Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

28-05-2017 : (phần II) CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN năm A

28/05/2017
Chúa Nhật 7 PS năm A.
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
Ngày Quốc tế Truyền thông xã hội.
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, năm A
CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN

(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20)

TRAO SỨ VỤ

“Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách Công vụ Tông đồ cho thấy một sự chuyển tiếp sứ mạng từ Chúa Giêsu sang cho các tông đồ qua trung gian của Chúa Thánh Thần.

Sứ mạng của Chúa Giêsu ở trần gian là “làm việc” và “giảng dạy” đã kết thúc khi Người chuẩn bị về trời. Để tiếp nối sứ mạng của mình, Người đã tuyển chọn, dạy bảo các tông đồ và căn dặn các ông hãy ở lại Giêrusalem mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa là chính Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã tuyển chọn các tông đồ, thì cũng nhờ Thánh Thần mà Người sai các ông ra đi làm chứng cho Người, khởi đi từ Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất.

Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự chuyển tiếp sứ mạng từ Chúa Giêsu sang cho các tông đồ nhờ ơn Thánh Thần. Thật vậy, một khi lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần, các tông đồ không thể đứng “đăm đăm nhìn trời” mà nuối tiếc quá khứ, cũng không thể chỉ lo “khôi phục vương quốc Israel”, mà phải hướng về tương lai của sứ mạng làm “chứng nhân của Thầy”, sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh, một sứ mạng khởi đi từ Israel mà vươn xa đến mọi nơi trên thế giới.

Như vậy, Chúa Giêsu về trời mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh mà các tông đồ là hạt nhân, một Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới.

2. Bài đọc 2:

Tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu ơn hiểu biết mầu nhiệm về Thiên Chúa, về vị thế của Đức Giêsu và về chương trình cứu độ được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô.

Trước hết, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và đặt Người ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời (x. Tv 110,1). Vì được Thiên Chúa siêu tôn qua cuộc phục sinh, địa vị của Đức Giêsu trên trời vượt trên mọi tước vị và mọi quyền lực thần thiêng. Ảnh hưởng của Người không chỉ trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai. Như thế, Đức Kitô Phục Sinh được Thiên Chúa tôn vinh cách trọn vẹn và viên mãn trong vị thế ngang hàng với Thiên Chúa trên trời.

Sau nữa, vị thế siêu tôn của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng cho các Kitô hữu về “gia nghiệp vinh quang phong phú” mà họ được Thiên Chúa hứa ban nhờ Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu Phục Sinh là đầu của toàn thể Hội Thánh cũng sẽ cho các chi thể là các Kitô hữu được chia sẻ sự sống viên mãn của Người. Đức Kitô, nhờ quyền năng Thiên Chúa mà chiến thắng sự chết và bước vào trong vinh quang phục sinh thế nào, thì các Kitô hữu, nhờ tin vào Thiên Chúa và công trình cứu độ trong Đức Kitô, cũng sẽ được thông phần vinh quang phục sinh thể ấy.

Tóm lại, tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa mạc khải cho các tín hữu hiểu rằng vinh quang và vị thế siêu tôn của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng và là cùng đích cho cuộc sống của các Kitô hữu đang trên đường lữ hành trần thế.

3. Bài Tin Mừng:

Chúa Giêsu Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ và trao cho các ông sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Chúa Giêsu Phục Sinh xuất hiện trên núi với vẻ uy nghi thần linh đến nỗi các môn đệ phải bái lạy Người. Người đã khai mạc Nước Trời trên núi (Mt 5,1), đã tỏ vinh quang Mêsia trên núi (Mt 17,1-8), nay Người cũng từ trên núi mà sai các tông đồ tiếp tục công việc Người đã khởi sự. Ngày xưa cũng từ trên núi, Chúa Giêsu đã từ chối quyền mà Xatan hứa trao cho Người trên “tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy” (x. Mt 4,8-10), nay từ trên núi trong diện mạo của Đấng Phục Sinh, Người lại được trao “toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Quyền bính của Chúa Giêsu Phục Sinh bao trùm cả trời đất (x. Cv 13,33; Rm 1,4; Pl 2,5-11), nên người có tư cách trao lại cho các môn đệ sứ mạng thánh hóa muôn dân nhân danh Thiên Chúa.

Thật vậy, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi tiếp nối sứ mạng của Người. Khởi đi từ Galilê, các môn đệ được sai đến với “muôn dân”, nghĩa là không chỉ dừng lại ở người Do Thái (x. Mt 10,5; 15,24) mà vươn xa đến mọi người trên thế giới (x. Mt 8,11; 21,41; 22,8-10; 24,14.30). Sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bao gồm việc rao giảng, giúp họ sống theo tinh thần Tin Mừng và cử hành bí tích thánh hóa nhân danh Chúa Ba Ngôi, đặt họ trong mối tương quan với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Đây là một sứ mạng đầy khó khăn và thách đố đối với các thế hệ môn đệ, nên Chúa Giêsu Phục Sinh hứa sẽ hiện diện cùng các ông luôn mãi để giúp các ông chu toàn sứ mệnh được giao phó cho đến ngày tận thế. Là đấng Emmanuel, Chúa Giêsu Phục Sinh không để các môn đệ cô độc trên hành trình sứ vụ, vì Người là Thiên-Chúa-ở-cùng.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Chúa Giêsu về trời mở ra thời kỳ của Thánh Thần, của Hội Thánh, một Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Như thế, bản chất của Hội Thánh là loan báo và làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người. Là một phần tử trong Hội Thánh, tôi cũng mang lấy sứ mạng đó. Tôi đã làm gì để loan báo Tin Mừng Phục Sinh? Tôi có thể làm gì để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh?

2/ Tác giả thư Êphêxô cầu xin Thiên Chúa ban thần khí khôn ngoan để các tín hữu hiểu rằng vị thế siêu tôn và vinh quang của Đức Giêsu trên trời là niềm hy vọng và là cùng đích cho cuộc sống của các Kitô hữu đang trên đường lữ hành trần thế. Đức Kitô vinh thăng trên trời có là niềm hy vọng đích thật cho cuộc sống của tôi? Tôi sống niềm hy vọng đó thế nào?

3/ Tác giả Mátthêu kết thúc Tin Mừng bằng cuộc hẹn gặp của Chúa Giêsu với các môn đệ tại Galilê, nơi Người đã khởi đầu sứ vụ. Trong dáng vẻ uy nghi, Đức Kitô Phục Sinh trao cho các môn đệ sứ mạng ra đi và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Là môn đệ Chúa Giêsu, tôi có sẵn sàng ra đi giới thiệu Chúa cho “muôn dân” để họ cũng tin và được cứu độ? Tôi có cử hành bí tích nhân danh Chúa Ba Ngôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã đem Đức Giêsu Kitô về trời, đặt ngự bên hữu Người để luôn chuyển cầu cho Hội Thánh và cho từng người chúng ta. Vậy cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lời cầu nguyện:

1. Chúa Phục Sinh đã sai các môn đệ đi giảng dạy và làm phép rửa cho muôn dân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng bằng một đời sống chứng tá, nên men muối giữa thế giới hôm nay.

2. Thiên Chúa đã khiến mọi sự quy phục dưới chân Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cùng cầu xin cho những người còn xa lạ với Tin mừng được nghe biết và tin nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian, và là con đường dẫn đưa nhân loại đến nguồn mạch sự thật và sự sống.

3. “Các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông biết tận dụng những phương tiện hiện đại với lương tâm ngay lành, để quảng bá tình thương và loan truyền chân lý.

4. Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn xác tín vào sự hiện diện của Chúa, và siêng năng đến kín múc năng lực thiêng liêng từ các bí tích, đặc biệt là phụng vụ Thánh Thể.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Chúa về trời đã mở đường hướng chúng con về quê hương đích thật. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và luôn nâng đỡ chúng con trong nỗ lực dựng xây thế giới hôm nay, để chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SỢI CHỈ ĐỎ LỄ THĂNG THIÊN

CHỦ ĐỀ :

CHUYỂN SANG MỘT GIAI ĐOẠN MỚI


"Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ"

(Mt 28,19)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I : Những lời dạy cuối cùng của Đức Giêsu trước khi thăng thiên.

- Đáp ca : Chúa lên trời, tiếng hò reo dậy đất ; Chúa lên trời, nhịp kèn sáo trổi cao.

- Bài đọc II : Thánh Phaolô giải thích ý nghĩa việc Đức Giêsu "lên trời" : "Thiên Chúa đã tôn Đức Kitô lên"

- Tin Mừng : Đức Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi loan Tin Mừng, và hứa sẽ ở cùng họ cho đến tận thế.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Việc Đức Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Đức Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Đức Giêsu đã trao sứ mạng "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

Hôm nay, sứ mạng này được trao cho thế hệ chúng ta. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ để chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa trao.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta có lỗi vì hay quên rằng Đức Giêsu là Đấng đang sống và đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền. Do lỗi này nên chúng ta dễ chán nản và không cậy dựa vào Ngài.

- Chúng ta có lỗi vì chỉ hướng về trời mà quên trách nhiệm xây dựng thế giới của mình.

- Chúng ta có lỗi vì ít quan tâm loan báo Tin Mừng.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I : Cv 1,1-11

Những lời dạy cuối cùng của Đức Giêsu trước khi thăng thiên :

- Đức Giêsu dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ biết rằng sau khi đã chịu nạn chịu chết, Ngài vẫn đang sống.

- Ngài căn dặn họ chờ điều Thiên Chúa hứa ban, tức là ban Chúa Thánh Thần.

- Trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Ngài trên khắp thế giới.

2. Đáp ca : Tv 46

Tv này ca tụng vương quyền của Giavê Thiên Chúa. Phụng vụ hôm nay áp dụng Tv này cho Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa tôn lên làm vua và trao cho mọi quyền hành trên trời dưới đất.

3. Bài đọc II : Êp 1,17-23

Thánh Phaolô chúc cho các tín hữu được ơn khôn ngoan để lòng trí mở ra mà hiểu rõ đâu là niềm hy vọng mà họ đã nhận được.

4. Bài Tin Mừng : Mt 28,16-20

Ý chính của bài Tin Mừng này cũng giống bài trích sách Công vụ hôm nay : trước khi về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã trao sứ mạng cho các môn đệ : Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Thăng thiên nhưng không phải là lên trời !

Hôm nay Đức Giêsu "thăng thiên". Xét theo nghĩa chữ, thì "thăng thiên" chính là "lên trời". Thế nhưng tại sao Ngài lại nói rằng "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ? Nói vậy nghĩa là Chúa vẫn còn ở với chúng ta chứ đâu có "lên trời" !

Chúng ta phải lưu ý đến cách viết của tác giả Mátthêu. Ngài đã dùng từ không theo sát nghĩa đen, nhưng theo nghĩa mà người bình dân quen hiểu. Theo đó, cái gì cao thì gọi là "trời", cái gì thấp thì gọi là "đất", tình trạng tiến khá hơn thì nói là "lên", lùi tệ hơn thì nói là "xuống". Như thế, "thăng thiên" hay "lên trời" không chỉ một chuyển động trong không gian, mà chỉ một tình trạng tốt hơn trước. Ngày xưa, Đức Giêsu nhập thế thì được diễn tả là "giáng trần" hay "xuống đất". Hôm nay Ngài trở về tình trạng vinh quang với Chúa Cha thì diễn tả là "lên trời". Bởi vì Đức Giêsu chỉ thay đổi tình trạng thôi cho nên dù bây giờ Ngài vinh quang, nhưng Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, chứ không phải Ngài lên "ở trên trời" và để chúng ta phải mồ côi "ở dưới đất".

Lễ Thăng thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Đức Giêsu. Hình dung Đức Giêsu đang bay lên giữa các tầng mây, hay đang ngồi bên phải Chúa Cha chỉ là những cách tưởng tượng. Những hình ảnh tưởng tượng này có cụ thể đối với đầu óc bình dân đấy, nhưng gây tai hại là khiến người ta nghĩ rằng Đức Giêsu đã xa cách loài người.

Chúng ta phải đi xa hơn những hình ảnh tưởng tượng kia để đạt đến ý nghĩa đích thực của việc thăng thiên : đó là Đức Giêsu đã lấy lại vinh quang, Ngài vẫn còn ở bên cạnh chúng ta luôn mãi, và nhờ vinh quang, Ngài sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng ta.

Như thế, Lễ thăng thiên không làm cho chúng ta cứ đăm đăm nhìn trời với lòng bùi ngùi luyến tiếc, nhưng khuyến khích chúng ta quay về cuộc sống để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới, với lòng đầy hăng hái vì biết Đức Giêsu vinh quang lúc nào cũng hỗ trợ chúng ta.

2. Lễ thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc

Lễ Thăng thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Đức Giêsu. Lễ này còn đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan Tin Mừng : Trước đây, loan Tin Mừng chủ yếu là việc của Đức Giêsu, các môn đệ theo Ngài để tập sự. Từ nay, loan Tin Mừng là sứ mạng của các môn đệ, với sự hỗ trợ đắc lực của Đức Giêsu vinh quang. Bởi đó, sách Công vụ ghi lời Đức Giêsu căn dặn : "Anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất" ; sách Tin Mừng Mátthêu cũng ghi lời Chúa bảo : "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… để muôn dân trở thành môn đệ của Thầy".

3. Sự hiện diện hằng cửu

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc họp mặt lần chót của Đấng phục sinh với các môn đệ ở trần thế. Đây là cuộc gặp gỡ thân mật nhưng mở ra những viễn tượng vô cùng rộng lớn… Ngay trong giờ phút chia tay đã bắt đầu một sự hiện diện mới, sự hiện diện hằng cửu của Đấng Phục sinh : "Thầy ở với chúng con hằng ngày cho đến tận thế".

Chúa ra đi nhưng Ngài không trở thành "cố nhân", người xưa, người của quá vãng. Ngài không để chúng ta côi cút. Ngài vẫn hiện diện (tuy cách hiện diện có khác), bởi vì Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đã qua rồi cái thời Ngài hiện diện hữu hình. Bây giờ đến thời của lòng tin, của sự tập luyện. Chúng ta tập nhận ra Chúa trong anh em ta, trong các biến cố đời thường.

Ngài vắng mặt, nhưng vẫn tiếp tục hiện diện qua Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi : "Thầy ra đi là tốt cho anh em, bởi nếu Thầy không ra đi thì Đấng An ủi sẽ không đến".

Chúa còn hiện diện với chúng ta trong bí tích bẻ bánh, như ngày xưa Ngài hiện diện giữa hai môn đồ ở làng Emmau.

Chúa còn hiện diện trong các cộng đoàn, "nơi có hai ba người họp mặt cầu nguyện". Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào có chia sẻ, bất cứ nơi nào người ta thương mến giúp đỡ nhau. Chúa hiện diện tại bất cứ nơi nào con người được giải phóng khỏi bất công, khỏi bạo lực, khỏi nghèo đói.

Trong cuộc chia tay, Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mệnh làm lan truyền sự hiện diện của Ngài nơi tất cả các dân tộc. Sự hiện diện được thể hiện khi ta tuân giữ giới luật yêu thương, mệnh lệnh tình yêu : "Các con hãy yêu nhau, như Thầy yêu thương các con" (Trích báo Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt Giáng sinh ’98, trang 178-179).

4. Lời cuối của Đức Giêsu ở trần thế


a/ Thông thường, những lời cuối cùng của một người trước khi người ấy từ giã cõi đời, là những điều hết sức quan trọng mà người ấy muốn những người thân yêu ở lại thực hiện. Và những người ở lại thường coi những lời người sắp từ giã thế gian trăn trối như một điều linh thiêng cần thực hiện cho bằng được.

Trước khi về trời, vĩnh viễn xa rời các tông đồ, Đức Kitô đã trăn trối : Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Như vậy, sứ điệp quan trọng nhất mà Đức Kitô muốn trao gửi lại cho các môn đệ, và cho mọi Kitô hữu là : hãy tiếp tục sứ mạng loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trước mọi người, mọi dân tộc trên thế giới.

b/ Cần phải hiểu rõ nội dung Tin Mừng mới có thể loan báo Tin Mừng được

Chúng ta thường nói rằng mình phải loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhưng rất nhiều khi chúng ta lại biết một cách rất mơ hồ, hoặc không biết cho đúng và cho đầy đủ nội dung mà chúng ta phải loan báo. Để rồi cuối cùng chúng ta chẳng loan báo gì, hay loan báo một thứ Tin Mừng méo mó.

Nhiều người nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là tỏ cho người khác biết mình là Kitô hữu, là làm dấu thánh giá nơi quán ăn, là can đảm xưng mình là người Thiên Chúa giáo trong các tờ lý lịch bất chấp những bất lợi sẽ xảy ra. Kẻ khác nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là cố gắng sống cho thật đạo đức, năng đi lễ, năng chịu các bí tích, với mục đích làm gương sáng cho người chung quanh, đồng thời khuyên mọi người làm như vậy. Người khác nữa thì gặp những người ngoại đạo mình quen biết, liền tìm cách gạ gẫm, thuyết phục họ vào đạo, bằng cách nói cho họ biết vào đạo thì được Chúa ban ơn này ơn kia, v.v…

Kết quả của những việc đó có thể là chúng ta lôi kéo được một số người vào đạo, hoặc làm cho nhiều người khô khan năng đi lễ, năng đến nhà thờ, năng chịu các bí tích hơn, hoặc làm cho đời sống gia đình của họ trở nên đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn, v.v… Tất nhiên khi làm được những việc ấy công lao của chúng ta rất lớn. Nhưng loan báo Tin Mừng có phải là chỉ làm như vậy không ? Tất cả những người này họ đã biết Tin Mừng là gì chưa ? đã cảm nghiệm được Tin mà họ nghe là một tin đáng mừng, làm cho đời sống họ hạnh phúc lên chưa ?

Tất cả những điều đó là những điều nên làm, cần làm, nhưng chưa phải là nội dung của việc loan báo Tin Mừng. Muốn loan báo Tin Mừng cho đúng nghĩa, chính người loan báo phải biết Tin Mừng là gì, phải cảm thấy Tin mình loan báo là điều đã làm mình hạnh phúc, vui tươi, làm cho đời sống mình trở nên có ý nghĩa. Nếu không như thế, thì mình chỉ làm công việc mù mà lại dắt mù, và kết quả là cả hai sẽ lăn cù xuống hố (Mt 15,14 ; Lc 6,39).

Thật vậy, nếu chính mình chưa cảm thấy Tin Mừng đã ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống mình, chưa thật sự thay đổi đời sống mình, mà mình lại đi rao giảng Tin Mừng, muốn Tin Mừng ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống người khác, thì có khác gì cho đi cái mình chẳng có ? Như thế thì người nhận sẽ nhận được gì ?

Vì thế, chúng ta cần phải năng học hỏi về Tin Mừng, chia sẻ Tin Mừng, để Tin Mừng thấm sâu vào tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của ta. Có như thế, việc loan báo Tin Mừng của ta mới có sức thuyết phục.

c/ Loan báo Tin Mừng

Một trong những sứ mạng của Đức Kitô tại trần thế này là loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa Cha, làm sao để mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, để nhờ đó được sự sống đời đời hay hạnh phúc vĩnh cửu : Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô (Gioan 17,3).

Và Thiên Chúa Cha đó chính là Tình Yêu (xem 1 Gioan 4,8), Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến : Chính Chúa Cha yêu mến anh em (Gioan 16,27) ; Chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con (Gioan 17,23).

Và Thiên Chúa Cha đó ở ngay trong nội tâm mỗi người chúng ta, chúng ta có thể gặp gỡ Ngài bất kỳ lúc nào chúng ta muốn : Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?... Đền thờ ấy chính là anh em (1 Cr 3,16-17 ; x. 1 Cr 6,19 ; 2 Cr 6,16 ; Ep 2,20-22). Thiên Chúa đó lại là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm cho ta tất cả những gì Ngài muốn. Do đó, ta có thể yên tâm hoàn toàn khi phó thác tất cả mọi sự trong tay Ngài, Đấng vừa yêu thương ta, vừa quyền phép vô biên.

Nội dung Tin Mừng đối với chúng ta còn là sự nhập thể, là đời sống, là giáo huấn, là cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, Con Một của Thiên Chúa Cha nữa. Đức Kitô cũng là người yêu thương chúng ta như Thiên Chúa Cha đã yêu ta : Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu thương họ đến cùng (Gioan 13,1). Yêu đến cùng là yêu đến nỗi sẵn sàng hiến mạng sống mình một cách đau khổ và nhục nhã nhất (x. Gioan 15,13). (Nguyễn Chính Kết)

5. Chuyện minh họa

a/ Không đến nỗi nào đâu !

Có một chuyện kể rằng khi Đức Giêsu về trời, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel ngạc nhiên vì Ngài trở về sớm quá. Gabriel biết rằng công việc Chúa Cha giao cho Đức Giêsu rất nhiều, không thể kết thúc trong thời gian chỉ có 3 năm như thế. Bởi vậy Tổng lãnh Thiên Thần hỏi :

- Sao Chúa về sớm vậy ?

- Ờ, Ta cũng muốn ở dưới đó lâu hơn. Nhưng mà họ đã đóng đinh Ta.

- Đóng đinh Chúa ư ? Vậy là Chúa thất bại rồi !

- Không hẳn vậy. Trước đó Ta đã kịp lập một nhóm tín hữu. Từ nay về sau, họ sẽ tiếp tục công việc của Ta.

- Nhưng nếu họ cũng thất bại nữa thì chắc là tiêu tùng luôn rồi !

- Không đến nỗi vậy đâu, vì một đàng Ta đã hứa sẽ ở cùng họ cho đến ngày tận thế, và đàng khác Ta còn phái Thánh Thần đến giúp họ nữa.

- À ra thế. Chắc là sẽ không thất bại nữa.

b/ Mặt trước

  Một đêm, cô bé đi bên cha dưới bầu trời đầy sao. Nhìn lên, em nói với cha : "Ba ơi, con đang nghĩ rằng nếu như mặt sau của thiên đàng mà còn đẹp thế kia, thì mặt trước phải đẹp biết chừng nào !"

c/ Đường về

  Một tù trưởng đã khéo léo lãnh đạo bộ lạc trong nhiều năm. Cuối cùng, ông chuẩn bị cái chết của mình cách rất bình thản. Người ta hỏi : "Sao ông bình thản vậy ? Đau khổ và cái chết có gì vui đâu ?" Ông đáp :

  "Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ này, rồi xuôi dòng Missisipi, nhưng mùa xuân về, nó lại về đây như là về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa ông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa

  Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn ? Vì Thánh Linh đã đặt vào lòng chúng con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về. Tôi đang chuẩn bị cho đường về của tôi. Vậy làm sao tôi lại không vui chứ ?"

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Hôm nay Đức Kitô lên trời ngự bên hữu Chúa Cha để mở đường cho người kitô hữu bước vào thiên quốc. Chúng ta hãy hoan hỉ tung hô Người và dâng lời cầu nguyện.

1. Hội Thánh có sứ mạng thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu / là rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên khắp hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi nước mọi dân / được nghe biết Tin Mừng cứu độ / để muôn người tin yêu và vâng phục Chúa.

2. Hiện nay / chỉ một phần ba nhân loại tin vào Chúa / do đó trách nhiệm giới thiệu Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa / là bổn phận quan trọng nhất của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết ý thức sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình.

3. Người kitô hữu có thể rao giảng ở mọi nơi mọi lúc / bằng chính đời sống bác ái yêu thương / và tận tuỵ phục vụ của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu luôn sống gương mẫu / để có thể đem Chúa đến cho tha nhân.

4. Đức tin không làm việc là đức tin chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thể hiện niềm tin sống động của mình trong cuộc sống thường ngày / bằng những việc làm cụ thể / chứ không chỉ bằng những lời nói suông.

CT : Lạy Chúa Giêsu, khi đã lãnh bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, tất cả chúng con đều là những người được sai đi. Xin Chúa cho chúng con luôn sống trọn vẹn ơn gọi thừa sai của mình. Chúa hằng sống…

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Kinh Tiền Tụng riêng cho lễ Thăng Thiên

- Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu phục sinh đang ở bên cạnh Chúa Cha để làm trung gian cho chúng ta. Chúng ta hãy nhờ Ngài và với Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.

- Trước lúc rước lễ : Chúng ta sắp rước Chúa Giêsu vào lòng. Hãy xin Ngài thêm sức giúp chúng ta chu toàn sứ mạng Ngài trối lại cho chúng ta tiếp nối. "Đây Chiên Thiên Chúa…"

VII. GIẢI TÁN

Hôm nay Đức Giêsu lặp lại với anh chị em lời Ngài đã bảo các môn đệ ngày xưa : "Anh em hãy đi đến với muôn dân…", "Anh em hãy làm chứng cho Thầy". Chúc anh chị em bình an.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Lễ Chúa Thăng Thiên (A)

Chúa Nhật, 28 Tháng 5, 2017
Hãy đi khắp thế giới
Sứ vụ phổ quát
Mt 28:16-20


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:

Đoạn văn này ghi lại những lời sau cùng của Chúa Giêsu theo Phúc Âm của Mátthêu.  Đây giống như một di chúc, ước muốn cuối cùng của Người gửi cho cộng đoàn, đó là điều quan trọng hơn hết trong tâm trí của Người.  Trong bài đọc, chúng ta cố gắng chú ý đến những điều sau đây:  Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điều gì nhất trong những lời cuối của Người?      

b)  Phân đoạn chương 28 để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 28:16 – Địa điểm:  trở về Galilêa
Mt 28:17 – Việc hiện ra của Chúa Giêsu và phản ứng của các môn đệ
Mt 28:18-20a – Những lời hướng dẫn cuối cùng của Chúa Giêsu
Mt 28:20b – Lời hứa trọng đại, căn nguyên của mọi hy vọng.  

c)  Phúc Âm:

16:  Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước.
17:  Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.
18-20a:  Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng:  “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy.  Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân; làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.
20b:  Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

a)  Điều gì đã đánh động và đụng chạm vào tâm hồn bạn nhất?
b)  Hãy nhận biết các chi tiết về thứ tự thời gian và nơi chốn trong đoạn Tin Mừng này.           
c)  Các môn đệ phản ứng ra sao?  Nội dung những Lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ là gì?
d)  Câu “mọi quyền năng trên trời dưới đất” đã được ban cho Chúa Giêsu có nghĩa là gì?
e)  “Để trở thành một môn đệ” của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
f)  Trong bối cảnh này, phép rửa tội “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” có ý nghĩa như thế nào?
g)  Những chữ “Thầy ở cùng các con mọi ngày, cho đến tận thế” nhắc nhở chúng ta điều gì trong Cựu Ước? 

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

a)  Bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu

 *  Tin Mừng Mátthêu, viết vào khoảng năm 85, được viết cho một cộng đoàn người Do Thái cải đạo sống tại Syria-Palestine.  Họ đang trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính sâu đậm về quá khứ của họ.  Khi họ chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đang được mong đợi, họ vẫ tiếp tục đi đến các hội đường và tuân giữ lề luật và các truyền thống của cha ông họ để lại.  Hơn thế nữa, họ đã có mối quan hệ thân thích gần gũi với những người Biệt Phái, và sau cuộc nổi dậy của người Do Thái tại Palestine chống lại đế quốc La Mã (từ năm 65 đến năm 72), họ và những người Biệt Phái là hai nhóm duy nhất đã sống sót dưới cuộc đàn áp của người La Mã.     

*  Từ những năm trong thập niên 80, những người Do Thái anh em, Biệt Phái và Kitô hữu, những kẻ sống sót duy nhất, đã bắt đầu chống lại nhau để làm những kẻ thừa kế của các lời hứa trong Cựu Ước.  Mỗi nhóm đều nhận mình là kẻ thừa kế.  Dần dà, sự căng thẳng đã tăng dần trong bọn họ và họ đã bắt đầu tuyệt giao với nhau.  Các người Kitô hữu không còn có thể tham dự tại hội đường và đã bị cắt đứt khỏi quá khứ của họ.  Mỗi nhóm bắt đầu tập hợp lại:  những người Biệt Phái đến hội đường, các Kitô hữu đến nhà thờ.  Điều này đã làm tăng thêm vấn đề bản sắc của cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái vì nó đưa ra những vấn nạn nghiêm trọng cần có giải pháp cấp bách.  “Ai là người hưởng thừa kế những lời hứa của Cựu Ước, những người đi đến hội đường hay những người đi đến nhà thờ?  Thiên Chúa ở về phe nào?  Ai thực sự là dân riêng của Thiên Chúa?”

*  Giờ đây, Mátthêu viết Tin Mừng của mình để giúp đỡ các cộng đoàn vượt qua cuộc khủng hoảng của họ.  Trước hết, Tin Mừng của ông là một Tin Mừng mặc khải cho thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế đích thực, một ông Môisen mới, tột đỉnh của toàn bộ lịch sử Cựu Ước và những lời hứa trong đó.  Đó cũng là Tin Mừng của sự an ủi cho những ai bị hắt hủi và ngược đãi bởi những người anh em Do Thái của họ.  Mátthêu muốn an ủi và giúp họ vượt qua khỏi nỗi tổn thương của sự chia lìa.  Đó là Tin Mừng của việc thực thi mới bởi vì nó cho thấy con đường để đạt được một nền công lý mới, cao cả hơn công lý của những người Biệt Phái.  Đó là Tin Mừng của sự cởi mở và cho thấy rằng Tin Mừng của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang lại không thể bị che dấu, nhưng phải được đặt trên ngọn nến để nó có thể soi sáng đời sống cho tất cả mọi dân tộc.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng theo Mátthêu 28:16-20

*  Mt 28:16:  Trở về Galilêa:  Galilêa là nơi bắt đầu mọi sự (Mt 4:12).  Ở đó các môn đệ lần đầu tiên đã được nghe thấy ơn gọi (Mt 4:15) và cũng nơi đó, Chúa Giêsu đã hứa sẽ đoàn tụ lại với các ông sau khi phục sinh (Mt 26:31).  Trong Phúc Âm Luca, Chúa Giêsu cấm các ông không được rời khỏi Giêrusalem (Cv 1:4).  Trong Phúc Âm Mátthêu, họ được lệnh phải rời khỏi Giêrusalem và trở lại Galilêa (Mt 28:7, 10).  Mỗi nhà truyền giáo theo cách riêng của mình để trình bày con người của Đức Giêsu và các kế hoạch của Người.  Đối với Luca, sau sự phục sinh của Chúa Giêsu, việc công bố Tin Mừng đã bắt đầu ở Giêrusalem để cho đến tận cùng trái đất (Cv 1:8).  Đối với Mátthêu, việc công bố khởi đầu tại Galilêa của dân ngoại (Mt 4:15) để biểu hiện trước việc chuyển đổi từ dân Do Thái cho tới dân ngoại.
Các môn đệ đã phải đi đến ngọn núi mà Chúa Giêsu đã chỉ trước cho họ.  Núi này nhắc nhở chúng ta về núi Sinai, nơi mà Giao Ước đầu tiên đã xảy ra và là nơi ông Môisen đã lãnh những tấm bia Lề Luật của Thiên Chúa (Xh 19-24; 34:1-35).  Nó cũng nhắc nhở chúng ta về núi của Thiên Chúa, nơi mà tiên tri Êlia đã ẩn cư để đi tìm lại ý nghĩa sứ vụ của ông (1V 19:1-18).  Nó cũng nhắc nhở chúng ta về ngọn núi Chúa Biến Hình, nơi các ông Môisen và Êlia, đó là, Lề Luật và các ngôn sứ, hiện ra với Chúa Giêsu, do đó xác nhận rằng Người là Đấng Cứu Thế đã được hứa (Mt 17:1-8).

*  Mt 28:17:  Một số người đã hoài nghi:  Các Kitô hữu đầu tiên đã gặp khó khăn lớn trong việc tin vào sự phục sinh.  Các Thánh Sử nhấn mạnh khi nói rằng họ nghi ngờ rất nhiều và đã không tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu (Mc 16:11, 13, 14; Lc 24:11, 21, 25, 36, 41; Ga 20:25).  Niềm tin vào sự phục sinh là một tiến trình chậm chạp và khó khăn, nhưng được kết thúc bởi sự đoan chắc nhất của các Kitô hữu (1 Cr 15:3-24).

*  Mt 28:18:  Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy:  Hình thức bị động của động từ cho thấy rằng Chúa Giêsu đã nhận được quyền năng của Người từ Chúa Cha.  Quyền bính này là gì?  Trong sách Khải Huyền, Chiên Con (Chúa Giêsu Phục Sinh) đã nhận từ tay của Thiên Chúa cuốn sách với bảy con dấu (Kh 5:7) và đã trở thành Chúa của lịch sử, Người là Đấng chịu trách nhiệm thực thi các chương trình của Thiên Chúa như đã mô tả trong quyển sách được niêm phong, và được tôn sùng bởi mọi loài thụ tạo như thế (Kh 12:11-14).  Bằng vào quyền bính và quyền năng của mình, Người chiến thắng con Mãng xà, quyền lực của sự dữ (Kh 12:1-9).  Và bắt giữ con thú dữ và tiên tri giả, các biểu tượng của Đế Quốc La Mã (Kh 19:20).  Trong Kinh Tin Kính của Thánh Lễ chúng ta tuyên xưng rằng Đức Giêsu lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, như thế Người sẽ lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

*  Mt 28:19-20a:  Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu:  ba mệnh lệnh truyền cho các môn đệ:  Được ủy thác với quyền bính tối cao, Chúa Giêsu truyền lại ba mệnh lệnh cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta:  (i)  Đi giảng dạy cho muôn dân; (ii) làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; (iii) giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.

i)  Đi giảng dạy cho muôn dân:  Là một người môn đệ không giống như một học trò.  Người môn đệ được ở trong một mối quan hệ với vị tôn sư.  Người học trò ở trong một mối tương quan với người dạy học.  Người môn đệ sống với vị tôn sư 24 giờ một ngày; người học trò nhận lãnh bài học từ thày giáo trong vài tiếng đồng hồ rồi sau đó trở về nhà.  Người môn đệ bao hàm ý một cộng đoàn.  Người học trò bao hàm sự hiện diện trong một lớp học cho các bài học.  Vị trí của người môn đệ thời ấy được đánh dấu bằng sự biểu lộ đi theo vị tôn sư.  Trong Luật dòng Cát Minh, chúng ta đọc thấy:  Sống trong sự tùng phục Chúa Giêsu Kitô.  Đối với những Kitô hữu tiên khởi, đi theo Chúa Giêsu mang ý nghĩa ba việc liên kết sau:
-  Noi theo gương Thầy:  Chúa Giêsu là mẫu mực để noi theo và để được lặp lại trong đời sống của người môn đệ (Ga 13:13-15).  Sống với nhau mỗi ngày có nghĩa là một cuộc họp liên tục.  Trong Trường của Chúa Giêsu chỉ có một môn học được dạy:  Vương Quốc Nước Trời!  Vương Quốc này có thể được nhìn thấy trong đời sống và sự thực hành của Chúa Giêsu.
-  Chia sẻ số phận của Thầy:  Những ai đi theo Chúa Giêsu, đã phải tự cam kết “một lòng gắn bó với Người trong mọi thử thách cám dỗ” (Lc 22:28), trong lúc bị bách hại (Ga 15:20; Mt 10:24-25) và phải sẵn sàng vác thập giá và chết với Người (Mk 8:34-35; Ga11:36).
-  Sống trong đời sống của Chúa Giêsu:  Sau khi Phục Sinh, một khía cạnh thứ ba đã được thêm vào:  “Bây giờ tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.  Các Kitô hữu tiên khởi đã cố xác định căn tính của mình với Chúa Giêsu.  Đây là khía cạnh mầu nhiệm trong việc đi theo Đức Giêsu, là hoa trái sự tác động của Chúa Thánh Thần.  


ii)  Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần:  Ba Ngôi Thiên Chúa là sự khởi đầu, sự kết thúc và đường đi.  Những ai chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha, được mặc khải trong Chúa Giêsu, cam kết sống với nhau như anh chị em trong tình huynh đệ.  Và nếu Thiên Chúa là Cha, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em.  Những ai chịu phép rửa nhân danh Chúa Con, Chúa Giêsu, cam kết noi gương Đức Giêsu và đi theo Người ngay cả trên thập giá để sống lại với Người.  Và quyền năng mà Chúa Giêsu nhận lãnh từ Chúa Cha là một quyền năng sáng tạo đã chinh phục sự chết.  Những ai chịu phép rửa nhân danh Chúa Thánh Thần, được trao ban bởi Chúa Giêsu trong ngày lễ Ngũ Tuần, cam kết sống trong tình anh em và theo gương Đức Giêsu, đặt mình dưới sự hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần sống động ở giữa cộng đoàn.  

iii)  Giảng dạy họ tuân giữ mọi điều răn của Thầy:  Đối với chúng ta là những Kitô hữu, Chúa Giêsu là Lề Luật Mới của Thiên Chúa, được công bố từ ở trên núi cao.  Đức Giêsu là Đấng được chọn bởi Chúa Cha như một ông Môisen mới, những lời của Người là lề luật cho chúng ta.  “Hãy nghe lời Người”  (Mt 17:15).  Chúa Thánh Thần được Người sai đến sẽ nhắc nhở chúng ta về mọi điều Chúa đã dạy chúng ta (Ga 14:26; 16:13).  Việc tuân giữ Lề Luật mới của tình yêu được quân bình bởi sự hiện diện như món quà tặng của Chúa Giêsu ở chúng ta, cho đến tận thế.

*  Mt 28:20b:  Thầy ở cùng các con mọi ngày, cho đến tận thế:  Khi Môisen được sai đi đến để giải thoát dân chúng khỏi đất Ai Cập, ông đã nhận được một sự cam kết từ Thiên Chúa, lời cam kết duy nhất ban cho sự đoan chắc hoàn toàn:  “Hãy đi, Ta sẽ ở với ngươi!” (Xh 3:12).  Đó cũng là lời đoan chắc được hứa với các ngôn sứ và các người khác được sai đến bởi Thiên Chúa để thực hiện một sứ vụ quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa (Gr 1:8; Tl 6:16).  Đức Trinh Nữ Maria cũng đã nhận được cùng lời cam kết như thế khi sứ thần nói với Bà:  “Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1:28).  Con người của Chúa Giêsu là sự biểu hiện sống thực của lời cam kết này, bởi vì tên Người là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1:23).  Người sẽ ở cùng với các môn đệ của Người, với tất cả chúng ta, cho đến tận thế.  Ở đây chúng ta thấy quyền bính của Chúa Giêsu.  Người kiểm soát lịch sử và thời gian.  Người là Đấng trước hết và là sau cùng (Kh 1:17).  Trước Người, không có gì hiện hữu và sau Người, không có gì tồn tại.  Lời cam kết này nâng đỡ muôn dân, nuôi dưỡng đức tin của họ, duy trì hy vọng và tạo ra tình yêu và ân sủng cho họ.  

c)  Điểm nổi bật Lời của Chúa Giêsu:  Sứ vụ chung của cộng đoàn.

Ông Abraham được gọi là nguồn mạch của mọi sự chúc phúc không những chỉ cho các con cháu dòng dõi ông, mà còn cho tất cả mọi gia tộc trên mặt đất (St 12:3).  Dân tộc bị coi là nô lệ không những chỉ phục hồi được chi tộc của nhà Giacóp, mà còn làm ánh sáng cho muôn dân (Is 49:6; 42:6).  Ngôn sứ Amốt nói rằng Thiên Chúa đã không chỉ giải thoát dân tộc Do thái khỏi đất Ai-cập, mà cũng giải thoát dân Phi-li-tinh khỏi Cáp-tor và dân A-ramai khỏi xứ Kia (Am 9:7).  Lúc ấy, Thiên Chúa chăm sóc và quan tâm đến dân Do thái, cũng như dân Phi-li-tinh và dân A-ramia là những kẻ thù lớn nhất của dân tộc Do Thái!  Tiên tri Êlia đã nghĩ rằng ông là người duy nhất có lòng nhiệt thành với Thiên Chúa (1V 19:10-14), nhưng ông đã được bảo cho biết rằng ngoài ông ra còn có bảy ngàn người khác nữa! (1V 19:18)  Tiên tri Giôna muốn Đấng Gia-Vê chỉ là Thiên Chúa của dân Israel, mà đã phải thú nhận rằng Ngài là Thiên Chúa của tất cả muôn dân, thậm chí của cả dân thành Ninivê, những kẻ thù địch cay đắng của dân Israel (Gn 4:1-11).  Trong Tân Ước, môn đệ Gioan đã muốn Chúa Giêsu chỉ là của riêng nhóm nhỏ, cho riêng cộng đoàn, nhưng Chúa Giêsu đã chỉnh sửa ông và nói rằng:  ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! (Mc 9:38-40).

Vào cuối  thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, những khó khăn và bách hại có lẽ đã khiến cho các cộng đoàn Kitô hữu mất đi động lực sứ vụ và sống khép kín, như thể họ là những kẻ duy nhất nhiệt thành với các giá trị Nước Trời.  Nhưng Tin Mừng của thánh Mátthêu, trung thành với truyền thống lâu đời về việc mở ra cho tất cả các dân, nói với các cộng đoàn rằng họ không thể sống cho riêng mình.  Họ không thể tự cho mình độc quyền công việc của Thiên Chúa trên thế gian.  Thiên Chúa không là sở hữu riêng của cộng đoàn; mà đúng hơn cộng đoàn là sở hữu riêng của Thiên Chúa (Xh 19:5).  Ở giữa nhân loại mà công cuộc đấu tranh chống lại bách hại và áp bức, cộng đoàn phải là muối là men (Mt 5:13; 13:33).  Họ phải công bố lớn tiếng khắp cả thế gian, trong muôn dân, Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta.  Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta, với cũng chính Thiên Chúa, trong thời kỳ Lưu Đày khi xưa, đã hứa là sẽ giải thoát cho những ai kêu cầu đến Ngài! (Xh 3:7-12).  Đây là sứ vụ của chúng ta.  Nếu muối này mất đi vị mặn của nó, thì nó còn được dùng vào việc gì nữa?  “Nếu dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp” (Lc 14:35) 

6.  Thánh Vịnh 150
                                                                                                                                                                               
Lời ca tụng của toàn thế giới

Allêluia!
Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa,
Ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh,
Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ,
Ca tụng Người lẫm liệt uy phong.

Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và,
Ca tụng Người, họa tiếng cầm tiếng sắt.
Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa,
Ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo.

Ca tụng Chúa đi, với chũm chọe vang rền,
Ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi.
Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!
Allêluia!

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét