27/05/2017
Thứ Bảy tuần 6 Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 18, 23-28
"Apollô trưng
Thánh Kinh để minh chứng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô".
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Sau khi ở lại Antiôkia
ít lâu, Phaolô ra đi, lần lượt ngài đi qua các vùng Galata và Phrygia, làm cho
tất cả môn đồ thêm vững mạnh.
Bấy giờ có một người
Do-thái tên là Apollô, quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh
Kinh, ông đến Êphêxô. Ông đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và
siêng năng dạy những điều về Ðức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan.
Vì thế ông bắt đầu hành động mạnh dạn trong hội đường. Khi Priscilla và Aquila
nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa.
Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ
xin họ tiếp đón ông. Ðến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công
khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh chứng
Ðức Giêsu là Ðấng Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3.
8-9. 10
Ðáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hết thảy chư
dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối
cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.
2) Vì Thiên Chúa là
Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên
các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.
3) Vua chúa của chư
dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham. Vì các vua chúa địa cầu
thuộc quyền Thiên Chúa: Người là Ðấng muôn phần cao cả! - Ðáp.
Alleluia: Ga 28, 19 và
20
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 23b-28
"Cha yêu mến
các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ
nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các
con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm
vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã
đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng
cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo
là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì
chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà
ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng
Cha".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay
Chúa Giê-su xác định tương giao giữa con người với Thiên Chúa, một mối tương
giao thâm tình giữa Cha và con, nhờ công ơn cứu độ của người Anh Cả là Chúa
Giê-su Ki-tô. Để từ đây, loài người sẽ nhân danh Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian
duy nhất mà cầu xin với Cha trên trời.
Khác với quan niệm của
người Do-thái, cụ thể trong thời Cựu Ước, con người quan niệm Thiên Chúa như một
vị thần nghiêm khắc và ở rất xa con người, để rồi sợ Thiên Chúa như một nô lệ sợ
ông chủ và không dám thân thưa với Người. Chúa Giê-su đến xô đổ quan niệm đó,
Người gọi Thiên Chúa là Cha và đưa con người vào mối thân tình Cha và con nhờ
Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, như trong thư Ga-lát đã xác quyết: “Để chứng
thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong
lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Gl 4,6).
- Mối thân tình Cha và
con.
Chúa Giê-su được sinh
ra từ lòng Chúa Cha từ thủa đời đời xét theo tử hệ đản sinh, còn con người được
Chúa Cha tạo thành ngay trong thời gian đầu của vũ trụ, nhưng vì tội lỗi con
người đã đánh mất đi mối tương giao với Đấng tạo thành. Chúa Giê-su đến, nhờ cuộc
Tử Nạn và Phục Sinh của Người, không chỉ khôi phục lại mối tương giao như tình
trạng nguyên thủy mà còn nâng lên một mức cao hơn là được làm con Thiên Chúa,
được gọi Thiên Chúa là Cha, có Chúa Giê-su là anh và mọi người là anh em với
nhau.
Chính điều này trả lời
cho vấn nạn rằng: Tại sao Chúa Giê-su Phục Sinh không trở lại sống như trước
kia thì ai cũng biết và tin mà khỏi cần rao giảng? Nói như thế thì đã giảm thiểu
Ơn Cứu Độ, vì nếu Phục Sinh mà trở lại thể trạng ban đầu thân xác đó rồi lại
già đi và chết, vẫn lệ thuộc ăn uống ngủ nghỉ bệnh tật, vẫn hỉ nộ ái ố… thì nào
có hơn gì; nhất là vẫn lệ thuộc không gian và thời gian vật lý (trong khi thân
xác phục sinh của Chúa Giê-su thì cùng lúc hiện diện trên đường Emmau và trong
nhà Tiệc Ly, vào với các môn đệ trong khi cửa vẫn đóng kín). Lại nữa, nếu thấy
tỏ tường rồi thì không còn phải là đức tin và tự do, nhưng là chuyện đã rồi và
bất đắc dĩ mà chấp nhận.
Chúng ta tạ ơn Chúa,
nhờ Đức Giê-su đã phục sinh mà con người chúng ta không chỉ là được phục hồi về
tình trạng nguyên thủy chưa phạm tội, mà còn được nâng cao như các thần minh và
được làm con cái Cha trên trời, được thông phần vinh quang với Chúa Giê-su
trong ngày sống lại.
- Lời cầu xin nhân
danh Chúa Giê-su.
Mỗi ngày, trong các Lời
Nguyện, chúng ta vẫn đọc lời kết: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con”. Nghĩa là mọi Kinh Nguyện Ki-tô Giáo đều dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giê-su
khi tin tưởng vào lời hứa của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay: “Thật, Thầy bảo
thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân
danh Thầy” (Ga 16,23).
Hiệu lực của lời cầu nguyện tùy thuộc vào công nghiệp của vô giá của
Chúa Giê-su, chứ không do công trạng của chúng ta đáng được Chúa Cha chấp nhận.
Lại nữa, như một thần dân muốn xin với Đức Vua điều gì thì thật khó, nhưng nếu
cậy nhờ đến hoàng tử can thiệp thì sẽ dễ được vua cha ban cho. Cũng thế, lời cầu
nguyện của Ki-tô hữu đáng được Chúa Cha đón nhận, khi cậy nhờ đến công nghiệp của
Con Một Yêu Dấu của người là Chúa Giê-su Ki-tô.
Hơn thế, Chúa Giê-su còn coi chúng ta như anh em với Người và đồng thừa
kế vinh quang với Người, thì cũng vì thế mà chúng ta cũng được Chúa Cha yêu như
tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su vậy: “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến
anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga
16,27).
Tóm lại, Chúa Giê-su đến xô đổ quan niệm của Cựu Ước coi Thiên Chúa như
một vị thần nghiêm khắc và ở rất xa con người, để rồi sợ Thiên Chúa như một nô
lệ sợ ông chủ và không dám thân thưa với Người. Từ đây, con người được gọi
Thiên Chúa là Cha và sống mối thân tình Cha và con. Và nhờ thế, nhờ công nghiệp
của Chúa Giê-su, con người có thể xin với Cha trên trời bất cứ điều gì đẹp lòng
Người và Người sẽ ban cho.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tình con thảo với Cha trên
trời và luôn biết dâng lên lời khẩn cầu đẹp lòng Người, để nhân danh Chúa, Cha
trên trời sẽ ban cho chúng con. Amen
Hiền Lâm, O.Cist.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần VI PS
Bài đọc: Acts
18:23-28: Jn 16:23-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau hoạt
động để mang Ơn Cứu Độ cho mọi người.
Con người thường cảm
thấy bất an và ghen tị khi thấy người khác nổi tiếng, uy quyền, giàu sang, và
được mọi người kính trọng hơn mình. Vì thế, họ tìm cách làm sao để giảm danh
giá, uy quyền, và thế lực của người khác bằng nhiều những thủ đoạn khác nhau
như: nói xấu, bôi nhọ, và ngay cả hãm hại người khác. Nhưng đối với các tín hữu
là những môn đệ của Chúa, họ không được phép làm như thế. Trái lại, Thiên Chúa
đòi họ phải cộng tác với nhau, mỗi người một tài năng của Thánh Thần ban, cho
việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và cho việc loan báo Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta những mẫu gương về tinh thần đoàn kết và cộng tác trong Kế Hoạch Cứu
Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi cộng đoàn Ephesus nhận ra ông Apollo có
những tài năng xuất chúng cho việc rao giảng Tin Mừng, họ không ghen tị với
ông. Trái lại, họ tìm cách bổ khuyết những gì ông còn thiếu, và tạo mọi cơ hội
dễ dàng để ông đem Tin Mừng cho mọi người trong tỉnh Akaia. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu không giữ các môn đệ lại cho mình; nhưng khuyến khích các ông đến với
Chúa Cha. Ngài xác tín với các môn đệ là Chúa Cha yêu con người, và sẵn sàng
ban mọi điều các ông xin nhân danh Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các tín hữu cùng cộng tác với nhau trong việc rao giảng và
bảo vệ Tin Mừng.
1.1/ Sự xuất hiện của một
nhà rao giảng mới, ông Apollo: Trải qua lịch
sử của Do-thái cũng như của Giáo Hội, Thiên Chúa không ngừng gởi tới những nhân
tài: khôn ngoan, thánh thiện, can đảm, và nhiệt thành, để loan truyền những sứ
điệp của Ngài; chẳng hạn, Moses, David, Solomon, Isaiah, Gioan Tẩy Giả, Phêrô
và Phaolô. Trong cộng đoàn Ephesus, Thiên Chúa cũng cho xuất hiện một tài năng
mới người Do-thái tên là Apollo, quê ở Alexandria, ông là người có tài hùng biện
và thông thạo Kinh Thánh.
Alexandria bên Ai-cập
và Antioch bên Syria là hai trung tâm nổi tiếng vế triết học và thần học của
Giáo Hội trong những thế kỷ đầu tiên. Hai nơi này đã cống hiến cho Giáo Hội rất
nhiều các thánh Giáo Phụ xuất chúng và nhiệt tâm bảo vệ Đạo Thánh Chúa. Apollo
có những đặc tính của người rao giảng: đã được học Đạo Chúa, có tài hùng biện,
và thông thạo Kinh Thánh. Với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy
chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu. Một điều ông còn thiếu: ông chỉ
biết có Phép Rửa của ông Gioan.
1.2/ Rao giảng Tin Mừng
là bổn phận của mọi người: Nhận ra tài năng
và lòng nhiệt thành của Apollo, những người trong cộng đoàn giúp ông bổ khuyết
những gì còn thiếu và tạo cơ hội cho ông đi rao giảng Tin Mừng trong tỉnh
Akaia.
(1) Bà Priscilla và
ông Aquila giúp cho ông Apollo hiểu Đạo của Thiên Chúa: Sau khi nghe ông mạnh dạn
rao giảng trong hội đường, "bà Priscilla và ông Aquila mời ông về nhà để
trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn." Có nhiều điều cho
chúng ta học hỏi từ biến cố này:
- Hai ông bà không
ghen tị với Apollo, nhưng giúp ông hiểu biết tường tận hơn.
- Apollo không kiêu ngạo
cho mình biết hết, nhưng sẵn sàng học hỏi từ người đi trước.
- Những người trong bậc
gia đình có thể đóng góp trong việc giáo dục và đào tạo những người rao giảng
Tin Mừng tương lai.
- Nữ giới cũng có vai
trò trong việc rao giảng Tin Mừng mà không cần phải đòi cho được hưởng quyền lợi
như nam giới.
(2) Các anh em trong cộng
đòan giúp Apollo có cơ hội rao giảng Tin Mừng tại Akaia: "Khi biết ông
Apollo muốn sang miền Akaia, các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các
môn đệ tiếp đón ông." Người khuyến khích ơn gọi và người tạo cơ hội đều
góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có người rao giảng, Thiên Chúa cần sự
cộng tác của tất cả mọi người.
Kết quả là cả cộng
đoàn cùng được hưởng: "Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông Apollo đã giúp ích
nhiều cho các tín hữu, vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn
Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô."
2/ Phúc Âm: Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy.
2.1/ Chúa Giêsu khuyến
khích các môn đệ đến cùng Chúa Cha: Chúa
Giêsu không hoạt động riêng lẻ, nhưng cùng hoạt động với Chúa Cha để sinh lợi
ích cho con người. Ví dụ, Chúa Cha tạo cơ hội thuận tiện cho con người đến với
Chúa Giêsu để nghe người rao giảng và chữa lành; đối lại, Chúa Giêsu nói cho
con người biết về tình yêu Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu chỉ
đường cho các môn đệ đến với Chúa Cha: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em
mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến
nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm
vui của anh em nên trọn vẹn."
Khi không ích kỷ giữ lại
cho mình, nhưng luôn rộng lượng cho đi, hậu quả là cả ba đều được hưởng: Chúa Cha
yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu con người, và con người yêu cả Chúa Cha và Chúa
Giêsu.
2.2/ Yêu thương Chúa Cha
là yêu thương Chúa Giêsu: Từ chương 1 cho đến
hết chương 12 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn giảng dạy
cho các môn đệ và dân chúng; nhưng từ chương 13 trở đi, Ngài dành riêng để mặc
khải và dạy dỗ các môn đệ. Đó là lý do Chúa Giêsu nói: "Sẽ đến giờ Thầy
không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về
Chúa Cha, không còn úp mở."
Các môn đệ của Chúa có
thể đến trực tiếp với Chúa Cha: "Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin,
và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy,
chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ
Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ
thế gian mà đến cùng Chúa Cha." Nếu Cha yêu Con, Cha cũng yêu tất cả những
ai thuộc về Con (Jn 10:29). Nếu Con yêu Cha, Con sẽ gìn giữ và bảo vệ tất cả những
ai Cha đã ban cho Con (Jn 6:37, 39-40).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rao giảng Tin Mừng
cho mọi người để họ tin yêu Thiên Chúa là bổn phận của mọi người. Vì thế, người
góp công, người góp của, chúng ta phải cộng tác với nhau, và làm hết sức cho Nước
Chúa ngày càng mở rộng.
- Chức vụ, danh giá,
uy quyền, luôn len lỏi khắp nơi trong Giáo Hội, dòng tu, và giáo xứ. Những điều
này không những đã làm trì trệ trong việc loan báo Tin Mừng, mà còn làm gương xấu
và làm mất đức tin cho người khác, ngay cả cho chính đương sự.
- Chúng ta đã lãnh nhận
Tin Mừng cách nhưng không, thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Thiên Chúa
không cho phép chúng ta lạm dụng Tin Mừng để mưu cầu danh giá, uy quyền, và lợi
lộc cho cá nhân mình.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Ga 16,23b-28
TIN VÀ YÊU MẾN CHÚA
“Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em
yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” (Ga 16,27)
Suy niệm: “Ai thấy Thầy là thấy
Cha” (Ga 14,9). Chúa Giê-su là hiện thân của Chúa Cha, là Con Một được Chúa Cha
sai đến trần gian, là con đường đưa dẫn ta đến với trái tim của Thiên Chúa. Nhờ
Chúa Giê-su, niềm vui của ta được trọn vẹn, sự hiểu biết về Thiên Chúa được đầy
đủ. Hai tâm tình các môn đệ cần phải có với Chúa Giê-su là tin và yêu. Tin Ngài
từ Thiên Chúa mà đến và yêu mến Ngài thì các môn đệ mới có thể tin và yêu mến
Chúa Cha được. Với hai tâm tình tin và yêu mến ấy, Ngài dạy họ mạnh dạn nhân
danh Ngài để cầu xin với Chúa Cha. Chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời họ, vì họ là
môn đệ của Ngài, là những người đang hiệp thông, đồng hình đồng dạng với Ngài.
Để rồi qua trung gian của Ngài, họ đi vào tương quan thân thiết với gia đình Ba
Ngôi Thiên Chúa.
Mời
Bạn: Nhiều người lý luận tôi tin Thiên Chúa,
nhưng chưa thể yêu Ngài, vì Ngài xa cách tôi quá. Nhưng nếu tôi tin Ngài đã cho
tôi sự sống, ơn cứu độ, và chính Con Một Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống vì yêu
tôi, tôi sẽ cảm thấy yêu Ngài dễ dàng hơn. Bạn tin Chúa, nhưng đã yêu Ngài
chưa?
Sống
Lời Chúa: Tôi tiếp tục suy gẫm lời này của Chúa
Giê-su: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) và xin ơn hiểu
lời Chúa để thêm lòng tin yêu Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho
chúng con ơn yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, để con có thể tin Chúa mạnh hơn mỗi
ngày. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Chúa Cha yêu mến anh em (27.5.2017 – Thứ bảy Tuần 6 Phục sinh)
Khi cầu xin nhân danh Thầy Giêsu,
chúng ta hiệp nhất với Thầy, nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa Cha đoái nhận. Chúa Cha sẽ ban cho
chúng ta mọi sự nhân danh Đức Giêsu.
Suy niệm:
Allah là tên của Thiên
Chúa trong Hồi giáo.
Ngài được tôn kính bằng
99 danh hiệu khác nhau:
Đấng Tối cao, Đấng Nhân
hậu, Đấng Toàn năng, Đấng Vĩnh cửu…
Danh hiệu thứ 100 sẽ được
mặc khải ở đời sau.
Nhưng Allah không bao giờ
được gọi là Cha,
vì Ngài không sinh con.
Kitô giáo yêu mến Đức
Giêsu và tin Ngài là Con Thiên Chúa.
Thiên Chúa chính là Cha
của Đức Giêsu.
Đức Giêsu vẫn gọi Thiên
Chúa bằng tiếng Abba thân thương.
Cuộc đời Đức Giêsu nơi
trần gian giống như một cuộc ra đi và trở về.
Ngài từ Thiên Chúa Cha mà
đến thế gian (cc. 27-28),
rồi Ngài lại bỏ thế gian
mà đến cùng Chúa Cha, sau khi hoàn thành sứ vụ.
Sứ vụ của Ngài là vén mở
cho môn đệ về Chúa Cha (c. 25),
và đưa họ đi vào chỗ thân
tình gần gũi với Người Cha ấy.
Chúa Cha ở trong thế giới
thần linh,
nhưng thế giới ấy lại có
những cửa sổ mở ra với thế giới con người.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Thầy Giêsu kêu mời các môn đệ
hãy mạnh dạn đến với Cha
và nài xin.
Đây là điều trước đây họ
chưa từng làm (c. 24a).
Đã đến lúc mạnh dạn đưa
ra những thỉnh nguyện nhân danh Thầy Giêsu.
Nhân danh Thầy Giêsu mà
xin cùng Chúa Cha
là điều vẫn nằm ở phần
cuối của mỗi lời nguyện trong Giáo Hội.
Khi cầu xin nhân danh
Thầy Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Thầy,
nên lời xin của chúng ta
dễ được Chúa Cha đoái nhận.
Chúa Cha sẽ ban cho chúng
ta mọi sự nhân danh Đức Giêsu (c. 23).
Hơn thế nữa, chính Chúa
Cha cũng yêu mến chúng ta (c. 27),
và muốn cho chúng ta ơn
lớn nhất
là đi vào tương quan với
Ba Ngôi ngay từ khi còn sống ở trần gian.
“Cứ xin đi, anh em sẽ
được,
để niềm vui của anh em
nên trọn vẹn” (c. 24).
Khi sắp được về hưởng
niềm vui bên Chúa Cha (Ga 14, 28),
thấy các môn đệ buồn
phiền, Thầy Giêsu đã nói nhiều về niềm vui.
Thầy muốn chia sẻ cho họ niềm
vui của mình,
Ba lần Ngài nói đến niềm
vui trọn vẹn hứa ban cho họ (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Ngài còn hứa cho họ niềm
vui mà không ai sẽ lấy được (Ga 16, 22).
Chuẩn bị mừng lễ Chúa
Thăng Thiên, chúng ta xin được niềm vui đó,
niềm vui của những người
đã chạm đến trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại
nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên
mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG NĂM
Thánh Thần Đổi Mới
Bộ Mặt Trái Đất
“Xin sai Thánh Thần
Chúa đến để Ngài đổi mới bộ mặt địa cầu!” Phải chăng lời cầu nguyện ấy chỉ dành
riêng cho các Tông Đồ? Chỉ dành riêng cho nhóm bé nhỏ những người liên kết trực
tiếp với Đức Giêsu thuở ấy? Phải chăng lời cầu xin ấy chỉ dành riêng cho họ?
Không! Đó là lời cầu
xin của cả trái đất này. Hết thảy mọi tạo vật, ngay cả dù không có lời lẫn
không có tiếng, đều kêu lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!…
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất … Nếu Chúa lấy sinh khí lại, là chúng
tiêu vong ngay, và trở về cát bụi. Ngài gửi sinh khí tới, là chúng được dựng
nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 24. 29 – 30). “Chính Thần Khí mới
làm cho sống” (Ga 6, 63). Chính Chúa Thánh Thần đổi mới bộ mặt địa cầu.
Xin sai Thánh Thần đến
trên chúng con, lạy Chúa!
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27 – 5
Thánh Augustinô
Cantuariô
Cv 18, 23-28; Ga
16, 23b-28.
LỜI SUY NIỆM: “Cho đến nay,
anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của
anh em nên trọn vẹn.”
Chúa Giêsu đang muốn mỗi
người trong chúng ta luôn đến với Chúa với một tâm hồn giống như những trẻ thơ
nhỏng nhẻo trước cha mẹ của mình. Để nhận được tình yêu thương của Chúa và những
ơn lành theo ước nguyện cho mình và cho người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn ý thức “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5).
Để luôn luôn chạy đến với Chúa mà cầu xin cho mình và cho người anh em đang sống
chung quanh hưởng được mọi ơn lành của Chúa ban, giúp cho tất cả hưởng trọn niềm
vui.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-05: Thánh
AUGUSTINÔ CANTURBERY
Giám mục (+605)
Thánh Augustinô là tác
nhân của một con người vĩ đại hơn chính Ngài, đức giáo hoàng Grêgôriô Cả, trừ
các tu sĩ Ai Nhĩ Lan, hoạt động truyền giáo không hề được biết đến tại Giáo hội
Tây Pbương và chính Đức giáo hoàng Grêgôriô Cả làm sống lại phong trào này.
Khi làm bề trên tu viện
thánh ANRÊ, Ngài đã muốn sang truyền giáo tại Anh, nhưng vì được đắc cử giáo
hoàng, nên phải từ bỏ ý định. Nước Anh đã được đón nhận đức tin từ thế kỷ đầu,
nhưng rồi cuộc xâm chiếm của dân Saxon vào thế kỷ V và VI đã làm cho đức tin
công giáo bị phai mờ.
Dịp may đưa tới khi
Ethebert, tiểu vương miền Kent phía nam nước Anh thành hôn với người vợ công
giáo là công chúa Berthe và còn tiếp nhận một giám mục xứ Gaule vào triều đình.
Năm 596 Đức giáo hoàng Grêgoriô sai tới Anh quốc một tu sĩ, Augustinô lên đường
với 40 tu sĩ. Khi tới miền nam xứ Gaule họ bị khủng hoảng và sai Augstinô trở về
Rôma xin Đức giáo hoàng gọi họ trở về. Đáp lại, Đức giáo hoàng đã đặt Augustinô
làm Đan viện phụ và bắt mọi người trong nhóm phải vâng phục Ngài.
Với quyền hạn này,
Augustinô vẫn còn truyền giáo tới đảo Thanet. Thoạt đầu, Ethebert được rửa tội
và bàn định với Đức Giáo hoàng một dự án chuẩn bị tái lập toà Giám mục tự
Canterbury (Cantuariô) tới Lôn - Đôn (Luân Đôn) và thiết lập một giáo tỉnh khác
ở York.
Theo chỉ thị của Đức
Giáo hoàng, Augustinô đi Arles để thụ phong giám mục do tay Đức Tổng giám mục
Vigile, đại diện tòa thánh ở xứ Gaule, nhiều biến cố dù ngăn trở những dự tính
trên. Nhưng diễn tiến trong cuộc truyên giáo vẫn tiếp tục cho tới khi thánh
Augustinô qua đời khoảng năm 605.
Thất bại duy nhất của
thánh Augustinô khi Ngài tới nước Anh vì nỗ lực giải hoà với các Kitô hữu miền
Welsh nhằm thuyết phục họ nhận cách tính ngày lễ phục sinh của Roma, sửa lại
vài điều bất thường trong nghi lễ và phục quyền Ngài. Thánh Augustinô mời các vị
lãnh đạo Giáo hội Welsh tới họp, nhưng lại gây cảm giác bất lợi vì Ngài đã ngồi
yên khi họ tới gặp Ngài. Hình như việc này cũng làm cho thánh Bêđa mất thiện cảm
nữa.
Thánh Augustinô không
phải là một nhà truyền giáo anh hùng nhất, khéo léo nhất. Nhưng Ngài đã thực hiện
một công cuộc vĩ đại, là một trong số rất ít người ở Gaule và ở Ý thời đó sẵn
sàng tử bỏ mọi sự để ra đi rao giảng : Tin Mừng cho những miền xa xăm.
(daminhvn.net)
27 Tháng Năm
Thế Giới Trong Tăm Tối
Một cuốn phim mang
tựa đề: "Thế giới trong tăm tối" diễn tả câu chuyện một nhà khảo cổ
danh tiếng tổ chức cuộc khai quật khoa học ở Giêrusalem. Ngọn đồi Calvariô được
cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và hang động của một nghĩa trang bên cạnh
cũng được thăm dò, khám phá kỹ lưỡng, vì theo Phúc Ăm thánh Gioan, xác của Chúa
Giesu được chôn cất trong một phần mộ gần nơi ngài bị xử án tử hình thập tự.
Sau bao công khó
đào xới, khám sát, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố: "Tôi đã tìm được xác
ông Giêsu" và ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ với nhiều phóng viên và
nhiếp ảnh viên, dể trình bày thành quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào xới, khảo
cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mắt mọi người một xác đã khô đét, nhưng còn
có thể nhận ra tay chân của xác này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu, có cả
những dấu chứng tỏ thân xác này bị nhuộm máu qua những tấm khăn quấn liệm xác.
Cuốn phim quay cảnh
mọi người im lặng theo dõi lời thuyết trình của nhà khảo cổ, tình cờ có một phụ
nữ phát biểu lớn tiếng: "Ðây là một sự thật hiển nhiên: ông ta đã bị đóng
đinh, chết và được xác táng". Và nhà khảo cổ tiếp lời: "Vâng, đúng thế,
chết và được an táng, nhưng... làm gì có chuyện phục sinh. Xác ông ta vẫn còn nằm
đây".
Tiếp đến cuốn phim
diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giêsu của nhà khảo cổ này: không ai
còn mừng lễ Phục Sinh nữa, một vị linh mục tắt ngọn đèn chầu, cất Mình Thánh
Chúa và đóng cửa nguyện đường, chuông các nhà thờ im tiếng, các nữ tu cởi khăn
trùm đầu, thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống, đèn bên những ngôi mộ bị dập tắt.
Bóng tối chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc
bằng cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông
ta đã thú nhận: "Tôi đã đánh lừa thế giới, chính tôi đã làm xác giả của
ông Giêsu và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi tôi khởi sự đào bới tìm
xác Ngài".
Sau lời tuyên bố đó
là cảnh hàng ngàn người tuôn đến mộ thánh ở Giêrusalem như chúng ta chứng kiến
hằng năm trong tuần thánh. Những ngọn nến được thắp lên và những tín hữu đã
mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng, đi khắp nơi để
soi sáng những con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin:
Chúa Giêsu đã Phục Sinh, tình yêu mạnh hơn hận thù, sự sống mạnh hơn cái chết.
Cuộc Phục Sinh của
Chúa Giêsu không chỉ liên hệ đến cuộc đời của Ngài, nhưng nó cũng ảnh hưởng trực
tiếp đến vận mệnh của toàn thể nhân loại cũng như ảnh hưởng mật thiết đến cuộc
sống, đến lòng tin và niềm hy vọng của chúng ta.
Chúng ta hãy chung lời
cầu nguyện cho nhau và với nhau để mỗi người trong chúng ta được cùng chết,
cùng an táng với Chúa Giêsu cho con người cũ ích kỷ và tội lỗi của chúng ta. Chết
thật sự để chúng ta cùng sống lại với Chúa Giêsu trong một con người hoàn toàn
mới, con người Phục Sinh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét