13/07/2020
Thứ Hai tuần 15
thường niên
BÀI ĐỌC I:
Is 1, 10-17
“Các ngươi hãy tắm rửa, hãy dẹp
khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa”.
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Hỡi các hoàng tử Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân Gômôra, hãy lắng tai
nghe luật Thiên Chúa chúng ta. Chúa phán: “Muôn vàn hy lễ có ích lợi gì cho Ta?
Ta đã chán chê và không còn ưa thích những của lễ toàn thiêu bằng chiên đực, mỡ
các súc vật béo, máu bò đực, chiên con và dê đực.
“Khi các ngươi đến trước mặt Ta, ai kiểm soát các vật ấy nơi tay các
ngươi, để các ngươi đi vào hành lang của Ta? Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng
cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các
ngày đầu tháng, các ngày Sabbat và các ngày lễ trọng khác. Những cuộc hội họp của
các ngươi đều là gian ác.
“Tâm hồn Ta chán ghét những ngày trăng mới và các lễ trọng của các ngươi.
Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta, Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi. Và khi các
ngươi giơ tay các ngươi lên, thì Ta quay mặt đi. Khi các ngươi càng cầu nguyện,
thì Ta càng không nhậm lời, vì tay các ngươi vấy đầy máu.
“Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu
xa; đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu
giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người
goá bụa”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 8-9.
16bc-17. 21 và 23
Đáp: Ai đi đường
ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng:
1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của
ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng
không nhận từ đàn chiên ngươi những con dê đực. – Đáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói
về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau
lưng? – Đáp.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta cũng giống
như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời
khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn
Thiên Chúa cứu độ. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự
sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 10, 34 –
11, 1
“Thầy không đến để đem hòa
bình, nhưng đem gươm giáo”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy
đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem
gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với
mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người
nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào
yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác
thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống
mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được
nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón
tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri,
thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với
danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ
nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với
danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần
thưởng đâu”.
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người
rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông. Đó là lời
Chúa.
Suy Niệm : Chúa Sẽ Ðền
Bù
Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa.
Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối
từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem
là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch
giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên
Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ
chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất
mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền
bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần
thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng
dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành
cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng
hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ
cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng
và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến
những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy
sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại
hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ,
nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần
thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.
Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội
bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những
việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng
vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 15 TN2
Bài đọc: Isa 1:10-17; Mt 10:34-11:1
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Luôn sống như đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa.
Một sự thật về Thiên Chúa mà con người cần ý thức: Ngài ở khắp mọi nơi;
vì thế, không có một việc làm nào của con người qua khỏi ánh mắt của Thiên
Chúa. Đây cũng là niềm tin của người Việt-nam khi nói: “Trời cao có mắt.” Vì có
mắt nên Ngài nhìn thấy mọi sự, ngay cả những sự bí mật trong tâm hồn, và Ngài sẽ
trả ơn hoặc báo oán con người xứng với việc họ làm. Trong thực tế, nhiều lần
con người quên thực tại quan trọng này, họ nghĩ họ có thể giấu Thiên Chúa, nên
cũng cư xử với Ngài như cư xử với những con người khác.
Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người hãy luôn biết sống như
đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhắc nhở
cho con cái Israel biết phản ứng của Đức Chúa khi nhìn họ tới dâng lễ vật lên
cho Ngài. Người tay sạch lòng thanh sẽ được Ngài đoái nhận và chúc lành; người
tay vấy máu và hai lòng sẽ chỉ gây kinh tởm cho Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
khuyên nhủ các môn đệ luôn biết sống theo sự thật, cho dù có phải chịu ghét bỏ,
truy tố, và tiêu diệt. Hãy làm mọi sự cho tha nhân như đang làm cho chính Ngài,
vì Ngài sẽ thưởng công xứng đáng tất cả việc làm đó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giá trị bên trong hơn là hình
thức bên ngoài.
1.1/ Thiên Chúa chán ngán những giả dối bên ngoài: Con người muốn
che đậy tội lỗi và ác tâm bên trong bằng những hình thức vồn vã và săn đón bên
ngoài. Họ chỉ có thể làm những điều này với con người, vì con người không thể
nhìn thấu những gì họ suy nghĩ bên trong; nhưng họ không thể đánh lừa Thiên
Chúa, vì Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn họ.
Ngôn sứ Isaiah tố cáo các nhà lãnh đạo Israel khi họ tới dâng của lễ cho
Thiên Chúa. Ngài đã chán ngấy những lễ vật toàn thiêu béo tốt họ dâng. Họ đánh
lừa chính họ, vì họ nghĩ Thiên Chúa không biết những tội ác họ làm, hay họ nghĩ
Ngài cũng giống như vua chúa, cứ việc hối lộ những của béo tốt là mọi chuyện sẽ
êm đẹp. Họ nghĩ khi họ vất vả đến Đền Thờ dâng của lễ là làm lợi cho Thiên
Chúa. Ngôn sứ nói rõ sự khó chịu và chán ghét của Thiên Chúa khi cứ phải nhìn
loài người đóng kịch, để lừa dối Thiên Chúa: Đức Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của
các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta
đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!”
Họ quên đi tất cả của cải trong thế gian này là của Thiên Chúa. Họ có
dâng lễ vật cũng là lấy của Ngài ban mà dâng. Họ có đến dâng lễ cũng là do lợi
ích cho chính họ chứ chẳng thêm gì cho Thiên Chúa. Đối với những người này, những
lễ vật họ dâng sẽ không được chấp nhận, lời cầu của họ sẽ chẳng được lắng nghe,
tội lỗi đã phạm chẳng những không được lắng nghe mà còn chuốc thêm tội đánh lừa
Thiên Chúa. Ngài tỏ rõ cho họ biết: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt
mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì
tay các ngươi đầy những máu.”
1.2/ Thiên Chúa trân quí những cao đẹp trong tâm hồn: Để được Thiên
Chúa chấp nhận và lắng nghe, con người cần sống thành thật mối liên hệ giữa họ
với Thiên Chúa và với tha nhân. Trước khi đến Đền Thờ dâng lễ vật, họ phải
thành tâm thống hối mọi tội lỗi đã phạm, họ phải hòa giải các nỗi bất hòa giữa
họ với tha nhân.
Sống công bằng là điều kiện căn bản cho mối liên hệ giữa họ và Thiên
Chúa: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử
công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thời nào cũng có những người đối xử
bất công với tha nhân vì tham lợi nhuận. Họ lợi dụng quyền hành để áp bức người
cô thân cô thế, nhất là những cô nhi quả phụ. Họ dung túng những kẻ làm điều ác
vì đã nhận quà hối lộ hay muốn được thăng quan tiến chức.
2/ Phúc Âm: Đòi hỏi của Thiên Chúa không luôn
phù hợp với sở thích của con người.
2.1/ Chiến tranh và hòa bình: Danh từ “mákairan” có hai nghĩa: gươm
giáo và chiến tranh. Nghĩa “gươm giáo” không thích hợp ở đây, nên dùng “chiến
tranh” như là tương phản của “bình an.” Câu hỏi được đặt ra là tại sao “Hoàng Tử
Bình An” như lời ngôn sứ Isaiah đã loan báo lại đem chiến tranh?
Thưa vì tư tưởng và cách thức của Thiên Chúa khác với tư tưởng và cách của
con người:
Thế gian không chấp nhận sự thật: Nói và sống theo sự thật sẽ gây chia rẽ
trong nhà, vì không phải tất cả mọi người đều muốn nói và sống theo sự thật. Ví
dụ: Bố mẹ ngăn cản không cho con kết hôn với người ngoài đạo vì sợ con xao lãng
việc giữ đạo. Bố mẹ ngăn cản không cho con đi tu vì muốn có người nối dõi tông
đường và hầu hạ. Vợ không muốn chồng bắt con đi nhà thờ vì muốn con đi chùa…
Trong những tình cảnh như vậy, một người có nên quyết liệt sống theo sự thật
hay im lặng đồng lõa để gia đình được bình an?
2.2/ Tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Xung đột xảy ra không phải chỉ trong
tư tưởng, nhưng còn trong lối sống của người môn đệ. Ngài đòi con người phải sống
theo tiêu chuẩn của Nước Trời trong khi con người chỉ muốn an phận với những
tiêu chuẩn sống của thế gian. Ví dụ: Chúa đòi con người:
– Phải đặt Chúa trên hết mọi sự: cha mẹ, vợ con, anh chị em trong khi có
cha mẹ hay vợ/chồng đòi phải đặt họ trên hết.
– Phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa vì: “Ai tìm giữ mạng sống
mình thì sẽ mất; ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được;” trong khi
trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống đặt cá nhân trên hết.
– Phải tiếp đón các người làm việc cho Chúa: các tiên tri, các người công
chính, các môn đệ thì sẽ được dự phần vào các phần thưởng họ sẽ được; trong khi
những loại người này không luôn được tôn vinh dưới con mắt của người thế gian!
– Phải giúp đỡ người nghèo vì làm cho họ là làm cho chính Chúa; trong khi
người thế gian chỉ bỏ công giúp đỡ những người sẽ mang lại lợi nhuận cho họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Con người sống theo hình thức bên ngoài nhưng Thiên Chúa chú trọng đến
những nét đẹp trong tâm hồn. Chúng ta hãy cố gắng sống như đang ở trước tôn
nhan Thiên Chúa.
– Sống theo sự thật sẽ giúp chúng ta luôn sống như đang ở trước mắt Chúa,
cho dù sống theo sự thật sẽ bị người đời chê ghét, lừa đảo, truy tố và tiêu diệt;
nhưng người môn đệ của Chúa không thể sống khác hơn.
– Thách đố của chúng ta: Chúng ta có dám chấp nhận đau khổ để nói và sống
theo sự thật?
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
13/07/2020 – THỨ HAI TUẦN 15 TN
Th. Hen-ri-cô
Mt 10,34-11,1
TÍNH HIẾU KHÁCH TÔNG ĐỒ
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được
lãnh phần thưởng của bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy
là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.” (Mt
10,41)
Suy niệm: Người Việt chúng ta vốn hiếu khách. “Khách đến nhà
không gà thì vịt”. Nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường mở cửa hiện nay, chỉ
tiêu thu nhập đã ít nhiều ảnh hưởng đến tính hiếu khách cao quý này. “Tây ba
lô” còn chẳng mấy ai muốn tiếp, huống chi là … “Ta khố rách”. Đặc biệt trong lịch
sử Giáo Hội, kết quả của việc rao giảng Tin Mừng qua các thời đại tuỳ thuộc rất
nhiều vào việc đón tiếp này. Trong đời thường, Chúa mời gọi chúng ta hãy mở rộng
cửa nhà đón tiếp nhau, nhưng trước tiên, phải biết mở rộng tấm lòng. Tiếp đón
nhau tức là biết chấp nhận nhau, chấp nhận những cái khác nhau giữa người với
mình, chấp nhận hy sinh cái riêng vì ích lợi chung. Nhớ rằng trong đời sống
Giáo Hội, mọi người đều là ngôn sứ mà chúng ta phải đón tiếp.
Mời Bạn: Nhà ở của Bạn đã biết bố trí sao cho người khác dễ
lui tới không? Con chó Bạn đang nuôi có dữ dằn quá, làm cho khách đến nhà phải
khiếp sợ không? Những cái nho nhỏ đó làm nên đời thường của Bạn và nói lên tính
cách tiếp đón của Bạn. Bạn đừng ngại, chúng ta còn thời gian để khắc phục…
Sống Lời Chúa: Hãy khám phá đâu là “chén nước lã” bạn có thể trao
cho nhau mỗi ngày và đừng trì hoãn việc trao tặng đó.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà
không cho ăn, khát mà không cho uống, rách rưới mà không cho mặc, đau yếu tù
đày mà không viếng thăm…” và chúng ta hãy lắng tai nghe Chúa trả lời.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Không xứng
với Thầy
Suy niệm:
Văn Cao là một nhạc
sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một
thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài
thơ ngắn Không Đề như sau:
“Con thuyền đi qua
để lại sóng.
Đoàn tàu đi qua để
lại tiếng.
Đoàn người đi qua để
lại bóng.
Tôi không đi qua
tôi để lại gì ?”
Ông muốn để lại
chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng
mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những
gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không
làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều
Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những
vần thơ này ?
Có những giá trị hầu
như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị
thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội
Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê
phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người
cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con
người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện
Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Trước những giá trị
thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu
con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của
mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu
đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn
đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
vì đó là những giá trị
thiêng liêng cao quý.
Nhưng Ngài không chấp
nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt
Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ
coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa
các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng
đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài
hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng
với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống
của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại
được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).
Đức Kitô là ai mà đòi
chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là
hiện thân của chính Thiên Chúa?
Đừng quên chính Ngài đã
mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua
tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại
cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.
Xin làm được điều
thánh Biển Đức dạy:
“Phải tuyệt đối không
coi gì trọng hơn Đức Kitô.”
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa
thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự
khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa
thật bao la,
để cả mặt đất cũng
chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa
thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi
khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh
mẽ,
để không nỗi thất vọng
nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy
ắp,
để ngay cả một ước muốn
nhỏ
cũng không còn có chỗ
trong con.
Xin làm cho con thật lặng
lẽ,
để con chỉ còn loan
báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con
thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang
sống.
Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG BẢY
Sự Tự Do Của Con
Người Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa
Ở đây, khi đối diện với
kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm
lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành động
của Thiên Chúa và những quyết định của con người.
Chúng ta biết rằng sự
tự do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng
cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị
làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của
con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của những
gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma mô tả sự
tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự khôn ngoan
xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng Luận Thần Học
I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự hướng dẫn này,
và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).
Qua con người – được tạo
thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần
Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng.
Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê
và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển
thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực
mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định
trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là điều
kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV các số
35,43,57,62).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/7
Thánh Henricô
Is 1, 10-17; Mt 10,
34-11,1.
LỜI SUY NIỆM: “Ai yêu cha
yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì
không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với
Thầy.”
Với Chúa Giêsu: Chúa
Cha là trên hết mọi sự đối với Người, những ý định của Chúa Cha là lương thực đối
với Người, Người hằng yêu mến và vâng phục Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh sống của
mình, và Người thể hiện tình yêu Thiên Chúa Cha qua sự hy sinh, phục vụ và đã tự
hiến mình để đem lại sự cứu rỗi con cho tất cả mọi con người sống trên trần
gian này. Giờ đây Người cũng đang mời gọi mỗi người tín hữu cũng sống đối với
Người như Người đã sống với Chúa Cha và sống hết mình với những người thân cận.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con được ngày càng yêu mến Chúa và biết chấp nhận đón lấy thập giá của
mình, bước đi theo Chúa cho đến trọn đời.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
13-7: Thánh HENRI
(973 – 1024)
Thánh Henri sinh năm
972. Cha Ngài là Henri bá tước xứ Bavière. Mẹ Ngài là Gisèle, con gái của
Conrad, vua miền Bourgogne. Để bảo đảm cho việc giáo dục con cái, Ngài được mẹ
giao phó cho các thầy dòng ở Mildeshim, miền Saxe, rồi sau đó cho thánh
Wolfgang, giám mục Ratisbonne.
Nhưng thật rủi ro,
trong một năm, Henri đã chịu hai cái tang cha và thầy.
Thánh Wolfgang từ trần
ngày 30 tháng 10 năm 994 và vua Henri từ trần ngày 28 tháng 12 năm 994. Tuy
nhiên ở bên kia thế giới các Ngài dường như không ngừng săn sóc Henri. Một truyền
thuyết kể rằng: Henri đã mơ thấy thánh Wolfgang hiện ra viết trên tường nhà thờ
hai chữ “còn sáu”. Tỉnh dậy, Henri nghĩ rằng mình chỉ còn sống được sáu ngày nữa.
Ngài vội vã bố thí rộng rãi để chuẩn bị ra trước tòa Chúa. Nhưng rồi hạn định
đã qua Henri vẫn sống. Vị bá tước nghĩ rằng Ngài còn sáu tháng để làm việc
lành. Sáu tháng trôi qua Ngài vẫn sống. Lần này Ngài nghĩ thời hạn kéo dài 6
năm và cố gắng sống hoàn hảo hơn nữa. Sau 6 năm trong trường nhân đức ấy, Henri
bỗng được chọn làm hoàng đế nước Đức -Roma.
Trước khi lên ngai
hoàng đế, Henri đã kế vị người cha từ trần, lên làm bá tước miền Bavière. Các
lãnh Chúa thân thiết với Ngài. Dân chúng cũng cảm mến Ngài sâu xa. Họ ao ước bá
tước trẻ của mình lập gia đình. Nhưng Ngài đã hứa với Chúa sẽ sống độc thân. Vì
vâng lời mẹ và dưới áp lực của các lãnh Chúa. Ngài nhận cưới Cunégonda, một thiếu
nữ trong số 11 người con của công tước miền Luxembourg.
Nàng có sắc đẹp mặn mà
và nhiều đức tính làm cho mọi người mến phục. Sau các lễ nghi cưới hỏi, lúc về
chốn riêng tư, Henri mở lời với người bạn đời: – Em yêu, anh không muốn em
không hay biết rằng anh đã thề với Chúa sẽ hiến dâng hồn xác phụng sự Ngài, và vì
tình yêu Chúa Giêsu Kitô, anh muốn tiếp tục hoàn toàn.
Và Cunégonde vui sướng
trả lời: – Chúa công của em, lời khấn hứa, em cũng đã hứa rồi. Thật hạnh phúc,
chúng ta có thể trung thành với những ước nguyện của chúng ta.
Đó là đám cưới tinh
tuyền của Henri và Cunégonde. Hoàng đế Henri lên ngôi và được Đức Giám mục
thành Mayence xức dầu phong vương năm 1002. Mấy hôm sau hoàng hậu Cunégonde
cũng được truy phong và đội triều thiên ở giáo đường Paderbonne. Với tính tình
vui vẻ, bình dân và đầy lòng bác ái, hoàng đế rất được dân chúng mến chuộng.
Nhưng đế quốc Đức – Roma lúc ấy đang thời suy vong và tình hình rất phức tạp.
Vì thế việc đầu tiên của hoàng đế là lo giải hoà các cuộc tranh chấp. Trước hết,
Ngài nhường quyền bá tước miền Bavière chi Henri, người Luxembourg.
Tuy nhiên có thể nói rằng:
suốt đời hoàng đế, Ngài luôn phải lo vãn hồi trật tự trong đế quốc. Ngay khi
lên ngôi hoàng đế, Ngài mang quân sang chinh phục đất Ý, là nơi Arduin tự phong
làm vua, tách rời khỏi đế quốc. Dẹp tan đối phương ở biên giới, gần núi Alpes,
Ngài đã được dân chúng tưng bừng đón rước. Đức Tổng Giám mục Milanô phong vương
cho Ngài tại Pavie. Trở về nước Ngài lại phải đối phó với Boleslaw, xứ Balan. Mấy
năm sau, Boleslaw bị quân nhà vua đánh tan và Jarômia lên quản trị xứ Balan.
Bất đắc dĩ, vua Henri
mới phải dùng đến binh lực, nhưng Ngài luôn tỏ ra nhân từ. Chẳng hạn Hermann vì
muốn tiếm ngôi, đã đốt phá thành Strabourg. Trước lời khuyên nên trả thù thành
phố dung dưỡng Hermann, hoàng đế trả lời: – Thiên Chúa trao quyền tối thượng
cho ta, không phải là mang đến quanh ta những sát nhân và cướp bóc, nhất là
không phải để cho ta phải thiệt mất linh hồn.
Lời này đến tai
Hermann và ông ta hối cải.
Hoàng đế Henri bảo vệ
Đức giáo hoàng Bênêditô chống lại đức giáo hoàng giả. Nhờ Ngài. Đức giáo hoàng
nghĩ tới một Giáo hội trần thế, đã trao cho Ngài một trái cầu bằng vàng có cắm
thánh giá để biểu trưng quyền hạn trao phó của Ngài, lo cho vương quyền Chúa
Kitô phổ biến khắp muôn dân. Trở lại quốc gia, Ngài vội lo dẹp loạn ở
Lombardie. Rồi với nhiệt tình, Ngài đã viếng tu viện Cluny. Ơ đó cầu nguyện lâu
ngày và tặng cho tu viện món quà của Đức giáo hoàng.
Hoàng đế sống trong
cung điện như trong tu viện và chỉ nghĩ tới hòa bình và đức ái. Ngài góp phần cải
hóa dân Hungarie bằng việc gả em gái mình cho vua thánh Stêphanô. Để gây thuận
hòa giữa các dân tộc, Ngài thực hiện cuộc gặp gỡ vua Robert nước Pháp. Đối với
Giáo hội, Ngài lo trùng tu các thánh đường, giúp đỡ các giám mục. Đặc biệt hơn
cả, Ngài đã thành lập giáo phận Banberg và chính tại nhà thờ chính tòa giáo phận
này Ngài sẽ được mai táng.
Trên ngôi hoàng đế,
Ngài luôn trung thành với lý tưởng. Giữa muôn công việc bề bộn, Ngài luôn dành
thời gian cho việc cầu nguyện. Tương truyền rằng ao ước lớn lao nhất của Ngài
là được sống trong tu viện. Lần kia, Ngài tới thăm tu viện thánh Vanne ở
Verdun. Ngài đã xin với chân phước Richasd, tu viện trưởng nhận Ngài làm tu sĩ.
Đức Đan viện phụ nói rằng: chỗ an toàn của vị hoàng đế là ở trên ngai tòa hơn
là ở trong tu viện. Khi thấy vị hoàng đế khẩn nài, Đức Đan viện phụ hỏi: – Ngài
có sẵn sàng thực hiện đức vâng lời cho đến chết không ?
Hoàng đế Henri cương
quyết trả lời: – Con sẵn sàng.
Đức Đan viện phụ liền
nhận Ngài như một tu sĩ của dòng và nhân danh đức vâng lời, truyền cho Ngài cai
quản đế quốc để hiến thân tìm vinh quang Chúa và ông cứu rỗi cho thần dân.
Ngày 15 tháng 7 năm
1024 hoàng đế Henri từ trần, ai khi đã dùng trọn sức lực để xây dựng một đế quốc
theo tinh thần Kitô giáo.
(daminhvn.net)
13 Tháng Bảy
Niềm Vui Và Kho Tàng
Theo một bảng thống
kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium.
Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng
như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn
dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và
vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng
không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây
chết.
Người Ai Cập thời cổ
tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho
hai câu hỏi: “Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho
người khác không?”. Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho
hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời của
con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ
trong cuộc sống này.
Một ngày kia, người
ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng
vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: “Tôi không
thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về
Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước
ngòi bút của tôi”. Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người
của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi
vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.
Trong quyển sách có tựa
đề “Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần”, Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Ðức
Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm
vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho
người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui
là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của
niềm vui”.
Nhưng niềm vui không
phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo
niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm
vui càng lớn mạnh.
Mỗi ngày chúng ta van
xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người “vui
lòng”, nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn
người khác “vui lòng” để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm
cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia
sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những
chịu đựng vui tươi của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét