Chúa Thánh Thần giúp tín hữu gieo vãi niềm hy vọng
Chúa Thánh Thần là cánh buồm đẩy chúng ta tiến tới. Ngài là
Đấng ban cho chúng ta khả năng có tràn đầy niềm hy vọng, giúp chúng ta không
bao giờ chán nản ngã lòng, và trở thành những người gieo vãi niềm hy vọng và sự
ủi an trong trái tim con người và trong toàn vũ trụ.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu tham dự
buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các đoàn hành
hương cũng có phái đoàn do cha Nguyễn Tầm Thường hướng dẫn. Bên cạnh đó cũng có
một số anh chị em người Việt thành viên Phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh
về Roma tham dự đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập.
Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:
Trong lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống gần kề chúng ta
không thể không nói tới tương quan giữa niềm hy vọng kitô và Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là gió đẩy chúng ta tiến tới, duy trì chúng ta bước đi, làm cho
chúng ta cảm thấy mình là khách hành hương và người kiều cư, và không cho phép
chúng ta chậm bước và trở thành một dân tộc “định cư”.
Thư gửi tín hữu Do thái so sánh niềm hy vọng với một mỏ neo
(x. Dt 6,18-19) và chúng ta có thể thêm vào hình ảnh này hình ảnh cánh buồm. Nếu
mỏ neo là cái khiến cho con thuyền có an ninh và giữ nó neo lại giữa sóng biển,
thì cánh buồm trái lại là cái làm cho thuyền lướt trên nước. Niềm hy vọng thật
sự giống như một cánh buồm. Nó thu thập gió của Thần Khí và biến nó thành sức mạnh
đẩy con thuyền, ra khơi hay cặp bến, tuỳ theo các trường hợp.
** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Tông đồ Phaolô kết luận thư
gửi tín hữu Roma với lời cầu chúc sau đây; xin anh chị em hãy nghe rõ,
hãy lắng nghe lời cầu chúc đẹp biết bao này: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng,
ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền
năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng.” (Rm 15,13). Chúng ta
hãy suy tư một chút về lời nói rất hay đẹp này.
Kiểu nói “Thiên Chúa của niềm hy vọng” không chỉ muốn nói rằng
Thiên Chúa là đối tượng niềm hy vọng của chúng ta, nghĩa là Đấng chúng ta hy vọng
một ngày kia đạt tới trong cuộc sống vĩnh cửu; nó cũng còn muốn nói rằng Thiên
Chúa là Đấng khiến cho chúng ta hy vọng ngay bây giờ đây, và còn hơn thế
nữa làm cho chúng ta “tươi vui trong hy vọng” (Rm 12,12): tuơi vui hy vọng giờ
đây, và không phải chỉ hy vọng được vui mừng. Đó là niềm vui hy vọng và không
hy vọng có niềm vui. Ngày nay. Có một câu nói bình dân rằng: “Còn sống là
còn hy vong”; và điều trái lại cũng đúng: “Còn hy vọng là còn sống”. Con
người cần hy vọng để sống, và cần Chúa Thánh Thần để hy vọng.
Thánh Phaolô – như chúng ta đã nghe – gán cho Chúa Thánh Thần
khả nằng làm cho chúng ta “được tràn đầy hy vọng”. Tràn đầy hy vọng có nghĩa là
không bao giờ chán nản ngã lòng; có nghĩa là hy vọng “chống lại mọi hy vọng”
(Rm 4,18), nghĩa là hy vọng cả khi không còn có lý do để hy vọng, như đối với tổ
phụ Abraham, khi Thiên Chúa xin tổ phụ sát tế con một là Igiaác cho Ngài, và
còn hơn thế nữa như Đức Trinh Nữ Maria đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu.
Chúa Thánh Thần khiến cho niềm hy vọng vô địch ấy có thể được,
bằng cách ban cho chúng ta chứng tá nội tâm rằng chúng ta là con cái của
Thiên Chúa và là các người thừa tự của Ngài (x. Rm 8,16). Làm sao Đấng đã
ban Con một Ngài cho chúng ta lại không ban cho chúng ta mọi sự khác cùng với
Con Ngài được? (x. Rm 8,23). “Niềm hy vọng – hỡi anh chị em - không gây
thất vọng, Niềm hy vọng không gây thất vọng, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã
được đổ tràn đầy vào trong con tim chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho
chúng ta” (Rm 5,5). Vì thế nó không gây thất vọng, bởi vì Chúa Thánh Thần từ
bên trong thúc đẩy chúng ta tiến tới, luôn luôn tiến tới. Và vì vậy niềm hy vọng
này không gây thất vọng. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
** Còn hơn thế nữa Chúa Thánh Thần không chỉ khiến cho chúng
ta có khả năng hy vọng, mà cũng trở thành những người gieo vãi hy vọng, và là
những người an ủi và bênh vực các anh em khác, như Ngài và nhờ Ngài. Những người
gieo vãi niềm hy vọng. Một kitô hữu có thể gieo vãi các cay đắng, có thể gieo
vãi sự nghi ngờ, và người đó không phải là kitô hữu. Và bạn, nếu bạn làm điều ấy,
thì bạn không phải là một tín hữu kitô tốt. Hãy gieo vãi hy vọng: Hãy gieo vãi
dầu hy vọng, hãy gieo vãi hương thơm hy vọng, chứ không phải giấm chua cay đắng
và thất vọng.
Chân phước Hồng Y Newman, trong một diễn văn đã nói với các
tín hữu như sau: “Được chính sự khổ đau của chúng ta dậy dỗ, còn hơn thế nữa được
chính các tội lỗi của chúng ta dậy dỗ, chúng ta sẽ có tâm trí được tập luyện
cho mọi công việc của tình yêu thương đối với những người cần nó. Chúng ta sẽ
là những người an ủi và là hình ảnh của Đấng Ủi An, nghĩa là Chúa Thánh
Thần, tuỳ theo khả năng của chúng ta, và trong mọi nghĩa bao gồm từ này: trạng
sư, trợ tá, người đem lại ủi an. Các lời nói và các lời khuyên của chúng ta, kiểu
hành động, tiếng nói, cái nhìn của chúng ta sẽ dễ thương và thoa dịu”
(Parochial and plain Sermons, Vol V, London 1870, tr.300 tt.). Và đặc biệt những
người nghèo, người bị loại trừ, người không được yêu thương cần có ai đó là người
an ủi và bênh vực họ. Như Chúa Thánh Thần là đấng an ủi và bảo vệ cho từng
người trong chúng ta hiện diện ở quảng trường này, chúng ta cũng phải làm như
thế đối với những người cần được giúp đỡ nhất, những người bị loại bỏ và đau khổ
nhất. Là những nguời bênh vực và an ủi.
Chúa Thánh Thần dưỡng nuôi niềm hy vọng không chỉ trong trái
tim con người, mà còn trong toàn thụ tạo nữa. Tông đồ Phaolô cũng nói – điều
này xem ra hơi lạ, nhưng đúng thật. Thánh tông đồ nói rằng thụ tạo “nóng lòng
hướng tới” sự giải thoát và “rên siết” như nỗi đau đớn sinh con (x. Rm
8,20-22). “Năng lực có khả năng di chuyển thế giới không chỉ là một sức mạnh vô
danh và mù quáng, mà là hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng
“bay là là trên mặt nước” (St 1,2) lúc khởi đầu việc tạo dựng” (Biển Đức XVI,
Bài giảng, 31-5-2009). Cả điều này nữa cũng thúc đẩy chúng ta tôn trọng thụ tạo:
không thể làm bẩn một tác phẩm mà không xúc phạm tới người nghệ sĩ đã tạo ra
nó.
Anh chị em, ước chi lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp tới –
là lễ sinh nhật của Giáo Hội, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp tới tìm
thấy chúng ta hoà hợp trong lời cầu nguyện, với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ
chúng ta. Và xin ơn của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được tràn đầy hy vọng.
Tôi còn nói hơn nữa: ước chi nó làm cho chúng ta phung phí niềm hy vọng với tất
cả những người cần được trợ giúp nhất, những người bị loại bỏ và cần đến chúng
ta nhất.
** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Bỉ và
Camerun, đặc biệt là cộng đoàn Emmanuel và huynh đoàn Chúa Thánh Thần hiện xuống,
cũng như các tín hữu đến từ Benin, với ĐC Vieira và từ Gabon với ĐC Ogbonna
Managwu.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Bỉ,
Na Uy, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam,, Hồng Kông,
Singapore, Đại Hàn, Tahiti, Uganda, Canada và Hoa Kỳ. Cách riêng các thành viên
phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh về Roma tham dự buổi canh thức và đại hội
kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy các ơn trên họ.
Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào đông đảo các
người trẻ đến từ Đức, Thụy Sĩ và Hoà Lan. Ngài cũng chào các tín hữu nói tiếng
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, như các tín hữu Angola và Brasil. Ngài xin mọi người
cùng nhau cầu nguyện để Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy các ơn của Ngài trên từng
người hầu trở thành các chứng nhân của Chúa Giêsu cho tới tận cùng bờ cõi trái
đất.
Trong số các nhóm Ba Lan ĐTC chào các bạn trẻ tham dự cuộc họp
mặt gần hồ Lednica với khẩu hiệu “Hãy đi và yêu thương”. Ngài xin Mẹ Maria giúp
họ biết trợ giúp tha nhân một cách cụ thể như Mẹ Maria trợ giúp bà Elidabet. Vị
bổn mạng thứ hai của cuộc họp mặt là Dakêu. Xin ngài kích thích họ có can đảm
tìm kiếm Chúa Giêsu trong cuộc sống và triệt hạ mọi bức tường ngăn cách, hiểu
biết nhau, cảm thông và xây dựng sự hiệp nhất với tất cả mọi người.
ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Tchèque do ĐHY Dominik
Duka, TGM Praha, hướng dẫn, nhân kỷ niệm 75 năm vụ tàn sát do Đức Quốc Xã gây
ra tại Lidice. Ngài xin Đức Bà Lidice trợ giúp họ can đảm làm chứng cho sự phục
sinh của Chúa Kitô trong những lúc gặp khó khăn thử thách.
Trong các nhóm Italia ngài đặc biệt chào các thiện nguyện
viên lực lượng cảnh sát quốc gia vùng Campania, các thành viên hãng General
Motors, các thành viên tổ chức phi chính quyền “Một giọt nước cho thế giới” tỉnh
Molfetta.
Chào người trẻ ĐTC khích lệ họ dành chỗ nhất cho Thiên Chúa
và tinh yêu của Ngài trong cuộc sống. ĐTC xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và an ủi
các người bệnh tật trong những lúc khổ đau, và ngài xin Chúa Thánh Thần củng cố
sự hiệp nhất của các đôi tân hôn.
Buổi tiếp kiến dã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà
thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét