Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

13-05-2017 : THỨ BẢY - TUẦN IV PHỤC SINH - ĐỨC MẸ FATIMA

13/05/2017
Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.


Bài Ðọc I: Cv 13, 44-52
"Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: "Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất". Nghe vậy, các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo, các thân hào trong thành, bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

Alleluia: Cl 3, 1
Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 7-14
"Ai thấy Thầy là xem thấy Cha".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Cầu nguyện nhân danh Chúa.
Thường tình chúng ta không tiếc lời ca ngợi kẻ xa lạ vì đã làm được những việc đáng kể, nói ra nhiều câu chí lý, có một hành động đáng phục. Trong khi đó chúng ta lại rất hà tiện lời khen đối với người sống gần bên cạnh, trong chính tập thể chúng ta, dù người đó không những đã làm, đã nói, đã sống, mà còn hơn cả những người được ca ngợi, nhưng lại sống xa chúng ta. Ðây có thể phần nào là hoàn cảnh sống của các môn đệ, nhất là của Philipphê. Họ đã sống gần Chúa Giêsu, Thầy của mình, bao nhiêu năm qua, nhưng dường như họ vẫn chưa hiểu Chúa và mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính vì thế, mà trong câu nói của Chúa Giêsu cho các môn đệ có mang chút ít sự chua xót và trách móc: "Thầy đã ở với các con lâu rồi mà các con không biết Thầy sao? Hỡi Philipphê, ai xem thấy Thầy thì cũng xem thấy Cha. Hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít nhất, các con hãy tin điều đó vì thấy các việc Thầy đã làm".
Thật thế, không thiếu những dấu chỉ cho chúng ta biết mối quan hệ thâm sâu và đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Ðặc biệt trong đoạn Phúc Âm vừa đọc trên, chúng ta có thể ghi nhận một dấu chỉ đặc biệt, đó là Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban xuống, sẽ ban cho các môn đệ làm những việc cả thể hơn nữa. Họ sẽ hành động nhân danh Chúa, sẽ khai sinh một cộng đoàn mới, một Giáo Hội của Chúa. Nhưng chắc chắn các môn đệ sẽ gặp khó khăn và phương thế để vượt qua những khó khăn là cầu nguyện, cầu nguyện nhân danh Chúa. Hai lần trong cùng một đoạn văn vừa đọc, Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy cầu nguyện, cầu nguyện hết lòng tin tưởng, cầu nguyện nhân danh Chúa. Chúng ta có xác tín về những gì Chúa Giêsu giãi bày cho chúng ta hay không?
Lạy Chúa, trong ánh sáng phục sinh của Chúa, chúng con được mạc khải cho biết thực thể đúng thực của Chúa, là Ðấng sống hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời không bỏ quên chúng con. Chúa muốn chúng con hướng về Chúa. Xin đừng để chúng con đi tìm một vì Thiên Chúa khác, mà quên chính Chúa, là Ðấng luôn luôn hiện giữa chúng con mọi nơi mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần IV PS
Bài đọcActs 13:44-52; Jn 14:7-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy dùng cơ hội Thiên Chúa cho để mang ơn cứu độ đến mọi người.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô và Barnabas, các ông đã gặp rất nhiều trở ngại và chống đối từ phía người Do-thái. Lý do: họ không muốn bị mất ảnh hưởng trên đám đông và không muốn tất cả Dân Ngoại được làm con Thiên Chúa. Lẽ ra họ phải dùng đặc quyền Thiên Chúa ban để mang nhiều người về với Ngài; nhưng họ lại để tính ích kỷ và ghen tị ngăn cản người khác, và ngay cả họ, đến với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc làm sao cho Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được hoàn thành. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng lời tiên-tri Isaiah để chứng minh Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn cho người Do-thái, mà cho tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: Họ sẽ làm các việc lớn hơn Ngài làm là mang Ơn Cứu Độ của Ngài cho đến tận cùng trái đất.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kế Hoạch Cứu Độ là cho tất cả mọi người: Do-thái cũng như Dân Ngoại.
1.1/ Dân Ngoại cũng được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa: Sách Tiên Tri Isaiah, được viết khoảng 750 BC, đã viết về Kế Hoạch Cứu Độ như sau: Thiên Chúa phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất" (Isa 49:6). Người Tôi Trung đây là chính Đức Kitô, Ngài đến để cứu dân tộc Israel trước hết; nhưng không phải chỉ có họ mà thôi, mà còn muôn dân tộc, cho đến khi Ơn Cứu Độ được lan tràn đến tận cùng cõi đất.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Thiên Chúa thúc đẩy "gần như cả thành Antioch, Pisidia tụ họp nghe lời Thiên Chúa." Bấy giờ ông Phaolô và ông Barnabas mạnh dạn lên tiếng: "Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía Dân Ngoại." Phaolô cũng dùng lời tiên-tri Isaiah trên để áp dụng vào chính ông và vào các nhà rao giảng Tin Mừng, vì chính họ cũng làm cho lời tiên báo này được thành tựu.
Nghe Phaolô cắt nghĩa Kinh Thánh và Kế Hoạch Cứu Độ, Dân Ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
1.2/ Người Do-thái ghen tức và ngược đãi Phaolô và Barnabas: Thấy những đám đông như vậy nghe Phaolô rao giảng, người Do-thái sinh lòng ghen tức. Họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Điều này đã xảy ra cho Chúa Giêsu vì hai lý do:
(1) Họ không muốn đối phương của họ có ảnh hưởng trên đám đông; vì nếu đám đông theo đối phương, họ sẽ không còn ảnh hưởng trên đám đông.
(2) Họ không muốn ai được phép bằng họ, và họ ghen tị khi thấy người khác bằng mình. Truyền thống Do-thái quan niệm chỉ có họ mới là con Thiên Chúa. Nếu Dân Ngoại cũng là con Thiên Chúa, họ đâu còn chi đặc biệt nữa!
Vì thế, người Do-thái sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do-thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Barnabas, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Iconium.
2/ Phúc Âm: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.
2.1/ Chúa Cha và Chúa Giêsu là một: Con người chưa bao giờ thấy Thiên Chúa; nhưng khi con người thấy Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, vì như thánh Phaolô nói: "Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình." Trong mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philip, Chúa Giêsu xác tín điều này.
- Ông Philíp yêu cầu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."
- Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?""
Chúa Giêsu muốn chứng minh cho Philip 2 điều:
(1) Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình."
(2) Những việc Chúa Giêsu làm là theo ý của Chúa Cha: "Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm." Không ai có thể làm những việc Chúa Giêsu đã làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy.
2.2/ Các Tông-đồ có thể làm những việc Chúa Giêsu làm và những việc lớn hơn nữa: Chúa Giêsu tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha."
- Những việc Chúa Giêsu làm: rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỉ, cho kẻ chết sống lại, đào tạo môn đệ ... Các Tông đồ làm được tất cả những điều này nhân danh Đức Kitô, chứ không nhân danh sức riêng của mình; vì các ông biết rõ sức con người không thể làm những chuyện đó. Lời bảo trợ của Chúa Giêsu bảo đảm sức mạnh này: "Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó."
- Những việc lớn hơn đây là làm sao cho tất cả mọi người tin vào Đức Kitô để được cứu độ. Để thực hiện điều này, Chúa Giêsu cần sự cộng tác của con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải làm mọi cách để làm sao Tin Mừng Cứu Độ được lan truyền khắp nơi theo ý của Đức Kitô mong muốn.
- Chúng ta phải loại bỏ tính ích kỷ và ghen tị trong khi loan báo Tin Mừng, thì Lời Chúa mới có thể lan rộng và sinh hoa kết trái đến tận cùng trái đất được.
- Chúng ta đừng để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản chúng ta trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, vì Đức Kitô đã hứa với chúng ta: "Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm."
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Fa-ti-ma (13/05)

Bài đọc: Is: 61,9-11
Trích sách tiên tri I-sai-a

Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân,
và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước.
Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng
các ngươi là một dòng dõi được ĐỨC CHÚA ban phúc lành.

Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.
 
Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.

Bài Tin Mừng: Lc 11,27-28
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! "  Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."


Đức Mẹ Fatima

Mỗi nơi Mẹ Maria hiện ra đều mang một dấu ấn và để lại ấn tượng kỳ diệu nơi mỗi người suốt thể kỷ này tới thế kỷ khác. Nói đến Mẹ, tự nhiên con người ai cũng cảm thấy như có một niềm vui dâng đầy con tim, tràn ngập tâm hồn con người. Hôm nay, mừng kính Đức Mẹ Fatima, mãi muôn đời nhân loại sẽ không bao giờ quên sứ điệp của Mẹ đã nói với ba trẻ trên đồi Cova da Iria năm 1917.

Ba trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô là ba bé chăn chiên thuộc gia đình nghèo làng quê Fatima, nước Bồ Đào Nha. Các trẻ em này thuộc giáo phận Leiria. Hàng ngày các em được gia đình, cha mẹ trao phó việc dẫn đoàn súc vật : chiên, cừu đi ăn cỏ ở các vùng đồi núi quanh đó. Các em thường có thói quen sau khi để bầy súc vật ăn cỏ, liền qùi gối trên bãi đất trống đọc kinh, lần chuỗi mân côi chung với nhau.

Ngày 13 tháng 5 năm 1917, giữa lúc thế chiến thứ nhất đang xảy ra, khi các em đang sốt sắng đọc kinh lần chuỗi mân côi lúc gần giữa trưa, một luồng chớp chói lòa làm các em bỡ ngỡ, kéo hoàn toàn sự chú ý của các em về những ngọn cây trên đồi Cova da Iria, một Vị sáng láng hiện ra, Thiếu Nữ ấy xin các em cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, chiến tranh sớm kết thúc. Thiếu Nữ dặn các em hãy trở lại nơi này vào ngày 13. Theo lời Thiếu Nữ căn dặn, các em đã được gặp và nói chuyện với Thiếu Nữ ấy vào các ngày 13 từ tháng 5 đến tháng 10.

Trong những cuộc gặp gỡ ấy, Thiếu Nữ xưng mình là Đức Mẹ Mân Côi. Mẹ mời gọi các em cầu nguyện và làm việc đền tạ. Đặc biệt là lần cuối cùng ngày 13.10.1917, một hiện tượng rất lạ đã xẩy ra làm rúng động mọi người. 70 ngàn người đã chứng kiến hiện tượng Mặt Trời múa.

Năm 1930 Đức Giám Mục Leira đã chính thức công nhận việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Sứ điệp của Fatima là hãy cầu nguyện cho các tội nhân, lần chuỗi Mân Côi và sám hối. “Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi… Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc”.

Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ để qua các em, Mẹ nhắn nhủ nhân loại siêng năng cầu nguyện, năng lần chuỗi Mân Côi và thống hối ăn năn. Trải qua năm tháng, Fatima đã thu hút biết bao khách hành hương đến tôn vinh Mẹ Rất Thánh Mân Côi.

Sứ điệp Fatima nói lên một sự thật tuyệt vời : con người có nguy cơ hư đi khi xa dần Thiên Chúa, chỉ có thể được cứu vãn bằng những phương thế mà Mẹ dậy : “Cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và Sám hối ăn năn “.

Lạy Mẹ Fatima, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lần hạt Mân Côi và ăn năn thống hối.


13/05/17    TH BY TUN 4 PS
100 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA        Lc 11,27-28

CÙNG MẸ LẮNG NGHE
VÀ VÂNG GIỮ LỜI CHÚA


“Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)

Suy niệm: Khi nghe người phụ nữ ca tụng Mẹ Ma-ri-a có phúc vì “đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”, Chúa Giê-su đính chính: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Nói lời này, Chúa Giê-su không hạ thấp ơn huệ làm mẹ thể lý của Đức Ma-ri-a nhưng muốn chúng ta nhìn sâu vào điều cốt lõi của phúc đức mà Mẹ đang được hưởng. Phúc của Mẹ không hệ tại có một người con tài ba lỗi lạc, mà đúng hơn Người Con mà Mẹ sinh ra lại chính là Con Một Thiên Chúa; và hơn nữa, Mẹ có phúc được Thiên Chúa tuyển chọn và ban cho ơn huệ lớn lao ấy là vì Mẹ đã “tin vào lời Chúa phán” và thưa “Xin Vâng” để đón nhận Lời ấy, không chỉ trong khoảng khắc của ngày truyền tin mà còn trong cả cuộc đời của Mẹ.

Mời Bạn: Trong những ngày này, người từ khắp nơi trên thế giới hướng về Fa-ti-ma ca tụng, cầu xin Mẹ. Chúa Giê-su chỉ cho ta thấy bí quyết vẻ đẹp tâm hồn và ân phúc vô song của Mẹ: đó là tin tưởng lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Điều tốt đẹp nhất mà Giê-su và Mẹ mong muốn cho mỗi người chúng ta là biết lấy Lời Chúa làm “ánh sáng chỉ đường” và “đèn soi bước chân” cho ta.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi đọc Lời Chúa, tôi đọc với tâm tình của Mẹ yêu mến Lời Chúa. Xin Mẹ giúp tôi am hiểu những điều Chúa muốn nói với tôi và muốn tôi thực hiện trong đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết lắng nghe và chăm chỉ thực hành Lời Chúa như Mẹ; nhờ đó Lời Chúa trở thành hạt giống rơi vào đất tốt, sẽ trổ sinh muôn vàn hoa trái thánh thiện cho chúng con và cho mọi người.
(5 phút Lời Chúa)

Làm nhng vic ln hơn na (13.5.2017 – Th by Tun 4 Phc sinh)
Hãy mnh dn nhân danh Đc Giêsu mà xin, vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gn bó vi Ngài. Tt c đ Cha được tôn vinh nơi Con 


Suy nim:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do Thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do Thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)
***
Phúc thay lòng dạ (Lễ Đức Mẹ Fatima)
Lời Chúa: Lc 11, 27-28
Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”,

Suy nim:
Thánh Luca hẳn đã dựa vào một nguồn tài liệu riêng
để viết nên đoạn Tin Mừng rất ngắn này.
Khung cảnh có vẻ diễn ra ở ngoài trời, có đám đông dân chúng.
Đức Giêsu đang giảng dạy, còn dân chúng thì nghe.
Bất ngờ có một phụ nữ cất cao giọng mà nói với Ngài rằng:
“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Đây là một lời ca ngợi thân mẫu của Thầy Giêsu.
Người phụ nữ chắc đã rất tâm đắc với những lời Thầy giảng,
nên từ lòng ngưỡng mộ đối với Thầy,
bà đã bật lên lời ngợi khen đối với người mẹ của Thầy.
Bà không ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ,
những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con.
Lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy chín tháng.
Chín tháng đủ để một thai nhi cứng cáp mà nhìn thấy ánh mặt trời.
Chín tháng ấp ủ, mẹ và con gần gũi nhau như là một.
“Và vú đã cho Thầy bú mớm.”
Không phải chỉ chín tháng cưu mang, mà còn ba năm bú mớm.
Mẹ nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, sự sống của mình.
để con được lớn lên, có thể đứng đây mà giảng thuyết.
Rõ ràng thân xác mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên.
Mẹ vừa lo sinh, vừa lo dưỡng.
Lời khen ngợi của người phụ nữ vang ra cả đám đông.
Khen mẹ chính là khen con một cách gián tiếp.
Phải là một người mẹ tuyệt vời
mới sinh được một người con tuyệt vời đến thế!
Maria có phúc vì Mẹ được chọn để sinh dưỡng Đấng cứu độ.
Bà Êlisabét đã từng lớn tiếng kêu lên mối phúc này (Lc 1, 42) :
“Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và phúc cho hoa trái của bụng dạ em.”
Như thế Mẹ có phúc vì Con có phúc.
Đức Giêsu không phản đối hay phủ nhận câu nói của người phụ nữ
đang đứng nghe giảng cùng với đám đông.
Ngài chỉ muốn điều chỉnh cho hợp với bầu khí hiện tại,
khi những người trong đám đông đang ở tư thế lắng nghe.
“Phúc cho những ai lắng nghe và giữ lời của Thiên Chúa.”
Một mối phúc mới tưởng như không liên hệ gì với mối phúc trước,
kỳ thực đó là điều Mẹ Maria đã sống từ lâu.
Ai lắng nghe tiếng Chúa bằng Mẹ? Ai giữ lời Chúa bằng Mẹ?
Trước khi cưu mang Ngôi Lời nơi thân xác,
Mẹ Maria đã đón lấy Lời Chúa vào cuộc đời mình.
Đám đông đang lắng nghe lời Thầy Giêsu.
Họ còn cần tuân giữ lời đó nữa mới được hưởng mối phúc thật sự.
Chúng ta không được ban mối phúc sinh dưỡng Đức Giêsu như Mẹ,
nhưng vẫn được chia sẻ mối phúc nghe và giữ lời Chúa của đám đông.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG NĂM
Một Nhịp Cầu Từ Lễ Phục Sinh Đến Lễ Hiện Xuống
“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Ngài là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26 – 27).
Giờ đây, chúng ta trở lại với những lời này của Đức Kitô. Và chúng ta trở lại với căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem, nơi mà những lời ấy được nói lên. Lời hứa ấy phải trở thành sự thật trong cùng căn gác thượng ấy, vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Lời của Đức Kitô dẫn chúng ta đi từ Lễ Phục Sinh tới Lễ Hiện Xuống. Những lời ấy như một nhịp cầu.
Chúa Thánh Thần không ngừng đến với các môn đệ của Đức Kitô như Đấng An Ủi được Chúa Cha sai đến. Ngài đến như Thần Khí sự thật để làm chứng về Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13 – 5
Đức Mẹ Fatima
Cv 13, 44-52; Ga 14, 7-14.

LỜI SUY NIỆM: “Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”
Đây là một ơn ban đặc biệt cho những ai tin vào Chúa Giêsu là Chúa. Với ơn ban đặc biệt này, mỗi người cần phải đón nhận, để trong mọi lời cầu xin cho chính mình, cũng như cho những người thân thuộc và cả những người anh em chung quanh chúng ta được Chúa thực hiện.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con mỗi khi cầu nguyện, luôn nhớ tới Lời Chúa hôm nay, để lời cầu xin của chúng con đẹp lòng Chúa hơn.
Mạnh Phương


13 Tháng Năm
Ngày Của Mẹ
Ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...
Sáng kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ. Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy, quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới... Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ.
Trong các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ, Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin.
Niềm hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ...
Chúng ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng lên Mẹ...
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 14:7-14, Đức Mẹ Hiện Ra Tại Fatima

Thứ Bảy, 13 Tháng 5, 2017


Thứ Bảy sau CN IV Phục Sinh

1.  Lời nguyện mở đầu
 Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa xa xăm và không ai biết, và nhưng Chúa lại rất gần
đến nỗi mà Chúa biết, yêu thương và cứu rỗi chúng con
nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa.
Nguyện xin cho Người hiện diện trong chúng con và trong các việc chúng con làm
để chúng con có thể cũng làm được những công việc tương tự của
công bình, chân lý và yêu thương
và do đó trở nên dấu chỉ cho thế gian
rằng Con Chúa đang sống
và Chúa là Thiên Chúa cứu độ
bây giờ và mãi mãi!

2.  Bài đọc Tin Mừng – Gioan 14:7-14
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết cha Thầy.  Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người.” 
Philípphê thưa:  “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con.” 
Chúa Giêsu nói cùng ông rằng:  “Philípphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là xem thấy Cha.  Sao con lại nói:  ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’  Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư?  Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc.  Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy.  Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm. 
Thật, Thầy bảo thật các con:  Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha.  Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con.  Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho.”

3.  Suy Niệm
  • Ga 14:7:  Biết Chúa Giêsu là biết Chúa Cha.  Văn bản bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp nối của bài Tin Mừng hôm qua.  Ông Tôma đã hỏi Chúa:  “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?”  Chúa Giêsu đáp:  “Thầy chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống!  Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”  Và Người nói thêm:  “Nếu các con biết Thầy, thì các con cũng biết Cha Thầy.  Ngay tử bây giờ, các con biết Người và đã thấy Người.”  Đây là câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu luôn nói về Chúa Cha, vì đời sống của Chúa Cha xuất hiện trong tất cả những gì Người nói và làm.  Việc đề cập về Chúa Cha cách liên tục này gợi lên câu hỏi của ông Philípphê.  
  • Ga 14:8-11:  Ông Philípphê thưa:  “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con.”  Đây là ước muốn của các môn đệ, lòng ước ao của nhiều người trong các cộng đoàn của người Môn Đệ Chúa Yêu và đó cũng là lòng ước ao của nhiều người ngày nay:  Người ta phải làm gì để được nhìn thấy Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã nói về rất nhiều như thế?  Câu trả lời của Chúa Giêsu thì rất tuyệt vời và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay:  “Philípphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là xem thấy Cha!”  Người ta không nên nghĩ rằng Thiên Chúa thì xa xôi, cách biệt và xa lạ đối với chúng ta.  Những ai muốn biết Thiên Chúa Cha là ai và ra sao thì chỉ cần nhìn vào Chúa Giêsu là đủ.  Người đã mặc khải rằng Chúa Cha ở trong lời nói và việc làm của Người!   “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy!”  Qua sự vâng phục của Người, Chúa Giêsu xác nhận mình hoàn toàn ở với Chúa Cha.  Trong mọi lúc, Người luôn làm theo ý của Chúa Cha (Ga 5:30; 8:28-29,30).  Đây là lý do, trong Chúa Giêsu mọi việc đều là sự mặc khải của Chúa Cha!  Các phép lạ và việc làm là những việc làm của Chúa Cha!  Người ta nói rằng:  “Người con là khuôn mặt của người cha!”  Đây là lý do tại sao trong Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
  • Ga 14:12-14:  Lời hứa của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu hứa rằng sự thân mật của Người với Chúa Cha không chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu mà nó còn có thể dành cho tất cả những ai tin vào Người.  Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể thành công trong việc làm những điều tốt đẹp cho người khác như Chúa Giêsu đã làm cho dân chúng vào thời ấy.  Chúa cầu bầu cho chúng ta.  Mọi điều người ta xin cùng Chúa Giêsu, thì Người cầu xin với Chúa Cha và luôn được Chúa Cha ban cho, miễn là điều ấy là để phục vụ.  Chúa Giêsu là Đấng Bàu Chữa cho chúng ta, Người bênh vực chúng ta.  Người đi nhưng Người sẽ không để cho chúng ta bơ vơ.  Người hứa rằng Người sẽ xin cùng Chúa Cha và Chúa Cha sẽ sai một Đấng Phù Trợ hay Đấng An Ủi khác, đó là Chúa Thánh Thần.  Thậm chí Chúa Giêsu còn nói rằng Người cần phải đi, bởi vì nếu không thì Chúa Thánh Thần sẽ không thể đến được (Ga 16:7).  Và Chúa Thánh Thần sẽ làm trọn vẹn những điều về Chúa Giêsu ở trong chúng ta, nếu chúng ta hành động nhân danh Chúa Giêsu và chúng ta tuân giữ giới răn trọng nhất là thực hành tình yêu thương.   

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
  • Ai biết Chúa Giêsu là biết Chúa Cha.  Trong Kinh Thánh, từ ngữ “biết một ai đó” không chỉ có nghĩa là một sự hiểu biết về trí tuệ, mà nó cũng còn giả định một kinh nghiệm sâu xa về sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời của họ.  Tôi có biết Chúa Giêsu không?   
  • Tôi có biết Chúa Cha không?    

5.  Lời nguyện kết
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát!
 (Tv 98:3-4)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét