Nguyên Văn Tông Huấn
Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 105-119)
Vũ Văn An4/18/2016
Vũ Văn An4/18/2016
Chương Bốn: Lòng Yêu
Thương và Hôn Nhân (tiếp theo)
Lòng yêu thương thì tha thứ
105. Một khi đã bén rễ trong trái tim ta, ý xấu sẽ dẫn ta tới chỗ hận thù sâu xa. Câu ou logízetai to kakón có nghĩa: lòng yêu thương “không tính sổ sự ác”; “nó không hận thù”. Đối nghịch với hận thù là tha thứ, vốn bén rễ trong thái độ tích cực luôn tìm cách hiểu các yếu đuối của người khác để miễn thứ. Như Chúa Giêsu đã nói, “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Ấy thế mà chúng ta cứ đi tìm hết lỗi này tới lỗi nọ, tưởng tượng ra đủ thứ ác lớn hơn, giả định đủ thứ ý xấu, và do đó, hận thù cứ thế gia tăng và sâu xa hơn. Cứ thế, mọi lỗi lầm hay thiếu sót từ phía người phối ngẫu đều có thể gây hại tới mối dây yêu thương và bền vững của gia đình. Sẽ là một điều sai lầm khi ta coi mọi vấn đề đều nghiêm trọng như nhau; coi như thế, ta liều mình dễ cay nghiệt một cách không thích đáng đối với các thiếu sót của người kia. Ước muốn chính đáng thấy các quyền của mình được tôn trọng sẽ trở thành nỗi khao khát trả thù hơn là bảo vệ phẩm giá ta cách hợp lý.
106. Khi ta đã bị xúc phạm hay làm cho thất vọng, tha thứ là điều có thể và đáng ước ao, nhưng không ai có thể nói đây là chuyện dễ dàng. Sự thật là “hiệp thông gia đình sẽ chỉ có thể được duy trì và hoàn thiện nhờ tinh thần hy sinh lớn lao. Thực thế, nó đòi mỗi người và mọi người phải sẵn sàng và quảng đại mở lòng mình ra để hiểu, để chịu đựng, để tha thứ, để hòa giải. Không hề có gia đình nào lại không biết đến ích kỷ, bất hòa, căng thẳng và tranh chấp, tấn công bạo động và đôi khi gây tử thương cho cuộc hiệp thông của họ: do đó, mà xuấ hiện nhiều hình thức chia rẽ đa dạng trong đời sống gia đình” (113).
107. Ngày nay, ta nhìn nhận rằng để có thể tha thứ cho người khác, ta cần tới kinh nghiệm giải thoát biết tự hiểu và tha thứ cho chính mình. Các lỗi lầm của ta, hay các phê phán nhận được từ người thân yêu của ta, thường dẫn ta tới chỗ đánh mất lòng tự trọng. Ta trở nên xa cách đối với người khác, tránh tình âu yếm và sợ sệt trong các mối liên hệ liên ngã của ta. Đổ lỗi cho người khác khiến ta an tâm một cách sai lầm. Ta cần học cách cầu nguyện cho dĩ vãng của mình, để biết chấp nhận chính ta, học cách sống với các hạn chế của ta, và thậm chí tha thứ cho chính ta, để có được cùng một thái độ như thế đối với người khác.
108. Tất cả các điều trên giả thiết điều này: chính ta có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được ơn thánh của Người công chính hóa chứ không phải do công phúc của riêng ta. Ta cảm nghiệm được một lòng yêu thương đi trước bất cứ cố gắng nào của ta, một lòng yêu thương không ngừng mở cửa, cổ vũ và khích lệ. Nếu biết nhận rằng lòng yêu thương của Thiên Chúa là vô điều kiện và ta không thể mua hay bán được lòng yêu thương của Chúa Cha, thì ta sẽ có khả năng biểu lộ được một tình yêu không bờ bến và tha thứ cho người khác ngay cả khi họ đã gây hại đến ta. Nếu không, đời sống gia đình của ta sẽ không còn là nơi để hiểu nhau, để nâng đỡ và khích lệ nhau, mà đúng hơn, chỉ là một nơi triền miên căng thẳng và phê phán lẫn nhau.
Lòng yêu thương hân hoan với người khác
109. Kiểu nói chaírei epì te adikía có liên quan với tính tiêu cực ẩn khuất khá sâu trong tâm hồn người ta. Đây là một thái độ đầy chất độc nơi những người hân hoan thấy bất công được thực hiện nơi người khác. Câu sau đây nói lên thái độ trái ngược lại: sygchaírei te aletheía: “vui khi thấy điều chân thật”. Nói cách khác, ta hân hoan trước điều tốt lành nơi người khác khi ta nhận ra phẩm giá của họ và trân trọng các khả năng và việc làm tốt của họ. Điều này không thể có nơi những người lúc nào cũng so sánh và cạnh tranh, ngay với người phối ngẫu của mình, đến nỗi vui mừng khi thấy họ thất bại.
110. Khi một người yêu thương làm được một điều tốt cho người khác, hoặc thấy người khác được hạnh phúc, chính họ cũng sống hạnh phúc và nhờ thế biết vinh danh Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu thương những người cho đi một cách vui vẻ” (2Cr 9:7). Chúa chúng ta đặc biệt đánh giá cao những người tìm được niềm vui trong hạnh phúc của người khác. Nếu ta không chịu học cách biết hân hoan trước hạnh phúc của người khác và tập chú chủ yếu vào các nhu cầu riêng của ta mà thôi, ta đã tự kết án mình phải chịu một cuộc hiện sinh không có niềm vui, vì, như Chúa Giêsu từng dạy, “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Gia đình phải luôn là nơi mà, khi một điều tốt lành xẩy ra cho một thành viên, người ta biết rằng các người khác cũng đều có mặt ở đó để mừng vui với họ.
Lòng yêu thương tha thứ mọi sự
111. Bảng liệt kê của Thánh Phaolô chấm dứt với bốn câu đều có những chữ “mọi sự”. Lòng yêu thương tha thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Ở đây, ta thấy rõ sức mạnh phản văn hóa của một lòng yêu thương có khả năng đương đầu với bất cứ điều gì có thể đe dọa nó.
112. Trước nhất, Thánh Phaolô nói rằng lòng yêu thương “tha thứ mọi sự” (panta stégei). Điều này khác với việc “đừng để ý tới sự ác” bởi vì chữ này liên quan tới việc sử dụng miệng lưỡi. Động từ này có thể có nghĩa “giữ im lặng” trước bất cứ điều xấu nào có thể có nơi người khác. Nó hàm nghĩa giới hạn phán đoán, kiểm soát xu hướng muốn đưa ra lời kết án cương quyết và không thương xót: “Đừng phán đoán và các ông sẽ không bị phán đoán” (Lc 6:37). Dù ngược với cách ta thường sử dụng miệng lưỡi, lời Chúa dạy ta “anh chị em đừng nói xấu lẫn nhau” (Gcb 4:11). Sẵn sàng nói xấu một người khác là cách ta tự khẳng định giá trị của mình, để hả thù hận và ghen tị mà không hề lưu ý tới cái hại ta có thể gây ra. Ta thường hay quên rằng nói xấu rất có thể có tội lớn; nó là một xúc phạm nặng nề chống lại Thiên Chúa nếu nó xâm hại nghiêm trọng tới danh thơm tiếng tốt của người khác và gây thiệt hại đến không thể cứu chữa. Bởi thế, lời Chúa thẳng thắn quả quyết rằng miệng lưỡi “là cả một thế giới của sự ác... làm cho toàn thân ra ô uế” (Gcb 3:6); nó là “một sự dữ không bao giờ ở yên, đầy những nọc độc giết người” (Gcb 3:8). Trong khi cái lưỡi có thể bị dùng để “nguyền rủa những ai đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gcb 3:9), thì lòng yêu thương trân quí danh thơm tiếng tốt của người khác, kể cả của kẻ thù. Khi tìm cách tuân thủ luật Thiên Chúa, ta đừng bao giờ quên đòi hỏi chuyên biệt này của lòng yêu thương.
113. Các cặp vợ chồng được lòng yêu thương kết hợp phải nói tốt cho nhau; họ phải cố gắng trình bầy phía tốt của người phối ngẫu, chứ không phải điểm yếu và lỗi lầm của họ. Dù gì, họ cũng phải giữ im lặng hơn là nói xấu người phối ngẫu. Đây không phải chỉ là cách hành động trước mặt người khác; nó phát sinh từ một thái độ nội tâm. Không hề ngây thơ cho rằng mình không trông thấy các vấn đề và điểm yếu của người kia, ta chỉ nhìn các điểm yếu và lỗi lầm này trong một bối cảnh rộng lớn hơn mà thôi. Ta thừa nhận rằng các lỗi lầm này là một phần của bức tranh lớn hơn. Ta cũng phải hiểu ra rằng tất cả chúng ta đều là một sự pha trộn phức tạp của ánh sáng và bóng tối. Người khác kia không phải chỉ là tổng số những điều nhỏ mọn làm tôi khó chịu. Lòng yêu thương không cần phải hoàn hảo mới được ta đánh giá. Người khác yêu thương ta tốt nhất bao nhiêu có thể, với mọi giới hạn của họ, nhưng sự thật vẫn là: lòng yêu hương bất toàn không hề có nghĩa nó không chân thật hay không có thật. Nó có thật, dù giới hạn và có tính phàm trần. Nếu tôi mong đợi quá nhiều, người khác kia sẽ cho tôi biết, vì chàng hay nàng không thể đóng vai Thiên Chúa hay phục vụ được hết mọi nhu cầu của tôi. Lòng yêu thương đồng hiện hữu với sự bất toàn. Nó “tha thứ mọi sự” và có thể giữ được thanh thản trước các giới hạn của người tôi yêu thương.
Lòng yêu thương tin tưởng mọi sự
114. Panta pisteúei. Lòng yêu thương tin tưởng mọi sự. Ở đây “tin” không theo sát nghĩa thần học của nó, nhưng đúng hơn theo nghĩa điều ta vốn gọi là “tin tưởng” (trust). Điều này vượt quá việc chỉ đơn giản giả thiết người kia không nói dối hay lừa đảo. Niềm tin tưởng căn bản này nhìn nhận ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi quá bên kia sự tối tăm, giống than hồng âm ỉ dưới đám tro tàn.
115. Niềm tin tưởng này giúp mối liên hệ được tự do. Điều này có nghĩa: ta không cần kiểm soát người kia, theo dõi từng bước đi của họ kẻo họ thoát khỏi tay ta. Lòng yêu thương tin tưởng, nó giải thoát, nó không cố gắng kiểm soát, chiếm hữu và khống chế mọi sự. Sự tự do này, một sự tự do vốn cổ vũ độc lập, cổ vũ việc cởi mở đối với thế giới chung quanh và đối với các trải nghiệm mới mẻ, chỉ có thể phong phú hóa và mở rộng mối liên hệ. Lúc đó, vợ chồng sẽ chia sẻ với nhau niềm vui của mọi điều họ đã nhận được và học được ở ngoài vòng gia đình. Đồng thời, sự tự do này thuận lợi hóa lòng thành thực và sự trong sáng, vì những người biết rằng họ được tin tưởng và đánh giá cao đều có tinh thần cởi mở, không giấu giếm bất cứ điều gì. Những ai biết rằng người phối ngẫu của họ luôn ngờ vực, ưa phán đoán và thiếu một tình yêu vô điều kiện, sẽ có xu hướng giữ kín mọi chuyện, che giấu các sai phạm và yếu đuối của họ, và giả đò là một ai đó chứ không phải con người thực của họ. Đàng khác, một gia đình có đặc điểm tin tưởng yêu thương nhau, thì bất cứ xẩy ra việc gì, họ cũng đều giúp các thành viên là chính họ và tự nhiên sẽ từ khước lừa đảo, gian trá và nói dối.
Lòng yêu thương hy vọng mọi sự
116. Panta elpízei. Lòng yêu thương không thất vọng với tương lai. Tiếp theo những điều vừa nói, kiểu nói này đề cập tới lòng hy vọng của một người biết rằng người khác có thể thay đổi, trưởng thành hơn và toả một vẻ đẹp bất ngờ và một tiềm năng chưa hề được nói tới. Điều này không có nghĩa: mọi sự sẽ thay đổi ở đời này. Nó bao hàm việc hiểu ra rằng dù sự vật không luôn trở thành như ta mong ước, Thiên Chúa vẫn có thể biến những con đường khúc khuỷu thành thẳng băng và từ những điều xấu ta chịu ở trong đời, Người vẫn có thể rút ra điều tốt.
117. Ở đây, hy vọng sẽ tiến tới chỗ trọn vẹn nhất, vì nó bao hàm sự chắc chắn sẽ có sự sống sau khi chết. Mỗi người, bất chấp mọi sai phạm của họ, đều được kêu gọi bước vào sự viên mãn của sự sống trên thiên đàng. Ở đấy, vì hoàn toàn được sự phục sinh của Chúa Kitô biến đổi, mọi yếu đuối, tối tăm và nhược điểm đều sẽ mất dạng. Ở đấy, hữu thể thực sự của người ta sẽ sáng lên trong mọi vẻ tốt lành và đẹp đẽ của họ. Giữa các gia trọng (aggravations) của đời hiện tại, việc hiểu ra này sẽ giúp ta nhìn mỗi người từ một viễn ảnh siêu nhiên, trong ánh sáng hy vọng, và mong chờ sự viên mãn họ sẽ nhận được trên nước trời, cho dù vẫn chưa hiển hiện.
Lòng yêu thương chịu đựng mọi sự
118. Panta hypoménei. Điều này có nghĩa: lòng yêu thương chịu đựng mọi gian nan thử thách bằng một thái độ tích cực. Nó đứng vững trong các môi trường thù nghịch. Sự “chịu đựng” này bao hàm không những khả năng chấp nhận một số gia trọng, mà còn chấp nhận một điều lớn hơn thế: luôn sẵn sàng đương đầu với bất cứ thách đố nào. Đây là một lòng yêu thương không bao giờ bỏ cuộc, dù trong những giờ phút đen tối nhất. Nó chứng tỏ một anh hùng tính ngoan cường, một sức mạnh đề kháng bất cứ trào lưu tiêu cực nào, một dấn thân không thể nào dẹp bỏ đối với sự thiện. Ở đây, tôi nghĩ tới lời lẽ của [Mục Sư] Martin Luther King, người từng đương đầu với đủ thứ thử thách và sầu não bằng một lòng yêu thương huynh đệ: “Người ghét bạn nhất vẫn có điều tốt ở trong họ; ngay quốc gia ghét bạn nhất cũng có điều tốt trong nó; ngay chủng tộc ghét bạn nhất cũng có điều tốt nào đó trong nó. Và khi bạn tiến tới chỗ có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người và thấy trong thẳm sâu lòng họ điều được tôn giáo gọi là ‘hình ảnh Thiên Chúa’, bạn sẽ bắt đầu yêu thương họ bất chấp [mọi sự]. Bất kể họ làm gì, bạn đều thấy hình ảnh của Thiên Chúa ở đấy. Đó là một yếu tố của sự thiện mà họ không bao giờ họ có thể tháo bỏ... Một cách nữa để bạn yêu kẻ thù của bạn là: khi có cơ hội để bạn đánh bại kẻ thù của bạn, thì đó là lúc bạn đừng nên làm việc đó... Khi bạn đã vươn tới bình diện yêu thương, tới vẻ đẹp và sức mạnh lớn lao của nó, bạn sẽ chỉ tìm cách đánh bại các hệ thống xấu xa. Các cá nhân nào chẳng may bị liên lụy trong hệ thống ấy, bạn hãy yêu thương họ, nhưng bạn phải tìm cách đánh bại hệ thống... Hận thù vì hận thù chỉ gia tăng sự hiện hữu của hận thù và sự ác trong vũ trụ. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, thì tôi sẽ đánh lại bạn và bạn sẽ đánh lại tôi, cứ thế, bạn thấy đó, nó sẽ kéo dài vô tận. Nó sẽ không bao giờ chấm dứt. Ở một nơi nào đó, một ai đó hẳn phải có một chút cảm thức, và người đó hẳn là người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ là người có thể cắt đứt dây chuyền hận thù, dây chuyền sự ác... Một ai đó phải có tôn giáo đủ và luân lý đủ để cắt đứt nó và bơm vào mọi cơ cấu của vũ trụ cái yếu tố mạnh mẽ ấy của lòng yêu thương” (114).
119. Trong đời sống gia đình, ta cần vun sới sức mạnh yêu thương ấy, một sức mạnh có thể giúp ta đấu tranh với mọi sự ác đang đe dọa nó. Lòng yêu thương không nhường bước cho hận thù, cho khinh miệt người khác hay ước muốn gây thương tích hoặc chiếm ưu thế. Lý tưởng Kitô Giáo, đặc biệt trong gia đình, là một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc. Đôi khi tôi rất cảm phục khi thấy những người đàn ông đàn bà dù đã ly thân với người phối ngẫu để tránh bạo lực thể lý, ấy thế nhưng, vì lòng yêu thương vợ chồng biết vượt quá phạm vi xúc cảm, nên vẫn cố gắng giúp đỡ người phối ngẫu, dù đôi khi gián tiếp qua người khác, trong lúc họ bị bệnh tật, đau khổ hay thử thách. Ở đây, ta cũng thấy một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc.
Kỳ sau: Lớn lên trong tình yêu vợ chồng
______________________________________________________________________________________________________
(113) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 21: AAS 74 (1982), 106.
(114) Mục Sư Martin Luther King Jr., Bài Giảng đọc tại Nhà Thờ Baptist Đường Dexter, Montgomery, Alabama, 17 tháng 11, 1957
Lòng yêu thương thì tha thứ
105. Một khi đã bén rễ trong trái tim ta, ý xấu sẽ dẫn ta tới chỗ hận thù sâu xa. Câu ou logízetai to kakón có nghĩa: lòng yêu thương “không tính sổ sự ác”; “nó không hận thù”. Đối nghịch với hận thù là tha thứ, vốn bén rễ trong thái độ tích cực luôn tìm cách hiểu các yếu đuối của người khác để miễn thứ. Như Chúa Giêsu đã nói, “Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Ấy thế mà chúng ta cứ đi tìm hết lỗi này tới lỗi nọ, tưởng tượng ra đủ thứ ác lớn hơn, giả định đủ thứ ý xấu, và do đó, hận thù cứ thế gia tăng và sâu xa hơn. Cứ thế, mọi lỗi lầm hay thiếu sót từ phía người phối ngẫu đều có thể gây hại tới mối dây yêu thương và bền vững của gia đình. Sẽ là một điều sai lầm khi ta coi mọi vấn đề đều nghiêm trọng như nhau; coi như thế, ta liều mình dễ cay nghiệt một cách không thích đáng đối với các thiếu sót của người kia. Ước muốn chính đáng thấy các quyền của mình được tôn trọng sẽ trở thành nỗi khao khát trả thù hơn là bảo vệ phẩm giá ta cách hợp lý.
106. Khi ta đã bị xúc phạm hay làm cho thất vọng, tha thứ là điều có thể và đáng ước ao, nhưng không ai có thể nói đây là chuyện dễ dàng. Sự thật là “hiệp thông gia đình sẽ chỉ có thể được duy trì và hoàn thiện nhờ tinh thần hy sinh lớn lao. Thực thế, nó đòi mỗi người và mọi người phải sẵn sàng và quảng đại mở lòng mình ra để hiểu, để chịu đựng, để tha thứ, để hòa giải. Không hề có gia đình nào lại không biết đến ích kỷ, bất hòa, căng thẳng và tranh chấp, tấn công bạo động và đôi khi gây tử thương cho cuộc hiệp thông của họ: do đó, mà xuấ hiện nhiều hình thức chia rẽ đa dạng trong đời sống gia đình” (113).
107. Ngày nay, ta nhìn nhận rằng để có thể tha thứ cho người khác, ta cần tới kinh nghiệm giải thoát biết tự hiểu và tha thứ cho chính mình. Các lỗi lầm của ta, hay các phê phán nhận được từ người thân yêu của ta, thường dẫn ta tới chỗ đánh mất lòng tự trọng. Ta trở nên xa cách đối với người khác, tránh tình âu yếm và sợ sệt trong các mối liên hệ liên ngã của ta. Đổ lỗi cho người khác khiến ta an tâm một cách sai lầm. Ta cần học cách cầu nguyện cho dĩ vãng của mình, để biết chấp nhận chính ta, học cách sống với các hạn chế của ta, và thậm chí tha thứ cho chính ta, để có được cùng một thái độ như thế đối với người khác.
108. Tất cả các điều trên giả thiết điều này: chính ta có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được ơn thánh của Người công chính hóa chứ không phải do công phúc của riêng ta. Ta cảm nghiệm được một lòng yêu thương đi trước bất cứ cố gắng nào của ta, một lòng yêu thương không ngừng mở cửa, cổ vũ và khích lệ. Nếu biết nhận rằng lòng yêu thương của Thiên Chúa là vô điều kiện và ta không thể mua hay bán được lòng yêu thương của Chúa Cha, thì ta sẽ có khả năng biểu lộ được một tình yêu không bờ bến và tha thứ cho người khác ngay cả khi họ đã gây hại đến ta. Nếu không, đời sống gia đình của ta sẽ không còn là nơi để hiểu nhau, để nâng đỡ và khích lệ nhau, mà đúng hơn, chỉ là một nơi triền miên căng thẳng và phê phán lẫn nhau.
Lòng yêu thương hân hoan với người khác
109. Kiểu nói chaírei epì te adikía có liên quan với tính tiêu cực ẩn khuất khá sâu trong tâm hồn người ta. Đây là một thái độ đầy chất độc nơi những người hân hoan thấy bất công được thực hiện nơi người khác. Câu sau đây nói lên thái độ trái ngược lại: sygchaírei te aletheía: “vui khi thấy điều chân thật”. Nói cách khác, ta hân hoan trước điều tốt lành nơi người khác khi ta nhận ra phẩm giá của họ và trân trọng các khả năng và việc làm tốt của họ. Điều này không thể có nơi những người lúc nào cũng so sánh và cạnh tranh, ngay với người phối ngẫu của mình, đến nỗi vui mừng khi thấy họ thất bại.
110. Khi một người yêu thương làm được một điều tốt cho người khác, hoặc thấy người khác được hạnh phúc, chính họ cũng sống hạnh phúc và nhờ thế biết vinh danh Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu thương những người cho đi một cách vui vẻ” (2Cr 9:7). Chúa chúng ta đặc biệt đánh giá cao những người tìm được niềm vui trong hạnh phúc của người khác. Nếu ta không chịu học cách biết hân hoan trước hạnh phúc của người khác và tập chú chủ yếu vào các nhu cầu riêng của ta mà thôi, ta đã tự kết án mình phải chịu một cuộc hiện sinh không có niềm vui, vì, như Chúa Giêsu từng dạy, “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Gia đình phải luôn là nơi mà, khi một điều tốt lành xẩy ra cho một thành viên, người ta biết rằng các người khác cũng đều có mặt ở đó để mừng vui với họ.
Lòng yêu thương tha thứ mọi sự
111. Bảng liệt kê của Thánh Phaolô chấm dứt với bốn câu đều có những chữ “mọi sự”. Lòng yêu thương tha thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Ở đây, ta thấy rõ sức mạnh phản văn hóa của một lòng yêu thương có khả năng đương đầu với bất cứ điều gì có thể đe dọa nó.
112. Trước nhất, Thánh Phaolô nói rằng lòng yêu thương “tha thứ mọi sự” (panta stégei). Điều này khác với việc “đừng để ý tới sự ác” bởi vì chữ này liên quan tới việc sử dụng miệng lưỡi. Động từ này có thể có nghĩa “giữ im lặng” trước bất cứ điều xấu nào có thể có nơi người khác. Nó hàm nghĩa giới hạn phán đoán, kiểm soát xu hướng muốn đưa ra lời kết án cương quyết và không thương xót: “Đừng phán đoán và các ông sẽ không bị phán đoán” (Lc 6:37). Dù ngược với cách ta thường sử dụng miệng lưỡi, lời Chúa dạy ta “anh chị em đừng nói xấu lẫn nhau” (Gcb 4:11). Sẵn sàng nói xấu một người khác là cách ta tự khẳng định giá trị của mình, để hả thù hận và ghen tị mà không hề lưu ý tới cái hại ta có thể gây ra. Ta thường hay quên rằng nói xấu rất có thể có tội lớn; nó là một xúc phạm nặng nề chống lại Thiên Chúa nếu nó xâm hại nghiêm trọng tới danh thơm tiếng tốt của người khác và gây thiệt hại đến không thể cứu chữa. Bởi thế, lời Chúa thẳng thắn quả quyết rằng miệng lưỡi “là cả một thế giới của sự ác... làm cho toàn thân ra ô uế” (Gcb 3:6); nó là “một sự dữ không bao giờ ở yên, đầy những nọc độc giết người” (Gcb 3:8). Trong khi cái lưỡi có thể bị dùng để “nguyền rủa những ai đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” (Gcb 3:9), thì lòng yêu thương trân quí danh thơm tiếng tốt của người khác, kể cả của kẻ thù. Khi tìm cách tuân thủ luật Thiên Chúa, ta đừng bao giờ quên đòi hỏi chuyên biệt này của lòng yêu thương.
113. Các cặp vợ chồng được lòng yêu thương kết hợp phải nói tốt cho nhau; họ phải cố gắng trình bầy phía tốt của người phối ngẫu, chứ không phải điểm yếu và lỗi lầm của họ. Dù gì, họ cũng phải giữ im lặng hơn là nói xấu người phối ngẫu. Đây không phải chỉ là cách hành động trước mặt người khác; nó phát sinh từ một thái độ nội tâm. Không hề ngây thơ cho rằng mình không trông thấy các vấn đề và điểm yếu của người kia, ta chỉ nhìn các điểm yếu và lỗi lầm này trong một bối cảnh rộng lớn hơn mà thôi. Ta thừa nhận rằng các lỗi lầm này là một phần của bức tranh lớn hơn. Ta cũng phải hiểu ra rằng tất cả chúng ta đều là một sự pha trộn phức tạp của ánh sáng và bóng tối. Người khác kia không phải chỉ là tổng số những điều nhỏ mọn làm tôi khó chịu. Lòng yêu thương không cần phải hoàn hảo mới được ta đánh giá. Người khác yêu thương ta tốt nhất bao nhiêu có thể, với mọi giới hạn của họ, nhưng sự thật vẫn là: lòng yêu hương bất toàn không hề có nghĩa nó không chân thật hay không có thật. Nó có thật, dù giới hạn và có tính phàm trần. Nếu tôi mong đợi quá nhiều, người khác kia sẽ cho tôi biết, vì chàng hay nàng không thể đóng vai Thiên Chúa hay phục vụ được hết mọi nhu cầu của tôi. Lòng yêu thương đồng hiện hữu với sự bất toàn. Nó “tha thứ mọi sự” và có thể giữ được thanh thản trước các giới hạn của người tôi yêu thương.
Lòng yêu thương tin tưởng mọi sự
114. Panta pisteúei. Lòng yêu thương tin tưởng mọi sự. Ở đây “tin” không theo sát nghĩa thần học của nó, nhưng đúng hơn theo nghĩa điều ta vốn gọi là “tin tưởng” (trust). Điều này vượt quá việc chỉ đơn giản giả thiết người kia không nói dối hay lừa đảo. Niềm tin tưởng căn bản này nhìn nhận ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi quá bên kia sự tối tăm, giống than hồng âm ỉ dưới đám tro tàn.
115. Niềm tin tưởng này giúp mối liên hệ được tự do. Điều này có nghĩa: ta không cần kiểm soát người kia, theo dõi từng bước đi của họ kẻo họ thoát khỏi tay ta. Lòng yêu thương tin tưởng, nó giải thoát, nó không cố gắng kiểm soát, chiếm hữu và khống chế mọi sự. Sự tự do này, một sự tự do vốn cổ vũ độc lập, cổ vũ việc cởi mở đối với thế giới chung quanh và đối với các trải nghiệm mới mẻ, chỉ có thể phong phú hóa và mở rộng mối liên hệ. Lúc đó, vợ chồng sẽ chia sẻ với nhau niềm vui của mọi điều họ đã nhận được và học được ở ngoài vòng gia đình. Đồng thời, sự tự do này thuận lợi hóa lòng thành thực và sự trong sáng, vì những người biết rằng họ được tin tưởng và đánh giá cao đều có tinh thần cởi mở, không giấu giếm bất cứ điều gì. Những ai biết rằng người phối ngẫu của họ luôn ngờ vực, ưa phán đoán và thiếu một tình yêu vô điều kiện, sẽ có xu hướng giữ kín mọi chuyện, che giấu các sai phạm và yếu đuối của họ, và giả đò là một ai đó chứ không phải con người thực của họ. Đàng khác, một gia đình có đặc điểm tin tưởng yêu thương nhau, thì bất cứ xẩy ra việc gì, họ cũng đều giúp các thành viên là chính họ và tự nhiên sẽ từ khước lừa đảo, gian trá và nói dối.
Lòng yêu thương hy vọng mọi sự
116. Panta elpízei. Lòng yêu thương không thất vọng với tương lai. Tiếp theo những điều vừa nói, kiểu nói này đề cập tới lòng hy vọng của một người biết rằng người khác có thể thay đổi, trưởng thành hơn và toả một vẻ đẹp bất ngờ và một tiềm năng chưa hề được nói tới. Điều này không có nghĩa: mọi sự sẽ thay đổi ở đời này. Nó bao hàm việc hiểu ra rằng dù sự vật không luôn trở thành như ta mong ước, Thiên Chúa vẫn có thể biến những con đường khúc khuỷu thành thẳng băng và từ những điều xấu ta chịu ở trong đời, Người vẫn có thể rút ra điều tốt.
117. Ở đây, hy vọng sẽ tiến tới chỗ trọn vẹn nhất, vì nó bao hàm sự chắc chắn sẽ có sự sống sau khi chết. Mỗi người, bất chấp mọi sai phạm của họ, đều được kêu gọi bước vào sự viên mãn của sự sống trên thiên đàng. Ở đấy, vì hoàn toàn được sự phục sinh của Chúa Kitô biến đổi, mọi yếu đuối, tối tăm và nhược điểm đều sẽ mất dạng. Ở đấy, hữu thể thực sự của người ta sẽ sáng lên trong mọi vẻ tốt lành và đẹp đẽ của họ. Giữa các gia trọng (aggravations) của đời hiện tại, việc hiểu ra này sẽ giúp ta nhìn mỗi người từ một viễn ảnh siêu nhiên, trong ánh sáng hy vọng, và mong chờ sự viên mãn họ sẽ nhận được trên nước trời, cho dù vẫn chưa hiển hiện.
Lòng yêu thương chịu đựng mọi sự
118. Panta hypoménei. Điều này có nghĩa: lòng yêu thương chịu đựng mọi gian nan thử thách bằng một thái độ tích cực. Nó đứng vững trong các môi trường thù nghịch. Sự “chịu đựng” này bao hàm không những khả năng chấp nhận một số gia trọng, mà còn chấp nhận một điều lớn hơn thế: luôn sẵn sàng đương đầu với bất cứ thách đố nào. Đây là một lòng yêu thương không bao giờ bỏ cuộc, dù trong những giờ phút đen tối nhất. Nó chứng tỏ một anh hùng tính ngoan cường, một sức mạnh đề kháng bất cứ trào lưu tiêu cực nào, một dấn thân không thể nào dẹp bỏ đối với sự thiện. Ở đây, tôi nghĩ tới lời lẽ của [Mục Sư] Martin Luther King, người từng đương đầu với đủ thứ thử thách và sầu não bằng một lòng yêu thương huynh đệ: “Người ghét bạn nhất vẫn có điều tốt ở trong họ; ngay quốc gia ghét bạn nhất cũng có điều tốt trong nó; ngay chủng tộc ghét bạn nhất cũng có điều tốt nào đó trong nó. Và khi bạn tiến tới chỗ có thể nhìn thẳng vào mặt mọi người và thấy trong thẳm sâu lòng họ điều được tôn giáo gọi là ‘hình ảnh Thiên Chúa’, bạn sẽ bắt đầu yêu thương họ bất chấp [mọi sự]. Bất kể họ làm gì, bạn đều thấy hình ảnh của Thiên Chúa ở đấy. Đó là một yếu tố của sự thiện mà họ không bao giờ họ có thể tháo bỏ... Một cách nữa để bạn yêu kẻ thù của bạn là: khi có cơ hội để bạn đánh bại kẻ thù của bạn, thì đó là lúc bạn đừng nên làm việc đó... Khi bạn đã vươn tới bình diện yêu thương, tới vẻ đẹp và sức mạnh lớn lao của nó, bạn sẽ chỉ tìm cách đánh bại các hệ thống xấu xa. Các cá nhân nào chẳng may bị liên lụy trong hệ thống ấy, bạn hãy yêu thương họ, nhưng bạn phải tìm cách đánh bại hệ thống... Hận thù vì hận thù chỉ gia tăng sự hiện hữu của hận thù và sự ác trong vũ trụ. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, thì tôi sẽ đánh lại bạn và bạn sẽ đánh lại tôi, cứ thế, bạn thấy đó, nó sẽ kéo dài vô tận. Nó sẽ không bao giờ chấm dứt. Ở một nơi nào đó, một ai đó hẳn phải có một chút cảm thức, và người đó hẳn là người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ là người có thể cắt đứt dây chuyền hận thù, dây chuyền sự ác... Một ai đó phải có tôn giáo đủ và luân lý đủ để cắt đứt nó và bơm vào mọi cơ cấu của vũ trụ cái yếu tố mạnh mẽ ấy của lòng yêu thương” (114).
119. Trong đời sống gia đình, ta cần vun sới sức mạnh yêu thương ấy, một sức mạnh có thể giúp ta đấu tranh với mọi sự ác đang đe dọa nó. Lòng yêu thương không nhường bước cho hận thù, cho khinh miệt người khác hay ước muốn gây thương tích hoặc chiếm ưu thế. Lý tưởng Kitô Giáo, đặc biệt trong gia đình, là một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc. Đôi khi tôi rất cảm phục khi thấy những người đàn ông đàn bà dù đã ly thân với người phối ngẫu để tránh bạo lực thể lý, ấy thế nhưng, vì lòng yêu thương vợ chồng biết vượt quá phạm vi xúc cảm, nên vẫn cố gắng giúp đỡ người phối ngẫu, dù đôi khi gián tiếp qua người khác, trong lúc họ bị bệnh tật, đau khổ hay thử thách. Ở đây, ta cũng thấy một tình yêu không bao giờ bỏ cuộc.
Kỳ sau: Lớn lên trong tình yêu vợ chồng
______________________________________________________________________________________________________
(113) Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22 tháng 11, 1981), 21: AAS 74 (1982), 106.
(114) Mục Sư Martin Luther King Jr., Bài Giảng đọc tại Nhà Thờ Baptist Đường Dexter, Montgomery, Alabama, 17 tháng 11, 1957
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét