ mó và vuốt ve các vết thương ngày
nay cũng hiện diện trên thân xác và trong tâm hồn của biết bao nhiêu anh chị em
của chúng ta. Khi săn sóc các vết thương đó, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu,
chúng ta khiến cho Ngài hiện diện sống động, chúng ta cho phép các người
khác sờ mó được lòng thương xót của Ngài với bàn tay và nhận biết Ngài là “Chúa
và Thiên Chúa” (c. 28) như tông đồ Toma đã làm. Và đó là sứ mệnh được uỷ thác
cho chúng ta. Có biết bao nhiêu người xin được lắng nghe và cảm thông! Tin Mừng
của lòng thương xót cần loan báo và viết ra trong cuộc sống, tìm kiếm những người
có con tim kiên nhẫn và rộng mở, tìm “các người samaritano nhân hậu” biết cảm
thương và im lặng trước mầu nhiệm của người anh chị em. Nó đòi hỏi các phục vụ
quảng đại và tươi vui yêu thương một cách nhưng không, mà không đòi hỏi bất cứ
gì đổi lại.
“Bình an cho các con” là lời
chào Chúa Kitô đem đến cho các môn đệ Ngài, đó cũng là lời chào mà con người thời
đại chúng ta chờ đợi. Đây không phải là một hoà bình được thương thuyết, không
phải là việc ngưng cái gì đó không ổn; Nó là hoà bình của Chúa, hoà bình đến từ
con tim của Đấng Phục Sinh, hoà bình đã chiến thắng tội lỗi, cái chết và sự sợ
hãi. Đó là hoà bình không chia rẽ, nhưng hiệp nhất; đó là hoà bình không để cho
cô đơn, nhưng làm cho cảm thấy được lắng nghe và yêu thương; đó là hoà bình kéo
dài trong đau khổ và làm cho hy vọng nở hoa. Như trong ngày Phục sinh, hoà bình
này nảy sinh và tái sinh luôn mãi từ sự tha thứ của Thiên Chúa, cất đi nỗi sợ
hãi khỏi con tim. Là những người đem hoà bình của Chúa là sứ mệnh Giáo Hội giao
cho chúng ta trong ngày lễ Phục Sinh. Chúng ta đã sinh ra trong Chúa Kitô như
là dụng cụ của hòa giải, để đem tới cho tất cả mọi người sự tha thứ của Thiên
Chúa Cha, để vén mở gương mặt chỉ có tinh yêu của Ngài trong các dấu chỉ của
lòng thương xót.
Trong thánh vịnh chúng ta đã
công bố “Tinh yêu Ngài tồn tại luôn mãi” (Tc 117, 2). Đúng thế, lòng thương xót
của Thiên Chúa vĩnh cửu, không kết thúc, không cạn kiệt, không đầu hàng trước
các khép kín, và không bao giờ mệt mỏi. Trong cái luôn mãi đó chúng ta tìm thấy
sự nâng đỡ trong những lúc thử thách và yếu đuối, bởi vì chúng ta xác tín rằng
Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta: Ngài luôn mãi ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta
hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu cao cả mà chúng ta không thể hiểu được như thế.
Chúng ta hãy xin ơn không bao giờ mệt mỏi kín múc lòng thương xót của Thiên
Chúa Cha và đem nó tới cho thế giới; chúng ta hãy xin cho chính chúng ta biết
thương xót và phổ biến khắp nơi sức mạnh của Tin Mừng.
Các lời nguyện giáo dân đã được
tuyên đọc trong các thứ tiếng Ý, Tầu, Tây Ban Nha, Hindi và Bồ Đào Nha. 250
linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.
Càng lúc tín hữu tiến về quảng
trường càng đông: lúc gần 12 giờ trưa đã lên tới hơn 120.000. Ngỏ lời với mọi
người trước khi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC nói:
Trong ngày này là trung tâm của
Năm Lòng Thương Xót, tôi nghĩ tới tất cả các dân tộc đang khao khát hoà giải và
hoà bình. Một cách đặc biệt tôi nghĩ tới thảm cảnh của người đau khổ vì
các hậu qủa của bạo lực bên Ucraina: tới những người còn ở lại trong các vùng đất
bị liên lụy bởi các thù nghịch khiến cho nhiều ngàn người chết và hơn một triệu
người bị bó buộc rời bỏ các vùng đất ấy vì tình hình nghiêm trọng kéo
dài. Bị liên lụy nhất là người già và trẻ em. Ngoài việc đồng hành với họ bằng tư
tưởng và lời cầu nguyện liên lỉ, tôi đã quyết định phát dộng một sự trợ giúp
nhân đạo cho họ. Để đạt mục đích ấy sẽ có một cuộc lạc quyên đặc biệt trong tất
cả mọi nhà thờ công giáo toàn Âu châu ngày Chúa Nhật 24 tháng 4. Tôi mời
gọi tín hữu hiệp nhất với sáng kiến này của Giáo Hoàng bằng một đóng góp quảng
đại. Cử chỉ bác ái này, ngoài việc làm vơi nhẹ các nỗi khổ đau vật chất, cũng
muốn bầy tỏ sự gần gũi và tình liên đới của riêng tôi và của toàn thể Giáo Hội
đối với Ucraina. Tôi nhiệt liệt cầu mong nó có thể giúp mau chóng thăng tiến
hoà bình và việc tôn trọng quyền lợi của vùng đất bị thử thách biết bao này.
Và trong khi cầu nguyện cho
hoà bình, chúng ta cũng hãy nhớ rằng ngày mai là Ngày Quốc Tế bài mìn chống người.
Có quá nhiều người tiếp tục hị giết hay bị tàn tật vì các vũ khí khủng khiếp
này, và có các người nam nữ can đảm liều mạng để gỡ mìn của các vùng đất bị gài
mìn. Chúng ta hãy canh tân dấn thân cho một thế giới không có mìn chống người nữa.
Sau cùng tôi gởi lời chào tới
tất cả anh chị em đã tham dự buổi cử hành này, cách riêng các nhóm vun trồng lịnh
đạo Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy cùng nhau hướng lời cầu nguyện tới Mẹ chúng
ta.
ĐTC đã cùng mọi người hát
Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, tiêp đến ngài ban phép lanh toà thánh cho tất cả.
Sau thánh lễ ĐTC đã chào các Hông Y, một số linh mục đồng tế, và đi xe díp
quanh quảng trường để chào tín hữu.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét