Trang

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (tiếp theo)

Giáo Hi Công Giáo Dưới Cái Nhìn ca Mt Ký Gi Hoa Kỳ (tiếp theo)
Vũ Văn An5/29/2017



Các huyền thoại và quan niệm sai lầm

Dù đồng ý cho rằng Giáo Hội quan trọng đi nữa, người ta vẫn có thể nghĩ rằng mình đã biết hết mọi chuyện cần biết để có thể nghĩ về Đạo Công Giáo một cách thông minh. Tuy nhiên, sự thực là các tranh luận công cộng về đạo Công Giáo thường bị dính cứng vào nhiều huyền thoại và quan niệm sai lầm dai dẳng; điều này có nghĩa: cuộc tranh luận về vai trò và ảnh hưởng của Giáo Hội đôi khi bị xây trên cát. Sau đây là bốn điển hình về các huyền thoại này, tất cả sẽ được vạch trần bằng nhiều cách trong cuốn sách này.

1. Huyền thoại độc khối

Trong câu truyện tại nơi công cộng, người ta thường nhắc đến “Giáo Hội” như một cơ thể với một hệ thần kinh trung ương chỉ có khả năng suy nghĩ một ý niệm một lần. Thí dụ, các tay cự phách và những người tự xưng là chuyên viên chỉ nhắc đến điều Giáo Hội nghĩ về hôn nhân đồng tính, hay cảnh nghèo, hoặc Mùa Xuân Ả Rập. Tuy nhiên, nhìn theo kiểu mô tả, không hề có một “Giáo Hội” theo nghĩa một thực thể với các chủ trương thống nhất được mọi người trong số 1tỷ 200 triệu tín đồ tuyệt đối ủng hộ.

Đã đành là có giáo huấn Công Giáo chính thức về một số vấn đề đức tin và luân lý có giới hạn, được hệ thống hóa trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng, ngay về mặt này, vẫn có nhiều thần học gia Công Giáo đáng kính nghi vấn một số tín lý chính thức, và ở bình diện quần chúng, người Công Giáo cũng có nhiều quan điểm rất khác nhau. Kiểm soát sinh đẻ có lẽ là điển hình cổ điển, như các bản thăm dò nhất quán cho thấy, ít nhất ở Tây Phương, đa số người Công Giáo không chia sẻ việc Giáo Hội chính thức lên án nó.

Xét một cách căn bản hơn, phần lớn các vấn đề thực tế của đời sống không thể trực tiếp giải quyết bằng cách nại tới Sách Giáo Lý, và điều này nằm trong kế sách. Các hoàn cảnh của đời thực luôn luôn thay đổi, và việc làm thế nào áp dụng các nguyên tắc cố định của đức tin và luân lý Công Giáo vào các khai triển mới thường là vấn đề của điều thuật ngữ Công Giáo gọi là “phán đoán khôn ngoan”. Thông thường, không hề có câu trả lời đơn nhất có thể phát biểu thành một điều phải tin.

Người Công Giáo có nhiều ý kiến rất khác nhau, như về công trạng của việc hoàn cầu hóa hay cách tốt nhất để đối đầu với tinh thần hiếu chiến của phong trào duy Hồi Giáo hay phải soạn thảo chính sách thuế khóa ra sao. Ngay ở cấp cao nhất của Giáo Hội, tức ở Vatican và gần 5,000 giám mục Công Giáo khắp thế giới, người ta cũng tìm thấy nhiều quan điểm khác nhau. Còn ở hàng ngũ giáo dân, người ta thấy đủ loại ý kiến khác nhau. Chúng ta sẽ đề cập tới các điển hình đa dạng này trong các chương kế tiếp, nhưng ở đây, chỉ cần nói rằng nếu phải tìm kiếm bất cứ viễn ảnh hay quan điểm nào, bạn đều thấy nó đâu đó trong cảnh vực Công Giáo.

2. Huyền thoại trung ương tập quyền

Về một vài phương diện, Giáo Hội Công Giáo là cơ chế tôn giáo được kết hợp theo chiều dọc hơn cả trên trái đất, nhưng trong nhiều phương diện quan trọng khác, Giáo Hội lỏng lẻo hơn là mô tả của những nhận định rập khuôn thông thường. Đã đành là có một hệ thống chỉ huy rõ rệt mà đỉnh cao là Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Tuy nhiên, lý thuyết và thực hành không luôn là cùng một điều như nhau. Trên thực tế, Đạo Công Giáo hết sức uyển chuyển và tản quyền về phương diện đưa ra quyết định, và phải sống đức tin ra sao trong các hoàn cảnh cụ thể.

Có ba lý do tại sao:

*Ngoài các cơ cấu chiều dọc của Giáo Hội, còn có man vàn “các đạo Công Giáo chiều ngang”, trong đó, có các Giáo Hội Đông Phương, các dòng tu, hiệp hội và phong trào giáo dân, các giám hạt và lãnh hạt bản quyền tòng nhân, và các định chế như trường học, bệnh viện, và cơ quan bác ái. Những đơn vị này có những mối liên hệ khác nhau với cơ chế chính thức, và phần lớn được hưởng một mức độ tự quản nào đó, hoặc theo luật (de jure) hoặc trên thực tế (de facto). Chúng ta sẽ bàn đến loại “Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội” này ở chương 3.

*Ở đỉnh của hệ thống này, tức Vatican, lực lượng lao động ít ỏi một cách đáng lưu ý. Có khoảng 2,200 nhân viên trong Giáo Triều, tức nền hành chánh trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc quản trị toàn bộ Giáo Hội hoàn cầu. Tính ra một viên chức Vatican phải phục vụ 545,000 người Công Giáo; điều này làm nổi bật sự kiện căn bản sau đây: Vatican chỉ có thể quản trị một cách vi mô (micromanage) những trường hợp ngoại thường, đơn giản chỉ vì không đủ nhân viên. Học giả về quản trị, Peter Drucker, có lần đã liệt kê Giáo Hội Công Giáo như một trong ba tổ chức có hiệu năng nhất trên thế giới, song song với General Motors và quân đội Phổ, chính vì Tòa Thánh có khả năng quản trị một nghiệp vụ hoàn cầu với một “văn phòng” trung ương nhỏ nhoi.

*Một trong các chủ trương cốt lõi của Đạo Công Giáo là “tính phụ đới” (subsidiarity), nghĩa là: các thẩm quyền cao hơn chỉ nên can thiệp để hoàn thành những gì thẩm quyền thấp hơn không thể hoàn thành. Đôi khi người ta coi việc vi phạm chủ trương này vinh dự hơn là tuân giữ nó, nhưng nó đã vào tận tim óc người Công Giáo và có tác dụng như chiếc thắng hãm đà phương thức kiểm soát từ trên xuống dưới.

3. Huyền thoại xuống dốc

Nhiều người nghĩ rằng Giáo Hội đang trên đà xuống dốc. Bị rúng động bởi các tai tiếng tình dục, tranh đấu quyền lực đến gây sây sát, khó khăn tài chánh, và giao tế nhân sự thảm hại, hình như Giáo Hội này đang mất dần thành viên, phải gom các giáo xứ lại với nhau, đóng cửa các cơ sở và lao đao trong việc truyền thụ đức tin cho các thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, theo viễn ảnh hoàn cầu, nghĩ như trên là điều hết sức sai lầm. Hậu bán thế kỷ vừa qua được chứng kiến một thời kỳ phát triển truyền giáo lớn lao nhất trong suốt lịch sử 2,000 năm của Đạo Công Giáo, được tăng cường nhờ sự lớn mạnh hết sức nhanh chóng của Nam Bán Cầu. Xét toàn bộ, trong thế kỷ 20, con số người Công Giáo hoàn cầu đã từ 266 triệu năm 1900 tăng lên 1 tỷ mốt tín đồ năm 2000, và hiện nay là 1 tỷ 200 triệu người. Trong khi dân số hoàn cầu tăng 275 phần trăm trong khoảng thời gian này, thì tổng số người Công Giáo tăng 357 phần trăm; điều này có nghĩa: việc đang xẩy ra không phải chỉ là gia tăng dân số mà còn là sự thành công của truyền giáo. Tuy không xẩy ra ở khắp mọi nơi, vì có những mất mát lớn lao ở Âu Châu và Bắc Mỹ, và ở một vài nơi tại Mỹ Châu La Tinh, nhưng tỷ lệ gia tăng này vẫn là một bức tranh lớn có tính hoàn cầu.

Đã đành, con số thống kê mà thôi không giải quyết được các cuộc tranh luận về các quyết định mà Giáo Hội đang phải đối phó. Thí dụ, con số 22 triệu người cựu Công Giáo ở Mỹ không nhất thiết đại diện cho “cuộc bỏ phiếu bằng chân” chống lại khuynh hướng bảo thủ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ vừa qua, nhất là khi bạn thấy một nhóm lớn đào ngũ qua Thệ Phản Tin Lành chỉ vì họ thấy Giáo Hội Công Giáo không bảo thủ đủ. Cả việc lớn mạnh đầy ấn tượng của Đạo Công Giáo ở Nam Bán Cầu cũng không nhất thiết có nghĩa là họ ủng hộ chính sách hiện thời của Vatican, vì nói cho ngay, Vatican không có điều gì đáng kể trong việc này.
Nói cách khác, bạn không thể thẳng thừng rút được bất cứ kết luận nào từ các dữ kiện dân số về ai đúng ai sai trong các tranh luận hiện nay về Công Giáo.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, điều chắc chắn là bất cứ ai nghĩ rằng đây là thời xuống dốc của Công Giáo thì họ cần phải quan sát nhiều hơn.

4.Huyền thoại Giáo Hội áp bức

Trong số các quan niệm sai lầm phổ biến về Đạo Công Giáo, và về Kitô Giáo nói chung, ý niệm cho rằng Giáo Hội là định chế chuyên áp bức có lẽ là quan niệm độc hại hơn cả. Bị ám ảnh bởi các hình ảnh có tính lịch sử về Các Thập Tự Chinh và Tòa Án Dị Giáo, và cả các ấn tượng hiện thời về sự giầu có và quyền lực của các nhà lãnh đạo và các định chế Giáo Hội, quả là chuyện rất khó cho các quan sát viên Tây Phương có thể hiểu được sự kiện này: tại rất nhiều địa điểm nóng trên thế giới, các Kitô hữu ngày nay đang càng ngày càng là những người bị áp bức không người chống đỡ chứ không phải là những người áp chế ngạo mạn.

Đây là thực tế rất rõ: Ở đầu thế kỷ 21, chúng ta đang mục kích sự xuất hiện của một thế hệ các vị tử đạo Kitô Giáo mới. Về phương diện thống kê, các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị bách hại hơn hết trên quả địa cầu này. Theo Hội Nhân Quyền có trụ sở ở Frankfurt, 80 phần trăm mọi hành vi kỳ thị tôn giáo trên thế giới ngày nay đã trực tiếp nhắm vào các Kitô hữu. Trung Tâm Pew ước lượng rằng các Kitô hữu chịu bách hại tại 133 quốc gia, nghĩa là 2 phần 3 mọi quốc gia trên thế giới.

Ngoài bức tranh trên ra, cơ quan cứu trợ Công Giáo Trợ Giúp Giáo Hội Túng Thiếu ước lượng rằng hàng năm, có tới 150,000 Kitô hữu chết vì đức tin, từ Trung Đông, qua Đông Nam Á tới vùng Phi Châu Hạ Sahara và một phần của Châu Mỹ La Tinh. Điều này có nghĩa: mọi giờ và mọi ngày, gần 17 Kitô hữu bị giết ở đâu đó trên thế giới, hoặc vì sự thù hận đối với đức tin, hoặc vì sự thù hận đối với các việc bác ái và công lý mà đức tin của họ buộc họ phải làm. Có lẽ điển hình rõ rệt hơn cả là Iraq. Trước năm 1991, năm có cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh lần đầu tiên, nước này có hơn 2 triệu Kitô hữu, còn ngày nay, ước lượng lạc quan nhất cũng chỉ là giữa 250,000 và 400,000 người ở lại.

Một lần nữa, sự kiện các Kitô hữu bị áp bức đông đảo không có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo tự động xứng đáng được thiện cảm, và chắc chắn không làm cho Giáo Hội đúng trong mọi chủ trương về các vấn đề thiêng liêng, luân lý, và chính trị. Tuy nhiên, nó có nghĩa: suy nghĩ rõ ràng về vận mệnh Công Giáo trong thế kỷ 21, người ta sẽ loại bỏ được một số hình ảnh tiêu cực của quá khứ.

Về cuốn sách này

Cuốn sách này được thiết kế như một cuốn hướng dẫn "mua sắm mọi món tại một chỗ", bao gồm đủ các cơ cấu căn bản, các giáo huấn, các thực hành, các căng thẳng nội bộ, và các viễn ảnh tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Dù cố gắng bàn tới các điểm căn bản, cuốn sách này tập chú vào hiện tại và tương lai của Đạo Công Giáo, hơn là vào quá khứ của nó. Nó được viết cho cả những người hết lòng chia sẻ thế giới quan của Giáo Hội lẫn những người cực lực bác bỏ thế giới quan này. Cách tiếp cận của nó chủ yếu có tính mô tả, dựa vào hơn hai thập niên kinh nghiệm làm nhà báo, chuyên tường trình về Vatican, về Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, và Giáo Hội Công Giáo tại một số nơi khác trên thế giới.

Tác giả đã tường thuật cho các cơ sở báo chí Công Giáo và các cơ quan lớn của truyền thông thế tục, và cả trong hai trường hợp, công việc của tác giả là tường thuật đúng sự kiện, rồi để người đọc tự rút ra các kết luận của họ. Mục đích của tác giả không phải là làm cho bất cứ ai trở lại với bất cứ điều gì, mà chỉ là để họ hiểu biết tốt hơn.Thành thử, đây là một cái nhìn tổng quan về Giáo Hội Công Giáo. Tác giả không hề cố gắng dấu diếm các vấn đề thực sự mà Giáo Hội Công Giáo đang phải đối diện nhưng đồng thời không hề nhấn mạnh rằng những vấn đề này là tất cả câu truyện, vì ngoài chúng ra còn có rất nhiều sự sống, sinh khí và “tin mừng” nữa. Tác giả hy vọng cuốn sách này tôn trọng các người Công Giáo trung thành, nhưng cũng muốn bắt tay những người không phải là Công Giáo đang đi tìm một cuộc giáo dục chứ không phải một bài giảng.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét