Sự sung mãn của đời sống
chiêm niệm (1)
Khi người ta từ cuộc sống bon chen ồn ào ở chốn thị thành bước chân vào khuôn viên một Đan Viện chiêm niệm, điều đầu tiên chắc chắn người ta sẽ cảm nhận được là cả một không gian hoàn toàn thanh vắng yên tĩnh đầy linh thiêng thánh thiện. Nhưng phải chăng sự thanh bình vắng lặng nơi chốn Đan Viện mang lại cho tâm hồn ta sự thanh thoát an bình, hay ngược lại, sẽ gây nên trong ta nỗi lo lắng sợ hãi? Để trả lời cho câu hỏi đó, Linh mục Martin Gutl (1942-1994), một văn sĩ người Áo đã phát biểu tư tưởng của ông qua bốn câu thơ như sau:
Manche fürchten sich,
sie sind ständig tätig.
Manche fürchten,
die Stille könnte sie stören.
Tạm dịch:
Lắm người vì hoảng sợ,
luôn khép mình vào công việc.
Lắm người lại hoảng sợ,
nơi thanh vắng làm họ lo!
Phải chăng chúng ta sợ sự thanh vắng chốn Đan Viện? Phải chăng vì cuộc sống nơi ấy cắt đứt hay làm gián đoạn các tương tác của ta với thế giới bên ngoài, các hoạt động của ta, các nghiên cứu khoa học của ta hay chính cuộc sống bình thường của ta?
Trong một bài thơ khác với tựa đề „Gesegnetes Nichtstun“ (Sự vô vi được chúc phúc) của ông, Linh mục Martin Gutl đã viết:
Im Sterben,
wird uns die Stille
als Person begegnen.
Der eine wird sie als vertraut begrüßen,
der andere wird vor ihr erschrecken.
Tạm dịch:
Trong giây phút lâm chung,
sự thanh vắng lại gặp ta,
như thể một ai đó.
Người thì hoan hỉ được đón chào,
kẻ lại run lẩy bẩy vì lo sợ!
Vậy, phải chăng sự thanh vắng chốn Đan Viện mang trên mình một sứ mệnh thánh thiêng, chứ không chỉ là một sự trống vắng những tiếng ồn ào náo động của cuộc sống thế nhân? Phải chăng sự thanh vắng Đan Viện là một điều quan trọng cho ta, khiến ta phải cùng nhau nỗ lực duy trì và bảo vệ nó, thực hành nó trong cuộc sống hằng ngày như một phương tiện cần thiết cho cuộc sống tâm linh, cho nỗ lực tiến đức của mình, vâng, cho nỗ lực đi tìm gặp Thiên Chúa?
Người ta sẽ đánh mất chính mình, nếu như họ không thể giữ mình thinh lặng được. Hay chính hiện tượng người ta chạy trốn chính mình là do nguyên nhân người ta không thể giữ mình thinh lặng bình tĩnh được, vâng, vì người ta không muốn giữ mình thinh lặng? “Bởi vì, nếu như người ta thực sự giữ mình thinh lặng, thì người ta sẽ gặp lại chính mình và nhìn thấy rõ được chính con người thật của mình, một điều họ không thể chấp nhận được” như lời nhận định của nhà thần học Dòng Tên thời danh Romano Guardini. Thế thì tại sao lại có bao người đã từ bỏ những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đời thường để đi tìm kiếm sự thanh vắng trong nơi cô tịch và luôn tiếp tục tìm cách tạo ra quanh mình một không gian thanh vắng, yên lặng?
Tiếng mời gọi của sa mạc
Trong suốt dòng lịch sử Kitô giáo, người ta đã tìm gặp được bao điều huyền nhiệm cao cả. Chính ngay trong thời đại khởi đầu thế kỷ IV, khi Giáo Hội Kitô giáo, sau trên dưới ba thế kỷ bị bách hại và bị đàn áp một cách khủng khiếp, đã không những được nhìn nhận như một tôn giáo hợp pháp và ngang hàng với các tôn giáo thờ thần linh khác của Rô-ma vào lúc bấy giờ, mà còn được coi như là quốc giáo trong toàn cõi đế quốc Rô-ma rộng lớn, thì cũng chính là lúc khởi đầu một phong trào “xuất hành” của rất nhiều các Kitô hữu mộ đạo thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội: Họ từ bỏ cuộc sống tiện nghi tại các thành thị trong khắp đế quốc và lui vào sống trong các sa mạc, trong các nơi cô tịch, trong sự trống vắng và thiếu thốn tất cả, để thực hiện lý tưởng ẩn tu chiêm niệm. Đứng đầu phong trào ẩn tu chiệm niệm này, người ta phải kể tên nhà ẩn tu thời danh, thánh Antonius (250-356), vị Tổ Phụ đáng kính và là gương mẫu của các Đan Sĩ thuộc mọi thời đại. Thánh nhân đã tự nguyện rời bỏ quê hương của ngài ở miền Trung Ai-cập và đồng thời từ bỏ cả việc thừa hưởng gia tài kếch xù của gia đình vốn thuộc về ngài, để lui vào trong sa mạc Thebäis sống đời ẩn dật, hoàn toàn xa lánh mọi ồn ào và mời mọc quyến rũ của thế gian. Vâng, trong sa mạc không còn gì khác ngoài một mình Thiên Chúa.
Cuộc sống triệt để xa lánh mọi sinh hoạt thế tục như thế luôn là lý tưởng theo đuổi của các Đan Sĩ, đúng như lời nhận định của thánh Hieronymus: “Chốn thành thị đối với tôi là gông cùm, còn chốn cô tịch vắng lặng là thiên đàng.”(1) Đối với thánh nhân, Giáo Hội vào thời bấy giờ quá giàu có và quyền lực, nhưng lại quá nghèo nàn về đời sống đức hạnh. Đời sống Kitô giáo chân chính, các gương mẫu sống đức tin một cách sáng ngời của các Kitô hữu tiên khởi như đã được trình bày trong Công Vụ Tông Đồ cũng như dòng máu kiên cường và can đảm của các vị Tử Đạo trong thời Giáo Hội bị bắt bớ đàn áp, vào thời đại thánh nhân đã trở nên như những điều xa lạ trong một Giáo Hội không chỉ được nhìn nhận, được tự do mà còn được coi như quốc giáo với bao ưu đãi của thế quyền. Trước thái độ tìm cách thích nghi đời sống Giáo Hội với thế giới trần tục xa hoa và trước tinh thần sống đạo xuống dốc trầm trọng đến mức báo động như thế, các Đan Sĩ đã theo đuổi và hiện thực một lối sống theo đúng tinh thần Phúc Âm một cách triệt để là xa lánh thế tục với những mời mọc lôi cuốn của nó và chỉ đi tìm kiếm một mình Thiên Chúa như cứu cánh đời mình mà thôi. Bởi vậy, thánh Basilius đã từng dứt khoát khẳng định: “Những ai yêu mến Chúa, thì từ bỏ tất cả và chỉ lo bước theo Chúa mà thôi”(2)
Sa mạc luôn là hình ảnh gợi lại cho ta nhớ đến bốn mươi ngày đêm chay tịnh của Đức Giêsu và thái độ kiên cường bền vững của Ngài trước những cám dỗ đầy quỷ quyệt và thâm độc của một kẻ thù vô cùng gian manh xảo quyệt là ma quỷ. Nhưng nhất là sa mạc đã nhắc ta nhớ lại cuộc hành trình dài 40 năm trường trong sa mạc Sinai đầy sỏi đá và đất cát nóng bỏng của con cái Ít-ra-en, Dân Tuyển Chọn của Chúa, như là trường học quan trọng và phương tiện thanh lọc cần thiết của Giao Ước, và tiếp đến là nhớ tới lời hứa của các vị Ngôn Sứ nhân danh Chúa: „Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông (…) Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.“ (Is 35,1-3) Giờ đây, lời hứa này của các vị Ngôn Sứ như đã được hiện thực, khi các Đan Sĩ, những tâm hồn mộ đạo và thành tâm đi tìm kiếm một mình Thiên Chúa, đã cùng nhau tìm vào trong sa mạc, vào trong miền đất sỏi đá khô cằn và thiếu sự sống, để xây dựng lên đó những túp lều, hay tạo ra những cái hang trong hốc đá, v.v… hầu để sống hoàn toàn cho một mình Chúa và ngày đêm chỉ ca ngợi Ngài mà thôi. Đó chính là nguyên nhân sự hiện hữu của hàng trăm hàng ngàn hang động chi chít của các vị ẩn tu ở miền Nitrien. Ngày nay, chính hòn đảo Athos ở Hy lạp, mà người ta thường gọi là „quốc đảo của các Đan Sĩ“, là một hòn đảo hoàn toàn chỉ có các Đan Sĩ Chính Thống cư ngụ, chứ không có bất cứ người đời nào và tuyệt đối không có nữ giới.
Do đó, thánh Hieronymus đã có lý khi ngài hân hoan nhảy mừng: “Hỡi sa mạc, bông hoa tươi nở trong Đức Kitô! Hỡi chốn cô tịch, ngươi vui mừng hoan hỉ được tiếp cận Thiên Chúa! Người Đan Sĩ quăng bỏ gánh nặng thế gian để thong dong bay về trên Thiên quốc. Thầy là người nghèo của cải vật chất, nhưng chính Đức Kitô đã gọi người nghèo khó là người có phúc. Thầy luôn phải lao động: vì không một người lực sĩ nào muốn đạt tới được vòng hoa chiến thắng mà lại không phải đổ mồ hôi. Nhưng thầy lại không phải lo cho mình miếng cơm manh áo: vì người có đức tin thì không hề lo phải đói khát. Thầy ngủ nghỉ dưới sàn đất, nhưng Đức Kitô luôn ở bên thầy. Thầy không hề lo sợ phải sống trong cảnh cô đơn tịch liêu, vâng, thầy luôn thẳng bước trên đường tiến về Thiên đàng. Thầy không cần phải tắm rửa, vì thầy luôn được tắm gội trong Đức Kitô và do đó thầy không còn phải tắm rửa thêm nữa.”(3)
Giữ thinh lặng và việc nói chuyện
Khi sống trong sa mạc, sống trong sự cô tịch, thì chính là lúc người Đan Sĩ sống trong mầu nhiệm của sự thinh lặng. Sống mầu nhiệm sự thinh lặng đồng thời cũng là phương tiện đi sâu vào mầu nhiệm Ngôi Lời. Như vậy, sự thinh lặng chiêm niệm hoàn toàn khác biệt với tình trạng câm điếc, tức tình trạng không thể nghe và không thể nói được. Còn sự thinh lặng thì chỉ những ai có khả năng nói được mới có thể thực hiện được. Người giữ thinh lặng là người giữ được miệng lưỡi và làm thinh hay là người biết hy sinh không phát biểu, không nói và làm thinh.
Mục đích việc giữ thinh lặng của các Đan Sĩ trước hết là để lắng nghe tiếng Chúa, mà khi sống trong sự ồn ào giao động của thế gian người ta sẽ không thể nghe được, vì Chúa chỉ nói với ta trong thanh vắng của tâm hồn ta mà thôi. Tiếng Chúa là suối nguồn bất tận mà con người có thể múc lấy cho mình sức mạnh. Sự đáp trả của con người dành cho Chúa không thể chỉ là những lời nói suông và trống rỗng, nhưng phải được phát xuất từ một sự thinh lặng đầy nhận thức và đầy cảm xúc, tức từ một sự thinh lặng được ẩn chứa sự sung mãn của con tim, của tình yêu mến nồng nàn, mà lời lẽ ngôn ngữ loài người không sao diễn tả hết.
Dĩ nhiên, các nhà ẩn tu, các Đan Sĩ cũng luôn cần tới những trao đổi trong tình huynh đệ với nhau, để cùng động viên khuyên nhủ nhau cũng như để giúp nhau đào sâu thêm sự hiểu biết và kinh nghiệm trên con đường tiến đức, vâng, trên con đường tìm kiếm Chúa và hoàn thiện bản thân. Nhất là những người mới tập sự bước vào đời sống Đan Tu nhất thiết phải cần tới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các vị cha anh đi trước. Trong thanh vắng chiêm niệm họ sẽ được đón nhận, được chăm sóc lo lắng và được thử thách rèn luyện. Những hướng dẫn chỉ bảo khôn ngoan đúng đắn và dày kinh nghiệm của các vị Tổ phụ, của các vị Bề Trên dành cho họ cần được ghi chép rõ ràng cẩn thận như là kim chỉ nam giúp họ tìm tới được lý tưởng chiêm tu, lý tưởng tìm kiếm Chúa trong sa mạc của chốn Đan Viện, của thanh vắng. Chẳng hạn thánh Athanasius đã biên chép cuộc đời thánh Antonius như là một cuộc sống gương mẫu sáng chói của người tôi tớ Chúa; thánh Gioan Casian thành Marseille vào thế kỷ V đã thu tập tất cả các lời giáo huấn đầy khôn ngoan của các vị Tổ Phụ chiêm niệm Đông Phương và đem giới thiệu cho thế giới Đan Tu Tây Phương, v.v…!
Lòng khao khát tìm kiếm một mình Chúa, nỗ lực hoàn thiện bản thân và kiến tạo sự an bình thư thái trong Chúa cũng như thực hiện lời dạy của Thánh Tông Đồ là luôn luôn chuyên cần cầu nguyện, v.v… luôn phải sống động trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội. Ở đây chúng ta không quên nhắc tới thánh Nicolaus Flüe ở Thụy Sĩ vào thế kỷ XV. Ngài là gia trưởng thánh thiện của một gia đình mười đứa con và đã cảm thấy mình được Chúa mời gọi một cách mãnh liệt sống đời ẩn tu. Chính điều này đã khiến ngài phải khắc khoải cầu nguyện và suy nghĩ giữa tiếng gọi của Chúa sống đời ẩn tu một mình trong chốn rừng sâu xa vắng và bổn phận của một gia trưởng đối với vợ con và gia đình. Sau bao năm cầu nguyện xin Chúa soi sáng, suy nghĩ kỹ càng cẩn thận và bàn hỏi với các vị Linh Hướng và nhất là với người bạn đời trăm năm ngoan hiền đạo hạnh của ngài, để biết rõ được đâu là ý Chúa, đâu là nguyện vọng cá nhân của mình và đâu là sự vẽ vời của óc tưởng tượng hay cả mưu mô thâm độc của ma quỷ, thánh nhân đã được các giáo quyền sở tại và nhất là được người bạn trăm năm cũng như cả gia đình khuyên nên đáp lại tiếng Chúa kêu mời! Và Nicolaus đã rũ bỏ tất cả để ra đi vào chốn thanh vắng, sống trong một cái túp lều bằng gỗ khoảng ba thước vuông giữa khu rừng bạt ngàn giá buốt thấu tận xương tủy, nhất là khi mùa đông về, và hằng ngày trong vòng trên dưới bốn mươi năm trời Nicolaus chỉ rước lễ, chứ không ăn uống gì cả. Và ngài thực sự đã trở thành một vị đại thánh khổ tu chiêm niệm và là người cha già của dân tộc Thụy Sĩ không phân biệt tôn giáo.
Và trong lịch sử Giáo Hội, con đường nên thánh bằng đời sống cầu nguyện chiêm niệm trong thanh vắng của thánh Nicolaus Flüe chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn trường hợp mà các Kitô hữu đã hiện thực.
Nói cách khác, đời sống chiêm niệm trong thanh vắng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng bất khả thay thế trong lòng Giáo Hội, vì chính từ đời sống trong thanh vắng chiêm niệm, trong sự thân giao với Chúa qua kinh nguyện hằng ngày của các Đan Sĩ, sự thánh thiện của Giáo Hội càng trở nên rực rỡ hơn, càng trở nên hấp dẫn và có sức thuyết phục hơn đối với người đời.
Cuộc sống Đan Tu cộng đoàn
Qua những dòng trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng các vị Ẩn Tu đã đóng một vai trò quan trọng mang tính chất quyết định vào thời khởi đầu lối sống Đan Tu trong Giáo Hội và ngay trong Tu Luật Thánh Biển Đức hình ảnh các vị Ẩn Tu vẫn còn được xem như là lý tưởng hấp dẫn cho những tâm hồn muốn tìm kiếm Chúa trong thanh vắng.
Tuy nhiên, để bảo đảm cho lý tưởng chiêm niệm và cầu nguyện trong thanh vắng của mình được trung thực và bền vững, chứ không bị ma quỷ lừa dối và sống theo ý riêng mình, thì theo thánh Tổ Phụ Biển Đức người ta cần phải sống chung trong một cộng đoàn Đan Tu, giữa những anh em cùng đồng chí hướng chiêm tu với nhau. Vâng, các Đan Sĩ sẽ sống và hiện thực lý tưởng chiêm niệm Kitô giáo của mình ngay trong lòng cộng đoàn Đan Tu, nơi có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô, vì Người đã khẳng định: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ“ (Mt 18,20). Vì thế, thánh Pachomius, một môn sinh thánh thiện của thánh Antonius và là người đầu tiên sáng lập đời sống Đan Tu cộng đoàn, đã cảm nhận được từ căn lều ẩn tu của ngài lời nhắn nhủ: “Con hãy đi và nhóm họp các bạn trẻ lại, và dạy cho họ con đường sống.”(4) Và vì thế, đã bắt đầu phát sinh hình thức sống Coenobium, hình thức sống chung thành cộng đoàn của các Đan Sĩ trong Đan Viện. Ngược lại với cuộc sống theo ý riêng mình, thì cuộc sống chung với những luật lệ nghiêm nhặt của Đan Viện sẽ mang lại cho cuộc sống các Đan Sĩ ý nghĩa và sự quân bình. Đó là luật lệ của lao động và cầu nguyện, của ăn uống và chay tịnh, cũng như của đức vâng lời.
Thánh Basilius chọn cuộc sống Đan Tu trong vùng đất thuộc văn hóa Hy Lạp và ngài đã đề cao giá trị nội tại của đời sống Đan Tu cộng đoàn và đã so sánh Cộng Đoàn các Đan Sĩ như thân mình mầu nhiệm Đức Kitô mà mỗi Đan Sĩ là một bộ phận, là một phần của thân thể đó. Như vậy, gương sống chung của các Cộng Đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Họ chỉ còn một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng nữa, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”(Cv 4,32) đã trở thành mẫu mực sống lý tưởng cho các Đan Sĩ và đó cũng là điều được ghi rõ trong các Luật Dòng.
Để bảo đảm và duy trì đời sống chung trong Cộng Đoàn, các Đan Sĩ phải xây dựng các nhà cửa cần thiết cho các sinh hoạt chiêm tu „Ora et Labora“ của mình và được gọi là „Nhà Dòng“, „Nhà Chúa“ hay là „Nhà Cầu Nguyện“. Vì theo truyền thống các Đan Viện chiêm niệm, thì các nhà cửa trong Đan Viện được xây nối liền với nhau thành hình vuông: Nhà Thờ, nhà làm việc, nhà cơm và nhà ngủ nghỉ. Đó là hình ảnh biểu tượng chính đời sống của mỗi người Đan Sĩ: Cầu nguyện, làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi, và tất cả chỉ nhằm mục đích duy nhất là đi tìm kiếm và phụng sự một mình Thiên Chúa trong thanh vắng chiêm niệm. Một cuộc sống hoàn toàn quân bình và hợp lý.
Chốn vĩnh cư của các Đan Sĩ
Trong các vị Tổ Phụ, những bậc Thầy dạy đời sống Đan Tu, người ta phải kể đặc biệt đến danh tính Thánh Phụ Biển Đức thành Nursia, qua đời vào khoảng 547. Ngài là người đầu tiên đã khẳng định một cách đầy xác tín rằng Đan Viện là chốn vĩnh cư, là nơi cư trú thuận tiện nhất cho những ai thật lòng đi tìm kiếm phụng sự Chúa trong thanh vắng chiêm niệm. Vâng, đời sống chung trong Cộng Đoàn Đan Viện là sự chọn lựa hàng đầu của Thánh Phụ Biển Đức, vị Thầy dạy đường nhân đức dày kinh nghiệm.
Vào thời thánh Biển Đức, phong trào Đan Tu chiêm niệm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự giao động mạnh do trào lưu di cư thay đổi chỗ ở của dân chúng và kết quả là đã gây nên ảnh hưởng tâm lý không nhỏ nơi một số các vị Ẩn Tu, khiến họ bị hoang mang giao động và dần dà sống sai lệch lý tưởng chiêm niệm của mình và chủ trương sống lang thang lưu động nay đây mai đó, theo trào lưu di cư của dân chúng. Trước tình trạng lý tưởng chiêm niệm xuống dốc và biến thể như thế, thánh Biển Đức đã đề cao và chủ trương sống đời sống chiêm niệm chung trong Cộng đoàn Đan Tu. Thánh nhân đã khắt khe phê bình lối sống “chiêm niệm lưu động” của một số Đan Sĩ thời bấy giờ, những người không bao giờ muốn sống vĩnh cư tại một nơi chốn, không bao giờ chịu sống trung thành gắn bó với một Cộng Đoàn nhất định nào cả. Bởi vậy, thánh nhân muốn các Đan Sĩ của ngài, sau khi đã trải qua bao thử thách cần thiết trong một Đan Viện và đã tìm hiểu rõ ràng đầy đủ đời sống của một Đan Sĩ, phải tuyên hứa lời khấn “Vĩnh Cư”, tức luôn trung kiên bền bỉ với cộng đoàn Đan Tu của mình.
Từ đó Đan Viện trở thành dấu chỉ chống lại tất cả mọi bất an trong tâm hồn, chống lại tất cả những khuynh hướng tự nhiên của con người là “thích thì ở, dở thì bỏ đi”, vâng, một khi phải đối mặt với những khó khăn thử thách và gian nan trái ý trong cuộc sống Đan Tu, thì tìm cách cuốn gói ra đi, tìm cách thay đổi hết chỗ này sang chỗ kia.
Thực ra, theo tâm lý tự nhiên, nếu trong đời thường chúng ta càng có được nhiều điều kiện sống, càng có được nhiều sự tự do lựa chọn theo ước vọng của mình, thì chúng ta càng phải chín chắn và trưởng thành trong sự nhận thức hơn, càng phải có sự xác quyết chắc chắn hơn, v.v…, và những điều đó phải được phát xuất từ sự tự nguyện gắn bó với cộng đoàn Đan Viện của ta. Thánh Grêgôriô Cả đã từng tường thuật về một vị Ẩn Tu đã tự xiềng chân mình vào một sợi xích sắt để nhắc nhủ mình là phải trung thành triệt để với nơi tu hành của mình, chứ không được chiều theo tính lông bông tự nhiên của một con người cứ thích nay đây mai đó. Khi nghe biết thế, thánh Phụ Biển Đức đã sai một Đan Sĩ đến với vị Ẩn Tu và nói với ngài: “Nếu thầy hoàn toàn thuộc về một mình Thiên Chúa, thì thầy không cần phải xiềng chân mình vào sợi xích sắt như thế, nhưng thầy hãy xiềng mình vào sợi xích Đức Kitô.”(5) Nghe xong những lời khuyên bảo khôn ngoan này của thánh Biển Đức, vị Ẩn Tu đã không còn xiềng chân mình vào xích sắt nữa, và tuy thế thầy vẫn không bao giờ rời khỏi túp lều của mình.
Thánh Phụ Biển Đức chỉ muốn cho các Đan Sĩ của Dòng ngài luôn trung thành bền đỗ, luôn có sự xác tín nội tâm hoàn toàn tự nguyện với Đan Viện của mình. Mục đích mà thánh nhân nhằm tới – xin xem Tu Luật thánh Biển Đức chương nói về đức khiêm nhường – là trong mọi sự người Đan Sĩ phải hành động vì tình yêu, chứ không vì sợ hãi, và sự nên thánh hằng ngày không được dừng lại trong giới hạn bổn phận bắt buộc, nhưng trở thành như bản tính nội tại của người Đan Sĩ. Dĩ nhiên, để đạt tới được mức độ đó, đương sự phải nỗ lực ra sức tập luyện mỗi ngày trong “xưởng thợ” của Đan Viện. Ngoài ra, người Đan Sĩ còn cần phải biết can đảm hy sinh nhiều thứ khác nữa, mà bản tính tự nhiên của con người thường hay ước muốn và tìm kiếm, hầu để tâm trí thầy hoàn toàn được rảnh rang, không bị ràng buộc vào bất cứ những gì thuộc hạ giới nữa, mà chỉ thẳng hướng bay về hiệp nhất với Thiên Chúa trong tâm tình cầu nguyện chiêm niệm đầy sâu lắng và luôn nỗ lực thực thi thánh ý Người.
Vâng, chính nhờ vào sự trung thành bền vững vĩnh cư trong một nơi chốn nhất định, trong Đan Viện, của các Đan Sĩ như thế, các Đan Viện trong Giáo Hội trở thành dấu chỉ của chốn vĩnh cư lý tưởng, trở thành dấu chỉ của sự bền bỉ trung thành sống Lời Chúa của các tâm hồn muốn tìm kiếm Chúa trong một thế giới đầy ồn ào giao động về mọi lãnh vực.
Lm JB. Nguyễn Hữu Thy
_____________
_____________
Chú thích
1. Franz Xaver Sieber: Jesus Christus der wahre lebendige in die ewigen Lichtwohnungen führende Lichtern – Ein Lehr- und Gebetbuch für Katholische Christen. Augsburg 1845, Verlag Anton Herzog, trang 585, IV.
2. Die Mönche in der Wüste | Fokolar-Bewegung
www.focolare.org/de/news/2015/.../i-monaci-del-deserto/
3. Hans-Günther Kaufmann & Odilo Lechner: Kraft der Stille, München 2001, Verlag Pattloch, trang 8.
4. Sách đã trích dẫn, trang 9.
5. Sách đã trích dẫn, trang 10.
1. Franz Xaver Sieber: Jesus Christus der wahre lebendige in die ewigen Lichtwohnungen führende Lichtern – Ein Lehr- und Gebetbuch für Katholische Christen. Augsburg 1845, Verlag Anton Herzog, trang 585, IV.
2. Die Mönche in der Wüste | Fokolar-Bewegung
www.focolare.org/de/news/2015/.../i-monaci-del-deserto/
3. Hans-Günther Kaufmann & Odilo Lechner: Kraft der Stille, München 2001, Verlag Pattloch, trang 8.
4. Sách đã trích dẫn, trang 9.
5. Sách đã trích dẫn, trang 10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét