Chúa Giêsu không sợ hãi người tội lỗi, Ngài đến cứu
vớt họ
Giáo Hội không phải là một cộng
đoàn gồm những người toàn thiện, nhưng gồm các môn đệ đang bước theo Chúa, vì họ
nhận biết mình là kẻ tội lỗi cần tới ơn tha thứ của Ngài. Chúa Giêsu là một bác
sĩ tài ba chữa lành và dưỡng nuôi tín hữu bằng hai loại thuốc là Lời Ngài và
Thánh Thể.
ĐTC Phanxicô đã nói như
trên với 70.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng
thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý:
“Ta muốn lòng thương xót chứ không cần lễ tế” (Mt 9,13). Giải thích trình thuật
ơn gọi của thánh sử Mátthêu là một người thu thuế cho đế quốc Roma, và vì thế bị
coi là kẻ tội lỗi công khai, ĐTC nói: Thế mà Chúa Giêsu lại gọi ông theo Ngài
và trở thành môn đệ của Ngài. Họ nói: “Ông không đuợc đến nhà của loại người
như thế!”. Thật ra, Chúa Giêsu không xa lánh các kẻ tội lỗi, nhưng giao du lui
tới nhà họ và ngồi bên cạnh họ. Điều này có nghĩa là cả họ cũng có thể trở
thành các môn đệ của Ngài. Sự kiện là kitô hữu không khiến cho chúng ra trở
thành những người không thể chê trách vào đâu được. Giống như thánh Mátthêu từng
người trong chúng ta tín thác nơi ơn thánh của Chúa, mặc dù các tội lỗi của
chúng ta. Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi, tất cả chúng ta đều có tội.
ĐTC giải thích thêm điểm này
như sau:
Khi kêu gọi Mátthêu, Chúa
Giêsu cho các kẻ tội lỗi thấy rằng Ngài không nhìn qúa khứ, điều kiện xã hội,
các thành kiến bề ngoài, nhưng rộng mở cho họ một tương lai mới. Có lần tôi đã
nghe được một câu nói hay đẹp này: Không có vị thánh nào mà lại không có quá khứ,
và không có kẻ tội lỗi nào mà lại không có tuơng lai”. Đây là điều Chúa
Giêsu làm. Không có thánh không có quá khứ, và không có tội nhân không có
tương lai. Chỉ cần đáp trả lại lời mời gọi của Chúa với con tim khiêm tốn và
chân thành. Giáo Hội không phải là một cộng đoàn của những người toàn thiện,
nhưng là cộng đoàn của các môn đệ bước theo Chúa, vì thừa nhận mình là các kẻ tội
lỗi và cần đến ơn tha thứ của Ngài. Như thế cuộc sống kitô là trường dậy khiêm
nhường, mở ra cho ơn thánh.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:
Một thái độ như thế không được hiểu bởi những người yêu sách tin rằng mình công
chính và tốt lành hơn những người khác. Kiêu căng và hãnh diện không cho phép
thừa nhận mình cần ơn cứu rỗi, trái lại, chúng ngăn cản chúng ta trông thấy gương
mặt thương xót của Thiên Chúa và hành động với lòng thương xót. Chúng là một bức
tường. Kiêu căng và hãnh diện là một bức tường ngăn cản tương quan với Thiên
Chúa. Thế nhưng sứ mệnh của Chúa Giêsu chính là đó: đến tìm từng người trong
chúng ta, để chữa lành các vết thương của chúng ta, và mời gọi chúng ta theo
Ngài với tình yêu thương. Chúa nói rõ điều đó: “Không phải các người khỏe mạnh
cần thầy thuốc, nhưng là các người đau yếu” (c. 12). Chúa Giêsu tự giới thiệu
mình như là một bác sĩ tài giỏi. Ngài loan báo Nước Thiên Chúa và các dấu chỉ
biến cố Ngài đến hiển nhiên: Ngài chữa lành các tật bệnh, giải thoát khỏi sự sợ
hãi, cái chết và mà quỷ. Trước Chúa Giêsu không có người tội lỗi nào bị loại trừ
- không có người tội lỗi nào bị loại trừ - bởi vì quyền năng chữa lành của
Thiên Chúa không biết tới tật bệnh nào mà không chữa được. Và điều này phải
trao ban cho chúng ta sự tin tưởng, và rộng mở con tim của chúng ta ra cho Chúa
để Chúa đến và chữa lành chúng ta.
Khi kêu gọi các người tội lỗi
vào bàn ăn của Ngài, Chúa chữa lành họ bằng cách tái lập họ trong ơn gọi, mà họ
tin là đã mất, và các người biệt phái đã quên đi: đó là ơn gọi của những người
được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Theo ngôn sứ Isaia: Ngày ấy, trên núi này,
Giavê các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon,
thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che
phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây
là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương
cứu độ. Chính Người là Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng
bởi được Người cứu độ." (Is 25,6-9).
Nếu các người biệt phái chỉ
trông thấy nơi các người được mời những kẻ tội lỗi và từ chối ngồi chung với họ,
thì Chúa Giêsu trái lại, nhắc nhớ rằng cả họ cũng là những người đồng bàn của
Thiên Chúa. Trong cách thức đó ngồi vào bàn với Chúa Giêsu có nghĩa là được
Ngài biến đổi và cứu rỗi. Chúa Giêsu không sợ hãi đối thoại với các người tội lỗi,
các người thu thuế, các đĩ điếm. Không, Ngài không sợ hãi: Ngài yêu thương tất
cả mọi người!
Trong cộng đoàn kitô bàn của
Chúa Giêsu gồm hai nghĩa: bàn của Lời Chúa và bàn của bí tích Thánh Thể (x. Dei
Verbum, 21) Chúng là hai phương dược mà Vị Bác Sĩ Thiên Linh dùng để chữa lành
và dưỡng nuôi chúng ta. Với phương dược thứ nhất là Lời, Ngài vén mở cho
thấy và mời gọi chúng ta bước vào cuộc đối thoại giữa các bạn hữu. Lời Chúa thấm
vào chúng ta, và như là một con dao nó giải phẫu trong chiều sâu để cứu thoát
chúng ta khỏi tật bệnh ăn sâu trong cuộc sống chúng ta. ĐTC giải thích hoạt động
của Lời Chúa nơi con người như sau:
Đôi khi Lời này gây đau đớn bởi
vì nó cắt mổ các giả hình, lột mặt nạ các viện cớ giả dối, phơi trần các sự thật
dấu ẩn; nhưng đồng thời nó cũng soi sáng và thanh tẩy, trao ban sức mạnh và hy
vọng, nó là một tái tạo quý báu trên con đường lòng tin của chúng ta. Về phần
mình, bí tích Thánh Thể dưỡng nuôi chúng ta với sự sống của chính Chúa Giêsu,
và như một phương thuốc cực mạnh nó liên tục canh tân ơn thánh của bí tích Rửa
Tội một cách nhiệm mầu. Khi đến gần bí tích Thánh Thể, chúng ta dưỡng nuôi mình
bằng Mình và Máu Chúa Giêsu; và khi đến trong chúng ta, Chúa Giêsu kết hiệp
chúng ta với Thân Mình của Ngài!
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
Khi kết thúc cuộc đối thoại ấy với các người biệt phái, Chúa Giêsu nhắc nhớ họ
lời của ngôn sứ Hosêa: “Hãy đi và học cho biết câu này có nghĩa gì: Ta muốn
lòng thương xót chứ không cần lễ tế” (Mt 9,13). Khi nói với dân Israel, ngôn sứ
quở trách họ vì các lời cầu ngyện họ dâng lên là các lời trống rỗng và không
trung thực. Mặc dầu giao ước của Thiên Chúa và lòng thương xót dân thường sống
với một tôn giáo bề ngoài, mà không sống trong chiều sâu giới răn của Chúa.
Chính vì thế ngôn sứ nhấn mạnh: “Ta muốn lòng thương xót”, nghĩa là sự liêm
chính của một con tim nhận biết các tội lỗi của mình, nhìn lại và trở về trung
thành với giao ước của Thiên Chúa. “Chứ không muốn lễ tế”: không có con tim sám
hối, mọi hành động tôn giáo không hữu hiệu! Chúa Giêsu áp dụng câu nói này của
ngôn sứ cả cho các tương quan nhân loại: các người biệt phái ấy rất đạo đức
trong hình thức, nhưng không sẵn sàng chia sẻ bàn với các người thu thuế và kẻ
tội lỗi; họ không thừa nhận khả năng của một việc hồi tâm, và vì thế của một chữa
lành; họ không để vào chỗ nhất lòng thương xót: tuy trung thành với Lề Luật, họ
chứng minh cho thấy họ không hiểu con tim của Thiên Chúa! Nó giống như khi người
ta tặng bạn một gói trong đó có một món quà, và bạn, thay vì tìm quà, thì
lại chỉ đi nhìn giấy gói quà: chỉ nhìn cái bề ngoài, cái hình thức, mà không
nhìn thấy cái nhân của ơn thánh, của món quà được tặng cho bạn.
Anh chị em thân mến, tất cả
chúng ta đều được mời gọi vào bàn tiệc của Chúa. Chúng ta hãy lấy làm của mình
lời mời gọi ngồi bên cạnh Chúa cùng với các môn đệ của Ngài. Chúng ta hãy học
biết nhìn với lòng thương xót và nhận ra nơi từng người trong họ một người
ngồi cùng bàn với chúng ta. Chúng ta tất cả là môn đệ cần kinh nghiệm và sống lời
ủi an của Chúa Giêsu. Chúng ta tất cả đều cần được dưỡng nuôi bằng lòng thương
xót của Thiên Chúa, bởi vì chính từ suối nguồn đó nảy sinh ra ơn cứu độ.
ĐTC đã chào các đoàn hành
hương đến từ các nước Pháp, Bỉ, đảo Mauritius, do các Giám Mục hướng dẫn, như
các bạn trẻ giáo phận Besançon và tín hữu Monacô. Trong các nhóm hành hương nói
tiếng Anh có các đoàn đến từ Anh quốc, Êcốt, Hoà Lan, Australia, Niu Dilen,
Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Phi lippines, Canada và Hoa Kỳ. ĐTC đặc biệt
chào phái đoàn các luật gia, chưởng lý đến từ Cộng hoà liên bang Đức và một
nhóm các thị trưởng vùng Baden Wuettenberg. Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha
ngài chào đoàn hành hương Uberaba và Uruaçu của Brasil. ĐTC cũng không quên
chào phái đoàn hành hương Slovacchia và Ba Lan. Ngài nói trong các ngày này
Giáo Hội Ba Lan mừng 1.500 năm ngày Ba Lan lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Cùng với
các chủ chăn và tín hữu tôi cảm tạ Thiên Chúa vì biến cố lịch sử này đã tạo
thành đức tin, tinh thần tu đức và nền văn hóa của quê hương anh chị em trong cộng
đoàn các dân tộc, mà Chúa Kitô đã mời gọi tham dự vào mầu nhiệm cái chết và sự
phục sinh của Ngài. Anh chị em hãy tạ ơn Chúa - theo các lời của thánh Gioan
Phaolô II – vì ơn đã được rửa tội từ hơn 1.000 năm nay nhân danh Chúa Cha, Chúa
Con và Chúa Thánh Thần, được dìm mình trong nước qua ơn thánh kiện toàn nơi
chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, trong nước là làn sóng của sự vĩnh
cửu: “Nguồn nước vọt lên cho cuộc sống vĩnh cửu” (Ga 4,14).
Trong số các nhóm nói tiếng Ý
ĐTC chào tín hữu đến từ các giáo phận Mileto-Nicotera-Tropea và
Teggiano-Policastro, Mazara del Vallo, Trieste, Padula và Borgo Tossignano, do
các Giám Mục sở tại hướng dẫn, các Phó tế tổng giáo phận Milano và các nữ tu
Thánh Thể Bergamo, cũng như các thành viên Hiệp hội trưởng lòng Thương Xót
Italia. Ngài cầu chúc mọi người sống Năm Thánh Lòng Thương Xót sốt sắng để lãnh
ơn toàn xá cho mình và thân nhân, đặc biệt những người đã qua đời.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu
và các đôi tân hôn ĐTC khích lệ họ tin tưởng nơi Chúa phục sinh vì Chúa biết
đáp ứng hoàn toàn các khát vọng của họ, an ủi các khổ đau và biến đổi tình yêu
thương trong cuộc sống gia đình
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với
Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét