Nội dung chương I Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương
Chương I Tông Huấn “Niềm Vui
Yêu Thương” có tựa đề “Dưới ánh sáng Lời Chúa” gồm các số từ 8 tới 30. ĐTC khai
triển đề tài với 5 tiểu đề: Bạn và vợ của bạn; Con cái bạn như các chồi ô liu;
Một con đường của khổ đau và máu; Nỗi mệt nhọc của đôi tay bạn; Sự dịu hiền của
vòng tay ôm. Sau đây là nội dung hai tiểu đề đầu tiên.
Mở đầu ĐTC ghi nhận rằng
Thánh Kinh đầy những câu chuyện về gia đình, các thế hệ, các câu chuyện tình và
các cuộc khủng hoảng gia đình, từ trang đầu cho tới trang cuối: từ gia đình của
Ađam và Evà với cảnh bạo lực và sự sống tiếp diễn (St 4) cho tới đám cưới
Hiền Thê của Chiên Con (x. Kh 21,2.9). Hai căn nhà Chúa Giêsu miêu tả xây trên
đá tảng hay trên cát (x. Mt 7,24-27) diễn tả biết bao nhiêu tình trạng gia
đình, đã được tạo dựng bởi sự tự do của những người ở trong đó. ĐTC mời gọi
chúng ta bước vào một trong các căn nhà đó dưới ánh sáng của Thánh vịnh 128
miêu tả gia đình, và được phụng vụ do thái cũng như kitô dùng cho lễ nghi hôn
nhân: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Giavê, ăn ở theo đường lối của Người.
Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền
thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những
cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Giavê dành cho kẻ
kính sợ Người. Xin Giavê từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi
trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu
bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng
thái bình.” (Tv 128,2-6).
Tiếp đến ĐTC khai triển suy
tư ý nghĩa của thánh vịnh. Trung tâm thánh vịnh là cặp cha mẹ với lịch sử tình
yêu của họ. Họ thực hiện chương trình của Đấng Tạo Hóa ngay từ đầu đã dựng nên
họ là nam là nữ (Mt 19,4), và người nam bỏ cha mẹ mình để về sống với vợ (St
2,24) (s. 9). Hai chương đầu sách Sáng Thế cống hiến cho chúng ta thực tại nền
tảng của căp vợ chồng: đó là con người được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh
Ngài và có nam có nữ”. Thánh Kinh duy trì sự siêu việt của Thiên Chúa, và cho
thấy sự phong phú của vợ chồng là “hình ảnh” sống động và hữu hiệu, dấu chỉ hữu
hình của hành động tạo dựng (s.10).
Đôi chồng vợ yêu thương và
sinh sản sự sống là “tác phẩm điêu khắc” thực, sống động, có khả năng biểu lộ
Thiên Chúa tạo hoá và cứu độ. Vì thế tình yêu phong phú trở thành biểu tượng của
thực tại sâu xa của Thiên Chúa (x. St 1,28; 9,7; 17,2-5.16; 28,3; 35,11;
48,3-4)… Thật thế, khả năng sinh sản của vợ chồng là sự sống, qua đó lịch sử cứu
độ phát triển. Dưới ánh sáng ấy tương quan phong phú của vợ chồng trở thành một
hình ảnh giúp khám phá ra và miêu tả mầu nhiệm của Thiên Chúa, là điều nền tảng
trong quan niệm kitô về Thiên Chúa Ba Ngôi, chiêm ngưỡng Thiên Chúa Cha, Con và
Thánh Thần tình yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiệp thông của tình yêu, và gia
đình là phản ánh sống động của nó. Các lời của Thánh Gioan Phaolô II minh giải
điều này: “Trong mầu nhiệm sâu thẳm nhất Thiên Chúa của chúng ta không phải là
sự cô đơn, nhưng là một gia đình, vì có nơi mình chức làm cha, chức làm con và
bản chất của gia đình là tình yêu. Tình yêu ấy trong gia đình của Thiên Chúa là
Thánh Thần” (Bài giảng lễ tại Puebla de los Angeles (28-2-1979), 2: AAS 71
(1979),184). Như vậy, gia đình không phải là cái gì xa lạ đối với chính yếu
tính của Thiên Chúa. Khiá cạnh ba ngôi này của vợ chồng được diễn tả một cách mới
mẻ trong nền thần học của thánh Phaolô, khi thánh nhân đặt nó trong tương
quan với sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,21-33) (s. 11).
Tuy nhiên, khi suy tư về hôn
nhân, Chúa Giêsu quy chiếu một trang khác trong chương 2 của sách Sáng Thế,
miêu tả hình ảnh vợ chồng với các nét rạng rỡ hơn. Thứ nhất là sự bất an của
người nam “tìm kiếm một sự trợ giúp tương ứng vởi mình” (cc.18.20), có khả năng
giải quyết sự cô đơn quấy rối nó mà không được lắng dịu bởi sự gần gũi của thú
vật và toàn thụ tạo. Kiểu diễn tả do thái đưa chúng ta tới một tương quan trực
tiếp, hầu như “chạm trán” -mắt trong mắt – vào trong một cuộc đối thoại, cả khi
có âm thầm, vì trong tình yêu các thinh lặng thường hùng biện hơn là lời nói.
Đó là sự gặp gỡ với một gương mặt, một “bạn” phản ánh tình yêu của Thiên Chúa
và là thiện ích đầu tiên của các thiện ích, một trợ giúp thích hợp vói nó và một
cột dựa” (Hc 36,26), hay một tuyên xưng tình yêu và sự trao ban cho nhau: “Người
tôi yêu là của tôi và tôi là của người… Tôi là của người tôi yêu và người tôi
yêu là của tôi” (Dc 2,16; 6,3). (s. 12).
Từ sự gặp gỡ chữa lành sự cô
đơn này nảy sinh ra thế hệ và gia đình. Đó là chi tiết thứ hai có thể nêu lên.
Adam cũng là con người thuộc mọi thời đại và của mọi vùng miền trên hành tinh
này, cùng với vợ mình trao ban nguồn gốc cho một gia đình mới, như Chúa Giêsu lập
lại khi trích sách Sáng Thế: “Nó sẽ kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ trở
nên một xương thịt” (Mt 19,5; x St 2,24). Động từ “kết hiệp” trong nghĩa gốc do
thái ám chỉ một sự hòa hợp chặt chẽ, một dính sát vật lý và nội tâm cho tới độ
được dùng để diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa. Như thế người ta nói lên sự hiệp
nhất hôn nhân không chỉ trong chiều kích tính dục và thân xác của nó, nhưng cả
trong chiều kích tự ý trao ban của nó nữa. Hoa trái của sự kết hợp này là “trở
nên một xương thịt duy nhất”, trong vòng tay ôm thể lý, cũng như trong sự kết hợp
của hai con tim và của đời sống, và có lẽ, nơi đứa con sẽ sinh ra từ cả hai, là
người sẽ mang trong mình hai “thịt xác” bằng cách hiệp nhất một cách di truyền
cũng như một cách tinh thần (s. 13).
Trong đoạn hai Tông thư của
ĐTC đề cập tới con cái. Thánh vịnh cho thấy trong nhà nơi người nam và vợ mình
ngồi tại bàn ăn có các con cùng ngồi như “các chồi ô liu” (Tv 128), hay tràn đầy
năng lực và sức sống. Nếu cha mẹ như là nền tảng của ngôi nhà, thì con cái giống
như “các viên đá sống động” của gia đình (x. Pr 2,5). Thật là ý nghĩa trong
Thánh Kinh từ xuất hiện nhiều lần nhất sau tên gọi “Yahweh” của Thiên
Chúa là từ “con – ben” quy chiếu động từ “banah - xây dựng”. Vì thế trong thánh
vịnh 127 người ta tán tụng ơn có con cái với các hình ảnh quy chiếu việc xây cất
một ngôi nhà, cũng như cuộc sống xã hội và thương mại diễn ra tại cổng thành phố:
“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa
không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm. Này con cái là hồng ân của
Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Bầy con sinh hạ thời son trẻ tựa
nắm tên người dũng sĩ cầm tay. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên
như thế! Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cửa công tranh tụng với địch thù.”
(Tv 127,1-3-5). Dĩ nhiên các hình ảnh này phản ánh nền văn hóa của xã hội cổ
xưa, nhưng trong mọi trường hợp sự hiện diện của con cái là một dấu chỉ sự tràn
đầy trong gia đình trong việc tiếp nối cùng một lịch sử cứu độ, từ thế hệ này
sang thế hệ khác (s. 14).
Trong viễn tượng đó chúng ta
có thể nhắc tới một chiều kích khác nữa của gia đình. Chúng ta biết Thánh Kinh
Tân Ước nói tới “Giáo Hội tụ họp trong nhà” (x. 1 Cr 16,19; Rm 16,5; Cl 4,15;
Flm 2). Khung cảnh sống của một gia đình đã có thể biến thành giáo hội tại gia,
nơi cử hành bí tích Thánh Thể, nơi Chúa Kitô hiện diện ngồi cùng bàn. Không thể
quên được cảnh tả trong sách Khải Huyền: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai
nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy,
và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20). Như thế hiện rõ nét một ngôi nhà
đem vào bên trong sự hiện diện của Thiên Chúa, lời cầu nguyện chung và vì thế
chúc lành của Chúa. Đó là điều được khẳng định trong lời công bố ở cuối thánh vịnh
128: “Đó chính là phúc lộc Giavê dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Giavê từ Xi-on
xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc” (cc. 4-5) (s. 15).
Thánh Kinh cũng coi gia đình
như nơi dậy giáo lý cho con cái, như có thể nhận ra trong miêu tả việc cử hành
lễ Vượt Qua (x. Xh 12,26-27; Đnl 6,20-25) và sau đó trong trình thuật đối thoại
kèm theo lễ nghi cử hành tiệc chiều vượt qua do thái. Thánh vịnh 78 ca tụng việc
loan báo đức tin trong gia đình như sau: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết do
cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật
cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kỳ công
Chúa đã làm. Người đã ban huấn lệnh cho nhà Gia-cóp, đặt ra lề luật cho
Ít-ra-en, dạy tổ tiên chúng tôi truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu
thế hệ tương lai kẻ hậu sinh cũng biết, rồi mai ngày đến lượt kể cho con cháu
mình.” (Tv 78,3-6). Vì thế gia đình là nơi cha mẹ trở thành các thầy dậy đức
tin đầu tiên cho con cái. Nó là một nhiệm vụ “thủ công nghệ” từ người này
sang người khác… (s. 16).
Cha mẹ có bổn phận nghiêm chỉnh
chu toàn sứ mệnh giáo dục của mình như các bậc khôn ngoan của Thánh Kinh dậy
(x. Cn 3,11-12; 6,20-22; 13,1; 22,15; 23,13-14; 29,17). Con cái được mời gọi tiếp
nhận và thực thi giới răn: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12), trong đó động
từ “thờ kính” ám chỉ việc chu toàn các dấn thân gia đình và xã hội trong sự trọn
vẹn của chúng, không lơ là chúng với các viện cớ tôn giáo (x. Mt 7,11-13). Thật
vậy, “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. “ (Hc
3,3-4) (s.17).
Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng
con cái không phải là một tài sản của gia đình, nhưng chúng có con đường đời
trước mắt. Nếu đúng thật là Chúa Giêsu tự giới thiệu với chúng ta như mẫu gương
vâng lời cha mẹ trần gian, vâng phục các ngài (x. Lc 2,51), thì cũng chắc chắn
là Ngài cho thấy sự lựa chọn cuộc sống của người con, và chính ơn gọi kitô có
thể đòi hỏi một sự tách rời để thực hiện việc tận hiến cho Nước Thiên Chúa (x.
Mt 10,34-37; Lc 9,59-62). Còn hơn thế nữa, chính Ngài khi lên 12 tuổi đã trả lời
Mẹ Maria và thánh Giuse rằng Ngài có một sứ mệnh phải chu toàn vượt qua gia
đình lịch sử của Ngài (x. Lc 2,48-50). Vì vậy Ngài ca tụng sự cần thiết của các
mối dây liên lạc khác sâu xa hơn cả bên trong các tương quan gia đình: “"Mẹ
tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
(x. Lc 8,21). Đàng khác sự chú ý mà Ngài dành cho các trẻ em, - trong xã hội Cận
Đông bị coi như là các chủ thể không có các quyền riêng và như là phần gia sản
- Chúa Giêsu đi tới chỗ giới thiệu chúng với người lớn hầu như là thầy dậy,
vì sự tin tưởng đơn sơ và tự phát của chúng đối với người khác: “Thầy bảo thật
anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước
Trời. "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn
nhất Nước Trời “ (Mt 18,3-4).
Lý tưởng trình bầy trong
thánh vịnh 128 không chối bỏ một thực tại cay đắng, mà mọi Thánh Kinh đều ghi
nhận. Đó là sự hiện diện của khổ đau, bạo lực xé nát cuộc sống gia đình, sự hiệp
thông cuộc sống và tình yêu sâu xa của nó. Không phải vô tình mà diễn văn về
gia đình của Chúa Kitô được lồng khung trong một vụ tranh luận về việc ly dị. Lời
Chúa là chứng nhân liên tục của chiều kích đen tối này, đã mở ra ngay từ đầu,
khi với tội lỗi, mạc khải tình yêu và sự trong trắng giữa người nam và người nữ
biến thành một sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị
ngươi” (St 3,16) (s. 19).
Đó là một con đường của khổ
đau và máu đi ngang qua nhiều trang của Thánh Kinh, bắt đầu từ bạo lực của Cain
giết em là Abel, và từ các tranh chấp giữa các con và các bà vợ của các tổ phụ
Abraham, Igiaác và Giacóp, để đi tới các thảm kịch đầy máu của gia đình vua
Đavít, cho tới nhiều khó khăn khác nhau trong gia đình như trong chuyện ông
Tobia hay lời xưng thú đắng cay của ông Gióp bị bỏ rơi: “Anh em tôi, Người đẩy
họ xa tôi, Người quen biết coi tôi như người dưng nước lã. Hơi thở tôi khiến vợ
tôi ghê tởm, mùi hôi thối xông ra làm cho anh em tôi gớm ghiếc.” (G 19,13.17)
(s. 20).
Chính Chúa Giêsu sinh ra
trong một gia đình khiêm tốn, phải mau chóng trốn chạy sang một vùng đất xa lạ.
Ngài vào nhà ông Phêrô nơi bà nhạc ông nằm vì bệnh (x. Mc 1,30-31); Ngài để cho
mình liên lụy tới thảm cảnh cái chết trong nhà ông Giairô và trong nhà Ladarô
(x. Mc 5,22-24.35-43; Ga 11,1-44); Ngài lắng nghe tiếng kêu tuyệt vọng của bà
goá thành Naim trước đứa con trai của bà đã chết (x. Lc 7,11-15); Ngài chấp nhận
lời khẩn cầu của người cha kẻ bị kinh phong trong một làng nhỏ vùng quê (x. Mc
9,17-27). Ngài gặp gỡ các người thu thuế trong nhà họ như Mátthêu và Dakêu (Mt
9,9-13; Lc 9,1-10), và cả những kẻ tội lỗi như người đàn bà chạy ùa vào nhà ông
biệt phái (x. Lc 7,36-50). Ngài biết các căng thẳng của các gia đình và lồng
chúng vào trong các dụ ngôn của Ngài: từ những đứa con bỏ nhà đi phiêu lưu (x.
Lc 15,11-32) cho tới những đứa con khó tính có các cung cách hành xử không thể
giải thích được (x. Mt 21,28-31), hay nạn nhân của bạo lực (x. Mc 12,1-9). Và
Ngài cũng còn lo lắng cho các đám cưới có nguy cơ bị bối rối vì thiếu rượu (x.
Ga 2,1-10) hay thái độ lẩn trốn của những kẻ được mời (x. Mt 22,1-10), cũng như
sự ám ảnh vì mất một đồng bạc trong một gia đình nghèo (x. Lc 15,8-10) (s. 21).
Trong lộ trình ngắn gọn này
chúng ta có thể nhận thấy rằng lời Chúa không phải là một chuỗi các lý thuyết
trừu tượng, nhưng như một người bạn đường kể cả cho các gia đình gặp khủng hoảng
hay đang trải qua vài khổ đau; và nó chỉ cho chúng thấy đích điểm của lộ trình,
khi Thiên Chúa “sẽ lau khô nước mắt họ và sẽ không còn cái chết cũng không còn
buồn thương và mệt nhọc nữa” Kh 21,4) (s. 22).
Tiếp tục chương I Tông huấn
ĐTC nói tới sự khó nhọc của đôi tay phải làm việc để mưu sinh. Ở đầu thánh vịnh
128 người cha được giới thiệu như một người làm việc với đôi tay của mình để nâng
đỡ sự thịnh vượng thể lý và sự thanh thản của gia đình mình: “Công khó tay bạn
làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.” (c. 2). Lao động là một
phần nền tảng của phẩm giá con người đã được Thánh Kinh nói tới khi viết: “Chúa
là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để họ cày cấy và canh giữ đất
đai.” (St 2,15). Đó là việc giới thiệu người làm việc biến đổi chất liệu và
khai thác các năng lượng của thụ tạo, bằng cách sản xuất “bánh của lao nhọc” Tv
127,2), ngoài việc chính nó trồng trọt. (s. 23).
Đồng thời lao động khiến
cho xã hội phát triển, nâng đỡ gia đình, cũng như sự ổn định và sự phong phú của
nó. “Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được
sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.” (Tv
128,5-6). Trong sách Châm Ngôn cũng có nói đến nhiệm vụ của bà mẹ trong gia
đình, mà công việc được miêu tả trong tất cả các chi tiết thường ngày của nó,
khiến cho chồng con phải ca ngợi (x. Cn 31,10-31). Chính thánh Phaolô cũng tỏ
ra hãnh diện vì đã sống mà không là gánh nặng cho người khác, vì đã làm việc với
đôi bàn tay của mình để bảo đảm lương thực nuôi thân (x. Cv 18,3; 1 Cr 4,12;
9,12). Thánh nhân xác tín về sự cần thiết của việc làm tới độ thiết định một
nguyên tắc cho các cộng đoàn của ngài: “Ai không muốn làm việc, thì cũng đừng
ăn” (2 Tx 3,19; x. 1 Tx 4,11) ( s. 24).
Như thế chúng ta hiểu tại sao
thất nghiệp và công ăn việc làm bấp bênh lại trở thành khổ đau, như được ghi nhận
trong sách bà Rút, và như Chúa Giêsu nhắc tới trong dụ ngôn thuê các thợ công
nhật bị bó buộc nhàn rỗi ngồi ở quảng trường (x. Mt 20,1-16), hay như chính
Ngài kinh nghiệm nơi sự kiện biết bao lần bị bao vây bởi các người nghèo đói.
Và đó là điều mà xã hội đang sống một cách thê thảm tại nhiều nước, và sự kiện
thiếu công ăn việc làm đả thương sự thanh thản của các gia đình trong nhiều
cách thế khác nhau (s. 25).
Chúng ta cũng không thể quên
sự suy đồi mà tội lỗi đem vào trong xã hội, khi con người hành xử như bạo chúa
đối với thiên nhiên, bằng cách tàn phá nó, sử dụng nó một cách ích kỷ tới tàn bạo.
Các hậu quả đồng thời là việc sa mạc hóa đất đai (x. St 3,17-19) và các bất
quân bình kinh tế và xã hội, mà các ngôn sứ lên tiếng chống lại, từ Elia (x. 1
V 21) cho tới các lời chính Chúa Giêsu nói lên chống lại bất công (xx. Lc
12,13-21; 16,1-31) (s. 26)
Đoạn chót trong chương I của
Tông huấn đề cập tới “vòng tay ôm hiền dịu”. Chúa Giêsu đã đề ra như dấu chỉ
phân biệt của các môn đệ Ngài luật của tình yêu và sự hiến mình cho tha nhân
(x. Mt 22,39; Ga 13,34); và Ngài đã làm điều đó qua một nguyên lý mà một người
cha và một người mẹ thường làm chứng trong chính cuộc sống: “Không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình.” (Ga 15,13). Hoa trái của tình yêu cũng là lòng thương xót và sự tha thứ.
Trong đường hướng này, thật rất tiêu biểu cảnh người phụ nữ ngoại tình bị các kẻ
tố cáo vây quanh trên sân đền thờ Giêrusalem, và rồi chỉ có Chúa Giêsu là không
kết án bà và mời gọi bà có cuộc sống xứng đáng hơn (x. Ga 8,1-11) (s.27).
Trong chân trời của tình yêu,
là nòng cốt trong kinh nghiệm kitô về hôn nhân và gia đình, cũng nổi bật một
nhân đức khác, không được biết tới trong thời đại của các tương quan vội
vã và hời hợt ngày nay: đó là sự hiền dịu. Trong thánh vịnh 131 cũng như trong
nhiều văn bản khác nữa (x. Xh 4,22; Is 49,15; Tv 27,10) sự kết hiệp giữa tín hữu
và Chúa mình được diễn tả với các nét của tình yêu phụ mẫu. Ở đây xuất hiện sự
thân tình tế nhị và dịu hiền giữa bà mẹ và đứa con bà, một trẻ sơ sinh ngủ trên
cánh tay mẹ mình sau khi đã bú no sữa. Đây là một đứa bé đã khôn ý thức bám chặt
vào mẹ ẵm nó trên ngực. Như thế đây là một sự thân tình có ý thức, và không phải
chỉ là sự thân tình sinh học mà thôi. Vì thế thánh vịnh mới hát: “Như trẻ thơ
nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.” (Tv 131,2). Cũng thế, một
cách song song, chúng ta có thể hướng tới một cảnh khác, trong đó ngôn sứ Hôsê
đặt trong miệng luỡi Thiên Chúa như người cha các lời này: “Khi Ít-ra-en còn là
đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về…. Ta đã tập đi cho
Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy
dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng
trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.” (Hs
11,1.3-4) (s.28).
Với cái nhìn của đức tin và
tình yêu, của ơn thánh và dấn thân, của gia đình nhân loại và của Thiên Chúa Ba
Ngôi, chúng ta chiêm ngưỡng gia đình mà Lời của Thiên Chúa giao phó cho trong
bàn tay con người nam nữ và con cái, để họ tạo thành một sự hiệp thông của những
người là hình ảnh sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tới
lượt nó, hoạt động sinh ra và giáo dục là một phản ánh công trình tạo dựng của
Thiên Chúa Cha. Gia đình đươc mời gọi chia sẻ lời cầu nguyện hằng ngày, đọc lời
Chúa và hiệp thông bí tích để làm cho tình yêu lớn lên, và luôn ngày càng
trở thành đền thờ nơi Thánh Thần ngự. (s. 29).
Và ĐTC kết thúc chương I như
sau: “Trước mỗi gia đình có mầu gương của gia đình Nagiarét với cuộc sống thường
ngày bao gồm các mệt nhọc, có khi cả các ám ảnh nữa, như khi nó phải khổ đau vì
sự tàn bạo không thể hiều được của vua Hêrôđê; kinh nghiệm này rất tiếc cũng được
lập lại một cách thê thảm trong biết bao nhiêu gia đình tỵ nạn, không được ai
bênh đỡ. Cũng như Ba nhà Đạo Sĩ các gia đình được mời gọi chiêm ngưỡng Hài Nhi
và Mẹ Người, quỳ xuống và thờ lậy Ngài (x. Mt 2,11) Như Mẹ Maria các gia dình
được khuyến khích đương đầu với các nỗi buồn vui của gia đình một cách can đảm
và thanh thản, cũng như duy trì và suy gẫm trong tim các điều kỳ diệu của Thiên
Chúa. Trong kho tàng trái tim của Mẹ Maria cũng có tất cả các biến cố của từng
gia đình chúng ta, mà Mẹ mau mắn giữ gìn. Vì vậy Mẹ có thể giúp chúng ta giải
thích chúng để nhận biết trong lịch sử gia đình sứ điệp của Thiên Chúa (s. 30)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét