Trang

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Hai ngày trước khi Tổng Thống Trump gặp Đức Phanxicô: các vấn đề để đồng ý và bất đồng

Hai ngày trước khi Tổng Thống Trump gặp Đức Phanxicô: các vấn đề để đồng ý và bất đồng
Vũ Văn An5/22/2017


Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Trump và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo nhà báo John Allen, không đơn giản là một cuộc gặp gỡ giữa những người mà các vấn đề bất đồng và đồng ý đã được vạch ra rõ ràng.

Thực vậy, theo nhà báo trên, khi phân tích tới chi tiết, thì sự việc giữa hai vị trở nên càng lúc càng phức tạp hơn. Về phía Đức Phanxicô chẳng hạn, giống như các vị giáo hoàng khác, ngài thường nói tới những huấn dụ luân lý cao qúy, chứ không hẳn các chính sách chi tiết, khiến phát sinh nhiều lối giải thích khác nhau. Thí dụ, về vấn đề di dân, tuy khẩn khoản xin người ta bắc cầu chứ không xây tường, ngài vẫn cho rằng các quốc gia có quyền bảo vệ biên giới của họ, thành thử, người ta vẫn có thể tìm ra cách giao hòa hai chủ trương trái ngược nhau này.

Còn về phía Tổng Thống Trump, ông tự khen mình là người mềm dẻo, nhưng các nhà phê bình thì cho là ông bất nhất chứ không hẳn mềm dẻo. Lập trường của chính phủ ông đối với một số vấn đề xem ra còn đang diễn biến, chuyển mình giữa những lời hoa hòe hoa xói và các chính sách thực sự của ông mà đôi khi hiểu được cũng là điều khó khăn.

Kết quả: khi ta đặt chúng dưới kính hiển vi, những điều xem ra bất đồng có thể trở thành không hẳn tuyệt đối đến thế, và cũng vậy, những điều xem ra đồng thuận bắt đầu được làm rõ manh mối.

Hơn nữa, cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và Ông Trump diễn ra vào thời điểm chính phủ Trump đã nhận ra họ không thể thi hành nhanh chóng một số phương diện trong nghị trình của họ vốn làm Đức Phanxicô lo ngại.

Họ đã tạm hõan việc bác bỏ hiệp định Paris về thay đổi khí hậu. Họ cũng buộc phải duyệt lại việc chi tiêu của Liên Bang sau khi phần lớn các chi tiêu này bị Quốc Hội bác bỏ, và, ít nhất là cho tới nay, vẫn chưa có ngân khoản để Ông Trump xây bức tường biên giới.

Dưới góc độ trên, Đức Phanxicô và đội ngũ của ngài có thể có cơ hội ảnh hưởng tới đường lối của chính phủ Trump, thay vì phải trực diện với hàng loạt các sự kiện đã rồi.

Tuy nhiên, theo John Allen, sau đây là một số vấn đề có thể xuất hiện trong cuộc gặp gỡ vắn vỏi của hai vị:

1. Di dân

Trên bình diện quy ước, Đức Phanxicô và Ông Trump đại diện cho hai cực đối lập nhau trong cuộc tranh luận về di dân. Đức Giáo Hoàng được coi như nhà lãnh đạo thân thiện nhất với di dân trên thế giới, trong khi Ông Trump bị coi như người thù nghịch nhất đối với các đối tượng này.

Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, đã có nhiều phát triển ở cả hai phía, cho thấy ít nhất cũng có những khía cạnh có thể lấy khỏi cuộc đụng độ.

Về phía Đức Giáo Hoàng, trong cuộc họp báo sau cuộc tông du Thụy Điển hồi tháng Mười năm ngoái, ngài đã lên đặc điểm cho lập trường khái quát của ngài về di dân và tỵ nạn bằng một chút cảm thức thực tiễn như sau:

Dịp ấy, ngài cho biết: “Các nhà cai trị cũng phải thực thi sự khôn ngoan. Họ nên cơỉ mở nhiều đối với việc tiếp nhận [di dân và tỵ nạn], nhưng họ cũng nên tính tóan phương cách định cư những người này, vì người tỵ nạn không những phải được nghinh đón mà còn phải được hội nhập nữa. Thí dụ, nếu một nước chỉ có khả năng hội nhập 20 người, thì họ chỉ nên nhận bằng ấy thôi. Nếu một nước khác có khả năng hơn, họ hãy nhận nhiều hơn”.

Về phía ông Trump, ông tiếp tục nhấn mạnh tới kế hoạch xây bức tường dọc biên giới Mỹ Mễ của ông, nhưng hiện nay, không có ngân khoản cho việc này trong dự luật ngân sách 2017. Đảng Dân Chủ thề sẽ ngăn chặn nó, thậm chí một số dân biểu Cộng Hòa cũng tỏ ra hoài nghi đối với nó. Vả lại, hình như Ông Trump muốn nối kết việc xây tường này với việc Mễ phải đóng góp cho nó, nhưng tổng thống nước này vốn bác bỏ ý tưởng này.

Do đó, ông Trump đến gặp Đức Giáo Hoàng hôm thứ Tư này không phải là người đang xây bức tường, trong khi Đức Giáo Hoàng thì đưa ra một lập trường phần nào đã được thực tiễn hóa căn cứ theo khả năng của từng quốc gia cá thể.

2. Thay đổi khí hậu

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhà lãnh đạo tinh thần của phong trào hoàn cầu đòi có hành động chống lại việc thay đổi khí hậu, sau khi là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử dành hẳn một thông điệp để chuyên bàn về vấn đề này năm 2015, tựa là Laudato Si’.

Đức Phanxicô là nguồn cảm hứng chính của thỏa hiệp Paris về thay đổi khí hậu, một thỏa hiệp mà Ông Trump cho biết sẽ bãi bỏ, dù chính phủ của ông mới đây đình hoãn quyết định này cho tới sau Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 sắp sửa khai mạc, một điều khiến ông đang rên đường tới Ý.

Ông Trump nhiều lần lên tiếng tỏ vẻ hoài nghi đối với việc hâm nóng hòan cầu, gọi nó là “một trò đánh lữa rất đắt tiền” nhưng các chính sách của ông về vấn đề này khá mềm dẻo. Ngoại Trưởng Rex Tillerson, chẳng hạn, mới đây vừa ký văn kiện có tên là “Tuyên Bố Fairbanks”, coi việc thay đổi khí hậu là một “đe dọa ngiêm trọng” đối với Bắc Cực, và kêu gọi phải có hành động để giảm thiểu các hậu quả gây hại của nó.

Trong cuộc điều trần để được xác nhận việc bổ nhiệm, Ông Tillerson cho biết: trước đây, trong tư cách một nhà khoa học và là một kỹ sư, ông vốn kết luận rằng “mối nguy thay đổi khí hậu là việc có thật” và “phải có hành động ngay” dù ông tỏ ra thận trọng đối với các hệ luận của niềm tin này.

Tuy nhiên, người ta phải chờ xem đâu là các bước kế tiếp trong cách tiếp cận của chính phủ Trump, nhưng sự kiện chưa có những quyết định chắc chắn và nhanh chóng ít nhất cũng tạo cơ hội để Đức Phanxicô thực hành một thuyết phục luân lý nào đó đối với vị thượng khách của ngài vào thứ Tư này.

3. Các cố gắng chống nghèo đói

Khi Đức Phanxicô bắt đầu triều giáo hoàng của ngài, ngài mô tả giấc mơ của ngài là lãnh đạo “một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”.

Khắp trên thế giói, ngài được biết như là quán quân của những người bị chà đạp và khố rách áo ôm. Thành thử, khó có thể tưởng tượng được việc ngài vui vẻ khi thấy các động thái ban đầu của chính phủ Trump trong các cố gắng chống nghèo đói của họ.

Trong dự luật ngân sách đầu tiên được ông Trump đệ trình Quốc Hội, ông dự trù loại bỏ các trợ cấp chăm sóc y tế cho người có thu nhập thấp, bãi bỏ Các Trợ Khoản Phát Triển Cộng Đồng, loại bỏ việc tài trợ chương trình Medicaid cho Puerto Rico, và cắt giảm việc cấp ngân khoản cho các chương trình chuẩn bị Cao Đẳng cho người nghèo như TRIO và GEAR UP.

Đã đành, phần lớn các đề nghị trên đã bị bác bỏ trong một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm tránh việc đóng cửa các cơ quan chính phủ, vốn bị coi như một thua cuộc lớn của chính phủ. Tuy nhiên, có tường trình cho rằng các dân biểu Cộng Hòa đang xem xét nhiều cắt giảm mới đối với các chương trình lưới an toàn (safety-net) như tem phiếu thực phẩm, trợ cấp xã hội, phụ cấp thu nhập cho người khuyết tật và có thể cả phúc lợi của cựu chiến binh, trong cố gắng giảm thiểu thiếu hụt ngân sách Liên Bang.

Điều trên cộng với 880 tỷ cắt giảm Medicaid nhờ bãi bỏ Đạo Luật Chăm Sóc Y Tế của Obama. Các nhà phê bình cho rằng những cắt giảm ấy đè nặng một cách bất cân xứng lên người nghèo Hoa Kỳ.

4. Tự do tôn giáo

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người cổ vũ tự do tôn giáo, trong đó, có quyền phản đối lương tâm dựa trên xác tín tôn giáo, điều được ngài coi là “nhân quyền nền tảng”. Khi tới thăm Hoa Kỳ hồi tháng Chín, năm 2015, ngài gọi tự do tôn giáo là “một trong các sở hữu qúy giá nhất của Hoa Kỳ”.

Ngài nói: “Và, như các hiền huynh của tôi, các giám mục Hoa Kỳ, vốn nhắc nhở chúng ta, mọi người được mời gọi thận trọng trong việc duy trì và bảo vệ quyền tự do này khỏi mọi điều có thể đe dọa hay gây hại cho nó”.

Vì thế, Đức Phanxicô và các phụ tá của ngài chắc chắn có nhiều nhận định tích cực để nói tới lệnh hành pháp gần đây về các vấn đề tự do tôn giáo của Ông Trump, nhất là lời đoan hứa sẽ bãi bỏ chỉ thị ngừa thai do chính phủ Obama áp đặt trước đây như một phần trong cuộc cải tổ hệ thống chăm sóc y tế của Hoa Kỳ.

Trong cùng cuộc tông du Hoa Kỳ nói trên, Đức Phanxicô đã bất ngờ tới thăm cộng đoàn các Tiểu Muội Người Nghèo, rõ ràng để yểm trợ họ trong cuộc đấu tranh chống lại chỉ thị trên.

Tuy nhiên, cả ở đây, các chính sách thực sự của chính phủ cũng không cùng nhịp với lời nói của tổng thống. Không lâu trước khi Ông Trump đoan hứa sẽ loại bỏ chỉ thị, các luật sư của Bộ Tư Pháp xin thêm thì giờ để họ đệ trình các giải thích nhằm bênh vực nó, thành thử điều này khiến người ta không biết đường nào mà mò đối với các ý định thực sự của chính phủ Trump.

Đàng khác, còn có nhiều khía cạnh trong lệnh hành pháp cho thấy Ông Trump không hẳn hài lòng, trong đó, có việc bãi bỏ Tu Chính Án Johnson ngăn cấm các Giáo Hội không được ủng hộ các ứng cử viên chính trị.

Đức Phanxicô nhiều lần cho hay: ngài sẽ không để mình liên lụy vào nền chính trị phe phái, và từng thúc giục hàng giáo sĩ phải xa lánh nó, nên bất cứ biện pháp nào xem ra có thể làm mờ đường ranh này chắc chắn không phải là điều ngài muốn.

5. Các vấn đề phò sự sống

So với chính phủ của Tổng thống Obama, Ông Trump cho đến nay đã được các nhà lãnh đạo phò sự sống nhìn bằng con mắt thuận lợi hơn nhiều, cho dù một số người vẫn tiếp tục nuôi dưỡng một mức độ nghi ngờ nào đó về sự chân thành trong cam kết của ông.

Ví dụ, hồi tháng Giêng chỉ mấy ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã phục hồi "Chính sách Thành phố Mexico" ngăn cấm việc Hoa Kỳ cấp ngân khoản cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện hoặc cổ vũ các vụ phá thai thông qua các quỹ kế hoạch hóa gia đình.

Gần đây chính phủ đã mở rộng chính sách đó, áp dụng nó vào các hình thức viện trợ nước ngoài khác như hỗ trợ y tế toàn cầu.

Vào tháng Tư, Ông Trump đã bổ nhiệm Charmaine Yoest, người từng giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành của American United for Life (AUL), làm trợ lý bộ trưởng phụ trách các vấn đề công vụ, cũng như Teresa Manning, cựu vận động hành lang với Ủy ban Quyền sống Quốc gia (NRLC) làm phó trợ lý bộ trưởng phụ trách các vấn đề dân số. Cả hai động thái đều được các nhà lãnh đạo phò sự sống hoan nghênh.

Tương tự như vậy, việc bổ nhiệm Neil Gorsuch vào Tòa án tối cao Hoa Kỳ được coi như một chiến thắng cho lập trường phò sự sống, một phần dựa trên tuyên bố của ông này trong một cuốn sách năm 2006 rằng "không hề có cơ sở hiến pháp nào để người ta chuộng quyền tự do của người mẹ hơn sự sống của đứa con".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiển nhiên, cam kết sâu sắc đối với chính nghĩa phò sự sống, vì ngài vốn định nghĩa phá thai như một tội ác "khủng khiếp", và thường liệt kê những đứa trẻ chưa sinh vào số những nạn nhân của điều ngài gọi là "nền văn hoá vứt bỏ".

Nếu có sự khác biệt giữa hai vị này trong mặt trận phò sự sống, thì chỉ là trong giọng điệu hơn là thực chất. Việc ủng hộ của Ông Trump dường như hay phát xuất từ khuôn khổ văn hóa giao chiến, trong khi Đức Phanxicô có xu hướng là người của đối thoại nhiều hơn. Tuy nhiên, sự tương phản này có lẽ không ngăn được vị giáo hoàng đánh giá cao lập trường của chính phủ Hoa Kỳ trong lãnh vực này.

6. Các Kitô hữu bị bách hại

Ứng cử viên Trump thề sẽ làm cho việc bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, trong khi đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần bày tỏ sự âu lo của ngài đối với số phận các Kitô hữu trong vùng. Do đó, trên nguyên tắc, đây hẳn là một khu vực mà hai nhà lãnh đạo có thể tìm thấy cơ sở chung.

Tuy nhiên, có hai nếp nhăn có thể làm phức tạp cho bức tranh.

Thứ nhất, như đã nói, các chính sách của chính phủ là một bức tranh đang chuyển động, chịu ảnh hưởng một phần bởi thực tế chính trị.
Ví dụ, phiên bản ban đầu của lệnh hành pháp gây tranh cãi của Ông Trump về người tị nạn đáng lẽ đã dành việc đối xử ưu tiên cho các nạn nhân bị bách hại tôn giáo ở Trung Đông. Phiên bản này có lẽ là khía cạnh duy nhất được Đức Phanxicô ủng hộ. Tuy nhiên, vì bị chống đối mạnh mẽ, yếu tố trên đã bị huỷ bỏ.

Vấn đề thứ hai là Ông Trump và Đức Phanxicô có thể có những viễn kiến khác nhau về ý nghĩa của việc bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại.
Xin đơn cử một ví dụ, tháng Tư, Ông Trump đã đảo ngược chính sách đối với Syria, khi cho phép bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân do chính phủ Syria kiểm soát sau khi có báo cáo cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Nói chung, hiện nay, Ông Trump dường như có xu hướng sẽ sử dụng đòn bẩy của Mỹ để cố buộc Assad phải ra đi.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở nước này rất nghi ngờ các cố gắng như thế, sợ rằng bất cứ điều gì xẩy ra sau thời Ông Assad sẽ tệ hơn nhiều cho các các nhóm thiểu số tôn giáo của đất nước này.

Đức Phanxicô có thể cho rằng việc bảo vệ các Kitô hữu bao gồm cả việc lưu ý tới các quan tâm của họ khi soạn thảo chính sách đối ngoại và các quyết định quân sự. Không hoàn toàn rõ ràng, ít nhất vào lúc này, liệu Ông Trump và chính phủ của ông có lưu ý tới thông điệp này hay không.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét