Trang

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (tiếp theo)

Giáo Hi Công Giáo Dưới Cái Nhìn ca Mt Ký Gi Hoa Kỳ (tiếp theo)
Vũ Văn An5/31/2017



Chương Một: Tổng Quan về Giáo Hội Công Giáo

Các bạn hãy nhắm mắt lại và cố tưởng tượng ra một người Công Giáo “đặc trưng”. Nếu cũng giống như phần lớn người ta, chắc bạn sẽ nghĩ tới một vị linh mục hay giám mục da trắng, đâu đó, trong thế giới Tây Phương, có thể là Rôma. Khi Hollywood muốn mô tả Giáo Hội, thì đó là nơi họ thường điện thoại tới. Ấy thế nhưng, nếu hiểu “đặc trưng” như đại diện cho đa số, thì tưởng tượng một vị linh mục da trắng ở Âu Châu hay Bắc Mỹ như người Công Giáo đặc trưng ngày nay, điều này hoàn toàn sai.

Tính đến năm 2012, có 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo trên thế giới, trong đó, chỉ có 412,000 người là linh mục, 275,000 người là phó tế (chúng tôi sẽ giải thích hạn từ này sau), và 5,000 người là giám mục, tổng giám mục, và Hồng Y. Điều này có nghĩa hàng ngũ giáo sĩ chỉ chiếm 0.05 phần trăm tổng số dân Công Giáo thế giới mà thôi.

Ngoài ra, đại đa số người Công Giáo hiện nay, khoảng 740 triệu người, hiện đang sống ở bên ngoài Tây Phương. Hai phần ba sống ở Mỹ Châu La Tinh, Phi Châu và Á Châu. Khoảng giữa thế kỷ này, số người Công Giáo ở Nam Bán Cầu sẽ là ba phần tư. Âu Châu ngày nay chiếm ít hơn 20 phần trăm dân số Công Giáo, và tỷ lệ này bắt đầu suy giảm vào hậu bán thế kỷ vừa qua.

Cuối cùng, các yếu tố dân số học Công Giáo phản ảnh rất trung thực các yếu tố dân số học hoàn cầu, theo nghĩa đa số, khoảng 55 phần trăm, là phụ nữ. Thành thử, nghĩ “người Công Giáo đặc trưng” là đàn ông quả là điều không đúng.

Căn cứ vào những điều trên, sẽ là điều chính xác hơn nhiều nếu bảo rằng “người Công Giáo đặc trưng” của đầu thế kỷ 21 là bà mẹ Ba Tây với 4 đứa con, chứ không phải vị linh mục da trắng ở Rôma. (Ba Tây là quốc gia nhiều người Công Giáo nhất thế giới, với tổng số 163 người rửa tội Công Giáo. Dù mức độ tham gia Giáo Hội và thực hành đức tin đã và đang giảm sút nhiều năm qua, họ vẫn còn dẫn đầu so với hầu hết các nước Âu Châu).

Giáo xứ là gì?

Đối với phần lớn người Công Giáo, giáo xứ địa phương là điểm tiếp xúc đầu tiên của họ với Giáo Hội. Đấy là nơi họ tới tham dự Thánh Lễ (mỗi Chúa Nhật, nếu họ giữ luật), xưng tội, cho con chịu phép rửa, kết hôn, dự an táng người thân, và đánh dấu nhiều thời khắc tiêu biểu của đời họ. Những người Công Giáo hoạt động còn làm nhiều điều hơn thế nữa. Họ có thể tham dự các lớp học về các vị thánh vĩ đại của Giáo Hội, Thánh Kinh hay nhiều đề tài khác. Họ có thể tình nguyện giúp nấu cháo từ thiện, dạy giáo lý cho trẻ em hay tham gia các sinh hoạt thiêng liêng như sùng kính Lòng Chúa Thương Xót hoặc phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo. Về phương diện kỹ thuật, người Công Giáo giả thiết phải tham gia giáo xứ trong phạm vi địa dư họ sinh sống. Tuy nhiên, trong thời đại mỗi ngày mỗi có tính di động và chọn lựa tiêu thụ nhiều hơn này, nhiều người Công Giáo chọn một giáo xứ thích hợp hơn với xu hướng chính trị hay xu hướng thờ phượng của họ, hay một giáo xứ có nhiều biến cố đáng tham dự hơn.

Phần lớn người ta nghĩ tới giáo xứ như một tòa nhà thuộc Giáo Hội. Điều này dễ hiểu, nhất là khi một giáo xứ tập trung lâu dài tại một nhà thờ đặc thù, đến nỗi đã in hằn vào ký ức của nhiều thế hệ. Đóng cửa một giáo xứ, một việc trở nên thông thường hơn trong mấy thập niên qua vì dân số giảm hay vì chi phí lên cao, bao giờ cũng là một việc đau lòng. Nói theo kiểu vần vèo của người Mỹ, quả là khó cho các giáo dân từng chứng kiến các thành viên trong gia đình “hatched, matched, and dispatched” (được nở, tức rửa tội, được mái, tức kết hôn, và được phái, tức chôn cất) trong cùng một nhà thờ, nay thấy nó bị tan biến.

Tuy nhiên, về phương diện kỹ thuật, giáo xứ không phải là một toà nhà, mà là một pháp nhân. Theo Bộ Giáo Luật, chỉ cần có hai điều để trở thành giáo xứ: (1) một nhóm người Công Giáo trong một lãnh thổ cố định, vì mọi giáo xứ phải có biên giới địa dư; (2) một linh mục chịu trách nhiệm cho giáo xứ này. Phần lớn các giáo xứ đều có linh mục sống tại chỗ, nhưng vì hiện trạng luôn thiếu linh mục trong mấy thập niên qua, một số giáo xứ đã được gom lại với một linh mục chịu trách nhiệm đối với nhiều giáo xứ, và nhiều giáo xứ chỉ có phó tế hay giáo dân được ủy nhiệm làm “phối trí viên sinh hoạt giáo xứ” hoặc một danh hiệu nào khác. Dù thế, vẫn luôn có một linh mục lo chuyện sổ sách. Theo giáo luật, chính vị giám mục địa phương có quyền tạo lập và hủy bỏ một giáo xứ.

Đâu là cấp cao hơn kế tiếp?

Trong các giáo phận lớn hơn, các giáo xứ có khi được tổ chức thành nhóm, được gọi bằng nhiều tên: “Hạt” (deaneries), “khu đại diện” (vacariates) và “vùng mục vụ”. Dù giám mục giáo phận có thể cử ai đó chịu trách nhiệm đối với các cơ cấu này, nhưng ngài vẫn giữ thẩm quyền trên hết.

“Vùng mục vụ” có khuynh hướng trở thành phạm trù rộng nghĩa nhất, chỉ một phần của một giáo phận lớn bất thường. Tổng Giáo Phận Los Angeles, với hơn 4 triệu người Công Giáo, được chia thành 5 vùng mục vụ. Một cách đặc trưng, ngay các giáo phận cỡ trung cũng có các hạt hay khu đại diện gồm nhiều giáo xứ. Đứng đầu những đơn vị này là “cha quản hạt” (dean) hay “cha đại diện” (vicar). Các vị này cổ vũ sinh hoạt mục vụ chung và hành xử như là một tài nguyên đối với đời sống linh mục.

Tuy nhiên, nói chung, các hạt và vùng mục vụ là những bộ phận phần lớn có tên trên giấy tờ mà thôi và thường chỉ quen thuộc đối với các giáo sĩ tới đó để dự họp hay một biến cố xã hội nào đó. Phần lớn người Công Giáo coi giáo phận là đơn vị hành chánh quan trọng nhất ngoài giáo xứ địa phương của họ.

Giáo phận là gì?

Chữ “giáo phận” (diocese) phát xuất từ tiếng Hy Lạp diaoikos, nguyên thủy là là một đơn vị hành chánh của Đế Quốc Rôma xưa. Nó được Giáo Hội tiếp nhận để chỉ vùng địa dư bao gồm nhiều giáo xứ đặt dưới sự lãnh đạo của một giám mục. Ít nhất về phương diện lý thuyết, không có thẩm quyền nào bên trên giám mục giáo phận, ngoại trừ chính Đức Giáo Hoàng, người nhận được thẩm quyền riêng của mình nhờ là một giám mục giáo phận, tức Giám Mục Rôma.

Nói chung, mỗi giáo phận có một văn phòng trung ương, truyền thống vẫn gọi là “tòa giám mục” (chancery) dù gần đây đã có thói quen thời thượng gọi nó là “trung tâm mục vụ” hay “trung tâm giáo phận”. Dù gọi thế nào, nó vẫn là văn phòng trung ương. Ngoài văn phòng giám mục ra, người ta còn thấy các văn phòng cho giáo sĩ, truyền thông, đại kết và liên tôn sự vụ, giáo dục, tài chánh, chăm sóc y tế, dịch vụ giáo xứ, công trình phò sự sống, cổ vũ hòa bình và công lý, ơn gọi làm linh mục và tu dòng, thờ phượng, và điều gọi là “tòa án” phần lớn để xử các vụ liên quan tới hôn nhân.

Cùng với các phụ tá của ngài, giám mục giáo phận ấn định linh mục nào coi giáo xứ nào; giáo xứ nào đóng cửa hoặc phải sáp nhập, và giáo xứ mới nào được mở; thực hành cầu nguyện và thờ phượng nào được cho phép (theo các chỉ dẫn căn bản do Vatican ấn định); ai có thể được mời nói chuyện trong các biến cố của Giáo Hội; sách giáo khoa nào được dùng trong các trường Công Giáo và ngân quĩ của giáo phận phải được chi tiêu ra sao. Một số vị giám mục thi hành các quyền này trong tinh thần hợp tác, trong khi có những vị hành xử theo lối từ trên xuống dưới hơn, nhưng theo Giáo Luật, tiền bạc đối với mọi việc thì phải dừng tại bàn giấy của giám mục.

“Tổng giáo phận” chỉ một giáo phận khá lớn, và vị lãnh đạo nó, tức tổng giám mục, thi hành một mức độ thẩm quyền nào đó trên các giám mục của các giáo phận nhỏ hơn thuộc vùng lân cận, gọi là các giáo phận phụ (suffragan). Cùng nhau, các giáo phận này tạo thành một “giáo tỉnh”. Tính tới năm 2012, có khoảng 2,300 giáo phận trên thế giới cùng với 630 tổng giáo phận cho khoảng dưới 3,000 tài phán tòng thổ riêng biệt. Tại Hoa Kỳ, có 195 giáo phận, trong đó có 25 tổng giáo phận.

Nếu mỗi giám mục, về căn bản, đều độc lập thì tại sao các ngài cùng hành động như một tập thể?

Từ Công Đồng Vatican II (1962-1965), các giám mục trong một quốc gia được tổ chức thành “hội đồng giám mục”. Tại Hoa Kỳ, bộ phận này có tên: Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hiệp Chúng Quốc (USCCB). Tại các nơi khác trên thế giới, các giám mục cũng được tổ chức thành các nhóm lục địa có tính điều khiển trung ương, như Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), Hội Nghị Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar (SECAM) và Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh (SELAM)…

Các tổ chức trên rất có ảnh hưởng vì đã phát huy nhiều giải đáp chung cho các vấn đề vượt quá ranh giới các giáo phận cá thể. Ấy thế nhưng, theo Giáo Luật, hội đồng giám mục một quốc gia chỉ là một cơ quan phối trí, không thể lên tiếng một cách có thẩm quyền ngoại trừ các giám mục đồng thanh thỏa thuận hay được Đức Giáo Hoàng chấp thuận. Cũng thế, một hội đồng giám mục không thể ban hành bất cứ qui định có tính trói buộc nào nếu không nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Ta vừa nhắc tới Công Đồng Vatican II. Vậy công đồng là gì?

Công đồng là một cuộc tụ họp các giám mục khắp thế giới. Các tín hệ Kitô Giáo khác nhau về việc: các công đồng nào trong lịch sử thực sự được coi là “công đồng chung” (ecumenical) và do đó, có thẩm quyền, nhưng Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận 21 công đồng thuộc loại này. Cao điểm của danh sách này là Công Đồng Chung Vatican II trong các năm 1962-1965, qui tụ hơn 2,000 giám mục hoàn cầu để phát động trong Giáo Hội một chương trình đầy tham vọng và hiện vẫn còn đang được tranh luận, đó là aggiornamento, hay “cập nhật hóa mọi điều”. Tiện thể cũng nên nói: các công đồng thường lấy tên nơi nó được tổ chức, như Công Đồng Nixêa và Công Đồng Trent, vì lần lượt là các địa điểm thuộc vùng Anatolia xưa (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) và thuộc nước Ý. Chính vì thế, công đồng thứ 21 được gọi là Công Đồng Vatican II, vì là công đồng thứ hai được tổ chức ngay tại Vatican.

Đạo Công Giáo thừa nhận rằng công đồng chung, song song với Đức Giáo Hoàng, là thẩm quyền giáo huấn cao nhất trong Giáo Hội, và suốt trong các thế kỷ qua, công đồng giải quyết nhiều cuộc tranh cãi về tín lý, bí tích và chính trị quan trọng nhất của Giáo Hội. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn được tranh luận nóng hổi là điều gì sẽ xẩy ra nếu một vị giáo hoàng không ủng hộ một giáo huấn của công đồng; nói cách khác, thẩm quyền của ai giả thiết sẽ thắng thế?

Phần lớn các sử gia Giáo Hội tin rằng sẽ còn nhiều công đồng chung nữa dù Vatican thận trọng đối với việc tổ chức chúng, một phần vì khó mà tiên đoán chúng sẽ làm những người vốn khó chịu với Giáo Hội sẽ khó chịu ra sao. Về phương diện lịch sử, các công đồng diễn ra một là để đáp ứng một cuộc khủng hoảng lớn nào đó (như Công Đồng Trent là để đáp ứng Phong Trào Cải Cách) hai là vô tình tạo ra một cuộc khủng hoảng (Giáo Hội ngày nay, chẳng hạn, đang phải đương đầu với một sự chia rẽ sâu xa do Công Đồng Vatican II). Về phương diện hậu cần, tổ chức một công đồng chung thực sự trong thế kỷ 21 là một thách đố lớn vì hiện có tới gần 5,000 giám mục trong Giáo Hội Công Giáo. Cứ tưởng tượng làm thế nào một cơ chế lớn như thế có thể tổ chức được các buổi tranh luận của nó, chưa kể các nghị phụ sẽ ở đâu, các phiên họp sẽ được tổ chức tại địa điểm nào, phải tổ chức các cuộc đầu phiếu ra sao, và v.v… cũng đủ đòi phải có một tài nghệ thiết kế ghê gớm rồi.

Vatican là gì?

Tên này phát xuất từ một trong các ngọn đồi của Rôma xưa, và từ khởi đầu, chỉ khu các Kitô hữu tiên khởi xây một đền thờ dâng kính Thánh Phêrô, vị thủ lãnh vốn được chính Chúa Kitô chọn giữa các tông đồ của Người, và theo truyền thống Công Giáo, là vị giáo hoàng đầu tiên. Ngày nay, “Vatican” là chữ viết tắt để chỉ đại bản doanh của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Nó thực sự không cho thấy sự phân biệt quan trọng giữa hai thực thể riêng biệt:

*Tòa Thánh, tức thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong tư cách nhà lãnh đạo Giáo Hội hoàn cầu. Chữ “Tòa” (See) phát xuât từ tiếng La Tinh sedes, có nghĩa là ghế ngồi, để chỉ ghế của vị giám mục, tượng trưng cho thẩm quyền của ngài. Theo nghĩa này, Tòa Thánh là một định chế phi lãnh thổ, một ý niệm hơn là một nơi chốn, và nó tồn tại ngay cả khi không có giáo hoàng, thí dụ lúc sede vacante, hay trống tòa, sau khi một vị giáo hoàng qua đời.

*Thị quốc Vatican, tức lãnh thổ vật lý 108 mẫu Anh tại Rôma được cai trị bởi Đức Giáo Hoàng trong tư cách gần như một quân vương hiến chế. Nó quản trị các bảo tàng viện, bưu điện, trạm xe lửa, kho lương thực, ngân hàng, v.v… của Vatican, cũng như trông coi Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Thị quốc này chỉ có khoảng 500 cư dân thường trú, dù các nhà ngoại giao của Vatican và mọi thành viên của Hồng Y Đoàn cũng được coi là “công dân” của nó và được phép mang thông hành Vatican. Thị quốc cũng có luật hình và hệ thống tư pháp riêng, một sự kiện được thế giới biết đến vào năm 2012 khi người quản gia của Đức Bênêđíctô XVI bị bắt về tội đánh cắp các tài liệu mật và tiết lộ cho các nhà báo Ý.

Thông thường, khi người ta nói tới “Vatican”, họ muốn nói tới Tòa Thánh. Chính Tòa Thánh xử lý các liên hệ ngoại giao với các chính phủ ngoại quốc. Cũng chính Tòa Thánh đưa ra các quyết định về đức tin và luân lý cho Giáo Hội khắp thế giới nhân danh Đức Giáo Hoàng. Cơ quan hành chánh lo việc điều hành Tòa Thánh trên căn bản hàng ngày được gọi là Giáo Triều, và các đơn vị căn bản của nó như sau:

*Phủ Quốc Vụ Khanh, nơi thanh toán (clearing-house) về hành chánh của Vatican, giám sát các công việc nội bộ của Giáo Hội và các liên hệ ngoại giao bên ngoài. Vị đứng đầu, tức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, được bán chính thức coi như “thủ tướng” của Vatican và chính Vatican thường được coi là theo hệ thống tổng thống/thủ tướng, với Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu quốc gia và Quốc Vụ Khanh là người đứng đầu chính phủ.

*Chín thánh bộ, chuyên trông coi các lãnh vực quan trọng nhất của đời sống Giáo Hội nhân danh Đức Giáo Hoàng: các giám mục, hàng giáo sĩ, thờ phượng, tu dòng, hoạt động truyền giáo v.v… Mỗi thánh bộ được đứng đầu bởi một “bộ trưởng” (prefect), thường là một Hồng Y. Thánh bộ quan trọng nhất là Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cơ quan giám sát tín lý của Vatican.

*Mười hai hội đồng giáo hoàng, nhằm phát huy một số đề tài hay chính nghĩa được Giáo Hội đặc biệt quan tâm, như công lý và hòa bình, y tế, và gia đình. Một hội đồng thường do một Hồng Y hay một tổng giám mục đứng đầu. Các hội đồng thường kém ảnh hưởng hơn các thánh bộ, vì ngoài một số lãnh vực có giới hạn ra, chúng không có thẩm quyền trói buộc. Chúng giống các cơ quan nghiên cứu hơn là các cơ quan đưa ra quyết định.

*Ba tòa án, Tòa Thượng Thẩm Rôma (Roman Rota), Tối Cao Pháp Viện (Apostolic Signatura) và Tòa Xá Giải (Apostolic Penitentiary). Ba tòa này xử các vụ thuộc Giáo Luật, phần lớn công việc là lo giải quyết các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Tối Cao Pháp Viện được coi là Tòa cao nhất, dù, theo lý thuyết, người ta có thể thượng tố lên Đức Giáo Hoàng.

Ngoài ra, còn có nhiều cơ quan khác tại Vatican, nhất là các Ủy Ban và Hàn Lâm Viện, nhưng phần lớn những gì phát xuất từ Rôma và liên quan tới hoặc các phương tiện truyền thông hoặc các tín hữu Công Giáo đều do ba loại cơ quan này phụ trách.

Đức Giáo Hoàng có là một quân chủ tuyệt đối không?

Trong chương kế tiếp, chúng tôi sẽ phác họa lịch sử ngôi vị giáo hoàng, còn ở đây chỉ xin thưa rằng Đức Giáo Hoàng được coi là người kế vị Thánh Phêrô như là thủ lãnh các tông đồ và là nhà lãnh đạo Giáo Hội. Đây không phải là một ý niệm tượng trưng, vì giáo luật điều 331 nói rằng Đức Giáo Hoàng thi hành thẩm quyền “tối cao, trọn vẹn, tức khắc và phổ quát” đối với toàn thể Giáo Hội. Ngài không như Nữ Hoàng nước Anh ở Điện Buckingham, một di tích phần lớn có tính biểu tượng của một thời đã qua, không có bao nhiêu quyền lực của đời thực. Theo quan điểm Công Giáo, ngài là Đấng Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian được ủy quyền cầm cân nẩy mực.

Hơn nữa, ảnh hưởng của ngôi vị giáo hoàng vượt quá các vụ việc nội bộ của Giáo Hội Công Giáo. Trên thực tế, Đức Giáo Hoàng cũng là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế giới Kitô giáo nói chung cũng như là phát ngôn viên chính của Kitô Giáo trong liên hệ với các tôn giáo khác, là người bênh vực tôn giáo mạnh mẽ nhất trong thế giới thế tục, và là thầy dậy luân lý và là tiếng lương tâm trong lãnh vực địa chính trị và hoàn cầu sự vụ. Xét về một phương diện nào đó, đây quả là một công việc không phải là của con người. Người ta mong giáo hoàng là một tổng giám đốc của Fortune 500, một siêu sao truyền thông, một nhà ngoại giao và là một chính khách, một nhà thần học và là một triết gia, một mục tử và một thánh sống.

Giáo hoàng được bầu trong một biến cố gọi là cơ mật viện (conclave) do hai chữ La Tinh tạo thành cum clave, nghĩa là “với chìa khóa” (khóa kín cửa). Đây là một truyền thống trong đó, khi các Hồng Y họp tại Nhà Nguyện Sistine ở Vatican để bỏ phiếu, cửa bị khóa kín đối với người bên ngoài và diễn trình bầu cử được mãi mãi giữ bí mật. Người Công Giáo tin rằng việc bầu cử giáo hoàng diễn ra dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và từ lúc tân giáo hoàng thưa “có” sau khi niên trưởng Hồng Y đoàn hỏi ngài có chấp thuận việc bầu cử hay không, ngài được hưởng trọn thẩm quyền đối với Giáo Hội.

Nói thì nói thế, nhưng thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng bị nhiều nhân tố giới hạn. Trên bình diện lý thuyết, các giới hạn này bao gồm mạc khải của Thiên Chúa và truyền thống Giáo Hội (thí dụ, không vị giáo hoàng nào một sớm một chiều quyết định thu hồi tín lý Thiên Chúa Ba Ngôi), cũng như các quyết định của các công đồng chung và luật lệ của Giáo Hội. Đức Bênêđíctô XVI hay thích nhất mạnh rằng giống như mọi người khác, các vị giáo hoàng đều bị sự thật giới hạn: thí dụ, không vị giáo hoàng nào bỗng nhiên tuyên bố rằng 2 cộng 2 bằng 5.
Trên thực tế, có rất nhiều giới hạn khác về tầm mức một vị Giáo Hoàng có thể muốn làm gì thì làm. Thí dụ, Vatican có số nhân viên và tài nguyên giới hạn và không thể dính mũi vào khắp mọi nơi được. Các vị giáo hoàng cũng phải quan tâm tới tác dụng chính trị đối với bất cứ điều gì các ngài thực hiện, vì các ngài không muốn chia rẽ Giáo Hội và làm mất tinh thần một phần của Giáo Hội một cách không cần thiết. Đức Gioan XXIII (1958-1963) là vị giáo hoàng đã triệu tập Công Đồng Chung Vatican II, và có lần người ta hỏi ngài tại sao ngài không tiến nhanh hơn để áp đặt một số cải cách của nó. Câu trả lời đã thành huyền thoại của ngài là: “tôi là giáo hoàng của cả những người để chân lên ga, lẫn những người để chân lên thắng”.

Há Giáo Hội Công Giáo không quá trung ương tập quyền đó sao?

Khi nói đến đức tin và luân lý, thì Giáo Hội khá có tính từ đỉnh xuống đáy. Tuy nhiên, phần đông các vị giáo hoàng rất thận trọng trong việc lúc nào nên sử dụng quyền hành, và thường không ráng giải quyết các cuộc tranh luận ngoại trừ khi đã gạn lọc chúng qua nhiều thế kỷ. Thí dụ, đầu thế kỷ 21, có một vấn để bỏ ngỏ trong Giáo Hội Công Giáo liên quan tới bao cao su (condom) và bệnh AIDS. Vấn đề xoay quanh việc các cặp vợ chồng dị tính mà một trong hai người phối ngẫu mắc HIV, còn người kia thì không, có được phép dùng bao cao su để ngăn ngừa lây lan không. Một số thần học gia cho rằng họ được phép, dựa trên việc ý định của họ không phải là tránh có thai đứa con mà là ngăn ngừa việc truyền bệnh; các thần học gia khác nhấn mạnh rằng việc sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo là vô luân ngay từ nội tại. Cho tới lúc này (2012), Đức Bênêđíctô XVI vẫn không chính thức giải quyết vấn đề này.

Ngoài lãnh vực tín lý, Giáo Hội Công Giáo còn linh động hơn nữa. Nó có khuynh hướng theo hàng ngang về vấn đề cai trị, nghĩa là: các vấn đề như bổ nhiệm nhân viên và các chương trình mục vụ là việc các giám mục tự lo liệu lấy trong các giáo phận của các ngài. Khi đụng tới các vấn đề khác, như các phong trào thiêng liêng hay các sáng kiến văn hóa mới, thì Giáo Hội Công Giáo không ngờ lại rất đi từ đáy đi lên. Thí dụ, các dòng khất sĩ (ăn mày) thời Trung Cổ, như Dòng Phanxicô và Dòng Đaminh, không hề phát sinh vì Đức Giáo Hoàng phán “hãy có nó”. Chúng được phát động bởi các cá nhân có óc sáng tạo như Thánh Phanxicô và Thánh Đaminh và bị các giới lãnh đạo Giáo Hội nhìn bằng con mắt hoài nghi trong thời gian khá lâu trước khi chịu thừa nhận và ủng hộ.

Có phải chỉ có một “Giáo Hội Công Giáo” không?

Về phương diện thần học, đúng, chỉ có một “Giáo Hội Công Giáo”, hợp nhất nơi Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, về phương diện cơ cấu, hiện có tới 23 Giáo Hội riêng biệt tạo thành một Giáo Hội Công Giáo. Lớn nhất là Giáo Hội “Latinh”, tức hình thức Công Giáo chính dòng vốn khai triển ở Âu Châu và sau đó được truyền bá ra khắp thế giới nhờ hoạt động truyền giáo. Ấy thế nhưng còn tới 22 Giáo Hội khác, tức các Giáo Hội “Đông Phương”, tức các Giáo Hội nằm ngoài quĩ đạo văn hóa Latinh, nhưng ở một thời điểm nào đó, đã chấp nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Về phương diện lịch sử, phần lớn các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương này bắt đầu khi một nhóm trong Kitô Giáo Chính Thống quyết định muốn bước vào hiệp thông với Rôma, nhưng đồng thời muốn duy trì di sản phụng vụ, thiêng liêng và thần học của họ.

Các Giáo Hội Đông Phương đôi khi được gọi là các Giáo Hội “hợp nhất” (uniate), nghĩa là hợp nhất với Rôma, nhưng phần lớn không thích kiểu gọi này coi nó như một kiểu gọi bêu xấu. Đôi khi họ cũng được gọi là “các nghi lễ Đông Phương” dù các thành viên của các Giáo Hội Đông Phương cũng không thích kiểu gọi này, vì nó gợi ý tưởng họ chỉ khác Giáo Hội Latinh về nghi lễ mà thôi, mà thực tế, họ còn khác về truyền thống, sự lãnh đạo, và cơ cấu. Giáo Hội Đông Phương thường được đứng đầu bởi vị “thượng phụ” của họ. Trong cố gắng nhìn nhận tầm quan trọng của các Giáo Hội Đông Phương, các vị giáo hoàng gần đây đã phong một số vị thượng phụ của họ lên hàng Hồng Y. Một dấu chỉ cho thấy các Giáo Hội Đông Phương muốn hết sức bảo vệ sự khác biệt của họ là nhiều Giáo Hội phản đối thực hành này, vì theo họ, Hồng Y là một sản phẩm của Giáo Hội Latinh.

Ba Giáo Hội Công Giáo Đông Phương lớn nhất là Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine với 4.5 triệu tín hữu; Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, tập trung ở Ấn Độ, với 3.9 triệu tín hữu; và Giáo Hội Công Giáo Maronite ở Lebanon với gần 3.3 triệu tín hữu. Mỗi Giáo Hội trong số 22 Giáo Hội Đông Phương này có hàng giáo sĩ và giám mục riêng và họ rất triệt để bảo vệ sự tự lập của họ. Các Giáo Hội Đông Phương hiện nay cũng có tín hữu bên ngoài các lãnh thổ lịch sử của họ, tại những nơi như Bắc Mỹ, Âu Châu, Úc, và Tân Tây Lan, nên họ cũng tạo ra các giám mục và giáo phận riêng để phục vụ các tín hữu này. Các cơ cấu này được hưởng quyền tài phán riêng biệt trên các tín hữu và tài sản của họ.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét