01/06/2017
Thứ Năm đầu tháng, tuần VII Phục Sinh
Thánh Giút-ti-nô, tử đạo.
Lễ nhớ
* Thánh
nhân là một triết gia và là anh hùng tử đạo. Người sinh
tại Phơ-la-vi-a Nê-a-pô-li, ở Samari, trong một gia đình ngoại giáo, đầu thế kỷ thứ 2. Sau khi tin Chúa Kitô, người đã viết nhiều tác phẩm bênh vực Kitô giáo. Trong số đó, còn lại hai tác phẩm “Minh giáo” gửi cho hoàng đế Antôniô và “Đối thoại với ông Triphông”, tranh luận với người Do thái. Người cũng mở một trường dạy triết lý ở Rôma. Bị một đồng nghiệp tố cáo, người một lòng son sắt tuyên xưng đức tin trước mặt quan toà và đã được phúc tử đạo cùng với sáu Kitô hữu khác, quãng năm 165, thời hoàng đế Máccô Aurêliô.
Bài Ðọc I: Cv 22, 30;
23, 6-11
"Con phải làm chứng về Ta tại Rôma".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo
Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và
toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết
có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn
tiếng giữa công nghị rằng: "Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người
biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã
chết". Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt
phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có
sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin
tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực
rằng: "Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay
thiên thần nói với người này thì sao?" Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn,
viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và
dẫn về đồn.
Ðêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: "Hãy can đảm lên! Con đã
làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma
như vậy".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và
5. 7-8. 9-10. 11
Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy
Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa
cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con,
chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng
con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì
Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt
của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ,
cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. - Ðáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở
trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi:
Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 17, 20-26
"Xin cho chúng nên một".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Con không cầu
xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào
Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả
chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban
cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một.
Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế
gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.
Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy
với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu
mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết
Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con
đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu
Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa".
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Sống trong
hiệp nhất
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện
cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu
từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở
nên một như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là
Hội Thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa
Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó
là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và
Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích thánh tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi
để sống trong sự hiệp nhất tình yêu.
Lời cầu nguyện của Chúa trước lúc khổ nạn cho chúng ta thấy tình yêu cao
cả và sự tín cẩn mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ của Ngài, vì thế Ngài vẫn
trao cho các ông một sứ mạng vô cùng lớn lao là rao giảng tên Ngài khắp nơi
trên thế gian và cho đến tận cùng thời gian. Chúa Giêsu chết đi và sống lại để
tất cả mọi người trở nên một như Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài. Chúa
Giêsu nói: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con để họ được là một
như chúng ta là một”.
Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay nói tới sự vinh quang mà Ngài ban cho
các môn đệ và Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy mở rộng vòng tay để đón nhận
sự vinh quang đến từ tình yêu của Chúa Cha, để tất cả được trở nên một. Tuy
nhiên, đây là sự vinh quang khác biệt với sự vinh quang phát sinh từ lòng kiêu
ngạo của con người, vì loại vinh quang này chỉ đem tới sự chia rẽ. Sự vinh
quang của Chúa Giêsu là sự vinh quang của Ðấng đã tự hạ mình xuống ngang hàng với
nhân loại để yêu thương và phục vụ như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Ðó là sự
vinh quang của Ðấng đã không màng tới sự vinh quang của cá nhân, vì thế mà Chúa
Cha đã vinh danh Ngài. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Philipphê
đã nói rằng Chúa Giêsu trong lúc còn sống tại trần thế đã lãnh nhận vinh quang
của Thiên Chúa. Vì Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang và mặc lấy
thân nô lệ và sống nên người phàm nhân. Ngài lại còn tự hạ mình xuống và vâng lời
Cha để chết trên thập giá cho sự cứu rỗi của nhân loại. Chính vì thế mà Cha
Ngài đã suy tôn Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trổi hơn các danh hiệu
khác. Chính Chúa Cha đã dành cho Con Ngài sự vinh quang vượt lên trên các vinh
quang của trần thế. Chúa Giêsu đã có được sự vinh quang đó không phải vì Ngài
ưa thích tìm kiếm mà vì Chúa Cha đã ban cho Ngài. Thiên Chúa đã chỉ cho chúng
ta phương cách để trở nên một đó là đón nhận sự vinh quang mà Ngài đã ban cho
chúng ta, sự vinh quang giúp chúng ta biết phục vụ cho những người khác và mở rộng
trái tim đến tất cả mọi người. Sự vinh quang giúp chúng ta biết hạ mình sống gần
gũi với tầng lớp của những người anh em khốn khó của mình.
Lạy Chúa, xin hãy thương xót nhân loại và chữa lành các vết thương chia rẽ
của chúng con. Xin cho tất cả các tín hữu Kitô sống trong sự hiệp nhất như Ngài
đã cầu xin Cha. Xin hãy đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí để chúng
con trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm tăng thêm trong chúng con tình
yêu đối với anh chị em khác trong Chúa Kitô.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần VII PS
Bài đọc: Acts
22:30, 23:6-11: Jn 17:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chia rẽ và hiệp
nhất
Hiệp nhất là điều ao ước
của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp
nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da hay nói cùng một ngôn ngữ?
Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những cuộc nội chiến tương tàn
như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải là mang cùng một tên gọi? Nếu thế,
đã không có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả
ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn
không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự
hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để
cùng nhau làm việc và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên sự thật và yêu
thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao giảng về hiệp
nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa
hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chú trọng đến việc
làm theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều căn bản xây dựng sự
hiệp nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra
xét xử.
1.1/ Phaolô gây chia rẽ
giữa những người Pharisees và Saduccees trong THĐ:
(1) Sự sống lại:
Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức
Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống
lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị:
"Thưa anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì
hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử."
(2) Hậu quả của những
gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người Saduccees chống đối
nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ trương rằng chẳng
có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisees thì lại tin
là có.
Người ta la lối om
sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh mẽ: "Chúng
tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã
nói với ông ấy?" Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta
xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó
mà đưa về đồn.
1.2/ Niềm tin của Phaolô
vào sự sống lại: Một người có thể trách
Phaolô đã gây chia rẽ trong THĐ, và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi
người; nhưng Phaolô hoàn toàn có lý khi làm như thế vì những lý do sau:
+ Hiệp nhất lý tưởng
là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự gian dối. Những người
trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô,
Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con người
không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: "Chúng tôi phải
vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời." Phaolô không nói điều gì gian
dối, nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và chính vì điều
này mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên đường ngã ngựa
tại Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của Kitô Giáo, đến
nỗi Phaolô đã phải nói mạnh: "Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của
chúng ta sẽ ra vô ích."
+ Hiệp nhất đòi con
người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ "cứ đưa má
cho người ta vả;" nhưng có lúc họ phải chất vấn những người bắt nạt, như
Chúa Giêsu đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt Ngài: "Nếu
Ta nói sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta" (Jn
18:22)?
+ Hiệp nhất đòi người
môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ thù; đồng thời
ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu
cũng hài lòng về những gì ông làm, khi "đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và
nói: "Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế
nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.""
2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2.1/ Mô hình lý tưởng của
sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi
Thiên Chúa.
+ Hiệp nhất trong sự
thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu nguyện của
Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã tin vào Ngài:
"Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ
lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong
Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai
con." Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin không
lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài đã thấy
trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các môn đệ,
sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng cho Ngài.
+ Hiệp nhất trong tình
yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ
hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu xin với
Chúa Cha: "Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để
họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ
được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con
và đã yêu thương họ như đã yêu thương con." Tình yêu phải là đồng phục của
hiệp nhất: các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng phải cùng một
tình yêu, như Chúa đã nhấn mạnh: "Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các
con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau" (Jn 13:35).
2.2/ Vinh quang của Chúa
Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp
nhất với nhau trong mọi nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ.
Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: "Lạy Cha,
con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con,
để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha
đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành." Vinh quang Thiên
Chúa đã ban cho Chúa Giêsu là những điều gì?
(1) Thập Giá là vinh
quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu
được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài
hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không ở dưới ách của
tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa Giêsu, họ mang lại
vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2) Hoàn toàn vâng lời
làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối
ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế,
vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh
quang.
(3) Làm cho các môn đệ
nhận biết Chúa là vinh quang: "Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho
họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ
nữa."
Khi các môn đệ làm cho
mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có hiệp nhất
trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự thật và yêu thương
nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
- Mỗi con người đều có
ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau là cùng làm theo ý
Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
01/06/2017 - THỨ NĂM ĐẦU
THÁNG TUẦN 7 PS
Th. Giút-ti-nô, tử đạo
Ga 17,20-26
HIỆP NHẤT TRONG CHÚA
“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để h
ọ
được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con
và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,23)
Suy niệm: Xung đột quyền
bính là “chuyện thường ngày ở huyện” từ những cộng đoàn nhỏ bé nhất như gia
đình cho đến những phạm vi rộng lớn hơn như quốc gia, quốc tế. Người trên nhân
danh sự đoàn kết đòi buộc thuộc hạ chấp hành mệnh lệnh; người dưới khăng khăng
bảo vệ ý kiến của mình nhân danh phán quyết của lương tâm. Ai cũng muốn khẳng định
mình là giềng mối của sự hiệp nhất hay sự hiệp nhất chỉ có khi mọi người vâng
theo ý kiến của tôi. Thế là xung đột xảy ra. Đối với Chúa Giê-su, mọi quyền
bính đã được Chúa Cha trao cho Ngài và Ngài cũng có tự do để hành sử quyền bính
ấy, nhưng với tình yêu tự nguyện và để làm vinh danh Cha và để ý Cha được thể
hiện. Với Ngài, trong Chúa Cha, tất cả được hiệp nhất với nhau. Như thế, sự
hiệp nhất đích thực và trọn vẹn chỉ có được khi cả bề trên lẫn bề dưới cùng
hành động phù hợp với Tin Mừng và vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Mời Bạn: Là người có quyền bính, bạn sử dụng quyền
bính để qui mọi người về với Thiên Chúa hay qui về bạn? Là người có tự do, bạn
hành sử tự do của bạn làm vinh danh Thiên Chúa hay để thoả mãn tính kiêu căng
của bạn? Tất cả chúng mình cần nhìn lại và định hướng theo khuôn mẫu Chúa
Giê-su để xây dựng sự hiệp nhất.
Sống Lời Chúa: Xét mình: - Bạn có lắng
nghe ý kiến người khác và nhận thấy những điểm hay và hợp lý trong đó không? -
Bạn phản ứng thế nào khi người khác không theo ý kiến của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất
chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
(5 phút Lời Chúa)
Để họ được nên một (1.6.2017 – Thứ năm Tuần 7 Phục sinh)
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương, hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là
phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly.
Đức Giêsu cầu nguyện,
không phải cho các môn đệ đang hiện diện,
nhưng cho các môn đệ
tương lai, là chính chúng ta,
những người tin nhờ nghe
lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là
Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất,
vẫn dâng lên Chúa Cha lời
nguyện tương tự.
Ngài nhìn thấy một phần
ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người.
Ngài nhìn thấy những
người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ,
theo Chính Thống giáo,
Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác.
Ngài xin Cha cho họ nên
một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các
môn đệ đang hiện diện bên Ngài
được nên một “như chúng
ta” (Ga 17, 11b).
Bây giờ Ngài xin cho các
môn đệ tương lai cũng được nên một.
Sự hiệp nhất nên một giữa
Cha và Con
vừa là khuôn mẫu, vừa là
nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
“Để tất cả nên một, như
Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21).
Cha và Con ở trong nhau,
đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất.
Chúng ta được mời gọi ở
trong nhau khắng khít như Cha và Con.
Điều này không thể thực
hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào
trong mối tương quan thân
thiết giữa Cha và Con:
“để họ cũng ở trong Chúng
Ta” (c. 21).
Các Kitô hữu chỉ hiệp
nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất
là sự ở trong nhau giữa
Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức
Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều
giữa Cha, Con và các môn
đệ.
“Con ở trong họ và Cha ở
trong Con…
Cha đã yêu thương họ như
đã yêu thương Con” (c. 23).
“Tình Cha đã yêu thương
Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (c.26).
Tương quan này sâu lắng
đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự
giữa Cha, Con và các môn
đệ là chính chúng ta.
Tuy vậy ít khi chúng ta
dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế
với thế giới siêu việt
của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói
đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian.
Chỉ khi có sự hiệp nhất
giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng
“Thế gian sẽ tin rằng Cha
đã sai Con” (c. 21),
“Thế gian sẽ nhận biết
rằng Cha đã sai Con (c. 23).
Chúng ta cầu cho sự hiệp
nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới.
Nếu một phần ba dân số
thế giới sống nên một trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ
sống trong hạnh phúc bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống
trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể
khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi
Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút
lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu
của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành
chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu
của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa
ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt,
với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong
đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng
tạo.
(Lời nguyện của Thánh
Élisabeth de Trinité)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG SÁU
Hơi Thở Sự Sống
Bản văn Thánh Kinh
trong Sách Sáng Thế cho phép chúng ta hiểu rõ rằng con người – được tạo thành
như thế – khác hẳn với toàn thể thế giới hữu hình, nhất là khác hẳn với thế giới
động vật. Chính “hơi thở sự sống” đã làm cho con người có thể biết các động vật,
có thể đặt tên cho chúng – và có thể nhận ra mình khác với chúng (St 2, 18 –
20).
Mặc dù trình thuật
Gia-vít về cuộc tạo dựng con người không nói đến “linh hồn”, ta vẫn dễ dàng nhận
ra từ trình thuật này rằng sự sống con người là một sự sống siêu việt trên sự sống
thuần túy chất thể của động vật, rằng sự sống vượt quá vật chất để vươn tới chiều
kích tinh thần. Đây chính là nền tảng cốt yếu của “hình ảnh Thiên Chúa” mà bản
văn Sáng Thế 1, 27 nói về.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 01-6
Thánh Justinô, tử đạo
Cv 22, 30;23,6-11;
Ga 17, 20-26.
Lời suy niệm: “Con ở trong
họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận
biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con.”
Trong lời cầu nguyện của
Chúa Giêsu, luôn muốn kết nối tất cả mọi người chúng ta nên một với Người,
chính Người luôn muốn ở trong mỗi người chúng ta, như Chúa Cha đã ở trong Người
và Người ở trong Chúa Cha, để làm cho chúng ta luôn được ở với Người bất cứ nơi
đâu Người hiện diện.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con vui hưởng với lời cầu nguyện của Chúa để chúng con nhận ra Chúa
nơi mỗi người anh em; để chúng con biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau giúp
chúng con được nên một trong Chúa; như thánh ý của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-06: Thánh
GIUSTINÔ
Tử Đạo (+165)
Thánh Giustinô tử đạo
sinh tại Nablus, Samaria ở vào đầu thế kỷ thứ II. Sinh trưởng trong một gia
đình ngoại giáo, nhưng Ngài luôn nuôi dưỡng nhiệt tình tìm kiếm Thiên Chúa chân
thật. Với nhiệt tình này, Ngài đã tiếp xúc với mọi triết thuyết đương thời và
không thoả mãn được các đòi hỏi của trí khôn.
Trong tác phẩm "Đối
thoại với Tryphon" (Dialogus cum Tryphone), chính thánh Giustinô kể lại cuộc
tìm kiếm của mình: - Trước hết, Ngài tin tưởng vào một người theo phái khắc kỷ.
Những người này chẳng dạy gì về Thiên Chúa. Ông ta nói rằng sư hiểu biết ấy
không cần thiết gì. Sau đó, Ngài đến với một người theo thuyết của Aristote.
Ông này đòi thù lao quá cao, khiến sinh viên trẻ là Giustinô phẫn uất: người ta
không rao bán triết học.
Một người theo lý thuyết
của Pythagore hỏi Ngài: - Anh đã học âm nhạc, thiên văn và địa lý chưa ? Bởi vì
để chiêm ngưỡng điều góp phần tạo nên hạnh phúc cần phải biết học giải thoát
tâm hồn khỏi các đối tượng hữu hình để có thể tiếp nhận được những đối tượng
trong trí khôn và cho phép thấy được sự thiện mỹ nội tại.
Giustinô chưa biết gì
về những môn học, nhưng lại thấy mình bị thúc bách tìm kiếm Thiên Chúa hơn.
Ngài gặp một người theo phái Platon Ngài nói: - Sau nhiều đàm luận, tôi hiểu được
những điều vô hình ở mức độ cao hơn. Việc chiêm ngưỡng thế giới tư tưởng chấp
cánh cho tinh thần của tôi.
Dầu vậy, không có gì
làm cho Ngài thỏa mãn được cơn khát chân lý. Tại Ephesô, Giustinô gặp một cụ
già đầy khôn ngoan. Ông trách Ngài đã thích lý sự về từ ngữ hơn sự kiện. Ông đã
cho Ngài một lời khuyên cao cả là hãy tìm đọc kinh thánh: phải vượt qua những
giới hạn của trí khôn, phải đi xa trong thời gian hơn các triết gia, phải nghe
các tiên tri là những người nói bởi Chúa Thánh Thần, nhất là phải cầu nguyện
vì: - Không ai có thể thấy hay nghe được những điều này nếu Thiên Chúa và đức
Kitô không cho họ hiểu biết.
Theo lời khuyên này,
Giustinô đã khám phá ra Kitô giáo bảo đảm hơn triết học nhiều. Từ đấy đức tin
là qui luật xử thế và sự thánh thiện lý tưỏng của Ngài, Ngài mở một trường học
tại Rôma và sống đời tông đồ đích danh. - Tôi sẽ nói sự thật, không một đắn đo
sợ sệt, cả vào lúc bị phân thay thành trăm mảnh.
Gương mẫu của các
thánh tử đạo đánh động ngài rất nhiều: - Thấy họ kiên vững trước cái chết, tôi
thầm nói rằng: họ không thể sống trong sự dữ và ham mê các khoái lạc được nữa.
Ngài sẽ tìm được ở đâu
sự thăng hoa cuộc sống lớn lao hơn là trong Kitô giáo ? Bởi vậy Ngài đã tìm mở
rộng môi trường hoạt động ra ngoài ranh giới lớp học và những cuộc tranh luận,
bằng việc viết nhiều tác phẩm để phổ biến tư tưởng tôn giáo. Ngày nay chúng ta
chỉ còn giữ lại được hai cuốn: Đối Thoại Với Tryphone, và Hộ Giáo. Nhưng với
hai tác phẩm ấy, thánh Giustinô cũng tỏ ra là một nhà minh giáo có thế giá được
thế kỷ thứ II và là người đã phác họa ra nền thần học Kitô giáo.
Từ một đức tin vững chắc
vào các chân lý Kitô giáo. Thánh Giustinô đã không ngần ngại tìm hết khả năng
trổi vượt của trí khôn để hai lần viết thơ can ngăn các bạo vương. Lần thứ nhất
vào năm 138. Ngài viết cho Antonin Le Pieux và lần thứ hai cho Marcô Aurelio. Cả
hai lần Ngài cố gắng chỉ dẫn đến kết quả là bị kết án tử hình.
Giustinô và các bạn bị
dẫn tới trước mặt tổng trấn Rusticus, một người theo triết thuyết Khắc Kỷ. Ngài
lớn tiếng tuyên xưng đức tin. - Không ai có lương tri mà lại bỏ rơi chân lý để
theo sự lầm lạc cả.
Thánh nhân từ chối
không chịu tố giác nơi các kitô hữu hội họp. Sau cùng Ngài và các bạn bi đánh
đòn rồi bị chém đầu. Tài liệu còn ghi lai nhiều chân lý mà thánh nhân đã phát
biểu trong cuộc đối thoại với Rustisus, chẳng hạn: - Mọi nguyên tắc chính đáng
mà các triết gia và các nhà lập luật khám phá được và trình bày cũng phải nhớ ở
điều mà Ngôi lời đã diễn tả một phần.
Ngài còn nói: - Không
ai tin Socrate đến độ chết vì điều ông ta dạy. Chính vì những lý do khác hẳn với
lãnh vực văn chương mà bao nhiêu giáo phụ đã lấy máu mình để ký nhận các công
trình của các Ngài, chính tình yêu Thiên Chúa nhập lòng các Ngài.
(daminhvn.net)
01 Tháng Sáu
Con Người Khờ Khạo
Một cuốn phim Pháp
với tựa đề "Gigot", đã kể lại cuộc đời cao thượng nhưng vô cùng đáng
thương của một người câm tên là Gigot. Ðúng như cái tên có thể gợi lên, Gigot
là một người khờ khạo nhưng có một tâm hồn cao quí. Ngày ngày anh quét đường,
kiếm từng đồng xu nhỏ để mua những mẩu bánh mì vụn sống qua ngày. Nơi trú ngụ của
anh là một cầu thang bẩn thỉu nằm bên dưới một ngôi nhà. Những người bạn duy nhất
của anh là các chú chó và một con mèo hoang. Hằng ngày, từ tiệm bánh mì đi ra,
anh đều mang theo thức ăn cho chúng. Anh đi đâu, chúng quấn quít bên người đến
đó... Những con thú thương anh như một người bạn, nhưng những người đồng bào của
anh chỉ nhìn anh như trò đùa. Mỗi khi cần có một trận cười, người ta gọi Gigot
đến cho anh uống rượu để anh có thể nhảy múa trong cơn say và làm trò hề cho họ.
Một đêm nọ, sau khi
say túy lúy và làm đủ trò hề cho thiên hạ cười, Gigot đi ngã ngiêng về nhà giữa
cơn mưa. Anh bắt gặp một người đàn bà và một đứa con gái nhỏ đang nằm co ro
trong góc hè phố, mình mẩy ướt như chuột lột. Anh dìu hai mẹ con người đàn bà về
nhà mình và dọn chỗ cho họ qua đêm. Trong những ngày kế tiếp, anh tìm đủ mọi
cách để làm cho người đàn bà được hạnh phúc và cô bé được vui cười. Anh đưa cô
bé đến nhà thờ và dùng thứ ngôn ngữ câm của mình để nói với nó về Chúa Giêsu...
Một hôm, người mẹ muốn đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh thiếu thốn trong căn
nhà của anh. Người câm không biết làm gì hơn là đành phải đến hiệu bánh mì quen
để đánh cắp một số tiền. Với số tiền ấy, anh có thể sắm sửa tươm tất cho hai mẹ
con người đàn bà...
Thế nhưng, một hôm,
khi thức giấc, anh không còn thấy người đàn bà trong căn gác của mình nữa. Anh
đưa cô bé vào sâu trong cầu thang và làm trò đùa cho nó cười. Vô tình, căn gác
đổ nát sụp xuống trên anh và đứa bé. Anh vừa mang đứa bé đến nhà thờ để xin cha
sở chạy chữa, thì người ta cũng phát giác ra sự mất tích của nó... Người ta tri
hô lên anh là thủ phạm bắt cóc đứa bé. Cuộc săn đuổi đã làm anh trượt té xuống
một dòng sông... Một chiếc phà chạy qua. Chiếc mũ của anh trồi lên. Mọi người
tưởng rằng anh đã chết chìm giữa dòng sông... Sự cảm thông và thương tiếc bỗng
bừng dậy, người ta lấy chiếc mũ của anh, đặt lên một chiếc quan tài và cử hành
nghi lễ tống táng. Người người sụt sùi khóc. Bao nhiêu bài điếu văn được đọc
lên để ôn lại tấm lòng cao thượng của người quá cố... Nhưng từ một chòm cây
trong nghĩa địa, Gigot lắng nghe tất cả, anh bật thành tiếng khóc, khóc vì sự cảm
thông quá muộn màng của người đồng loại, mà có lẽ cũng khóc khi nghĩ đến thân
phận của anh.
Hôm nay chúng ta bước
vào tháng dành riêng để tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu.... Có riêng một tháng để
nhắc nhớ cho con người về Tình Yêu của Thiên Chúa, bởi lẽ con người không hiểu
mà cũng dễ quên tình yêu của Thiên Chúa...
Thiên Chúa cũng giống
như một người tình câm. Ngài làm mọi sự và tìm đủ mọi cách để cho con người hiểu
được Tình Yêu của Ngài. Không còn ngôn ngữ nào nữa, Thiên Chúa đành phải dùng
chính cái chết, bởi lẽ không có tình yêu nào trọng đại cho bằng mối tình của
người chết vì người mình yêu...
"Chúng sẽ nhìn
xem Ðấng chúng sẽ đâm thâu qua". Qua cái chết của Ðức Kitô trên thập giá,
con người mới có thể thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình. Cái chết
là ngôn ngữ cuối cùng của Tình Yêu. Mối tình câm lặng nhất đã được bày tỏ...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét