01/08/2020
Thứ bảy đầu tháng,
tuần 17 thường niên.
Thánh Anphong
Maria Ligôri, gíam mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm
linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa
Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các
hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho
dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời
sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.
BÀI ĐỌC 1: Gr 26,11-16.24
“Thật Chúa đã sai tôi đến nói với
các ngươi những lời đó”.
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, các tư tế và các tiên tri nói cùng các đầu mục và
toàn dân rằng: “Người này đáng xử tử, vì nó đã nói tiên tri chống lại thành
này, như tai các ngươi đã nghe”. Giêrêmia nói cùng tất cả các đầu mục và toàn
dân rằng: “Chúa đã sai tôi đến nói tiên tri về đền thờ này và về thành này tất
cả những lời các ngươi đã nghe. Vậy giờ đây, các ngươi hãy cải thiện đời sống
và những điều các ngươi ưa thích, hãy nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi,
thì Chúa sẽ hối tiếc tai hoạ Người đã phán chống lại các ngươi. Phần tôi đây,
tôi ở trong tay các ngươi, các ngươi cứ đối xử với tôi điều mà các ngươi cho là
tốt là phải. Nhưng các ngươi hãy hiểu biết rằng: nếu các ngươi giết tôi, thì
các ngươi sẽ đổ máu vô tội lên chính các ngươi, lên thành này và dân cư của nó.
Vì thật Chúa đã sai tôi đến với các ngươi để nói vào tai các ngươi tất cả những
lời đó”.
Những đầu mục và toàn dân nói cùng các tư tế và các tiên tri rằng: “Không
được xử tử người này, vì ông đã nhân danh Chúa là Thiên Chúa chúng ta mà nói với
chúng ta”. Vậy Ahica con của Sapha ra tay bảo vệ Giêrêmia, để ông khỏi bị nộp
vào tay dân chúng định giết ông. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 68, 15-16.
30-31. 33-34
Đáp: Ôi Thiên Chúa,
đây là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con (c. 14).
Xướng:
1) Nguyện cứu con thoát nơi bùn nhơ kẻo bị chìm; xin giải thoát con khỏi
tay những người ghen ghét, và thoát khỏi những đầm nước thẳm sâu. Xin đừng để
cho ba đào lôi cuốn; xin đừng để cho vực thẳm nuốt trửng, cũng đừng để cho giếng
ngậm miệng nhốt con. – Đáp.
2) Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn
con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài
tri ân. – Đáp.
3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa,
lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con
dân của Người bị bắt cầm tù. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia!
– Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 14, 1-12
“Hêrôđê sai người đi chặt đầu
Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ
hầu cận rằng: “Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới
làm được các phép lạ như vậy”. Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã
bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: “Nhà vua không được lấy
bà ấy làm vợ”. Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như
một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt
mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất
cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: “Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy
Giả trên đĩa này cho con”. Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người
đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong
ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các
môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Tương Quan
Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm
nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.
Ở khởi đầu trình
thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy
giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như
chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con
là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi
đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không
những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành
với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một
cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện
thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
"Các con sẽ làm
chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi
môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của
Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.
Một chi tiết nữa, đó
là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho
Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và
Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa
Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình
đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh
sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".
Người Kitô hữu được mời
gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho
anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình.
Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải
lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở
anh em đến với Chúa.
Xin Chúa ban cho chúng
ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống
mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 17 TN2
Bài đọc: Jer
26:11-16, 24; Mt 14:1-12
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Những thái độ của con người khi phải đương đầu với sự thật
Đứng trước sự thật,
con người có thể có hai thái độ chính: (1) Họ chấp nhận sự thật và tìm cách sửa
đổi sai lầm họ gây ra để cuộc đời của họ sẽ tốt đẹp hơn. (2) Họ từ chối sự thật
vì nhiều lý do: tự ái, kiêu ngạo, sợ mất lợi nhuận… Vì thế, họ sẽ phớt lờ, bóp
méo, và tìm cách tiêu diệt sự thật.
Hai bài đọc hôm nay
thuật lại hai thái độ chính khi con người phải đương đầu với sự thật.
Bài đọc I thuật lại
phiên xử của Jeremiah và kết quả là ông đã trắng án. Các nhà lãnh đạo và dân
chúng nhận ra ngôn sứ Jeremiah chỉ lặp lại những gì Thiên Chúa tuyên sấm. Vì thế,
truy tố Jeremiah không làm cho những lời tuyên sấm của Thiên Chúa ra vô hiệu,
mà còn làm cơn giận của Thiên Chúa mau đến, vì họ dám làm đổ máu người vô tội.
Trong Phúc Âm, thánh Matthew thuật lại việc tiểu vương Herode đã bắt bỏ tù và
chém đầu ông Gioan Tẩy Giả, vì ông đã ngăn cản việc tiểu vương muốn lấy bà
Herodia, vợ của Philip, anh của tiểu vương, làm vợ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự Thật giải thoát
Có ba thành phần chính
trong phiên xử của Jeremiah:
1.1/ Tuyên cáo là các
tư tế và các tiên tri giả: Họ cáo buộc Jeremiah: “Con người này đáng lãnh
án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã
nghe!” Hôm qua chúng ta đã nói, họ không đá động gì đến vế trước của lời tuyên
sấm, mà chỉ chú trọng đến vế sau tức là hậu quả sẽ xảy ra nếu không chịu thi
hành những đòi hỏi của vế đầu. Ngay cả khi chưng dẫn vế sau, họ cũng không
chưng dẫn đúng; nhưng chỉ giữ lại những gì có lợi cho việc họ buộc tội
Jeremiah. Họ cũng không thèm chú ý đến ai là tác giả của lời tuyên sấm, nhưng
đã gán những lời này cho Jeremiah.
Các tư tế buộc tội
Jeremiah vì ông nói đến sự sụp đổ của Đền Thờ; nếu Đền Thờ bị sụp đổ, họ sẽ thất
nghiệp, vì đâu còn Đền Thờ nữa để họ phục vụ. Các tiên tri giả buộc tội
Jeremiah vì ông nói ngược lại những gì họ nói. Họ không nói những lời Thiên
Chúa truyền, mà chỉ nói những gì vua chúa và toàn dân thích nghe.
1.2/ Bị cáo là tiên
tri Jeremiah. Ông kháng cáo hai điểm:
(1) Ông nhắc lại toàn
bộ lời tuyên sấm và tác giả của nó. Ông nói với tất cả các thủ lãnh và toàn dân
như sau: “Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này
cũng như thành này mà các ngươi đã nghe. Vậy giờ đây, các ngươi hãy cải thiện
đường lối và hành vi của các ngươi và hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của
các ngươi; bấy giờ Đức Chúa sẽ đình chỉ những tai hoạ Người đã quyết định để
lên án các ngươi.” Ông muốn nói: Đức Chúa là Người tuyên sấm, ông chỉ là người
lặp lại lời tuyên sấm. Khi Đức Chúa tuyên sấm, Người chắc chắn sẽ giữ lời.
(2) Họ phải chịu trách
nhiệm về việc đổ máu người vô tội. Ông nói: “Còn tôi, tôi ở trong tay các
ngươi, các ngươi cứ xử với tôi thế nào như các ngươi coi là tốt đẹp và chính
đáng. Có điều xin các ngươi biết rõ cho rằng: Nếu các người giết tôi, thì chính
các ngươi sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong
thành. Vì quả thật là Đức Chúa đã sai tôi đến với các ngươi để công bố cho các
ngươi nghe tất cả những điều trên đây.” Truy tố Jeremiah chẳng những không làm
cho lời tuyên sấm ra vô hiệu, mà còn đổ thêm dầu vào cơn thịnh nộ của Thiên
Chúa; vì họ đã làm đổ máu người vô tội; và nhất là người đó lại là ngôn sứ của
Thiên Chúa.
1.3/ Quan tòa là các
thủ lãnh và toàn dân: Sau khi đã nghe những lời tuyên cáo của các tư tế và
các ngôn sứ giả, đồng thời cũng được nghe những lời kháng cáo của Jeremiah, các
thủ lãnh và toàn dân phải dùng trí khôn ngoan suy xét để nhận ra đâu là sự thật.
Sau cùng, họ nói với các tư tế và các ngôn sứ giả: “Con người này không đáng
lãnh án tử, vì ông ta đã nói với chúng ta nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa chúng
ta.” Kết quả là Jeremiah được trắng án, tiên tri được ông Akhicam, con ông
Saphan ra tay che chở cho khỏi rơi vào tay dân mà bị giết.
2/ Phúc Âm: Vua Herode dùng uy quyền giết chết Gioan Tẩy Giả mà
không thèm xử án.
Khi tiểu vương Herode
nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông
Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”
Tiểu vương biết rành rẽ về Gioan Tẩy Giả vì chính ngài đã giết chết ông.
2.1/ Lý do tại sao
Gioan Tẩy Giả bị tù: Khi vua Herode Cả băng hà, ông phân chia lãnh thổ cho ba
con trai: Herode Antipas cai trị vùng tả ngạn của Galilee, Philip cai trị vùng
bên kia sông Jordan, và Herode thứ cai trị vùng Jerusalem và Judah. Tiểu vương
Herode Antipas muốn lấy bà Herodia, vợ ông Philíp, anh của nhà vua. Ông Gioan Tẩy
Giả đã phản đối tiểu vương: “Ngài không được phép lấy bà ấy!” Luật pháp quốc
gia ngăn cản không cho một người lấy vợ của anh em mình khi người anh em ấy còn
sống. Luật Do-thái chỉ cho phép lấy vợ của anh em khi anh em mình đã chết mà
không có con nối dòng. Herode Antipas đã phạm hai tội: (1) tội rẫy người vợ trước
của mình là con vua Nabatean Arabs; và (2), tội loạn luân, lấy chị dâu của anh
mình là Philip.
2.2/ Lý do tại sao ông
không dám giết Gioan Tẩy Giả: Trình thuật Matthew nêu lý do “vì ông sợ người
Do-thái.” Họ coi Gioan như tiên tri của Chúa và tiểu vương sợ dân chúng sẽ nổi
loạn nếu ông bị giết. Tiểu vương Herode cho giam Gioan Tẩy Giả trong ngục để chờ
thời cơ.
Sử gia Josephus cho lý
do chính để Herode giết Gioan Tẩy Giả, vì ông sợ ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả
trên dân chúng (Ant 18, 5, 2). Là tiểu vương của Galilee, ông không muốn có bất
kỳ sự đối nghịch nào.
2.3/ Lý do tại sao sau
cùng Gioan Tẩy Giả bị chém đầu: Nhân ngày sinh nhật của vua Herode, con gái bà
Herodia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui
thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo,
cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt
trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự
tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan.
Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.
Tất cả những sự kiện
này chứng minh Herode không phải là một vua công chính: Ông ly dị vợ, lấy vợ của
anh, thề hứa vô lối, giữ lời thề cách không công bằng, và vi phạm đến sự sống của
người công chính.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta phải tôn trọng
sự thật bằng cách lắng nghe cẩn thận khi người khác trình bày ý kiến của họ, và
hãy biết xét xem điều đó có đúng hay không; chứ đừng bao giờ dùng uy quyền để
bóp chết sự thật.
– Nếu xét thấy điều đó
là đúng, chúng ta hãy có can đảm để sửa sai để cuộc đời chúng ta mỗi ngày mỗi tốt
đẹp hơn. Chúng ta cũng phải sẵn sàng nói và làm chứng cho sự thật.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
01/08/2020 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 14,1-12
VỊ NGÔN SỨ “CHÍNH HÃNG”
Vua Hê-rô-đê đã bắt ông Gio-an, xiềng ông lại, và tống ngục
vì chuyện bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. Ông Gio-an có nói
với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại
sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. (Mt 14,3-5)
Suy niệm: Vua Hê-rô-đê An-ti-pa khét tiếng là một bạo chúa, độc
tài, ông bất chấp luân thường đạo lý, cướp vợ của anh mình là bà Hê-rô-đi-a. Là
vua, ông nắm mọi quyền sinh sát trong tay, không ai dám lên tiếng dẫu họ biết
rõ lối sống tội lỗi của vua. Chỉ có Gio-an Tẩy Giả, vị ngôn sứ “đi trước Chúa,
mở lối cho Người” (Lc 1,76), dám đứng lên tố cáo lối sống sai trái của vua
Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Chính việc dám lên tiếng nói sự thật,
công bố lề luật của Thiên Chúa muốn con người sống công chính, thiện hảo; và
can đảm chọn lựa chân lý Chúa truyền dạy cả khi bị thua thiệt, bị cầm tù và rồi
bị trảm quyết, thái độ can đảm đó chứng nhận Gio-an là vị ngôn sứ đích thực của
Đấng Cứu Thế.
Mời Bạn: Mang danh Ki-tô hữu, nghĩa là người luôn luôn có
Chúa trong đời sống mình, bạn đã can đảm lội ngược dòng để làm chứng cho Chúa bằng
đời sống trung thực, công chính… hay bạn chấp nhận thỏa hiệp với lối sống thế tục?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy nỗ lực, can đảm sống trung thực,
công chính để làm chứng cho danh Ki-tô hữu của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức
cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh
Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Lòng kính sợ Chúa luôn trong
trắng, tồn tại đến muôn đời. (x. Tv 18, 8.9.10).
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Vì đã
trót thề
Suy niệm:
Theo các sách Tin Mừng,
Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.
Đó là tiệc mừng sinh
nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.
Nếu thế, bữa tiệc này
hầu chắc diễn ra ở Tiberias,
một thành gần hồ
Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình.
Gioan bị giết vì dám
phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp
giữa Hêrôđê với bà
Hêrôđia là vợ của Philíp,
người anh cùng cha
khác mẹ với mình.
Chuyện ngoại tình của
Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.
“Ngài không được phép
lấy bà ấy” (c. 4).
Lấy vợ của người anh
em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).
Gioan là một ngôn sứ
không lùi bước trước sự bất công.
Ông đã sẵn sàng bênh vực
sự thật, dù ông biết cái giá phải trả.
Hêrôđê đã dùng quyền lực
để ép Gioan phải im miệng.
Ông bắt Gioan, xiềng lại
và tống vào ngục.
Chỉ vì sợ phản ứng của
dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.
Bữa tiệc sinh nhật của
Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.
Chuyện cô công chúa
như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,
là một chuyện lạ,
nhưng vẫn có thể đã xảy ra.
Không rõ vì cô xinh đẹp
hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).
Từ đó Hêrôđê không còn
đủ sáng suốt, tỉnh táo,
khi vội vã đưa ra một
lời hứa kèm theo lời thề với cô.
Cô muốn xin gì, nhà
vua cũng thề hứa ban cho (c. 7).
Chúng ta thấy Hêrôđê
đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.
Ông đã không lường được
hậu quả của chuyện đó.
Hêrôđia chỉ chờ cơ hội
này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.
Bà đã xúi con gái xin
ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm.
Hêrôđê hẳn đã lặng người
khi nghe cô bé xin điều ấy.
Ông lấy làm đau buồn
vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9).
Ông bị đặt trước một
chọn lựa: giết hay không giết Gioan.
Đám đông quan khách tạo
một áp lực vô hình trên ông.
Vì đã lỡ thề hứa trước
mặt họ, nên ông không dám rút lại.
Ông sợ rút lại sẽ bị
mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.
Hêrôđê đã chọn mình,
chọn danh dự và cái ghế của mình hơn.
Ông hy sinh Gioan để
giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.
Làm sao chúng ta có
can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại ?
Làm sao chúng ta không
bị cuốn từ tội này sang tội khác ?
Rút lại một lời hứa có
khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy.
Hêrôđê là người bị nô
lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…
Đúng hơn là ông sợ mất
chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình.
Có những lúc chợt tỉnh
ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai.
Tôi không dám nhận lỗi,
vì tôi muốn mình vẫn đúng.
Xin Chúa đưa tôi ra khỏi
cơn mê muội của tôi.
Cầu nguyện :
Như thánh Phaolô trên
đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù
lòa
vì ánh sáng chói chang
của Chúa,
để nhờ biết mình mù
lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ
ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng
tối trong con
và đòi buộc con phải
hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp
ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn
con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia
sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến
cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con
hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được
tự do.
Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG TÁM
Tại Sao Thiên
Chúa Cho Phép Sự Dữ Xảy Ra?
Thánh Kinh đảm bảo rằng
“sự ác không lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Điều đó khích lệ chúng
ta xác tín rằng trong kế hoạch quan phòng của Đấng Tạo Hóa, rốt cục sự dữ cũng
‘chịu thua’ sự thiện. Trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh, chúng ta bắt
đầu hiểu hai sự thật này: một là, “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”;
hai là, “Thiên Chúa cho phép điều dữ xảy ra”.
Để hiểu tại sao “Thiên
Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”, chúng ta cần nhớ lại những lời trong Sách
Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết; Ngài cũng chẳng vui gì khi sinh
mạng tiêu vong. Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14).
Để hiểu tại sao Thiên
Chúa cho phép sự dữ xảy ra giữa những sự vật thể lý, rất cần nhớ lại rằng vật
chất thể lý – trong đó có thân xác con người – là những thứ dễ hư nát và tiêu
vong. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng điều này ảnh hưởng đến chính cơ cấu của bản
tính vật chất của các tạo vật này. Nhưng điều này hoàn toàn lô-gíc. Thật khó mà
hình dung rằng các thụ tạo vật chất có thể tồn tại mà không bị giới hạn trong
tình trạng hiện hữu của thế giới vật chất chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể hiểu
rằng nếu “Thiên Chúa không làm ra cái chết” – như Sách Khôn Ngoan khẳng định –
thì đồng thời Ngài vẫn cho phép cái chết xảy ra, trong viễn tượng của sự tốt
lành phổ quát của toàn vũ trụ vật chất.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/8
Thanh Alphongsô Maria
Liguori
Giám mục tiến sĩ Hội
Thánh
Gr 26, 11-16.24; Mt
14, 1-12.
LỜI SUY NIỆM: “Thời ấy, tiểu
vương Hêrôđê nghe danh Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: Đó chính
là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép
lạ.”
Vua Hêrôđê chỉ mới nghe Danh Chúa Giêsu, chứ chưa một lần gặp được Người, thế
mà ông đã liên tưởng đến Gioan Tẩy Giả, một vị ngôn sứ mà ông đã giết chết, bởi
vì Gioan đã không ngần ngại quở trách ông về hai tội mà điều luật Do-thái cấm: ly
dị vợ không có lý do vá cưới em dâu mình. Mặc dầu bên ngoài không ai lên án và
kết tội Hêrôđê; nhưng chính trong ông, có tiếng nói của lương tâm, tiếng nói
này luôn nhắc nhở ông.
Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa cho chúng con thấy được bốn khuôn mặt: Gioan Tẩy Giả,
một ngôn sứ can đảm mạnh dạn nói lên sự thật; Vua Hêrôđê háu sắc phạm tội;
Hêrôđia dựa vào lời hứa vô ý thức của Hêrôđê, có cớ trả thù, giết chết Gioan Tẩy
Giả và cô con gái của Hêrôđia một công chúa trở thành vũ nữ mua vui cho quan
khách. Xin cho chúng con biết cam đảm chọn lựa cho mình một lối sống đạo đức đẹp
lòng Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-08
Thánh ALPHONSÔ
LIGUORI
Giám mục, Tiến Sĩ Hội
Thánh (1696 – 1787)
Thánh Alphongsô Maria
Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng
trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước
như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại
độ.
Trong khi đó người mẹ
rất đạo hạnh nghĩ rằng: – Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu
không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.
Như vậy ân phúc kỳ diệu
nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng
Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một
con người có chí. Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong
trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua
cuộc chơi và giận dữ đến độ trở nên sỗ sàng. Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và
nói: – “Chúa không muốn tôi được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng
Ngài”
Thế rồi Alphongsô biến
mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài và gặp Ngài đang quỳ cầu nguyện trước
tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn xấu xúc động nói : – “Tôi đã làm phiền
một vị thánh”.
Alphongsô thành công rất
sớm trên cùng đời. 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn
dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một
tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu
quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn.
Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt
lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ
đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.
Thất bại Alphongsô rất
đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: “Đây
không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao …? Bỏ nghề, Ngài nói : – “Oi thế
gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa”.
Ngài tìm đường sống và
dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân
trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: – “Ngươi làm gì ở thế gian này ?”
Nhìn chung quanh Ngài
không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng
kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục.
Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:- “Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi
con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự
Chúa”.
Nghe tin này cha Ngài
giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao ? Ngài đã trả lời rằng:
đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý
định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.
Thánh nhân rao giảng
khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào
một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ,
nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết
thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa”.
Suốt đời, thánh Alphongsô
không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân
chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm
của một linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng
Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng
đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người
bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2
năm 1749.
Năm 1548 thánh nhân xuất
bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt
trong nhiều thành quả tức thời.
Năm 1762 Đức Clementô
XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng
đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được
đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời,
thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu
trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện.
Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”.
Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.
(daminhvn.net)
01 Tháng Tám
Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng
Trong một thị trấn
nhỏ bên Liên Xô. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Ðã
lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại cư ngụ
trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm một lần.
Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi người chuẩn
bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải đáp.
Khi ông đến nơi, sự
căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng đang trong tư thế
giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong phòng họp, vị giáo
trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi lâu, ông bỗng
ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo trưởng lại cất
tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo ông… Mọi người tưởng
nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói lên những lời vàng ngọc.
Nhưng không, trái với
sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt
lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi bục giảng và
bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa cũng bước
ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp chân lôi kéo
mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà họ đã chuẩn
bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân, cùng nắm
tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm thông, hiệp
nhất…
Khi các điệu vũ đã
chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới
lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: “Tôi tin chắc
rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em”.
Cô đơn là nguyên nhân
gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu
muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác…
Có những người bị người
khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn.
Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết,
là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều
thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất
lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi
mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người
cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người
ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình
để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu
tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ
người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt
cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận
lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi
những ưu tư, lo lắng của mình…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét