Hai loại bách hại
VATICAN. “Sự bách hại là
lương thực hằng ngày của Giáo hội.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như
trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 12.04, tại Nguyện đường thuộc
Nhà trọ Thánh Marta.
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng:
“Các Kitô hữu phải đối diện với hai loại bách hại. Loại thứ nhất, rõ ràng và dễ
nhận thấy, là bách hại của các vị tử đạo, đã bị giết chết vì đức tin, giống như
đã xảy ra với Thánh Tê-pha-nô, vị tử đảo tiên khởi, hay với các Thánh Anh Hài bị
Hê-rô-đê sát hại. Ngày hôm nay cũng có rất nhiều Kitô hữu bị giết chết như thế,
vì tin vào Đức Kitô. Loại thứ hai có vẻ lịch sự và ít bạo lực hơn, thường ẩn dưới
lớp vỏ văn hóa, sự tiến bộ và tinh thần hiện đại. Nhiều Kitô hữu vẫn đang bị
bách hại một cách ‘lịch sự’ như thế, vì muốn diễn tả giá trị cao cả của việc
làm con Thiên Chúa.
Như vậy, vẫn còn tồn tại những
cuộc bách hại đẫm máu: bị xé ra từng mảnh bởi một con dã thú để làm vui lòng
khán giả đang ngồi xem trên đấu trường hay cho nổ tung một quả bom được gài sẵn
ở lối ra nhà thờ. Nhưng cũng có những cuộc bách hại diễn ra cách lịch sự và có
học thức dưới ‘tấm áo của văn hóa’: Họ sẽ giam lỏng bạn vào một góc tối của xã
hội, đe dọa tước đi việc làm của bạn nếu bạn không tuân thủ luật lệ mà họ đặt
ra là chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa.”
Các vị tử đạo của đời sống
thường ngày
Khởi đi từ trình thuật về cuộc
tử đạo của thánh Tê-pha-nô được mô tả trong sách Công vụ Tông Đồ, theo phụng vụ
của ngày hôm nay, Đức Thánh Cha nhận thấy thực tế rằng kể từ hai ngàn năm nay
các cuộc bách luôn xảy ra trong lịch sử đức tin Kitô giáo:
“Tôi muốn nói rằng bách hại
là lương thực hằng ngày của Giáo hội. Đức Giêsu cũng đã nói như thế. Khi làm một
vòng tham quan Roma và đến Colosseo, chúng ta nghĩ tới các vị tử đạo đã bị những
con sư tử hung hãn giết chết. Nhưng các vị tử đạo không chỉ có ở Colosseo và
cũng không chỉ có vào thời điểm đó nhưng ngày hôm nay vẫn còn có các vị tử đạo.
Mới ba tuần trước đây, những Kitô hữu đang cử hành lễ Phục Sinh với nhau ở
Pakistan đã bị giết chết. Chắc chắn, họ được phúc tử đạo vì đang mừng mầu nhiệm
Đức Kitô phục sinh. Và như thế, Giáo hội không ngừng bước đi với các vị tử đạo
của mình.
Bách hại cách ‘lịch sự’
Cuộc tử đạo của Thánh
Tê-pha-nô mở đầu cho một sự bách hại bài Kitô giáo rất khốc liệt ở
Giê-ru-sa-lem. Điều ấy cũng tương tự với việc ngày hôm nay nhiều người không có
tự do để tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Nhưng còn có một cuộc bách hại khác
mà chúng ta ít khi nhắc đến. Đó là cuộc bách hại đội lốt văn hóa, được ngụy
trang với vỏ bọc hiện đại và sự phát triển.
Tôi muốn nói cách mỉa mai rằng,
đó là một cuộc bách hại có ‘giáo dục’. Cuộc bách hại ấy xảy ra không phải khi
người ta tuyên xưng danh Đức Giêsu, nhưng là khi người ta muốn diễn tả giá trị
của việc làm con cái Chúa. Đó là một cuộc bách hại chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo
Hóa, nơi chính con người của những con cái Thiên Chúa. Nói cách dễ hiểu hơn,
chúng ta nhận thấy rằng ngày nay, những cường quốc có quyền thiết định luật
pháp để bắt buộc người khác phải đi trên con đường mà họ vạch ra. Khi một quốc
gia không theo những luật pháp này, hay ít nhất không muốn có những luật pháp ấy
trong hệ thống pháp luật của mình, ngay lập tức sẽ bị cô lập, bị cáo buộc và bị
bách hại. Những bách hại đó tước mất đi sự tự do của con người, và ngay cả quyền
chối từ của lương tâm.
Đây là sự bách hại của thế
gian, tước mất tự do, trong khi Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để có thể làm
chứng tá về Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên chúng ta và làm chứng về Đức
Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Cuộc bách hại ấy có một kẻ chủ mưu.
Đức Giêsu đã vạch mặt chỉ tên
kẻ chủ mưu của loại bách hại có ‘giáo dục’ này, đó là tên thủ lĩnh thế gian. Những
cường quốc muốn áp đặt những quan điểm, thái độ, luật lệ chống lại phẩm giá của
con cái Thiên Chúa; bắt các tín hữu chống lại Đấng Hóa Công. Đây là cuộc chống
đạo có quy mô lớn. Như thế đời sống của những Kitô hữu luôn có hai cuộc bách hại
này. Nhưng Đức Giêsu đã hứa với chúng ta là sẽ không bỏ rơi chúng ta. ‘Anh em
hãy cẩn thận. Đừng để rơi vào tinh thần thế gian. Hãy tỉnh thức luôn! Và hãy
can đảm tiến về phía trước, vì Thầy luôn ở với các con.’”
Vũ Đức Anh Phương, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét