Ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí
VATICAN. Trong bài giảng
thánh lễ sáng thứ 5, 14.04, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha
Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Cần phải ngoan ngoãn trước sự hướng dẫn của Thần Khí,
đừng chống lại Người.” Đức Thánh Cha cũng mạnh mẽ cảnh giác những ai biện minh
tội chống lại Thần Khí với lý do là “phải trung thành với lề luật”.
Khởi đi từ bài đọc một trích
sách Công vụ Tông Đồ thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Phi-líp-phê, một nhà truyền
giáo, với viên thái giám, là quan chức cao cấp trong triều của nữ hoàng
Can-đa-kê, nước Ê-thi-óp; Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa
trên những trang sách rất đẹp ấy và mời gọi mọi người biết sống ngoan ngùy trước
sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Đừng biện cớ là phải trung
thành với lề luật để chống lại Thần Khí
Nhân vật chính trong cuộc gặp
gỡ, được trình bày nơi bài đọc một, không phải là ông Phi-líp-phê cũng không
không là viên thái giám người Ê-thi-óp, nhưng là chính Chúa Thánh Thần. Và
chính Thánh Thần đã giơ cánh tay uy quyền mà hành động. Chính Ngài đã làm cho
Giáo hội được nảy sinh và không ngừng triển nở. Trong quá khứ, Giáo hội đã
trưng dẫn cho chúng ta những hình ảnh minh họa về việc chống lại Thần Khí: những
con tim chai đá và khép kín, ngu muội, ngăn cản Thánh Thần. Chúng ta đã chứng
kiến nhiều sự kiện như: Phê-rô và Gioan chữa lành cho người bại liệt nằm ở Cửa
Đẹp Đền Thờ, những lời lẽ đầy tâm tình và những công việc vĩ đại mà Tê-pha-nô
đã làm… Nhưng người ta vẫn đóng kín lòng mình trước những dấu chỉ này và chống
lại Thần Khí. Họ tìm cách biện minh bằng cách lấy lý do là phải ‘trung thành với
lề luật’, nói khác đi, là trung thành với từng con chữ của lề luật.
Hôm nay, Giáo hội đề nghị
chúng ta điều ngược lại: đừng chống lại Thần Khí, những hãy biết ngoan ngoãn và
vâng nghe Người. Đó mới chính là thái độ đúng đắn của Kitô hữu. Ngoan ngoãn với
Thần Khí và sự ngoan ngoãn này chính là thưa tiếng xin vâng để Thánh Thần có thể
hoạt động và không ngừng xây dựng Giáo hội. Phi-líp-phê, một trong số các Tông
đồ, cũng bận rộn như bao giám mục khác và chắc chắn lúc đó, ông cũng đang vất vả
với trăm công ngàn việc. Nhưng Thần Khí đã nói ông hãy bỏ lại những gì còn dang
dở trong chương trình kế hoạch và đi tới Ê-thi-óp. Phi-líp-phê đã vâng lời.
Trong cuộc gặp gỡ với viên thái giám, Phi-líp-phê đã giải thích Tin Mừng cũng
như thông điệp cứu độ của Tin Mừng cho ông. Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong
tâm hồn của người Ê-thi-óp này và ông đã biết mở lòng ra trước món quà đức tin
quý giá. Sau đó, ông cảm thấy một điều gì đó thực sự mới mẻ trong tâm hồn mình.
Cuối cùng, ông xin được rửa tội. Đó chính là sự ngoan ngoãn trước Thần Khí.
Ngoan ngoãn với Thần Khí
mang lại cho chúng ta niềm vui
Hai con người, một là nhà
truyền giáo và một là người chẳng hề biết gì về Đức Giêsu, nhưng Thần Khí đã
gieo một sự tò mò tốt lành, một sự tò mò tốt lành chứ không phải tò mò nhiều
chuyện. Cuối cùng, viên thái giám ấy đã bước đi trên con đường của mình với niềm
vui, niềm vui của Thần Khí, khi biết ngoan ngoãn với Người.
Trong những ngày trước, chúng
ta đã nghe điều mà người ta làm để chống lại Thần Khí, còn ngày hôm nay, chúng
ta được xem một mẫu gương thật đẹp về hai con người đã ngoan ngoãn trước tiếng
nói của Thánh Thần. Ngoan ngoãn với Thần Khí là nguồn mạch mọi hoan lạc. Tôi muốn
làm điều này nhưng Thiên Chúa lại mời gọi tôi làm một điều khác; nhưng tôi sẽ
tìm được niềm vui khi biết đáp trả lại lời mời gọi của Thần Khí.
Thánh Thần làm cho Giáo hội
không ngừng tiến về phía trước
Lời cầu nguyện đẹp là biết
nài xin sự ngoan ngoãn. Chúng ta tìm thấy lời cầu nguyện ấy trong sách Samuen
quyển thứ nhất, lời cầu nguyện của tư tế Ê-li dạy cho cậu bé Samuen trong đêm
khuya khi cậu nghe thấy có tiếng người gọi: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ
Chúa đang lắng tai nghe.’
Đây là một lời cầu nguyện đẹp
mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì con đang lắng
tai nghe.’ Lời cầu nguyện xin ơn được ngoan ngoãn với Thần Khí và sự ngoan
ngoãn này sẽ thúc đẩy Giáo hội trở thành khí cụ của Thánh Thần. ‘Lạy Chúa, xin
hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.’ Chúng ta hãy cầu nguyện như thế và
nhiều lần trong ngày: Khi chúng ta bối rối hoang mang, khi chúng ta nghi ngờ
khó hiểu hay đơn giản là khi chúng ta muốn cầu nguyện. Và với lời cầu nguyện ấy,
chúng ta xin ơn được ngoan ngoãn với Thần Khí.
Vũ Đức Anh Phương, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét