Trang

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Giải đáp phụng vụ: Có thể đọc một phần bằng tiếng Latinh, trong khi cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ không?

Giải đáp phụng vụ: Có thể đọc một phần bằng tiếng Latinh, trong khi cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ không?


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong khi đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, có thể đọc một phần bằng tiếng Latinh và một phần bằng tiếng bản quốc được không? Chúng ta có thể đọc Thần vụ (Các Giờ Kinh Phụng Vụ) bằng tiếng Latinh không? Bản văn Thần vụ của Ý đưa các Kinh bằng tiếng Latinh: Thánh ca Tin Mừng Benedictus (Chúc tụng Đức Chúa), Thánh ca Tin Mừng Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa) và Thánh ca Tin Mừng Nunc Dimittis (Trong tay Ngài, lạy Chúa), vào trong phụ lục. Như vậy, liệu các kinh này và các kinh khác như các Thánh thi và Thánh thi Te Deum (Lạy Thiên Chúa), được đọc bằng tiếng Latinh hoặc tiếng bản quốc chăng? Ngoài ra, vào đầu Giờ Kinh, mỗi người đều cúi đầu về phía bàn thờ mọi lần, hay chỉ cúi đầu khi các ngọn nến được thắp sáng? - P. P., Naples, Ý.

Đáp: Về vấn đề sử dụng tiếng Latinh, chúng ta có thể lấy các hướng dẫn từ phần “Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ”. Trong số 276, chúng ta tìm thấy nguyên tắc tổng thể:

"Tuy vậy, trong cùng một buổi cử hành phụng vụ, được phép dùng nhiều thứ tiếng để hát các phần khác nhau".

Do đó, qui định này cho phép, không chỉ sử dụng tiếng Latinh, mà còn các ngôn ngữ khác so với tiếng bản quốc. Điều này đặc biệt liên quan đến việc ca hát, vốn là cách ưa thích để cử hành Thần vụ.

Có một số chỉ dẫn khác có liên quan:

"121. Ta nên tùy thể văn hay tùy thánh vịnh dài vắn, tùy đọc bằng tiếng Latinh hay tiếng bản quốc, và nhất là tùy đọc một mình hay nhiều người, hoặc có giáo dân tham dự, mà định cách đọc thánh vịnh, sao cho người đọc cảm được một cách dễ dàng hơn, hương vị thiêng liêng và vẻ đẹp văn chương của các thánh vịnh. Không nên dùng thánh vịnh như một số lượng các lời kinh để cầu nguyện, mà phải liệu sao cho thay đổi, và phải lưu ý đến đặc tính riêng của mỗi thánh vịnh”.

"178. Khi đọc bằng tiếng bản quốc, các Hội Đồng Giám Mục có quyền thích nghi các Thánh thi Latinh cho hợp với đặc tính riêng của tiếng nước mình, cũng như cho phép đọc những bài mới sáng tác, miễn là phù hợp với tinh thần Giờ Kinh, mùa phụng vụ và ngày lễ. Hơn nữa, phải cẩn thận canh chừng không được cho hát những bài thánh ca bình dân chẳng có chút giá trị nghệ thuật nào, và không xứng hợp với vẻ trang trọng của phụng vụ” (Bản dịch Việt ngữ ba đoạn trên là của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ),

Trong ánh sáng của các đoạn trên đây, người ta có thể sử dụng, trong một Giờ Kinh bằng tiếng bản quốc, hầu như bất kỳ bài Latinh nào, đặc biệt là để hát. Thí dụ, tất cả các bài thánh thi và hầu hết các điệp ca có các giai điệu Latinh thích hợp có thể được sử dụng. Tiếng Latinh có thể được sử dụng tốt cho các bài Thánh ca Tin Mừng và Thánh thi Te Deum.

Các ngôn ngữ khác có thể được sử dụng, nếu đặc biệt phù hợp hoặc có ích cho mục vụ. Thí dụ, các phiên bản tiếng địa phương của Các Giờ Kinh Phụng vụ thường có các bài thánh ca thích hợp đặc biệt, cho các thánh thuộc đất nước đó. Do đó, thí dụ, một cộng đoàn mừng lễ Thánh Phanxicô hay Thánh nữ Têrêsa thành Avila bằng tiếng Anh, có thể lấy các bài thánh ca phù hợp nguyên thủy cho lễ mừng, từ sách Nhật tụng tiếng Ý hoặc tiếng Tây Ban Nha, vốn dùng các bài thánh ca dựa vào bút tích của vị thánh. Tương tự như vậy, một lễ mừng ở Ý hay Tây Ban Nha có thể chọn sử dụng bài "St. Patrick’s Breastplate” (Giáp che ngực của thánh Patrick), được tìm thấy trong một số ấn bản tiếng Anh của Thần vụ.

Nói tóm lại, hầu như bất kỳ bài thánh ca nào, được Hội đồng Giám mục chấp thuận để sử dụng trong Thần vụ, có thể được sử dụng ở nơi khác nữa.

Một trong các lợi ích của mạng Internet là rằng văn bản và giai điệu được sẵn sàng đưa lên cho một ca đoàn có khả năng sử dụng.

Về nguyên tắc, sự thực hành này có thể được mở rộng sang các phần khác của Thần vụ, nếu nó giúp ca hát, mặc dù nó hầu như không có hiệu quả về mặt mục vụ. Các bản văn như các bài đọc thánh vịnh và các Thánh ca là thường bằng tiếng địa phương, mặc dù, như đã đề cập ở trên, các bài Thánh ca Tin Mừng có thể được hát bằng tiếng Latinh, đặc biệt nếu bài ấy được biết đến rộng rãi. Có thể có các trường hợp ngoại lệ ít thấy, chẳng hạn như các cộng đoàn song ngữ, nơi mọi người có thể dễ dàng di chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Chúng ta cần nhớ các qui chế phụng vụ tổng quát, vốn nói rằng các bản văn Kinh Thánh được sử dụng trong tiếng bản quốc, là các bản văn đã được chấp thuận cho sử dụng trong phụng vụ, bởi Hội Đồng Giám mục Quốc gia.

Về việc cúi đầu hướng về bàn thờ, đây là thói quen thường làm khi đi vào hoặc khi rời nhà nguyện, mỗi lần Mình Thánh Chúa không được lưu giữ trong cung thánh. Trong trường hợp cuối, một sự bái gối là được rồi.

Trong khi cử hành Thần vụ, các ngọn nến thường được thắp sáng nếu thừa tác viên mang lễ phục chủ trì từ khu vực cung thánh. Trong các trường hợp như vậy, thừa tác viên cúi đầu hoặc bái gối khi đi vào cung thánh, và hôn kính bàn thờ như khi cử hành Thánh Lễ vậy.

Nếu một thừa tác viên không mặc lễ phục chủ trì từ phần thân nhà nguyện, hoặc một giáo dân chủ sự Thần vụ, thì có thể không thắp nến sáng. Một số cộng đoàn có thói quen luôn thắp sáng nến để cử hành Thần vụ, và không gì cản trở việc thực hành này cả. (Zenit.org 23-5-2017)


Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét