Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

10-12-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG năm B

10/12/2017
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm B
(phần I)


BÀI ĐỌC I: Is 40, 1-5. 9-11
"Hãy dọn đường Chúa".
Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi.

Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán.

Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ. Đó là lời Chúa.


ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Đáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Đáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Pr 3, 8-14
"Chúng ta mong đợi trời mới đất mới".
Trích thơ thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, có một điều anh em không thể không biết là một ngày đối với Chúa như ngàn năm, và ngàn năm như một ngày. Không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa của Người, như có vài người lầm tưởng, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối. Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Trong ngày đó, các tầng trời qua đi trong những tiếng rung chuyển mạnh, ngũ hành đều cháy tiêu tan, trái đất cùng mọi công trình kiến tạo đều bị thiêu huỷ.

Vì mọi vật ấy tiêu tan đi, nên anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao, khi anh em mong chờ và thôi thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 1-8
"Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khởi đầu Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Đây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".

Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan.

Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: "Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần". Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Tiếng Kêu
Ðiểm nổi bật trong các bài đọc hôm nay là tiếng kêu. Khi một âm thanh vang động, thì tiếng ấy phải phát xuất từ đâu, muốn nói gì và cho ai? Tiếng kếu chúng ta nghe hôm nay phát xuất từ Thiên Chúa qua Yoan Tiền hô loan báo cho ta một sứ điệp: "Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước để dọn đường cho con". Sứ giả Yoan chính là tiếng kêu trong sa mạc: "Hãy dọn đường cho Chúa, chỗ quanh co hãy uốn lại cho ngay thẳng" (Mc 1,1-3).

1. Tiếng Kêu Của Chúa
Từ ngày xưa cũng như bây giờ, Thiên Chúa vẫn làm phát xuất những tiếng kêu: qua các ngôn sứ, qua tiếng lương tâm và qua cả những trạng huống của đời sống con người. Những tiếng kêu bi thiết trầm thống của mọi thời đại đã vang tới Chúa. Phải chăng chỉ vì vậy mà Chúa mới nhắn bảo các sứ ngôn: "Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta. Hãy nói cho Yêrusalem biết rằng: nó không còn phải mang kiếp tôi đòi nữa và tội lỗi của nói đã được tha" (Is 40,2-2).
Vì thế tiếng kêu của Chúa là một tiếng kêu đặc biệt. Thông thường khi nói tới tiếng kêu, chúng ta quen nghĩ tới kêu cứu, kêu gọi, kêu cầu: kêu cứu vì mình đang lâm nguy; kêu cầu để van xin giúp đỡ; kêu gọi để nhắc bảo phải làm một cái gì. Tiếng kêu của Chúa không hàm nghĩa kêu cứu và kêu cầu, mà chỉ ngụ ý kêu gọi.

2. Chúa Kêu Gọi Ta Làm Gì?
Ðể lay động thức tỉnh ta, bắt ta chú ý và chuẩn bị đón nhận một sứ điệp. Tiếng kêu của Yoan tiền hô giữa nơi hoang vắng tiên vàn cũng đánh thức, gây chú ý và quy tụ dân chúng để nghe ông nói.
Sứ điệp của ông cũng tương tự như những điều ngôn sứ trong sách Ðệ nhị Isaia đã nói với dân Dothái vào thế kỷ VI, sau khi họ vừa thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babylon.
Chúa đã thẳng tay trừng trị Yêrusalem, nhưng giờ đây họ không còn phải làm nô lệ nữa, và tội lỗi của họ đã được tha thứ.
Phải dọn đường cho Chúa trong sa mạc. Chỗ gập ghềnh khúc khuỷu hãy uốn lại cho ngay.
Mọi người sẽ được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa, vì Người đến với đầy vẻ lẫm liệt oai phong.
Người lãnh đạo dân mình như mục tử chăn dắt đoàn chiên (Is 40,1-5.9-11).
Những năm tháng lưu đày đã giúp họ hồi tâm lại và nhận thức lý do đem tới đau khổ là chính tội lỗi của họ (Is 7,25-28). Từ đó nhóm dậy trong lòng họ những tâm tình sám hối, dẫn đến quyết định dứt khoát với tội lỗi.
Khi làm như thế là họ sửa sang đường lối trong tâm hồn cho ngay thẳng để đón tiếp vinh quang Chúa đến. Ðó chính là điều các ngôn sứ nhắm, khi các ngài gióng lên tiếng kêu.

3. Tiếng Kêu Của Yoan Gây Nên Âm Hưởng Nào Ðối Với Người Do Thái Ðương Thời?
Chắc chắn, tiếng kêu ấy đã khiến họ ngỡ ngàng, băn khoăn và làm cho họ như phải đối diện với một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội (Lc 3,7-14). Họ đã chịu phép rửa sám hối, xin ơn tha tội để dọn tâm hồn tiếp nhận Ðức Kitô.
Còn đối với chúng ta hôm nay thì sao?
Sứ điệp của sách Ðệ nhị Isaia và của Yoan tiền hô vẫn thúc bách chúng ta dọn đường cho Chúa trong sa mạc, nhưng là để đón Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Quả vậy, kinh nghiệm sa mạc của người Dothái trong biến cố Xuất hành khỏi Aicập hướng về Ðất Hứa và trên đường hồi cư từ Babylon trở về Quê Hương vẫn mang một giá trị hiện thực cho cuộc sống chúng ta hôm nay. Sa mạc trong lịch sử cứu độ mang những ý nghĩa thần học sâu xa. Chính trong sa mạc con người chịu thử thách và phải chiến đấu để trung thành với Giao ước; cũng chính trong sa mạc, con người được thanh luyện tinh tuyền để xứng đáng với Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ ân tình. Giáo hội hôm nay cũng phải trải qua kinh nghiệm sa mạc bằng cuộc sống chiến đấu và thử thách để minh chứng lòng trung thành với ơn gọi Kitô hữu của mình và để tự thanh luyện xứng đáng gặp lại Ðức Kitô đến thiết lập Trời mới Ðất mới (2P 3,13).

4. Phải Chăng Trời Mới Ðất Mới Chỉ Hình Thành Trong Thời Viễn Lai?
Ngay từ bây giờ Trời mới Ðất mới xuất hiện khi mỗi người thi hành sứ điệp dọn đường cho Chúa và biến cõi đời này thành nơi đáng sống hơn. Ở đó mỗi ngày một bớt dần những cảnh bất công tàn ác; ở đó nhân phẩm được kính trọng và các quyền lợi căn bản của con người được bảo đảm; và nhất là ở đó mọi người được hòa giải với Thiên Chúa và với anh em đồng loại. Như thế, vinh quang Thiên Chúa đang xuất hiện giữa thế giới loài người, vì theo thánh Irênê: "Con người là vinh quang của Thiên Chúa". Chúng ta không ngừng xây dựng Trời mới Ðất mới để tiến tới ngày viên mãn rực rỡ lúc mà Ðức Kitô trở lại hoàn tất lịch sử cứu độ, thu hồi vạn vật về một mối (Ep 1,10) và trao phó vương quyền cho Thiên Chúa Cha, để Người trở nên mọi sự trong mọi người. (1Co 15,28).
Ðó là viễn tượng giúp ta hiểu đúng câu nói của thánh Phêrô trong bài đọc thứ 2: "Ngày đó, các tầng trời sẽ sụp đổ tan tành, lửa, nước, ánh sáng, gió, mây đều cháy tiêu tan, và trái đất với tất cả mọi công trình xây dựng của con người đều bị thiêu đốt" (2P 3,10). Câu đó có nghĩa là chính Ðức Kitô sẽ dùng năng lực Thánh Thần và lửa tình yêu nung nấu tất cả, để siêu thăng và biến đổi chúng nên rực rỡ tốt đẹp cách nhiệm mầu chứ không hủy diệt chúng. Ðó sẽ là cuộc biến hình hoàn vũ, mà cuộc biến hình trên núi Tabo là dấu chỉ và khởi đầu.
Tiếng kêu của Yoan vọng lại tiếng kêu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, đang gọi ta đứng dậy, ngước mắt nhìn lên và hướng về tương lai. Viễn tượng Chúa đến trong vinh quang đem lại cho ta niềm tin, phấn khởi trong cuộc hành trình qua sa mạc của đời sống hiện tại.
Vì thế, tiếng kêu của vị tiền hô là một tiếng kêu mang đầy Hy Vọng và Niềm Vui.

Bài Giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B:
Chúa nhật hôm nay có thể gọi được là Chúa nhật của vị Tiền Hô, của Yoan Tẩy giả, của "tiếng kêu" dọn đường Chúa đến, và như thế là Chúa nhật của niềm trông đợi chứa chan hy vọng.
Chúng ta ngày nay, xét về mặt xã hội, không còn như Israel ngày xưa. Dân Chúa bấy giờ đang lầm than trong cảnh nô lệ lưu vong. Nhưng xét về nhiều phương diện khác, đời người luôn luôn có những khổ sở. Và chẳng bao giờ nhân loại thấy đã thoát khỏi lầm than, đau đớn... Luôn luôn chúng ta có một số vấn đề không làm đau khổ thể xác thì cũng làm khắc khoải tâm hồn. Và cái khổ là bao giờ những khó khăn hiện tại đối với tâm lý, cũng vẫn là những gò bó khó chịu nhất mà chúng ta muốn cựa quậy, giũ đi cho bằng hết. Trong hoàn cảnh đó tiếng kêu của vị Tiền hô đang muốn khơi lại niềm tin hun đúc niềm cậy, để mọi người chúng ta tìm lại được tinh thần chứa chan hy vọng do Tin Mừng cứu độ mang tới.
Yoan không bịa ra những nguồn tin giả dối, trần tục, vô căn cứ và miễn cho ta những nỗ lực chính đáng. Chính ông cũng không tự xưng là người sẽ giải thoát anh em. Ông chỉ cho chúng ta thấy Ðấng Cứu thế đích thực, là Ðức Yêsu Kitô. Nói đúng hơn, khi rao giảng, ông bảo mọi người hãy trông cậy vào Ðấng sẽ đến sau, Ðấng chưa ai thấy, nhưng chắc chắn sẽ đến mà ông chẳng đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Yoan không nói viển vông. Ðặt niềm tin ở Sách Thánh, căn cứ vào mạc khải của Thiên Chúa, Yoan khẳng định Ðấng Cứu thế không phải là phàm nhân, không hành động như các vĩ nhân trong lịch sử. Ngài đến chăn dắt đoàn chiên mình như mục tử; Ngài ẵm chiên con trên cánh tay; ôm ấp chúng vào lòng và nhẹ tay dẫn dắt các chiên mẹ.
Ðấng Cứu thế chúng ta trông đợi là như thế. Ngài không có những toan tính trần gian. Ngài là một mục tử hiền lành săn sóc từng con chiên và cả đoàn chiên. Vì thế, chúng ta hãy trút bỏ não trạng trần tục khi khắc khoải đợi chờ Ðức Kitô trở lại. Trong bất cứ thử thách nào Ðấng Cứu chuộc chúng ta vẫn là Chúa, vì chỉ có Ngài mới đáp ứng được niềm trông cậy của ta.
Niềm trông cậy ấy tạo nên ở nơi ta một thái độ, một tác phong, một nếp sống đặc biệt. Khi người ta ao ước những sự hão huyền hay chờ đợi những giải pháp trần tục, thường người ta dành công việc cứu thế cho người khác; còn chính bản thân người ta chỉ thụ động ỷ lại và biếng nhác. Ngược lại, khi rao giảng Ðấng Cứu thế là ai, thì Yoan cũng vạch ra cho mỗi người con đường phải sửa soạn có thể tiếp một vị cứu tinh như thế. Người sẽ rửa ta trong Thánh Thần. Người sẽ thánh hóa tất cả những ai sẵn sàng. Thế nên hết mọi người phải ăn năn thống hối, phải thú tội và sửa lại đường lối xưa nay. Không còn được sống quanh co, lúc thế này khi thế khác. Phải trước sau như một, thi hành một đòi hỏi của sự thánh thiện. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình người và lòng bác ái cứu độ của Ðức Kitô đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn và chúng ta mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa trải rộng trên khắp mặt địa cầu.
Không những rao giảng, Yoan còn sống cuộc đời sám hối. Ông ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông mặc áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da thú. Ông sống như các thánh nhân thời bấy giờ: không quan tâm đến việc trang điểm bằng các sản phẩm mỹ nghệ, không ăn dùng như những người tưởng chỉ có các thú vui ở đời này. Ngược lại, ông thấy hạnh phúc trong nếp sống gần thiên nhiên, thấy thiên nhiên như tiếng gọi trở về đời sống chất phác và chân thật. Ông coi cuộc đời phù phiếm như đã qua, và trông đợi Trời mới và Ðất mới trong đó có công lý sẽ ngự trị.
Tất cả chúng ta không đang được kêu gọi đi vào một nếp sống cụ thể như thế sao? Cả một lối sống phù phiếm như đã qua rồi. Những giờ lao động tiếp xúc với thiên nhiên như đang khiến ta có một nhân-sinh-quan mới: chân thật và đơn sơ hơn. Nhiều nhân đức Phúc Âm như đang có cơ hội được thực thi dễ dàng hơn trước. Chúng ta phải bắt lấy thời cơ, nhờ ơn từ trời xuống, giúp nhau sám hối và đổi đời. Làm được như vậy, là đang san phẳng đường đi cho Chúa đến. Nói đúng hơn, Thánh Thần Chúa ở trong ta đang muốn dùng ta để thay đổi mặt đất này cho công lý ngự trị.
Thánh Thể mà chúng ta cử hành bây giờ cũng chỉ muốn thực hiện những điều đó. Ðức Kitô cứu thế mời ta góp phần đời sống sám hối canh tân của chúng ta vào mầu nhiệm Tử nạn của Người, để ơn Phục sinh của Người tràn vào tâm hồn và đời sống chúng ta, dùng nếp sống đổi mới hằng ngày của ta, canh cải mặt đất này tạo nên một Trời mới Ðất mới cho tất cả mọi người.
Xin anh em hãy hết mình đi vào mầu nhiệm bàn thờ với những tâm tư quyết liệt như thế.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật II Mùa Vọng, Năm B
Bài đọcIsa 40:1-5, 9-11; II Pet 3:8-14; Mk 1:1-8

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa.

  Thông điệp chính của Chủ Nhật I Mùa Vọng là nhìn lại cuộc đời mỗi người để nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời. Thông điệp chính của Chủ Nhật này, tuần II Mùa Vọng: Phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa, để dọn đường cho Chúa vào nhà của mỗi người. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah đòi dân Do-Thái điều mà tác giả một bài hát Mùa Vọng của Việt Nam sắp xếp lại cho dễ nhớ: “quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.” Trong Bài đọc II, Thánh Phêrô đòi các tín hữu: “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả lặp lại lời Tiên Tri Isaiah: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa an ủi dân Người.
Bài đọc hôm nay, bắt đầu chương 40, là phần giới thiệu của Sách thứ hai của Tiên Tri Isaiah. Sách này được viết trong Thời Lưu Đày (721-538 BC). Lưu đày nơi xứ lạ quê người, dân Do-Thái phải đương đầu với nhiều đau khổ, và có nguy hiểm đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa.
1.1/ Tin Mừng được loan báo: Thiên Chúa, mặc dù phải sửa phạt để thanh luyện dân, vẫn không ngừng theo dõi và quan tâm đến cuộc sống của họ. Ngài sai các tiên tri đến để sống với, an ủi, và khích lệ dân đừng đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, như Tiên Tri Isaiah nói: Thiên Chúa anh em phán: "Hãy an ủi, an ủi dân Ta. Hãy ngọt ngào khuyên bảo Jerusalem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm." Qua những lời an ủi này, Tiên Tri muốn nói với dân: Chúa sửa phạt vì muốn cho họ trở nên tốt, chứ không phải vì ghét bỏ và muốn tiêu diệt họ.
1.2/ Chuẩn bị đường cho Chúa tới: Thời gian Lưu Đày được ví như thời gian mà Môsê hướng dẫn dân suốt 40 năm trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Thời gian này cần vì nó giúp dân thanh tẩy những thói hư tật xấu: càm ràm, than trách, so đo, mê ăn uống, vô ơn, thờ bụt thần.
Cũng thế, trước khi Thiên Chúa phóng thích dân khỏi lưu đày và cho hồi hương để kiến thiết xứ sở, Ngài đòi dân phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tính hư tật xấu, tượng trưng bằng hình ảnh chuẩn bị “một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.” Tiên Tri đưa ra cách cho dân lưu đày cần phải chuẩn bị:
- Quanh co uốn cho ngay: cần dẹp bỏ những mưu mẹo gian manh để đánh lừa người khác.
- Gồ ghề san cho phẳng: cần san phẳng những ghen ghét, tị hiềm, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian.
- Hố sâu lấp cho đầy: cần lấp đầy những lòng tham không đáy về những sự thế gian: tiền của, uy quyền, danh vọng, thỏa mãn xác thịt.
- Núi đồi phải bạt xuống: những kiêu ngạo khinh thường Thiên Chúa và tha nhân phải bạt xuống; đồng thời biết khiêm nhường thực thi những lời Chúa dạy bảo qua các tiên tri.
1.3/ Thiên Chúa sẽ viếng thăm Dân Ngài: Sau khi con người đã thanh tẩy tâm hồn, “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người sẽ cùng được thấy miệng Đức Chúa đã tuyên phán." Điều Tiên Tri nhìn thấy trước ở đây không phải chỉ là Ngày dân Do-Thái được giải phóng, hồi hương; nhưng còn là Ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện và dạy dỗ họ.
Tiên Tri nói về Đấng Cứu Thế như sau: “Kìa Thiên Chúa các ngươi! Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.” Đấng Cứu Thế sẽ lập nhiều chiến công hiển hách; tất cả những chiến công Người đạt được, dân chúng sẽ được hưởng những chiến công này.
Tiên Tri nói tiếp: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” Đấng Cứu Thế không những là Vua, Người còn là Mục Tử Nhân Lành. Người sẽ tận tình dẫn dắt cả chiên mẹ và chiên con. Đây là hình ảnh Đức Kitô khi Người tuyên xưng: “Ta là Mục Tử Nhân Lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Jn 10:14).

2/ Bài đọc II: Phải kiên nhẫn chờ đợi!

2.1/ Điều Chúa hứa chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng phải kiên nhẫn chờ đợi: Các tín hữu tiên khởi cũng hiểu sai về Ngày của Thiên Chúa. Họ tưởng Ngày Chúa đến lần hai sẽ xảy ra ngay trong thời đại của họ; nhưng khi thấy chờ mãi không xảy ra, họ chán nản và nhiều người quay về nếp sống cũ. Cả hai Thánh Phêrô và Phaolô (Thư gởi các tín hữu Thessalonica) cùng khuyên dân phải kiên nhẫn đợi chờ. Các Ngài cắt nghĩa các lý do như sau:
(1) Thời gian của Thiên Chúa khác với thời gian của con người: Thánh Phêrô nói: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ.”
(2) Lý do tại sao phải tỉnh thức chờ đợi: Ngày của Chúa chưa tới, vì:
- Chúa muốn mọi người đều có cơ hội ăn năn: “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải.”
- Sự bất ngờ của Ngày Chúa đến: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.”
2.2/ Phải chuẩn bị xứng đáng để đón nhận Chúa: Cũng một tư tưởng như Tiên Tri Isaiah trong Bài đọc I và Marco trong Phúc Âm, Thánh Phêrô khuyên các tín hữu trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến, họ phải sống đạo đức, công chính, và thánh thiện tinh tuyền: “Anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” Nếu không chuẩn bị, họ sẽ phải chung số phận với sự tiêu tan của vũ trụ: “Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng.”

3/ Phúc Âm: Tin Mừng được loan báo.
3.1/ Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đức Kitô: Bắt đầu từ hôm nay, Tin Mừng của Marco sẽ được dùng trong suốt Năm Phụng Vụ B. Thánh Marco mở đầu Tin Mừng của ngài bằng câu: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.”
(1) Tin Mừng và người loan báo Tin Mừng: Tin Mừng là chính Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa. Người loan báo Tin Mừng có thể là chính Đức Kitô, khi Người mặc khải về Thiên Chúa Cha; hay các tiên tri, như Tiên Tri Isaiah trong Bài đọc I, các môn đệ của Chúa Giêsu; và ngay cả mọi tín hữu khi chúng ta rao giảng Tin Mừng.
(2) Sứ giả đi trước để dọn đường: Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ giả đi trước để dọn đường cho Đức Kitô. Chúng ta biết sau Thời Lưu Đày (538 BC) cho đến thời Đấng Cứu Thế, cả hơn 500 năm, không có một tiên tri nào trong Israel cho đến thời của Gioan Tẩy Giả, ông được coi là tiên tri sau cùng của Cựu Ước, và là tiên tri giao thời giữa Cựu và Tân Ước. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả là ứng nghiệm lời của các tiên tri đã nói về ông:
- Ứng nghiệm lời tiên tri Malachi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mal 3:1). Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, ông đi trước để dọn đường cho Đức Kitô.
- Ứng nghiệm lời tiên tri Isaiah trong Bài đọc I hôm nay: “Có tiếng hô trong sa mạc.” Tiếng hô trong sa mạc là chính Gioan Tẩy Giả. Ông Gioan sống trong sa mạc, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Cuộc sống đơn giản của Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta suy nghĩ về lối sống của người môn đệ Chúa: chúng ta có cần lệ thuộc quá nhiều vào vật chất như cuộc sống của mỗi người chúng ta hiện nay không?
(3) Sứ điệp của sứ giả dọn đường: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Sứ điệp này cũng đã được Isaiah đề cập chi tiết trong Bài đọc I.
(4) Phép Rửa để tha tội: Theo truyền thống Do-Thái, Phép Rửa này chỉ dành cho những người muốn trở lại đạo Do-Thái: người tân tòng phải chịu cắt bì – dâng của lễ đền tội – và chịu thanh tẩy bằng nước. Điểm đặc biệt trong trình thuật hôm nay, Gioan bắt ngay cả những người Do-Thái gốc cũng phải lãnh nhận Phép Rửa này: “Mọi người từ khắp miền Judah và thành Jerusalem kéo đến với ông.” Sở dĩ Gioan Tẩy Giả bắt họ cũng phải qua tiến trình này vì có những người Do-Thái chỉ có đạo trên danh nghĩa mà không thực sự biết kính sợ Thiên Chúa. Cũng như có những người Công Giáo mà không bao giờ thực hành đạo của mình.
(5) Phải thú tội trước khi làm phép rửa: “Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Jordan.” Một cuộc hóan cải đòi hối nhân phải nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, sự tốt lành của Thiên Chúa, và thành tâm thú nhận tội lỗi trước khi xứng đáng được hưởng ơn tha thứ. Tất cả những gì được mô tả trong trình thuật hôm nay, là căn bản cho thần học về 2 Bí-tích: Rửa Tội và Giao Hòa (hay Giải Tội).
3.2/ Gioan Tẩy Giả nói về Đấng Cứu Thế: một cách vắn tắt như sau:
(1): Người trổi vượt hơn tôi: Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” Một câu rao giảng cũng là một lời tuyên xưng cho mọi người biết: ông biết uy quyền cao cả của Chúa Giêsu, và đồng thời cũng biết sự hèn hạ thấp kém của mình. Ông không muốn ai lẫn lộn ông với Chúa Giêsu.
(2) Phép Rửa để tha tội và Phép Rửa ban ơn thánh: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Phép Rửa của Chúa Giêsu không chỉ tha thứ mọi tội lỗi, nhưng còn ban các ơn của Chúa Thánh Thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa. Cách chuẩn bị thích hợp nhất là xét mình để nhận ra các tội của mình đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân; sau đó phải thú nhận tội lỗi để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ.
- Chúng ta phải biết kiên nhẫn đợi chờ Ngày Chúa đến. Trong khi chờ đợi Ngày đó, chúng ta phải biết sống đạo, thực hành công chính, và giữ cho con người luôn tinh tuyền thánh thiện. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

10/12/2017
CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – B
Mc 1,1-8

SỐNG TÂM TÌNH CHỜ ĐỢI

“Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Chúa.” (Mc 1,3)

Suy niệm: Một tờ báo tại Paris vào thế kỷ 19 quảng cáo tìm người truyền giáo hải ngoại như sau: “Không lương bổng, không bảo hiểm, không tiền hưu trí, nhưng rất nhiều việc cực nhọc, một chỗ ở tồi tàn, rất ít an ủi, rất nhiều phũ phàng, đau ốm triền miên, một cái chết do bạo hành hay cô đơn và một ngôi mộ vô danh.” Cũng như các vị truyền giáo, Gio-an đã sống tất cả những khó khăn thử thách của người dọn đường cho Chúa. Ông sống đời chay tịnh, cô độc trong hoang địa đá vôi khô khốc, với cái nóng khắc nghiệt, giữa Giu-đê và Biển Chết. Ông sống khó nghèo, áo bằng da lạc đà, thức ăn đạm bạc (châu chấu và mật ong rừng). Kêu gọi người khác dọn đường, chính Gio-an đã là con đường đưa con người đến với Đức Giê-su. Mời gọi người khác sám hối, Gio-an đã sống tâm tình sám hối ấy trước.

Mời Bạn: Mỗi mùa Vọng, Gio-an Tẩy Giả đến hẹn lại lên. Mùa Vọng là mùa đợi chờ Đức Giê-su đến lần thứ hai. Gio-an chính là người giúp ta sống tâm tình chờ đợi tuyệt vời hơn cả, vì nơi ông, lối sống đi đôi với lời loan báo, hành động sánh vai với ý hướng. Đặc biệt hơn, ông không hướng người ta về với mình, nhưng chỉ dẫn họ đến với Chúa. Để là người giới thiệu Chúa cho người lân cận, bạn hãy sống như Gio-an.

Chia sẻ: Tại sao ông Gio-an Tẩy Giả có sức lôi cuốn với người đương thời?

Sống Lời Chúa: Xét xem trong lối sống của tôi lãnh vực nào lời nói và việc làm, hành động và ý hướng đang đối chọi nhau, và tìm cách sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con nỗ lực để dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn, gia đình, đoàn thể chúng con trong mùa Vọng.
(5 phút Lời Chúa)


NGƯỜI DN ĐƯỜNG (10.12.2017 – Chúa nht 2 Mùa Vng, Năm B)
Ơn gi Kitô hu đòi chúng ta dám li ngược dòng vi thế gian, dám sng mt cách khác thường trong chính cuc sng bình thường ca ta.


Suy nim:
Ðể chuẩn bị cho Con của Ngài đến trần gian,
Thiên Chúa cần nhiều người dọn đường trong dòng lịch sử.
Người nổi bật nhất là Gioan.
Gioan là nhịp cầu thân thương
để Ðức Kitô đến gặp dân Ngài,
và để dân Ngài đón nhận Ðức Kitô cứu thế.
Ông đã quen biết cả đôi bên
và ông hạnh phúc được làm người phù rể
cho đám cưới giữa Ðức Kitô và dân được chọn.
Thời nào Thiên Chúa cũng cần những sứ giả,
những người dọn đường, những Gioan mới.
Ðó là sự khiêm tốn muôn thuở của Thiên Chúa,
Ngài chẳng bao giờ đường đột đến với con người.
Hôm nay, Ðức Kitô muốn đi vào thế giới của bạn:
đất nước, gia đình, trường học, nơi làm việc, bạn bè...
Ngài cần bạn làm người giới thiệu.
Nhờ bạn, Tin Mừng được khởi đầu nơi một ai đó,
như xưa Tin Mừng đã được khởi đầu nhờ Gioan.
Chúng ta cần ngắm nhìn lối sống của Gioan.
Ông sống độc thân trong hoang địa,
ăn châu chấu và mật ong rừng,
mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da.
Lối sống khắc khổ ấy đã trở nên một dấu hỏi.
Gioan đã chọn lối sống phù hợp với lời ông giảng.
Ông kêu gọi mọi người dọn tâm hồn
để đón Ðấng quyền thế hơn ông,
thì chính ông đã sống như con đường thẳng.
Ông mời gọi người ta sám hối,
thì chính đời ông đã mang nét sám hối rồi.
Bởi thế tiếng gọi của ông có sức thu hút mãnh liệt.
Biết bao người từ khắp nơi kéo đến với ông,
để khiêm tốn thú tội và chịu phép rửa,
nhằm chuẩn bị đón Ðấng Mêsia sắp đến.
Chúng ta không thể vào hoang địa như Gioan,
cũng không thể ăn mặc như ông.
nhưng chắc chắn để làm chứng cho Ðức Kitô hôm nay,
chúng ta không thể sống y như mọi người.
Lắm khi chúng ta phải từ khước
một cuộc sống dễ dãi, tiện nghi, thoải mái,
để tìm kiếm một cái gì sâu xa hơn, ý nghĩa hơn.
Không phải chúng ta thích lập dị,
nhưng ơn gọi Kitô hữu
đòi chúng ta dám lội ngược dòng với thế gian,
dám sống một cách khác thường
trong chính cuộc sống bình thường của ta.
Làm sao chúng ta có sức thu hút như Gioan
để đưa con người hôm nay đến gặp Chúa?
Chúng ta phải thay đổi lối sống mình như thế nào,
để người ta tin được lời chúng ta rao giảng?
Ðức Kitô hôm nay
vẫn cần những người dọn đường tuyệt vời như Gioan.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG MƯỜI HAI
Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm
‘Vô Nhiễm’ không duy chỉ có nghĩa rằng Đức Maria đã được dành cho một chỗ đặc biệt trên tất cả số còn lại của chúng ta. ‘Vô Nhiễm’ cũng không có phải là Mẹ được tách ra khỏi tất cả chúng ta – là những kẻ phải chịu di lụy của tội nguyên tổ.
Phải nói hoàn toàn ngược lại mới đúng. Mẹ đứng ở giữa cuộc chiến thiêng liêng chống lại Vua của Tối Tăm và Cha của Dối Trá – là kẻ thù của người phụ nữ và miêu duệ người phụ nữ.
Qua Sách Sáng Thế, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm với tất cả sự thật của việc Mẹ được tuyển chọn. Chúng ta có thể nhìn thấy Mẹ ở tột đỉnh của mối thù ấy: dưới chân Thập Giá Chúa Kitô trên đồi Canvê. Chính ở đó mà ‘Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi cố cắn gót chân Người’. Trả giá bằng chính mạng sống mình, Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự chiến thắng trên Satan, trên tội lỗi và sự chết.


Hạnh Các Thánh
10 Tháng Mười Hai

Chân Phước Honoratus Kosminski
(1829 - 1916)


Ngài sinh ở Biala Podlaska (Ba Lan), và học về kiến trúc tại trường Nghệ Thuật ở Warsaw. Khi Wenceslau lên 16 tuổi thì mồ côi cha. Vì bị tình nghi là có tham gia trong nhóm phản loạn, ngài bị bắt và bị cầm tù từ tháng Tư 1846 đến tháng Ba năm sau. Năm 1848, ngài gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Honoratus Kosminski. Năm 1855 ngài giúp Chân Phước Mary Angela Truszkowska thành lập dòng Nữ Tu Felix.
Năm 1860, Cha Honoratus làm giám đốc một tu viện ở Warsaw. Ngài dành mọi nỗ lực trong việc rao giảng, hướng dẫn tinh thần các đệ tử sinh và giải tội. Ngoài ra ngài còn làm việc không biết mệt cho dòng Ba Phanxicô.
Cuộc cách mạng năm 1864, nhằm lật đổ Nga hoàng Alexander III, đã bất thành đưa đến việc đàn áp các dòng tu ở Ba Lan. Các tu sĩ Capuchin bị đẩy ra khỏi Warsaw và buộc phải sống ở Zakroczym, là nơi Cha Honoratus tiếp tục sứ vụ của ngài và thành lập 16 tu hội nam cũng như nữ, mà các thành viên không phải mặc áo tu sĩ cũng như không phải sống trong khuôn viên của tu hội. Họ sinh hoạt giống như các tổ chức dòng ba bây giờ. Cho đến nay, vẫn còn mười bảy tu hội ấy hoạt động.
Các văn bản của Cha Honoratus thì vô số kể: 42 tập bài giảng, 21 tập thư tín và 52 ấn bản thần học về sự khổ hạnh, sự sùng kính Ðức Maria, về lịch sử, về mục vụ -- chưa kể các thư từ ngài viết cho các tu hội mà ngài sáng lập.
Vào năm 1906, một vài giám mục tìm cách đưa các tu hội ấy dưới thẩm quyền của họ; Cha Honoratus chống lại quyết định đó để bảo vệ sự độc lập của các tu hội, và ngài bị cách chức giám đốc vào năm 1908. Sau đó, ngài khuyên các thành viên của các tu hội hãy vâng phục quyết định của Giáo Hội dù tương lai có ra sao.
Một người đương thời với ngài cho biết, Cha Honoratus "luôn luôn bước đi trong con đường của Thiên Chúa." Vào năm 1895, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Ðại Diện cho các tu sĩ Capuchin ở Ba Lan.
Ngài được phong chân phước năm 1988.

Lời Bàn
Chân Phước Honoratus đã làm việc hăng say để phục vụ Giáo Hội, một phần qua việc thiết lập các tu hội nhằm đáp ứng với hoàn cảnh đặc biệt của Ba Lan thời bấy giờ. Ngài đã có thể rút lui một cách cay đắng và oán hờn khi đường hướng các tu hội ấy bị tước đoạt khỏi tầm tay; nhưng ngài đã coi đó là những "niềm vui tuyệt đối." Ngài khuyên các thành viên hãy sẵn sàng và vui vẻ vâng phục, đem khả năng của mình để phục vụ Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.

Lời Trích
Khi Giáo Hội lấy đi quyền điều khiển các tu hội của ngài và thay đổi đường hướng các tu hội ấy, Chân Phước Honoratus viết: "Ðấng Ðại Diện Ðức Kitô đã cho chúng ta biết thánh ý của Thiên Chúa, và tôi lãnh nhận mệnh lệnh này với đức tin& Anh chị em thân mến, hãy nhớ rằng đây là cơ hội để anh chị em chứng tỏ sự tuân phục một cách quả cảm đối với Giáo Hội."
Trích từ NguoiTinHuu.com


10 Tháng Mười Hai

Quyền Con Người

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người... Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.

Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.

Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.

Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.

Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.

Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.

Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: "Ðó là người nghèo". Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: "Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ".

Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.
Trích sách Lẽ Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét